Chuyển ngữ: Dú
Chương 20: Tui đi Vô Thường là vì miếng ăn
Buổi sáng, tại trường quay.
Cuối cùng cũng đến lúc Lan Hà đóng máy. Rất đơn giản, một viễn cảnh, anh và tay nuôi bồ câu lão luyện – ông Uông diễn với nhau, phải thả tất cả bồ câu đi, phải quay cảnh bồ câu bay xẹt qua trước người anh cho thật đẹp.
Cảnh này chẳng khó tẹo nào, Lan Hà chỉ cần đứng ở đằng kia là bồ câu sẽ bay nháo nhào đi hết. Về phần có đẹp hay không thì thẩm mĩ của con người và bồ câu là khác nhau, mà người ta đâu thể đoán ra trong lòng chúng nó có nỗi khổ hay không.
Phải quay mấy lần ở vị trí này nên ông Uông phải gọi đám bồ câu về lần nữa.
Trương Tuần Xuân chắp tay sau mông đứng trên đồng cỏ hoang vu, ngửa đầu lắng nghe tiếng còi bồ câu khắp bầu trời, bóng dáng cao ngất toát lên vẻ cô đơn khó tả.
Ở ngay bên cạnh là nghi lễ đang được tiến hành, vài thanh niên sung sức trong đoàn xin lấy bài vị Hồ tiên ra, gói lại bằng vải đỏ, cắm ba nén hương rồi khởi hành đưa lên sơn động đã chỉ định.
Vì cái quy củ ước định mà thành này, ai ai trong đoàn phim lẫn dân trong thôn đều vờ như không thấy bọn họ, cũng chẳng bắt chuyện lấy một câu. Họ như hồn ma bảo vệ bài vị rời khỏi nhà họ Dương, đi qua cổng thôn.
Trên mặt cỏ cổng thôn, Trương Tuần Xuân đứng giữa đàn bồ câu, dần dời mắt đi...
"Cắt!" Liễu Thuần Dương hô: "Đạt. Trương Tuần Xuân, đóng máy!"
Mấy chữ đơn giản này chứng tỏ công việc của Lan Hà đã kết thúc.
Nét mặt trộn lẫn giữa khờ dại và tàn nhẫn đại diện cho Trương Tuần Xuân cũng dần dần thay đổi, hóa thành nụ cười mỉm thân thiện như xưa nay vẫn thế.
Lan Hà và ông Uông đứng khá xa, ông Uông lùa bồ câu về, anh cũng đang tính về thì bắt gặp một cô gái mặc đồ đỏ trông rất quen trong hàng người đưa tiễn bài vị.
Hồ Bảy Chín? Đúng rồi, hôm nay là ngày đưa bài vị cô ấy đi mà. Lan Hà không biết cô rời khỏi đội ngũ đi sang đây làm gì, lẽ nào định chào tạm biệt Liễu Thuần Dương?
Trông Hồ Bảy Chín đi thì chậm mà thật ra lại nhanh, lướt qua đám người Liễu Thuần Dương, chẳng mấy chốc đã đến trước mặt, giương mắt xếch nhìn Lan Hà: "Hì hì, ta đến để nói lời từ biệt với ngươi."
Lan Hà vờ như không thấy cô, cứ tiếp tục đi về phía trước như không có chuyện gì, trong khi đáy lòng đã nhộn nhạo, làm sao Hồ Bảy Chín biết anh là Vô Thường tối hôm qua được nhỉ?
"Chỉ dòm cái điệu bộ của ngươi thôi, suýt nữa ta đã nghĩ ngươi không nhìn thấy ta thật, không hổ là diễn viên." Hồ Bảy Chín cười khanh khách, nói với giọng đầy tự tin, "Không phải giả vờ đâu, hôm qua ta cố tình thả mấy cọng lông lên người ngươi để xem ngươi đi đâu. Tối qua ta đã thấy lạ rồi, nom ngươi chẳng giống âm sai tẹo nào, còn đưa hương cho ta, rồi bảo ta nói với tên hòa thượng kia, cơ mà tên đó chẳng hiểu mô tê gì. Ta biết hết đám ăn cơm âm phủ lẫn quỷ sai ở khu vực gần đây, vậy ngươi chui từ đâu ra cơ chứ... Thế là ta tra, quả nhiên là một Vô Thường sống, quả nhiên là người của đoàn phim."
