Trước cửa Chất tử phủ một cỗ xe sang trọng vừa mới dừng lại, xem tiêu ký thì rõ ràng là vật dụng trong cung.
Cánh cửa được mở, từ bên trong xe, một người mặc trang phục nội giám ló đầu, sau đấy liền được cẩn thận dìu xuống.
Đây là một hoạn quan. Tên của hắn gọi Quế Lân, rất được Trịnh Hoài An - tổng quản thái giám - người luôn thân cận bên cạnh Hạng đế Lý Uyên - coi trọng. Hôm nay, hắn được Trịnh Hoài An phái tới phủ Chất tử để truyền khẩu dụ của Hạng đế Lý Uyên.
Trần Tĩnh Kỳ nghe Quế Lân nói đến truyền khẩu dụ, trong lòng khó tránh nghi hoặc.
Nhưng cũng không lâu, mọi thứ đã nhanh chóng được làm sáng tỏ. Thì ra, Hạng đế Lý Uyên lệnh cho hắn vào cung để vẽ tranh; đối tượng mà hắn sẽ vẽ, chẳng phải ai xa lạ, chính là Hoàng hậu Triệu Cơ.
“Thư hoạ đồng nguyên”, Trần Tĩnh Kỳ đã có thể tạo ra một bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ tuyệt diệu, được chính miệng Hạng đế ví như “thần bút” thì đối với những bức tranh phong cảnh, con người hắn vẽ, dĩ nhiên cũng không thể coi thường. Lại nói, chiếu theo ý tứ của Hoàng hậu Triệu Cơ thì loại tranh lần này nàng muốn được vẽ là tranh thủy mặc, chỉ dùng mực nước thuần túy, với một thư gia đại tài như Trần Tĩnh Kỳ mà nói thì lại càng quen thuộc, dễ dàng huy bút. Nên nghi hoặc chăng là ở động cơ.
- Công tử, Hạng đế tại sao lại đột nhiên muốn ngài vẽ tranh cho Hoàng hậu vậy?
Bao Bọc Vàng thấp giọng hỏi. Trong nhất thời hắn thật là vẫn chưa hiểu được nguyên do.
Sát bên, Lê Công Lượng mỉm cười:
- Lão Bao, chuyện vẽ tranh này ta nghĩ không phải chủ ý của Hoàng thượng đâu.
Không phải?
- Lão Lê, nói vậy thì đây là...?
- Ý của Hoàng hậu.
- Hoàng hậu... Nhưng tại sao Hoàng hậu lại đột nhiên muốn công tử vẽ tranh cho mình?
- Thiết nghĩ là để lấy lòng đi.
...
Suy đoán của Lê Công Lượng cũng chính là những gì mà Trần Tĩnh Kỳ đã nghĩ. Hắn cho Triệu Cơ làm như vậy là để giúp Lý Long Tích sửa chữa sai lầm, muốn hắn một lần nữa quay lại phò tá cho Lý Long Tích. Bởi mấy ngày này, bất chấp Lý Long Tích thay đổi thái độ, đối xử nhiệt tình, Trần Tĩnh Kỳ hắn vẫn chưa chính thức gật đầu, luôn mượn cớ né tránh.
Làm cao?
Trần Tĩnh Kỳ hắn cần phải biểu hiện như vậy, cho giống kẻ sĩ. Song tất nhiên, cuối cùng thì hắn cũng sẽ “hồi tâm chuyển ý” mà tiếp tục ra sức vì Lý Long Tích. Có điều trước mắt, hắn vẫn nên “làm cao” thêm một chút.
...
Qua hôm sau, khi mặt trời lên được tầm sải tay thì một cỗ xe ngựa sang trọng mang tiêu ký của hoàng gia đã xuất hiện ở trước cổng phủ Chất tử.
Đón rước Trần Tĩnh Kỳ là Dịch Thành - một vị thái giám của Phượng Nghi Cung. Người này đối với Trần Tĩnh Kỳ rất hữu lễ, trên miệng hầu như lúc nào cũng treo một nụ cười thiện chí. Có lẽ nhờ vậy mà dọc đường hắn với Trần Tĩnh Kỳ mới trò chuyện được nhiều hơn, đôi bên thấu hiểu nhau hơn.
Xe ngựa có tiêu ký của cung Phượng Nghi, người đánh xe lại là kẻ quen thuộc đối với các thị vệ hoàng cung, vì vậy nên khi qua các trạm gác, chẳng ai dám giữ lâu, chỉ hỏi han, xem xét lấy lệ rồi cho đi.
Xe ngựa cứ thế một đường chạy thẳng đến cung Phượng Nghi, nhưng nó không vào tận nơi ở, phải dừng ở mép rìa. Đây là quy định, phòng có kẻ gian trà trộn.
Theo chân thái giám Dịch Thành, Trần Tĩnh Kỳ đi qua thêm mấy trạm canh gác nữa mới chính thức tiến nhập Phượng Nghi Cung. Toà cung điện này, so với những kiến trúc trước đó thì lộng lẫy, xa hoa hơn nhiều; quang cảnh chung quanh, nó cũng tươi mới, ngập tràn sinh khí.
Triệu Cơ tiếp khách ở tại chính cung. Để đến được căn phòng của nàng, Trần Tĩnh Kỳ phải đi cả một đỗi, rẽ mấy bận hành lang.
Phòng ốc rất rộng, vật dụng bài trí cũng cực kì xa hoa đắt đỏ, đại đa số đều là những thứ mà người bình thường chẳng bao giờ ngó thấy, mà kẻ biết thì chắc cũng không nhiều.
