Sông Đông Êm Đềm

Chương 166: Chương 166




Vì tráng đinh Cô- dắc đi vắng cả nên thôn Tatarsky trống trải và buồn tẻ hẳn đi. Đại đội bộ binh của thôn có một thời kỳ bị ghép vào một trung đoàn của sư đoàn 5 và bị diều sang tả ngạn sông Đông.

Cũng hồi ấy, các đơn vị Hồng quân được bổ sung thêm bằng những lực lượng tăng viện đều từ Blasov và Povorino tới đã mở đợt tấn công rất mạnh từ phía đông bắc, chiếm được một loạt thôn của trấn Elanskaia. Trong một trận chiến đấu ác liệt ở các đường vào thị trấn, quân phiến loạn đã thắng thế. Chúng chiếm được ưu thế như vậy là vì hai trung đoàn Elansky và Bukanovsky đang chịu áp lực của trung đoàn Hồng quân Moskva và hai đại đội kỵ binh đã nhận được những lực lượng tăng viện rất mạnh. Theo bờ bên trái sông Đông, trung đoàn Bốn của sư đoàn phiến loạn số I (trong dó có cả đại đội của thôn Tatarsky), một đại đội pháo gồm ba khẩu đội và hai đại đội kỵ binh dự bị tiến từ Vosenskaia về phía Elanskaia. Ngoài ra bên hữu ngạn còn điều những lực lượng tăng viện đáng kể tới hai thôn Plesakov và Madveevsky ở bên kia sông Đông, cách thị trấn Epanskaia từ ba tới năm vec- xta. Trên ngọn gò Kripsky đã bố trí một trung đội pháo. Trong số những tên phụ trách máy nhắm có một gã Cô- dắc người thôn Kripsky lừng danh là một tay bách phát bách trúng. Ngay từ phát đầu, gã đã diệt được một ổ súng máy của Hồng quân rồi sau đó, vài loạt đạn ghém bắn trùm lên đội hình chiến đấư của Hồng quân bố trí trong đám xích dương đã bắt các chiến sĩ

Hồng quân phải chồm dậy rút lui. Trận chiến đấu đã kết thúc với thắng lợi về phía quân phiến loạn. Bọn phiến loạn đã truy kích sát gót các đơn vị Hồng quân rút lui, bức các đơn vị đó phải kéo sang bên kia sông Elanska. Trong cuộc truy kích, chúng đã dùng tới mười một đại đội kỵ binh và trên ngọn gò ở gần thôn Zatolovsky, chúng đã đuổi kịp và chém chết toàn bộ một đại đội kỵ binh Hồng quân.

Từ hồi ấy, những tên "bò binh" của thôn Tatarsky lăng xăng xuôi ngược trên những ngọn đồi cát bên tả ngạn. Bọn Cô- dắc trong đại đội hầu như không có tên nào về phép. Mãi đến lễ Phục sinh, gần nửa đại đội bất thần có mặt cùng một lúc trong thôn, cứ như theo ước định sẵn. Chúng ở lại nhà một ngày, chén một bữa chấm dứt tuần chay rồi thay đồ lót, vơ vét ít mỡ chài muối, bánh mì khô và những thức ăn khác trong nhà, kéo đàn kéo lũ vượt sang bên kia sông Đông tiến về hướng Elanskaia như những con chiến đi thăm đất thánh chỉ có điều là với cây súng trường thay chiếc gậy hành hương. Từ trên ngọn gò của thôn Tatarsky, từ trên những trái núi ven sông Đông, vợ họ, mẹ họ, em gái họ nhìn theo tiễn đưa họ. Những người đàn bà gào khóc, lấy góc khăn bịt đầu hay khăn san lau những cặp mắt khóc sưng húp, hỉ mũi vào vạt váy lót… Trong khi đó những tên Cô- dắc Khristonhia, Anikey, Panteley Prokofievich, Stepan Astakhov và nhiều tên khác đang lê bước bên kia sông Đông, sau dải rừng ngập nước lũ, trên những ngọn đồi cát. Những cái túi gai nhỏ đựng thức ăn lủng lẳng trên mũi súng mắc lưỡi lê, những bài dân ca vùng đồng cỏ buồn như mùi bách lý hương chập chờn theo gió, những câu chuyện trao đổi thẫn thờ giữa bọn Cô- dắc… Chúng ra đi chẳng có gì vui vẻ, nhưng bụng được no và quần áo đã được giặt sạch sẽ. Trước hôm lễ, vợ chúng hay mẹ chúng đã đun nước cọ rửa cho chúng những chỗ cáu bẩn bám chặt trên mình, chải hết cho chúng những con chấy thèm khát máu lính tráng. Tội gì mà chẳng ở nhà vui thú điền viên. Thế mà bây giờ lại phải ra đi tìm cái chết…

Và thế là chúng ra đi. Những tên còn trẻ tháo những đôi ủng dài hay ủng ngắn, đi chân không trên lớp cát ấm ấm. Chúng là những thằng thiếu niên mười sáu mười bảy vừa mới bị gọi vào hàng ngũ của quân phiến loạn. Không hiểu sao chúng tự nhiên cảm thấy sung sướng, trong bọn chúng thường nổ ra những cuộc trò chuyện vui như pháo ran, chúng hát bằng một giọng mới vỡ, chưa rắn rỏi. Đối với chúng, chiến tranh là một điều mới lạ, gần như trò chơi của con nít. Những ngày đầu, chúng nhô đầu lên khỏi ụ đất ẩm che phía trước chiến hào, lắng nghe tiếng đạn rú. Bọn Cô- dắc cựu chiến binh gọi chúng một cách khinh bỉ là "cỏ tơ" và ngay trong thực tế, dạy chúng đào chiến hào, bắn súng, đeo các đồ trang bị trong khi hành quân, chọn chỗ ẩn nấp tốt nhất, lại dạy chúng cả cách dùng lửa đốt rận, cách dùng vải bọc chân thay bít tất thế nào cho chân đi đỡ mỏi và bàn chân có thể "đi dạo" trong giầy. Và những thằng "lính sữa" đó cứ giương những cặp mắt đầy ngạc nhiên như mắt chim nhìn cái thế giới chiến tranh chung quanh, cứ ngẩng đầu ngó ra ngoài chiến hào, lòng dạ cồn cào vì tò mò, chỉ muốn được trông thấy "bọn Đỏ" cho đến khi bị một viên đạn của Hồng quân bắn trúng. Nếu vết thương chí mạng thì người "chiến sĩ" mười sáu tuổi ấy sẽ chỉ lớn lên đến thế thì thôi và mười sáu tuổi đời ngắn ngủi sẽ chẳng đem lại được gì cho anh ta.

