Quyến Rũ Người Đẹp

Chương 3: Chương 3




Khi Venetia mười tuổi, một đoàn tàu bị trật bánh gần ngôi nhà cô đang sống.

Cha cô chịu trách nhiệm kéo những hành khách ra khỏi đống đổ nát đó. Venetia và những người em không được phép đến gần hiện trường, vì cha cô sợ họ sẽ bị hoảng sợ. Nhưng họ được khuyến khích đến chăm sóc những hành khách đó, đặc biệt là những đứa trẻ chỉ bị những vết thương nhẹ.

Có một cậu bé trạc tuổi cô không bị vết thương hữu hình nào. Khi sandwich đặt xuống trước mặt, cậu ta ăn. Khi một cốc trà xuất hiện, cậu ta uống. Và khi được hỏi, cậu ta đưa ra những câu trả lời hợp lý. Nhưng rõ ràng là trong khoảng thời gian đó, tâm trí cậu ta không hoàn toàn ở nơi thân xác của cậu, giống như là cậu ta vẫn bị mắc kẹt nơi hiện trường vụ trật bánh tàu.

Những ngày ngay sau bài diễn thuyết của Lexington, Venetia mang một vẻ gần như bình thường. Trước sự khăng khăng của cô, họ đến Montreal chơi theo đúng như kế hoạch. Gồng mình trước cái lạnh, nhưng thực ra hầu như không cảm thấy gì, cô đến thăm Thánh đường Đức bà, mỉm cười với những người dân mặc trang phục địa phương là lạ tập trung ở khu chợ của Bonsecours, và thưởng thức toàn cảnh thành phố bao la bát ngát từ vọng lâu nằm trên đỉnh núi Royal.

Trong tất cả những giây phút đó, cô nhớ lại sự kết tội của Lexington. Và nhớ lại những ngày tháng kinh khủng ngay sau cái chết của Tony. Trong thời gian dài hơn mà cô nghĩ là có thể, cô chỉ là một người đứng ngoài tâm trí mình, chứng kiến những sự kiện đó như thể chúng xảy ra với một người lạ cách xa cả một lục địa, và kinh ngạc vì cô có thể tách biệt đến thế.

Vết nứt đầu tiên của tình trạng tách biệt đó đến ba ngày trước khi họ đi New York. Cô thức giấc vào lúc nửa đêm, tim đập thình thịch, muốn phá hủy thứ gì đó. Phá hủy mọi thứ.

Đến lúc Helena và Millie thức dậy cô đã đóng gói và mặc xong đồ, rương hòm đã buộc vào ngăn để hành lý của một chiếc xe ngựa thuê. Nếu cô định la hét và đập vỡ đồ đạc, cô không muốn gia đình mình chứng kiến.

“Chị quyết định đến New York trước và chuẩn bị để đón các em,” cô nói.

Helena và Millie nhìn nhau. Vào thời đại này, tất cả những gì người ta cần là một cuốn sách hướng dẫn du lịch tử tế và đi đến một văn phòng điện tín để chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đi. Không cần thiết phải cử một người đi tiền trạm đến New York hết sức hiện đại, đặc biệt khi họ đã đăng ký và nhận được xác nhận đặt phòng ở một trong những khách sạn tốt nhất trong thành phố.

Helena bắt đầu, “Bọn em có thể đi với…”

“Không!” Venetia nhăn mặt trước lời từ chối gay gắt của mình. Cô hít một hơi thở sâu. “Chị muốn đi một mình.”

“Chị có chắc không?” Millie ngập ngừng hỏi.

“Rất chắc. Và đừng tỏ vẻ buồn bã như thế, chỉ hai ngày thôi là hai em lại gặp chị rồi.”

Nhưng họ thực sự có vẻ buồn bã, hốt hoảng và lo lắng. Họ muốn giữ cô ở gần bên mình và bảo vệ cô. Tuy nhiên, có những nỗi đau vượt ra khỏi sự bảo vệ của tình cảm chị em và có những vết thương tốt hơn là nên nhấm nháp trong những hang động đen tối và hoang vắng.

“Tốt hơn là chị đi đây,” cô nói. “Nếu không chị sẽ lỡ tàu mất.”

*

* *

Venetia từng nghĩ cô đã dàn hòa với những ký ức về Tony. Cô đã nói dối chính mình. Họ chưa bao giờ hòa hoãn, chỉ là một sự đình chiến ngắn ngủi với sự im lặng vĩnh viễn của anh ta và sự lảng tránh vấn đề một cách chuyên cần của cô.

