Mấy ngày trước Bì Tu làm trợ giảng, nhìn Văn Hi phụ đạo cho Ngô Tổ mà thấy mệt mỏi, bây giờ tự mình phụ đạo thì mới biết không phải mệt mỏi, mà là thật mệt con mẹ nó mỏi.
Con đường học tập khó đi, có người và cũng có chó. Hắn là người dạy dọc đi trước vất vả lao động, Ngô Tổ chính là con chó chết chạy lóc cóc phía sau.
Buổi tối đầu tiên tan học, Bì Tu còn mệt hơn đào hầm trữ rau cả đêm, nằm trên giường cả buổi chẳng nói gì, Văn Hi ngồi trên giường vừa cười vừa bóp vai cho hắn: “Thế nào?”
“Chẳng thế nào cả, may mà tôi không dùng chân thân đi vào, không thì chắc có hai mình cũng phải tức mà chết luôn.” Bì Tu thở dài.
Tay Văn Hi dán vào gương mặt hơi nóng của hắn: “Hay là để tôi đi nhé?”
“Không được, giờ cậu đã đăng kí hộ khẩu rồi chứ có phải không có hộ khẩu đâu, nếu mà hồn thể xảy ra chuyện gì, bị sở giám sát truy tra thì phiền phức lắm. Vốn dĩ định đến mùa thu sẽ lén đưa cậu đi đầu thai vào nhà tốt, hiện giờ đăng kí hộ khẩu rồi, hàng năm suất đi đầu thai chỉ có hạn mà hơn nữa còn hay dao động, chẳng biết phải đợi đến năm nào tháng nào nữa.”
Bì Tu nghĩ mà đau đầu, kéo Văn Hi nằm bên cạnh mình rồi ôm lấy y: “Đến lúc đó tôi sẽ đi tìm Phùng Đô nhờ vả quan hệ giùm cậu, bảo hắn chọn cho cậu giờ lành, rồi chọn cha mẹ tốt, tốt nhất là gia đình một con, như thế thì cả nhà chỉ yêu chiều mình cậu thôi. Chuyện đã hứa với cậu, tôi sẽ không đổi ý.”
Văn Hi yên lặng hồi lâu rồi bảo: “Anh là một yêu quái tốt.”
“Đừng nói thế, cậu theo tôi sống yên ổn qua mùa hè này là được rồi, huống chi siêu độ cậu cũng coi như là một công đức lớn, tôi cũng không thiệt thòi. Nếu cậu có tâm nguyện gì chưa hoàn thành thì mau nói đi.”
Bì Tu ngừng một chốc rồi lại bảo: “Nếu mà rắc rối quá thì thôi đừng nói, thêm một Giả Tố Trân nữa là tôi thật sự không gánh nổi đâu.”
“Biết rồi mà.” Văn Hi cười đáp, y nằm nhoài trên người Bì Tu, rũ mắt không biết đang suy nghĩ gì.
Vạn sự khởi đầu nan, sau khi quen với phong cách của oắt con Ngô Tổ này, ông chủ Bì cuối cùng cũng coi như tài xế tay mơ bắt đầu lái xe lên đường. Ngô Tổ tuy nhây nhưng đầu óc được cái rất linh hoạt, không ăn roi ăn vọt thì thành tích cứ mãi giậm chân tại chỗ.
Hai người giày xéo lẫn nhau, cù cưa cù nhằng qua một lần thi tuần, dưới sự cưỡng chế của mãnh nam yêu quái, thành tích của cậu nhóc học sinh phất cao như diều gặp gió, trực tiếp lọt top 10 của lớp, điểm thi đại học xem ra cũng sẽ rất khả quan.
Cuộc sống ngày ngày trôi qua, thời tiết vào đầu tháng năm càng lúc càng nóng, Bì Tu càng lúc càng không thể rời khỏi Văn Hi, đi chỗ nào cũng đều mang y theo.
Nho và mướp trồng ở sân sau quấn vào nhau bò lên mái hiên, lá cây xanh mướt nối thành vòm che, tạo nên một khoảng râm mát.
