Quyến Luyến Phù Thành

Chương 66: Chương 66




Toàn bộ mọi việc, bao gồm cả chuyện sáng mai lên phương bắc cùng với sự an toàn của Quảng Châu sau khi anh đi cũng đã được sắp xếp xong.

Nhiếp Tái Trầm rời khỏi phòng bảo vệ Tổng thống, về văn phòng Bộ tư lệnh.

Chuyến đi này quan hệ trọng đại, thư ký lúc này còn chưa về, cùng với mấy người vẫn đang chờ ở văn phòng thư ký, biết đâu còn việc cần họ.

Đã liên tiếp bận rộn mấy ngày, Nhiếp Tái Trầm giải tán mọi người cũng đã mệt mỏi trở về nghỉ ngơi.

Mười giờ tối, ánh đèn cuối cùng trong văn phòng đã tắt, tiếng bước chân của mọi người đã đi xa, toàn bộ Bộ tư lệnh rơi vào yên tĩnh.

Nhiếp Tái Trầm không ngủ được, nằm trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng nghỉ tạm thời, nhìn đồng hồ trong tay.

Đây là chiếc đồng hồ mà cô đã tặng anh. Vì không quen mang theo thứ xa xỉ trên người nên anh vẫn chưa từng sử dụng nó. Ngày đó bị cô nổi giận làm hỏng, anh nhặt đồng hồ từ gầm giường lên, đưa đi sửa, vì linh kiện cần phải nhập từ Hương Cảng, mất nhiều thời gian, nên hôm trước mới vừa sửa xong.

Đồng hồ bị hỏng đã cầm về, mặt ngoài đồng hồ bị ném vỡ và bị giẫm hỏng đã sửa hoàn toàn như mới. Thợ sửa đồng hồ nói chiếc đồng hồ này là loại quá xa xỉ, linh kiện cũng toàn đồ xịn, bị ném hỏng, nhưng đồng hồ vẫn chạy rất chuẩn, chỉ cần thay vỏ ngoài bị hỏng là dùng tốt. Hiển nhiên, anh ta cũng rất tò mò chiếc đồng hồ quý giá này đã bị ngoại lực nào làm cho bị hỏng như thế.

Sáng mai phải đi Nam Kinh phía bắc, chuyến đi này gây sự chú ý trong cả nước. Hộ tống Tổng thống, nhanh nhất phải hai ba tháng anh mới quay về được.

Anh cầm đồng hồ, chậm rãi vuốt ve nó, kim loại lạnh băng, anh bỗng xúc động muốn được gặp cô một lần trước khi đi xa, bỏ đồng hồ vào trong túi áo, nhanh chóng ngồi dậy, đi ra, đánh chiếc xe của Bộ tư lệnh dùng để tiếp đón Tổng thống lái vào thành phố.

Đến gần Bạch gia Tây quan, anh đỗ xe ở dưới gốc cây phượng hoàng đầu cầu bên này, đi bộ đến trước cổng Bạch gia.

Giờ đã gần 11 giờ, các hộ gia đình gần đó đều đã tắt đèn nghỉ ngơi hết rồi, ngoài mấy đèn đường trên đường phố ra thì chung quanh tối đen. Bạch gia cũng thế. Cách bức tường vây cao ngất, mơ hồ chỉ thấy phòng của người gác cổng còn sáng đèn. Cửa sổ phòng của cô quay ra mặt đường giờ cũng đen như mực.

Đã muộn thế này, chắc cô đã đi ngủ rồi.

Cổng lớn đóng chặt. Nhiếp Tái Trầm đứng ở ngoài một lát, cuối cùng đi tới chuẩn bị ấn chuông thì đúng lúc phía sau nghe có tiếng động cơ cô tô.

Ánh đèn ô tô từ xa chiếu tới, anh ngoái lại, thấy bên kia cầu xuất hiện một chiếc ô tô, đang đi qua, lái về phía Bạch gia.

Tim anh khẽ nảy lên, mau chóng ẩn vào chỗ tối ở bên vệ đường cạnh cổng lớn.

Ô tô đỗ ở trước cổng lớn Bạch gia. Tiếp theo mượn đèn đường anh thấy một người đàn ông trẻ tuổi hình thức nhã nhặn ăn mặc âu phục từ vị trí lái nhảy xuống, đi sang ghế bên, mở cửa xe ra.

