Sử cũ ghi chép: “Năm Thái Minh thứ mười tám, Khương La trải qua một phen đại nạn chưa từng thấy. Tháng Giêng, Hòa An vương qua đời, vùng Đông Bắc rung chuyển, địa chấn lấy mạng hàng nghìn thường dân. Cũng tháng Giêng giặc Mạc tràn qua ải Đồng Tranh, thế chiến giằng co bốn mươi tư ngày, kết quả Khương La giữ được biên cương nhưng tổn thương vô số. Tháng Hai vẫn chiến sự, đầu tháng Ba có bão nhiệt đới, mưa giông tầm tả mười sáu ngày, ngập úng diện rộng. Tháng Tư, Lỗ châu phát dịch sốt rét, rất nhiều trẻ nhỏ và người già bị nhiễm. Tháng Năm, Hoàng hậu mắc bệnh qua đời, Hoàng đế tổ chức lễ tang long trọng. Tháng Sáu, đê Trường Giang có dấu hiệu nứt vỡ, ba châu quanh khu vực đê ra sức gia cố ngày đêm, bảo vệ đồng ruộng. Tháng Bảy, sáu phi tử của vua xuất gia ăn chay, thành tâm hướng Phật, cầu phúc cho con dân. Cũng trong tháng Bảy, dân gian lan truyền tin đồn thất thiệt, nói rằng Ác long xuất thế, gây mưa gió tai họa cho con người. Trẻ em sinh ra có biểu hiện dị dạng, quái thai đều bị bóp chết. Tháng Tám, đê Trường Giang cuối cùng cũng vỡ, phá hoại phần lớn hoa màu ở Bình Châu, Tấn Châu, Giao Châu. Tháng Chín, Đại Thế lợi dụng tình hình trong nước rối loạn, gấp rút tấn công ải Bình Thành, chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh. Tháng Mười, chủ tướng Thẩm Kiệt tử trận, Khương La lần nữa mất ải Bình Thành, lui về Đề Lô trấn thủ. Tháng Mười Một, Thái hậu hoăng trong lúc ngủ, cùng một năm hoàng tộc mất một vương, một hậu, một thái hậu, cả nước vô cùng thương xót, bốn phi tử của vua xin xuất gia niệm Phật, vì Thái hậu siêu độ. Tháng Mười Hai, dân chúng đón tết buồn tẻ, thanh niên trai tráng được lệnh tồng quân, thuế chiến tranh tăng thêm năm đồng, nguy cơ thiếu hụt lương thực do mất mùa đe dọa cái ăn trong năm tới. Triều đình thỉnh cầu Hoàng đế sớm lập tân Hậu, sớm sinh Thái tử để trấn an lòng dân, cũng là xoa dịu cơn giận của ông trời. Thái Minh đế mắng chúng thần tử mê tín dị đoan, lập tức bát bỏ, cấm nhắc tới vấn đề này…”
Ca Dương ở kinh thành sứt đầu mẻ trán, trăm việc quấn thân. Tương Tư trải qua những tháng ngày bầu bì với tâm trạng bất an thấp thỏm. Vài đêm giật mình tỉnh giấc, nàng cảm giác có người nằm bên cạnh, tham lam chút hơi ấm chui vào vòng tay hắn. Đến sáng tỉnh lại, bên giường trống rỗng, tưởng là nằm mơ. Tiểu Mai bưng điểm tâm vào phòng, thấy tiểu thư ngồi ngẩn ngơ thì cười cười nói với nàng:
-Tối muộn bệ hạ có đến, quần áo cũng không thay, trực tiếp ôm tiểu thư tới rạng sáng rồi đi luôn… Tội nghiệp, chắc là ngài nhớ quá!
