Đoàn sứ nhân số nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ. Chí ít, để chu toàn được nơi ăn chốn ở, tính ra cũng là một vấn đề. Trong suốt cuộc hành trình, trừ khoảng thời gian lưu tại Đông Hồ thì những lúc còn lại, được ăn uống đầy đủ, ngủ trong chăn đệm duy chỉ quan viên, cấp thủ lĩnh; chứ còn quân binh, thị vệ... điều kiện tính ra có phần kham khổ. Với họ, dầm mưa dãi nắng, mất ngủ quên ăn, mấy chuyện như thế thực rất đỗi bình thường.
Biết sao được, thân phận tôi đoài, bọn họ làm gì có quyền đòi hỏi tiện nghi. Trên đoạn hành trình kế tiếp, mọi thứ vẫn sẽ giống y như cũ; các quân binh, thị vệ, bọn họ sẽ lại nhiều phen khổ nhọc. An ủi duy nhất là khoảng thời gian hiện tại, khi còn ở thành Lạc Dương này.
Một danh gia vọng tộc giống như Triệu gia, điều kiện cung cấp thế nào có thể kém?
Trong lòng các binh sĩ, không ít người thầm mong Trần Tĩnh Kỳ sẽ nán lại Triệu phủ lâu lâu một chút. Vì lợi ích của bản thân bọn họ. Trần Tĩnh Kỳ ư? Hắn chả quan tâm lắm đâu. Hiểu thì hắn rất hiểu, nhưng thấu hiểu là một chuyện, cảm thông hay không và cảm thông được tới đâu, đấy lại là chuyện khác. Hắn cũng đâu phải loại thánh mẫu từ bi, giàu lòng trắc ẩn. Thế giới này có luật lệ của nó, bề trên - kẻ dưới phân định rất rạch ròi. Mọi người đều chấp nhận, Trần Tĩnh Kỳ hắn đương nhiên cũng sẽ không đi cải biến làm gì.
Muốn có cuộc sống tốt? Vậy thì phấn đấu đi. Nỗ lực mà đi lên. Khi ngươi đã đứng ở vị trí cao hơn người khác, họ dù muốn khinh cũng khinh không nỗi.
Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ, làm được mới khó. Tài năng, mưu mẹo là chưa đủ, còn cần sự may mắn. Trong bất cứ lĩnh vực nào, kẻ “thành công” bao giờ cũng nhận được sự kính trọng...
Trần Tĩnh Kỳ là như vậy, hắn chấp nhận cách thế giới này vận hành. Giống như vô vàn kẻ khác, hắn vẫn đang nỗ lực để trèo lên vị trí cao hơn, hướng đến một cuộc sống tốt hơn.
Bao giờ thành tựu? Thú thực bản thân hắn cũng chưa biết. Cuộc sống quá ư phức tạp. Như đã nói, tài năng, sự nỗ lực vẫn là chưa đủ, còn cần thêm một chút may mắn. Mà may mắn, đấy lại không phải yếu tố con người có thể kiểm soát...
...
Tuy chẳng chung suy nghĩ, nhưng quyết định cuối cùng do Trần Tĩnh Kỳ đưa ra vẫn thoả mãn đám binh sĩ của mình. Theo lời mời của Triệu Thừa Phong, đoàn sứ sẽ tạm dừng ở Lạc Dương hai ngày.
Tin tức truyền xuống, đám quân binh tự nhiên âm thầm vui vẻ. Ít nhất thì trong hai ngày tới, bọn họ sẽ được ăn uống đầy đủ, tối đến còn có thể thoải mái tắm gội - một chuyện xa xỉ của những lần hành quân.
Riêng bản thân mình, Trần Tĩnh Kỳ chẳng suy nghĩ nhiều lắm. Với hắn, lưu lại hai hôm ở Lạc Dương bất quá cũng chỉ để nhìn ngắm một chút, thăm hỏi một chút thế thôi.
...
