Sát Phá Lang (Priest)

Chương 4: Chương 4




Hôm nay là sinh nhật mợ Pi, bèn ngoi lên đăng cái này xong lặn tiếp~ :3

Tiện đăng cả stt của mợ trên weibo hôm nay~

“Đêm qua viết xong cập nhật xong liền đi ngủ, hôm nay xem bình luận, kết quả là giật nảy mình. Năm nay tại sao mọi người nhiệt tình như vậy, chẳng lẽ là vì tôi mười bảy tuổi? Nhưng mà tôi năm nào cũng mười bảy tuổi cả.”



Chương 4: Cự diên

Thẩm gia không chú trọng “ăn không nói ngủ không nói”, vừa ăn cơm, Thẩm tiên sinh vừa giảng “Đại học” cho Trường Canh, giảng một hồi mất luôn trọng điểm, lại xen cả “cách bảo dưỡng cương giáp trong mùa đông” vào. Bản thân y là một người theo học phái Tạp Gia, cứ nhớ gì nói nấy, có một lần không biết thế nào mà còn hào hứng giảng cách phòng và chữa trị dịch ngựa, khiến ngay cả kẻ điếc là Thập Lục gia cũng nghe không nổi nữa, bắt y ngậm miệng lại.

Ăn xong nói xong, Thẩm tiên sinh còn chưa thỏa mãn mà dọn dẹp bát đĩa, nói với Trường Canh: “Hôm nay ta phải sửa xong số trọng giáp này, bọn họ chẳng bao giờ chịu bảo dưỡng, làm các khớp rỉ sét hết. Buổi chiều có khả năng ta còn phải đi một chuyến để hái ít thảo dược, bọn Cát Bàn Tiểu đều xin nghỉ đi chơi rồi, ngươi thì tính thế nào?”

Trường Canh: “Ta lên dốc núi Tướng Quân luyện…”

Chữ “kiếm” còn chưa nói ra, vừa quay đầu lại đã thấy Thẩm Thập Lục treo thiết kiếm của y trên tường, tuyên bố: “Nhi tử, đi, cự diên có thể sắp vào thành rồi, chúng ta đi chung vui nào.”

Trường Canh bất lực: “Nghĩa phụ, ta vừa nói với Thẩm tiên sinh…”

Thẩm Thập Lục: “Cái gì? Con nói to lên xem nào.”

Giỏi, lại tới nữa.

Cự diên đến rồi lại đi, năm nào cũng như năm nấy, Trường Canh chẳng thấy có gì mới mẻ để xem, nhưng còn chưa kịp phản đối thì Thập Lục đã không nói năng gì nửa kéo nửa lôi mà đẩy y đi ra ngoài.

Hoàng hôn mùa hạ trời chưa hết nóng, quần áo mặc trên người đều mỏng, Thập Lục dán cả người lên lưng Trường Canh, mùi thuốc thoang thoảng như ẩn như hiện phút chốc bao phủ Trường Canh, giống hệt như trong giấc mơ vậy.

Trường Canh bỗng dưng cảm thấy không được tự nhiên, liền lặng lẽ cúi đầu tránh né tiểu nghĩa phụ, bịt mũi quay đầu đi, làm bộ hắt xì.

Thập Lục cười tủm tỉm trêu ghẹo: “Có người nhớ con rồi. Là tiểu cô nương mặt tròn nhà Lão Vương sao?”

Trường Canh rốt cuộc không nhịn được hơi sầm mặt, cứng nhắc nói: “Nghĩa phụ đùa với vãn bối như vậy có thích hợp không?”

Thẩm Thập Lục còn khuya mới để tâm, cợt nhả: “Không thích hợp sao? À, ta trước kia chưa từng làm cha ai, nên không biết chừng mực thế nào, lần sau nhất định ta sẽ chú ý.”

Ai mà nghiêm túc với Thẩm Thập Lục thì nhất định bị y chọc tức bốc khói.

Trường Canh hất tay tên lưu manh muốn bá vai mình, dẫn đầu đi ra ngoài.

Thẩm tiên sinh ở đằng sau dặn dò: “Thập Lục, ngươi nhớ về sớm bổ củi đấy!”