Thằng bé lớn tướng ấy sẽ nằm xuống mãi mãi với hai bàn tay to bè bè của một thằng con trai, hai cái tai vểnh sang hai bên và chỗ lộ hầu mới nhú trên cái cổ mảnh khảnh chưa phải là cổ của một kẻ đã thành niên. Người ta sẽ mang nó về thôn xóm chôn rau cắt rốn, vùi xác nó xuống bên cạnh những nấm mồ trong đó ông cha cụ kỵ nó đã thối rữa. Mẹ nó sẽ vỗ hai bàn tay đen đét ra đón nó, sẽ gào khóc không biết bao nhiêu lâu cho kẻ đã khuất, sẽ rứt từng nắm tóc trên cái đầu bạc phơ. Rồi sau đó, khi nó đã được mồ yên mả đẹp, khi đất trên mồ đã khô lại, người mẹ càng già xọm thêm, lưng càng còng xuống sát đất hơn, vì những nỗi bi thương không bao giờ nguôi trong lòng, người mẹ sẽ đến nhà thờ làm lễ cầu hồn cho thằng Vanhiuska hay thằng Xemuska của bà vừa bị "hy sinh".

Cũng có thể là viên đạn không bắn chết thằng Vanhiuska hay thằng Xemuska ấy, mà chỉ đem lại cho nó dịp làm quen với tính chất tàn khốc, ác nghiệt của chiến tranh. Cặp môi mới lún phún lông tơ của nó sẽ run run, méo xệch đi. Người "chiến sĩ" sẽ gào lên như con thở bằng một giọng con nít: "Bu ơi bu" và những giọt nước mắt sẽ tuôn ra ròng ròng từ hai con mắt. Chiếc xe cứu thương sẽ lắc nó trên những con đường đầy ổ gà, mỗi lần lắc lại chạm đau vết thương của nó. Viên y sĩ giàu kinh ngiệm của đại đội sẽ rửa cho nó vết thương do một viên đạn hay một mảnh đạn gây ra và vừa cười vừa dỗ nó như dỗ trẻ con: "Con mèo nó đau, con sáo nó đau, nhưng vết thương của thằng Vanhiuska sẽ khỏi rất mau". Và chàng chiến sĩ Vanhiuska sẽ khóc sẽ đòi về nhà, sẽ gọi mẹ. Nhưng đến khi vết thương lành lại nó lại trở về đại đội thì từ đấy nó sẽ được học tập để hiểu cặn kẽ thế nào là chiến tranh. Nó chỉ có mặt trong hàng ngũ thêm chừng hai tuần, là tim nó sẽ rắn lại qua vài trận chiến đấu, vài lần giáp lá cà. Rồi sau đó người ta sẽ thấy nó bắt chước một lão quản hung ác thú tính nào đó, đứng xoạc cẳng trước một tù binh Hồng quân, nhổ toẹt bãi nước bọt sang bên cạnh và rít răng hỏi bằng cái giọng trầm trầm đang vỡ tiếng của nó.

- Thế nào, thằng mu- gích nầy, mẹ mày chứ, lọt vào tay chúng ông rồi à? Ha- a- à! Mầy muốn có ruộng đất à? Muốn đòi bình đẳng à? Có lẽ mày là đảng viên cộng sản phải không? Thú nhận đi, đồ chó đẻ! - Rồi muốn tỏ rõ cái dũng cảm, cái "can trường Cô- dắc", nó giương khẩu súng trường nhả đạn vào người đã sống và đã tiếp nhận cái chết trên mảnh đất sông Đông trong khi chiến đấu cho chính quyền Xô viết, cho chủ nghĩa cộng sản, cho trái đất nầy không bao giờ còn có chiến tranh nữa.

Thế là ở một nơi nào đó trong tỉnh Moskovskaia hay tỉnh Viatskaia, trong một thôn hẻo lánh nào đó của nước Nga Xô viết vĩ đại, người mẹ của chiến sĩ Hồng quân nhận được giấy báo cho biết con trai mình đã "hy sinh trong cuộc chiến đấu chống bè lũ Bạch vệ để giải phóng nhân dân lao động khỏi gông xiềng của bọn tư bản địa chủ…" sẽ khóc hết nước mắt, sẽ than vãn kể lể… Trái tim người mẹ quặn lại vì buồn nhớ và đau khổ, cặp mắt nhoà mờ tràn đầy nước mắt sẽ từng ngày từng giờ mãi mãi nhớ thương, đến chết không nguôi, đứa con mà mình đã mang nặng trong lòng, đã cho ra đời trong máu mê và những cơn đau đứt ruột đứt gan của người phụ nữ, đứa con đã chết trong tay quân thù ở một nơi nào đó trong vùng sông Đông xa lạ…

Nửa đại đội bộ binh của thôn Tatarsky đào ngũ từ mặt trận về đang trên đường trở lại đơn vị. Chúng đi qua những đồng cát mênh mông, những đám liễu đỏ tím nhạt sáng nhấp nhoáng. Bọn trẻ thì vui vẻ vô tư lự, còn bọn già mà người ta gọi giễu là "Hay- đa- mác" thì cứ thở ngắn than dài, cố nuốt nước mắt. Đã đến lúc phải cày bừa, gieo hạt rồi. Mảnh đất đang kêu gọi họ trở về, gọi ngày gọi đêm không lúc nào ngơi, nhưng bây giờ lại phải đánh nhau, phải đi tìm cái chết ở nơi đất khách quê người, trong cảnh ăn không ngồi rồi, trong kinh hoàng, thiếu thốn và buồn chán. Chính vì thc mà những tên có râu cứ trào nước mắt, chính vì thế mà chúng cất bước với những bộ mặt đưa đám. Tên nào cũng nhớ tới những công việc làm ăn phải vứt bỏ lại, tới gia súc, nông cụ. Cái gì cũng đòi hỏi phải có bàn tay người đàn ông, tất cả đều buồn khóc vì thiếu con mắt của người làm chủ. Với đàn bà thì có thể đòi hỏi được gì họ? Ruộng đất sẽ khô cằn, công việc gieo hạt không thể đảm bảo, sang năm sẽ có cơ đói kém. Tục ngữ đã nói chẳng ngoa: "Trong công việc làm ăn thì ông già bằng ba con gái".

Bọn già ngậm tăm đi trên khoảng đất cát. Mãi khi có một tên trong bọn ít tuổi bắn một con thỏ chúng mới hoạt bát lên. Vì bắn phí toi một viên đạn (tên tư lệnh các lực lượng phiến loạn đã ra lệnh nghiêm cấm việc nầy), bọn già quyết định trừng trị kẻ phạm tội.

Chúng hung hãn nhảy xổ tới đánh tới tấp thằng bé.

- Cho nó bốn mươi roi! - Panteley Prokofievich góp ý.

- Nhiều quá!

- Nếu thế nó sẽ không lê được tới nơi đâu?

- Mười - sáu- roi! - Khristonhia gầm lên.

Cả bọn đồng ý với con số chẵn mười sáu. Chúng bắt thằng bé phạm tội nằm xuống cát, lột quần nó ra. Khristonhia vừa lẩm bẩm hát một bài gì đó vừa dùng dao nhíp cắt mấy ngọn roi đầy những cái lộc lồm xồm vàng vàng. Anikey đánh. Những tên khác ngồi cạnh đấy hút thuốc. Đánh xong cả bọn lại lốc nhốc kéo đi. Thằng nhỏ vừa bị phạt quệt nước mắt, thắt lại quần thật chặt khập khiễng đi sau cùng.

