Quân Vương Ngự Nữ

Chương 187: Chương 187: Một chữ hảo (好)




Bên hông toà lầu ba tầng trang nghiêm treo đầy những bức hoành phi câu đối, khắc đầy đạo lý thánh nhân, Hoàng hậu Triệu Cơ và các phi tần hiện đang cùng nhau dùng điểm tâm bên chiếc bàn đá, dưới gốc cây xoan đào.

Ngồi ở ghế chủ toạ hướng đông, Hoàng hậu Triệu Cơ nhai xong miếng bánh mật ong, chợt lên tiếng hỏi:

- Trong sáu vị hoàng tử, công chúa, hiện ai là người có thành tích học tập tốt nhất, được các vị Đại học sĩ khen ngợi nhiều nhất?

Triệu Cơ không hướng đến đối tượng cụ thể nào nên nhất thời các phi tần đều không ai lên tiếng. Cao phi, Hạnh phi, Lương phi, Bình phi, Thuận phi, năm người rất ý tứ nhìn sang Hoàng phi Triệu Phi Yến. Chiếu theo địa vị, bọn họ cần phải nhún nhường trước vị Hoàng phi này chứ không nên tùy tiện trả lời.

Triệu Phi Yến tỏ ra hữu lễ, hướng Hoàng hậu Triệu Cơ hồi đáp:

- Tỷ tỷ, trong sáu vị hoàng tử, công chúa, có thành tích học tập tốt nhất là Long Cân, dĩ nhiên Long Cân cũng là người được các Đại học sĩ khen ngợi nhiều nhất.

- Nói vậy thì ta đây phải chúc mừng Phi Yến muội rồi.

Triệu Cơ nhoẻn miệng cười, nói thêm:

- Chỉ mong tương lai của nó sẽ xán lạn hơn hoàng huynh của mình.

Thần sắc Triệu Phi Yến tức thì trầm đi. Tỷ tỷ của nàng rõ ràng có ý mỉa mai, châm chọc.

Nén giận làm vui, nàng mỉm cười, vâng dạ cho qua.

“Hoàng thượng còn sống, đế vị chưa truyền, ai mới là người ngồi lên thì phải đến cuối cùng mới biết được. Triệu Cơ ngươi cũng đừng đắc ý quá sớm...”

Buổi trò chuyện cứ thế trôi qua, luôn trong khuôn phép, khá là tẻ nhạt. Mãi cho đến khi chính miệng Triệu Cơ mở lời đề nghị, bảo mọi người vào trong Thính thất thì tâm trạng các vị phi tần mới có phần khởi sắc.

Nói một chút về Thính thất. Địa phương này kỳ thực cũng chẳng ở đâu xa, ngay tại Thái Bình Lâu thôi. Bên dưới tầng một Thái Bình Lâu, tổng cộng được chia làm bốn gian, hai gian chính dùng để giảng dạy, hai gian phụ nằm ở sát bên, đều được gọi là Thính thất.

Đúng như tên gọi, công dụng của Thính thất là dùng làm nơi nghe ngóng việc giảng dạy của các Đại học sĩ. Thỉnh thoảng Hoàng thượng, hoặc là Hoàng hậu, Hoàng phi sẽ đi vào bên trong gian phòng này, thông qua một thông đạo bí mật để nghe ngóng, xem xem sự dạy và học ở gian phòng bên cạnh ra sao, từ đó sẽ đưa ra đánh giá, quyết định khen thưởng hay là trách phạt.

Hoàng hậu Triệu Cơ đi trước, các vị phi tần nhẹ bước theo sau. Không để cho mọi người phải chờ đợi lâu, tự thân Triệu Cơ đi đến chỗ vách tường, đem bức tranh đang treo ở đấy gỡ xuống, vặn nút cơ quan.

Lập tức, một thông đạo bí mật liền hiện ra. Từ nơi đó, thanh âm của Trần Tĩnh Kỳ truyền qua nghe rõ mồn một.