Và bây giờ ngay cả sự đình chiến đó cũng đã bị phá hủy. Khi con tàu lao về phía nam, cô nhìn chằm chằm vào khung cảnh vẫn còn phủ băng tuyết lướt qua, trong khi một giọng nói não nùng, hoang mang trong đầu cô liên tục nhắc lại cùng một câu hỏi. Tại sao anh nói những điều như thế với Lexington, Tony, tại sao?

Điều này quá đơn giản, đồ ngốc. Anh ta muốn ai đó tin rằng mày chịu trách nhiệm về cái chết của anh ta.

Cô không biết tại sao chuyện này lại gây ra một nỗi kinh hoàng cay đắng như thế này. Có lẽ với từng ấy thời gian đã trôi qua, cô đã cho phép mình lãng mạn hóa quá khứ, để tin rằng rốt cuộc cuộc hôn nhân của cô không phải quá sức ngột ngạt đến thế, rằng cô đã không bất hạnh nhiều hơn những người khác, và rằng Tony đã không thực sự chứng tỏ rằng anh ta đúng là một người tàn nhẫn.

Thế thì, đây là cách để anh ta nhắc nhở cô, từ dưới mộ huyệt, về sự đau đớn, khổ sở và nỗi xấu hổ của cô. Về sự thật.

*

* *

Đầu Venetia ong ong khi cô xuống tàu ở ga Grand Central. Cô suýt nữa đã đi qua tấm bảng ghi tên cô do người đánh xe của bạn cô, quý bà Tremaine đang giơ cao. Quý bà Tremaine, chồng và hai con gái nhỏ đã về Anh, nhưng họ để lại chiếc xe ô tô cho Venetia sử dụng.

Người đầy tớ nói với Venetia tên anh ta là Barnes và đưa cô ra ngoài, đến chỗ anh ta đỗ xe. Ngoại trừ việc thiếu vắng những con ngựa đóng yên cương, chiếc xe ô tô này giống y như một cỗ xe ngựa bốn bánh mui trần – phần thân giữa để hở, chỗ ngồi của người lái xe cao lên ở phía trước, thậm chí cái mui xe gập lại ở phía sau cũng giống.

“Mũ đi xe cho bà, bà Easterbrook, quý bà Tremaine đã chuẩn bị sẵn.” Barnes chỉ tay về chồng mũ trên ghế ngồi.

“Cô ấy thật chu đáo,” Venetia lẩm bẩm.

Hầu hết những chiếc mũ có mạng che mặt là lớp vải lưới được trang trí và không phải với mục đích che giấu, mà để thu hút sự chú ý đến khuôn mặt nhiều hơn. Tuy nhiên, những chiếc mũ đi xe của quý bà Tremaine lại không hề phù phiếm như thế. Không phải chúng xấu xí, mà vì tấm mạng che mặt của chúng là những tấm mạng đúng nghĩa, bao gồm hai lớp lưới cao cấp quấn quanh vành mũ.

“Chúng ta sẽ không đi quá nhanh trong thành phố,” Barnes nói, điều chỉnh chiếc kính râm của mình, “Nhưng bà có thể sẽ thấy chiếc mũ hữu dụng khi ra đến vùng nông thôn, thưa bà.”

Venetia tháo ghim cài chiếc mũ đang đội và đặt chiếc mũ đi xe lên đầu. Cảm giác đội nó giống như bị đẩy vào trong một đám sương mù – không phải kiểu sương mù dày đặc của Luân Đôn, mà là kiểu sương mù giống như khói bay trên mặt đất cô hay gặp trong những chuyến đi bộ vào lúc sáng sớm ở những miền quê.

Sự hối hả bên ngoài nhà ga Grand Central giảm dần, Barnes quay động cơ, trèo lên chỗ ngồi và nhả phanh. Những con phố mờ ảo như trong mơ của Manhattan lướt qua bên ngoài vỏ kén trong mờ của Venetia, màu sắc nhạt đi, mép tòa nhà nhòe đi, người đi đường cũng mờ mờ theo kiểu có thể hấp dẫn những họa sỹ đương đại.

Giá như cô có thể trải qua toàn bộ quãng đời còn lại với sự tách biệt như thế này, được che chắn trước những cạm bẫy và chấn động của cuộc đời.

