Người dân nước Hạng vốn dĩ rất yêu thích Mẫu Đơn, xem là hoa quý. Kể từ khi có chiếu thư ban bố, chính thức công nhận Mẫu Đơn là quốc hoa thì họ lại càng lưu tâm để ý.
Có lẽ bởi do ảnh hưởng từ câu chuyện về bức hoạ truyền thần mà Trần Tĩnh Kỳ đã vẽ cho Hoàng hậu Triệu Cơ, những lời ngợi khen trong buổi thưởng hoa của Hạng đế mà về sau, hình tượng hoa Mẫu Đơn đã được nhắc đến, xuất hiện rất nhiều trong đời sống của người dân nước Hạng. Nghề gốm, nghề thêu, điêu khắc, xây dựng, ẩm thực... hầu như trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều thấy sự góp mặt của những bông hoa Mẫu Đơn duyên dáng, kiêu sa. Đặc biệt, khiến người cảm thán nhất chính là văn chương, hội hoạ.
Tong bài thơ “Thưởng Mẫu Đơn”, nhà thơ Lưu Vũ Tích có viết: “Duy hữu mẫu đan chân quốc sắc/Hoa khai thì tiết động kinh thành.” (Tạm dịch: “Duy chỉ có hoa mẫu đơn thật sự là quốc sắc/Thời gian khi hoa nở kinh động tới khắp cả kinh thành.”)
Trong bài thơ “Mẫu Đan Phương”, Bạch Cư Dị lại viết: “Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật/Nhất thành chi nhân giai nhược cuồng.” (Tạm dịch: “Thời gian mẫu đơn nở rồi tàn chỉ trong hai mươi ngày/Dường như người dân trong thành thưởng hoa ngưỡng mộ tới mê hoặc.”)
Nhiều... Rất nhiều bài thơ có nhắc đến hình tượng bông hoa Mẫu Đơn, và ở trong bài thơ nào thì hình ảnh của Mẫu Đơn cũng đều đẹp đẽ, cũng đều kiêu sa. Hội hoạ cũng vậy, tranh vẽ hoa Mẫu Đơn không thiếu những bức xuất thần, được xem là kiệt tác.
“Thiên hạ chân hoa độc Mẫu Đơn” (chỉ có Mẫu Đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ), câu nói ấy, người dân nước Hạng về sau ai cũng đều biết, vô số người công nhận...
Đã nói hoa thì không thể không nhắc đến người cài hoa. Hoàng hậu Triệu Cơ - vị mỹ nhân được vẽ trong bức tranh truyền thần nọ, dĩ nhiên vẫn thường được mọi người đề cập. Họ ngợi khen dung nhan, ca tụng khí chất của nàng, ví nàng là đoá Mẫu Đơn lộng lẫy, quyền quý, cao sang... đủ mọi ngôn từ đẹp đẽ nhất. Bốn chữ “quốc sắc thiên hương”, đâu chỉ để miêu tả hoa Mẫu Đơn, còn là để nói về Triệu Cơ nàng.
Đối với những điều đó, Triệu Cơ thực cảm thấy vui. Tất cả đều đúng như mong đợi của nàng. Song, dù cho thế nhân có vì hoa Mẫu Đơn, vì nàng mà vẽ ra bao nhiêu bức tranh, viết ra bao nhiêu bài thơ tán dương, ca tụng, hết thảy đều không thể bằng được một câu nói của Trần Tĩnh Kỳ.
Hai câu thơ “Quốc sắc triều hàm tửu/Thiên hương dạ nhiễm y” và khúc ngâm “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung/Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng/Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến/Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng” của hắn, không một ai có thể hơn được. Ở trong lòng nàng, bức hoạ truyền thần Trần Tĩnh Kỳ đã vẽ, sáu câu thơ trước sau đã ngâm, đã viết, chúng thực vô cùng có ý nghĩa. Thời điểm hay tin Trần Tĩnh Kỳ đã vì vẽ tranh cho nàng mà bỏ ăn, bỏ ngủ, thậm chí hôn mê, nàng lại càng thêm trân quý...
Chốn tư phòng, bên khung cửa sổ vừa hé mở, Hoàng hậu Triệu Cơ ngồi tựa lưng trên chiếc ghế cao làm từ gỗ huỳnh đàn, lót đệm nhung màu đỏ, tay cầm bức hoạ, hai mắt cúi xem. Chốc chốc, nàng khẽ nhíu mày, nhẹ cắn bờ môi. Cũng chẳng rõ là dạ đang suy nghĩ điều chi.
Cốc cốc!
Bỗng, từ bên gian ngoài, những tiếng gõ cửa vang lên. Kế đó là thanh âm quen thuộc của cung nữ Tiểu Thúy:
- Nương nương, nô tì xin được vào!
