Lại nhắc tới Nữ Thần Y hằng ngày ở trong phủ thượng thư chờ người đến giải cứu…
Từ sau khi nhận được mấy câu thơ viết trên lồng đèn chỉ thiên, Dương
Tiêu Phong đã tới dinh thượng thư bộ hộ mấy lần nhưng lần nào Cửu Dương
cũng không nể mặt ra tiếp khách. Dinh thự của thượng thư bộ hộ được
binh sĩ canh gác rất nghiêm ngặt, hơn nữa Cửu Dương lại giỏi võ công
thành thử Dương Tiêu Phong càng không thể lẻn trong vào cứu người, trong lòng vì vậy mà rối như tơ vò.
Vào năm Khang Hi thứ tư, trước tết Nguyên Đán khoảng một tuần thiệp
thành hôn được Cửu Dương phát ra khắp kinh thành. Đến ngày mồng một tết khách mời đến dự đầy đủ, tam mệnh đại thần cũng có mặt ở đó vì Ngao Bái là chủ hôn.
Tiệc cưới tổ chức ở dinh thượng thư vừa được ban của Cửu Dương. Khi Ngao Bái đến nơi, trước cổng đã đậu đầy những xe sang ngựa quý. Tiếng cười
tiếng hát xen lẫn tiếng nói năng vang ra khắp cả chính sảnh giống như là một đại dương hoan lạc, ai nấy cùng tưng bừng hỉ hả.
Át Tất Long ngồi ở bàn tiệc dành cho thượng khách, tay cầm chung rượu nữ nhi hồng, quan sát diện mạo của tân lang một hồi rồi quay sang nói với
Tô Khắc Táp Cáp:
- Tô đại nhân à, ông xem chừng tân lang kìa, hôm nay mặt mày hắn có nét hớn hở hồng hào quá đó phải không?
Ngồi cạnh Át Tất Long, Tô Khắc Táp Cáp cười cười vun vào:
- Đương nhiên là hắn ta phải vui chứ sao không? Hắn và tiểu sư muội của hắn, hai người họ coi như là… đại hiệp sánh vai với giai nhân, quả tình rất xứng lứa vừa đôi. Họ khổ tận cam lai giờ đây kết duyên vợ chồng,
chúng ta phải nhiệt tình chúc mừng mới được!
Tô Khắc Táp Cáp vừa dứt lời nhiều vị khách mời ngồi ở bàn tiệc lân cận liền đứng dậy nâng ly lên nói:
- Chúc mừng!
- Chúc mừng!
Cửu Dương sớm đã đỏ bừng cả mặt vội đứng dậy kêu cầu:
- Các vị đã quá lời rồi…
Sau đó cũng uống cạn chung rượu rồi cảm thán nói:
- Đa tạ các vị đã đến dự tiệc cưới của Lí Tài. Vô tửu bất thành lễ, cho nên tôi từ sớm đã chuẩn bị các loại rượu hảo hạng, mời các vị thưởng
thức các loại mỹ tửu, mời Ngao đại nhân thượng tọa.
Ngao Bái vui vẻ nói:
- Được! Được – Nói xong thong thả ngồi xuống ghế chủ tọa.
Một vị quan tam phẩm cười nói:
- Tốt lắm, vì hôn sự viên mãn của thượng thư đại nhân, hôm nay tất cả chúng ta phải uống cho say.
Nhiều người khách gật đầu nói:
- Đúng vậy! Ai mà không say là không được phép ra về đó nhé!
---oo0oo---
Vài thời thần nữa trôi qua, đúng giờ lành, tân lang định kêu bà mai vào
mời tân nương tử ra bái đường thì bỗng từ ngoài cổng có tiếng binh sĩ hô lớn:
- Có khách đến!
Và tiếng quản gia nhiệt tình:
- Xin mời vào trong.
Cửu Dương thấy Lôi Kiến Minh dẫn theo ba người tùy tùng mang quà lễ tiến vô chính sảnh cung kính làm động tác chào. Sự xuất hiện của Lôi Kiến
Minh khiến cho tất cả các vị khách trong chính sảnh không hẹn mà cùng
trố mắt ngạc nhiên, ai nấy cũng đều hồi hộp lắng nghe, mắt trân trân ngó ba chiếc mâm đỏ chứa quà cáp.
Lôi Kiến Minh bước lại gần Cửu Dương nói:
- Tham kiến thượng thư bộ hộ và các vị đại nhân - Vừa nói ông lão vừa kính cẩn khom mình vái một cái.
- Tôi và ông… - Cửu Dương chậm chạp đứng dậy, tiếng nói xem chừng như là hoàn toàn bất ngờ - Chưa từng quen nhau, không biết giá lâm tệ xá có gì chỉ dạy?
Lôi Kiến Minh nói:
- Dạ bẫm thượng thư đại nhân, hôm nay lão nô tới đây là do sự ủy thác của chủ nhân nhà tôi…
Lôi Kiến Minh chưa nói dứt, Cửu Dương đã nhíu mày cắt ngang:
- Là ai?
- Dạ là Phủ Viễn tướng quân thưa ngài.
Nghe Lôi Kiến Minh từ tốn đáp, mọi người trong sảnh đều tỏ ra chú ý, họ
chăm chú nhìn ông lão già nua nhưng khí khái có phần bất phàm. Ngao Bái khẽ chồm mình về phía trước một cái.
Lôi Kiến Minh nói tiếp:
- Phủ Viễn tướng quân hay tin đại nhân đây sắp sửa thành thân với sư
muội của ngài nên đã chuẩn bị sẵn ba phần quà lễ, sai lão nô đưa tới
đây.
Chung quanh chính sảnh có tiếng rù rì:
- Không biết là ba phần quà gì đây nhỉ?