Thẩm Thập Lục đi như bôi dầu dưới chân, không biết xấu hổ nói: “Không nghe thấy, tạm biệt!”

Trường Canh bị y đẩy chạy chầm chậm, hỏi: “Người rốt cuộc điếc từ khi nào vậy?”

Thẩm Thập Lục chỉ cười không đáp, vẻ mặt cao thâm khó lường.

Lúc này hai người vừa vặn đi qua cửa chính nhà Trường Canh, cánh cửa “két” một tiếng chợt mở ra.

Một nữ nhân váy dài màu trắng đi ra, Trường Canh thấy nữ nhân ấy, vẻ mặt bực bội pha lẫn bất đắc dĩ và nổi cáu tức thì sững lại.

Y giống như bị giội một gáo nước lạnh từ đầu tới chân, ánh mắt vừa nãy còn dằn cơn giận lập tức trống rỗng, cả sự giận dữ lẫn sức sống cùng biến mất tăm.

Nữ nhân chính là Tú Nương, mẹ Trường Canh trên danh nghĩa.

Tú Nương không còn trẻ, mỹ mạo lại chưa mất nửa phần, đứng trong nắng mai, tựa như một bức phác họa mỹ nhân nhàn tĩnh u nhiên vậy.

Nữ nhân như thế, dù là một quả phụ, cũng thật sự không nên hạ mình gả cho một bách hộ con con trong một trấn nhỏ ở biên thùy.

Tú Nương gật đầu sửa lại vạt áo, dịu dàng chào hỏi Thẩm Thập Lục: “Thập Lục gia.”

Thẩm Thập Lục chỉ lưu manh với Thẩm Dịch, vừa đụng tới nữ nhân thì y tức khắc lắc mình biến thành một phiên phiên quân tử. Y hơi nghiêng người, không nhìn thẳng mặt Tú Nương, nho nhã lễ phép chào hỏi: “Từ phu nhân, ta đưa Trường Canh ra ngoài giải khuây.”

“Làm phiền quá,” Tú Nương cười mỉm không lộ răng, kế đó quay sang Trường Canh, nhẹ nhàng dặn dò: “Hôm nay phụ thân con về, nếu đi ra ngoài, nhớ mua một hộp son về cho mẹ.”

Tiếng nói chuyện nhẹ như muỗi, hà một hơi cũng bay mất, nhưng Trường Canh còn chưa kịp trả lời thì Thẩm điếc đã đáp trước: “Ôi, phu nhân cứ yên tâm.”

Trường Canh: “…”

Lúc này, Trường Canh mới đại khái tìm được một chút về quy luật điếc của nghĩa phụ – lời Thẩm Dịch nói y nhất loạt không nghe thấy, những người khác nói thì phải xem có thích nghe hay không, về phần các đại cô nương tiểu tức phụ, cho dù là muỗi cái vo ve một tiếng, y cũng có thể nghe không sót một chữ nào.

Ham ăn biếng làm thì đã đành, còn là một kẻ sắc hoại nữa chứ!

Câu “bên ngoài vàng ngọc, bên trong thối rữa”, y như là lượng thân làm cho riêng y vậy.

Khi cự diên trở về, lũ trẻ chờ nhặt nhạn thực cùng mười dặm tám thôn lân cận chạy tới xem náo nhiệt tụ tập ở cổng thành, vừa đông người, liền có kẻ có óc kinh doanh đến bán thức ăn, dần dần hình thành một cái chợ quy mô không nhỏ, dân bản địa gọi là “chợ Nhạn Tử”.

Thẩm Thập Lục chưa bao giờ biết xem sắc mặt người ta – nhìn thấy cũng làm bộ không thấy.

Y giống như không hề nhận thấy tâm trạng đứa con nuôi không tốt, hào hứng chạy tới chạy lui trên Nhạn Tử chật ních người, gặp cái gì cũng rất hứng thú.

Trường Canh tâm trạng bực bội, lại còn phải theo sát y không rời một tấc, thường xuyên lưu ý không để y bị lạc.

Mấy năm nay thế đạo không tốt, lão bách tính đều nghèo, buôn bán trên chợ phần lớn là sản vật nông gia, đồ ăn thức uống đều chẳng có gì ngon, buồn chán muốn chết.

