Sau một hồi chạy đông chạy tây, cuối cùng Trần Tĩnh Kỳ vẫn không tài nào thoát được. Lúc này, cổ áo của hắn đã bị Lâm Hào nắm giữ.
- Tiểu tử, ta coi ngươi còn chạy được đi đâu!
Nhìn vầng trán nhăn nheo nổi gân xanh cuồn cuộn, Trần Tĩnh Kỳ ít nhiều cũng thấy hãi. Hắn khẩn khoản:
- Hầu gia, ngài hãy bình tĩnh nghe ta giải thích!
- Giải thích? Ngươi còn có gì để giải thích?
Lâm Hào căn bản là chẳng muốn nghe. Hắn gầm một tiếng, đem Trần Tĩnh Kỳ nhấc bổng lên cao, chân hổng mặt đất.
- Phụ thân, xin hãy dừng tay!
Tới nước này, nhắm tình cảnh Trần Tĩnh Kỳ đang trong thế nguy nan, Lâm Chấn và Lâm Thục Nhu phải đồng loạt can ngăn, một bên ra sức cố kìm Lâm Hào lại, một bên lựa lợi khuyên giải thiệt hơn. Nói thế nào thì Trần Tĩnh Kỳ cũng là một vị vương gia, được Hoàng thượng đặc phái tới đất Tương làm nhiệm vụ. Nếu thương hại hắn, Hoàng thượng trách tội xuống, khi đó Lâm gia...
- Hoàng thượng nếu trách tội thì ta sẽ tự mình gánh chịu!
Dứt câu, Lâm Hào vận lực đem Lâm Chấn và Lâm Thục Nhu gạt ra. Kế đó, hắn trở mình, vung tay quật mạnh.
Rầm!
- Không...!
...
Trần Tĩnh Kỳ nghĩ là mình đã nằm mơ. Một cơn ác mộng. Trong giấc mơ, hắn bị người ta xách đại đao truy đuổi, sau đó bị đối phương chặt đầu, rồi mổ bụng phanh thây... Hình ảnh thật vô cùng kinh khủng. Tới mức khiến hắn phải giật mình thức giấc, trán đẫm mồ hôi.
Chợt, từ cánh tay bên phải của hắn, một cơn đau truyền tới, làm hắn nhất thời không nhịn được phải thấp giọng kêu rên.
- Khì...
Một tiếng cười trong trẻo bỗng vọng vào tai, Trần Tĩnh Kỳ lập tức xoay đầu nhìn lại.
Trên chiếc ghế dựa đặt ở gần nơi hắn nằm có một người đang chiếm giữ. Bóng dáng thướt tha, vóc diện yêu kiều, đích thị là Lâm Thục Nhu. Cũng chẳng biết nàng đã ngồi đó từ bao giờ.
- Nương nương... A...!
Trần Tĩnh Kỳ nhăn mặt nhíu mày. Từ cánh tay bên phải của hắn, cơn đau lại truyền tới. Hắn nhìn kỹ, lúc này mới nhận thức thấu đáo tình cảnh của bản thân. Thì ra hắn đã bị thương, tay đương còn băng bó.
- Nương nương, tay ta...?
- Bị gãy rồi.
Lâm Thục Nhu bồi thêm:
- Là phụ thân ta làm.
- Ta biết đó không phải giấc mơ mà.
Trần Tĩnh Kỳ ngồi nhớ lại, thâm tâm một hồi cảm khái. Cái lão già gân kia, tính tình cũng không khỏi quá cục súc đi.
- Lão hầu gia đúng là chẳng nương tay chút nào a.
Nét mặt Lâm Thục Nhu có chút là lạ. Nàng bảo:
- Nếu phụ thân thật quyết hạ thủ, bị gãy sẽ không chỉ có mỗi cánh tay của ngươi đâu.
- Nói vậy là ta phải cảm ơn lão hầu gia thủ hạ lưu tình?
Nhìn cái bản mặt ủy khuất kia của hắn, Lâm Thục Nhu lại cảm thấy buồn cười. Phải cố gắng lắm mới không để cho tiếng cười vọt ra khỏi miệng, nàng phản biện:
- Tự làm thì tự chịu, ngươi còn có thể trách ai? Ai bảo ngươi ăn no không có chuyện gì làm lại đi nói xấu phụ thân ta. Cái gì “ngựa còn khó cưỡi, đại đao còn khó nắm” chứ? Phụ thân ta chưa dùng đao chém ngươi thành tám khúc đã là may mắn cho ngươi lắm rồi.
Thực lòng, hành vi của hắn khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên, đến mức sững sờ. Từ nhỏ đến lớn, nếu nàng nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên có kẻ dám bôi nhọ phụ thân mình như vậy, cũng là lần đầu tiên nàng tận mắt chứng kiến phụ thân nổi xung thiên như vậy. Hình ảnh kia, nó thật là thú vị.
