Quái Khách Muôn Mặt

Chương 28: Chương 28: Văn Thù viện tự dẫn thân




Bốn người cùng xuống núi, nhưng đang xuống thì Long Uyên bỗng nghĩ tới hòa thượng bị thương nặng, cứu người thì phải cứu tới cùng, chàng đã mạo hiểm nhảy xuống dưới vực thẳm cứu hòa thượng đó, tuy chàng mới nắm vào người của hòa thượng nhưng chàng cũng đã biết nội tạng của đối phương bị nội thương nặng rồi, nếu không cứu ngay thì thể nào cũng phải chết. Vừa rồi vì mãi nói chuyện với Phong Lan chàng không nhớ ra, nhưng lúc này thảnh thơi chàng mới nhớ tới, vội lên tiếng nói :

- Bà bà hãy khoan đi đã...

Rồi chàng quay lại hỏi Vân Tuệ rằng :

- Chị Tuệ, hòa thượng kia đâu?

Phong Lan biết người yêu của mình rất nhân từ, nghe thấy chàng nói như vậy, nàng liền chẩu môi xen lời đáp :

- Long đại ca còn hỏi ư? Vừa rồi chị Tuệ và em nếu không ứng biến nhanh thì đã sớm bị tên giặc hòa thượng ấy đánh té xuống vực thẳm rồi.

Long Uyên nghĩ tới hồi nãy có tiếng kêu “ừm” vội hỏi rõ nguyên nhân, Vân Tuệ liền kể chuyện Độ Thiên thừa cơ tấn công như thế nào, nàng tiếp :

- Những quân khốn nạn ấy, tội của chúng đáng chết muôn lần.

Võ Di bà bà cũng ngừng chân lại lắng tai nghe, tuy không nói nhưng trong lòng bà ta cũng đồng ý với sự nhận xét của Vân Tuệ. Ngờ đâu Long Uyên lại khác hẳn, chàng quay lại đáp :

- Người ấy tuy đáng giết thật, nhưng đệ không nhẫn tâm trông thấy y chết bởi tay chúng ta.

Chàng còn định nói nữa, đã thấy Vân Tuệ và Phong Lan tỏ vẻ không vui, liền quay lại nói với Võ Di bà bà tiếp :

- Chắc Văn Thù Viện cách đây không xa đâu, tiểu bối muốn tìm tới đó, trước hết là để ăn một bữa thật no, sau là chữa cho hai hòa thượng đó, không biết Bà bà nghĩ sao?

Võ Di bà bà cùng Phong Lan lên Hoàng Sơn này hơn nửa tháng nay không những biết Văn Thù Viện ở đâu mà cũng còn biết nơi đó không phải là đất thiền gia.

Bây giờ thấy cháu rể của mình nói như vậy, nếu không nhận lời đưa y đi thì thế nào y cũng cho mình không tốt và bất nhân, chi bằng cứ để cho y thân chinh đến đó trông thấy những thủ đoạn ác độc của bọn gian nhân rồi tùy cơ ứng biến, chưa biết chừng hợp sức bốn người, mà có thể quét sạch bọn gian ác đó cho cửa thiền. Vì vậy, bà ta mới vui vẻ nhận lời đáp :

- Như vậy cũng được, già này với Lan nhi đã qua đó một lần rồi, nên biết chùa đó cách đây không xa, nhưng...

Nói xong, bà ta không đợi Phong Lan lên tiếng phản đối, đã đưa mắt ra hiệu cho nàng một cái rồi mới rảo cẳng đi luôn.

Phong Lan thấy Bà bà đưa mắt ra hiệu tuy chưa hiểu ý của Bà bà ra sao, nhưng nàng không tiện xen lời nói, mà chỉ hậm hực lườm Long Uyên một cái, rồi cũng rảo chân theo Bà bà đi luôn.

Long Uyên thấy vậy mỉm cười, nhìn Vân Tuệ nháy mắt một cái, rồi ra hiệu bảo nàng đi cùng.

Vân Tuệ đang bực mình thấy thái độ của chàng như vậy, cũng phải gật đầu phì cười một cái. Hai người đi rất nhanh, nhưng trong khi đi, Vân Tuệ đã hóa thành bà cụ như hồi nãy, Long Uyên cũng hóa trang thành một thư sinh già. Hóa trang xong, cả hai cùng nhìn nhau cười ha hả.

Phong Lan đi ở phía trước nghe hai người cười, liền ngừng chân quay đầu hỏi :

- Hai vợ chồng có chuyện gì mà cười như thế?

Nàng chưa nói dứt, thì đã thấy Long Uyên và Vân Tuệ đi tới, nàng thấy hai người không phải là Long đại ca với chị Tuệ nữa, nàng không tin tài ba hóa trang của hai người lại thần diệu đến như vậy, nhưng đến khi nhìn kỹ qua thật không sao biết được hai người đã hóa trang, nên nàng cũng bắt chước hai người cười theo.

Võ Di bà bà nghe thấy ba người cười khanh khách, cũng quay đầu lại, và trông thấy mặt của Long Uyên và Vân Tuệ đã thay đổi hẳn cũng ngạc nhiên cả cười, sau Long Uyên phải nói :

- Thôi trời sắp tối đến nơi rồi, chúng ta phải đi mau mới được.

Phong Lan liền cau mày lại nói :

- Long đại ca hà tất phải hóa trang thành hình dáng như thế này, chẳng lẽ đại ca sợ người ta biết bộ mặt thật của mình sao?

