Nếu không cần lời nhắc nhở đầy cố ý của Dịch Thận Chi thì Phó Đình Viễn cũng có thể cảm nhận được nguy cơ trùng trùng.
Và ngay cả khi không có chuyện Diệp Văn sắp xếp coi mắt ở thủ đô thì anh vẫn luôn cảm thấy nguy cơ trùng trùng, bởi vì anh thực sự không hề chiếm ưu thế nào cả.
Chỉ riêng việc anh đã làm tổn thương Du Ân cũng đủ để tuyên án tử hình rồi, chưa kể còn có thêm một Diệp Văn nhìn đâu cũng không hề vừa mắt anh.
Sau khi đặt vé, Phó Đình Viễn vẫn không yên tâm nên đã gọi cho Du Ân.
Từ khi anh đi công tác đến nay, hai người vẫn chưa gọi điện cho nhau.
Phó Đình Viễn đã gọi video nhiều lần mà Du Ân không trả lời, sau đó anh đổi thành tin nhắn thoại hoặc tin nhắn văn bản, kết quả là Du Ân mãi mà không trả lời, nếu trả lời thì cực kỳ đơn giản ngắn gọn.
Sau chuyến công tác này, Phó Đình Viễn cũng rút ra được một bài học sâu sắc, đó là: trước khi theo đuổi thành công Du Ân lại lần nữa, anh sẽ không bao giờ đi công tác, hoặc sẽ không đi công tác xa như vậy nữa.
Quá giày vò.
Sau khi cuộc gọi được kết nối, Phó Đình Viễn hỏi thẳng Du Ân: “Em đến thủ đô rồi à?”
Du Ân trả lời rất vui vẻ: “Ừ.”
Nhưng Phó Đình Viễn lại cảm thấy đau xót và mất mát, theo anh, Du Ân trả lời vui vẻ như vậy thật giống như cô sẽ vui vẻ mà chấp nhận những người đàn ông khác.
Anh lầm bẩm với giọng chua xót: “Du Ân, em định làm lại từ đầu à?”
Thực ra Du Ân ở đầu bên kia không hiểu: “Ý anh là gì?”
Phó Đình Viễn đành phải nói lại: “Dịch Thận Chi nói, ba của em đã sắp xếp cho em một người đàn ông…”
Đầu dây bên kia truyền đến một lời giải thích: “Chúng tôi chỉ là bạn bè nói chuyện hợp nhau mà thôi.”
Nhưng thà cô không giải thích còn hơn.
Mấy chữ bạn bè nói chuyện hợp nhau càng khiến trái tim Phó Đình Viễn chìm xuống đáy.
Có thể nói mấy chữ nói chuyện hợp nhau vô cùng xa lạ với Phó Đình Viễn, bởi vì trong ấn tượng của anh, dường như anh và Du Ân chưa bao giờ nói chuyện vui vẻ với nhau.
Nếu không tại sao trong ba năm kết hôn, anh lại không hề biết cô rất thích văn học, không hề biết cô còn là nhà biên kịch, cũng không hề biết từ nhỏ cô đã là một người học rất giỏi.
Dịch Thận Chi nói rằng người đàn ông này làm việc trong ngành văn hóa, vì vậy anh ta sẽ có rất nhiều đề tài chung để nói chuyện với Du Ân.
Lúc này Phó Đình Viễn đang đa sầu đa cảm vô cùng, mãi một lúc lâu cũng chưa nói gì.
“Tôi còn có việc nên cúp máy trước.” Bên tai anh truyền đến giọng nói vội vàng của Du Ân, rồi điện thoại bị cắt đứt.
Phó Đình Viễn nhìn điện thoại bị cắt đứt trên tay, cụp mắt xuống trầm tư, anh không thể tiếp tục bị động như thế này được.
Du Ân đến thủ đô là một quyết định vội vàng, cô cũng không ngờ Diệp Văn lại tổ chức cho mình một buổi tiệc nhận người thân long trọng như thế.
Diệp Văn nói qua điện thoại rằng rất nhớ cô, vừa hay lúc ấy cô cũng đang chuẩn bị kết thúc bản thảo của bộ phim Truyền kỳ Dung Phi nên đã đến thủ đô ngay.
Khi tới nơi cô mới biết được Diệp Văn đã chuẩn bị cho cô một bữa tiệc tối.
Vì đã được chứng nhận rằng cô là con gái ruột của Diệp Văn nên lần này Du Ân không ở trong khách sạn mà được Diệp Văn đón đến tứ hợp viện của ông ấy và Thư Ninh.
Thư Ninh ôm Du Ân và rơi nước mắt một lúc, sau đó mới kéo cô sang một bên, lén lau nước mắt nói: “Cả đời dì không thể sinh cho ba con một người con nên cảm thấy rất tiếc nuối, sự xuất hiện của con đã khiến nút thắt trong lòng dì được giải tỏa.”
Thư Ninh chưa bao giờ quan tâm Du Ân không phải con ruột của mình, sau khi biết mình bị vô sinh, bà ấy đã chủ động đề nghị ly hôn với Diệp Văn nhưng Diệp Văn không đồng ý.
Sau đó, bà ấy cũng thuyết phục Diệp Văn ra ngoài tìm một người phụ nữ để sinh cho ông ấy một đứa con, bà ấy sẽ xem nó như con ruột của mình.