Bị bóc mẽ mất rồi, mình coi thường Hồ Bảy Chín này quá!
Không hổ là Hồ tiên xảo quyệt, Lan Hà nghĩ bụng chị Hồ bị giấu là nhờ sự giúp đỡ của lão Bạch, chưa kể chị Hồ chưa bao giờ tiếp xúc với công việc của anh.
Nào ngờ, một Hồ Bảy Chín có tu vi thấp hơn cô cả lại còn hay mít ướt, chỉ bằng một câu, một động tác mà đã làm cô phải suy nghĩ nhiều đến mức đó, chưa kể còn bày kế, là anh quá lơ là.
Song, bốn phía có người, Lan Hà chẳng lên tiếng, mặt vẫn tỉnh rụi, chỉ ra dấu ý bảo lát nữa hẵng chuyện trò sau.
Nhưng ngay lúc này, đám bồ câu bị ông Uông lùa về lồng thấy Lan Hà và Hồ Bảy Chín đứng một trước một sau tại chỗ này thì không nhúc nhích nữa.
Không phải không muốn nhúc nhích, mà là không dám. Chúng cứ đứng đơ tại chỗ.
Vốn dĩ bồ câu đã sợ chồn, hồ ly các kiểu rồi, Hồ Bảy Chín lại còn có tu vi. Chúng sợ Lan Hà là sợ âm khí mà lùi, còn sợ Hồ Bảy Chín là sợ nhũn chân như con mồi, chỉ biết đợi bị xực nữa thôi.
Ông Uông lấy làm lạ: "Hả?"
Họ chẳng nhìn thấy bóng của Hồ tiên, chỉ thấy mỗi Lan Hà đang đứng ở đằng kia, còn đám bồ câu thì đậu khắp nơi, còn đậu rất gần anh.
Bên kia, Trình Hải Đông và đám người Liễu Thuần Dương toan bước qua chúc mừng Lan Hà, khi tiến lại càng gần bèn phát hiện ra cảnh này, ai ai cũng oán thán:
"Chuyện gì đây! Đám bồ câu bị sao thế? Hôm qua được ăn gan hùm mật gấu chắc?"
"Thế giới này ảo quá, tại sao bồ câu gặp kẻ "bồ câu thấy là sợ" mà không trốn?"
"Ai đưa bồ câu lên núi Diệu Cảm xin rồi à..."
Lan Hà: "......"
Nói cái gì với cái gì đấy?
Anh không định giải thích, có bao giờ anh cần giải thích vụ này đâu, bèn bình tĩnh đáp: "Chắc là từ trường sinh ra từ dòng điện sinh vật gì đó của tôi lại thay đổi? Ở đây có nam châm lớn?"
Ông Uông cũng chẳng đoán ra, điều này đã vượt qua phạm trù kiến thức ông biết, "Ờm, chuyện này..."
Rất nhiều dấu chấm hỏi trôi lơ lửng trên đầu cả đoàn phim, Liễu Thuần Dương thì kệ xừ, vẫy tay bảo quay phim quay cảnh này ngay tại đây, ông cứ thấy kì diệu sao đó.
"Lan Hà, cháu dịch sang bên kia một chút." Liễu Thuần Dương nói.
Mọi người: "..."
Chà, nghe hơi bị quen, không hổ là chú, đạo diễn Liễu ạ.
Lan Hà vốn đứng rất gần đàn bồ câu rồi, bước thêm mấy bước vào giữa chúng, đương nhiên đám bồ câu vẫn chẳng nhúc nhích.
Chỉ thấy Hồ Bảy Chín cười hì hì, lùa chúng từ phía sau. Đám bồ câu bay lên theo phản xạ, sau đó lao vào lòng Lan Hà.
Những người khác:!!!
Ông Uông: "Ối thần linh ơi!"
Lan Hà: "..."
Anh cứng ngắc nâng bồ câu lên, Hồ Bảy Chín đứng ngay cạnh anh, cúi đầu chọt đầu con bồ câu kia, nó rụt cổ lại, im thin thít.
Song, trong mắt những người khác thì là bồ câu lao vào tay Lan Hà, rụt cổ lại, chân cũng co lại, yên tâm hưởng thụ cái ôm của trai đẹp.
Trần Tinh Dương chấn động: "Vua bồ câu!"
Trình Hải Đông lắc đầu: "Lan Hà à, thế mà chú kêu chú không biết luyện cổ, đây là bồ câu cổ trong truyền thuyết chứ gì nữa..."
