Lớp sáu của chúng tôi cuối cùng cũng trôi qua như vậy đó. Những cái kỷ niệm mà tôi nhớ lại thật đúng là chẳng có bao nhiêu. Hồi đó có một ông thầy dạy Hóa nói với tôi rằng, não con người có chức năng quên đi, cái gì không cần thiết, không nhớ tới nhiều sẽ dần dần mất hết.Cho nên bây giờ kể về lớp sáu bấy nhiêu thôi, ngày nào đó tự dưng nhớ lại tôi sẽ lôi ra nói tiếp. Ôi, kể đến đây, tự dưng tôi nhớ cái thời lớp sáu đó quá, nhớ cái phim hoạt hình Masupilami nổi đình nổi đám, nhớ lần đầu bị con Loan với con Thắm rủ đi đọc truyện, hu hu.
“Em ồn ào quá, cho anh ngủ cái coi”
“Bà xã, em khóc hả? Phù! Hên quá, em không có khóc, thôi ngủ đi em” – Que kem xoa xoa đầu tôi, kế đó nằm xuống giường, nhắm mắt.
“Ê cái đồ que kem vô lương tâm kia, em thương tâm như vậy mà anh không chút quan tâm là sao? Anh lại không hỏi em lấy một câu mà chỉ sợ em làm anh thức thôi hả? Anh còn ngủ được sao? Anh mau thức cho em!” – Tôi bực bội lay que kem dậy.
“Bà xã, mai anh phải đi làm sớm mà. Có chuyện gì ngày mai nói được không?”
Tôi ấm ức, liếc nhìn que kem. Tâm trạng ôn lại chuyện xưa của tôi mất sạch rồi.
“Anh là cái đồ vô lương tâm. Năm lớp sáu anh ức hiếp em quá chừng. Bây giờ lại không thèm quan tâm em nữa, hu hu”
“Bà xã, em bị hội chứng u sầu tiền sản hả?”
“Anh nói cái gì?” – Tôi giật mình nhìn que kem – “Em làm gì có thai mà tiền sản ở đây?”
“Không có nhưng mà sắp có rồi”
“Sắp có là thế nào?” – Tôi run run lo sợ trong lòng.
“Là sẽ có đó” – Anh xã nham hiểm nhìn tôi.
“Anh buông em ra, không phải anh nói mai anh phải dậy sớm sao?” – Tôi bỗng sợ hãi. Cả đời này, có lẽ tôi sợ nhất chính là vô bệnh viện, chính là sinh con. Hôm nay không phải là ngày an toàn của tôi. Nhỡ đâu. Ôi tôi không muốn, không muốn chút nào, cái cảnh máu me mà tôi từng coi trên Youtube đó, ám ảnh tôi, tôi rất sợ hãi a.
“Em muốn anh quan tâm em mà. Không ngủ thì mình kiếm việc gì làm giết thời gian thôi”
Tôi tức tối, quăng cái gối vô mặt que kem – “Anh ra ngoài ngủ phòng khách cho em”.
Anh xã tỏ vẻ bực bội rời giường, sau đó sang phòng khách, ngủ say như chết. Tôi lại bại trận nữa rồi. Anh xã xài chiêu gì với tôi, tôi đều trúng kế cả. Giờ đây, chẳng lẽ tôi lại vô nhân đạo mà lay anh dậy nữa sao?
Mùa hè chuyển giao giữa năm lớp sáu và năm lớp bảy đó, ngoài chuyện ở nhà ăn, ngủ, đi học thêm hè, mướn truyện về đọc, tôi lại có một thói quen mới, đó là vào nhà sách mua truyện và đi xem đá banh, tìm hiểu về bóng đá. Kể ra, tôi đã biết thêm được nhiều thứ, học được nhiều điều.
Sau này, con Thắm nghe tôi nhắc lại mùa hè năm đó, nó tức tối: “Bà hè năm đó đi nhà sách cái gì, xem bóng đá cái gì chứ. Tôi thấy năm đó bà giống chó săn suốt ngày rình mò Duy thì đúng hơn.”