Nhưng bà ấy đã bị Diệp Văn lên án mạnh mẽ, ông ấy nói rằng không đời nào làm mấy chuyện phá huỷ tam quan như thế.
Bây giờ vừa hay xuất hiện một Du Ân, cô đã thừa hưởng hoàn hảo gen trên phương diện văn học của Diệp Văn, tính cách hiền lành và tốt bụng giống hệt Diệp Văn. Điều quan trọng nhất Du Ân chính là con của Diệp Văn với người phụ nữ ông ấy yêu dấu, Thư Ninh cảm thấy cực kỳ hoàn mỹ.
Vì vậy, Thư Ninh không hề đối xử xa lạ với Du Ân mà chỉ tràn đầy tình yêu thương, thậm chí còn cảm kích nữa.
Du Ân có thể hiểu rất rõ tâm tình của Thư Ninh, vì vậy cô không nói những lời an ủi bà ấy mà chỉ nhẹ nhàng ôm lại Thư Ninh.
Du Ân biết rằng cái gọi là tiếc nuối của Thư Ninh đều là vì bà ấy quá yêu Diệp Văn.
Vào buổi tối, nhà họ Diệp đã tổ chức một buổi tiệc long trọng tại khách sạn, mời rất nhiều người nổi tiếng từ mọi tầng lớp tham gia, đồng thời chính thức công bố thân phận của Du Ân.
Tất cả trang phục dự tiệc của Du Ân đều do Thư Ninh mua cho cô, ban đầu Du Ân nói với Diệp Văn rằng không cần phải quá long trọng như vậy nhưng Diệp Văn và nhà họ Diệp vẫn cứ nhất quyết muốn làm.
Du Ân đã chọn cách tôn trọng Diệp Văn và những người lớn tuổi trong gia đình, cô sẵn sàng nghe theo Diệp Văn trong mọi việc, vì cô biết rằng mọi thứ Diệp Văn làm đều muốn tốt cho cô.
Trong buổi tiệc, Du Ân mặc một bộ sườn xám màu trắng hình lưỡi liềm, bà nội đã tặng cho cô một bộ trang sức khác, lần này là một bộ bằng hồng ngọc. Khi Du Ân nhìn thấy đã sững sỡ đến mức nói không nên lời.
Cô… cô thật sự không chịu nổi thứ tình yêu “nặng nề” này, chiếc nhẫn hồng ngọc đó to bằng trứng chim bồ câu, cô cảm thấy có lẽ ngón tay của mình sẽ bị gãy mất nếu đeo nó lên.
Cô không muốn nhận một món quà đắt tiền như vậy nữa nên vội nói với bà cụ: “Bà ơi, cháu biết bà thương cháu, tấm lòng này cháu xin nhận nhưng quà thì không cần đâu ạ.”
Bà cụ cứ khăng khăng: “Bà vốn nghĩ cháu còn trẻ nên tặng trang sức kim cương sẽ thích hợp hơn nhưng không ngờ hôm nay cháu lại mặc bộ sườn xám màu trắng như này nên bà chỉ muốn sẽ tặng cháu bộ trang sức này thôi.”
Bà cụ còn nói thêm: “Tối nay cháu chỉ cần đeo bộ trang sức này là được rồi, rất hợp với cháu. Những bộ khác cháu hãy giữ lại đi, đợi dịp thích hợp lại đeo.”
Du Ân định từ chối nhưng Thư Ninh đã cười đùa: “Bà nội đã cho con hai bộ trang sức gia truyền rồi đấy, ngay cả con gái ruột của bà vẫn chưa được đối xử thế này đâu.”
Sau khi Thư Ninh vừa dứt lời, hai người chị gái của Diệp Văn cũng chính là cô của Du Ân đều mỉm cười, chẳng ai thấy ghen tỵ với Du Ân cả. Thứ nhất, với thân phận và địa vị của họ cũng chẳng thiếu mấy thứ này.
Thứ hai, mọi người đều thực sự yêu quý Du Ân, đồng thời cũng rất yêu quý người em trai Diệp Văn này.
Nửa đời ông ấy không có con, giờ đột nhiên lại có một cô con gái đáng yêu như vậy nên cả gia đình đều thấy mừng thay cho ông ấy.
Bà cụ nhiệt tình như vậy, Du Ân chỉ có thể nhận lấy món quà quý giá này.
Nhưng lần này cô nói với bà cụ một cách nghiêm túc: “Bà ơi, sau này bà đừng bao giờ tặng cháu một món quà đắt tiền như vậy, nếu không cháu sẽ không dám đến thủ đô nữa đâu.”
Bà cụ cười âu yếm nói: “Được được được, không tặng nữa.”
Nhưng trong lòng lại nghĩ: lần sau sẽ tặng món quà bớt đắt tiền hơn.
Khi Du Ân ôm cánh tay Diệp Văn xuất hiện, ngay lập tức cô đã khiến mọi người kinh ngạc.
Bộ sườn xám màu trắng hình lưỡi liềm khiến khí chất dịu dàng của cô càng thêm bắt mắt.
Hai viên hồng ngọc tinh xảo được tô điểm trên dái tai khiến người ta chỉ nghĩ đến một câu: con gái vàng ngọc nhà người ta.
Mặc dù cô đã lưu lạc bên ngoài nhiều năm, nhưng sức hấp dẫn và khí chất trong xương cốt của họ Diệp vẫn không hề giảm đi chút nào.