Xe dừng lại sau khi họ đã đi được khoảng một dặm. “Khách sạn đây rồi, thưa bà Easterbrook. Mười bảy tầng tất cả,” Barnes tự hào nói. “Thật tráng lệ phải không? Toàn bộ khách sạn đều có điện, và mỗi phòng có một điện thoại.”

Khách sạn này thực sự rất cao, làm cho những tòa nhà bên cạnh trở nên lùn tịt.

“Rất ấn…”

Venetia đông cứng người. Một người đàn ông sải bước dọc con phố về phía cô, cao ráo, ngạo nghễ và xuất hiện một cách hoàn hảo, không phải ai khác ngoài công tước Lexington. Anh ta liếc nhanh về phía chiếc ô tô rồi tiến vào bên trong khách sạn.

Khách sạn của cô. Anh ta làm gì ở đây?

Bản năng đầu tiên của cô là chạy. Cô sẽ tạm trú ở đâu đó – cô không cần một tòa nhà mười bảy tầng hay một chiếc điện thoại ở trong phòng. Cô không trốn chạy đến tận New York để ở cùng dưới một mái nhà với thần báo oán của mình.

Nhưng sự kiêu hãnh ngoan cố không chịu để cô đưa ra yêu cầu đó với Barnes. Cô vươn thẳng vai. “Rất ấn tượng. Tôi chắc chắn sẽ thích thú với thời gian ở đây.”

Nếu có người phải chạy theo hướng ngược lại, thì đó phải là anh ta, không phải cô. Cô không vu khống bất kỳ ai. Cô không lan truyền những tin đồn hiểm độc. Cô không phát biểu mà không cân nhắc đến hậu quả.

Một người gác cổng xuất hiện để đỡ cô xuống xe. Vài người khác đến để nhận hành lý. Cô từ chối lời đề nghị giúp hỏi phòng của Barnes, thưởng tiền và chúc anh ta một ngày tốt lành.

Cho đến khi đi vào sảnh khách sạn lát đá mã não và cẩm thạch cô mới nhận ra rằng mình vẫn còn đội chiếc mũ có mạng che kín mặt. Không gian mờ mờ bên trong khách sạn khiến cô khó nhìn hơn, nhưng không phải là mù hẳn. Cô đi đến quầy lễ tân mà không gặp vấn đề gì.

Nhân viên lễ tân chớp mắt một cái trước diện mạo của cô. “Xin chào, thưa bà. Tôi có thể giúp gì được không?”

Trước khi cô có thể trả lời, một nhân viên lễ tân cách đó một khoảng cũng đang tiếp khách. “Xinchào, thưa đức ngài.”

Cô cứng đơ người.

“Có tin tức về chuyến đi của ta chưa?” Giọng nói lạnh lùng của Lexington vang lên.

“Có rồi ạ, thưa ngài. Chúng tôi đã đặt phòng Victoria trên con tàu Rhodesia cho ngài. Chỉ có hai phòng như thế trên con tàu đó, đảm bảo chuyến đi của ngài sẽ thoải mái, riêng tư và sang trọng nhất.”

“Thời gian khởi hành?”

“Mười giờ sáng ngày mai, thưa ngài!”

“Rất tốt,” Lexington nói.

“Thưa bà, tôi có thể giúp gì được không?”. Nhân viên lễ tân tiếp Venetia hỏi lại.

Trừ phi bất ngờ rời khỏi quầy, cô phải nói chuyện, và sẽ đến lúc phải cung cấp tên của mình. Cô hắng giọng, và một tràng tiếng Đức tuôn ra. “Ich hätte gerne Ihre besten Zimmer.”

Sau cùng cô lại đang bỏ chạy. Cô nắm chặt tay lại, sự náo loạn bên trong cô bộc phát thành một cơn thịnh nộ.

“Xin thứ lỗi, thưa bà?”

Cô nhắc lại qua hàm răng nghiến chặt.

Người nhân viên lễ tân bối rối. Không hề quay lại, không hề có vẻ gì là chú ý, Lexington nói, “Quý bà đây muốn có căn phòng tốt nhất.”

“À, vâng, tất nhiên. Làm ơn cho tôi biết tên, thưa bà?”

Cô nuốt nghẹn và nói bừa. “Nữ nam tước von Seidlitz – Hardenberg.”

“Và bà sẽ ở với chúng tôi bao nhiêu đêm?”

Cô giơ hai ngón tay. Người nhân viên lễ tân viết vào cuốn sổ cái. Venetia ký vào sổ đăng ký bằng cái tên mới.