Tương Tư vuốt ve nửa bên gối đã lạnh, cảm thấy chua xót, bắt đầu hối hận vì lúc trước mình quá bướng bỉnh, không chịu theo chàng về kinh…
Ba tháng đầu mang thai, ngoại trừ hẹ và dầu mỡ thì những thứ khác nàng đều ăn được. Ca Dương đưa đến hai vị đầu bếp giỏi, mỗi ngày họ lại nghĩ ra vài món lạ, ăn rất ngon. Chu Học Lễ vẫn ở lại Sa Đà, hoàng đế giao cho ông chăm sóc nương nương cho tới khi nàng sinh. Cứ cách một ngày Chu thái y lại đến xem mạch, thấy Tương Tư mãi không béo lên thì yêu cầu phòng bếp tiếp tục tăng khẩu phần, chọn thức ăn nhiều đạm. Kể cũng lạ, bụng nàng chưa thấy, sang tháng thứ ba mới nhô lên một tí, chắc chắn không phải thai đôi. Chu Học Lễ cảm giác mạch tượng thật vững vàng, giống như chùm dây leo cắm sâu vào vách đá, mưa gió cỡ nào cũng không rơi xuống được. Nàng ăn nhiều gấp ba lần người bình thường, không có ốm nghén trầm trọng vậy mà cũng không mập mạp lên, thậm chí có dấu hiệu gầy đi! Chả biết chất dinh dưỡng chạy đâu hết rồi? Chu Học Lễ bứt râu suy nghĩ, thai phụ mỗi tháng phải tăng cân theo tiêu chuẩn thì mới khỏe mạnh, cứ tình hình này không khéo bệ hạ sẽ trách phạt ông mất!
Tương Tư cảm giác bữa ăn ngày càng nhiều món, bát cơm cũng phình to ra. Nàng nhún vai không quan tâm lắm, vẫn ngồi ăn từ từ… Tiểu Mai nhìn quen không thấy gì lạ nhưng một lần Lệ Hà đến thăm ngay lúc Tương Tư ăn cơm đã phải trợn tròn mắt, nhìn nàng một cách đầy thán phục. Niệm Nhất len lén hỏi mẹ:
-Mẫu thân, cô cô cứ ăn như vậy liệu sau này nhà mình còn đủ tiền cưới vợ cho chú Tư, chú Năm không?
Thật ra cậu chàng muốn hỏi tiền cưới vợ của mình nhưng mà làm vậy lộ quá, bèn lôi Tịch Tề Kinh Hà ra đỡ đạn. Lệ Hà nhìn đứa con trai lớn, mẹ sinh con làm sao không hiểu nó nghĩ gì. Nàng đút sữa cho con gái nhỏ, nhàm chán trả lời:
-Phía sau cô cô con còn có Quốc khố mà. Chừng nào nàng ăn hết gạo của Khương La thì con hãy lo!
Tháng Hai, chiến sự ở Đồng Tranh vẫn chưa thấy hồi kết, Vĩnh Lạc không có nhà, Thương Miễu một mình mặc áo giáp chạy đi tìm chồng. Hòa An phủ tự nhiên vắng bóng Tam phu nhân cả ngày nói nói cười cười. Tịch Tề đi Bình Châu cũng không trở lại, trong phủ tĩnh lặng hơn, mọi sự chú ý lại đặt vào Lục tiểu thư. Tin tức nàng mang thai đã bị bưng bít, không truyền lung tung ra ngoài. Mọi người chỉ nghĩ Quận chúa đóng cửa để tang cha, ba năm nữa mới tính chuyện lấy chồng. Lệ Hà và Khanh Ca thay phiên nhau chăm sóc nàng. Lệ Hà đã có hai trai một gái, Khanh Ca năm trước cũng mang thai nhưng không may bị sẩy, trong người có bệnh, vẫn phải điều trị trường kì. Đáng buồn cho Chí Tĩnh, hắn cũng mong chờ đứa con đầu tiên lắm, ngần tuổi này mà vợ trước mất, vợ sau sẩy thai, con cái đều chưa thấy bóng. Trong mấy đứa em, Thán Khúc lo lắng cho nhị đệ nhiều nhất, số hắn cũng thật lận đận!