Long Uyên gật đầu và đột nhiên dùng giọng khàn khàn đáp :

- Lan muội không biết đấy thôi, thúc bá ở trong nhà đều không biết võ công, nếu bây giờ nếu ngu huynh dùng bộ mặt thật của mình ra ngoài kết thù kết oán với người, ngu huynh không sợ gì những kẻ thù đó, nhưng người nhà làm sao chịu nổi những người đó đến quấy phá luôn luôn...

Lúc ấy Phong Lan mới biết và tự trách thầm, là tại sao mình không nghĩ đến điểm đó mà lại trách chàng như vậy, nên nàng vội xin lỗi và nói tiếp :

- Xin lỗi đại ca, tiểu muội không nghĩ tới điểm đó, đại ca không trách tiểu muội đấy chứ?

Long Uyên chưa kịp lên tiếng nói thì Vân Tuệ đã tiến tới trước mặt nàng vuốt má nàng một cái, rồi dùng giọng già trả lời :

- Cô bé này đẹp như hoa nở, ai trông thấy cũng phải yêu, lão già kia đã được cô đoái hoài như vậy đã diễm phúc vô song rồi, lại còn gan trách cứ cô như vậy...

Nàng vừa nói vừa vuốt ve, nếu Phong Lan không biết là Vân Tuệ thì không dám tin bà cụ này là một mỹ nữ tuyệt đẹp biến thành, nàng liền nũng nịu tựa ngay vào lòng Vân Tuệ và đáp :

- Cả chị cũng bắt nạt em, em không chịu đâu...

Võ Di bà bà thấy thuật hóa trang của hai người thần diệu như vậy cũng phải thầm phục. Phong Lan thừa cơ bắt Vân Tuệ phải dạy cho mình cách hóa trang này. Vân Tuệ thấy nàng nhõng nhẽo như vậy, đành phải gật đầu nhận lời. Nhưng Vân Tuệ chỉ Long Uyên và nói :

- Có lão già này, cô bảo ông ta dạy, cứ làm phiền bà già này hoài, nhưng đã nhận lời thì quý hồ lúc nào có rảnh sẽ dạy cô liền, chưa biết chừng tối nay...

Nàng nói tới đó nhìn Long Uyên thấy chàng ta có vẻ muốn đi ngay, vội dặn Phong Lan tiếp :

- Nhưng trước mặt người khác, cô chớ gọi chúng tôi là chị là anh nhé.

Võ Di bà bà thấy Vân Tuệ và Long Uyên già nua như vậy, cũng đã cười vui vẻ xen lời nói :

- Nếu như vậy trước mặt người khác già này phải gọi cô nương là hiền muội, như thế thì Lan nhi phải gọi cô là Bà bà nhé.

Phong Lan mặt đỏ bừng muốn nói lại thôi, rồi quay đầu lại hỏi Long Uyên :

- Thế còn anh?

Long Uyên tủm tỉm cười, giọng khàn khàn đáp :

- Đại ca, đại thúc, tùy hiền muội muốn gọi thế nào cũng được.

Phong Lan làm ra vẻ hờn giận hậm hực nói :

- Tôi không chịu thiệt thòi như thế đâu!

Nói xong, nàng đã rảo cẳng đi luôn.

Võ Di bà bà các người thấy vậy nhìn nhau cười. Và cũng đuổi theo Phong Lan.

Bốn người đi tới cửa Văn Thù Viện thấy hai cánh cửa mở rộng. Phong Lan và Bà bà nghĩ ở đây rồi nên ung dung đi vào trước. Chư tăng thấy vậy liền bước ra chắp tay chào và hỏi :

- Nữ thí chủ giáng lâm tệ viện muốn...

Y chưa nói dứt, thì bên ngoài đã có hai bà cụ cùng một lão già bước vào. Y ngạc nhiên vô cùng liền chắp tay niệm Phật hiệu ngay.

Phong Lan chú ý đến sắc mặt của hòa thượng ấy, thấy y thay đổi luôn như vậy, nhưng nàng không quan tâm lắm liền thủng thẳng đáp :

- Đại sư phụ, chúng tôi leo núi mỏi mệt và đói lắm, chẳng hay đại sư có bố thí ít cơm chay cho chúng tôi ăn không.

Vị tăng vội đáp :

- Có, có xin khách chủ đừng có khách khứa, xin theo bần tăng vào trong này.

Nói xong, y liền quay người đi theo một con đường nhỏ vào bên trong. Long Uyên vội đi lên sát cánh với vị tăng ấy và hỏi pháp hiệu của y và tiếp :

- Thế ra sư phụ là Thế Chúng đại sư đấy, thật là thất kính.

Nói xong, chàng ngừng giây lát rồi nói tiếp :

- Vừa rồi học sinh tới trước cửa quý chùa, đứng ở trên Lập Tuyết Đài trông thấy một trận đấu rất là kinh khủng và lúc ấy có trông thấy hai người bị thương không biết hai người đó có phải là người quý chùa không?

Thế Chúng đại sư là đệ tử thứ ba của Văn Thù Viện, chủ trì chùa viện này là Phổ Môn đại sư, dưới đại sư có bốn đệ tử, những đệ tử đó pháp danh đều đệm bằng chữ Độ, tức Độ Thế, Độ Nhân, Độ Địa bốn người, đồ đệ của bốn người này thì pháp danh đều đệm bằng chữ Chúng.