Bì Tu lấy một cái ghế từ trong kho ra đặt ở trước hiên để hóng mát, trong giếng nước bên cạnh còn có dưa hấu ướp lạnh, chờ buổi tối lấy ra ăn.
Thoạt trông vừa thoải mái vừa dễ chịu, tựa như thể chốn thế ngoại đào nguyên, ấy thế nhưng một tiếng gáy bất thình lình cất lên phá vỡ sự yên tĩnh ấy.
Vì để nấu canh gà bồi bổ thân thể cho Văn Hi, Bì Tu mua hẳn một xe gà trống về, khiến gà mái khắp thành phố phải giữ tiết quả phụ, việc đẻ trứng cũng bắt đầu khó khăn.
Một đám gà trống oái vệ hiên ngang tiến vào sân sau quán cơm, lũ lợn vốn đang độc quyền trong nhà thấy thế thì nổi cáu, đánh rắm kêu vang lừng, muốn so bì với tiếng gà gáy.
Lợn gà ghen ăn tức ở với nhau, mà Bì Tu thì vội chuẩn bị canh cho Văn Hi, chỉ xách một con gà mang đi vãng sinh cực lạc, đám lợn gà còn lại thì nhốt cùng nhau hết.
Hai phe đối chọi, trước tiên phái đại tướng hô hào, lợn gà đồng thành kêu, ầm ĩ nhặng xị khắp cả nhà.
Đến khi Nhậm Kiêu dắt theo Chổi Nhỏ đến tiến hành dạy học thực địa tính heo gà lông nhông nhốt chung lồng, hai phe đã lao vào quần ẩu loạn xà ngầu, lông gà cứt lợn văng tứ tung, chuồng lợn còn bị đạp sập cả rào, Nhậm Kiêu shock toàn tập, Chổi Nhỏ thì trực tiếp trợn trắng mắt hôn mê bất tỉnh.
Cừu Phục bận thu dọn hành lý để về nhà, cho nên việc dọn dẹp hai anh em chỉ có thể tự mình làm. Lần này hai người rút kinh nghiệm, gia cố chuồng lợn cao thêm, bóp chết hành vi lợn vượt rào từ trong trứng nước!
Nhậm Kiêu rửa mặt rửa tay đi vào bếp, thương lượng với Bì Tu: “Em bảo này lão Bì, trong sân nuôi cả đống gà mái rồi, giờ anh lại mua nhiều gà trống thế kia về là muốn cho gà mái đẻ trứng liền tù tì 24/24 à, hay là muốn nghe dàn hợp tấu cao quãng 10?”
Hắn ngửi ngửi tay mình, cau mày nói: “Em vừa xem thấy cứt gà ở sân sau dày ba centimet rồi đấy, lát nữa Chổi Nhỏ tan học về là phát rồ cho xem, hai bữa nay em toàn nằm mơ thấy đang cầm xẻng hốt cứt gà, giờ trên tay còn thum thủm mùi cứt gà đây này, xin ngài làm ơn thương xót, tống khứ mấy con gà này đi có được không?”
“Chẳng phải anh đã bảo với chú là giữ lại nấu canh cho Văn Hi sao?” Bì Tu đang bóc tỏi: “Chú giúp anh giết một con đem hầm đi.”
Cừu Phục nhấc theo rương hành lý tiến vào, chủ động lên tiếng: “Để em làm cho, em hầm xong thì về nhà trước nha lão Bì.”
Bì Tu nhìn cậu chàng: “Chuẩn bị đi mấy ngày đấy, lúc về nhớ mang ít đặc sản nhà mày về nhá, sau rồi anh trả tiền cho.”
“Vâng ạ, em sẽ đem hai con quán quán về cho anh.” Cừu Phục nhấc dao đi ra sân sau, bỏ lại Nhậm Kiêu nhìn Bì Tu với ánh mắt phức tạp.
Bì Tu tiếp tục bóc tỏi: “Chú mày nhìn chằm chằm anh làm gì, có tiền rớt ra từ trên mặt anh hả?”
