Quốc Sắc Sinh Kiêu

Chương 1434: Q.8 - Chương 1434: Thăm dò doanh trại.




Phía Bắc thành Lan Dịch, Kim Châu có gần ba ngàn binh mã xếp dọc bờ sông Thạch Câu Tử, một lượng lớn mũi tên cũng được chuyển đến, dân phu được điều động để xây dựng, tu sửa công sự phòng ngự.

Phương Như Thủy đã hạ quyết tâm cố thủ thành Lan Dịch, ngăn chặn đại quân của Cam Hầu để Sở Hoan có thêm thời gian.

Thực ra, mọi người đều biết rõ lương thực trong thành Lan Dịch còn lại không nhiều, binh lực cũng không đủ. Đối mặt với ba vạn quân của Cam Hầu nếu thực sự muốn cầm chừng cũng không thể giữ được bao lâu.

Thành Lan Dịch là thành trì phương Bắc, trước đây bị người Tây Lương công phá. Dù sau đó người Tây Lương rút đi, thành cũng đã được xây dựng kiên cố thêm, nhưng cả tòa thành vẫn không thể coi là vững chắc. Một khi quân Tây Lương vây hãm thành, với sự phòng thủ và binh lực của thành Lan Dịch căn bản không thể chống đỡ nổi mười ngày. Chỉ có hai nơi hiểm yếu có thể ngăn cản được quân Tây Bắc.

Cốc Lang Nha hẹp, khúc khuỷu, dễ thủ, khó công. Phương Như Thủy biết rõ, chỉ cần có đủ binh lực tại cốc Lang Nha, thề chết giữ vững, binh lực của Cam Hầu có nhiều thế nào cũng không thể đột phá vào cốc được. Lúc đầu xây dựng thành Lan Dịch thành Châu thành của Kim Châu chính là thấy ưu thế của Cốc Lang Nha.

Sau khi Phương Như Thủy và Hà Khôi thương lượng đã quyết định do Hà Khôi trấn giữ.

Không lo kẻ địch tấn công từ ngoài vào, chỉ sợ nội bộ có vấn đề. Chính năm ngoái, cha con Trương Thúc Nghiêm trấn thủ cốc Lang Nha, vốn nghĩ rằng không ai có thể vào trong cốc, cuối cùng vẫn bị Sở Hoan dùng kế đột nhập vào, phá Kim Thành. Có vết xe đổ, Phương Như Thủy không dám coi Cốc Lang Nha vô cùng bền vững, nên trước nay luôn nhắc Hà Khôi phải bảo vệ cốc không được có chút sơ xuất.

Nơi duy nhất quân Tây Bắc có thể tấn công được chính là sông Thạch Câu Tử. Chỉ cần bảo vệ sông Thạch Câu Tử, quân Tây Bắc sẽ không còn cách nào tấn công vào thành Lan Dịch. Nhưng Phương Như Thủy cũng biết rõ, dăm bữa nửa tháng quân Tây Bắc không thể tấn công được, nhưng lâu dài đối phương chuẩn bị đầy đủ, với ưu thế binh lực của quân Tây Bắc, nếu thực sự muốn tổng tấn công, sông Thạch Câu Tử vẫn không thể ngăn được chúng.

Dù y đã hạ lệnh giữ vững thành Lan Dịch, đợi viện quân của Sở Hoan, nhưng trong lòng y rất rõ, Sở Hoan còn phải đối mặt với quân Thiên Sơn của Chu Lăng Nhạc, ba vạn hắc phong kỵ binh xuất phát, ai thắng ai bại còn chưa rõ. Nhưng dùng toàn bộ binh lực trong tay Sở Hoan đấu một phen với Chu Lăng Nhạc vẫn có khả năng chiến thắng, nhưng khả năng phái quân đến chi viện cho Kim Châu là rất nhỏ.

Nhưng y lại không thể để binh mã Kim Châu thất vọng. Hà Khôi nói rất đúng, Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh Tử nói thủ nghĩa, Phương Như Thủy không có đọc nhiều sách như vậy, nhưng y hiểu thế nào là nhân nghĩa. Lúc này quay lưng lại với Sở Hoan, có thể mưu cầu một tiền đồ tốt hơn cho mình, nhưng từ nay về sau, e rằng khó có thể đứng vững trong thiên địa.

Quân đối đãi với ta thô tục, ta đương nhiên cũng đối đãi thô tục, quân dùng quốc sĩ đối đãi ta, ta nhất định dùng bầu nhiệt huyết báo đáp lại.

Phương Như Thủy đã quyết tâm đương nhiên sẽ không có suy nghĩ khác, trong lòng chỉ suy nghĩ có thể giữ chân quân Tây Bắc ngày nào hay ngày ấy, dù quân địch có thực sự đánh qua sông Thạch Câu Tử thì cũng có chướng ngại vật tại bờ sông, để bọn chúng tiến từng bước cũng gặp phải khó khăn.