“Đây là chìa khóa, thưa nữ nam tước. Và một bản đồ của công viên Trung tâm, ngay bên ngoài của khách sạn. Chúng tôi hy vọng bà sẽ thoải mái ở đây.”

Một người phục vụ của khách sạn dẫn cô về phía thang máy. Thang máy đến ngay lập tức, chiếc lồng kim loại hạ xuống với một tiếng đinh khẽ khàng. Một cánh cửa xếp gập vào sát tường; cửa trong trượt mở ra.

“Xin chào, thưa bà,” người phục vụ thang máy nói. “Xin chào, thưa đức ngài.”

Lại là anh ta. Cô kín đáo ngoảnh đầu lại một chút. Lexington đứng cùng phía, sau lưng cô một chút, đang đợi cô bước vào thang máy. Bước, cô ra lệnh cho mình. Bước đi.

Bằng cách nào đo bàn chân đưa cô về phía thang máy. Lexington theo cô vào trong. Anh ta liếc nhìn cô, nhưng không nhận ra. Thay vào đó, anh ta quay sự chú ý đến những bức tượng mạ vàng trang trí bên trong thang máy.

“Bà ở tầng nào?” Người phụ vụ thang máy hỏi.

“Fünfzehnter Stock,” cô nói.

“Xin thứ lỗi, thưa bà?”

“Quý bà đây muốn đi lên tầng mười lăm,” công tước nói.

“À, cảm ơn ngài.”

Thang máy từ từ đi lên, gần như chậm chạp. Cô bắt đầu ngạt thở dưới tấm mạng. Nhưng cô không dám thở mạnh, vì sợ để lộ nỗi căm phẫn. Công tước thì khác, anh ta vẫn bình thản. Cằm không hề lộ ra vẻ căng thẳng. Dáng người thẳng nhưng không cứng nhắc. Hai bàn tay xếp trên đầu cây ba-toong thả lỏng hoàn toàn.

Nỗi căm phẫn của cô bùng lên thành một cơn bão lửa. Nó gầm lên trong tai cô. Đầu ngón tay cô nóng bừng bởi mong muốn gây bạo động.

Làm sao anh ta dám? Làm sao anh ta dám dùng cô để minh họa cho những quan điểm căm ghét phụ nữ ngu ngốc của mình? Làm sao anh ta dám phá hủy sự yên bình của tâm trí mà khó khăn lắm cô mới có được? Và làm sao anh ta dám biểu lộ sự ngạo mạn lạnh lùng, vẻ hài lòng với cuộc đời theo kiểu không thể chịu được như thế?

Khi thang máy báo hiệu đến tầng mười lăm, cô lao ra ngoài.

“Gnädige Frau.”

Mất một phút cô mới nhận ra giọng anh ta nói bằng tiếng Đức.

Cô bước nhanh hơn. Cô không muốn nghe giọng anh ta. Cô không muốn nhận thấy sự hiện diện của anh ta thêm nữa. Cô chỉ muốn anh ta rơi vào một ổ rắn trong chuyến thám hiểm tiếp theo và chịu đựng những tác động đau đớn từ nọc độc của chúng trong thời gian còn lại của cuộc đời.

“Bản đồ của cô, thưa cô,” anh ta nói, vẫn bằng tiếng Đức, “Cô để lại nó trong thang máy.”

“Tôi không cần nó nữa,” cô trả lời cụt lủn bằng ngôn ngữ đó mà không hề quay lại. “Hãy giữ nó.”

*

* *

Christian quăng tấm bản đồ của nữ nam tước trên chiếc bàn chân quỳ ngay cạnh cửa phòng. Anh cởi áo khoác, thả nó xuống thành ghế, và đặt mình vào chiếc ghế đối diện.

Mười ngày sau sự kiện đó, anh vẫn còn kinh ngạc bởi cách cư xử của chính mình. Điều gì đã xui khiến anh? Là một người đàn ông bị ám ảnh bởi một tình trạng kinh niên, anh đã học cách sống chung với nó. Anh tiếp tục cuộc sống của mình, bận rộn, và không bao giờ nói về nó.

Cho đến khi anh nói, theo cách thật khủng khiếp, dài dòng bất tận, trong một giảng đường chật kín người lạ.

Anh muốn không bao giờ phải nghĩ đến hành động sai lầm gớm guốc đó lần nữa, nhưng anh vẫn tái diễn lại lời thú nhận của mình: Niềm vui ngang ngạnh vì cuối cùng đã thừa nhận nỗi ám ảnh của mình đối với bà Easterbrook, cho dù bằng cách vòng vèo như thế nào, và sự xấu hổ vô biên khi nhận ra mình đã làm gì.

