Sông Đông Êm Đềm

Chương 129: Chương 129




Ngay cả sau nầy, khi trung đoàn đã tiến vào khu vực chiến đấu liên miên, khi không phải chỉ có một lưới lửa mà có cả một mặt trận ngoằn ngoèo chốc chốc lại đứt quãng, những khi ở sát liền với kẻ địch, chạm trán với họ, Grigori bao giờ cũng có một cảm giác tò mò nhức nhối, muốn tìm hiểu không biết chán về Hồng quân, về những người lính Nga mà chàng đã bị bắt buộc phải đánh nhau với họ vì một lý do nào đó. Trong lòng chàng tựa như vĩnh viễn còn lại cái cảm giác ngây thơ và ẫu trĩ đã xảy ra trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh bốn năm. Cái cảm giác ấy chàng đã bắt đầu có ở Lesnhuc, lúc chàng leo lên ngọn gò và lần đầu tiên nhìn kỹ cái cảnh đi lại nhốn nháo của quân đội Áo - Hung cùng các xe vận tải của chúng. "Họ là những con người như thế nào nhỉ?" Tựa như trong đời chàng chưa từng có những ngày ở gần Glubokaia, hồi chàng đánh nhau với chi đội của Chernekov. Hồi ấy chàng biết rất rõ mặt mũi kẻ thù: chúng nó phần lớn là những tên sĩ quan sông Đông, là dân Cô- dắc. Nhưng bây giờ chàng lại chạm trán với những người lính bộ binh Nga, những con người hoàn toàn khác hẳn, những kẻ họp thành cả một khối người ủng hộ chính quyền Xô- viết, và như chàng nghĩ đang muốn chiếm lấy đất đai và các quyền lợi của người Cô- dắc.

Một lần khác ngay trong chiến đấu, chàng đã có dịp gần như mặt giáp mặt với một toán Hồng quân bất thần xông lên từ dưới đáy một cái khe. Hôm ấy chàng đem theo một trung đội đi trinh sát. Đang đi dọc theo lòng khe ra một chỗ cái khe phân nhánh thì nghe thấy những giọng nói tiếng Nga với những âm "ô" rất gắt, kèm theo tiếng chân bước loạt soạt. Vài chiến sĩ Hồng quân, trong đám có một người Trung Quốc, nhảy lên bờ khe. Vì không ngờ chạm trán với toán Cô- dắc, họ kinh ngạc đứng đực ra trong một giây.

- Quân Cô- dắc! - Một người ngã xuống hốt hoảng kêu lên.

Người Trung Quốc nổ một phát súng. Người có bộ tóc trắng trắng vừa ngã cũng lập tức lắp bắp kêu lên:

- Các đồng chí. Bố trí khẩu "Maxim!" Có Cô- dắc!

- Nổ súng đi! Bọn Cô- dắc đấy!

Mitka Korsunov dùng khẩu Nagan bắn chết luôn anh chàng Trung Quốc rồi kéo ngoặt dây cương, làm ngựa của nó xô ngựa của Grigori, bỏ chạy trước nhất theo con đường lòng khe, giữa hai sườn khe rất dốc. Nó giật dây cương, thoắt cái bên nầy, thoắt cái bên kia, hướng con ngựa chạy ngoằn ngoèo trên chất đất dội tiếng. Những tên còn lại cũng quay ngựa chạy theo, tên nọ cố vượt tên kia. Sau lưng họ, khẩu súng máy nặng tặc tặc liên hồi với cái giọng nam trung của nó, phạt rụng hết lá những cây mận dại và sơn trà mọc đầy trên sườn dốc và những chỗ đất nhô ra, hung hãn bắn nát và xới tung lớp đá dưới lòng khe…

Vài lần nữa, Grigori còn có dịp nhìn sát mặt những chiến sĩ Hồng quân. Chàng nhìn thấy những viên đạn Cô- dắc xới tung đất dưới chân những chiến sĩ ấy, và họ đã ngã xuống, đã chia tay với cuộc đời trên mảnh đất nầy, mảnh đất phì nhiêu và xa lạ đối với họ.