Dĩ nhiên chẳng ai tin câu nói linh ta linh tinh này rồi, còn chẳng đáng tin bằng thay đổi từ trường ấy chứ.
Nhà sản xuất tặc lưỡi lấy làm lạ, có ý kiến khác: "Mọi người không phát hiện ra Lan Hà vừa kết thúc vai cái là thái độ của bồ câu với cậu ấy đã thay đổi à. Có lẽ ban nãy trong máy quay phim đã ghi lại rồi đó – Khi cậu ấy thoát vai, biểu cảm thay đổi, bồ câu mới đổi thay theo."
Liễu Thuần Dương: "Cái định mệnh, anh có ý gì?"
Nhà sản xuất hỏi lại: "Lẽ nào mọi người không biết thái độ của đám bồ câu khác nhau theo diễn xuất của Lan Hà ư? Ông cha ta hay nói động vật gặp đồ tể cũng sẽ sợ theo bản năng, nhân vật của Lan Hà lại chẳng độc ác ư? Người bồ câu sợ thực ra không phải Lan Hà, mà là "Trương Tuần Xuân"!"
Biên kịch Ngô Linh vỗ tay cho câu nói này. Nghe cuốn hút đấy, chị thích!
Hiện trường nhất thời xôn xao.
Hình như cách nói này cũng hợp lí, việc thi thoảng không quay phim mà đám bồ câu vẫn sợ hoàn toàn có thể nói là Lan Hà vẫn đang nhập vai. Dù sao đi chăng nữa, đó vẫn là một lời giải thích có lí có chứng cho cảnh tượng thần kì trước mắt.
Nếu không thì phải giải thích cái cảnh một khắc trước Lan Hà còn làm đám bồ câu sợ một phép, một khắc sau đã được bồ câu thích thế nào đây?
Đám người ưa hóng hớt tức thì hùa theo lời nhà sản xuất, cứ tấm tắc khen ngầu lòi, kì diệu không ngớt miệng, cũng góp một phần nhỏ công sức cho việc củng cố chứng cứ.
Nụ cười trên mặt nhà sản xuất càng lúc càng sâu xa hơn. Ừ, bất kể do từ trường hay diễn xuất thì gã cũng sẽ quảng bá như vậy! Nghĩ đến đây, tiện thể ngó, xác định tất cả cảnh trước đó đã được ghi hình hết rồi.
Miệng Lan Hà giần giật, đúng là cuộc đời muôn hình vạn trạng, anh chẳng biết nên nói gì thêm, bèn thả bồ câu xuống, "Ừm, cảm ơn mọi người, cảm ơn bồ câu, tôi đi vệ sinh đây."
Anh lách ra khỏi đám đông.
Hồ Bảy Chín cũng chui ra ngoài.
Họ vừa đi cái là đám bồ câu lại khôi phục sức sống, vỗ cánh phành phạch bay đi, dẫn theo tiếng còi bồ câu lanh lảnh vươn xa tận chân trời. Chuyện này như càng chứng minh lời của nhà sản xuất, đám người vốn đang hoài nghi cũng phải tin răm rắp.
Ông Uông gãi đầu: Nếu từ trường của Lan Hà không đột ngột thay đổi thì chỉ có thể nói là khả năng thuần hóa bồ câu của Lan Hà thâm sâu hơn ông nhiều, vả lại còn sâu không thấy đáy thì mới có thể chinh phục cả đàn bồ câu mà ông phải huấn luyện lâu năm trong một khoảng thời gian ngắn!
...
Lan Hà đi tới chỗ vắng, xoay người hỏi: "Cô muốn thế nào?"
Hồ Bảy Chín cười tủm tỉm: "Ta bảo rồi, chỉ nói lời từ biệt với ngươi thôi." Cô ta cố tình dùng giọng điệu mà Lan Hà bắt chuyện với mình tối qua, "Ngươi không muốn bị người ta biết thân phận nên mới đeo mặt nạ nhỉ. Yên tâm, ta có thể giữ bí mật chuyện này cho ngươi."
Lan Hà nhìn vẻ mặt cô ta, phân biệt thật giả, ai bảo tối qua cô ta vừa nói vừa giơ móng ra. Song, nếu Hồ Bảy Chín thực sự bằng lòng giữ bí mật thì cũng bớt phiền phức cho anh.