Đều nói cuộc sống khó khăn là do chiến tranh, thuế má năm sau nặng hơn năm trước. Nhưng kỳ thực trước đây cũng có chiến tranh, đánh xong một trận còn có thể nghỉ ngơi một thời gian, ấy thế mà mấy năm nay không biết cớ làm sao, mọi người giống như chưa bao giờ được nghỉ xả hơi vậy.

Tính ra chẳng qua hai mươi năm, Đại Lương trước là Bắc phạt, sau lại Tây chinh, trở thành đại quốc, tứ phương triều bái, uy nghi đến nhường nào?

Thế nhưng lão bách tính ngày càng nghèo, cũng thật là kì lạ thay.

Trường Canh đi lang thang chán gần chết, chỉ muốn ngáp dài, mong tên nhà quê Thẩm Thập Lục gặp cái gì cũng tò mò này sớm hết hứng, sớm cho y về, y thà đi làm trợ thủ cho Thẩm tiên sinh còn hơn.

Thẩm Thập Lục mua một bọc đậu nướng muối đen sì, vừa đi vừa dùng tay bốc ăn, sau đầu như có mắt, thò một tay chuẩn xác nhét một hạt đậu muối vào miệng Trường Canh.

Trường Canh bị bất ngờ, không cẩn thận liếm phải ngón tay đối phương, trong cơn hoảng loạn y cắn luôn trúng lưỡi mình, tức khắc bật máu, đau quá thét lên một tiếng, phẫn nộ trừng Thẩm Thập Lục đại họa này.

“Hoa tàn còn nở lại, niên thiếu chẳng quay về.” Thẩm Thập Lục không quay đầu lại, nhón một hạt đậu giơ lên nhắm ngay hướng thái dương. Đôi tay y thật là đẹp, thon dài trắng nõn, như đôi tay công tử thế gia, vốn nên cầm sách hoặc nhón cờ, chẳng hợp chút nào với hạt đậu nướng đen sì.

Thẩm Thập Lục ra vẻ ông cụ non: “Chờ trưởng thành là con sẽ biết, thời thiếu niên của một người chỉ được tí tẹo như hạt đậu, chớp mắt là qua, cả đời cũng không quay lại được, đến lúc đó con sẽ hiểu mình đã phí hoài bao nhiêu năm tháng.”

Trường Canh: “…”

Thật sự là y vô luận thế nào cũng không nghĩ thông, sao Thẩm Thập Lục có thể dày mặt nói người khác “phí hoài năm tháng” cho được.

Đúng lúc này, đám đông ở gần cổng thành đột nhiên reo hò.

Cho dù là mù dở, cũng có thể nhìn thấy “cự diên” đáp xuống nơi chân trời đằng xa.

Vô số hỏa sí chĩa lên trời, tất cả khói trắng đồng loạt tạo ra ngàn tầng vân sơn, hơi nước như một đám bông từ cửu trùng lăng tiêu rơi xuống.

Sau đó, một con thuyền khổng lồ lờ mờ hiện ra giữa khói sóng mênh mang, tám con giao long hùng vĩ ở đầu thuyền trông cứ như thật, chúng chiếm giữ hai bên hông thuyền, bễ nghễ vô song rẽ mây mà đến.

Thẩm Thập Lục thoạt đầu sửng sốt, đoạn y chợt nghiêng tai, nốt ruồi chu sa trên vành tai tựa hồ lóe ánh đỏ, y nhíu mày, khẽ lẩm bẩm: “Sao năm nay thuyền lại nhẹ như vậy?”

Nhưng xung quanh toàn là tiếng ù ù đinh tai nhức óc của cự diên cùng tiếng người la hét huyên náo, một tiếng nói thầm thoáng như thở dài này nhanh chóng biến mất tăm, ngay cả Trường Canh theo sát bên cạnh y cũng không nghe thấy.

Lũ trẻ con bắt đầu bưng cái giỏ trúc nhỏ của mình, chen lấy đùn đẩy tranh vị trí, chờ đón nhạn thực.