Vừa ra khỏi bãi cát đi sang một vùng xam xám vừa cát vừa đất thịt, cả bọn lại bắt đầu nói với nhau những câu chuyện về cuộc sống hoà bình. Một lão già chỉ mảnh đất cày bị để khô, thở dài nói:

- Xem đấy, mảnh đất yêu quí nầy, nó đang chờ chủ nó, nhưng chủ nó làm gì có lúc nào mà về, còn phải đánh đấm lung tung, lang bạt trên núi trên gò.

Khi đi qua các luống cày, tên nào cũng cúi xuống vốc lấy một nắm đất khô thơm phức mùi nắng xuân, vò nát trong tay và cố nén tiếng thở dài.

- Đất đang đúng vụ gieo hạt đây!

- Bây giờ mà được cầm cái cán cày nhỉ.

- Chỉ quá ba ngày là không gieo được nữa rồi.

- Nhưng vùng chúng tôi, ở bên kia, thì còn hơi sớm.

- Phải đấy, vẫn còn sớm! Xem kìa, những cái khe ven sông Đông vẫn còn tuyết kia kìa.

Rồi đến chặng nghỉ, cả bọn ăn bữa trưa. Ông Panteley Prokofievich cho thằng bé vừa bị ăn đòn ăn cháo sữa (ông đựng cháo trong cái túi vải treo lủng lẳng trên nòng súng và suốt dọc đường nước cứ rỉ từ trong túi chảy xuống). Gã Anikey vừa cười vừa bảo ông: "Ông Prokofit ạ, ông đi đến đâu để lại đến đấy sau lưng ông một cái dải ẩm ẩm, hệt như con bò mộng ấy. Lần theo cái dải ấy thì có thể tìm thấy ông đấy". Ông cho thằng bé ăn và nói giọng từ tốn nghiêm trang:

- Nhưng thằng ngốc nầy, mày chớ có giận các cụ đấy. Mà ăn một trận đòn thì có tai vạ gì đâu? Một thằng đã bị đòn thì giá trị bằng hai thằng chưa bị đòn.

- Cụ Panteley ạ, nếu họ cho cụ một trận như thế thì có lẽ cụ đã hát bằng giọng khác rồi!

- Thằng nhỏ nầy, xưa kia tao còn bị đòn đau hơn nhiều cơ.

- Đau hơn cơ à.

- Tất nhiên rồi, đánh đau lắm. Thằng nhóc nầy, một lần ông cụ sinh ra tao đã cầm cái càng xe nện vào lưng tao, thế mà sau vẫn khỏi như thường.

- Bằng càng xe cơ à?

- Đã bảo bằng càng xe là bằng càng xe. Chà, cái thằng ngu. Nhưng ăn sữa đi chứ, sao cứ nhìn vào miệng người ta như thế: Cái muỗng của thằng nầy lại không có cán, gãy rồi sao? Đồ khốn kiếp! Hôm nay nện cho mày cũng còn ít đấy, đồ chó đẻ!

Sau bữa trưa, mọi người quyết định làm một giấc dưới bầu không khí đầu xuân nhẹ lâng và ngây ngất như rượu vang. Chúng nằm phơi lưng dưới nắng, ngáy khò khò một giấc ngắn rồi vẫn tránh đường cái đi thẳng qua cánh đồng nâu nâu, qua những đám rạ còn lại từ năm ngoái. Chúng lốc nhốc kéo nhau đi trong những cái áo vét- tông, áo ca- pôt, áo choàng bằng dạ thô của nông dân, áo khoác ngắn may bằng da thuộc, chúng đi đủ thứ ủng dài, ủng ngắn, những chiếc quần đi ngựa của chúng có lồng hay không lồng trong những đôi bít tất trắng. Những cái túi vải đựng thức ăn lủng lẳng trên lưỡi lê.

Nom những tên đào ngũ trở về đại đội thật chẳng có vẻ gì hùng dũng, đến nỗi mấy con sơn ca vẫn lao đầu trên bầu trời xanh trong vắt cất mấy tiếng hót lanh lảnh rồi lại sà xuống cỏ, đậu ngay bên cạnh chỗ nửa đại đội đi qua.

Grigori Melekhov về đến thôn thì không gặp một gã Cô- dắc nào nữa. Sáng hôm sau, chàng đặt thằng Mikatsa mới bằng tí xíu lên yên, bảo cho con ngựa ra sông uống nước, còn mình thì cùng với Natalia sang thăm cụ Grisaka và mẹ vợ.

Mụ Lukinhitna đón chàng rể với khuôn mặt đầm đìa nước mắt:

- Griska con yêu của mẹ! Ông Miron Grigorievich nhà ta mất đi, cầu Chúa cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đàng, nhà ta khốn mất rồi? Chao ôi, ở nhà lấy ai ra đồng làm việc bây giờ? Thóc trong các nhà kho đầy ăm ắp, nhưng chẳng còn ai gieo hạt nữa. Cái số phận của mẹ đây thật là đau khổ! Chỉ còn lại mấy mẹ con côi cút goá bụa, chẳng còn ai cần đến nữa, đối với ai cũng trở thành người dưng nước lã, cũng thành người thừa cả rồi! Anh xem đấy, nhà ta đã khuynh gia bại sản như thế nào! Chỉ có hai bàn tay thì còn chăm lo được gì…

Mà thật vậy, cơ nghiệp nhà nầy đã sa sút rất nhanh; ngoài sân nuôi gia súc, mấy con bò mộng đã húc nát dãy hàng rào, những cái cọc ở vài chỗ đã đổ xuống; một bức tường nhà kho đắp bằng đất trộn rơm bị nước mưa xuân thấm vào đã lở nát; sân đập lúa không còn có hàng rào nữa; sân trước nhà không có ai dọn dẹp; một cái hái lớn nằm hoen rỉ dưới mái hiên nhà kho, cũng chỗ ấy thấy nằm còng queo một cái máy gặt kiểu giản đơn đã gãy nát… Chỗ nào cũng mang dấu vết của sự tan hoang, đổ nát.

- Không có chủ, gia nghiệp nầy chẳng bao lâu sẽ tan nát thôi", - Grigori đi một lượt quanh ngôi nhà của họ Korsunov và nghĩ thầm một cách dửng dưng. Rồi chàng quay vào trong nhà.

Natalia đang thì thầm nhỏ to không biết những gì với mẹ. Vừa trông thấy Grigori bước vào, nàng không nói nữa mà chỉ mỉm cười có vẻ van lơn.

- Anh Griska ạ, vừa nãy mẹ muốn nhờ… Vì hình như anh sắp sửa ra làm đồng… Có lẽ anh cũng có thể giúp mẹ gieo được một hai đê- xi- a- chin chứ?

- Nhưng mẹ gieo làm gì hả mẹ? - Grigori hỏi. - Lúa mạch trong kho nhà ta còn đầy ắp như thế.

Mụ Lukinhitna vỗ tay đánh đét.