Thế Chúng hòa thượng là độ đệ của Độ Thế, nếu nói về võ công cơ trí thì y đều không kém gì Độ Thiên, Độ Địa mấy. Nói về địa vị thì trong nhóm đệ tử đời thứ hai của Văn Thù Viện này, y là người lớn nhất, nên tuy y phụ trách chư khách, nhưng ngày thường sự thực đều do các đệ tử khác ra tiếp khách, chứ ít khi thân chinh ra nghênh đón như vậy. Ngày hôm nay vì vừa rồi Tả Cánh Sinh đem hai người bị thương sắp chết về và nói cường địch ở gần đây, y nhận thấy việc này rất quan trọng nên mới thân chinh nghênh đón chư khách đề phòng bị bất trắc.

Vừa rồi Phong Lan vừa vào tới trong chùa, y thấy nàng đeo bảo kiếm, tay cầm lẵng hoa giống hệt một lữ khách đã đến mấy bữa trước do một sư đệ của y đã tả qua, nên y mới nghi ngờ, sau y thấy Long Uyên mấy người lần lượt xuất hiện và trông ba người sau này đều già nua như sắp chết đến nơi cả, trông bề ngoài có Võ Di bà bà là người hơi biết võ thôi, còn hai người kia trông không có võ công. Nhưng y nghĩ lại cái thang gỗ cao và thẳng như vậy mà không thấy dùng sức gì cả mà hai người có thể leo lên được, khi tới nơi mặt người nào người nấy không hề biến sắc chút nào. Nếu người không có nội công thâm hậu thì làm sao mà được như vậy cho nên y càng hoài nghi thêm đang nghĩ cách làm thế nào để thử lai lịch và võ công của mọi người.

Ngờ đâu Long Uyên lại lên tiếng hỏi như vậy trước, nhưng Thế Chúng nghe thấy Tả Cảnh Sinh mô tả hình dáng của kẻ địch như thế nào, nên y mới nghi ngờ cường địch là bọn người này. Vì vậy y chỉ kêu “hừ” một tiếng chứ không phủ nhận hay là thừa nhận, niệm Phật hiệu luôn luôn thôi.

Long Uyên không cần biết đối phương nghĩ ngợi gì, lại hỏi tiếp :

- Học sinh tôi hơi biết y lý, vì thấy hai vị đại sư bị thương té ngã mê man bất tỉnh hình như vết thương nặng lắm, đáng lẽ lúc bấy giờ tôi chạy ra cứu chữa hộ ngay, ngờ đâu một vị lớn tuổi đã nhanh như gió xách luôn hai vị đại sư đi mất tích, học sinh với đồng bọn tìm tới đây nhân lúc đến xin ăn này vui lòng xin chữa giúp hai vị ấy một tay, không hiểu đại sư nghĩ sao?

Chàng nói tới đó tưởng lời nói của mình rất có lý và rất hợp lẽ. Ngờ đâu, Thế Chúng nghe thấy lại càng hoài nghi thêm.

Quý vị nên hiểu hòa thượng Thế Chúng là người lịch duyệt rất phong phú, kinh nghiệm rất già dặn, đã đoán chắc bốn người này có võ công rất cao siêu nhưng Long Uyên lại làm ra vẻ không biết võ công gì hết, như vậy có phải là tự tiết lộ cho đối phương hay rồi không? Lại thêm chàng bảo tìm kiếm tới đây càng khiến Thế Chúng ngờ vực thêm nữa.

Vì vậy y còn nghi ngờ Long Uyên thấy hai hòa thượng chưa chết nên mới tới đây mượn tiếng chữa thương để hạ độc thủ. Y càng tức giận thêm, dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng lại suy nghĩ giây lát, đã nghĩ ra được một kế liền đáp :

- Thí chủ hỏi hai vị đại sư ấy đích thực là hai vị sư thúc của bần tăng, tuy hai vị ấy có luyện võ công cho thân thể khỏe mạnh thật nhưng chẳng hề đánh với ai bao giờ, ngày hôm nay vừa ra bên ngoài một cái đã bị ác đồ đả thương nặng như vậy. A di đà Phật, thật là tội nghiệp, tội nghiệp.

Nói xong y chắp tay nhắm mắt, tụng kinh luôn miệng.

Vân Tuệ với Phong Lan thấy hòa thượng nọ làm bộ làm tịch chửi cạnh như vậy, trong lòng đã bực mình hết sức, nên cả hai kêu “hừ” một tiếng một.

Thế Chúng rõ ràng nghe thấy hai người kêu như vậy, nhưng y cứ giả bộ không nghe nói tiếp :

- Hai vị sư thúc bị thương ra sao vì bần tăng phụ trách ở ngoài chùa không sao vào trông nom được, nhưng cũng biết vết thương ấy nặng lắm, rất nguy hiểm đến tính mạng, hơn nữa ngoài chùa, không ai biết y lý cả, cho nên bần tăng đoán chắc, chỉ một tiếng đồng hồ nữa, là cả hai vị sư thúc ấy sẽ về Tây Phương cực lạc chứ chẳng sai.

Long Uyên tuy không nghĩ tới đối phương chửi cạnh như vậy, nhưng vừa nghe những lời lẽ của Thế Chúng chàng cũng chịu không nổi nhưng việc đó tuy không phải là lỗi ở nơi mình, nếu mình không hạ thủ nặng tay một chút, thì đối phương đâu đến nỗi bị thương nặng như thế, nên chàng chỉ oán trách mình thầm, chứ không như Vân Tuệ với Phong Lan hai người. Bấy giờ chàng lại nghe thấy hòa thượng nói sang chuyện khác, không nhắc nhở đến chuyện có mời mình chữa không, nên chàng vội đỡ lời :

- Học sinh hơi hiểu...