Buổi trưa tiến vào Lạc Dương, đến sẩm tối thì tại Triệu phủ yến tiệc đã chuẩn bị sẵn sàng. Trên bàn sơn hào hải vị bày ra đủ món, nào hấp nào xào nào chiên nào nướng... la liệt từ đầu nam đến tận đầu bắc. Thức ăn như thế, rượu cũng y vậy. Không chỉ bên trên mà còn ở cả bên dưới, bốn phía chung quanh. Liếc mắt một cái, số lượng vò rượu liền cộng đủ mười đầu ngón tay. Đáng nói, rượu này lại chẳng phải thứ tầm thường, loại mặt hàng ngươi có thể dễ dàng mua ở ngoài chợ, trong mấy tửu điếm. Chúng là những vò rượu thượng hạng, một số thậm chí còn được cất giữ hơn hai mươi năm, vô cùng trân quý.
Triệu Thừa Phong tiếp đãi nồng hậu như vậy, thực cũng khiến Trần Tĩnh Kỳ cảm thấy ngạc nhiên. Bởi vì mối quan hệ “tốt đẹp” giữa hắn và mẹ con Triệu Cơ sao?
“Cũng không biết Triệu Cơ nàng đã tường thuật những gì về ta với phụ thân của mình.”
Hữu ý lại như vô tình, Trần Tĩnh Kỳ đưa mắt nhìn sang người ngồi phía đối diện.
Rất tinh ý, Triệu Thừa Phong ngay lập tức cảm nhận được. Hắn liền ngưng cuộc trò chuyện với kẻ kế bên, xoay người lại, hướng Trần Tĩnh Kỳ hỏi:
- An vương, cảm thấy thức ăn phủ ta nấu thế nào? Hợp khẩu vị chứ?
Kèm theo nụ cười thiện chí, Trần Tĩnh Kỳ hồi đáp:
- Các đầu bếp trong phủ hầu gia quả có tay nghề rất cao; món ăn làm ra chẳng những ngon mà còn đẹp, hết sức tinh tế.
Rồi hắn chỉ vào chiếc đĩa sứ trước mặt:
- Ví như món sườn xào chua ngọt này, Tĩnh Kỳ chỉ mới ngó xem liền bị thu hút, mới ngửi qua đã nghe bụng cồn cào, tới khi ăn vào, miếng thứ nhất chưa hết thì đã muốn gắp thêm miếng thứ hai.
- Ha ha! An vương xem ra cũng là người sành ăn nhỉ?
Trong bộ trường sam màu xám, đơn giản mà tinh tế, Triệu Thừa Phong vuốt chòm râu đã ngả bạc, từ dưới chân cầm lên một vò rượu vẫn còn đậy kín.
- Tại đất Thượng, nói về rượu thì không đâu bì được với Trưng Hạ. Hầu hết danh tửu có thể tìm thấy ở Lạc Dương, tám phần chính là từ Trưng Hạ xuất ra. Còn vò rượu mà ta đang cầm đây... dám cá là đến nghe An vương cũng chưa từng được nghe.
“Chưa nghe”, ý nghĩa đương nhiên không phải bảo rượu này tệ; trong câu nói của Triệu Thừa Phong, nên hiểu là nó - vò rượu ấy - rất trân quý, số lượng cực kì hữu hạn, được làm ra chẳng phải để bán buôn. Rượu này, có tiền ngươi cũng khó lòng mua được.
- Hầu gia, không biết tên của loại rượu này là...?
- Tiếp tửu.
“Tiếp tửu”, cái tên rất lạ, Trần Tĩnh Kỳ quả thực chưa từng nghe qua.
Đúng như hắn nghĩ, Tiếp tửu này không được sản xuất để bán, vốn chỉ làm riêng cho Triệu phủ dùng. Công thức nấu rượu duy chỉ nhà họ Diệp ở đất Trưng Hạ mới có. Trần Tĩnh Kỳ hỏi ra mới biết gia chủ Diệp gia Diệp Công Cẩn chính là thuộc hạ cũ của Triệu Thừa Phong, từng chịu đại ân vị hầu gia này.
