Tôi là một đứa trẻ mồ côi, có lẽ là hậu quả của việc trọng nam khinh nữ, cũng có thể là đứa con của mối quan hệ nam nữ mà không ai phụ trách.
Là Triết Dã đã đưa tôi về nhà.
Năm ấy chú thực thi chính sách từ nông thôn trở về thành phố, thấy tôi ngồi cạnh đống rác ở nhà ga, một bé gái xinh xắn, lặng lẽ, có rất nhiều người vây quanh. Chú tiến lên, nở nụ cười xán lạn với cô bé kia.
Chú cho tôi một căn nhà, còn cho tôi một cái tên rất đẹp, Đào Yêu. Về sau chú nói, nụ cười lúc trước của tôi có thể nói là đào non mơn mởn, hoa nở tốt tươi.[1]
Cuộc sống của Triết Dã vô cùng đáng thương, cha mẹ chú đều là học giả về nước nhưng vẫn không tránh được đợt tai vạ văn hóa, căm phẫn mà qua đời cùng nhau. Triết Dã tất nhiên cũng không may mắn thoát được, bị đẩy đến nông thôn, lìa xa bạn gái đã yêu nhau nhiều năm. Từ đó về sau chú sống cô độc, cho đến khi ba lăm tuổi trở về thành phố thì nhặt được tôi.
Tôi gọi Triết Dã là chú.
Ký ức thuở ấu thơ của tôi không có nhiều bóng đen, ngoại trừ một chuyện.
Khi đi học, trong lớp có mấy bạn nam nghịch ngợm gọi tôi là “con hoang”. Về nhà, tôi vừa khóc vừa kể cho Triết Dã nghe. Ngày hôm sau, Triết Dã cố ý đến đón tôi tan học, hỏi mấy bạn nam kia: Ai nói cô bé là con hoang? Mấy bạn nam vừa nhìn thấy Triết Dã cao lớn cường tráng liền không nói được tiếng nào. Triết Dã cười lạnh: Lần sau ai dám nói vậy nữa mà để chú nghe được, chú sẽ đánh người đó! Có đứa thì thầm: Nó không phải là con của chú, đúng là con hoang. Triết Dã nắm tay tôi quay đầu lại cười: Nhưng chú lại cưng chiều cô bé như con gái ruột. Ai không tin thì đứng ra đây xem, ai có đồng phục đẹp như của cô bé? Túi xách của người nào được hơn cô bé? Mỗi buổi sáng bé đều uống sữa ăn bánh kem, các cháu nói thử xem, các cháu ăn cái gì? Mấy đứa trẻ lập tức nổi giận.
Từ đó, không có ai dám nói tôi là con hoang nữa. Sau khi lớn lên, mỗi lần nhớ đến việc này tôi liền buồn cười.
So với những đứa trẻ mồ côi khác, cuộc sống của tôi may mắn hơn nhiều lắm.