Nhậm Kiêu: “Em hỏi anh, nhiều gà trống như vậy rốt cuộc tiêu hết bao nhiêu tiền?”
Bì Tu: “Làm sao?”
Nhậm Kiêu: “Anh mà cũng có ngày hào phóng như thế cơ đấy? Hồi đó ba đứa bọn mình lang bạt bên ngoài, Cừu Phục thèm ăn một con gà mà anh cũng bắt nó nhịn, giờ sao lại như thế hả?”
Bì Tu ngớ người: “Như thế cái gì? Hồi đó chẳng phải hôm sau anh xách một con gà về cho nó còn gì?”
“Anh còn có mặt mũi mà nói à, đấy mà là gà hả? Uyên ương bị anh xách lẻ một con về, con kia ở lại trong ao kêu suốt nửa buổi tối, mà với cả thịt nó sao mà so được với thịt gà.” Nhậm Kiêu đến bóc tỏi cùng với hắn: “Em thấy anh động phàm tâm rồi đấy.”
Bì Tu tự biết giải thích cũng vô dụng, cho nên chỉ là nói có vẻ sâu xa: “Hai chữ ‘độc thân’ anh đây đã nói đến mỏi cả mồm rồi.”
Tại sao thế tục cứ thích hiểu lầm một con Tỳ Hưu băng thanh ngọc khiết trong lòng chỉ biết đến tiền chứ chẳng thiết yêu đương như hắn đây?
Bì Tu cảm khái: “Thôi, giải thích thế nào cũng vô dụng. Hôm qua Tô An nói có người gọi điện tới hỏi chuyện giao cơm đấy, đám nhân loại kia yếu ớt lắm, trời nóng là bắt đầu lười ra khỏi nhà, chờ Cừu Phục về thì chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị chuyện đặt cơm online đi.”
Nhậm Kiêu tán thành: “Định dùng chuyển phát của bên nào? Em thấy cái hãng mặc đồng phục xanh lam cũng ôkê đó, đi xe điện hai bánh còn nhanh hơn em lái xe bốn bánh, không lề mề chậm trễ.”
(Mình đoán là đang nói đến Caniao, nền tảng cung cấp dịch vụ logistics của Alibaba. Mấy anh shipper hãng này mặc đồng phục xanh lam.)
Bì Tu chẳng buồn nhấc mắt: “Không xài chuyển phát nhanh của nhân loại, tìm đám thổ địa công đi. Chuyển phát nhanh đến toàn quốc được luôn, đến lúc đó anh sẽ bảo Tô An lo liệu.”
Nhậm Kiêu ngạc nhiên: “Đám thổ địa công chịu làm hả?”
“Thời này đặt đồ ăn ngoài đang là phong trào, một suất ăn ngoài giao đúng lúc còn có thể nhận được công đức, đây là phúc phận mấy tên đó cầu còn chả được, bây giờ ông đây sẵn lòng chia cho ít miếng ngon, đám đó còn có thể từ chối nữa chắc?” Bì Tu cười khẩy: “Mày đúng là bị cứt gà lấp mất não rồi, ngu ạ.”
Nhậm Kiêu vừa nghe đến cứt gà là liền đau đầu, vội vàng xua tay nói: “Rồi rồi rồi, anh là sếp nhớn anh quyết định đi, ông đây cắm đầu làm việc là được rồi. Nhưng mà làm thức ăn giao ngoài thì em buộc phải tăng ca, buổi tối sẽ không có thời gian trông chừng Chổi Nhỏ làm bài tập nữa.”
Bì Tu nhìn hắn: “Làm sao, tay nó mọc trên người mày à? Cần mày trông chừng thì mới viết được hả?”
“Anh không biết đâu, dạo này thằng nhỏ cứ tan học về là lại nổi nóng, làm bài tập cũng phải dỗ dành đủ đường y như tổ tông em luôn vậy.” Nhậm Kiêu lên kế hoạch: “Buổi tối em tăng ca, anh bảo Văn Hi dạy kèm nó làm bài, coi như là tiền tăng ca của em.”