- Griska! Nhưng còn ruộng đất thì sao? Hồi còn sống ông ấy đã cày được ba cơ- rúc rồi đấy.

- Ruộng đất cứ để nó đấy có sao đâu? Để nằm nghỉ một năm cũng được chứ gì? Sang năm, chúng ta còn sống thì sẽ gieo.

- Sao lại có thể như thế được? Để cho ruộng đất nằm không à?

- Hãy chờ cho mặt trận rời xa vùng nầy đã, đến lúc ấy sẽ gieo cũng được - Grigori cố khuyên mẹ vợ.

Nhưng mụ kia cứ khăng khăng không nghe, thậm chí có vẻ giận dữ với chàng và cuối cùng mụ chẩu cặp môi run run.

- Thôi được nếu như anh không có thì giờ, hoặc không muốn giúp mẹ con tôi…

- Thôi được rồi! Ngày mai tôi sẽ gieo hạt cho bên nhà tôi và cũng sẽ gieo cho bên nầy chừng hai đê- xi- a- chin. Bên nầy thì như thế cũng đủ rồi… Thế ông Grisaka có còn sống không?

- Nếu thế thì cám ơn con quá, con thật là ân nhân của nhà nầy!

- Mụ Lukinhitna sung sướng nở nang cả mặt mày. - Hạt giống thì hôm nay mẹ bảo con Grisavka mang sang… Còn ông ấy à? Ông thì Chúa vẫn còn chưa gọi về. Vẫn còn sống, nhưng đầu óc đã hơi lẫn cẫn rồi. Suốt ngày suốt đêm chỉ ngồi yên một chỗ. Đọc các sách Thánh. Có lúc ông cứ nói chuyện huyên thiên mà chẳng ai hiểu được gì cả, vì toàn là chữ nghĩa của Nhà thờ… Con hãy vào thăm ông đi. Ông đang ngồi ở nhà trong đấy.

Một giọt nước mắt chảy lăn tăn trên cái má phinh phính của Natalia. Nàng mỉm cười qua hàng nước mắt nói:

- Con vừa vào thăm ông, ông bảo: "Con bé ranh ma nầy! Sao mầy chẳng đến thăm ông nữa thế? Ông sắp chết đến nơi rồi, cháu yêu của ông ạ. Ông nghĩ rằng ông sẽ cầu Chúa cho mày, cho cháu yêu của ông vài câu. Ông muốn xuống đất rồi, Nataska ạ… Đất nó đang gọi ông đấy… Đã đến lúc rồi!"

Grigori bước vào nhà trong. Mùi trầm hương, mùi mốc meo, mùi thối rữa và mùi một con người già cả bẩn thỉu xông lên nồng nặc, đập vào mũi chàng. Cụ Grisaka đang ngồi trên chiếc giường đắp liền với bếp lò, trên mình vẫn mặc chiếc áo quân phục màu xám cổ đính những phù hiệu đỏ lóe. Chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình của cụ được vá rất khéo, đôi bít tất len mạng cẩn thận. Con bé Grisavka còn nhỏ tuổi đã nhận lấy trách nhiệm săn sóc ông nó và nó cũng chăm nom ông cụ một cách ân cần âu yếm như Natalia xưa kia, hồi nàng còn con gái.

Cụ Grisaka đặt một cuốn Kinh Thánh trên đầu gối. Cụ nhìn Grigori qua cái kính gọng đồng đã rỉ xanh rồi nheo hai hàm răng trắng loá ra cười:

- Thầy quyền đấy à? Còn nguyên vẹn à? Chúa còn che chở cho mày khỏi bị viên đạn hung ác bắn phải à? Chà, ơn Chúa. Ngồi xuống đây.

- Ông có khỏe không ông?

- Gì cơ?

- Cháu hỏi ông có khỏe không?

- Cái thằng kỳ quặc! Đúng đấy, mày thật là một thằng kỳ quặc! Ở cái tuổi của ông thì còn làm thế nào mà khỏe được hử? Ông đã sắp một trăm tuổi rồi còn đâu. Phải, một trăm đến nơi rồi… Cái già nó ập tới lúc nào không biết. Cứ tưởng như mới hôm qua mình còn trẻ trai khỏe mạnh với cái bờm tóc hung hung. Thế mà hôm nay bừng mắt dậy đã thấy nó rồi, đã chỉ thấy có cái già lụ khụ… Cuộc đời của con người chỉ loáng cái là hết, cứ như một ánh chớp mùa hè, khoảnh khắc là không còn gì nữa… Tao đã hoàn toàn sức cùng lực kiệt rồi. Cái quan tài để dưới nhà kho đã từ năm nảo năm nào, nhưng có lẽ Chúa đã quên mất tao rồi. Cái thằng tội lỗi là tao đã nhiều lần cầu Chúa: "Lạy Chúa tôi, xin Chúa ra ơn đoái nhìn tới thằng Grigori 1 nô lệ của Chúa? Con đã muốn nằm xuống đất và đất nó cũng muốn con xuống với nó rồi"…

- Ông còn sống nhiều nữa ông ạ. Miệng ông còn đầy răng kia kìa.

- Cái gì hả?

- Răng ông còn nhiều lắm?

- Răng ấy à? Sao lại có đứa ngu xuẩn như mày! - Cụ Grisaka nổi giận - Khi mà hồn đã sắp sửa lìa khỏi xác thì lấy răng mà cắn cũng chẳng giữ lại được… Thế là mày vẫn đánh nhau à, cái thằng điên cuồng rồ dại nầy?

- Vâng, cháu vẫn đánh nhau.

- Cái thằng Mitka nhà nầy cũng đã rút lui rồi. Rồi mà xem, tính nó cũng liều lĩnh như một con ngựa cuồng ấy.

- Vâng, liều lắm.

- Tao cũng muốn nói như thế đấy. Nhưng vì sao mà chúng mày đánh nhau cơ chứ? Chính chúng mày cũng chẳng nhìn thấy rõ gì cả! Mọi việc đều xảy ra theo ý Chúa cả. Thử hỏi thằng Miron nhà nầy vì sao mà mất mạng? Chính vì nó đã cưỡng lại ý Chúa, đã xúi giục dân chúng chống lại chính quyền. Mà chính quyền nào chẳng là do Chúa đặt lên? Dù cho cái chính quyền ấy chống lại Chúa, nhưng nó vẫn là do Chúa đặt bày. Ngay từ hồi ấy, tao đã bảo nó: "Miron! Mày chớ có xúi bẩy bọn Cô- dắc nổi loạn, chớ có xúc xiểm chống lại chính quyền, chớ có đẩy người ta tới chỗ phạm tội!" Nhưng nó lại bảo tao: "Không, cha ạ, con không chịu được nữa rồi! Nhất định phải nổi dậy, tiêu diệt cái chính quyền nầy đi mới được, nó muốn dồn chúng ta tới chỗ đi ăn mày ăn xin. Trước kia chúng ta sống còn ra con người, nhưng chúng nó lại làm chúng ta biến thành một phường cầu bơ cầu bất!" Và nó đã không chịu được thật. Kẻ nào vung gươm lên gây chuyện can qua, kẻ ấy sẽ chết vì lưỡi gươm. Đúng là như thế đấy. Griska à, thiên hạ đồn rằng mầy đã làm đến cấp tướng, chỉ huy cả một sư đoàn. Có đúng thế không?

