Sơn Hà Biểu Lý

Chương 6: Chương 6: Hiện thế




Edit: Yển

Dọc đường xe buýt đi qua mấy huyện và trấn nhỏ, các lữ khách om sòm lộn xộn dần xuống hết.

Đợi đến khi đi qua trấn nhỏ cuối cùng thì hành khách trong xe chỉ còn lại hai người, một cậu thanh niên đeo kính trông khá giống học sinh, và một người đàn ông vừa lên xe là xuống ngay hàng cuối cùng ngủ khò khò chẳng buồn nhúc nhích.

Bác tài xuống xe đi tiểu một lần, quay về dùng tiếng phổ thông chêm đầy từ địa phương oang oang nói với hai hành khách: “Này, muốn xuống xe thì có thể xuống ở đây, chứ sắp lên núi rồi, tới trạm kế phải chạy hơn bảy tiếng đấy, ngồi qua trạm là không có chỗ để xuống xe đâu.”

Cậu thanh niên ngồi ở cửa, hai tay ôm một va li to, đường xa mệt nhoài, thoạt nhìn hơi thiếu tự nhiên, giống như muốn xuống xe, lại hơi do dự nhìn trước ngó sau, hệt như đang đứng trên một ngã tư xa lạ vậy.

Một lát sau, cậu ta thẽ thọt hỏi tài xế: “Bác ơi, thế mấy người ở trên ngọn núi đi ra ngoài chẳng phải rất bất tiện à?”

Bác tài không để ý lắm: “Bọn tôi không xuống nông thôn thì lên thị trấn, thị trấn đương nhiên là tốt rồi, bên kia có một ngọn núi, cậu đã nghe bao giờ chưa, có hang động đá vôi…”

Cậu thanh niên lơ đãng lắc đầu.

Bác tài gãi mái tóc bù xù như tổ quạ: “Ôi, tôi cũng chả nhớ tên là gì nữa, chỉ biết đấy là một địa điểm du lịch, có rất nhiều người thành phố lái xe đi chơi, đông người lắm.”

Cậu thanh niên run rẩy hỏi: “Thế, thế trong thôn thì sao ạ?”

Bác tài: “Ôi, một huyện không biết có bao nhiêu thôn, một thôn không biết có bao nhiêu xóm, giống như phân dê ấy, đâu đâu cũng có, từ thôn lên thị trấn bình thường không có xe, phải tự mình đi xe lừa hoặc leo núi, leo không khéo thì ‘bịch’ một phát trượt chân ngỏm củ tỏi luôn!”

Cậu thanh niên nghe từ tượng thanh “bịch” đáng sợ này thì mặt mày lập tức tái mét.

Bác tài không hổ là người chạy trên đường Bàn Sơn đã quen, mở miệng chẳng thèm kiêng kị gì: “Mà đừng nói đi lại, chỉ nói chuyện từ chỗ chúng tôi đến thị trấn bên kia, mưa một chút là có ai dám đi đâu, đá trên núi rơi xuống, rầm, thế là rơi chết theo luôn. Hoặc là gặp chỗ nào có chút bùn lầy, đường trơn không ai quét, bất cẩn lao đầu xe khỏi vách núi, rầm, chúng tôi lại cùng chết theo…”

Bác tài mồm mép tép nhảy, chỉ dăm ba câu đã chết đi sống lại ba lần, cậu thanh niên rốt cuộc sợ mất mật, xách va li chạy muốn tè ra quần.

Tài xế vẫn tự mua vui: “Hạng thư sinh đến từ thành phố này, chạy còn nhanh hơn cả thỏ – Này, tôi bảo cậu đằng sau kia, cậu chắc chắn muốn ngồi đến thị trấn bên kia chứ? Không xuống xe là tôi đi đây!”

Người đàn ông dưới hàng ghế cuối chẳng nói tiếng nào, giống như đã ngủ chết luôn rồi.

Anh ta mặc chiếc áo gió sẫm màu, cổ áo kéo lên rất cao, che gần hết cả khuôn mặt, không thấy rõ tướng tá, vóc dáng cao lớn, một tay để lộ ra ngoài, ngón giữa đeo chiếc nhẫn bạch kim, ngón tay thon dài nhưng rất nhợt nhạt, bất luận là hình dáng, tướng mạo hay cách ăn mặc đều không giống người trên núi.