Triệu Cơ rất nhanh đã hoàn hồn. Nàng đem bức hoạ cuộn lại, bỏ vào trong hộp gấm, cất đi. Xong xuôi mới cất giọng cho phép Tiểu Thúy đi vào.
- Nương nương.
- Có chuyện gì?
- Thưa nương nương, Dịch tổng quản đã đưa An Vương đến.
Tới rồi sao...
Hoàng hậu Triệu Cơ bảo:
- Ngươi ra kêu Tiểu Mỹ đưa An vương đến Thanh Hương Điện trước chờ ta, sau đó trở vào đây giúp ta chỉnh trang lại y phục một chút.
- Dạ, nương nương.
...
Tiểu Mỹ cũng giống như Tiểu Thúy, đều là tì nữ thiếp thân của Hoàng hậu Triệu Cơ, rất được nàng tín nhiệm. Theo như Trần Tĩnh Kỳ phỏng đoán thì cô cung nữ này, tuổi khoảng hai lăm, hai sáu tầm đấy. Hơi khác Tiểu Thúy, Tiểu Mỹ thấp hơn nửa cái đầu, vóc dáng cũng đầy đặn hơn. Nhất là cặp mông, phải nói rất nở nang, tròn trịa.
Trần Tĩnh Kỳ đi ở phía sau, mắt nhìn cặp mông của Tiểu Mỹ, khoé môi nhẹ nhếch.
Đang dẫn đường phía trước, Tiểu Mỹ không hiểu sao lại cảm thấy bờ mông nhồn nhột, giống như là có ai đang nhòm ngó, săm soi. Nghe theo trực giác mách bảo, nàng xoay người nhìn lại.
- Sao ngươi lại dừng lại? Bộ tới nơi rồi sao?
Trần Tĩnh Kỳ làm ra vẻ nghi hoặc hỏi, cử chỉ rất đỗi tự nhiên.
Tiểu Mỹ không nhìn ra được có điểm nào bất ổn, mới thầm cho là linh cảm của bản thân đã sai, bèn hướng Trần Tĩnh Kỳ cáo lỗi, tiếp tục bước đi. Theo bước chân nàng, hai bờ mông săn chắc, đẫy đà lại đưa qua đưa lại, thế là hai mắt người phía sau cứ thế dán nhìn.
- Thưa An vương, chỗ này chính là Thanh Hương Điện.
Tiểu Mỹ dừng chân, lễ phép thông tin.
Trần Tĩnh Kỳ ngẩng đầu nhìn tấm biển với ba chữ “Thanh Hương Điện” treo phía trên cửa lớn, nhẹ gật đầu.
- An vương, ngài cứ tự nhiên. Nô tì đi chuẩn bị trà rượu cùng điểm tâm, sẽ nhanh chóng mang đến.
- À...
Tiểu Mỹ đã đi xa, thân ảnh sắp khuất mà Trần Tĩnh Kỳ thì vẫn cứ như cũ còn đứng ở bên ngoài điện Thanh Hương, chưa chịu tiến vào. Mãi tới khi bóng dáng của Tiểu Mỹ đã hoàn toàn khuất dạng thì lúc này hắn mới đem ánh mắt thu hồi.
- Chậc, đúng là một cặp mông khêu gợi.
...
Trong tất cả những kiến trúc nhà cửa ở Phượng Nghi Cung, trừ bỏ Nhạc Lâm Hiên ra thì Thanh Hương Điện có vị trí biệt lập nhất. Không gian nơi này rất thoáng đãng, cực thích hợp cho việc ngâm thơ thưởng nguyệt. Muốn vẽ tranh, đương nhiên cũng chẳng hề tệ.
“Không biết lần này Triệu Cơ lại muốn dùng chiêu gì với ta đây..”
Sau một vòng dạo quanh điện Thanh Hương (mà thật ra chỉ là căn phòng rộng ở phía ngoài), Trần Tĩnh Kỳ tiến ra chỗ cửa sổ, nhìn quang cảnh tươi mát trong xanh thầm nghĩ.
Quả đúng như những gì hắn suy đoán, từ sau cuộc hẹn với Viên Hi, còn chưa tới ba hôm đã liền có chỉ dụ của Hạng đế đưa tới Chất tử phủ, lệnh cho hắn phải tiến nhập Phượng Nghi Cung. Vấn đề cũng là hội hoạ, song khác trước, thay vì đích thân vẽ tranh, lần này hắn sẽ sắm vai trò giảng dạy. Học trò của hắn ư? Còn ai khác ngoài Hoàng hậu Triệu Cơ.