- Vâng, đúng đấy.

- Mày chỉ huy à?

- Vâng, cháu chỉ huy.

- Thế lon vai của mầy đâu?

- Chúng cháu đã bỏ hết lon vai rồi.

- Chà bọn ôn dịch! Bỏ hết rồi? Thế thì mày còn ra cái thớ tướng tá gì nữa? Thật là đau khổ! Những ông tướng trước kia chỉ nhìn thấy sung sướng cả mặt: béo tốt đẫy đà, cái bụng phệ ra, uy phong lẫm lẫm! Còn như mày bây giờ thì… Xì, chỉ có như thế nầy, chẳng hơn được chút nào! Đeo trên người độc một cái áo ca- pôt bẩn như ma lem, bùn lấm bê bết, vai không đeo lon, ngực không có dây ngù trắng. Có lẽ các đường khâu đều nhung nhúc những rận…

Grigori cười khồ khồ. Nhưng cụ Grisaka vẫn nói tiếp bằng một giọng tức tối:

- Nầy mầy chớ có nhăn nhăn nhở nhở như thế, đồ khốn kiếp! Mầy dẫn con nhà người ta đi đến chỗ chết, mày thúc đẩy chúng nó chống lại Chính phủ… Mầy mang một cái tội tầy đình như thế, chuyện nầy không có gì đáng cho mày nhe răng nhe lợi ra như thế đâu! Còn gì nữa? Nhưng dù sao rồi cũng thế thôi. Đằng nào chúng mày cũng sẽ bị tiêu diệt, và rồi lại liên lụy cả đến chúng tao. Chúa sẽ chỉ cho chúng mày nhìn thấy con đường của Chúa. Chẳng nhẽ Kinh Thánh còn chưa nói rõ về cái thời loạn lạc của chúng ta hay sao? Thôi được, mày hãy nghe đây, tao sẽ đọc ngay cho mà nghe những lời dạy của đấng tiên tri Gieremi 2

Ông già đưa những ngón tay vàng khè giở những trang giấy cũng vàng khè của cuốn Kinh Thánh rồi bắt đầu thủng thẳng dọc từng tiếng:

- "Các người hãy truyền rao, hãy báo tin cho vạn quốc tường, hãy dựng cờ xí, hãy hô hoán và đừng có giấu. Hãy nói to lên rằng Babilon 3 đã bị công khắc. Bên 4 đầy hổ thẹn, Merodac 5 bị kinh hoàng, thần tượng của nó mang xấu hổ, ngẫu tượng của nó bị phá đổ. Vì một dân từ phương bắc nghịch cùng nó làm cho đất nó ra hoang vu, không còn có gì sống ở đấy nữa: cả người lẫn súc vật đều trốn tránh và đi mất…" 6 Griska nầy, mày đã vỡ lẽ chưa? Sẽ có những kẻ từ phương bắc đến đánh bại cái dân Babilon chúng mày. Và mày hãy nghe thêm đây: "Đức Giehova 7 phán, trong những ngày đó, trong thời kỳ đó, con cái Ixraen và con cái Giuđa 8 cùng nhau trở lại, vừa đi vừa khóc, tìm kiếm Giehova, Đức Chúa trời mình. Dân của ta vốn là một bầy chiến lạc, những kẻ chăn đã làm chúng lộn đường, để chúng lầm lạc trên cái núi, đi từ núi qua gò 9

- Ông nói những gì thế? Như thế nghĩa là làm sao? - Grigori không hiểu rõ cái thứ tiếng Slavơ dùng trong nhà thờ bèn hỏi.

- Đồ khốn kiếp, như thế nghĩa là cái bọn làm loạn chúng mày sẽ phải chạy trốn trên các vùng núi non. Hơn nữa chúng mày lại không đáng mặt là những thằng chăn dắt bọn Cô- dắc, chính chúng mày còn tồi tệ hơn những con chiên lạc, chúng mày cũng chẳng biết chúng mày đang làm gì… Mày hãy nghe thêm đây: "Quên mất chỗ mình an nghỉ. Phàm những con gì gặp chúng nó đều vồ nuốt chúng nó". Cả điều nầy cũng rất đúng? Hiện nay chẳng phải chấy rận đang ăn thịt chúng mày hay sao?

- Chấy rận thì không có cách nào thoát được? - Grigori cũng nhận thấy như thế.

- Đấy cũng là một điểm rất đúng. Và còn đây nữa: "Và những kẻ nghịch cùng chúng nó đều nói rằng: chúng ta không đáng tội vì chúng nó đã phạm tội nghịch cùng Đức Giehova. Hãy trốn ra ngoài Babilon, hãy ra khỏi đất của người Candé 10, hãy đi như con dê đực đi đầu bầy. Vì nầy, ta sẽ khiến nhiều dân dấy lên từ xứ phương bắc và đến nghịch cùng Babilon, và từ đó nó bị hãm lấy, vì tên chúng nó bắn như tên của lính chiến giỏi, chẳng trở về không. Đất đai Candé sẽ bị cướp phá, phàm kẻ cướp phá nó đều được no nê. Đức Giehova phán vầy: hỡi những kẻ cướp phá sản nghiệp của ta, các người hoan hỉ, hớn hở" 11.

- Ông ơi ông? Ông nói lại thành tiếng Nga cho cháu nghe với, nếu không cháu chẳng hiểu gì đâu, - Grigori ngắt lời cụ Grisaka.

Nhưng cụ già vẫn nhay nhay cặp môi, nhìn chàng bằng hai con mắt hoàn toàn trống rỗng và nói:

- Tao sắp đọc xong rồi, mày hãy nghe đây: "Vì các người buông lung như những con bò non trên bãi cỏ, reo hí như ngựa mập mạnh. Bởi vậy mẹ các người rất mang xấu hổ, kẻ sinh ra các người bị thẹn thuồng. Kìa nó sẽ đứng cuối cùng trong hàng cấc nước, chỉ còn là một đồng vắng, một đất hoang, một nơi xa mạch. Bởi cơn giận của Đức Giehova, nó sẽ vĩnh viễn không có người ở nữa, toàn cõi sẽ thành hoang vu, phàm những kẻ đi qua gần Babilon đều sẽ kinh ngạc và phỉ báng về mọi tai nạn nó gặp phải".

- Nhưng như vậy nghĩa là làm sao cơ chứ? - Grigori lại hỏi, trong lòng chàng đã có phần bực bội.

Cụ Grisaka không trả lời, chỉ gập quyển Kinh Thánh lại và nằm xuống giường.