Đương nhiên, tốc độ hành quân của quân Tây Bắc cũng không chậm, không quá ba ngày, bọn chúng đã đến bên kia sông, tinh kỳ bay phấp phới. Phương Như Thủy đích thân canh giữ bờ sông, thống lĩnh quân nghênh địch.

Sông Thạch Câu Tử là sông lớn nhất Kim Châu. Đoạn từ bờ sông đến Nhạn Môn Quan không nhiều nước, người dân quanh đó lại đều dùng nước sông này. Con sông này đã nuôi sống vô số người dân hai bên bờ, nhưng không bao lâu sau đó, nước sông này có thể rất thanh tịnh, cũng có thể sẽ nhuộm màu máu.

Sau khi quân Tây Bắc đến bên kia bờ sông, cách bờ sông không xa, dựng doanh trại tạm thời, cũng không công kích ngay.

Mấy ngày sau đó, doanh trại vẫn giữ nguyên vị trí, không có một quân một tốt nào công kích qua sông, hai bên bờ sông giằng co nhau.

Phương Như Thủy biết rõ, đây là yên lặng trước trận chiến.

Để phòng ngừa thám tử đối phương lặn xuống sông thăm dò tin tức, nên y cho quân lính tuần tra ngày đêm tại khu vực bờ sông, ngăn quân Tây Bắc có người qua sông.

- Khởi bẩm tướng quân, Hà tiên sinh phái người đến báo, ngoài cốc Lang Nha có một nhánh quân Tây Bắc cắm doanh trại ngoài cốc, nhưng không tấn công vào cốc.

Trong doanh trại cách không xa bờ sông Thạch Câu Tử, có binh sĩ đến báo cáo.

- Hà tiên sinh và binh sĩ cốc Lang Nha sẵn sàng đón địch, nói tướng quân yên tâm, không cần lo lắng cho cốc Lang Nha.

Phương Như Thủy dặn dò:

- Báo cáo liên tục tình hình bên đó!

Không nghi ngờ gì, quân Tây Bắc đã chia làm nhánh quân, một nhánh chuẩn bị tấn công qua sông, nhánh còn lại dự định tấn công qua cốc Lang Nha. Nhưng trong lòng Phương Như Thủy lại hiểu rõ, chủ lực tấn công chỉ có thể là từ phía sông Thạch Câu Tử. Dù quân Tây Bắc có sắp xếp quân ngoài cốc Lang Nha, nhưng rõ ràng chỉ là nghi binh mà thôi, chỉ là để kiềm chế binh mã Kim Châu tại Cốc Lanh Nha.

Đối diện với thực lực tuyệt đối như vậy, Phương Như Thủy biết rằng mọi mưu kế không có tác dụng gì, tiếp sau đây chỉ có thể đấu binh đao thật với Cam Hầu mà thôi.

Phương Như Thủy đã chuẩn bị tốt tinh thần tử chiến, binh mã bên sông cũng đã sẵn sàng đợi địch.

Lại hai ngày trôi qua, Phương Như Thủy thấy rất kỳ lạ.

Bên kia sông dù có rất nhiều doanh trại, nhưng quân Tây Bắc dường như định cư tại đó, rõ ràng không hề có dấu hiệu gì của việc tấn công qua sông, thỉnh thoảng có thấy một số binh sĩ ra sông lấy nước, ngoài ra không có động tĩnh đặc biệt gì.

Cái này giống như hai hộ gia đình hai bên bờ sông, vô cùng yên tĩnh, không hề có không khí khai chiến khắc nghiệt.

Phương Như Thủy biết rõ Cam Hầu là dũng tướng trên sa trường, không chỉ dũng mãnh, Cam Hầu còn có chút gian giảo. Trước đây, khi chiến đấu cùng quân Tây Lương cũng khiến quân Tây Lương chịu nhiều khổ sở.

Hiện tại, Cam Hầu chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng lại chỉ dàn binh trước mắt, không hề khai chiến, điều này luôn khiến Phương Như Thủy thấy có gì đó bất ổn.

Không chỉ có Phương Như Thủy mà ngay cả binh tướng dưới trướng y cũng thấy vậy.

Điều khiến Phương Như Thủy đau đầu nhất là một khi phòng thủ nghiêm ngặt con đường vào Lang Nha cốc và sông Thạch Câu Tử thì có thể ngăn bước quân địch, nhưng đồng thời cũng phong tỏa con đường ra của mình, khiến cả Lan Dịch trở thành nơi không thể liên lạc với bên ngoài.

Bức thư cuối cùng thành Lan Dịch chuyển đi là gửi đến Sóc Tuyền, báo cáo tình hình Cam Hầu xuất binh cho Sở Hoan. Từ đó về sau không còn một bức thư nào được gửi ra nữa. Mà do con đường đã bị phong tỏa nên Phương Như Thủy cũng không có được tin tức của Sóc Tuyền. Y chỉ cảm thấy, Cam Hầu đã dẫn quân dần đến thành Lan Dịch, lúc này e rằng quân Thiên Sơn của Chu Lăng Nhạc cũng đã vào đến Tây Quan rồi. Nhưng tin tức cụ thể thì Phương Như Thủy và trên dưới trong thành Lan Dịch đều không rõ.

