Đêm ấy, dưới những ngôi sao vàng nhợt lấm tấm khắp trời như màu sữa, mọi người gần như không sao ngủ được trong cái cửa hiệu nhỏ bé chật ních những người. Những lời trao đổi chỉ ngắn ngủi, không thể nào kéo lại được. Ai nấy đều như nghẹt thở vì bầu không khí ngột ngạt và những nỗi lo lắng canh cánh.
Từ tối đã có một đồng chí Xích vệ xin ra sân:
- Mở hộ cửa, đồng chí ơi! Tôi cần phải ra ngoài, phải ra ngoài để đi giải!
Chân không, đầu tóc rối như bòng bong, chiếc áo sơ- mi lót bằng vải thô tuột ra ngoài chiếc quần đi ngựa, anh ta áp khuôn mặt đen sạm vào lỗ khoá, nhắc lại:
- Mở hộ ra đi, đồng chí ơi!
- Con sói độc là đồng chí của mày. - Cuối cùng có một thằng gác trả lời!
- Mở hộ cái, người anh em! - Người hỏi xin bèn đổi cách xưng hô.
Tên gác đặt khẩu súng trường xuống, lắng nghe trong bóng tối tiếng vỗ cánh ràn rạt của những con vịt trời bay đi ăn đêm. Nó hút hết điếu thuốc rồi ghé miệng vào lỗ khoá:
- Cứ bĩnh ra quần cũng được, ông bạn thân mến ạ. Một đêm cũng chẳng bục được quần đâu, rồi sáng mai người ta sẽ mở cửa mời cậu lên thiên đàng với cái quần ẩm ấy.
- Chúng ta nguy mất rồi! - Anh Xích vệ rời khỏi chỗ cửa phòng, nói một cách tuyệt vọng.
Mọi người ngồi kề vai nhau. Pochenkov ngồi trong một góc phòng dốc tất cả các túi ra, rồi vừa lầu bầu chửi một thôi một hồi, vừa xé vụn một đồng giấy bạc. Xong xuôi với chuyện số tiền còn lại anh cởi giầy tất rồi đặt tay lên vai Krivoslykov nằm bên cạnh và nói:
- Hai năm rõ mười là bọn mình đã bị chúng nó lừa rồi. Chúng nó đã đánh lừa mình, mẹ chúng nó chứ? Bực thật, Mikhail ạ! Hồi còn nhỏ, mình thường xách khẩu súng cổ lỗ của ông cụ nhà mình sang bên kia sông Đông đi săn. Vào trong rừng thì cứ như chui dưới một cái lều vải xanh rờn ấy… Ra đến chỗ dòng sông uốn khúc là sẽ thấy những con vịt trời sà xuống. Lần nào không bắt kịp là mình tức đến phát khóc lên được. Và lần nầy mình lại cảm thấy tức cũng như thế: mình đã lỡ mất cơ hội. Nếu bọn mình ra khỏi Rostov sớm hơn được ba ngày thì đã không đến nỗi vác xác đến đây chịu chết. Tất cả bọn phản cách mạng đã bị chúng ta đánh cho thất điên bát đảo rồi!
Krivoslykov ngồi trong bóng tối nhe răng cười một cách đau khổ va nói:
- Quỷ dữ bắt chúng nó đi, cứ mặc cho chúng nó giết. Bây giờ chết thì cũng chẳng có gì đáng sợ… Mình chỉ sợ một điều là sang đến thế giới bên kia, chúng mình không còn nhận ra nhau nữa Fedor ạ, sang đến thế giới bên kia, mình với cậu gặp nhau sẽ như người dưng nước lã… Thật là khủng khiếp!
- Thôi đi! Pochenkov bực bội nói to rồi đặt cả hai bàn tay vừa to vừa nặng lên vai người bạn nằm bên - Vấn đề đâu phải ở chỗ đó.
Laguchin kể cho một đồng chí nào đó nghe về thôn anh, về chuyện ông nội anh thường gọi đùa anh là "Cái nêm" vì đầu anh dài và chính ông cụ đã có lần dùng roi ngựa đánh anh về tội ăn cắp dưa của người khác.