Tương Tư hàng ngày ôm bụng ngồi nhìn ra cửa sổ, bên ngoài không có ao sen, cũng không có tổ chim bạc trĩ mà là vườn lan xinh đẹp có bóng dáng Hòa An vương vun tưới mỗi ngày. “Cha mẹ” trong lòng nàng xưa nay tồn tại bốn người. Kiếp trước Lăng Thuần Mỹ nuôi nàng khôn lớn, yêu thương như con ruột còn người cha hờ – Sở Chính Hàn thì vô cùng lạnh nhạt. Ngày đó nàng cho rằng ông ấy không thương mình, sau này biết sự thật thì lại vô cùng cảm kích. Ít nhất, Sở Chính Hàn đã cho nàng sinh tồn trong hoàng cung Trung Lương, âm thầm che chở đến khi nàng trưởng thành. Tiếc là Sở đế và Lăng tần cuối cùng vẫn không có cái kết tốt đẹp.
Kiếp này cha mẹ ruột là Chu Lạc Trinh và Hạ Hầu Tố Tâm, Tương Tư có cảm giác họ giống hệt Sở Chính Hàn và Lăng Thuần Mỹ ngày xưa nhưng khác ở chỗ nàng được cha nuôi nấng dạy dỗ, còn người mẹ chưa từng thấy mặt chỉ tồn tại trong tưởng tượng mà thôi. Họ có với nhau năm con trai một con gái, hơn mười năm chung sống hạnh phúc. Chỉ tiếc cuối cùng vẫn lỡ làng, muộn màng giống kiếp trước…
Tương Tư mang thai tháng thứ Tư, một ngày nọ Sa Đà đột nhiên đổ mưa. Người ta vẫn nói “năm Thìn bão lũ”, từ đầu tháng Ba nhiều vùng ở Khương La có bão nhiệt đới, mưa tầm tả mấy tuần không dứt làm ngập úng ruộng đồng. Hạn hán có thể gánh nước tưới tiêu nhưng ngập lụt thì không biết tát nước đi đâu. Ở Sa Đà tất nhiên không gặp mưa gió bão bùng đến thế nhưng có nước từ trên trời rơi xuống chính là chuyện lạ. Nhiều người trong vùng hồi tưởng lại, trận mưa cuối cùng cách đây hai mươi ba năm rồi! Dân chúng hân hoan mừng rỡ, người lớn ùa ra đường nhảy múa, trẻ nhỏ tò mò thò tay qua cửa sổ hứng mưa, tự hỏi đây là loại nước gì.
Tương Tư ôm bụng tựa vào khung cửa, mỉm cười nhìn vườn lan được tưới mát, ước gì phụ vương được nhìn thấy cảnh này, chắc ông cũng vui lắm! Nàng xoa xoa cái bụng mới chỉ to lên một vòng. Tiểu Mai đứng bên cạnh nhìn mưa cảm thán:
-Chỗ chúng ta gặp mưa thì mừng mà nơi khác gặp mưa thì khóc. Ông trời đang ngược đãi Khương La, từ đầu năm đến giờ chưa có phút nào yên ổn!
-Bên ngoài đã xảy ra chuyện gì?
-Ấy chết, nô tì lỡ lời! Bệ hạ đã căn dặn tiểu thư đừng lo lắng vô ích, đầu óc phải thanh thản mới dưỡng thai tốt được!
Tương Tư ôm bụng thở dài.
-Ta biết nhưng mà không quan tâm cũng khó…
Nàng nhớ mỗi lần hắn giành giật từng phút trở về thăm mình, cả người đượm mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, mái đầu nhiều hơn vài sợi bạc. Hắn không muốn nói, nàng cũng không hỏi, chỉ có thể dịu dàng cho hắn chút hơi ấm rồi lại tiễn hắn vội vã rời đi. Biết làm sao được, người đàn ông này không thuộc về riêng nàng, trên vai hắn nặng oằn một gánh giang sơn. Tất cả những gì nàng có thể làm là tự bảo vệ bản thân, sớm sinh ra đứa nhỏ béo tròn khỏe mạnh!