Đừng thấy bác tài là một người đàn ông láu cá quanh năm chạy đường dài mà lầm tưởng, thực ra gặp phải một hoặc một nhóm trai trẻ ngồi xe, mà đường lại dài, đồng thời không có hành khách khác, trong lòng dù sao cũng khó tránh khỏi thấp thỏm.

Bác tài chần chừ khởi động xe, vẫn cố gắng bắt chuyện với người ghế sau: “Cậu trai đi thăm người thân à?”

Không hề trả lời.

Bác tài ngượng ngùng quay đầu đi, không dám mở miệng hỏi nữa, chỉ im lặng lái xe theo tuyến đường định sẵn.

Đường Bàn Sơn dài đến mấy tiếng đồng hồ, chạy từ hừng đông đến tối mịt, hành khách ghế cuối chưa từng dậy cũng chưa từng yêu cầu xuống xe đi vệ sinh.

Giữa chừng có vài đoạn tình hình giao thông không tốt, xóc nảy khủng khiếp, hành khách kia bắn cả người lên, đập đầu vào cửa kính cái “cốp”, kế đó lại bị dây an toàn kéo về ghế. Anh ta rên khẽ một tiếng, nhưng tạp âm trong quá trình xe chạy quá lớn, thành thử lái xe không nghe thấy.

Cho đến khi trời đã tối mịt, chuyến xe buýt đường dài rốt cuộc mới đến mục đích.

Người tài xế già và chiếc xe buýt cũ kỹ đều mệt lử, bác tài chạy xe vào bãi đỗ rồi ngừng lại, lúc này mới bạo gan xuống ghế cuối gọi hành khách lập dị không hề nhúc nhích kia.

Bác tài thử vỗ vai anh ta: “Cậu trai? Cậu trai dậy nào… Ngủ gì mà say như chết vậy hả?”

Anh chàng này thoạt đầu không hề phản ứng, bị đẩy mấy cái thì bàn tay buông bên cạnh người mới động nhẹ như co giật.

“Dậy đi, đến bến rồi.” Bác tài gào ầm vào tai anh ta, “Mau xuống xe đi, sắp chết đói rồi.”

Hành khách ghế cuối ngọ nguậy ngồi thẳng dậy, trầy trật tháo dây an toàn, rồi cử động một chút, đoạn anh ta nhìn quanh bốn phía, ánh mắt tức khắc hơi ngỡ ngàng, vẻ mặt không biết trời trăng, giống như đã ngủ đến đần ra vậy.

Giây lát sau, hành khách tháo cặp kính, cúi đầu dùng góc áo lau qua, ánh mắt rốt cuộc tỉnh táo hơn, bàn tay chống ghế trước lồi gân lên, dường như phải dùng hết sức mình mới miễn cưỡng đứng dậy được, đồng thời cố hết khả năng kìm nén hô hấp, không để hơi thở có vẻ quá nặng nề.

“Ngủ đến tê cứng cả tay chân,” Bác tài thấy rõ mặt mũi anh ta, cảm thấy người này trông không tệ, còn rất nhã nhặn, không giống người xấu, liền yên lòng, vừa ồn ào vừa kiểm tra giá để hành lý, “Ủa, hành lý của cậu đâu? Ở bên dưới à? Hay là để ở đây bị ai bất cẩn cầm luôn rồi?”

Hành khách kia mở miệng với giọng khàn khàn: “Không mang… Khụ, hành lý.”

Anh ta nói hai chữ cơ hồ không thành âm, hắng giọng rồi mới tiếp tục.

Bác tài giật mình hỏi: “Sao lại không mang? Cậu một mình đi xa như vậy, sao lại không mang hành lý?”

Hành khách kia lặng im một lúc rồi thều thào nói: “Chẳng giấu gì bác, tôi tu luyện suốt hai trăm năm mươi năm rồi, chuyến này đặc biệt ra đây độ kiếp, không thành tiên thì thành quỷ, cho nên không mang hành lý.”

Bác tài: “…”

Bác tài vốn biết đối phương đang đùa giỡn, nhưng hành khách nọ nói xong còn nghiêng đầu cười với ông ta, nhìn thấy chàng trai sắc mặt tái nhợt, gò má hốc hác, cặp kính phản chiếu ánh sáng, y hệt như một u hồn, lại cười chậm rì rì như thế, bầu không khí tức khắc trở nên rùng rợn ma quái, bác tài ngay lập tức nổi da gà, chừng như phải tin mấy lời xằng xiên của đối phương vậy.