Con Thắm nói vậy, làm tôi đau lòng quá. Nó có cần nói toạc móng heo như vậy không. Sao nó không có lời lẽ nào tốt đẹp hơn để hình dung về hành động mang đầy tính nữ quyền của bạn nó chứ. Nữ theo đuổi nam chính là thể hiện tinh thần bình đẳng giới đó. Còn nữa, nếu không nhờ mùa hè năm đó vì muốn được gần Duy một chút, tôi ghé nhà sách nhà Duy, tại nhà Duy bán sách mà, thì có lẽ chồng truyện Đô rê mon với Conan đã không được cao như bây giờ, và con Thắm nó đã không được tới nhà tôi đọc ké đến nỗi mòn mấy bìa truyện của tôi luôn. Vậy đó, nó đúng là vong ân phụ nghĩa, quên đi mình đã làm cho nó những gì, mà chỉ nhớ những lần mình lôi kéo nó đi theo dõi Duy mà thôi. Đúng là nó suốt ngày chỉ biết nhìn chầm chầm một chấm đen nhỏ xíu trên trang giấy trắng. Nó đúng là thiển cận mà.
Trong những lần ghé nhà Duy như vậy, tiền để dành của tôi cứ thế vơi dần vơi dần. Bởi vì chẳng lẽ vô nhà sách mà không mua sách hay sao?
Tuy là muốn kiếm cớ gặp Duy, nhưng tôi vẫn tiếc tiền của mình hơn. Cho nên tôi đâu có mua sách gì đâu, chỉ toàn mua Conan và Đô rê mon thôi.
Từ đó, nhờ phúc của Duy, chồng sách Conan với Đô rê mon của tôi cứ thế cao dần. Nhắc tới Conan mới tức. Mười mấy năm rồi, tôi chờ Conan chờ dài cổ, trở thành hươu cao cổ luôn, vậy mà chờ mãi Conan vẫn chưa có kết thúc. Tác giả thật là hành xác người đọc mà.
Vô nhà sách, thập thò giả vờ chọn lựa, rồi thập thò len lén nhìn vô trong nhà của Duy. Thỉnh thoảng Duy phải đi ra ngoài, thì sẽ trông thấy tôi.
Thế nhưng, những lần tôi gặp Duy thì ít mà gom truyện về nhà thì nhiều. Tại Duy cũng ít khi ra ngoài trước nhà phụ cha bán. Những lần cha Duy ra ngoài đi công việc gì đó để Duy trông tiệm rất hiếm hoi. Nhìn thấy tôi, Duy chỉ hỏi lấy lệ vài câu, rồi bận rộn thanh toán tiền cho khách, hoặc vùi đầu vào cuốn tiểu thuyết Kim Dung.
Mỗi khi mua truyện xong, tôi ghé ngang nhà Thu, ngồi chực ở nhà Thu cả buổi, nhằm hai mục đích cao cả: đem truyện cho Thu nó đọc ké với lại ngồi đó hóng Duy, rình mò Duy, theo dõi Duy như thám tử vậy. Tại nhà Thu nằm đối diện với nhà Duy, với hiệu sách nhà Duy mà.
Một lần nọ, nhìn thấy Duy bước ra khỏi nhà, tôi nhanh chóng bỏ lại ly nước đang uống dở, bỏ lại ánh mắt khinh thường của Thu, lên xe đạp đuổi theo Duy. Từ đó, tôi mới biết được, Duy rất thường hay đi đá banh chung với tụi con trai trong xã ở sân bóng mini gần trường. Từ đó, mỗi khi biết Duy đang chuẩn bị đi đá banh, tôi bèn tới nhà con Thắm, đứa rảnh nhất trong ba đứa bạn của tôi, và cũng là thân nhất, lôi kéo nó ghé quán nước mía kế bên sân banh, bởi vì trong lúc giả vờ uống nước mía, mình có thể giả vờ tình cờ gặp Duy ở đây, hoặc là nói với Duy: “Thảo thích coi đá banh lắm”, rồi cùng Duy ngồi xuống, bàn luận với nhau, để tình ý nảy sinh, tình yêu phát triển. Bây giờ đang là mùa hè, bạn bè tôi chắc đi đá banh cũng chẳng có mấy ai, như vậy mình có “vượt tường” một tí cũng không ai biết được.