Cốc Lang Nha và sông Thạch Câu Tử đều đang cố thủ. Bên ngoài cốc Lang Nha, quân Tây Bắc đã cắm doanh trại, bên bờ sông Thạch Câu Tử quân Tây Bắc cũng không có động tĩnh gì.

Thời tiết lại không tốt chút nào, mấy hôm nay lại nổi gió cát. Dù gió cát không phải là lớn, nhưng trời lại cứ mịt mùng, đứng bên này sông thỉnh thoảng có thể thấy doanh trại trên bờ bên kia nhưng tình hình cụ thể thế nào thì lại không nhìn rõ. Phương Như Thủy lo lắng đối phương sẽ nhân cơ hội này tấn công sang, truyền lệnh toàn quân nêu cao cảnh giác.

Lại mấy ngày nữa trôi qua, đối phương vẫn không có động tĩnh gì.

Một đêm, y hạ lệnh cho Triệu Đại Hồng, một tướng bộ binh, dẫn theo mấy binh lính giỏi, biết bơi nhẹ nhàng vượt sông, thăm dò tình hình doanh trại địch, xem Cam Hầu rốt cuộc đang làm trò gì. Theo Phương Như Thủy, tình hình khác lạ này chỉ có một khả năng có thể giải thích, đó là quân Tây Bắc đang ở đó đợi, sau khi đến đối phương tranh thủ thời gian đóng thuyền, đợi đến khi đóng thuyền xong sẽ phát lệnh tấn công ngay.

Nhưng muốn tạo một đội thuyền, không phải 1, 2 chiếc, chở mấy vạn binh mã qua sông, số lượng thuyền cần tạo cũng không phải là ít, chắc chắn phải có chút động tĩnh.

Nhưng hiện tại đối phương lại ở yên. Tướng lĩnh Tây Bắc như đang ở đó ngủ suốt ngày đêm, nói là nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng hoàn cảnh này lại không hợp với lẽ thường.

Qua sông tìm hiểu tình hình đối phương đương nhiên là việc vô cùng nguy hiểm, một khi sơ sẩy, rơi vào tay địch chỉ có đường chết.

Triệu Đại Hồng là một người dũng mãnh, chọn ra vài binh sĩ cũng đều là những người dũng cảm, không sợ chết, đợi khi đêm xuống, y dẫn quân nhẹ nhàng qua sông, lặng lẽ sang bên kia sông tìm hiểu.

Sau khi Triệu Đại Hồng rời đi, bọn người Phương Như Thủy đều lo lắng.

Nếu đối phương thực sự không phải là xây dựng đội thuyền, không vì vậy mà án binh bất động thì Cam Hầu nhất định là đang giở trò gì đó. Dù gì Phương Như Thủy cũng hiểu đôi chút về Cam Hầu, vẫn biết nhiều khi người này vẫn dùng những thủ đoạn không ngờ đến, nhưng hiện tại đối phương rốt cuộc có ý gì, y vẫn chưa rõ.

Mấy ngày nay y không ngủ được, vô cùng mệt mỏi, ngồi đợi trong trại, mơ mơ màng màng dựa vào ghế chợp mắt, cũng không biết là ngủ bao lâu thì nghe thấy bên ngoài có tiếng truyền đến:

- Tướng quân, Triệu Đại Hồng bọn họ đã trở về!

Phương Như Thủy mơ màng nghe được điều đó liền tỉnh táo lại, đột nhiên đứng dậy, vội la lên:

- Nhanh gọi y vào!

Triệu Đại Hồng tiến vào, quần áo vẫn ướt sũng, đi vào trong trướng, không đợi Phương Như Thủy hỏi, liền nói:

- Tướng quân, chuyện không ổn, bên đó có tình hình!

- Đại Hồng, chớ vội.

Thấy Triệu Đại Hồng thở hổn hển, Phương Như Thủy đích thân rót một chén trà ấm, đưa tới, nói:

- Uống ngụm nước, từ từ nói, rốt cuộc có chuyện gì?

Triệu Địa Hồng nhận chén trà, uống cạn một hơi, lau khô miệng, cau mày nói:

- Tướng quân, doanh trại Tây Bắc bên kia sông không có một bóng người... Không đúng, có người, nhưng ty chức đã âm thầm đi vòng quanh doanh trại bọn chúng, thấy không đến 100 người... trong trại bọn chúng chỉ treo quân kỳ, trong một số trại đích thực có đèn, nhưng lại không có binh lính...!

Y nói lớn:

- Dẫn vào đây...!

Y giải thích cho Phương Như Thủy:

- Tướng quân, chúng tôi đã bắt một tên về đây!

Vài binh sĩ quần áo ướt sũng đẩy một tên đã bị lột sạch quần áo, chỉ còn một chiếc quần của lính Tây Bắc bước vào, hai tay bị trói, vào đến trong trướng liền bị ấn quỳ xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.