Nếu không, anh hoàn toàn có thể mường tượng mình sẽ phải chịu bao nhiêu kiểu quấy rầy ra làm sao. Khoan nhắc đến người khác, chắc chắn cô cả sẽ đến đây suốt ngày mất... Tuy có lợi ích thật, nhưng đây vẫn là một công việc bán thời gian quá là phiền phức.
Hồ Bảy Chín nghiêm mặt, "Đối diện bất tri nhân hữu cốt*? Ta khác mấy kẻ chẳng có khí phách kia, ta nói là sẽ giữ chữ tín, chưa kể còn thua ngươi, tuyệt đối sẽ không vin bừa vào cái cớ này, thậm chí đến cô cả ta cũng sẽ không kể cho! Ta ấy mà, chẳng qua là cẩn thận nên mới tra xét thân phận của ngươi. Vả lại, chúng ta quen biết nhau thì sau này muốn đến cũng tiện..."
(*Đây là câu trong "Đối diện bất tri nhân hữu cốt, đáo tử phương tri quỷ vô bì", dịch thô là "giáp mặt mà không biết người ta có xương, đến chết mới biết quỷ không có da", cùng nghĩa với câu "Biết người biết mặt không biết lòng".)
Lan Hà: "... Tôi không đỉnh tiên* đâu."
(*Đỉnh tiên: Ý chỉ hiện tượng/hành động các loại yêu ma tu hành nhập vào con người để chữa bệnh, trừ tà, xem bói. Kiểu như lên đồng. Ở đây có nghĩa là Hồ Bảy Chín đến nhà Lan Hà, để Lan Hà cung phụng, cho nhập vào xác.)
Hồ Bảy Chín trưng vẻ mặt thất vọng: "Ngươi quyết đoán vậy làm gì, đấy là chưa biết điểm tốt của ta rồi."
Tôi! Biết! Chứ!
Lan Hà nghĩ bụng, nói lằm nói lốn thì chớ, đã thế còn nhấn mạnh sẽ không kể cho cô cả các kiểu, thật ra là vì vụ này chứ gì!
Anh nên nghĩ ra từ sớm mới phải, chẳng phải chị Hồ cứ muốn vào nhà anh ở suốt là để ngày nào cũng được hít hương à.
Hồ Bảy Chín vẫn chưa hết hi vọng: "Ta nói này, ngươi đi Vô Thường là vì lí do gì?"
Lan Hà: "Ờm, bây giờ là vì kế sinh nhai."
Mắt Hồ Bảy Chín sáng quắc, vỗ tay nói: "Lại chả vừa khéo hay sao? Nếu ngươi mang ta về nhà, ta đảm bảo cho cả nhà ngươi cuộc sống ấm no đủ đầy, sẽ không phải nộp tiền điện, bệnh dịch rời xa, phát tài thuận lợi..."
Cô tự hạ thân phận làm gia tiên cho nhà họ Dương là để báo ơn, muốn bảo Lan Hà đỉnh tiên là vì tham ăn. Có người xây một lầu thần tài xa hoa nhất trong nhà cũng chưa chắc đã có tiên gia sẵn lòng đến ở, có người thì lại làm cô phải sốt sắng mời chào...
Lan Hà lắc đầu: "Là ăn cơm* theo nghĩa gốc ấy, no bụng là được." Dù anh flop nhưng đâu có nghèo, chẳng cần phát tài gì, chưa kể người tỉnh Hồ Nam bọn anh vốn đọc "ăn" thành "qia", "Tôi đi Vô Thường là vì quay phim phải ăn uống điều độ, đi Vô Thường có thể ăn đồ cúng mà không bị béo."
Hồ Bảy Chín: "..."
(*Lan Hà nói từ 恰饭 |qià fàn|, người tỉnh Tứ Xuyên đọc "ăn" |chī| thành |qià|, về sau cụm từ này có nghĩa là "kế sinh nhai", vì kế sinh nhai mà làm một số việc không muốn.)
Bị chặn cứng họng, Hồ Bảy Chín mặt đen như đáy nồi: "Được thôi, chúng ta cũng chỉ đành làm bạn bè. Đã biết thân phận của ngươi rồi, để bày tỏ lòng thành, ta cũng nói cho ngươi biết khuê danh của ta."