Tất nhiên, để bàn luận đá banh với Duy, tôi đã phải căng mắt thức cùng cha tôi mấy đêm liền, ngồi cố mà nghe cha kể quy tắc đá banh, thế nào là việt vị, thế nào là phạt đền. Mệt nhất là nghe cha huyên thuyên về mấy đội bóng cha thích, nào là Arsenal, nào là Manchester. Ôi nghĩ tới mà tôi còn thấy nhức cả đầu. Đến nỗi rốt cục tôi không phân biệt nổi Arsenal và Manchester, rốt cục ai mới là quỷ đỏ? Tại cả hai cái đội này đều mặc áo đỏ hết.
Nghe kế hoạch của tôi, bị tôi lôi kéo dụ dỗ, con Thắm chỉ biết thở dài, nó uể oải theo tôi tới sân banh, ngồi uống nước mía với tôi. Nó than vãn: “Bà tối ngày làm chuyện vô bổ. Duy nếu nó thích bà thì đã thích từ lâu rồi. Tui thấy Thành nó mới thích bà thật lòng đó, vậy mà bà có phúc mà không biết hưởng. Cái gì của mình thì sẽ là của mình. Cái gì không phải của mình thì sẽ không phải của mình”.
“Bà biết cái gì chứ, Thành nó thích tui hồi nào? Nó là nó cố tình khiến cho người ta hiểu lầm rồi gán ghép tui với nó, khiến tui tức chơi, khiến tui không cua Duy được. À nếu que củi là phúc vậy tui nhường bà đó”
“Thôi thôi, nguyên tắc của tui là đồ của bạn không được xài, người của bạn không được đụng”
Nghe nó nói, tôi lập tức cãi lại: “Cái gì? Nó là người của tui hồi nào hả?”
“Bây giờ không phải thì sau này cũng phải thôi. Ây ui !!!” – Tôi nhéo nó một cái.
“Bà đúng là đồ tối ngày suy nghĩ lung tung. Bà có phải bạn tui không? Sao mà bà không ủng hộ bạn bà gì hết vậy? Bà nói đồ của bạn không được xài, vậy mấy cuốn truyện của tui bà lấy đọc mòn bìa luôn thì tính thế nào?”
“Nguyên tắc xài thì nó phải hao mòn, phải hao tổn. Truyện của bà là tui mượn đọc ké hà, không phải xài. Như bút viết của bà tui có mượn đâu. Vì mượn xài là nó hao. Cho nên truyện của bà là tui mượn đọc ké thôi, không phải xài. Tại nó có hao tổn gì đâu”
“Vậy tui hỏi lại bà. Que củi là thứ xài bị hao tổn sao?”
“Tất nhiên”
“Hao tổn cái gì chứ?”
Tôi liếc mắt nhìn nó. Đúng là cái đồ lý luận cùn. Nó không mượn viết của tôi là vì trừ học thêm ra, nó đâu có học chung lớp với tui đâu mà mượn. Còn que củi thì tính là xài sẽ bị hao tổn sao?
“Có hao tổn đó, tại bà không biết đó thôi, sau này từ từ bà sẽ biết” – Nó vừa nói vừa cười nham nhở nhìn tôi. Ôi tôi chưa từng biết cái nụ cười của nó còn có thể khiến mình rùng rợn thế này, nổi hết cả da gà. Sau này, khi cưới que kem xong, tôi mới có thể bày ra bộ mặt bơ phờ hốc hác, nhìn nó, dõng dạc phản pháo lại: “Bà nhìn đi, rốt cục tui mới là người bị hao tổn nè, hao tổn từ đầu tới chân luôn. Còn que kem không có bị hao tổn miếng nào hết đó. Bà sai rồi, sai hoàn toàn luôn!”