"Té ra con người ta vốn dĩ đều như thế cả - Grigori vừa bước từ nhà trong ra vừa nghĩ thầm - Lúc trẻ thì hoành hành ngang ngược như điên, vodka tu thả cửa và đua đòi đủ mọi trò bậy bạ khác, song đến khi về già thì hồi trẻ càng ngang ngược bao nhiêu, bây giờ lại càng núp sau bóng Chúa bấy nhiêu. Cứ xem như ông Grisaka đấy. Hai hàm răng vẫn còn như răng chó sói. Nghe nói hồi còn trẻ ông cụ đi lính về là bao nhiêu đàn bà con gái trong thôn đều khóc dở mếu dở, gà nhà cũng như gà rừng, chẳng chị chàng nào không qua tay. Thế mà bây giờ… Chà, nếu mà mình sống được đến già thì mình sẽ chẳng dọc cái của tội nợ nầy làm gì! Mình đâu phải là thằng mê nổi Kinh Thánh".

Ở nhà mẹ vợ về, Grigori vừa đi vừa nghe lại câu chuyện nói với cụ Grisaka cùng những lời "sấm truyền" thần bí và khó hiểu trong Kinh Thánh. Natalia cũng chẳng nói chẳng rằng. Grigori về chơi nhà lần nầy, nàng đã tiếp đón chồng với một thái độ nghiêm khắc khác thường. Xem ra thì tiếng ong tiếng ve về chuyện chàng ăn chơi bừa bãi và đi lại lăng nhăng với những ả trong các thôn của trấn Karginskaia cũng đã lọt đến nàng. Tối hôm chàng mới về, nàng dọn chỗ ngủ cho chồng trên giường, ở nhà trong, còn mình thì đắp một cái áo choàng bằng dạ nằm trên cái rương. Nhưng nàng không hề có một lời trách móc cũng không gạn hỏi gì. Cả Grigori cũng lặng thinh suốt đêm, vì chàng nghĩ rằng tạm thời tốt nhất là đừng hỏi han gì vội về những nguyên nhân dẫn tới cái không khí lạnh nhạt khác thường như thế giữa hai người…

Hai người lặng lẽ đi dọc theo phố vắng tanh, xa lạ với nhau hơn bao giờ hết. Từ phía nam thổi tới một làn gió ấm, nhẹ nhàng, ve vuốt Những đám mây trắng rất dày chất chồng bên phía trời tây, đúng như thường thấy về mùa xuân. Đỉnh của những đám may màu xanh nhạt, xốp như đường, quay tròn, luôn luôn thay hình đổi dạng, chập chờn dồn tới ven những trái núi đã bắt đầu xanh ra bên sông Đông. Một tiếng sấm đầu mùa dội lên ì ầm, khắp thôn nồng nặc cái mùi thơm dễ chịu, đầy sức sống của những cái lộc mới bung ra trên cây cối, cùng với mùi đất đen đã tan băng nhạt thếch. Những làn sóng bạc đầu đuổi nhau trên mặt sông Đông xanh biếc tràn lan trong mùa lũ. Làn gió thổi từ miền hạ du tới, đem theó hơi ẩm rất khỏe người, mùi lá mục hắc hắc và mùi cây cối đẫm nước. Một mảnh đất đã cày xong nọn như một cái nêm, nằm dài trên sườn một ngọn gò nom như một mảnh vá bằng nhung đen, bốc hơi ngùn ngụt thành một làn mây mù chập trờn trên những trái núi ven sông Đông. Một con sơn ca hót say sưa ngay trên con đường, những con chuột đồng chạy ngang qua đường rít chi chí. Và bên trên tất cả cái thế giới tràn trề sức sinh sôi nảy nở mãnh liệt và khả năng vĩ đại sáng tạo sự sống, là vừng mặt trời kiêu hãnh đang ngự cao ngất.

Về đến giữa thôn, Natalia dừng lại bên một cái cầu bắc qua một cái khe nhỏ, dưới đó nước mùa xuân vẫn còn chảy từ trong núi ra sông Đông với những tiếng bập bẹ nghe vui như tiếng con nít. Natalia cúi xuống làm vẻ như buộc lại dây của chiếc ủng ngắn nhưng thật ra là để giấu không cho Grigori trông thấy mặt mình.

Nàng bỗng hỏi:

- Sao anh cứ ngậm tăm như thế?

- Nhưng có gì mà nói với em bây giờ?

- Cũng có đấy… Chẳng hạn anh hãy kể anh đã say tuý luý như thế nào ở gần Karginskaia, đã tằng tịu thế nào… với những con…

- Thế là em đã biết rồi à? - Grigori móc túi thuốc ra, bắt đầu cuốn một điếu. Cỏ đôn- nhích trộn lẫn với thuốc lá nhà trồng toả một mùi thơm ngọt ngọt. Grigori rít một hơi rồi hỏi lại:

- Như thế là em đã biết rồi à? Nghe ai nói thế?

- Em nói biết là biết. Toàn thôn đều biết hết, thiếu gì người nói cho biết.

- Nếu đã biết rồi thì còn có gì phải kể nữa?

Grigori bước những bước rất dài. Tiếng chân chàng dận thưa thớt trên lớp vân gỗ lát cầu và tiếng chân Natalia lon ton chạy theo cho kịp vang lên trong bầu không khí mùa xuân tịch mịch và trong vắt.

Từ chỗ cái cầu trở đi, Natalia lại nín lặng, chốc chốc lại quệt hai dòng nước mắt tuôn ra như suối. Cuối cùng nàng cố nuốt tiếng nức nở, lắp bắp hỏi:

- Anh lại giở cái trò cũ à?

- Thôi không nói nữa, Natalia!

- Đồ chó dái đáng nguyền rủa, bạ chỗ nào cũng rúc mõm vào được! Tại sao anh lại làm khổ tôi lần nữa như thế?

- Tốt nhất là em bớt nghe những lời đơm đặt ấy đi.

- Chính anh đã thú nhận rồi cơ mà!

- Thế nào họ cũng thổi phồng với em hơn mức có thật. Nhưng phải, anh cũng có lỗi với em một chút… Nataska ạ, cái cuộc sống, chính nó mới là kẻ có tội đấy… Lúc nào cũng đi kè kè bên cạnh cái chết thì đôi khi cũng phải bước ra ngoài luống cày…

- Nom hai đứa con anh đã lớn bằng ngần ấy rồi! Thế mà còn hấp háy con mắt, không còn có chút lương tâm gì nữa!