Đêm ấy, mọi người nói với nhau toàn những chuyện phiến đoạn, không đầu không đũa.
Buntruc ngồi ngay gần cánh cửa, anh hé môi hít lấy ít để từng chút gió lọt qua kẽ cửa. Trong khi hồi tưởng lại những chuyện đã qua, anh thoáng nghĩ đến mẹ, rồi như bị một mũi kim nóng bỏng châm vào tim, anh cố xua ngay những ý nghĩ về bà cụ để chuyển sang những hồi ức về Anna, về những ngày gần đây… Các hồi ức ấy đã làm anh nhẹ nhõm hẳn đi, trong lòng tràn ngập một hạnh phúc lâng lâng. Những ý nghĩ về cái chết không làm anh sợ hãi chút nào.
Không như những người khác, mỗi khi nghĩ rằng tính mạng của mình sắp bị kẻ khác cướp đi, anh không hề cảm thấy một cơn run bất giác chạy rân rân suốt dọc xương sống, không hề thấy một sự đau khổ day dứt nào. Anh sẵn sàng tiếp nhận cái chết, như sắp sửa về tới một nơi nghỉ ngơi chẳng có gì là vui thú sau một chặng đường đầy đắng cay và vất vả, khi mà cái mệt mỏi đã choán hết tất cả, khi toàn thân đau như rần, cho nên không còn gì có thể làm cho mình xao xuyến nữa.
Ngay gần bên Buntruc, anh em bàn tán về đàn bà, về tình yêu, về những niềm vui lớn nhỏ vương vấn trong tâm khảm từng người, câu chuyện khi vui khi buồn.
Người ta kể về gia đình, về bố mẹ, về những người thân thuộc. Người ta bàn tán về chuyện năm nay lúa tốt: những con quạ đen có thể lẩn vào trong những đám lúa mạch mà không bị trông thấy.
Người ta than phiền là không có vodka và mất tự do, người ta chửi Pochenkov. Song hàng ngàn cái cánh đen ngòm của giấc ngủ đã trùm lên tất cả. Bị làm tình làm tội cả về thể xác lẫn tinh thần, mọi người thiếp dần đi, ngủ ngồi cũng có, ngủ nằm cũng có, ngủ đứng cũng có.
Mãi đến lúc trời sắp rạng mới có một người không biết mê hay tỉnh oà lên khóc, tiếng khóc nghe sao mà ghê rợn, đúng là tiếng khóc của những con người thô lỗ đã lớn tuổi, đã quên mất cái vị mặn của nước mắt từ thời thơ ấu. Ngay lập tức nhiều người cũng kêu lên xua tan bầu không khí yên lặng mơ màng:
- Có câm đi không, đồ khốn kiếp!
- Thật là đàn bà!
- Tao vặn hết răng bây giờ, câm ngay!
- Làm bố trẻ con rồi mà còn chảy nước mắt!
- Anh em còn đang ngủ mà nó… chẳng biết xấu nữa?
Anh chàng vừa khóc hỉ mũi, sụt sịt thêm vài tiếng rồi nín bặt.
Tất cả lại hoàn toàn chết lặng. Góc nào cũng lốm đốm những ánh thuốc lá, nhưng chẳng ai nói gì nữa. Nồng nặc mùi mồ hôi đàn ông, mùi những thân hình đầy sức khoẻ chen chúc nhau, và cái mũi nhạt thếch nhưng ngây ngất của cả một đêm sương.
Gà trong thôn đã gáy sáng. Có những tiếng chân bước và tiếng sắt đập vào nhau xoang xoảng.
- Ai? - Một tên gác khẽ hỏi:
Từ xa có tiếng húng hắng ho rồi một giọng rất trẻ vui vẻ trả lời:
- Anh em mình đây. Bọn mình đi đào hố chôn bọn đồng đảng của Pochenkov đây.
Trong hiệu tạp hoá lập tức nhốn nháo hẳn lên…