Nhưng dần dần Grigori cũng bắt đầu cảm thấy căm thù người Bolsevich. Họ đã nhảy xổ vào đời chàng như quân thù, bắt chàng phải rời bỏ ruộng đất! Chàng thấy tất cả những người Cô- dắc khác cũng đang bị xâm chiếm bởi tình cảm đó. Tất cả những người Cô- dắc cảm thấy như cuộc chiến tranh nầy nổ ra là hoàn toàn do lỗi của người Bolsevich xâm nhập vào Quân khu vì thế mỗi khi nhìn thấy những làn sóng lúa mạch chín rũ chưa được gặt về, thấy lúa chín bị dẫm nát dưới vó ngựa, thấy những sân đập lúa hoang vắng, mỗi khi nghĩ tới những người mẹ già vợ dại không đủ sức mà vẫn phải quần quật với những đê- xi- a- chin đất ở nhà thì lòng họ rắn lại, và họ trở nên hung hãn như loài thú dữ. Trong khi chiến đấu, đôi khi Grigori cũng có cảm tưởng như các kẻ thù của mình, những người mu- gích thuộc các tỉnh Tambob, Riazan, Saratov, họ cũng đi chiến đấu với một lòng ghen tuông vì ruộng đất như thế.

"Chúng ta chiến đấu vì ruộng đất cũng y như để giữ lấy người yêu". - Grigori nghĩ thầm.

Quân Cô- dắc bắt đầu ít bắt tù binh. Mỗi ngày một xảy ra nhiều trường hợp tàn sát tù binh. Những chuyện cướp bóc lan tràn khắp mặt trận như một làn sóng lớn: họ lấy đồ đạc của những người bị tình nghi có cảm tình với Bolsevich, của những gia đình Hồng quân, tù binh bị lột trần trụi…

Cái gì cũng lấy, từ ngựa, xe, cho tới những đồ đạc cồng kềnh hoàn toàn vô ích. Lính tráng cũng như sĩ quan, chẳng tên nào không lấy. Các xe vận tải tuyến hai đều chất đầy chiến lợi phẩm. Trên xe chẳng thiếu một thứ gì! Quần áo, samova, đồ thắng ngựa, máy khâu tất cả những thứ gì hơi có chút giá trị đều bị cướp đi. Rồi các của vơ vét lại được chất lên xe chở về nhà. Họ hàng thân thuộc của bọn lính Cô- dắc sẵn sàng đánh xe chở đạn dược và lương thực tới đơn vị rồi từ đấy các của cướp bóc lại được chất đầy lên các xe tải chở về. Các trung đoàn kỵ binh đặc biệt hoành hành ngang ngược, mà kỵ binh lại chiếm đa số. Bộ binh thì ngoài cái ba- lô ra họ chẳng còn có chỗ nào khác để cất đồ. Nhưng kỵ binh thì có thể nhét đầy các túi yên, buộc vào những đoạn dây sau yên. Vì thế những con ngựa của họ nom tương tự như ngựa thồ hơn là ngựa chiến. Cái thói cá mè một lứa vô kỷ luật bắt đầu nảy nở. Từ xưa đến nay, cướp bóc trong chiến tranh vẫn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy người Cô- dắc ra mặt trận, Grigori biết như thế lắm qua những câu chuyện được nghe các cụ kể về các cuộc chiến tranh trước kia cũng như qua kinh nghiệm bản thân. Ngay từ khi tiến vào hậu phương của nước Phổ, viên lữ đoàn trưởng, một tên tướng có nhiều công trạng, đã tập hợp mười hai đại đội, giơ roi ngựa chỉ cái thành phố nhỏ nằm dưới chân mấy ngọn đồi và nói:

- Các anh hãy chiếm lấy nó. Trong hai tiếng đồng hồ, thành phố nầy sẽ hoàn toàn thuộc quyền tự do hành động của các anh. Nhưng sau hai tiếng đồng, kẻ đầu tiên bắt quả tang đang cướp bóc sẽ bị xử bắn?