— Chúng ta đã nói trước đó rằng trong cõi u minh, tên họ là dấu hiệu quan trọng. Tên thật của các tiên gia này không tiện để lộ ra ngoài, các đệ tử dưới đàn chỉ gọi biệt hiệu của họ, đa số là gọi theo dòng họ và hàng thứ, ví dụ như ông Hồ Ba, Sỏa Nhị Tiên Cô các kiểu.
(*Sỏa ở đây là sỏa trong ngu ngốc, chả biết nên để thế nào nên giữ nguyên.)
Đến bây giờ Lan Hà mới chỉ biết một phần ba tên của Tống Phù Đàn.
Sau khi biết được, đó sẽ là sự tin tưởng, cũng là một trách nhiệm thực sự, và bạn phải đối xử với người ta sao cho xứng việc người ta mở lòng với bạn. Dĩ nhiên, nếu bạn là kẻ tiểu nhân thì thôi.
Vì vậy, Lan Hà nói ngay: "Tôi tin cô mà. Không cần đâu, thực sự không cần..."
Nhưng Hồ Bảy Chín còn nhanh hơn anh, cô đã kịp thốt lên trước khi Lan Hà từ chối: "Ta tên là Tập Nhân!"
Lan Hà: "..."
Ôi, vẫn cứ là được bày tỏ...
Hết cách rồi, Lan Hà cười gượng, khen ngợi theo phép lịch sự: "Tên rất hay. Cô cũng đọc "Hồng Lâu" à, Hồ nữ Tập Nhân, bây giờ nghe lại còn hơi giống "Liêu Trai" cơ."
Hồ Bảy Chín nhìn anh với vẻ khó hiểu, "Hồng Lâu Lục Lâu quái gì, tên ta là Tập Nhân là bởi vì hồi bé ta rất thích đánh úp người sống trên núi. Họ phiền hà quá, cứ tới chặt cây suốt."
Lan Hà: "......"
Hồ Bảy Chín lại lấy bấm móng tay ra, nói với Lan Hà: "Nhìn cái móng tay kia của ngươi là biết chắc cô cả tặng cho, ta cũng tặng ngươi một cái móng, ngươi thử dùng xem. Dù thực lực của ta không bằng cô cả, nhưng ta có sở trường của riêng mình..."
Cô không nói hai lời đã cắt móng dùng thử đưa cho Lan Hà, nằng nặc đòi Lan Hà phải nhận, "Hì hì, nếu ngươi thấy dùng thích, muốn tìm ta thì lên núi Thượng Thu, hoặc thắp hương lúc nửa đêm, gọi tên thật của ta. Nếu ta nghe được, tất sẽ đến."
Lan Hà chỉ còn nước bọc lại bằng giấy, đau đầu nói: "Hai cô ai cũng như nhân viên tiếp thị, nhiệt tình quá thể đáng."
Hồ Bảy Chín ở nhà Tiểu Dương mười năm, kiến thức loài người cái hiểu cái không, chủ yếu là Tiểu Dương cũng chẳng phổ cập: "Hả? Nhân viên tiếp thị gì cơ?"
Lan Hà: "Không có gì. Cảm ơn cô Hồ Bảy Chín nhé, chúng ta gặp nhau sau nha, tôi đi ra ngoài trước."
Hồ Bảy Chín lưu luyến vẫy tay: "Ta cũng phải đi rồi, nhớ dùng thử đó!"
...
Sau khi Lan Hà tạm biệt Hồ Bảy Chín xong, vừa đi ra cái viện có nhà vệ sinh thì bị một đống lá cây lùa vào mặt: "Ưm, ưm."
"Đệt, có thích khách!" Nhìn là biết có người tập kích, Lan Hà lùi về sau vài bước mới nhìn thấy rõ hóa ra là Trần Tinh Dương và Trình Hải Đông, hai người họ cầm lá liễu trong tay.
"Không có gì đâu." Trình Hải Đông nói. Không có gỗ đào nên anh ta tìm cây liễu, gỗ liễu còn được xưng là gỗ dọa quỷ, chứa đựng sức sống và dương khí, cũng có thể trừ tà phòng quỷ như gỗ đào.
Lan Hà nổi đóa: "Hôm nay em quay xong vai, nếu đây là bẻ liễu tiễn biệt* thì cũng không cần phải thân thiết đến mức này chứ."
(*Bẻ liễu tiễn biệt đại ý là thể hiện nỗi nhớ nhung.)
Trình Hải Đông và Trần Tinh Dương liếc nhau, "Gì? Bọn anh lo cho chú thôi mà. Tự dưng chú được bồ câu thích, có phải bị thần tiên nào bám vào người không?"