Sự thờ ơ không thèm kiêng kị ban ngày khi hù dọa cậu thanh niên kia tức khắc chẳng còn sót lại gì, bác tài dè dặt hỏi: “Vậy ngài thấy chỗ chúng con thế nào ạ?”

Hành khách kia nghiêng người đi lướt qua bác tài, giọng điệu trầm thấp như có như không: “Non xanh nước biếc… Ừm, hơi thơm.”

Bác tài nhạy bén ngửi thấy mùi máu tươi trên người anh ta, lập tức biến sắc, lắp bắp nói: “Đại, đại đại tiên, thứ, thứ gì thơm ạ?”

Hành khách kia quay đầu, bác tài chỉ sợ anh ta nói mấy lời kiểu như “Ta đã năm trăm năm chưa được ăn thịt người thơm như vậy”, tức thì run lẩy bẩy.

Nhưng hành khách kia chỉ nhìn bác tài một cái, cười khe khẽ, hơi cúi đầu rụt cằm vào cổ áo.

“Chắc là hoa quế nở rồi.” Anh nói.

Hành khách này chính là Chử Hoàn, khi treo lơ lửng trên cây, anh bất hạnh bị bệnh bại não, tự dưng buông tay ra, cứ thế cất bước chân đầu tiên trên con đường trở thành cao thủ tuyệt thế vai chính trong truyện chưởng – vinh quang rơi xuống núi.

Chử Hoàn lăn từ trên vách núi xuống, mình mẩy bầm tím, còn bị trật cổ chân nữa chứ.

May mắn là anh giống với tất cả các đại hiệp xịn trong thiên hạ, da dày thịt chắc chịu được đòn, không chết nổi.

Không may là, dưới chân núi không có một thế ngoại cao nhân họ Công Dương chờ đem công lực cả đời truyền cho anh, chỉ có một đám dê đực giật mình gầm gừ chạy mất, một con trong đó còn chẳng thèm cảm thông đạp móng sắt lên vết thương của anh nữa chứ. (Công Dương chính là dê đực)

Không biết nằm tại chỗ bao lâu, Chử Hoàn mới lại có một chút sức lực, thê thảm bẻ lại khớp, xử lý qua loa vết thương.

Quả thật Chử Hoàn không biết về sau nên kể chuyện này với người khác làm sao đây – rốt cuộc là anh bị rơi xuống hay là tự mình nhảy xuống?

Anh so tới so lui, cho rằng hai cách nói này cách nào cũng mất mặt cả, cảm thấy đây thật sự là lịch sử đáng xấu hổ nhất trong cuộc đời mình, Chử Hoàn liền quyết định phải đem bí mật này vào quan tài, bởi vậy không vội liên lạc với bọn Lão Vương.

Sau khi phục hồi khả năng hành động, chuyện đầu tiên Chử Hoàn làm chính là cho mình một cái tát – nói không giữ lời còn ra gì nữa.

Bị đau đớn kích thích, ý chí cầu sinh và trạng thái tâm lý của anh cuối cùng đã quay về mức bình thường.

Anh tìm nẹp gỗ cố định chân, lại ôm bả vai bị bắn xuyên qua, dùng một điếu thuốc nâng cao tinh thần, theo gót đám phân dê tốp năm tốp ba, đi bộ mấy kilomet đường núi, cuối cùng đã tìm được nơi có người.

Chử Hoàn bịa vài câu rằng gặp phải sự cố bất ngờ lật xe, thành công giành được sự tín nhiệm và cảm thông của nông dân bản xứ, ở nhờ đó một đêm, tắm gội sạch sẽ bụi đất dính đầy người, lục được túi cấp cứu giản đơn mang theo, lần lượt xử lý các vết thương, nghỉ ngơi qua, rồi bấy giờ mới hỏi thăm dân bản xứ về phương tiện giao thông, ngồi một chiếc xe bò ở quê đi từ thôn này qua xóm khác, sau cùng bắt xe buýt đi đến thị trấn gần nhất.