Mặc dù Lâm Thục Nhu cố tâm che đậy, song ý cười trên gương mặt thì làm sao qua nổi cặp mắt tinh tường của Trần Tĩnh Kỳ. Giây phút này, hắn cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn.
- Nương nương, người quan tâm ta sao?
Toàn thân Lâm Thục Nhu tức thì khựng lại. Thần sắc đã đổi sang lạnh lùng, nàng đáp, thanh âm trở nên xa cách:
- Dĩ nhiên là ta phải quan tâm. Trần Tĩnh Kỳ ngươi vốn do Hoàng thượng đặc phái đến đất Tương, nếu có chuyện gì, không phải Lâm gia ta sẽ bị Hoàng thượng trách phạt hay sao?
- Được rồi. Theo như ta thấy thì ngoài cánh tay chịu chút thương tổn kia ra, những nơi khác cũng chả có gì đáng ngại. Ta hi vọng là ngươi sẽ không để bụng cái việc cỏn con này.
Nói rồi nàng đứng dậy, hướng cửa lớn bước ra.
- Nương nương an tâm, đây là do Tĩnh Kỳ tự chuốc lấy, không phải lỗi của hầu gia.
- Vậy thì tốt.
...
Tối hôm đó, khoảng giữa giờ tuất, nơi ở của Trần Tĩnh Kỳ lại có khách viếng thăm. Kẻ đến là một lão nhân, tuy rằng tuổi tác đã cao nhưng vóc người hãy còn rất tráng kiện.
Chủ nhân Lâm gia: lão gia chủ Lâm Hào.
Sau những gì đã xảy ra, theo lý khi nhìn thấy Lâm Hào đột nhiên tìm đến vào lúc đêm hôm thế này, Trần Tĩnh Kỳ nên tỏ ra lo lắng mới phải. Nhưng không, hắn rất bình tĩnh. Bộ dáng của hắn cứ như thể đã sớm đoán được là đêm nay Lâm Hào sẽ tìm tới vậy.
- Hầu gia.
- Tiểu tử, con người của ngươi thật là khoa trương đấy.
Lâm Hào vừa đi, miệng vừa nói.
- Hầu gia so với Tĩnh Kỳ không phải càng khoa trương?
Lâm Hào nghe vậy, khoé miệng liền nhếch lên. Thái độ của hắn hiện giờ, so với thời điểm đuổi đánh Trần Tĩnh Kỳ thì quả khác xa một trời một vực.
Động tác tùy nhiên, hắn vươn tay đem chiếc ghế mà Lâm Thục Nhu đã từng ngồi kéo lại. Bốn mắt nhìn nhau, hắn hỏi:
- Thế nào? Cánh tay của ngươi không có vấn đề gì chứ?
- Chỉ là chút thương tích nhỏ, Tĩnh Kỳ có thể chịu được.
...
- Hầu gia, ngài sao lại nhìn ta như vậy?
- Tiểu tử ngươi đúng là rất khác biệt.
- Khác biệt? Như thế nào?
Lâm Hào chỉ cười một cách ẩn ý chứ không giải thích gì thêm. Thay vào đó, hắn đi luôn vào chính sự, chuyện chức vị Đại tướng quân.
Cũng không rõ giữa hai người bọn họ đã nói với nhau những gì, chỉ biết lúc ra về, thần sắc Lâm Hào rất tốt, mà bản thân Trần Tĩnh Kỳ thì cũng khá vui vẻ. Hẳn đôi bên đã đạt thành thoả thuận.
Sáng hôm sau, tin tức nhanh chóng truyền khắp Lâm phủ, rồi lan rộng cả thành Kiến Ninh. Theo đó, lão hầu gia đã đồng ý tiếp nhận thánh ý, quyết định trở về kinh thành nhậm chức Đại tướng quân.
Đối với dân chúng Kiến Ninh nói riêng, đất Tương nói chung, đây rõ ràng là một tin tốt. Trong lòng bọn họ, không ai xứng đáng ngồi vào chiếc ghế Đại tướng quân hơn Lâm Hào. Lâm gia mấy đời tận trung báo quốc, nắm giữ quyền binh, cũng chỉ có người họ Lâm mới đủ năng lực để lãnh đạo quân đội đương đầu với Đại Liêu, với Đại Trần. Chức Đại tướng quân mà giao cho kẻ khác, bọn họ sẽ cảm thấy không an tâm.
Lại nói, việc Hạng đế Lý Uyên nghi kị Lâm gia, ép lão hầu gia giao trả binh phù thuở ấy, bao năm qua người dân đất Tương hãy còn để bụng, thầm chê trách. Nay, Lâm Hào được bổ nhiệm, Lâm gia được trọng dụng, vốn dĩ cũng là thuận với ý trời, hợp với lòng dân.