Nhiếp Tái Trầm biết người này, họ La, là con trai của một thành viên hội đồng quản trị Cục Chiêu thương tàu thủy – bạn già của cha vợ Bạch Thành Sơn, đi du học về, hình như học về chuyên ngành máy móc, từng có bài phát biểu trên báo kêu gọi xã hội hóa công nghiệp hóa đất nước.

Bạch Cẩm Tú xuống xe, người họ La kia ấn chuông cổng hộ cô. Người gác cổng mau chóng ra mở cổng.

– Hôm nay cảm ơn anh. Mời anh vào nhà, anh cả em chắc ở nhà đấy.

Bạch Cẩm Tú mời La Lâm Sĩ vào nhà.

Cha cô và La gia là bạn tương giao nhiều năm, dĩ nhiên là cô cũng quen biết với công tử La gia đồng thời cùng nhau đi du học Châu âu. La công tử về nước thì làm kinh doanh, mở một ngân hàng nước ngoài ở Hương Cảng, chuyên nhập khẩu máy móc trong nước.

Máy móc nhập khẩu cho xưởng dệt lần này là nhập từ Hương Cảng, hôm nay hàng hóa được vận chuyển đến, lại do La Lâm Sĩ đích thân đưa hàng dến, còn ở lại giúp cô điều chỉnh lắp ráp và vận hành máy móc, vẫn bận rộn đến tận 10 giờ tối mới xong việc, đồng thời còn kiên quyết đưa cô về nhà.

La Lâm Sĩ nói:

– Bận cả một ngày, chắc em cũng mệt rồi, tối nay không làm phiền em nữa, ngày mai anh đến thăm hỏi anh cả sau. Em mau vào nghỉ ngơi đi.

Bạch Cẩm Tú mỉm cười gật đầu, tạm biệt với anh ta, đi vào cổng lớn.

La công tử không đi ngay mà đứng ở ngoài, cho đến khi cửa sổ có ánh đèn sáng lên, mơ hồ có bóng người xuất hiện sau cửa sổ, kéo tấm rèm lên, anh ta tiếp tục đứng đó một lúc lâu mới khẽ huýt sáo, nét mặt vui sướng lên xe lái đi.

Tiếng động cơ ô tô xa dần, chung quanh lại lần nữa yên tĩnh.

Nhiếp Tái Trầm hơi ngửa mặt lên nhìn cửa sổ có ánh đèn kia, không đi ấn chuông cửa, tránh để làm ảnh hưởng tới cô.

Ánh đèn chỗ cửa sổ kia cuối cùng đã tắt, sau tấm rèm tối xuống.

Nhiếp Tái Trầm đứng dưới ngọn đèn đường trong đêm tối rất lâu, lấy ra chiếc đồng hồ đặt ở túi ngực mang theo hơi ấm từ nhiệt độ cơ thể anh, xem thời gian.

Kim đồng hồ sắp chỉ vào 0 giờ.

Anh nhớ tới câu cô nói với anh ngày đó rằng cô không vui vẻ chút nào, khi nói đến đó đôi mắt cô đỏ hồng lên, lòng anh thấy khó chịu vô cùng.

Anh biết câu nói đó không phải bởi giận mà nói, mà là sự thật. Bởi vì anh vốn là một người đàn ông không thú vị, con người anh khác xa với thế giới của cô. Đôi mắt đẹp đẽ kia làm sao có thể vĩnh viễn dừng ở trên người anh?

Anh đóng đồng hồ lại, đặt vào vào trong túi ngực, cuối cùng nhìn mảnh cửa sổ kia một lần nữa, xoay người, đi qua cây cầu trở lại chiếc xe đỗ dưới tán cây hoa phượng hoàng, ngồi vào xe, ngây người một lát mới lái xe đi.

Bạch Cẩm Tú đứng sau cửa sổ qua khe hở tấm rèm nhìn bóng dáng mơ hồ dưới ánh đèn đường mờ tối kia, anh đứng đó, tựa như cây cột trong đêm.

Cây cột đó cuối cùng cũng cử động, bóng dáng biến mất trong bóng đêm.

Đàn ông vô dụng. Toàn là kẻ vô dụng. Trước kia cũng thế, mà giờ cũng thế.

Cô cười nhạt, kéo roẹt tấm rèm lại, trở lại giường, nằm xuống ngủ.

………..