Chử Hoàn vốn định xuống xe ở thị trấn đầu tiên, tìm đại một nơi ở tạm trước, rồi liên hệ người đến đón sau, anh muốn làm bộ như trải qua một trận chiến ác liệt mà vẫn thong dong như thường.

Trong chớp mắt bị mất khống chế trên vách núi, Chử Hoàn rốt cuộc không thể không thừa nhận, chắc là anh thật sự có vấn đề gì rồi.

Trong ba năm nghỉ hưu, Chử Hoàn sống hệt như ngồi tù, bạn bè cơ bản không có, chỉ liên hệ với đúng ba người là Lão Vương, Chử Ái Quốc và cô hộ lý, bên cạnh mươi bữa nửa tháng không thấy một vật sống, thế là anh cũng mươi bữa nửa tháng không mở miệng nói chuyện – chắc con mèo ở chung có thể tạm xem là bạn vậy.

Nhưng Chử Hoàn nhận ra, con mèo đó không thân với anh, nó thậm chí còn hơi sợ anh.

Chử Hoàn không rõ mình có gì đáng sợ, tuy anh chưa từng ngồi trao đổi sở thích cuộc đời với mèo, nhưng cũng chưa bao giờ ngược đãi nó, chủ cũ cho nó ăn gì thì anh cho nó ăn nấy, lúc mới đến ở trong hoàn cảnh lạ lẫm, nó rất bất an, có một dạo luôn chui rúc khắp nhà, làm vỡ không ít thứ, Chử Hoàn cũng đều chỉ im lặng quét dọn, chưa bao giờ quát mắng – anh cảm thấy nó là một con mèo già cả rồi, dù sao cũng phải nể mặt chứ.

Tiếc thay vẫn không được, anh chưa từng thấy thú cưng còn phân biệt rõ ràng hơn cả bạn cùng phòng như vầy.

“Mèo của tôi chết rồi, trước khi chết đã chịu để ý đến tôi một chút.” Ngồi trên chiếc xe buýt tròng trành, trong lòng Chử Hoàn bỗng sinh ra ý nghĩ này.

Anh tựa như một người phản ứng chậm chạp, mất mấy ngày mới nhớ ra cái xác be bé mình chôn là chuyện thế nào.

Mất máu khiến toàn thân anh lạnh run, cảm xúc tự dưng giảm sút hẳn, Chử Hoàn dựa lên ghế của chiếc xe buýt gió lùa bốn phía mà thiếp đi.

Trong sự xóc nảy, vết thương của Chử Hoàn nứt ra, anh không ngờ là mình thiêm thiếp ngủ một giấc tận đến trạm cuối xa tít mù tắp trên núi, cũng chẳng biết bản thân đã ngồi qua bao nhiêu trạm rồi.

Đầu nặng bước nhẹ mà xuống xe, gió núi đêm đầu thu làm anh hơi run run, anh nhìn xung quanh, thấy thì ra nơi gọi là “bến xe” này, cũng chỉ là một bãi đất trống hơi rộng, bên cạnh dựng một cái biển chẳng còn thấy nét chữ, trong bến còn có mấy chiếc khác trông như xe buýt du lịch vậy.

Nghe nói gần đây có một thắng cảnh sơn thủy không lớn cũng chẳng nhỏ, tiến độ phát triển không nhanh, giao thông lại bất tiện, cần đổi xe ở thị trấn này, bởi vậy cái thị trấn bé tí teo trong cái huyện nghèo nàn này, lưu lượng người chẳng những không ít, mà ngược lại còn khá là náo nhiệt.

Chử Hoàn nghĩ cũng thoáng, hiện giờ với anh mà nói, thị trấn nào chẳng giống nhau, quá trạm rồi thì thôi.

Anh ngẩng đầu, thấy cạnh bến xe có một tòa nhà treo dòng chữ “nhà khách”, đẳng cấp xem chừng cao hơn xung quanh, trên chữ còn quấn đèn nê-ông khá cũ, có điều đã hỏng hết quá nửa, nhìn từ xa chỉ còn lại mỗi chữ trông như “miếu”, y như một nơi thắp hương vậy.

Chử Hoàn mím đôi môi khô khốc, đi về hướng nhà khách, anh cảm thấy mình cần gấp một bát nước muối to.

Bỗng nhiên, anh nghe thấy có người cất tiếng gọi mình.