Thế Chúng không đợi chàng nói dứt đã cười nhạt đỡ lời và nói tiếp :

- Cho nên thí chủ tới vừa đúng lúc quá đủ thấy Phật Tổ linh thiêng phù hộ không sai chút nào.

Nói tới đó mọi người đã đi tới căn nhà bên trước thạch ốc. Thế Chúng liền đứng né sang bên chắp tay chào mời mọi người vào trong và đổi giọng nói tiếp :

- Các vị thí chủ ở xa mới đến, chắc đã đói lắm rồi, xin vào bên trong ngồi chờ giây lát để bần tăng bảo dưới bếp sửa soạn cơm chay để mọi người dùng trước, còn việc nhờ thí chủ chữa bệnh thì để bần tăng thưa với Phương trượng, và hơn nữa thí chủ còn phải nghỉ ngơi giây lát...

Võ Di bà bà đi vào trong phòng trước, bà ta trông thấy thạch thất ấy xây thấp lắm, có bốn cửa sổ, nhưng cửa nào cũng dùng cành thông làm chấn song và cành nào cũng to bằng cánh tay trẻ con, bên trên còn dán giấy da bò rất dày, nên trong phòng tối om những bàn ghế bằng gỗ thông ở trong phòng cũng để nguyên chứ không sơn gì cả. Trên vách ở bên trong có treo một bức tranh Bồ Tát.

Long Uyên vừa bước chân vào cửa trông thấy bức tranh ấy đã chú ý đến, chàng thấy bức tranh đó vẽ rất linh động và hạ khoản đề “Tư Phàm”.

Vân Tuệ với Phong Lan, nhất là Võ Di bà bà vừa tới thạch thất đã nghi ngờ ngay. Hơn nữa lần trước hai bà cháu vào trong chùa này và nhà sư đã khoản đãi cơm nước hai người rồi, nhưng không phải ăn trong phòng tối om như thế này, nên hai người thấy Thế Chúng dẫn hai người tới đây thế nào cũng có dụng ý chứ không sai.

Thế Chúng không theo mọi người vào, một lúc sau dẫn hai chú tiểu bưng cơm nước vào phòng để cơm nước lên trên bàn, rồi chắp tay chào mọi người cáo lui và nói :

- Mời các vị thí chủ thong thả dùng cơm để bần tăng ra thưa với Phương trượng.

Nói xong, y có vẻ muốn lánh mặt lại vội vàng đi luôn.

Phong Lan theo y đi ra tới ngoài cửa, đợi y đi khỏi, mới quay trở về nói :

- Bà bà, trông hòa thượng này có vẻ gian xảo lắm, đừng có...

Võ Di bà bà vội thò tay vào trong lẳng lấy ra một đôi đũa, cắm thử vào trong thức ăn và cơm xem có độc không, miệng thì nói :

- Lan nhi chớ có nói bậy, những thức ăn có việc gì đâu.

Bà ta lần lượt thử hết, không thấy đũa bạc biến thành màu đen gì cả lại nói tiếp :

- Cháu đói thì phải ăn mau lên, bằng không chốc nữa có muốn ăn cũng không có mà ăn đâu.

Long Uyên ngạc nhiên hỏi :

- Tại sao?

Vân Tuệ đã cười đáp :

- Bà bà nói rất phải, hiền đệ đã vào trong đầm rồng hang hổ rồi, mà lại muốn yên ổn rút lui ư, thật là nằm mơ có khác.

Long Uyên vẫn không hiểu, chàng thấy mình có lòng tốt đến chữa cho họ, sao họ lại định tâm giết hại mình như thế.

Phong Lan thấy chàng ngơ ngác, nên vừa ăn vừa giải thích cho chàng hay rằng :

- Long đại ca đừng tưởng mình giả bộ giống như thật, nhưng có biết đâu đại ca tới chuyến này có rất nhiều sơ hở, tuy đại ca với Tuệ Bà bà đã thay hình đổi dạng rồi, nhưng còn tôi thì sao?

Long Uyên mới giật mình tỉnh ngộ đánh thoát một cái, chàng lại nghe thấy Phong Lan nói tiếp :

- Vừa rồi Thế Chúng hòa thượng nghi ngờ liền ra thưa cho Phương trượng hay, thế nào Phương trượng cũng chả hoài nghi như y.

Đến lúc này Long Uyên vẫn chưa hiểu họ nghi ngờ mình cái gì. Võ Di bà bà không sao nhịn được liền hỏi :

- Người trong giang hồ ra tay đối địch đả thương đối phương vốn là chuyện rất thường, nhưng sau khi đả thương rồi lại đến xin chữa trị cho người ta đó mới là chuyện lạ vì từ xưa tới nay chưa hề nghe ai nói tới cả, cho nên theo sự phán đoán của già, Phương trượng của chùa này thế nào cũng cho chúng ta có ý đến tận nơi gây hấn, lão hòa thượng đành phải giở hết tài ba của mình ra để đối phó với chúng ta một phen.

Long Uyên mới tỉnh ngộ tự oán trách thầm: “Như vậy có khác gì là ta dẫn thân vào chỗ chết không những...”