Nhưng không hiểu sao Grigori không thể nào quen chuyện ấy. Chàng chỉ lấy thức ăn cho người và lương thực cho ngựa. Chàng sờ sợ không dám động đến của cải của người khác và kinh tởm các hành động cướp bóc. Chàng đặc biệt cảm thấy gớm ghiếc khi thấy những tên Cô- dắc dưới quyền mình đi ăn cướp. Chàng giữ rất nghiêm kỷ luật trong đại đội. Nếu bọn Cô- dắc dưới quyền chàng có cướp bóc thì cũng chỉ là những chuyện giấu diếm và hạn hữu. Chàng không hề ra lệnh giết và lột quần áo giầy ủng của tù binh. Thái độ bị coi là quá mềm yếu như thế đã gây lòng căm phẫn của bọn Cô- dắc cũng như của bọn thủ trưởng trung đoàn. Một tên sĩ quan cấp trên đã giật giọng thô bạo, và nói với chàng mất mặn mất nhạt:

- Nầy thiếu uý, tại sao anh lại làm hỏng một đại đội của tôi như thế? Tại sao anh lại có cái kiểu tự do chủ nghĩa như thế hử? Anh trải sẵn rơm để phòng bất trắc, để nếu ngã cũng đỡ đau có phải không? Anh vẫn theo thói cũ muốn bắt cá hai tay có phải không? Như vậy thì làm thế nào khỏi sỉ vả anh được? Thôi, không cần nhiều lời làm gì nữa? Anh không thuộc kỷ luật quân đội à? Sao, đổi anh đi à? Chúng tôi sẽ đổi ngay! Tôi ra lệnh ngay hôm nay bàn giao đại đội? Còn cái chuyện kia thì người anh em hãy nhớ lấy… Chớ có giở trò gì nữa đấy!

Đến cuối tháng, trung đoàn của Grigori hợp đồng tác chiến với vài đại đội của trung đoàn 33 trấn Elanskaia, cùng đánh chiếm thôn Gremiachi Lok.

Bên dưới, khoảng đất trũng mọc đầy liễu, tần bì và tiêu huyền. Chừng ba chục căn nhà tường trắng nằm rải rác trên sườn núi giữa những bức tường bao thấp lè tè bằng đá. Trên núi, cao hơn cái thôn một chút, có một cái cối xay chạy bằng sức gió, gió thổi hướng nào cũng tới. Bốn cái cánh quạt bị buộc lại hiện lên đen sì trên nền đám mây trắng bay tới từ phía sau ngọn gò, nom như một cây thánh giá để nghiêng. Ngày hôm ấy mưa tầm tã, sương rơi mù mịt. Một trận bão tuỵết làm rơi xuống khe núi một làn bụi vàng vàng, lá cây xào xạc rụng xuống đầy mặt đất. Những cây liễu đỏ cành lá xum xuê tím lại như màu máu. Những đống rơm to nổi lện như những ngọn gò lấp loáng trong các sân đập lúa. Bức màn sương mềm mại của ngày sắp sang đông đã phủ lên mặt đất nồng nặc một mùi ngai ngái.

Grigori cùng trung đội của chàng vào ở căn nhà được tiền trạm phân cho. Chủ nhà đã đi theo Hồng quân. Người vợ béo tốt, đã có tuổi, cùng một đứa con gái nhỏ ra sức hầu hạ lấy lòng trung đội.

Grigori từ dưới bếp bước vào nhà trong, đưa mắt nhìn quanh. Xem ra chủ nhà sống cũng khá khẩm: sàn nhà sơn, những chiếc ghế dựa kiểu Viên, tấm gương soi, trên tường treo những bức ảnh kiểu các quân nhân thường chụp và một tấm bằng khen của học sinh đóng khung đen. Grigori treo cái áo mưa ướt đẫm lên bếp lò rồi cuộn thuốc hút.

Prokho Zykov bước vào, hắn dựa khẩu súng trường vào thành giường rồi cho biết giọng lạnh nhạt:

- Đoàn xe vận tải đã tới đây. Ông cụ nhà anh cùng đi đấy, anh Grigori Panteleevich ạ.

- Sao? Đừng có nói bậy!

- Nói thật đấy. Ngoài ông cụ nhà anh, bà con trong thôn ta đại khái có sáu người đem xe tới. Anh ra mà đón?

Grigori khoác cái áo ca- pôt lên vai, bước ra.