Sáng ngày hôm sau, nhân vật có tiếng tăm cùng nhân sĩ các giới Quảng Châu bao gồm cả đại diện doanh nghiệp và công nghiệp do Bạch Kính Đường đứng đầu đã đến ga xe lửa vừa được thông xe không lâu tiễn Tổng thống đi phương bắc. Tối đó, La công tử đến Bạch gia làm khách, Bạch Kính Đường mời anh ta ở lại dùng bữa. Trong bữa cơm, Bạch Kính Đường cùng anh ta trò chuyện rôm rả, có nhắc tới chuyện sáng nay đi tiễn Tổng thống, tình cảnh long trọng, chuyến đi nay là cải tổ lại chính phủ, liên quan đến vận mệnh quốc gia, nó sẽ trở thành tiêu đề chính của tờ báo quốc gia vào ngày mai. Trương Uyển Diễm thì suy đoán về Nhiếp Tái Trầm – công thần đứng đầu của Dân quốc, chuyến đi này sẽ được bổ nhiệm lên chức vị gì.

Bạch Cẩm Tú biết chị dâu nói để mình nghe, nhưng cô không quan tâm gì cả. Giờ xưởng dệt Đông Sơn mới là thứ mà cô quan tâm nhất, giống như người tình mới xuất hiện trong đời khiến cho cô đặt hết tình cảm vào nó. Trước kia nhà xưởng chủ yếu sản xuất khăn lông và những thứ tương tự, cô dự tính sẽ chuyển sang thành xưởng may mặc theo ý muốn của mình. Thiết bị máy móc, nhân viên quản lý và công nhân viên đều đã chuẩn bị đầy đủ, sắp sửa khởi công chính thức. Cô thích quần áo đẹp, cô muốn biết thiết kế của mình thành thực tế, nghĩ đến thôi đã thấy tràn đầy hy vọng rồi.

Cô vẫn bận rộn như cũ, mỗi ngày đi sớm về muộn.

Trương Uyển Diễm quan tâm nhất là chuyện giữa cô và Nhiếp Tái Trầm, mà chuyện này ban đầu chị ta còn tưởng cô chỉ tức giận nhất thời, không ngờ có vẻ như là thật, trong lòng vô cùng lo lắng, nhưng Nhiếp Tái Trầm hiện giờ không ở Quảng Châu, chị ta cũng hết cách, đành phải mong em rể về sớm một chút, đến lúc đó sẽ nghĩ cách để hai người làm hòa với nhau.

Bạch Cẩm Tú biết chị dâu đang nghĩ gì, dù sao chị ấy cũng không hiểu nội tình. Có nhiều việc, mình cũng không thuyết phục được chị dâu, mà dường như ngay cả bản thân cô cũng không thuyết phục được mình, cho nên kệ chị ấy, cô chỉ quan tâm nhà xưởng thôi. Trong thời gian này, sau khi Nhiếp Tái Trầm rời khỏi Quảng Châu một tuần, hiệp hội vì sự tiến bộ của phụ nữ đã mời cô lấy thân phận phu nhân tham gia hoạt động quyên tiền.

Hiện tại cô không thể nào từ chối được bèn đồng ý tham gia. Giờ ngọ về nhà, thấy còn nửa ngày, bèn thay quần áo, định đi nhà xưởng Đông Sơn thì phòng khách có chuông điện thoại reo, người làm nhận điện thoại, gọi cô, nói là Bộ tư lệnh gọi tới.

Bạch Cẩm Tú nhíu mày, đi qua nghe.

Người gọi là thư ký, nói là có người ở quê đến tìm tư lệnh, bảo mẹ của Tư lệnh ở quê xảy ra chuyện, muốn anh về ngay. Bởi vì Tư lệnh đi công tác vắng, thư ký bèn gọi cho Bạch Cẩm Tú.

Bạch Cẩm Tú ngẩn ra, nói:

– Tôi biết rồi, tôi tới ngay.

Cô cúp điện thoại, bảo tài xe đưa mình tới Bộ tư lệnh, rất nhanh đã tới nơi.

Thư ký đang chờ ở cổng lớn, có vẻ sốt ruột, thấy cô tới thì vội chạy ra đón, cung kính chào cô.

– Mẹ anh ấy xảy ra chuyện gì? – Bạch Cẩm Tú vừa xuống xe đã hỏi luôn.

– Nói là bị ngã, rất nghiêm trọng.

– Người tới đâu rồi, mau dẫn tôi đi gặp anh ta.

Thư ký đưa cô tới phòng khách. Trong phòng khách là một người đàn ông trung niên quê mùa đi giày vải ngồi cạnh nửa cái ghế, nhìn rất trung thực thật thà, có vẻ khá dè dặt, thấy thư ký đưa một cô gái trẻ tuổi ăn mặc đẹp đẽ đi vào, anh ta vội đứng lên, không dám nhìn nhiều, khom người với cô, chào một tiếng phu nhân.