- Hà! Lương tâm! - Grigori bật cười, nhe cả những cái răng ngầu bọt. - Lương tâm thì anh đã quên không nghĩ tới nữa rồi. Trong khi cả cuộc đời mình đã bị chúng nó cướp đi mất rồi thì còn nói gì đến lương tâm… Phải đi giết người… Mà cũng chẳng hiểu tất cả cái trò đâm chém lung tung như vậy để làm gì… Nhưng nói với em như thế nào bây giờ? Em không thể nào hiểu được đâu? Lúc nầy trong lòng em chỉ sục sôi một nỗi căm uất của người đàn bà, em làm thế nào nghĩ được rằng tim anh đang nhức nhối, máu anh đang cạn đi. Vì thế anh đã phải tìm đến vodka. Hôm nọ anh lên một cơn thần kinh. Lúc ấy tim anh hoàn toàn ngừng đập, khắp người lạnh ngắt… Mặt Grigori tối sầm lại, những lời chàng nói phải dặn ra rất vất vả. - Anh rất đau khổ, vì thế đã phải mò mẫm xem làm thế nào để có thể quên hết đi, rượu cũng được, đàn bà cũng được… Em hãy hượm! Để anh nói nốt đã: cái chỗ nầy của anh nó nhức nhối, nhức nhối, lúc nào cũng quặn lại… Con đường đời đã chọn không đúng rồi, mà chuyện nầy thì có lẽ cả anh cũng có lỗi… Bây giờ đúng là phải giảng hoà với bên Đỏ, thế mà lại đi theo bọn Kadet. Nhưng làm thế nào bây giờ? Ai sẽ đưa chúng ta về với Chính quyền Xô viết bây giờ? Làm thế nào mà trả cho xong món nợ chung của chúng ta bây giờ? Một nửa số Cô- dắc đã chạy sang bên kia sông Dones, những thằng còn ở lại đây thì hoá điên hoá rồ, đất dưới chân bị lở mất rồi… Natalia ạ, đầu óc anh đã hoàn toàn rối loạn… Ngay đến ông Grisaka của em đọc trong Kinh Thánh cũng nói rằng chúng ta đã làm không đúng, vốn ta không nên bạo động mới phải. Ông đã chửi cả cha em.

- Ông thì loạn óc rồi? Bây giờ lại đến lượt anh.

- Em thì chỉ có thể nghĩ được đến như thế thôi. Đầu óc em không thể nào nghĩ đến chuyện khác được…

- Ối giào, anh đừng có cái kiểu đánh trống lảng như thế! Đã làm những trò bậy bạ, đã bị kết tội, rồi bây giờ bao nhiêu sai trái đều đổ cả cho chiến tranh. Đàn ông các anh đều như thế cả! Đồ quỷ dữ, tôi đã vì anh mà chịu tội nợ có ít gì đâu? Chỉ hối là lần ấy không cắt cổ đến chết thẳng đi cho rảnh.

- Không thể nào nói thêm với em được gì nữa đâu. Nếu em cảm thấy đau khổ thì cứ khóc đi, nước mắt của đàn bà các em bao giờ cũng làm cho trong lòng bớt nặng nề. Còn anh bây giờ thì không an ủi được em đâu. Anh đã vấy đầy máu người vì thế không còn có thể thương ai được nữa. Còn anh, hầu như anh cũng không còn biết thương, và ngay cả bản thân anh, anh cũng chẳng nghĩ tới nữa. Mọi cái gì trong người anh đều đã bị chiến tranh hút hết đi mất rồi. Anh đã bắt đầu sợ bản thân mình… Nếu nhìn vào trong tâm hồn anh thì sẽ thấy đen ngòm như một cái giếng cạn…

Hai người về gần tới nhà thì một trận mưa rất nặng hạt chéo xuống từ đám mây xám vừa ập tới. Những giọt mưa chọc thủng lớp bụi đường nhẹ lâng, nặc mùi nắng, đập lộp bộp xuống những mái nhà, toả ra một làn hơi lạnh rung rinh, mát rượi. Natalia khóc nức nở. Grigori cởi khuy áo ca- pốt, lấy một bên tà áo che cho nàng, ôm lấy nàng. Hai người cứ thế ôm chặt lấy nhau trong cùng một chiếc áo ca- pốt, cùng bước vào trong nhà dưới trận mưa xuân đổ như trút.

Chiều hôm ấy, Grigori ra sân gia súc sửa lại cái cày, thử lại những cái cánh của cái máy gieo hạt. Đứa con trai mười lăm tuổi của gã Semion "Đầu gang" lắp quàng lắp quấy lưỡi cày vào cái cày cũ của nhà Melekhov. Thằng bé đã học qua nghề thợ rèn và từ ngày bạo động nó trở thành người thợ rèn độc nhất của thôn Tatarsky. Mọi thứ đã được sửa soạn sẵn sàng cho công việc đồng áng mùa xuân. Vì ông Panteley Prokofievich đã dự trữ cỏ khô đầy đủ nên mấy con bò mộng dắt ở chuồng bò mùa xuân về rất béo tốt.

Sáng sớm hôm sau Grigori sắp sửa ra đồng cỏ. Lúc gần nửa đêm bà Ilinhitna và Dunhiaska đã nhóm lò để làm thức ăn cho người đi cày mang ra dùng. Grigori định làm việc chừng năm ngày, gieo ít thóc cho nhà mình và cho mẹ vợ, cày khoảng hai đê- xi- a- chin để trồng dưa và hướng dương rồi sẽ gọi bố ở đại đội về để gieo hạt nốt.

Một làn khói màu tím nhạt cuồn cuộn bốc lên từ trong cái ống khói của ngôi nhà thân yêu. Dunhiaska, bây giờ đã là một cô gái sẵn sàng để có thể làm mẹ, đang lăng xăng chạy đi chạy lại quơ củi khô vào nhà làm bếp. Grigori nhìn cái lưng ong tròn trặn và bộ ngực cao của em gái, bất giác có một ý nghĩ buồn rầu và bực bội: "Con bé đã lớn phổng lên như thế nầy rồi đấy! Cuộc đời qua nhanh cứ như một con ngựa dữ ấy. Hồi nó còn là một con bé thò lò mũi xanh có phải đã lâu la gì đâu. Trước kia những lúc nó chạy cái đuôi sam cứ lúc lắc trên lưng, nhỏ chỉ bằng cái đuôi chuột, thế mà bây giờ nó đã như thế nầy, lấy chồng được rồi còn gì. Còn mình thì đầy tóc bạc, xơ xác, rạc rày không còn ra người ngợm gì nữa… ông Grisaka nói quả cũng đúng: "Đời con người chỉ loáng một cái là hết, chẳng khác gì ánh chớp mùa hè". Con người đã có một cuộc đời ngắn ngủi như vậy, thế mà cái khoảng đó lại còn bị cắt bớt thêm… Mẹ nó chứ, sao lại có cái trò đùa kiểu như thế? Thôi nếu thế nào cũng bị chúng nó giết, thì cứ giết ngay đi cũng được".

Daria đi tới gần Grigori. Từ ngày Petro chết đi, chị chàng đã trở lại bình thường một cách nhanh chóng lạ lùng. Hồi đầu Daria buồn rầu rĩ, mặt vàng ra vì đau khổ, thậm chí còn già đi. Nhưng vừa thoảng có hơi gió xuân, mặt trời vừa toả nắng ấm áp một chút là nỗi đau buồn của Daria đã biến ngay đi cùng với tuyết tan. Một ánh hồng hào đã ửng lên trên cặp má dài dài, hai con mắt mờ đi đã lại long lanh, và dáng đi lại nhẹ nhàng õng ẹo như xưa… Cả những thói quen cũ cũng đã quy trở lại với Daria: hai hàng lông mày thanh thanh hình vòng cung lại được tô đen, cặp má bóng nhẫy vì pho- mát, Daria lại thích pha trò, lại hay làm Natalia bấn lên với những lời tục tĩu. Môi chị chàng càng hay chúm chím chỉ chờ dịp được cười. Sự sống chiến thắng đã vượt lên tất cả.