Ông Panteley Prokofievich đang nắm dây hàm thiếc, dắt hai con ngựa vào trong cổng. Daria ngồi thu lu trên xe trong chiếc áo khoác bằng dạ nhà làm lấy. Daria cầm cương. Dưới cái mũ trùm đầu ướt đẫm của cái áo khoác, chị chàng long lanh cặp mắt ướt ướt, tươi cười nhìn Grigori.

- Bà con đồng hương đến đây làm gì thế nầy? - Grigori mỉm cười nhìn bố, hỏi to.

- Thế nào, con yêu của cha, còn được thấy mày sống sót cơ à? Chúng tao đến chơi với mày đây, không được mời mà cũng đến đây.

Grigori bước qua ôm lấy cặp vai rộng của bố và bắt đầu tháo đồ thắng khỏi xe.

- Mày bảo không ngờ chúng tao lại đến à, Grigori?

- Tất nhiên rồi.

- Chúng tao đang ở trong đội dân công vận tải… Bị bắt đi. Đem đạn dược đến cho chúng mầy đấy, cứ yên trí mà đánh nhau.

Hai cha con vừa tháo ngựa vừa trao đổi những câu nhát gừng.

Daria hạ các thức ăn và thóc ngựa trên xe xuống.

- Còn chị thì đến đây làm gì?

Đi theo cha mà. Cha ở nhà ốm đấy, từ Nô- en đến nay còn chưa khỏi. Mẹ chỉ lo xảy ra chuyện gì, một thân một mình nơi đồng đất nước người…

Ông Panteley Prokofievich ném cho hai con ngựa vài nắm cỏ nga quan thơm thơm xanh mướt rồi bước tới trước mặt Grigori. Ông lo lắng giương tròn cặp mắt đen, lòng trắng đỏ ngầu nom chẳng có gì là khỏe mạnh, và thầm thì hỏi bằng một giọng khàn khàn:

- Thế nào, tình hình ra sao?

- Cũng chẳng sao. Chúng con vẫn đánh nhau.

- Tao nghe có tin đồn là bọn Cô- dắc không chịu tiến ra khỏi biên giới… Có đúng thế không?

- Mồm miệng thiên hạ… - Grigori đánh trống lảng?

- Nhưng sao lại thế, các anh em? - Ông già tự nhiên nói bằng một giọng hốt hoảng và xa lạ hẳn. - Sao lại như thế được? Thế mà các cụ bô lão ở nhà cứ hy vọng… Ngoài chúng mầy ra lấy ai bảo vệ sông Đông, bảo vệ cha đẻ của chúng ta bây giờ? Lạy Chúa tôi, nếu chúng mầy không chịu chiến đấu… Nhưng sao lại có thể như thế được? Bọn đánh xe vận tải của chúng mày đã nói láo… Chỉ gieo rắc hoang mang, cái quân chó đẻ?

Ba người vào trong nhà. Những tên Cô- dắc khác cũng kéo đến.

Đầu tiên câu chuyện chỉ xoay quanh các tin tức trong thôn. Daria rỉ tai người chủ nhà rồi cởi cái tay nải đựng các món ăn, sửa soạn bữa tối:

- Nghe nói mầy bị mất chức đại đội trưởng rồi phải không? - Ông Panteley Prokofievich vừa hỏi vừa cầm một cái lược xương nhỏ rất đẹp chải bộ râu chảy xệ.

- Bây giờ con làm trung đội trưởng.

Câu trả lời lạnh nhạt của Grigori như chọc vào tim ông già. Ông cau mày làm những vết nhăn trên trán thu cả vào một chỗ, khập khiễng bước tới bên cạnh cái bàn, rồi vừa vội vã đọc vài câu kinh vừa kéo tà áo trermen lên lau cùi dìa và hỏi bằng một giọng bực bội:

- Tại sao tự nhiên lại có chuyện ghét bỏ như thế? Hay là mày không biết làm vừa lòng cấp trên?

Grigori không muốn nói về chuyện nầy trước mặt bọn Cô- dắc bèn nhún vai ra vẻ khó chịu:

- Họ đưa một anh chàng Cô- dắc mới đến… Có văn hoá.