Bì Tu: “Vậy anh phải bàn bạc với cậu ta một chút đã.”
Nhậm Kiêu vỗ đùi: “Sao thế, trong hai vợ chồng anh là chủ gia đình mà không sai được cậu ta à?”
“Hai vợ chồng cái đéo.” Nội tâm Bì Tu không hề dậy sóng: “Hồn thể của cậu ta bất ổn, nếu lao lực quá độ thì sẽ xảy ra chuyện, hay là mày tìm cho anh chỗ nào để cho hồn thể của cậu ta nghỉ ngơi, anh giúp mày bảo với cậu ta một tiếng.”
Nhậm Kiêu tặc lưỡi: “Cái ngọc phật kia hết xài được nữa rồi hử? Muốn tìm hàng thay thế thì anh phải chờ một thời gian nữa. Làm sao thế? Có phải là từ sáng tới tối dạy phụ đạo cho thằng cu học sinh họ Ngô kia nên bị chọc tức không? Không sao đâu, Chổi Nhỏ ngoan như kia mà em chỉ bài cho nó còn ức chế muốn đánh người đây này, rộng lượng chút đi.”
Không nhắc đến thì còn đỡ, vừa nhắc đến Ngô Tổ cái là Bì Tu lại thấy đau đầu, lần này Ngô Tô thi tuần còn chưa biết thành tích sẽ ra sao nữa.
Nhậm Kiêu thấy hắn thở ngắn thở dài thì bèn nói: “Không thì anh trực tiếp siêu độ cô ta luôn đi, siêu độ cũng tính là một công đức mà, hơi đâu quan tâm nhiều thế làm gì.”
“Không chỉ là công đức mà còn phải moi được chút tin tức từ miệng cô ta nữa.” Bì Tu thản nhiên nói: “Huống chi chỉ là giúp học sinh thi đỗ trạng nguyên chứ có phải giết người phóng hỏa gì đâu, cũng không tính là khó.”
Nhậm Kiêu: “Nói cũng đúng, tiền khó kiếm cứt khó ăn, so với vì công đức mà đi thông cống rồi bắt đào phạm lẩn trốn khắp thế giới, anh như này vẫn xem như tốt hơn nhiều.”
“Anh đây có mưu đồ mà cô ả cũng có tính toán, chẳng ai chịu thiệt, mà Ngô Tổ cũng thông minh, giỏi hơn Chổi Nhỏ nhiều, dạy nó cũng không mệt lắm.”
Nhậm Kiêu: …….
Nhậm Kiêu: “Cút, Bé Chổi nhà chúng ta thông minh nhất!”
Ông chủ Bì phủi sạch vỏ tỏi dính trên người, không thèm để ý tới hắn, rửa tay rồi bưng thuốc dưỡng hồn và bữa trưa cho Văn Hi lên lầu, khi hắn vén rèm lên thì Văn Hi và Giả Tố Trân đang ngồi nói chuyện với nhau.
Hai người vừa xem cảnh trạng nguyên đón dâu trên ti vi vừa nói chuyện phiếm, Văn Hi suy nghĩ một thoáng rồi hỏi: “Thật ra tôi không hiểu vì sao cô cứ nhất thiết muốn cho Ngô Tổ thi đỗ trạng nguyên?”
Y dừng một chút rồi nói tiếp: “Hẳn là năm xưa cậu ta từng hứa đỗ đạt cao rồi thì sẽ lấy cô làm vợ đúng không?”
Giả Tố Trân vội vàng lắc đầu bảo: “Chưa từng……”
“Vậy thì tại sao?” Bì Tu bưng đồ đi tới, nhíu mày hỏi: “Chẳng lẽ cô có cái bệnh kỳ cục là thích nhìn người ta đỗ trạng nguyên?”