Những tháng ngày ăn ngủ như heo dường như dài bất tận, một hôm nọ có người xa phu đưa tới trước phủ một kiện hàng to gửi từ kinh thành về. Hạ nhân trong phủ ì ạch khiên cái thùng gỗ nặng trình trịch vào nội viện của Lục tiểu thư. Sau khi hòm được mở ra thì thấy món đồ kì quái quấn trong vải bông dày, có lẽ thứ này dễ vỡ, dễ trầy xước cho nên phải bảo quản cẩn thận. Tiểu Mai lại phải hì hục đem từng mảng bông gỡ xuống, hình thù của nó dần hiện rõ…
Tương Tư lau khóe mắt hơi ẩm ướt, nhìn chiếc nôi ru xinh đẹp nhất trên đời. Nôi thiết kế thanh gỗ để treo vải mùng, gắn lên đó hình ngôi sao và trăng lưỡi liềm. Chân nôi làm cong để tiện lắc lư, bọc vải dày tránh gây tiếng động. Sườn và khung đều làm từ gỗ lim trơn bóng, khắc hình vịt con gà con. Lệ Hà hết lời khen ngợi, tính mua một cái như vậy cho Tiểu Nga Nhi. Tương Tư ái ngại lắc đầu:
-Bên ngoài chắc không có bán…
Từng hoa văn chạm trỗ đều cho Thái Minh đế vẽ ra, đương nhiên bên ngoài không có bán!
Tương Tư thử lắc lư chiếc nôi, xoa bụng nói thầm với đứa trẻ:
-Cha lại làm nôi cho con này, có thích không? Vài tháng nữa con sẽ được ngủ trong này rồi!
Tương Tư khều nhẹ những món đồ chơi xinh xắn treo lủng lẳng, bắt đầu tưởng tượng con của nàng mở to cặp mắt láu lỉnh, ê a nghịch ngợm như thế nào…
Ở kinh thành, họp hành hội nghị liên miên, lúc nào cũng thấy thư phòng hoàng thượng sáng đèn, tiếng tranh luận cãi vã kịch liệt.
-Đê Trường Giang mỗi năm hao tốn năm vạn hoàng kim tu sửa, bây giờ nói vỡ là vỡ thế nào? Công Bộ Thượng thư, ông giải thích đi!
“Rột… rột…”
-Lý đại nhân, tháng trước ta đi tuần tra thì thấy mọi chuyện vẫn ổn, qua vài ngày đột nhiên xuất hiện vết nứt, làm sao ta biết do ai gây nên? Mà các ngài cũng ngẫm lại xem, đầu năm nay mưa bão hoành hành, mực nước các con sông đều dâng đến báo động đỏ. Đê Trường Giang phải chịu áp lực lớn như vậy, bao nhiêu nguồn đổ về con sông này, không tràn bờ là may!
“Rột… rột… rột…”
-Vậy thì chúng ta phải làm thế nào? Một khi vỡ đê thì Bình Châu, Tấn Châu, Giao Châu sẽ chìm trong biển nước!
“Rột… rột… rột…”
-Theo ta thấy cố cầm cự ngày nào hay ngày ấy. Hoa màu thu hoạch sớm hơn thời vụ, chịu tổn thất một chút còn đỡ hơn mất trắng!
“Rột… rột… rột…”
-Hà đại nhân nói có lý! Những vùng cận đê thì nên sơ tán người dân lên chỗ cao. Phải thành lập một đội quân ngày đêm canh giữ, nhanh chóng vá vết nứt…
“Rột… rột… rột…”
-Đúng vậy, đúng vậy! Còn phải tính cả trường hợp đê vỡ rồi thì làm sao hạn chế thương vong!
“Rột… rột… rột…”
-Các ông nói chí phải, chúng ta viết thành văn bản triển khai từng bước đi thôi!
“Rột… rột… rột…”
-Phải đó, phải đó!
“Rột… rột… rột…”
-Bệ hạ… ngài….