“Bà bình tĩnh bình tĩnh, vấn đề hao tổn ngày mai mình bàn bạc lại nha.” –Thắm nó sợ hãi ái ngại nhìn tôi.
Trở lại với ngày hôm đó khi tôi đang ngồi ở quán nước giả vờ uống nước mía với con Thắm, giả vờ nhìn ra sân banh, ra vẻ chăm chú theo dõi trận đấu. Đột nhiên, tôi phát hiện, người đá banh ngoài sân ngoài Duy ra còn một đứa quen quen.
“Ê bà Thành kìa!” – Con Thắm la lên, xác nhận tất cả. Đúng là oan gia ngõ hẹp mà. Sao nó với Duy lại dường như hợp nhau như vậy. Tôi thấy nó và Duy dường như cùng một đội. Hai người cứ chuyền qua, chuyền lại cho nhau. Còn con Thắm này, có phải nó thích Thành rồi không ta? Sao cứ nhắc tới Thành là lại la lên như vậy. Tôi cũng cảm thấy bực bội rồi.
Tôi cứ ngồi ở đó, chờ cho hết trận đấu. Bởi tôi đang ngồi ở quán nước mía gần lối ra vào duy nhất của sân banh, nên thế nào chơi xong, dù không vào quán uống nước, Duy cũng phải đi ngang đây thôi. Khi đó tôi với Duy chắc chắn sẽ có nhiều chuyện để mà trao đổi, quan tâm lẫn nhau. Vả lại, lúc nãy Duy đã nhìn thấy tôi rồi. Khi Duy quay đầu nhìn qua, bắt gặp tôi, tôi và Duy đều mỉm cười chào nhau. Que củi cũng nhìn thấy tôi, ngay lúc tôi và Duy đang nhìn nhau đắm đuối, hậm hực nhìn tôi, rồi ngoay ngoắt một cái, tập trung đá tiếp, ra vẻ vô cùng khó chịu. Ừ đấy, khó chịu đi, khó chịu càng tốt, ha ha.
Ánh mắt tôi lúc nào cũng chăm chú nhìn theo Duy, bởi tôi phải tranh thủ liền ngay khi có cơ hội. Trận đấu xong rồi. Tôi thở dài một hơi. Tôi cầm lấy chai nước suối lạnh mà mình vừa mua từ quán nước này luôn, chạy ra gần mép sân, chờ Duy tới gần. Khi thấy Duy mỉm cười tới gần tôi, tôi giơ tay đang cầm chai nước ra. Đột nhiên…
“Thảo cho Thành hả? Cảm ơn nha.” – Que củi giật lấy chai nước từ trong tay tôi, cười cười, mở nắp, uống ừng ực. Tôi đơ mặt nhìn Duy. Tôi chẳng còn hơi sức nhìn qua kế bên xem cái mặt dày của anh xã nhà tôi khi đó rốt cục bao nhiêu lớp.
Duy nhìn tôi cười cười, lên tiếng: “Thành với Thảo tình cảm tốt ghê ta. Tới coi Thành đá banh, còn mua nước cho Thành uống nữa. Thật là hâm mộ nha. Thôi Duy về trước nha.”
Tôi cười cười nhưng lòng nổi lửa hừng hực. Tôi câm như hến. Biết nói cái gì bây giờ. Trời ơi, tôi bị que củi ám tới bao giờ đây? Nó lại xỏ tôi một cú nữa rồi. Tôi liếc nhìn nó căm phẫn. Còn nó thì cười hiền lành nhìn tôi. Đúng là cái đồ giả tạo, mặt dày mà.
Thế là, tôi đau lòng nhìn Duy đi ngang qua người tôi. Tôi đau đớn nhìn Duy xa dần xa dần, cuối cùng nhìn thấy Duy tiến tới chỗ Yến.