Có lẽ anh đã phạm sai lầm chiến lược bằng cách lẩn tránh mùa lễ hội ở Luân Đôn và những khả năng đụng mặt cô ta. Bởi vì bằng cách lảng tránh đó, anh cũng đã tước đoạt của mình sự gần gũi với rất nhiều cô gái trẻ. Ai nói rằng trong bọn họ, anh không thể tìm thấy một người giữ tâm trí mình vĩnh viễn xa rời cô ta.

Một tiếng gõ cửa vang lên. Christian tự mở cửa – anh đã cho người hầu phòng nghỉ việc hai tuần để thăm anh trai đang sinh sống tại New York. Một tay gác cổng rất trẻ cúi chào và đưa cho anh một lá thư từ bà Winthrop, một vị khách ở khách sạn này, cô ta đã quăng mình vào anh trong suốt ba ngày qua.

Christian cần vô cùng một sự xao nhãng, nhưng anh muốn duy trì những tiêu chuẩn tối thiểu với chuyện yêu đương lăng nhăng của mình. Thật không may, bà Winthrop không chỉ vô cùng phù phiếm, mà còn hơi quá ngu ngốc. Dựa trên lời mời gần đây nhất, cô ta vẫn không thể hiểu được ẩn ý của anh.

“Gửi hoa cho bà Winthrop cùng với lời xin lỗi của ta,” anh nói với tay gác cổng.

“Vâng, thưa ngài.”

Ánh mắt anh rơi xuống chiếc bản đồ công viên Trung tâm trên chiếc bàn chân quỳ. “Và trả tấm bản đồ này cho nữ nam tước von Seidlitz – Hardenberg.”

Tay gác cổng cúi chào lần nữa và bỏ đi.

Christian bước ra ngoài ban công và nhìn xuống. Độ cao ở đây thật nguy hiểm, không khí loãng và lạnh lẽo. Khách bộ hành có kích thước bằng những con búp bê, hay những ma-nơ-canh đang thơ thẩn trên vỉa hè.

Một người phụ nữ đi ra từ trong khách sạn: Nữ nam tước von Seidlitz – Hardenberg, được xác nhận bằng cái mũ ngớ ngẩn của cô ta. Tuy nhiên, phần cơ thể còn lại của cô ta lại rất cân đối – một vóc dáng thích hợp với việc sinh sản. Một sản phẩm của sự tiến hóa có thể quyến rũ anh ra khỏi những phiền muộn để nhâm nhi sự thích thú hiển nhiên khi được ngắm nhìn hình dáng đó, ngay cả khi anh không có ý định sinh con với cô ta.

Trong không gian của thang máy, cô ta đã xăm soi anh gần như là từ đầu đến chân.

Anh nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. Nhưng sự chú ý của nữ nam tước vô cùng chăm chú, sự chú ý đó càng chăm chú hơn bởi chính thực tế là cô ta không hề nhìn thẳng vào anh.

Tuy nhiên bây giờ thì có. Từ mười sáu tầng nhà bên dưới, cô ta ngửa mặt lên và nhìn thấy anh một cách rõ ràng, một cái nhìn anh có thể cảm thấy qua tấm mạng màu kem che giấu khuôn mặt của cô ta. Sau đó cô ta đi qua đường và biến mất dưới những cái cây của công viên Trung tâm.

*

* *

Venetia chỉ mơ hồ nhận thấy những cái cây, hồ nước và những cây cầu, những chàng trai và cô gái trẻ lướt qua trên những chiếc xe đạp chắc chắn. Những chú sư tử biển trong chuồng gầm gừ; những đứa trẻ hò hét đòi xem gấu trúc; một cây vi-ô-lông rên rỉ những âm thanh ảo não của bản “Méditation” trích từ vở opêra Thais – nhưng tất cả những gì cô nghe thấy là giọng nói không thể lẩn tránh được của công tước.

Quý bà đây muốn có căn phòng tốt nhất.

Quý bà đây muốn đi lên tầng mười lăm.

Bản đồ của cô, thưa cô.

Anh ta không có quyền tỏ ra hữu ích và ga lăng như thế, anh ta là người đã phán xét cô như thể biết tất cả những điều cần biết về cô. Khi mà anh ta không biết gì – không hề biết gì.