“Rột… rột… rột…”
“Rột… rột… rột…”
“Rột… rột… rột…”
Một đám quan nhân áo mão chỉnh tề ngơ ngác nhìn hoàng đế ngồi ở trên cao. Ca Dương đang chăm chú đẽo một khối gỗ. Tay phải cầm con dao nhỏ, linh hoạt gọt cắt, vụn gỗ rơi xuống đất, bốn cái chân ngựa dần thành hình…
Ninh công công ho khan một tiếng.
-Khụ… khụ… Hoàng thượng, các vị đại nhân đang gọi ngài…
“Rột… rột… rột…”
Ca Dương làm như không nghe thấy, vẫn thao tác đều đặn. Mãi đến lúc chú ngựa đồ chơi hoàn thành tương đối hắn mới đặt dao xuống.
-Trẫm không có điếc, các khanh nói gì trẫm đều nghe hết. Một con đê khi xây lên đều có giới hạn chịu đựng, lỗi kĩ thuật hoặc tu bổ không đầy đủ có thể làm nó xuống cấp. Trường hợp khác là áp lực nước vượt quá giới hạn ban đầu của con đề, lúc này không thể khắc phục mà chỉ có cách xây mới. Tối hôm qua trẫm đã thức cả đêm xem xong sổ ghi chép lưu lượng nước của hệ thống sông Nam bộ, Tây bộ. Đê Trường Giang năm nay nhất định sẽ vỡ, chúng ta không có cách nào ngăn chặn việc này… Chờ qua năm nay, sau khi bão lũ lắng xuống thì sẽ thiết kế lại cấu trúc con đê, nâng lên một trình độ mới. Hiện tại thời gian không kịp, hãy thực hiện những bước hạn chế tổn thất như các khanh vừa bàn bạc. Ngoài ra trẫm kiến nghị xây bờ bao tạm thời, dẫn lũ chia sẻ với nơi khác, bảo vệ tối đa Bình Châu là vựa lúa lớn thứ hai cả nước. Năm sau Khương La có đói kém hay không là dựa vào Bình Châu này!
Triều thần ban đầu hơi bất mãn vì hoàng đế không quan tâm việc nước, sau khi nghe ngài phân tích rạch ròi mới cúi đầu tuân phục. Một đám quan lại kéo nhau rời đi, lúc này Ca Dương lại cầm con ngựa kia lên, nhíu mày chỉnh sửa mấy chỗ chưa ưng ý, sau đó đặt nó bên cạnh mấy chục con ngựa khác… con đang chạy, con đang nằm, con nghỉ chân, con ăn cỏ… phong phú đa dạng, sắp đủ một đội kị binh rồi!
Hắn mỉm cười nhìn những món đồ chơi nho nhỏ dễ thương, tiếp tục quay sang duyệt tấu chương. Ninh công công đứng phía sau quan sát, âm thầm thở dài. Hắn nghĩ, bệ hạ sẽ là người cha tốt!
Một hôm nọ Thái hậu gọi hoàng đế đến Từ Hi cung, nghe nói có chuyện quan trọng. Ca Dương tranh thủ buổi trưa rảnh nửa giờ chạy qua thăm mẹ. Hắn vừa đến là Phượng Loan kéo vào phòng trong, muốn hắn gặp mặt một người.
Bà là Vu nữ ở Miêu Cương, pháp danh Đọa Tằng Soăn Noãn. Vu bà tuổi đã cao, hai mắt hơi mờ, cả người teo hóp như bộ xương khô. Ca Dương vừa thấy cũng hoảng. Thái hậu nhiệt tình giới thiệu, nói ra ý định nhờ Vu bà xem giúp Ca Dương một quẻ.
-Mẫu hậu, người lại mê tín dị đoan rồi!
-Ai gia có chút mê tín nhưng mà không tin không được! Đầu năm nay Trí Viên sư phụ bói một quẻ “đại hung”, kết quả mới ba bốn tháng mà Khương La đã loạn cả lên! Khó khăn lắm ai gia mới tìm được Đọa Tằng bà bà. Dương nhi, xem một quẻ đi, xem một quẻ có chết gì đâu!