- Nhưng con ạ, mày cứ phục vụ họ cho hết lòng đi! Chẳng bao lâu họ sẽ lại biết quý mày thôi! Chà, họ cứ mang cái thói thích những thằng có chữ nghĩa! Mày cứ nói là tôi đã được huấn luyện thực tế trong cuộc chiến tranh chống Đức nên còn hiểu biết hơn nhiều so với bất kỳ một thằng đeo kính nào?

Rõ ràng là ông lão đang phẫn nộ. Còn Grigori thì chàng chỉ cau mày liếc nhìn sang bên: không biết bọn Cô- dắc có cười không?

Chuyện bị hạ cấp không làm chàng buồn chút nào. Chàng đã sung sướng bàn giao đại đội, vì nghĩ rằng từ nay mình không còn phải chịu trách nhiệm về tính mạng của anh em trong thôn nữa.

Nhưng dù sao lòng tự ái của chàng cũng bị xúc phạm và việc cha chàng bới lại chuyện đó bất giác làm chàng cảm thấy khó chịu.

Người chủ nhà đã xuống bếp. Ông Panteley Prokofievich thấy anh chàng đồng hương Bogatyrev bước vào, nghĩ rằng mình đã có được người ủng hộ, bèn bắt đầu nói:

- Thế là bụng dạ các anh đúng là nhất định không muốn tiến quá địa giới Quân khu à?

Prokho Zykov chỉ hấp háy hai con mắt dịu dàng như mắt bò non, lặng yên mỉm cười, không nói gì cả. Mitka Korsunov ngồi xổm bên cạnh bếp lò hút nốt mẩu thuốc, cháy cả tay. Ba gã Cô- dắc khác nằm ngồi ngả nghiêng trên những chiếc ghế dài, và không hiểu sao chẳng gã nào trả lời câu hỏi nêu ra. Bogatyrev vung tay một cách đau khổ:

- Chúng nó có lo nghĩ gì lắm về các chuyện ấy đâu, - hắn bắt đầu nói với cái giọng ồm ồm dội lên như tiếng còi xe lửa. - Chúng nó thì cỏ ngoài đồng không mọc nữa chúng nó cũng mặc…

- Nhưng tiến đi xa nữa làm gì cơ chứ? - Ilin, một gã hiền lành và ốm yếu hỏi bằng một giọng lười nhác. - Tiến ra để làm cái gì? Vợ tôi đã chết đi để lại mấy đứa con côi cút mà tôi lại bỏ mạng một cách vô ích hay sao?

- Chúng ta đánh bật chúng nó ra khỏi vùng đất Cô- dắc rồi người nào về nhà người nấy! - Một gã khác kiên quyết ủng hộ Ilin.

Mitka Korsunov xoắn bộ ria vừa mềm vừa nhỏ, chỉ cười bằng hai con mắt xanh lè.

- Còn đối với tôi thì chiến tranh cứ kéo dài năm năm nữa cũng được! Tôi thích đánh nhau!

- Ra ngo- o- oài! Đóng yên! - Ngoài sân có tiếng hô to.

- Ông đã thấy chưa? - Ilin kêu lên một cách tuyệt vọng. - Các ông đã thấy chưa, hai ông bố già? Chưa kịp ráo mồ hôi mà ngoài kia đã lại quát: "Ra ngoài" rồi đấy! Như thế là lại phải đi bố trí rồi! Thế mà ông cứ bảo: địa giới! Còn có thể có địa giới địa giếc gì nữa? Phải chuồn về nhà đi thôi? Phải giảng hoà cho kỳ được, thế mà các ông lại bảo…

Vốn chỉ là báo động nhầm. Grigori bực tức dắt ngựa vào sân. Con ngựa chẳng làm gì nên tội cũng bị ăn một cái ủng vào bẹn. Grigori điên tiết trợn tròn con mắt quát lên:

- Đồ quỉ dữ! Đi cho thẳng lên!

Ông Panteley Prokofievich đứng ở cửa hút thuốc. Ông để cho bọn Cô- dắc vào hết rồi mới hỏi:

- Làm gì mà loạn lên thế?

- Báo động? Có đàn bò mà quáng mắt trông ra bọn Đỏ.