Nghĩ tới đó chàng lại tự an ủi: “Ta lấy lòng thành đối với người lấy nhân nghĩa làm đầu khi gặp lão hòa thượng ta sẽ nói, nếu y là người hiểu biết thì việc này vẫn có thể cứu vãn được, bằng không ta sẽ dùng võ lực đối phó sau”.

Nghĩ vậy chàng mới khỏi áy náy.

Tuy nhiên chàng không dám nói ý định của mình cho mọi người chỉ tủm tỉm cười, chỉ ăn uống cho thật no mà không nói nửa lời.

Phong Lan với Vân Tuệ đã có thành kiến với các hòa thượng của chùa này nên đoán chắc bọn họ đều là người hung ác hết, vì vậy hai nàng chỉ mong bọn hòa thượng đó tới thì ra tay hạ độc thủ trước. Nhưng trong khi đợi chờ hai nàng nhắm mắt lại để tạm nghĩ giây lát.

Sau hai nàng lại nghĩ đến câu tiên hạ thủ vi cường, mình cứ ngồi yên đợi chờ kẻ địch tấn công thế này thì chi bằng mình ra tay tấn công trước có hơn không? Vì vậy nàng nhìn Long Uyên mong chàng thay đổi ý kiến mà ra lệnh hành động. Ngờ đâu Long Uyên cứ thản nhiên ngồi ở đó khiến hai nàng thất vọng vô cùng.

Phong Lan bực mình quá liền gay gắt nói :

- Sao đến giờ còn chưa thấy hòa thượng ấy tới, Long ca chúng ta thử ra thăm họ xem sao?

Đáng lẽ Võ Di bà bà lớn tuổi nhất là phải bà ta ra lệnh mới đúng nhưng vì chuyến đi này là do Long Uyên chủ trương đến đây để chữa bệnh cho hai hòa thượng kia, hơn nữa Phong Lan mới được Long Uyên yêu thì tất nhiên nàng phải coi trọng chàng hơn bà mình, nên chưa được đồng ý của chàng thì nàng vẫn không dám đường đột hành động một mình, mà phải chờ Long Uyên xem chàng định đoạt ra sao. Ngờ đâu lần này chàng lại làm ra lẽ người già mà thật sự khẽ bảo nàng rằng :

- Cháu Lan ngồi yên bây giờ đối phương là địch hay là bạn chúng ta cũng chưa biết rõ, nếu cháu quấy nhiễu làm hỏng hết diệu kế của đại gia này hóa bạn thành địch thì tội lớn lắm đấy.

Phong Lan nghe nói hậm hực ngồi xuống lườm chàng một cái chẩu môi phùng mồm lẩm bẩm oán trách rằng :

- Làm bộ làm tịch, thật tôi không tin xem đại ca có linh đơn diệu dược gì mà hóa địch thành bạn được. Hừ, bây giờ cấm tôi cử động, lát nữa có địch cô nương này sẽ không cử động nữa xem tài ba của người lợi hại như thế nào...

Tuy nàng lẩm bẩm tự nói, nhưng ba người kia cũng nghe thấy hết.

Vân Tuệ thấy nàng như vậy không sao nhịn được cười.

Long Uyên với Võ Di bà bà cũng thất cười, nhưng chưa cười ra tiếng thì thấy Thế Chúng vội vàng đi vào chắp tay chào và nói :

- Các vị thí chủ đã no chưa?

Long Uyên vội đứng dậy khen ngợi mấy câu.

Nhưng Thế Chúng đã nói thẳng vào vấn đề chính ngay :

- Vừa rồi bần tăng lên thưa với Phương trượng của chùa, lão Phương trượng đang lo sầu vì không có cách gì cứu chữa, nghe thấy thí chủ y đạo siêu tuyệt nên vội sai bần tăng vào đây mời thí chủ ra cứu chữa cho sư thúc.

Nói xong y đưa mắt nhìn Vân Tuệ các người rồi lại làm ra vẻ suy nghĩ một hồi mới nói tiếp :

- Nhưng bây giờ thì tệ sư thúc ở sau hậu viện, trong phòng Phương trượng không tiện xê dịch, mà phòng của Phương trượng là trọng địa của cửa Phật không tiện mời các vị minh khách giáng lâm cho nên theo ngu ý thì các vị nữ thí chủ cứ tạm ở trong phòng này nghỉ ngơi để một mình thí chủ này đi tới phòng của Phương trượng để cứu chữa cho hai vị tệ sư thúc, chẳng hay các vị nghĩ sao?

Long Uyên là người nhân hậu thấy đối phương nói như vậy liền đáp :

- Được được, đại sư nói như vậy học sinh tuân theo ngay.

Nói xong chàng quay lại bảo Võ Di bà bà rằng :

- Bà bà ở đây chờ một chút nhé.

Võ Di bà bà là người rất giàu kinh nghiệm, thấy Thế Chúng vào trong phòng đã nhìn ngang nhìn dọc mắt cứ đảo lộn hoài nên bà ta biết hòa thượng này thế nào cũng có âm mưu gì nhưng bà ta không nói ra thôi, miệng thì trả lời :

- Đại gia cứ việc đi đi, ở đây lão thân đợi chờ được rồi.

Nói xong bà ta liếc nhìn, Thế Chúng có vẻ khoái chí cười thầm, Phong Lan nhanh mắt cũng trông thấy rõ, nàng định vạch âm mưu của đối phương ra, ngờ đâu Vân Tuệ đã giật vạt áo nàng một cái ngấm ngầm bảo nàng đừng lên tiếng vội.