– Anh là ai? Lão phu nhân xảy ra chuyện gì? – Bạch Cẩm Tú hỏi.

Người này là cha của Thạch Đầu, khẩu âm phổ thông đặc sệt kể lại, khoảng hai tháng trước, bên ngoài có người mang theo chút lễ đến nhà thăm bà Nhiếp. Người đó đi rồi, bà Nhiếp có vẻ tâm sự rất nặng nề. Trước đó một thời gian, bà ra sông giặt quần áo, không cẩn thận bị ngã, ngất xỉu. Người trong thôn vội vã đi huyện thành mời lang trung đến chữa trị, hiệu quả vô cùng thấp. Sợ bà Nhiếp có chuyện, cha Thạch Đầu bèn tới Quảng Châu, nghe nói Nhiếp Tái Trầm làm việc ở đây thì tới tìm.

– Ngã bị thương mất bao lâu rồi? – Bạch Cẩm Tú hỏi.

– Tôi đi đường mất hai mươi ngay, tính ra bị tầm gần một tháng rồi.

Bạch Cẩm Tú chau mày.

– Phu nhân, có nên phát điện báo cho Tư lệnh không? – Thư ký hỏi.

– Không cần đâu. Anh ấy biết cũng không thể về được, đừng để anh ấy bị phân tâm. – Bạch Cẩm Tú nói.

– Vâng, vâng, phu nhân nói phải. – Thư ký gật đầu tán thành.

– Vậy lão phu nhân…

– Để tôi mời bác sĩ, tôi sẽ đi.

Không chút do dự, Bạch Cẩm Tú quyết định ngay.

– Tốt quá rồi, có yêu cầu gì phu nhân cứ phân phó cho tôi.

Bạch Cẩm Tú bảo anh ta đưa cha Thạch Đầu đi nghỉ ngơi, cô ra khỏi Bộ tư lệnh, đi mời bác sĩ Tây y có tiếng ở Quảng Châu, nói rõ tình hình của bà Nhiếp cho ông ta nghe, đề nghị ông ta mang theo thuốc thang và thiết bị tốt nhất theo mình đi Điền Tây.

Cô đã mở miệng yêu cầu, dù là đường xá xa xôi, bác sĩ cũng không dám từ chối, lập tức đồng ý, còn nói có thể đưa cả hộ lý cùng đi.

Bạch Cẩm Tú gọi điện đến nhà xưởng bàn giao công việc, tiếp đó về nhà thu dọn đồ đạc tùy thân.

Trương Uyển Diễm vừa lúc ở nhà, đi vào:

– Em xếp đồ đạc làm gì vậy, định đi đâu à?

– Chị dâu, em định đi Vân Nam, đi việc công, chuyện nhà xưởng ạ.

Cô không muốn nói cho chị dâu biết mình đi đâu, tránh để chị ấy nghĩ quá nhiều lại hiểu lầm.

Trương Uyển Diễm xuýt xoa tìm mọi cách ngăn cản nhưng không được, cuối cùng không vui nói:

– Vậy em đi bao lâu?

– Em chưa rõ, nhanh thì hơn tháng chị ạ. – Cô đáp bừa.

Hôm đó A Sinh có nói, nơi đó chẳng những đường xá xa xôi, còn là vùng núi, đường khó đi, thậm chí còn phải đi xuyên qua cổ đạo vách núi. Xe lửa cũng chỉ thông được một đoạn đường ngắn, còn lại toàn phải dựa vào súc vật nguyên thủy để đi, vô cùng mất thời gian.

Trương Uyển Diễm lại cản lại, nhưng thấy cô út không thèm quan tâm, cuối cùng đành nói:

– Chỗ đó xa quá, em cứ đòi đi, vậy thì phải mang người theo. Để chị bảo quản sự trong nhà…Không được, tốt nhất là để người của Bộ tư lệnh đưa em đi.

Lần này thì Bạch Cẩm Tú không phản đối. Trương Uyển Diễm đi gọi điện đến Bộ tư lệnh tìm gặp thư ký.

Một đêm này, Bạch Cẩm Tú trằn trọc khó ngủ, mãi đến khi trời tờ mờ sáng, khi tia nắng ban mai mới ló rạng, cô cùng đội bác sĩ và đội vệ binh do Thư ký điều động vội vã lên đường đi Điền Tây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.