Lan Hà trưng bản mặt tỉnh bơ: "Chả phải nhà sản xuất đã bảo là vì em diễn thật quá còn gì, đạo diễn Liễu cũng nói em bách tà bất xâm rồi."
Ôi thôi, hai người này chó ngáp táp phải ruồi, đoán trúng một nửa rồi...
"Ha ha, cậu giỏi ghê." Trần Tinh Dương ôm vai anh, "Hôm nay là cậu đi rồi nhỉ? Nghỉ bao lâu?" Sau khi nghe câu trả lời, anh ta tiếc hùi hụi, "Vậy đợi khi nào anh quay xong thì cậu lại vào đoàn của đạo diễn Vương Mậu mất rồi, nhưng chắc là chị anh sẽ mời cậu đến làm khách đấy."
"Vâng, lần tới mà rảnh sẽ gặp lại sau, em cũng sẽ đến thăm Miểu Miểu." Lan Hà nhận lời.
Sau khi tạm biệt những người bạn mới quen trong đoàn phim, Lan Hà bèn lên đường về nhà. Kế tiếp, anh sẽ có khoảng mười ngày để nghỉ ngơi cho thỏa, sau đó sẽ phải vào đoàn phim "Thanh mộng kỷ hà", diễn vai nam ba.
Lan Hà ngồi xe buýt rồi đổi sang tàu điện ngầm, lúc này mới quay về khu chung cư anh ở, lại gặp hàng xóm Ứng Thiều ở thang máy.
"Ơ, xong việc rồi à, tôi lại đọc được tin về anh rồi đó." Ứng Thiệu nhiệt tình kể, "Cừ thật cừ thật, trông anh rất thân với nữ thần Tinh Ngữ, chưa kể còn thân với người anh đóng cùng, em trai của nữ thần, tên gì ấy nhỉ, Trần Tinh Dương?"
Lan Hà: "Phải, ha ha."
Mịa, giả vờ lộ quá ba, còn chả biết Trần Tinh Dương là ai luôn...
Ứng Thiều không thể không thừa nhận rằng gã ngày càng hối hận tại sao lúc trước lại lỡ miệng bảo Lan Hà mình là tên lừa đảo làm gì.
Dạo này nghèo kiết xác, nhìn ai cũng giống như khách hàng vậy. Hồi trước còn muốn bảo vệ hàng xóm, bây giờ nhìn anh, gã bèn nghĩ bụng, người ta hay bảo người trong giới giải trí rất mê tín, gã nên kiếm chác từ anh khách này thôi!
Ứng Thiều quyết định mặt dày thử: "À ừm, không biết bình thường anh có tín ngưỡng gì không?"
Dĩ nhiên Lan Hà sẽ đáp: "Không, tôi chẳng tin mấy cái đó." Anh nở nụ cười lịch sự, "Sao, anh đang khảo sát thị trường à?"
"Thật ra tôi muốn làm sáng tỏ một vài chuyện thôi..." Ứng Thiều ngượng ngùng, "Chắc anh hãy còn nhớ lần trước động tĩnh bên nhà tôi rất lớn, camera giám sát bị hỏng, tôi còn bị thương... Anh cho là đổ bệnh thật sao? Anh không thấy kì lạ sao?"
Lan Hà cười mỉm như thể đang nhìn bọn lừa đảo vậy, hơn nữa do kẻ lừa đảo này còn là hàng xóm nửa quen nửa không nên nụ cười mỉm này chắc chắn phải đủ lịch sự, phải cân nhắc có chừng có mực...
Ai bảo anh vừa được nghỉ, tâm trạng đang phơi phới, thế là diễn cùng luôn.
Ứng Thiều nhỏ giọng: "Thật ra hôm đó tôi giúp một vị khách giải quyết thứ dơ bẩn kia, bước vào cảnh giới huyền diệu khó giải thích, sau đó gặp chuyện rất nguy hiểm, suýt thì chết tươi, may là dưới kia có người quen... Cái nghề của bọn tôi cần phải qua lại với quỷ thần, ví dụ như Hắc Bạch Vô Thường, anh biết chứ?"
Lan Hà: "..."
Anh có lí do đầy đủ để nghi ngờ Ứng Thiều đang chém gió, Hắc Bạch Vô Thường gì, rõ ràng gã mới chỉ gặp mỗi Lan Vô Thường thôi.