Triệu Cơ dùng tay ra hiệu, bảo tất cả phải im lặng, sau đó chỉ vào chiếc bàn bên cạnh.

Hiểu ý, các vị phi tần khẽ khàng bước tới, nối nhau ngồi xuống, rồi cùng lắng tai nghe ngóng.

Bởi do khi tiến nhập Thái Bình Lâu, Hoàng hậu Triệu Cơ đã cố tình chọn lối đi riêng nên sự hiện diện của nàng và các vị phi tần bên trong Thính thất, Trần Tĩnh Kỳ vẫn chưa hay biết. Hắn hãy còn đang say sưa chỉ điểm cho các học trò của mình.

Tới giữa giờ tỵ, chừng khi các học trò đều đã hiểu thấu đáo bài vở của bản thân, lúc này hắn mới đưa ra một vấn đề chung để cho tất cả cùng xem xét, thảo luận.

Đầu tiên hắn viết ra một chữ “Hảo” (好), rồi quay xuống nhìn các học trò của mình, hỏi:

- Các trò hiểu thế nào về chữ này?

Gần như lập tức, một cánh tay giơ lên. Không ngoài ý muốn, vẫn giống mọi khi, lần này xung phong phát biểu vẫn là Hoàng tử Lý Long Cân.

Đã có được sự đồng thuận của Trần Tĩnh Kỳ, Hoàng tử Lý Long Cân liền đứng lên, trả lời một cách rành mạch:

- Thưa thầy, đây là chữ “Hảo”, nghĩa là tốt lành, may mắn. Ví như: hảo sự (việc tốt), hảo ý (ý tốt).

Trần Tĩnh Kỳ gật đầu, lại hỏi:

- Vậy, trò nói cho ta biết. Chữ “Hảo” được ghép từ những chữ nào, và lý giải cho ta tại sao người xưa lại ghép với nhau như vậy?

- Thưa thầy, chữ “Hảo” (好) được ghép thành từ chữ “Nữ” (女) và chữ “Tử” (子). Còn về tại sao mà người xưa lại ghép như vậy...

Lý Long Cân thoáng cân nhắc, rồi mới tiếp tục:

- Thưa thầy, Long Cân nghĩ đó là bởi vì người xưa quan niệm hình ảnh người phụ nữ bồng con, nuôi dạy đứa con của mình là một bức tranh tươi đẹp mỹ hảo nhất.

- Không sai.

Trần Tĩnh Kỳ tỏ ý khen ngợi, ra hiệu cho Hoàng tử Lý Long Cân ngồi xuống, rồi mới nói tiếp:

- Tương lai của con là công trình của mẹ. Một đứa trẻ có được thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn lương thiện chính trực là nhờ phần lớn vào công lao dạy dỗ của người mẹ. Có thể nói, nuôi dạy con cái là thiên chức, cũng là vinh dự lớn lao của người phụ nữ.

- Trong lịch sử có ghi chép không ít câu chuyện “hiền mẫu sinh hiền thần”, để ta kể ra cho các trò. Hãy chú ý lắng nghe.

Trần Tĩnh Kỳ bắt đầu kể...

- ... Đức Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng giáo dục của mẹ là Chương Thị, sau này thường được gọi là Mạnh Mẫu.

Ban đầu, Mạnh Mẫu cùng con chuyển nhà đến ở gần một cái nghĩa địa. Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước theo đào, chôn, lăn, khóc. Mạnh Mẫu thấy vậy, trong lòng mới thầm nhủ: “Chỗ u ám như vậy không phải chỗ con ta ở được”. Sau đó, bà lập tức chuyển nhà đi, ra sống ở gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán điên đảo lọc lừa lẫn nhau cũng bắt chước làm theo, Mạnh Mẫu lại nghĩ: “Chỗ thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được”, thế là lại tiếp tục chuyển nhà đi.