Lúc này Chử Hoàn đã bắt đầu hơi hoa mắt, nghe tiếng liền nghiêng đầu, chỉ thấy hai người đàn ông đứng ngay bên cạnh biển hiệu kia, vóc dáng đều rất cao.

Người gọi anh tầm ngoài bốn mươi, tay cầm một cái bảng bằng giấy cứng, mắt to như mắt trâu, mái tóc bù xù như cỏ dại tết thành một bím, buông xuống ngay ngực, nếu lơ đi khuôn mặt râu ria như Lý Quỳ thì cách ăn mặc này khiến Chử Hoàn nhớ tới một câu hát – “Trong thôn có một cô nàng tên Tiểu Phương, người vừa xinh xẻo lại thiện lương, đôi mắt to xinh xắn, bím tóc vừa dày vừa dài”.

Chẳng qua vẻ mặt người này rất căng thẳng, ánh mắt cũng không thân thiện lắm, trông như một Tiểu Phương đổi nghề làm cướp đường vậy.

Mà người kia lại rất trẻ, đứng hơi xa, bởi tầm mắt đã không còn rõ lắm nên Chử Hoàn không thấy rõ dáng dấp người nọ, chỉ thấy mái tóc dài như cờ đen tung bay khẽ theo gió nhẹ, khiến người ta nhìn mà ngẩn ngơ.

Cả hai đều đứng cạnh bến, hẳn là đón người, nhưng giờ này đã rất khuya rồi, bến xe cũng dần vắng, vừa nãy chỉ có một chuyến xe vào bến, mà hành khách chuyến ấy chỉ có mỗi mình Chử Hoàn thôi.

“Anh Tiểu Phương” dẫn đầu bước đến, tay này cao lớn thô kệch, mặt to như cái mâm, quả là cách tuyệt vời để giữ nhà.

Không biết tay này đến từ vùng khỉ ho cò gáy nào, trình độ tiếng phổ thông cơ bản y như người ngoài hành tinh vậy – giả như có người ngoài hành tinh thật, dù nói chuyện không hiểu thì vẫn có một số ngôn ngữ tứ chi thông dụng trên quốc tế, thế nhưng đối phương nói oang oác một hồi, Chử Hoàn chỉ hiểu mỗi ánh nhìn trừng trừng lúc ban đầu mà thôi.

Hàm nghĩa của ánh nhìn trừng trừng ấy chắc hẳn là: “Mẹ kiếp, để ông mày chờ lâu thấy bà, sao không chết ở dọc đường luôn cho rồi?”

Hai người đứng trừng mắt nhìn nhau, rơi vào quẫn cảnh không cách nào trao đổi nổi.

Bỗng nhiên, “anh Tiểu Phương” nhớ ra điều gì đó, nhét mảnh giấy cứng trong tay cho Chử Hoàn, đanh mặt trừng mắt nhìn anh như đòi nợ, dùng đốt ngón tay gõ chữ bên trên.

Chử Hoàn ra sức chớp đôi mắt mệt mỏi, chỉ cảm thấy chữ biết anh nhưng anh không biết chữ.

Anh biết mình đã là nỏ mạnh hết đà, không tiện dây dưa với người anh em dân tộc thiểu số này thêm, liền gượng ra nụ cười hơi bị khó coi, đưa tay chỉ tấm giấy các-tông, rồi lại đưa tay chỉ mình, đoạn xua tay lắc đầu – ông anh nhận nhầm người rồi.

“Tiểu Phương” sửng sốt, thấy anh cứ đi một mạch chẳng buồn để ý, muốn giơ tay đập vai anh, nhưng ánh mắt bỗng khựng lại.

Người anh em dân tộc thiểu số này không biết làm nghề gì, thị lực trong đêm rất tốt, ở nơi tối lửa tắt đèn như vậy mà nhận ra chính xác vết bẩn lạ trên chiếc áo khoác sẫm màu của Chử Hoàn là một vết máu lớn. Liền nói khẽ gì đó với người bạn đằng sau.

Đúng lúc này, Chử Hoàn bỗng hơi lảo đảo, anh rốt cuộc không cầm cự được nữa, ngã quỵ xuống.

Trong sương mù dường như có ai đó đỡ anh, Chử Hoàn sau cùng liếc thấy một lọn tóc dài.

Trong bóng đêm thoang thoảng mùi hoa quế xa xăm mà mù mịt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.