Grigori cởi áo ca- pốt, ngồi vào bàn. Những tên Cô- dắc khác cũng lầu bầu cởi áo, ném gươm, súng trường và băng đeo đạn lên chiếc ghế dài.

Khi mọi người đã nằm xuống ngủ cả, ông Panteley Prokofievich mới gọi Grigori ra sân. Hai cha con ngồi trên thềm nhà.

- Tao muốn bàn với mày một việc, - Ông già vỗ vào đầu gối Grigori và khẽ nói - Tuần trước tao có đến chỗ thằng Petro. Trung đoàn Hai mươi tám của chúng nó hiện nay ở Kalat… Tao đến đằng ấy kiếm được khá lắm con ạ. Thằng Petro nó cừ lắm, nó làm ăn cừ lắm. Nó đã cho tao quần áo, một con ngựa, lại còn đường nữa… Con ngựa tốt quá.

- Thôi đi! - Đoán ra ý bố, Grigôri cảm thấy như bị bỏng, chàng nghiêm khắc ngắt lời ông già. - Cha đến đây cũng vì việc ấy có phải không?

- Nhưng sao cơ chứ?

- Lại còn sao cơ chứ?

- Người ta đều lấy cả cơ mà, Griska…

- Người ta! Người ta lấy! - Grigori điên tiết, không nghĩ ra được câu nào khác mà nói, chỉ nhắc lại. - Ở nhà còn thiếu thốn lắm hay sao? Thật là lưu manh! Trên mặt trận đánh nhau với Đức đã bao nhiêu đứa bị xử bắn vì làm những trò như thế rồi đấy!

- Nầy, đừng có quàng quạc lên như thế nữa? - Người cha lạnh lùng ngắt lời chàng. - Tao có ngửa tay ra xin mầy đâu. Tao chẳng cần gì cho cái thân xác của tao cả. Bây giờ còn sống, nhưng mai kia đã hai tay buông xuôi… Mầy hãy lo cho cái thân mày đi đã. Kỳ cục thật, kiếm được một thằng sang trọng giàu có như thế nầy? Cả nhà có độc một chiếc xe, thế mà nó… Mà tại sao lại không lấy của những đứa đã đi theo bọn Đỏ cơ chứ? Không lấy của chúng nó là có tội đấy! Mà lấy về nhà thì một mảnh vỏ cây cũng có chỗ dùng.

- Thôi ông đừng nói với tôi những chuyện ấy nữa! Nếu không, tôi mời ông đi ngay khỏi chỗ nầy bây giờ! Bọn Cô- dắc làm thế tôi đã đấm vào mõm cho, thế mà bố tôi lại đến để cướp của dân chúng! - Grigori thở hổn hển, người run bắn lên.

- Chính vì thế mà người ta mới tống cổ không cho mầy làm cấp đại đội nữa đấy? - Người cha quái ác chọc cho chàng một câu.

- Chuyện ấy đối với tôi có ra cái quái gì! Ngay cái trung đội nầy tôi cũng sẽ thôi không nắm nữa?

- Thì cũng chẳng sao! Thông minh thật, thông minh thật…

Hai người nín lặng một phút. Grigori châm thuốc hút. Dưới ánh que diêm, chàng đưa nhanh mắt nhìn khuôn mặt vừa ngượng vừa tức tối của bố. Mãi đến lúc nầy chàng mới hiểu rõ lý do của việc bố đến đây "Chính vì thế mà đem cả Daria theo, cái con quỉ già? Kéo nhau đến ăn cướp?" - Chàng nghĩ thầm.

- Thằng Stepan Astakhov về rồi đấy. Mầy đã được biết chưa? - Ông Panteley Prokofievich nói, giọng như dửng dưng.

- Sao lại có chuyện ấy? - Grigori đánh rơi cả điếu thuốc.

- Thế đấy vốn là nó chỉ bị bắt làm tù binh chứ không bị giết. Về nom ra dáng con người lắm. Mang về cơ man nào quần áo và của cải! Phải chở bằng hai chiếc xe tải. - Ông già nói tố thêm và cứ huênh hoang như Stepan là ruột thịt với mình không bằng. - Nó đã gọi con Acxinhia, và đăng lại vào quân đội ngay. Người ta đã dành cho nó một chân tốt lắm, đại khái chủ nhiệm binh trạm gì đó, ở Kazan thì phải.