Lần này, nơi Mạnh Mẫu dọn đến là cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học lễ nghĩa, nhân cách, cũng ham học theo với chúng bạn cắp sách vở đến trường. Bấy giờ Mạnh Mẫu mới vui lòng nghĩ: “Chỗ này mới thực sự là chỗ cho con ta nên người.”

Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết heo, về hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì vậy mẹ?”

Mạnh Mẫu đang bận chuyện nhà nên nói đùa với con: “Để cho con ăn đấy!” Nhưng khi nói xong, bà hối hận nghĩ lại: “Ta lỡ miệng rồi! Con ta thơ dại, ý thức còn mới mở mang mà ta lại nói đùa với nó thì chẳng khác nào dạy nó nói dối hay sao?” Nghĩ vậy bà đi mua thịt heo về cho con ăn thật.

Lại một hôm, Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Mạnh Mẫu đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt ngang tấm vải đang dệt trên khung, xúc động mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy!”

Từ hôm đó Mạnh Tử cảm khái lời mẹ dạy, quyết không phụ tấm lòng của mẹ, chuyên tâm chuyện học tập, rồi về sau thành một bậc đại hiền vang danh thiên hạ, tiếng thơm hãy còn truyền đến tận ngày nay...

Trần Tĩnh Kỳ kể xong, cảm khái:

- Giáo dục con theo kiểu của Mẹ Mạnh Tử thì Mạnh Tử không trở thành bậc hiền triết sao được. Thấy chỗ ở không thích hợp, lập tức dời đến nơi khác, đến nơi khác vẫn chưa thích hợp lại dời đến nơi khác nữa. Đến khi dời nhà cạnh trường bà mới thật sự hài lòng, vì sống ở đấy, Mạnh Tử sẽ bắt chước chúng bạn năng nổ chăm chỉ học hành mà trở thành người hữu dụng.

Rồi nhìn xuống sáu vị hoàng tử, công chúa, bỗng hỏi:

- Các trò, từ câu chuyện ta vừa kể, các trò rút ra được gì?

Sáu vị hoàng tử, công chúa quay mặt nhìn nhau, nhất thời im lặng.

Trần Tĩnh Kỳ mỉm cười, tự mình nói ra:

- Cách giáo dục của mẹ Mạnh Tử đã chỉ ra cho chúng ta thấy ba điều quan trọng: Thứ nhất chính là chọn môi trường sống thích hợp với trẻ để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường, từ ngoại tại đem lại; thứ hai đó là gieo vào tiềm thức trẻ những đức tánh không phỉnh phờ, chân thật để tạo cho trẻ một nếp sống đạo đức sau này; còn thứ ba, đấy chính là ám thị vào trí não trẻ tinh thần cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác để giúp trẻ có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn gian khổ.

Hắn dừng một chút, cuối cùng chốt hạ:

- “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Như ban nãy ta đã có nói: Tương lai của con là công trình của mẹ. Một đứa trẻ có được thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn lương thiện chính trực là nhờ phần lớn vào công lao dạy dỗ của người mẹ. Ngược lại, nếu đứa con trở nên biếng nhác, gian dối, hẹp hòi, thì người mẹ khó chối bỏ trách nhiệm.

Nếu ví đức hạnh như rễ cây, còn tài năng và danh tiếng như thân cây và cành lá, thì người có nhiều tài năng và danh tiếng cũng giống như một cái cây cao, xum xuê cành lá, thử hỏi không có một bộ rễ chắc khoẻ thì làm sao đứng vững? Nuôi dạy con trẻ cũng như vun trồng một cái cây, rễ có vững thì cây mới cao, con trẻ có đức hạnh cơ bản làm người thì tài năng, danh tiếng sau này mới có ý nghĩa.

Tới đây, hắn lần lượt nhìn tiểu công chúa Lý Long Tranh và Hoàng tử Lý Long Cân, chân thành nhắn nhủ:

- Các trò hãy ghi nhớ kỹ những lời ta nói hôm nay...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.