“Ê hóa ra Yến cũng đi coi đá banh kìa bà. Mình không thấy nó. Hình như… A nó với Duy. Bà nhìn kìa. Tụi nó thân mật như vậy. Trời ơi, lại một cặp đôi mới trong trường mình rồi. Ha ha tin nóng hổi” – Con Thắm tiếp tục cào sâu vô trái tim tan vỡ của tôi, mắt nó tiếp tục sáng lấp lánh nữa rồi. Tôi tan nát cả cõi lòng rồi. Tôi chẳng thèm ngắt nhéo nó nữa. Nó vô tâm tới độ hết thuốc chữa rồi.
Kể từ đó, cứ mỗi lần đi coi Duy đá banh, tôi lại gặp que củi, lại bị cho là tôi đi coi que củi đá banh, lại bị tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán. Cho nên, coi đá banh được vài bữa, theo dõi Duy vài hôm, mà bữa nào que củi cũng không chịu nghỉ đá lấy một lần, tôi đành ngậm ngùi cay đắng ngồi nhà cho rồi. Còn đỡ hơn đau lòng thêm khi thỉnh thoảng bắt gặp Yến với Duy thân thiết, đỡ hơn phải nhìn thấy bản mặt của que củi, nhìn tôi cười hồn nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra, như chỉ còn nước la lên với cả thế giới rằng tôi với nó là một cặp vậy.
Tuy vậy, sau chuyện này, tôi cũng bắt đầu học được cách nói chuyện mà không hồi hộp trước mặt Duy, tôi cũng thỉnh thoảng nói chuyện được với Duy vài lần, bàn tán về bóng đá chẳng hạn. Xem ra cũng có thu hoạch rồi. Mặc kệ Duy và Yến thích nhau thì sao chứ? Nếu cố gắng, nhiều khi kỳ tích sẽ xuất hiện, Duy sẽ thích mình thì sao? Tới lúc đó, tôi sẽ giải thích rõ chuyện của tôi với que củi. Cho nên tôi phải cố gắng lên. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Một ngày rất lâu về sau.
“Bà xã, em đang làm cái gì vậy? Sao tự dưng nhéo mặt anh vậy?”
Tôi nhìn que kem, mặt tỏ vẻ nghiêm nghị. Lúc nãy nhân lúc que kem nhà tôi đang nằm ngủ trên giường, tôi nhịn không được chạy tới véo má anh, nhéo mặt anh, vặn qua vặn lại. Tôi phát hiện, mặt que kem nhà tôi dạo này vừa trắng vừa mịn nha, sắp vượt qua tôi luôn rồi. Tôi nhéo mãi mà không muốn rời tay.
“À.. à em đang kiểm tra xem mặt của anh rốt cục dày bao nhiêu lớp. Anh còn nhớ hồi năm lớp sáu không? Hồi đó anh mặt dày vô sỉ mà đeo bám em, làm mọi người trong trường đều hiểu lầm em với anh là một cặp. Haiz mà em chưa được dịp kiểm tra da mặt anh lần nào nha.”
“Em kiểm tra xong chưa? Vậy được bao nhiêu lớp hả?” – Anh xã nghiêm mặt nhìn tôi.
“Xong rồi. À em chưa biết bao nhiêu lớp nữa, nhưng mà dày lắm đó.” – Tôi cười cười nhìn anh xã.
“Vậy sao em còn chưa bỏ tay ra? Có phải da anh trắng lắm không? Mịn lắm không?”
Tôi gật gật đầu, sau đó giật mình: “Hả? Cái gì?” – Tôi bị phát hiện rồi sao?
“Em chảy nước miếng kìa”
Tôi giật mình, lấy tay quệt khóe miệng, rồi nhìn tay: “Làm gì có, đâu có đâu”. Rồi chợt tôi thấy anh xã cười nghiêng ngả.
“A…a!!!.., que kem, anh dám lừa em!!!”