Thấy Thái hậu kiên quyết như thế, hắn đành thở dài đi vào phòng. Vu bà ngồi xếp bằng trên chiếu hoa, quần áo kì quái bẩn bẩn. Bà thấy hoàng đế cũng không chào, chỉ nhìn chằm chằm. Ca Dương ngồi xuống phía đối diện, soi mói bà già nửa yêu nửa tiên, có vẻ không tin tưởng lắm.
Đọa Tằng giơ bàn tay xương xẩu ra, huơ trước mặt hắn mấy cái, hai mắt đục ngầu nheo lại. Giọng nói của bà khào khào, bán nam bán nữ:
-Bệ hạ, mệnh của ngài do sao Bắc Đẩu soi sáng nhưng mà năm nay xuất hiện Bội Tinh che đi một nửa… Con đường gặp nhiều chông gai!
Ca Dương điềm nhiên gật đầu:
-Chông gai đời ai chả gặp. Trẫm tin tưởng mình có thể vượt qua!
Đọa Tằng không có ý kiến, tiếp tục nói:
-Ác long trú ngụ dưới tình yêu của ngài, sau hai lần đầu thai bất thành nó sẽ càng hung hãn…
Đọa Tằng dừng lại, nghiêng người về phía trước, kề sát vào Ca Dương, hơi thở của bà có mùi tỏi rất nặng.
-Bệ hạ, không nên giữ đứa trẻ, nó chính là tai họa!
Ca Dương nhìn Vu bà chằm chằm, khẽ mỉm cười:
-Bà nói gì trẫm không hiểu!
-Tất nhiên bệ hạ hiểu… đứa bé đó không nên được sinh ra, trần gian sẽ chịu hình phạt! Từ lúc nó xuất hiện đã gây nên bao nhiêu chuyện ngài có thấy không? Bệ hạ là thiên tử, nên lấy quốc gia làm trọng!
Ca Dương híp mắt, bình tĩnh đối diện mới khuôn mặt dữ tợn đầy vẻ chết chóc của Đọa Tằng.
-Tuyệt đối không thể! Giang sơn do trẫm dựng, nếu con ta muốn phá thì cứ phá thôi! Mặc kệ nó thế nào cũng là cốt nhục của trẫm, không ai được phép động tới!
Đọa Tằng lùi về phía sau, không lo không sợ, khuôn mặt bà trở lại vẻ già nua khô héo.
-Tùy bệ hạ thôi, không phải ta không báo trước, ngài cứ chờ đến lúc nó sinh ra rồi quyết định cũng được!
Ca Dương dứt khoát đứng dậy, bước ra khỏi phòng, cửa vừa mở thì thấy Thái hậu ở ngoài vách nghe lén…
-Mẫu hậu!
-Dương nhi!
Hai người kêu lên cùng một lúc. Phượng Loan sắc mặt trắng bệch, vội vã kéo Ca Dương vào hậu viện, hiển nhiên bà đã nghe hết mọi chuyện. Ấn Ca Dương ngồi xuống ghế, Phượng Loan nghiêm khắc tra hỏi:
-Như vậy là sao? Phi tử nào mang thai mà ai gia không nghe báo? Lập tức bảo nàng ta bỏ cái thai ngay!
Ca Dương nhíu mày, trịnh trọng nói với mẹ.
-Không ai được phép làm hại con của con, mẫu hậu đã hồ đồ rồi! Nó là cháu nội của mẹ, là cháu đích tôn của mẹ, là hoàng đế kế tiếp… Trẫm tuyệt đối không cho phép bất cứ ai động đến nó!
Ánh mắt Ca Dương như ngọn lửa, Phượng Loan cũng hốt hoảng. Bà vừa nghe Đọa Tằng nói thì quá mức sợ hãi, chưa kịp suy nghĩ gì. Lúc này ngẫm lại, Thái hậu cũng đau đứt ruột. Cháu đích tôn, chính là đứa bé bà chờ bao nhiêu năm, hoàng thượng chờ bao nhiêu năm, cốt nhục tình thâm làm sao nhẫn tâm đây? Thái hậu rưng rưng nước mắt, quay qua hỏi Ca Dương:
-Vậy con nói cho ai gia biết, đứa trẻ kia ở đâu, do ai sinh? Vì sao ai gia không nghe tin tức gì?