Long Uyên theo Thế Chúng hòa thượng đi xuyên qua một cái cửa đá hình tròn rồi tới một cái sân rất vắng vẻ. Sau cái sân là một tòa nhà xây ở trước một vách núi mà ở chỗ vách núi ấy thẳng tuột như một bờ tường, muốn từ dưới này leo lên đỉnh núi thật là còn khó hơn lên trời. Tuy Thế Chúng đi trước nhưng thỉnh thoảng vẫn quay lại nhìn trộm vẻ mặt của Long Uyên thấy chàng ta nhìn ngang nhìn dọc xem các phong cảnh y hơi biến sắc mặt.

Không bao lâu y đã đưa chàng xuyên qua một cái núi giả tới trước một dãy nhà. Dãy nhà này toàn xây bằng đá lớn hết phía sau nhà cũng có vách núi cao chót vót...

Tới trước cửa dãy nhà trọ Thế Chúng liền ngừng bước, khẽ ho một cái đang định lên tiếng hỏi, nhưng rồi y bổng hỏi Long Uyên rằng :

- Ủa xin hỏi thí chủ tính danh là chỉ?

Long Uyên ngẩn người ra lắc đầu mấy cái đáp :

- Học sinh họ Long.

Thế Chúng hòa thượng không đợi chàng nói dứt đã nói vọng vào bên trong rằng :

- Đệ tử Thế Chúng xin thưa cùng tổ sư, Long thí chủ đã tới.

Long Uyên đứng sau Thế Chúng nhìn vào thấy bên trong có treo một cái mành trúc nhưng chàng sáng mắt như điện, đã trông thấy trong đó không có bóng người nào cả. Không ngờ Thế Chúng vừa nói xong phòng kế bên có một giọng nói kêu như chuông vọng ra, trả lời rằng :

- Mau mời Long thí chủ vào đây...

Long Uyên nghe giọng nói vừa trầm vừa mạnh, trung khí rất sung túc và biết lão hòa thượng vừa lên tiếng nói ấy công lực rất thâm hậu, còn cao hơn bọn Tả Cảnh Sinh nửa mức.

Thế Chúng vâng lời dạ một tiếng liền vén các mành trúc lên mời Long Uyên đi vào bên trong.

Vào tới căn nhà chàng thấy có chừng năm căn phòng liên tiếp. Thế Chúng dẫn chàng vào tới đó và đang chần chờ thì tấm bình phong ở căn phòng bên phải đã vén lên, một hòa thượng mặt to tai lớn vừa cao vừa béo tuổi trạc ngủ tuần bước ra tủm tỉm nhìn Long Uyên chắp tay chào nói :

- Bần tăng Độ Thế...

Vừa nói câu đó y thấy Thế Chúng vẫn còn đứng ở đó liền nghiêm nét mặt đổi giọng nói :

- Nơi đây không còn có việc gì của ngươi, ngươi không mau ra ngoài kia tiếp khách còn đứng ngẩn người ra đây làm chi?

Thế Chúng vâng lời chấp tay chào rút lui ngay.

Độ Thế chờ Thế Chúng đi khỏi liền tủm tỉm cười mời Long Uyên vào trong phòng, Long Uyên lại tưởng y là chủ trì nhưng nghe thấy y xưng danh rồi liền biết ngay là sư huynh của bọn Độ Thiên và Độ Địa chàng đang định nói vài câu khách sáo thì đã trông thấy Độ Thế trông rất đoan chính như là một cao tăng đắc đạo mà sao lời nói và thái độ lại phũ phàng đến như thế nên lòng kính ngưỡng của chàng đã giảm đi rất nhiều.

Căn phòng bên trong cũng rộng như phòng ngoài, nhưng dài gấp đôi và không có bày biện gì cả nên trông càng rộng thêm.

Chàng nhìn quanh một lượt không thấy hai hòa thượng bị thương đâu cả mà chỉ thấy ngót hai mươi hòa thượng đang ngồi trên thảm bồ đoàn miệng lẩm nhẩm như đang niệm kinh, thấy chàng vào chúng giả vờ như không trông thấy. Chàng giật mình kinh hãi bụng bảo dạ rằng :

- Thế là nghĩa lý gì?

Chàng vừa nghĩ xong đã nghe thấy chỗ giáp vách núi có một giọng nói rất hùng hồn vọng ra :

- Mời Long thí chủ vào trong đơn thất của lão tăng để chữa cho các tiểu đồ.

Long Uyên nhìn vào chỗ góc tối, thấy nơi đó lại có một cái cửa trong đó có chút ánh sáng chiếu ra. Độ Thế dẫn chàng tới đó phất tay áo một cái và nói :

- Xin mời thí chủ vào.

Tuy Long Uyên cảm thấy tình thế trước mắt khác lạ, nhưng chàng là người có võ nghệ cao cường, nên không hoảng sợ gì cả, hơn nữa chàng nhất tâm lấy đức để dẫn độ người cho nên chàng gật đầu một cái, bước đi vào trong.