- Thì ra là như vậy.
Trần Tĩnh Kỳ nghe hết chuyện xưa, liền hướng Triệu Thừa Phong bày tỏ lòng kính trọng:
- Hầu gia đối đãi với thuộc hạ mình như vậy, thực nhân đức lắm thay. Tĩnh Kỳ vô cùng cảm phục.
- Một chút việc nhỏ nào có đáng gì.
Triệu Thừa Phong lắc đầu xua tay, rồi bảo:
- Nếu nói cảm phục thì phải là ta cảm phục An vương mới đúng. Những năm qua An vương đã vì nước Hạng mà bỏ ra không ít công sức, chẳng bù cho lão già như ta, chả đóng góp được gì.
- Hầu gia sao lại nói thế? Tuy rằng hôm nay ngài đã lui về đất Thượng, vui thú điền viên, nhưng thuở trước, những gì ngài đã làm cho nước Hạng, bá tánh nước Hạng vẫn còn ghi nhớ, Hoàng thượng chắc chắn vẫn chưa quên. Tĩnh Kỳ làm sao có thể so bì.
- An vương khách sáo rồi.
Triệu Thừa Phong cười, Trần Tĩnh Kỳ cũng cười. Hai người càng nói lại càng thấy hợp nhau, cũng theo đó, cách xưng hô giữa bọn họ chả mấy chốc đã thay đổi. Trần Tĩnh Kỳ thì như cũ gọi Triệu Thừa Phong là hầu gia, nhưng với Triệu Thừa Phong, thay vì hai tiếng “An vương” khách sáo như trước thì “Tĩnh Kỳ” mới là danh xưng hiện tại phát ra từ miệng hắn, thân thiết hơn nhiều.
Chuyện trò cứ vậy diễn ra, tiếng nói tiếng cười râm ran không dứt. Ban đầu chỉ là những câu hỏi xã giao, đại khái chung chung, song càng về sau, giữa Triệu Thừa Phong và Trần Tĩnh Kỳ lại càng thêm cởi mở. Từ trong triều cho tới ngoài triều, từ Hạng cho tới Trần, từ Tiên Việt cho tới đất Thát của những năm tháng xa xôi... Kim cổ, thời thế, nhân sinh, họ đều đã nhắc. Giây phút cao hứng, bọn họ thậm chí còn cùng nhau ngâm thơ, đối thơ, hệt như tri kỉ.
Có điều, thấy thì thấy vậy, tốt nhất vẫn là đừng nên tin. Trần Tĩnh Kỳ vốn kẻ thâm sâu, mà Triệu Thừa Phong cũng chẳng hề nông cạn, loại người như họ, hai chữ “bằng hữu” đâu dễ gì được chấp nhận. Tri âm, tri kỉ? Vừa gặp đã thân? Hơi buồn cười đấy.
Bất quá dáng vẻ bên ngoài mà thôi; chứ ở trong lòng, bọn họ nghĩ gì cũng chỉ họ mới rõ.
...
Yến tiệc bắt đầu từ sẩm tối, kéo dài đến gần nửa đêm mới tan. Lúc tàn cuộc vui, thời điểm đứng lên ra về, Trần Tĩnh Kỳ cũng phải lảo đảo vài phen. Bộ dáng của một kẻ say.
Giả vờ?
Không, hắn say thật. Tiếp tửu kia, độ mạnh rất là đáng nể. So với Bát niên Hồng Lộ Tửu, loại mạnh nhất mà Trần Tĩnh Kỳ hắn từng uống, nó thậm chí còn mạnh hơn. Sánh được, thiết nghĩ cũng chỉ rượu Miên Lý của người Thát. Nhưng, cho dù có say, Trần Tĩnh Kỳ hắn vẫn là con người lý trí. Hắn chỉ nói những gì nên nói, chuyện không nên nói, một chữ cũng đừng kẻ nào mong khai thác được.