Lan Hà bình tĩnh đáp: "Ý anh là kiểu quỷ thần đoạt xác hoặc xuống âm phủ ấy à?"
Ứng Thiều: "Là ý đó! Anh nghe qua rồi à?"
Lan Hà: "Chắc tại làm lễ mệt quá, anh tự ám thị bản thân, ngất xỉu vì rối loạn tâm thần chứ gì."
Ứng Thiều: "..."
Lan Hà hơi bị rành cách lừa pháp sư đấy nhé.
— Những người ăn cơm âm phủ, có trường hợp là đồ đệ tìm sư phụ, có trường hợp là sư phụ tìm đồ đệ. Khi xưa lúc kĩ năng diễn xuất của Lan Hà còn chưa tốt, thi thoảng bị lộ chuyện có thể trông thấy quỷ, thế là có pháp sư tộc Miêu cảm thấy anh không tồi, muốn dạy anh lập pháp đàn.
Tên đó còn chém hăng hơn Ứng Thiều nhiều, hỏi anh có biết cỏ quỷ* là gì không, trong "Bão Phác Tử"* đã viết, ăn vào là có thể gặp quỷ thần.
(*Từ gốc ở đây là 鬼芝 – Do không tìm được trên mạng nên tôi hiểu sơ nó là cỏ quỷ, hình sẽ được up ở cuối chương.
*Bão Phác Tử là tên hiệu của Cát Hồng (283-343), Đạo Sĩ nổi tiếng thời Đông Tấn, tên tự là Trĩ Xuyên, người Câu Dung, Đan Dương (nay thuộc huyện Câu Dung, tỉnh Giang Tô). Sớm nổi tiếng với Nho học, sau này theo Đạo gia, học đạo với Trịnh Ẩn và Bào Huyền. Tinh thông y dược và luyện đan, thuật đạo dưỡng, lại giỏi văn chương. Trước tác có Bão Phác Tử nội, ngoại thiên, Kim quỹ dược phương, Trửu hậu yếu tập phương... mấy chục loại sách.)
Lúc đó Lan Hà đáp lại: "Không biết, nhưng tôi nghĩ tác dụng của nó chả khác gì nấm độc cả."
Pháp sư tức trợn trắng mắt, bèn bỏ cuộc.
Lan Hà cứ tưởng Ứng Thiều cũng sẽ bỏ cuộc thôi, ai ngờ Ứng Thiều vẫn huyên thuyên tiếp: "Nếu anh muốn nói đến sinh vật thì chúng tôi cũng có căn cứ khoa học cả đấy, đã được kiểm chứng rồi. Chú ngữ mà chúng tôi được truyền thừa có thể sinh ra sóng âm, có dao động âm thanh từ 3 đến 6 Hz..."
Lan Hà: "..."
... Coi bộ khó lừa tên pháp sư này ghê! Nội dung còn có hệ thống hơn ông Uông, bao gồm cả khoa học, có lẽ đã từng học rồi!
May là lúc này điện thoại Lan Hà đổ chuông, anh bèn vội ra dấu, cố ý bày biểu cảm trốn tránh.
Ứng Thiều hơi hụt hẫng, kiểu người nghị lực như này quá khó đa cấp.
Thang máy cũng lên đến tầng, Ứng Thiều chèo kéo thất bại nổi giận đùng đùng đi đến cửa nhà mình, vừa mở cửa đã chửi sư đệ sa sả: "Còn nằm ườn ở đây nữa à, anh mày đói meo rồi, bọn mày đến mà chả biết nấu cơm gì sất..."
Cuộc gọi Lan Hà nghe máy là của mẹ anh, bình thường cả hai chỉ liên lạc qua wechat. Hôm nay mẹ ở bên nhà bà ngoại nên gọi điện trực tiếp luôn.
Nhà Lan Hà trú ở thành phố, trên sổ hộ khẩu viết dân tộc Hán theo bố, nhưng bà ngoại đã lớn tuổi, năm xưa sống ở Miêu trại, đến giờ thi thoảng vẫn nói tiếng tộc Miêu.
Lan Hà cũng trả lời bà bằng tiếng Miêu, "Vâng, cháu biết rồi, ăn uống tử tế lắm ạ."
...
Trong cầu thang bộ vào lúc này.