Ca Dương nhìn Phượng Loan, lúc lâu không trả lời. Thái hậu có chút tức giận.
-Hoàng thượng nghĩ gì vậy? Không lẽ ta đây lòng dạ rắn rết, đến đứa nhỏ cũng không tha, huống chi nó còn là cháu mình!
Ca Dương mím môi, hắn biết Thái hậu không như vậy nhưng hễ nhắc tới đứa bé hắn luôn luôn cảnh giác.
-Là con của con với Tương Tư, nàng hiện ở Sa Đà dưỡng thai…
Thái hậu trợn mắt:
-Minh Châu quận chúa??? Hoàng đế nói đùa à?
Tuy hỏi thế nhưng trong lòng bà cũng nắm chắc chín phần rồi, hèn chi Hòa An vương vừa mất hắn vội vàng xuất cung, hèn chi Ninh tổng quản do dự không chịu nói, hèn chi mấy tháng nay thỉnh thoảng hắn biến mấy vài ngày! Nhất định là đi tìm Minh Châu!
Thái hậu nghĩ mà hụt hơi. Đám trẻ bây giờ quá điên rồ, chuyện gì cũng dám làm! Hòa An vương mất rồi nhưng nghe nói năm anh em Tự Trinh vương rất yêu thương bảo vệ em gái. Bây giờ nàng chưa vào hậu cung mà đã có thai, không biết bọn họ phản ứng ra sao?
Ca Dương hiểu được suy nghĩ của Thái hậu, lập tức nói rõ:
-Không sao, con đã nói chuyện xong với Hòa An phủ. Trước mắt Tương Tư sẽ ở lại Sa Đà đến mãn hạn tang. Sau ba năm con rước nàng và đứa nhỏ về kinh.
-Cái gì? Hai đứa tính như vậy thật à? Làm sao được, đó là cốt nhục hoàng gia, làm sao lưu lạc bên ngoài được?
Ca Dương nắm tay bà trấn an:
-Mẫu hậu, không thể nói là “lưu lạc”, chỉ ba năm thôi. Con sẽ đem đến những gì tốt đẹp nhất ẹ con nàng…
Phượng Loan thở dài, con trai bà rất có lập trường, muốn khuyên cũng không thể.
-Vậy… lời Đọa Tằng nói…
Ca Dương kiên quyết ngắt lời:
-Bà ta rất đáng ngờ! Không thể tin tưởng được! Mẫu hậu, mẹ phải nhớ, đây là con của con, là cốt nhục của con với người phụ nữ con yêu. Con sẽ dùng hết khả năng của mình để bảo vệ nó!
Phượng Loan nhìn chằm chằm Ca Dương, chút do dự đắn đo cuối cùng hoàn toàn biến mất. Khó khăn lắm con trai bà mới tìm được người nó thương, cháu nội bà không thể chết oan uổn vì một lời nói vô căn cứ. Thái hậu xưa nay minh mẫn sáng suốt, cho dù già cũng không thay đổi.
-Vậy… Tương Tư có thai mấy tháng rồi, con bé khỏe mạnh không?
Ca Dương chân thật nở nụ cười:
-Hơn bốn tháng, nàng vẫn khỏe!
Phượng Loan gật gù.
-Phải chi nó về đây, ai gia sẽ chăm sóc cẩn thận…
Thái hậu cảm khái số mệnh. Năm xưa bà với Chu Lạc Trinh bỏ lỡ nhau, con gái ông ta và con trai bà lại thành một cặp. Thái hậu nắm tay Ca Dương, ôn tồn hỏi:
-Dương nhi, con có hạnh phúc không?
Ca Dương giật mình, sau đó rạng rỡ mỉm cười:
-Có, thưa mẹ!