Chàng vào tới bên trong, thấy căn phòng ấy bề dài hai trượng, bốn mặt không có cửa sổ, trên tường có treo hai ngọn đèn dầu bên phía nam có một cái sập đá, cạnh sập có một cái giá, trên bày la liệt những lọ thuốc, về bên phía bắc có một cái bàn để một pho tượng Phật bằng đá cao chừng thước rưỡi, dưới bàn có một cái thảm bồ đoàn bằng rơm và một cái kỷ chè chừng một thước, trên có để chuông mõ và kinh kệ. Chàng đoán chắc đây là nơi tụng kinh của Phương trượng. Phía trong cùng có một cái sân lớn, trên đó có hai hòa thượng cởi trần nằm sát cánh nhau, hai người đó chính là Độ Thiên, Độ Địa. Một lão hòa thượng mặt đen nhánh gầy gò như que củi, tuổi ngoài bảy mươi, đang đứng cạnh đó nhìn hai bệnh nhân và mồ hôi chảy ướt đầm áo cà sa.

Long Uyên vừa vào tới bên trong, lão hòa thượng trong liền quay người liếc nhìn chàng mắt hơi lộ hung quang, nhưng lại nhắm mắt niệm Phật hiệu ngay, miệng thì nói :

- Long thí chủ có lòng từ bi nhận lời chữa giúp tiểu đồ, bần tăng Phổ Môn thật cảm tạ vô song.

Nói xong y tránh sang một bên rồi tiếp :

- Đáng lẽ tiểu đồ không nên ra tranh đấu với người để sơ ý bị thương nặng như thế này, độc khí chạy tận vào tạng phủ, lão tăng tuy tận toàn lực mà không sao chữa được cho hai tiểu đồ. Long thí chủ đã vui lòng vào chữa giúp cho chắc thế nào cũng có cách chữa cho chúng khỏi.

Long Uyên vẫn làm ra vẻ một kẻ nho hủ cung kính vái chào lão hòa thượng và đáp :

- Đại sư quá khen đấy thôi, học sinh rất lấy làm hổ thẹn, học sinh tuy có học chút y lý nhưng không dám tự nhận là tài ba...

Phổ Môn đại sư tròn xoe đôi mắt, nhìn vào mặt Long Uyên và đỡ lời :

- Tiểu đồ bị thương đã lâu, thí chủ ra tay cứu chữa ngay cho.

Nói xong y không đợi Long Uyên trả lời đã quay lại bảo Độ Thế rằng :

- Độ Thế, ngươi ra truyền lệnh cho tất cả đồ đệ của bổn chùa, tạm thời ngừng niệm kinh, canh giữ các cửa ngõ, nhất là nơi đơn phòng trọng địa hay càng phải phái những tay cao thủ canh giữ, cấm không cho một người nào ra vào để Long thí chủ khỏi kinh hoảng.

Long Uyên nghe thấy hòa thượng nói, kêu nguy thầm và bụng bảo dạ rằng: “Y làm như vậy, ba người ở phía đằng trước thể nào cũng ra tay đấu với đồ đệ của y chứ không sai”.

Tuy chàng nghĩ vậy, nhưng không tiện nói rõ ra, chàng lại nhận thấy Phương trượng làm như thế là để khỏi có điều quấy nhiễu mình không được yên tâm cứu chữa đồ đệ của y, đồng thời cũng ám chỉ cho chàng biết là nếu chàng không chữa khỏi hai hòa thượng kia thì đừng có hòng ra khỏi nơi này.

Vì vậy chàng cũng khỏi cần nói nhiều, liền đi đến trước sập nhìn hai người một hồi, liền la lớn một tiếng :

- Nguy tai!

Thì ra Độ Thiên, Độ Địa đã thoi thóp sắp chết, nhất là cánh tay của hai người không những đã biến sắc mà còn to gấp đôi trước, nhất là Độ Thiên hai cổ tay của y mềm nhũn chỉ thoáng trông cũng đủ biết xương hai cổ tay của y đã gãy từ lâu rồi.

Lúc này trong người của Long Uyên chỉ có bốn viên Xích Long hoàn thôi, ngoài ra không đem thêm thuốc nào cả, những thứ thuốc này lại quý hóa lắm, có thể cứu người sắp chết đến nơi sống lại được.

Chàng vội móc túi lấy một viên thuốc đó ra cho hai hòa thượng mỗi người uống một nửa. Tiếp theo đó chàng nói với lão hòa thượng rằng :

- Học sinh đi du học bên ngoài, không đem thuốc thang gì theo cả, không biết nơi đây có sẵn thuốc không?

Phổ Môn đại sư chỉ những lọ thuốc trên giá và đáp :

- Ngày thường bần tăng cũng chuẩn bị chút ít, không biết có hợp dùng không?

Long Uyên đưa mắt nhìn những lọ thuốc ấy, thấy rõ lọ nào bên ngoài cũng ghi rõ tên, chàng chỉ nhìn qua một lượt đã biết trong có nhiều vị thuốc khá quý giá, chàng vội lấy con dao ngọc trong túi ra rạch vết thương ở trên cổ tay của hòa thượng Độ Thiên và Độ Địa.

Những vết thương ở trên cổ tay của hai hòa thượng mà chàng vừa rạch xong đã có độc huyết chảy ra, chàng liền bảo hòa thượng rằng :

- Phiền đại sư lấy một cái chậu để hứng những huyết độc này.

Phổ Môn đại sư ngày thường rất tự phụ, chỉ biết có sai bảo người chứ chưa bị ai sai bảo như thế này đâu?

Nhưng lúc này vừa thấy Long Uyên chữa cho đồ đệ mình, dù có bị sai bảo trong lòng không bằng lòng đi chăng nữa, y cũng lấy chậu để hứng máu bầm tanh hôi ấy.