Trên thành, một tốp quan binh xếp hàng chạy chậm ra, binh truyền lệnh đứng đợi lệnh sau “đồng hống” cao ba trượng.

“Đồng hống” như một cái loa to đặt ngược, nằm ngang trên tường thành, bên ngoài có một vòng rỉ đồng xanh biếc, rỉ loang lổ đẹp mắt, như là chạm hoa vậy.

Binh truyền lệnh kia hít sâu một hơi, nhắm ngay một đầu đồng hống, lên giọng, âm thanh từ “đồng hống” khổng lồ truyền ra, được khuếch đại mấy chục lần, vang vọng như chuông lớn vậy.

“Nhạn về, mở – sông – ngầm -“

Hai hàng quan binh theo lệnh nắm những bánh xe bằng gỗ khổng lồ trên thành lâu, đồng thời quát to một tiếng. Họ cởi trần lộ ra gân cốt, đồng loạt dùng lực, bánh xe gỗ trên cao “cót két” quay, một con đường lớn bằng đá tảng dưới thành lâu chia ra làm đôi, vô số bánh răng khớp nhau bắt đầu quay tròn, gạch ở hai bên phân thành hai đường rút đi ngược nhau.

Đại địa đã nứt ra, để lộ con sông ngầm sâu thẳm, chảy qua cả Nhạn Hồi tiểu trấn.

Binh truyền lệnh thổi lên tiếng kèn đùng đục ngân nga, truyền ra từ đồng hống, xuyên thấu hết thảy vang vọng mà đi.

Trên cự diên cũng đáp lại một tiếng kèn dài, tiếp đó vô số hỏa sí đồng thời phát lực, hơi nước chung quanh như mây mù vờn trên đỉnh núi phụt ra một cách điên cuồng – nó chuẩn bị hạ xuống rồi.

Đợt “nhạn thực” đầu tiên rắc xuống tung tóe như thiên nữ rải hoa, lũ nhóc bên dưới phát điên, nhao nhao vươn tay tranh đoạt.

Đáng tiếc, đoạn đường rải nhạn thực không hề dài, cự diên nhanh chóng đáp xuống con sông ngầm, vững vàng đậu trên mặt nước trước mắt mọi người.

Thân thuyền uy nghiêm, ánh sáng nhạt của kim loại đượm khí sát phạt khó tả rõ, tiếng kèn từ trên thuyền truyền đến bi tráng lạ lùng, vọng mãi không thôi, cả Nhạn Hồi trấn đều bị cộng hưởng tiếng “ù ù” ấy, như những vong hồn ngàn năm trên sa trường nhất tề tỉnh lại hòa chung tiếng hát vậy.

Cự diên chậm rãi xuôi con sông ngầm vào thành, nước chảy ào ào, binh truyền lệnh lại cao giọng hô một tiếng.

“Tắt – đèn -“

Hỏa sí ở hai cánh cự diên theo đó tắt phụt, không trung phả đến mùi khét như sau khi đốt pháo. Cự diên xuôi dòng, giao long quanh thân thuyền phảng phất ngưng trệ ở đồ đằng nào đó trong dòng thời gian, mang theo thần tính yêu tà.

Trường Canh chen chúc trong đám đông chăm chú nhìn cự diên dần đến gần, dù ngoài miệng nói không muốn đến, và quả thật cũng từng xem rất nhiều lần cự diên quay về, nhưng khi đối mặt y vẫn phải chấn động vì thân hình của vật khổng lồ ấy.

Cự diên Bắc tuần còn như thế, vậy Huyền Thiết tam đại doanh lợi khí quốc gia, lại sẽ là phong thái ra sao?

Thiếu niên bị nhốt trong một góc xa xôi chật hẹp của Nhạn Hồi tiểu trấn, quả thực ngay cả nghĩ cũng không nghĩ ra.

Cự diên tới gần, hơi nóng của hỏa sí đã tắt hất vào mặt, Trường Canh theo bản năng túm người bên cạnh, dặn dò: “Cự diên đến rồi, bên này đông người quá, chúng ta lui lại một chút đi.”

Không ai trả lời, y chẳng túm được gì, Trường Canh quay đầu phát hiện nghĩa phụ phiền phức kia không biết từ khi nào đã mất tăm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.