“Không phải! Ngô Lang đáng lẽ có thể đỗ trạng nguyên, chỉ là chàng bị kẻ gian hãm hại nên mới bị tống vào ngục, mất cơ hội đi thi, không còn hi vọng đỗ trạng nguyên nữa. Kiếp trước nô gia chẳng giúp được chàng, cho nên kiếp này mới…”
Bì Tu cười bưng thuốc đến ngồi xuống bên cạnh Văn Hi: “Cũng trùng hợp đấy, năm đó cậu ta bị vu tội trộm cắp, nếu như cô thật sự có thể đọc sách đi thi đạt công danh, chẳng phải vừa kéo diễn một vở Nữ Phò Mã hay sao?”
Giả Tố Trân thảng thốt: “Nhưng nô gia sống ở phường kịch từ nhỏ đến lớn, đâu có phải tiểu thư quan gia gì, còn chẳng nhận nổi mấy chữ thì sao mà đọc mà biết tứ thư ngũ kinh gì gì đó? Nếu thật sự có thể cứu chàng giống như trong vở kịch thì sao lại thành ra nông nỗi ấy chứ?”
Nàng họ Giả, tuy mang tên là Tố Trân, có thể ở trên sân khấu hát Nữ Phò Mã cả đời, có thể cứu Lý Lang trong vở kịch hết lần này đến lần khác, nhưng khi xuống khỏi sân khấu, trút bỏ lớp áo trạng nguyên, giả chung quy vẫn là giả, nàng vẫn là một Giả Tố Trân vô dụng bất lực.
Không thể nào vì Ngô Lang mà đánh trống kêu oan rửa sạch khuất tất, càng không thể nào thi đỗ trạng nguyên để cứu chàng thoát khỏi bể khổ.
Ngô Lang ở trong ngục chịu khổ, nàng chẳng thể rơi lệ, đã vậy còn phải niềm nở tươi cười để đổi lấy sự hoan hô của khán giả. Người dưới đài đều biết nữ phò mã vinh hoa đỗ đạt, liệu có ai biết nỗi thê lương nàng chôn giấu phía sau lớp vỏ ấy chăng?
Văn Hi nhờ tay Bì Tu đút thuốc, vị đắng trong miệng khiến y không khỏi cau mày.
Giả Tố Trân ở bên cạnh trông thấy động tác thân mật của hai người thì bỗng nhiên thở dài nói: “Ô cửa sổ phòng nô gia đối diện với con phố mà trạng nguyên cưỡi ngựa đi qua, lúc ấy nô gia luôn ngóng trông kỳ thi mùa xuân mau đến, từ cửa sổ được ngắm bóng dáng Ngô Lang mặc áo đỏ đánh ngựa dạo qua phố, đời này cũng xem như mãn nguyện.”
“Trạng nguyên thời nay không giống ngày trước đâu.” Bì Tu đút cho Văn Hi viên kẹo: “Cưỡi ngựa ngoài đường là bị phạt tiền đấy, cô cho cậu ta mặc đồ đỏ cưỡi xe đạp công cộng lượn phố một vòng thì được.”
Ít carbon không ô nhiễm, lại còn chẳng tốn nhiều tiền, tiện lợi hơn là cưỡi ngựa dạo phố.
Giả Tố Trân cuống quít xua tay: “Không, nô gia không có ý gì khác đâu, chỉ muốn tận mắt thấy Ngô Lang đỗ trạng nguyên là đủ rồi.”
“Ngày đó Văn gia bị tịch biên, toàn bộ tài sản đều bị sung vào quốc khố, sao bức tranh tiệc sinh nhật ấy lại đến tay cô?” Văn Hi ngậm kẹo trong miệng, cau mày: “Sau đó còn nhuốm cả máu của cô nữa.”
Giả Tố Trân: “Lúc trước Ngô Lang vẽ hai bức giống hệt nhau, chỉ đưa cho ngài một bức trong số đó thôi, bức còn lại thì chàng ấy tặng cho nô gia.”
Cô nở nụ cười, cầm bức tranh trong tay khẽ vuốt ve, đầu ngón tay lướt qua vết máu, nhẹ nhàng bảo: “Vào lúc tự vẫn, nô gia ôm bức tranh này, nên đương nhiên là bị nhuốm máu.”