Tiếp theo đó Long Uyên đi tới cái giá thuốc mở từng lọ ra, lấy mỗi thứ một ít để phối hợp thành thuốc cứu thương.

Một lát sau, bốn cánh tay của hòa thượng kia đã nhỏ dần, máu bầm chảy ra cũng ít dần, sau cùng không còn một giọt nào nữa lúc ấy Long Uyên bảo lão hòa thượng bưng chậu máu bầm ra ngoài xa, rồi chàng dùng những thứ thuốc mới chế xong, dịch và băng bó vào vết thương của hai hòa thượng nọ.

Tiếp theo đó Long Uyên mới xoa bóp cho Độ Thiên và Độ Địa. Vừa rồi, lúc Long Uyên chưa tới, Phổ Môn chữa cho hai đồ đệ rồi nhưng thấy vết thương của hai người quá nặng, y không sao cứu chữa được bây giờ y cũng thấy Long Uyên dùng thủ pháp mà cứu chữa bụng bảo dạ rằng: “Hừ, thế ra ngươi cũng là lang băm thôi, ngươi lừa người khác thì được chứ sao lừa được lão tăng? Chưa biết chừng ta sẽ giữ tính mạng của ngươi ở đây”.

Nhưng y có biết đâu thủ pháp xoa bóp của Long Uyên là Độ Khí Thông Cung, một môn tuyệt học cứu thương thất truyền từ lâu từ khi chàng học biết đến giờ chưa có dịp ứng dụng bao giờ.

Lúc ấy chàng thấy Phổ Môn đứng chăm chú nhìn mình, nếu cứ dùng cách độ khí quá tầm thường cứu chữa thì thế nào đối phương cũng cho nội công của mình thâm hậu hơn y mà cố ý biểu diễn làm mấy sỉ diện y, đồng thời nếu lão hòa thượng định tâm hại mình, nhân lúc mình cứu chữa mà y đột nhiên ra tay ám hại, thì không những Độ Thiên, Độ Địa không sao cứu chữa được mà mình cũng bị tẩu hỏa nhập ma chết toi mất.

Vì vậy mà chàng vội xoay sang thủ pháp Độ Khí Thông Cung, sử dụng cả hai cánh tay một lúc, nhằm ba nơi trọng huyệt ở trước ngực và hai nơi trọng huyệt ở kinh mạch của hai người mà đẩy một cái, rồi ngấm ngầm vận Tam Muội Chân Hỏa dồn vào trong người của Độ Thiên đã tỉnh dần.

Phổ Môn đại sư đứng cạnh lẳng lặng xem, thoạt tiên y không tin được chàng có thể cứu chữa được đồ đệ của mình bây giờ thấy Độ Thiên tỉnh dần, y mới kinh ngạc vô cùng.

Long Uyên không thèm để ý tới y, một mặt đỡ Độ Thiên ngồi dậy giở chưởng lên đánh vào huyệt ở lưng y một cái. Độ Thiên liền khạc ra hai cục máu bầm và đã tỉnh táo hẳn. Long Uyên liền ngẩng đầu, nhìn Phổ Môn đại sư mỉm cười và nói :

- Đại sư làm ơn ẵm vị sư phụ này lên trên thảm bồ đoàn để y ngồi xếp bằng mà điều hơi vận tức, có lẽ chỉ độ năm bảy ngày là hoàn toàn khỏi hẳn.

Phổ Môn đại sư trợn mắt ngẩn người ra nghĩ thầm: “Tiểu tử này khéo sai bảo người thật, lão tăng là Phương trượng của một chùa...”

Nhưng y chỉ nghĩ tới đó, thấy Độ Thiên đã tỉnh táo hẳn nên đành phải ẵm Độ Thiên ra ngồi trên thảm bồ đoàn.

Lúc ấy, Độ Thiên tuy đã mở được mắt ra nhìn, nhưng người vẫn yếu ớt không khác gì bị đau nặng mới khỏi. Y thấy sư phụ ẵm mình như vậy, trong lòng không yên vội cất giọng yếu ớt nói :

- Sư phụ...

Long Uyên thấy y lên tiếng nói vội ngăn cản :

- Trong mười ngày đại khí chưa phục, đại sư đừng có nói chuyện và đi lại gì hết, bằng không nguyên khí bài tiết một cái là không sao lành lặn như người thường được đâu, và nếu không có thuốc quý báu tẩm bổ thì hơi sức cũng khó phục hồi được...

Độ Thiên nghe nói vội nhắm mắt lại vận hơi điều thức, Long Uyên thấy vậy tủm tỉm cười gật đầu một cái rồi lại quay sang chữa cho Độ Địa.

Một lát sau Độ Địa cũng khạc ra hai đống máu bầm và cũng từ từ lai tỉnh.

Long Uyên chữa xong cho hai người, lấy tay áo chùi mồ hôi trên trán, đang định cáo từ, nhưng chàng chưa kịp lên tiếng thì đã nghe bên ngoài có tiếng hò reo và có tiếng khí giới va chạm và xen lẫn tiếng mắng chửi loạn xạ vô cùng.

Phổ Môn đại sư biến sắc mặt, trợn tròn đôi mắt nhìn Long Uyên rồi lớn bước ra ngoài phòng. Long Uyên giở khinh công thượng thừa ra lẳng lặng theo sau.

Chỉ trong nháy mắt chàng đã thấy Phổ Môn đại sư đi thẳng đến chỗ vách đá khẽ chỉ một cái, cửa bên trong đơn thất từ từ đóng lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.