Bức rèm lay động, từ phía sau, mấy cánh tay cung nữ đưa về trước, cầm rèm vén lên cao. Ở chính giữa, Triệu Cơ từ tốn bước ra.
Hôm nay nàng không mặc hoàng y như thường thấy, thay vào đó, hiện đang được khoác lên phượng thể là một bộ cung trang màu xanh nước biển, trông rất tươi mới.
“Thật là diễm lệ...”
Ở trong tâm Trần Tĩnh Kỳ thầm cảm thán. Tuy đây đã không phải lần đầu tiên hắn được mục sở thị chân diện của Triệu Cơ, nhưng thực sự là vẫn không thể nào ngừng tán thưởng. Triệu Cơ nàng quá đẹp.
Nét đẹp của nàng, nó không giống với bất cứ nữ nhân nào mà Trần Tĩnh Kỳ hắn đã từng gặp. Khí chất của nàng rất đỗi cao quý, đoan trang, trong dịu dàng lại quyện cùng sắc sảo.
“Trên đầu chữ Sắc (色) có con dao (刀)”, đối với Triệu Cơ thì câu nói này lại càng thích hợp.
Nếu sức mạnh là ưu điểm của nam nhân thì nhan sắc chính là lợi thế mà tạo hoá đã ban cho nữ nhân. Nhan sắc ở đây có một “sức mạnh” phi thường, nhiều khi nó còn vượt qua cả sức mạnh của nam nhân, thậm chí có thể làm nghiêng thành đổ nước.
Triệu Cơ chính là một nữ nhân như vậy. Kể cả khi hiện giờ tuổi của nàng đã ở ngoài bốn mươi.
Nữ nhân ngoài bốn mươi, trong thiên hạ liệu có mấy người được như Triệu Cơ? Trên khuôn mặt Triệu Cơ nàng, một nếp nhăn, một chút tì vết đều chưa thấy. Hiện hữu chăng là phong vận thành thục của một nữ nhân từng trải; tư vị mặn mà này, mấy cô thiếu nữ căn bản vô pháp so bì.
Trần Tĩnh Kỳ ư? Hắn đang bị thu hút, không muốn dời đi ánh mắt. Nhất là ở vị trí môi trên bên trái của Triệu Cơ. Nốt ruồi đính nơi đó khiến cho dung nhan Triệu Cơ nàng càng thêm duyên dáng, sắc sảo, mị hoặc chúng sinh...
- Tĩnh Kỳ tham kiến Hoàng hậu nương nương! Chúc Hoàng hậu nương nương thiên tuế an khang, vạn phúc cát tường!
Triệu Cơ nghe qua, khuôn miệng nhỏ nhắn hé mở nụ cười:
- “Thiên tuế”? Lần trước không phải là “vạn tuế” sao?
Ý Triệu Cơ đây là đang nhắc lại sự kiện đêm nguyên tiêu của năm năm trước, thời điểm hắn vì Lý Long Tích dâng lên bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ. Khi đó, để làm vui lòng Triệu Cơ, cũng là để thể hiện lập trường, Trần Tĩnh Kỳ hắn đã dùng hai chữ “vạn tuế” để ra mắt, trong khi đối với Hoàng phi Triệu Phi Yến thì chỉ ghép chung cùng các phi tần khác, dùng chữ “thiên tuế“.
“Nữ nhân này, có cần phải soi mói, bắt bẻ như vậy không?”
Hắn và nàng chỉ vừa mới chạm mặt thôi a!
Nhìn tiếu ý trên môi Triệu Cơ, Trần Tĩnh Kỳ biết nàng vốn cũng không có ý khiển trách, bất quá trêu vui nên bình tĩnh hồi âm:
- Nếu nương nương muốn, Tĩnh Kỳ liền sửa.
- Được, bổn cung muốn. Ngươi sửa liền đi.
Trần Tĩnh Kỳ có chút im lặng rồi. Vị Hoàng hậu nương nương này, trong đầu rốt cuộc là đang nghĩ gì vậy? Thái độ, cách cư xử này, nào giống muốn vỗ về, lôi kéo. Giống đang hạch sách hơn!
Không lẽ ta nghĩ sai?
Trần Tĩnh Kỳ tự hỏi, rất nhanh lắc đầu. Hắn tin tưởng vào suy luận của mình, tin Triệu Cơ chẳng có ý xấu. Hôm nay Triệu Cơ nàng mượn cớ vẽ tranh để gặp mặt, nhất định cốt chỉ để trấn an, làm tăng thiện cảm. Về phần thái độ “hạch sách” này đây... chắc là trêu vui.
Phải, chỉ là trêu vui..
Trần Tĩnh Kỳ tự nhủ, theo ý Triệu Cơ đem câu chào trước đó sửa lại:
- Tĩnh Kỳ tham kiến Hoàng hậu nương nương! Chúc Hoàng hậu nương nương vạn tuế an khang, vạn phúc cát tường!
Tới lúc này thì Triệu Cơ mới tỏ ra vừa ý, gật đầu chấp thuận.
(*) Tranh thủy mặc hay tranh thủy mạc, là một loại tranh hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc. “Thủy” (水) là nước, “mặc” (墨) là mực nên tranh thủy mặc chủ yếu chỉ là mực mài ra, pha với nước, rồi dùng bút lông vẽ trên giấy hoặc lụa nên về sắc thái chỉ có hai màu trắng đen.