Daria bước tới trước mặt Grigori, tóet miệng cười, khuôn mặt xinh đẹp toả ra mùi thơm ngây ngất của pho- mát dưa chuột.

- Chú Griska yêu quý, tôi cũng giúp chú được việc gì chứ?

- Chẳng có gì để mà giúp đâu.

- Chao ôi, chú Grigori Panteleevich! Chú đã trở nên nghiêm khắc đối với tôi đối với con người goá bụa như tôi, đến thế cơ à! Cười cũng chẳng cười, vai cũng chẳng buồn động đậy nữa.

- Chị vào làm bữa đi thì hơn, chỉ khỏe nhe răng ra cười?

- Chà, cần gì đến tôi phải làm!

- Chị cũng có thể giúp Natalia được đấy. Thằng Misatca đang lấm như ma lem kia kìa.

- Còn có chuyện như thế cơ à? Chú thím cứ ra sức mà đẻ, để tôi phải tắm rửa cho chúng nó thay chú thím hay sao? Thật là vô nghĩa lý! Cái thím Natalia của chú thì có thể đẻ sòn sòn như con thỏ cái được đấy. Thím ấy còn cho chú hàng chục đứa nữa. Bảo tôi tắm rửa cho tất cả thì đến gãy tay mất.

- Thôi thôi đủ rồi! Chị đi đâu thì đi!

- Chú Grigori Panteleevich! Bây giờ trong toàn thôn chỉ con độc một mình chú là đàn ông cho tất cả bọn đàn bà con gái đấy. Chú đừng xua đuổi tôi, để cho tôi ngắm bộ ria đen mê hồn của chú một chút, dù phải đứng từ xa cũng được?

Grigori bật cười, chàng hất món tóc khỏi vầng trán đẫm mồ hôi.

- Đàn bà như chị dễ có mấy tay! Không hiểu trước kia anh Petro đã sống với chị như thế nào… Có lẽ chị còn chưa bị kéo rách tai đấy.

- Chú cứ yên tâm! - Daria kiêu hãnh nhận như vậy. Ả nheo mắt nhìn Grigori một cách nghịch ngợm rồi giả dạng hoảng hốt nhìn vào trong nhà. - Chà, tôi thấy thím Natalia đang đi ra ấy… Cái thím ấy của chú ghen đến là ghê, chẳng còn ra thể thống gì nữa! Hôm nay ăn bữa trưa, tôi chỉ nhìn chú có một cái mà thím ấy đã sầm mặt ngay. Mới hôm qua thôi, những ả còn trẻ trong thôn đã bảo tôi: "Như thế nầy thì còn trời đất gì nữa? Trong thôn chẳng còn một gã Cô- dắc nào nữa, thế mà cái anh chàng Griska nhà chị về thăm nhà cứ bám chặt lấy vợ. Bảo chị em chúng tôi sống như thế nào bây giờ? Dù cho hắn có thương tích đầy người, dù cho hắn chỉ còn được một nửa trước kia, chị em chúng tôi cũng ôm lấy cái nửa ấy mà sướng chết đi được. Chị hãy bảo hắn là đêm hôm chớ có lang thang trong thôn, chúng tôi mà vớ được thì khốn đấy? Tôi bèn bảo chúng nó: "Không đâu, các chị ạ, cái chú Griska nhà tôi thì chỉ dấm dớ kiếm chác ở những thôn nào, chứ về đến nhà là chỉ bám lấy gấu váy Natalia chẳng rời ra chút nào cả. Gần đây hắn đã trở thành ông thánh ở nhà chúng tôi rồi đấy…"

- Thôi đi, chị đúng là một con chó cái? - Grigori bật cười, nói không có vẻ gì ác ý. - Lưỡi cứ như cái giẻ lau!

- Tôi vốn dĩ là như thế thôi. Còn như cái thím Natalia của chú, xinh đẹp yêu kiều, tuyết sạch giá trong ấy, hôm qua đã đuổi không cho chú bén mảng tới gấn đấy. Đối với con chó dái như chú thì phải như thế mới đỡ vượt ra ngoài quy củ?

- Thôi đi, chị thật là… Thôi đi chỗ khác đi, chị Daria. Đừng có dính vào công việc của người khác.

- Nào tôi dính vào làm gì? Tôi muốn nói rằng cái thím Natalia của chú nó ngốc lắm. Ai đời chồng về mà làm bộ làm tịch, bỏ đi nằm trên nắp rương, làm như mình dễ vỡ như cái bánh mật ong một kopeik không bằng… Nếu mà là tôi thì có được một gã Cô- dắc, tôi sẽ không từ chối đâu! Lọt vào tay tôi thì… một tay dũng cảm như chú tôi cũng làm cho hết hồn hết vía?

Daria nghiến răng phá lên cười rồi vừa ngoái nhìn Grigori vừa đi vào nhà trong, đôi hoa tai bằng vàng lóng lánh. Grigori vừa buồn cười vừa ngượng, tự nhiên thấy vui vui. Chàng nghĩ bụng:

"Anh Petro ạ, anh chết đi kể cũng may đời… Con mụ nầy không phải là Daria đâu, mà là một con quỷ cái đấy? Dù sao cũng có lúc nó cho anh về chầu Chúa thôi!".

--- ------ ------ ------ -------

1 Tên cúng cơm của cụ Grisaca (ND).

2 Một trong bốn nhà tiên tri lớn của Israel, chết khoảng năm 680 trước công nguyên. Sau khi đất thánh bị tan hoang lần thứ hai, ông có viết những lời than nổi tiếng. Các lời tiên tri của ông gần như là một tập hồi ký về thời ông làm tể tướng (ND).

3 Một thành phố trên sông Ophrat, vùng Lưỡng hà (Medopotamt), kinh đô của một vương quốc lớn (ND).

4 Tên gọi thần Macduc, thần chủ tể của Babilon (ND).

5 Vua Babilon, trị vì khoảng năm 720 trước công nguyên, đi lại thân mật với vua Giuđa (ND).

6 Cựu ước, sách của Gieremi, chương L, tiết 2, 3.

7 Tên Đức Chúa trời đã tự xưng với Moise khi hiện ra trong ngọn lửa, giữa bụi gai (ND)/

8 Sau khi Salomon chết đi (khoảng năm 930 trước công nguyên), Gieroboam kéo mười bộ tộc tách rời ra, lập nên nước Israel Roboam, con của Salomon, chỉ làm vua hai bộ tộc, lấy tên chung là Giuđa. Dân nầy trung thành với Đức Chúa trời hơn dân Israel, nhưng cũng bị kẻ địch đánh chiếm như dân Israel (ND).

9 Cựu ước, sách của Gieremi, chương L, tiết tiết 3, 4 (ND).

10 Một vùng ô miền hạ du sông Ophrat (ND).

11 Cựu ước, sách của Gieremi, chương L, tiết 6, 7 (ND).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.