Nhưng cô lại là người cảm thấy hổ thẹn vì chồng mình đã khinh miệt mình nhiều đến thế. Cô đã có thể tiếp tục sống trong vui vẻ nếu công tước biết điều mà giữ bí mật một cuộc nói chuyện riêng tư. Nhưng anh ta đã không làm thế, và sự tiết lộ của anh ta sẽ ám ảnh cô suốt đời.

Cô muốn… Cô cần… Làm điều gì đó để đánh bật anh ta ra khỏi vị thế thoải mái và ngạo mạn đó. Hành động sẽ mang theo hậu quả. Anh ta không thể bôi nhọ danh tiếng của cô mà không phải trả giá.

Nhưng cô có thể làm gì? Cô không thể kiện anh ta tội phỉ báng, vì anh ta chưa bao giờ chỉ đích danh cô. Cô cũng không biết những bí mật bẩn thỉu của anh ta để có thể đáp trả bằng việc tiết lộ chúng. Và ngay cả nếu cô cảnh báo mọi phụ nữ dưới sáu lăm tuổi về tính cách độc ác của anh ta, tước hiệu và sự giàu có vẫn đảm bảo cho anh ta lấy được vợ theo lựa chọn của mình.

Đến khi cô quay lại khách sạn, trời đã tối, bàn chân cô đau nhức, đầu cô nhoi nhói. Thang máy vắng tanh ngoại trừ người phục vụ, nhưng khi nó đi lên, công tước cũng có thể đã ở đó, ám ảnh cô bằng sự bất khả xâm phạm của mình.

Cô ngửi thấy mùi hoa loa kèn ngay khi mở cửa vào phòng. Một bình hoa vốn không ở đó đang ngự trị giữa chiếc bàn trong phòng khách. Những cành hoa loa kèn trắng cao và lay-ơn màu vàng cam ngạo nghễ vươn thẳng về phía trần nhà, những cánh hoa lấp lánh trong ánh điện.

Gia đình sẽ không bao giờ gửi tặng cô hoa loa kèn, loại hoa cô đã cầm khi bước xuống lối đi giữa nhà thờ để kết hôn với Tony. Cô nhấc tấm thiết đặt trên cành lá đang chống đỡ những bông hoa.

Công tước Lexington rất tiếc phải rời khỏi New York và mong có được niềm vui tâm sự với bà vào một dịp khác, thưa bà.

Sự trơ tráo của người đàn ông này. Bó hoa hoang phí chẳng là gì ngoài một lời tuyên bố rằng, nếu họ gặp lại, anh ta muốn cô chờ sẵn ở trên giường, trần truồng. Vậy là anh ta khinh bỉ tính cách của Venetia Easterbrook, nhưng vẫn ham muốn thân xác của cô ta khi không biết nó thuộc về ai.

Cô xé tấm thiệp thành hai, bốn rồi tám. Và tiếp tục xé, nghẹn thở vì bất lực.

Lời nói của Helena nhảy vào đầu óc cô. Hãy tự trả thù cho mình, Venetia. Làm anh ta phải lòng chị, sau đó cắt bỏ anh ta.

Sao lại không?

Điều đó có ý nghĩa gì với anh ta? Chỉ là một cuộc tình lăng nhăng trái với ý của mình. Anh ta sẽ đau đớn trong vài tuần ngắn ngủi – vài tháng, nếu cô may mắn. Nhưng còn cô, cô sẽ bị ám ảnh bởi sức nặng đến từ lời buộc tội của anh ta trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.

Cô gọi điện cho người giữ cửa và yêu cầu đặt một cabin hạng nhất trên tàu Rhodesia, càng gần phòng Victoria càng tốt. Và sau đó cô ngồi xuống viết thư cho Helena và Millie để thông báo về sự ra đi đột ngột của mình.

Đến khi niêm phong lá thư cô mới nghĩ đến những chi tiết trong công cuộc quyến rũ của mình. Cô làm thế nào để đánh đổ sự phòng ngự của anh ta khi anh ta đã có những thành kiến bảo thủ như thế về cô? Khi anh ta chỉ cần nhìn thấy cô một cái là sẽ quay đi, bất kể tài sản lớn nhất của cô là sắc đẹp.

Không quan trọng. Cô phải lên kế hoạch, thế thôi. Có chí thì nên. Và với mọi tế bào trong con người mình, cô muốn rằng công tước Lexington sẽ phải hối hận ngày anh ta chọn đâm một con dao vào cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.