Một gã đàn ông nhỏ thó mặc đồ thợ sửa chữa cẩn thận ngó nghiêng, cực kì cảnh giác để tránh bị phát hiện. Nếu không, cổ sư siêu giỏi chẳng cần tới gần, chỉ cần động tay, thậm chí là nảy suy nghĩ thôi cũng có thể thả cổ rồi.
Đúng vậy, dĩ nhiên gã không phải thợ sửa chữa gì cho cam, mà là một kẻ bị nhờ cậy. Có một pháp sư được giang hồ xưng là ông Lâu có tí danh tiếng ở Bắc Kinh, bình thường hay dẫn tay sai đi bói quẻ, chúc thọ, xem địa lí, quá âm*, vân vân. Nếu không có mối làm ăn thì sẽ dùng các oan hồn bị tạm giam để tạo mối, cũng chẳng gặp trở ngại ở nơi cao nhân như cá diếc qua sông.
(*Quá âm tức là đi từ dương gian xuống âm phủ.)
Ngặt nỗi lần trước đang làm mối thì bị một người tên Ứng Thiều xen ngang. Oan hồn phái tới trả thù lại bị cái tên Ứng Thiều đó lấy đi mất, có làm phép ra sao cũng chẳng gọi về được. Đó là tâm huyết suốt nhiều năm qua của ông Lâu, thậm chí ông Lâu đã thấy hãi rồi mà thằng nhãi Ứng Thiều kia còn giả ngu.
Ông Lâu chẳng tài nào chịu được sự tổn thất này, cũng không nuốt trôi cơn giận này.
Vậy cứ gậy ông đập lưng ông thôi!
Lấy cổ trị cổ, biết tên cổ ắt sẽ có cổ khắc.
Ví dụ như, rết cổ sẽ khắc rắn cổ, cóc cổ sẽ khắc rết cổ... Ứng Thiều nuôi Kim Tàm cổ, là cổ quỷ có thể kiềm chế oan hồn, vậy thì đừng phái tiểu quỷ nào sang nữa, tìm cổ trùng tương ứng xử đẹp gã!
Ông Lâu cố ý tìm một cổ sư mình quen để giúp đỡ, lúc bấy giờ mới có sự xuất hiện của gã ở đây. Cổ sư tự phụ, dĩ nhiên bản thân sẽ chẳng cất công đi một chuyến vì một thằng nhãi con rồi, nên chỉ cho hai cổ trùng.
Trong số đàn em của ông Lâu, gã và Ứng Thiều chưa gặp nhau bao giờ, Ứng Thiều không nhận ra gã, vì lẽ đó mà gã mang lọ sành mà cổ sư cho, chuẩn bị lặng lẽ thả cổ ngay khi Ứng Thiều quay lại.
Có điều hai hộ gia đình ở cái tầng này quay về cùng một lúc, một kẻ vào bên trái, một người vào bên phải. Gã mới chỉ nghe ông Lâu miêu tả mặt mũi của Ứng Thiều mà thôi, nhất thời không phân biệt nổi.
Nhưng ông Lâu đã từng tra xét, nói cho gã biết Ứng Thiều sống ở phòng số 1801, là phòng bên trái, rất chi là tỉ mỉ.
Giờ đứng đây nhìn, người ta chẳng dán số nhà lên, nhưng phân biệt hướng thì gã vẫn sõi lắm.
Cơ mà gã nghe cuộc nói chuyện của hai người đó xong bèn nghệt mặt ra, kẻ bên trái nói tiếng Đông Bắc, người bên phải nói tiếng Miêu... Tuy anh đại chưa nói Ứng Thiều là người ở đâu, nhưng nghĩ bằng đầu ngón chân cũng biết thừa người nói tiếng Miêu mới là cổ sư!
Ý tưởng lóe lên, gã suy ngẫm cẩn thận lại. Bên tay trái có khả năng là bên trái của tòa nhà khi nhìn đối diện, nhưng lúc gã vào tòa nhà, đi ra khỏi thang máy, phương hướng sẽ ngược lại so với nhìn từ bên ngoài vào. Chỉ có như vậy mới giải thích một cách logic được.
Ừ, gã gật gù, đúng là vậy, suýt nữa là nhầm rồi.
*Tác giả:
Lan Hà: Chỉ mong được ăn no, đó là ý nghĩa cơ bản của cuộc đời, đồng thời kiên quyết tẩy chay ấn tượng rập khuôn!
*Chú thích:
Cỏ quỷ