Cửu Dương cũng liên tục động não.
Lôi Kiến Minh là một người khẳng khái, không thích vòng vo, ông lão lập tức giải đáp thắc mắc cho tân lang.
- Phần thứ nhất – Lôi Kiến Minh nói đoạn mở nắp mâm lên – Là ngọc phỉ
thúy, cặp phỉ thúy trường thọ này đã được trù trì Tây Tạng làm phép.
Phủ Viễn tướng quân nhờ lão nô nói câu chúc mừng, chúc cho hai vị bách
niên vai hảo, tình cảm nồng ấm, thọ sánh trăm năm.
Cửu Dương nhìn cặp phỉ thúy, phần lõi của khối ngọc, động trí suy nghĩ. Phỉ thúy có xuất xứ từ Miến Điện, thường chỉ là những vệt đốm nhỏ trên
một khối ngọc, có màu xanh. Bản thân chàng đã từng có hàng chục năm chơi đồ ngọc nhưng cũng chỉ được nhìn thấy những món đồ bằng phỉ thúy rất
bé, được làm đồ trang sức như hạt xoàn, mặt nhẫn... chứ chưa từng được
thấy khối phỉ thúy nào lớn như vầy.
- Đây là món quà thứ hai… - Lôi Kiến Minh lại tiếp lời, thanh âm hào sảng vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của Cửu Dương.
Ông lão giơ tay chỉ cây phi đao nhỏ, lưỡi đao mỏng như sợi chỉ, nói:
- Còn lễ vật thứ ba kia, xin mời thượng thư đại nhân đích thân xem coi.
Nói rồi phất tay bảo một tùy tùng tiến đến dâng mâm thứ ba lên trước mặt Cửu Dương.
Cửu Dương giở nắp mâm, thấy trong đó có một bức thư liền mở ra đọc. Một vị quan tứ phẩm đứng cạnh Cửu Dương, sẽ sàng nhón chân, đọc được nội
dung trong thư tức thì quay sang thì thầm với những người khách khác:
- Vậy tức là muốn khiêu chiến với thượng thư đại nhân rồi…
Sảnh đường liền xôn xao, một vị khách hỏi:
- Viết thư khiêu chiến sao? Chẳng lẽ muốn giành lấy tân nương đây sao?
Người khách thứ hai đanh mặt:
- Nói càn!
Người khách thứ ba phẫn nộ nói:
- Rõ ràng có ý không muốn tác thành cho cuộc hôn nhân này, còn tặng phỉ thúy trường thọ làm gì chứ, thật là dư thừa mà!
Một người khách nữa bĩu môi nói:
- Đúng rồi, tặng phỉ thúy trường thọ vào ngày tết nhất sau đó hạ chiến thư, thật là thâm hiểm mà!
Nhận xét một hồi không nghe Cửu Dương đối đáp gì với Lôi Kiến Minh hết, các vị khách mời trố mắt nhìn nhau nói:
- Thượng thư đại nhân ngài ấy đang suy nghĩ gì vậy nhỉ?
- Có tiếp nhận chiến thư không nhỉ?
- Thượng thư đại nhân có lẽ hơi bất ngờ nên chưa thích nghi được mà
thôi, đợi đến khi bình tâm lại rồi có khi còn sung sướng quá nữa ấy…
Nhưng thật tình Cửu Dương lòng rối cả lên, không biết đáp sao cho phải
bèn bỏ ngoài tai những lời bình phẩm chung quanh, lướt mắt qua những con chữ trong lá thư ngắn gọn một lần nữa.
Thư viết:
Ngày mười lăm tháng ba năm 1661, thù diệt bang phái, giết tam ca, nhị ca thọ thương, hôn lễ buộc phải hủy bỏ. Năm nay cũng ngày đó mặt trời
mọc qua khỏi đỉnh núi, quyết đấu ở Thiên Sơn.
Bức thư chỉ ghi vỏn vẹn hai dòng, bên dưới đề “khải hoàn tấu,” bên dưới nữa ký biệt hiệu “Tiêu Phong.”
Cửu Dương xem xong nhủ lòng thư này không có đóng dấu ấn soái, rõ ràng
đây là chuyện tư, cho nên tình địch mới không dùng quyền lực áp bức
chàng phải hủy hôn, nhưng tâm ý đoạt nương tử của chàng đã rành rành.
Dương Tiêu Phong ý bảo chàng nếu không thả Nữ Thần Y ra thì trận tỉ vỏ
tháng tới này chàng sẽ phải đến đúng hẹn. Cuộc quyết đấu này chủ soái
đoàn binh Chính Bạch Kỳ chỉ muốn chàng và hắn dùng cách giang hồ giải
quyết chuyện giang hồ thôi.
Cửu Dương không biết phản ứng thế nào, còn đang lắp bắp, Lôi Kiến Minh
đã khom mình xá một cái và đứng thẳng dậy, mỉm miệng cười từ tốn thưa:
- Lão nô thay mặt chủ nhân mang chiến thư tới đây! Thiệp anh hùng cũng
đã phát ra rồi. Thượng thư bộ hộ, chủ nhân tôi nói ngày mười lăm tháng
ba năm này cuộc giao đấu ở Thiên Sơn chờ đợi ngài giá lâm! Ngài nhất
định phải đến đó, vì thù mới hận cũ với chủ nhân tôi, sẽ chờ ngài đi
giải quyết chung một lượt! Lão nô xin cáo từ!
Lôi Kiến Minh dứt lời cùng với đám tùy tùng rời đi. Bỏ lại tân lang và
cả thảy các vị khách trong đại sảnh tròn mắt nhìn theo bóng hình của bốn người bọn họ.