- Thóc nhà ta đập có được nhiều không? - Grigori hỏi lái sang chuyện khác.

- Bốn trăm mera.

- Hai đứa cháu của cha như thế nào?

- Ái chà chà, người anh em ạ, hai đứa cháu của tao thì đúng là hai vị anh hùng! Mầy phải có quà gửi về cho chúng nó mới được.

- Đang ở mặt trận thì quà với cáp cái gì. - Grigori thở dài rầu rĩ, nhưng đầu óc chàng chỉ lẩn quẩn với Acxinhia và Stepan.

- Mầy có kiếm được khẩu súng trường nào không? Có thừa khẩu nào không?

- Cha cần súng trường làm gì?

- Để ở nhà dùng. Vừa chống thú dữ vừa chống kẻ gian. Phòng có chuyện gì xảy ra. Tao đã lấy được nguyên vẹn một hòm đạn. Người ta lấy, thế là tao cũng lấy.

- Cha ra đội vận tải mà lấy. Cái của ấy thì vô thiên lủng. - Grigori cau mày mỉm cười. - Thôi cha đi ngủ đi. Con còn phải đi kiểm tra vọng gác.

Sáng hôm sau một phần trung đoàn rời khỏi thôn nầy. Grigori lên ngựa ra đi, chàng chắc mẩm rằng mình đã nói cho ông bố ngượng và sẽ trở về tay không. Nhưng vừa tiễn bọn Cô- dắc xong, ông Panteley Prokofievich đã đàng hoàng vào nhà kho như chính mình là chủ nhà. Ông lấy những chiếc cổ ngựa và những đoạn dây thắng trên cái giá xuống, mang ra chiếc xe của ông. Chủ nhà lật đật chạy theo, nước mắt đầm đìa. Người ấy nắm lấy vai ông, kêu lên:

- Bố già ơi! Ông cụ không sợ mang tội à? Sao lại làm khổ đứa trẻ côi cút như thế nầy? Trả lại cặp cổ ngựa cho tôi đi! Trả lại đi, cụ hãy vì Chúa mà trả lại đi!

Không, không, bà hãy để cho Chúa được yên, - Ông già Melekhov vừa lắp bắp trả lời vừa giằng tay khỏi tay người đàn bà. - Chồng bà mà đến vùng chúng tôi thì cũng sẽ cướp thôi. Chồng bà là chính uỷ có phải không? Thôi buông tay ra? "Của người của ta đều là của Chúa" cả cơ mà, vì thế bà hãy im đi, đừng tiếc làm gì nữa?

Rồi dưới sự yên lặng đồng tình của những tên dân công vận tải khác, ông bẻ khoá những chiếc hòm, chọn lấy những chiếc quần đi ngựa và áo quân phục còn mới nhất, đem ra chỗ sáng ngắm nghía, vò vò trong những ngón tay đen thủi ngắn cũn và bó tất cả lại…

Ông ra đi trước giờ ăn trưa. Daria mím chặt cặp môi mỏng dính, ngồi trên đống tay nải trong chiếc xe chất đầy đến ngọn. Phía sau có một chiếc nồi nấu nước tắm úp lên tất cả. Ông Panteley Prokofievich đã tháo cái nồi nầy trên những viên gạch trong buồng tắm, ông vừa lặc lè khiêng nó ra tới xe thì bị Daria cho một câu:

- Cha, cha thì đến cứt cũng không từ!

Ông bèn trả lời bằng một giọng phẫn nộ:

- Câm cái mồm, con mẹ ranh nầy! Tao mà đề lại cái nồi nầy cho chúng nó hay sao? Lo lắng công việc nhà cửa như mày thì cũng chẳng khác gì thằng khốn nạn Griska! Đối với tao thì cái nồi nầy cũng dùng được. Đúng thế đấy! Thôi đánh xe đi! Việc gì đến mày mà hoác mồm ra?

Người chủ nhà chạy ra theo đóng cửa, hai con mắt khóc đến sưng vù. Ông Panteley Prokofievich nói giọng ôn tồn:

- Thôi chào bà nhá! Đừng có giận. Còn người thì còn của…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.