Sông Đông Êm Đềm

Chương 189: Chương 189




Ngày nào bà Ilinhitna cũng dậy từ lúc trời mới hửng để vắt sữa bò và bắt tay vào công việc bếp núc. Bà không nhóm lò trong nhà mà lại đốt lửa trong căn bếp dùng về mùa hè, sửa soạn xong bữa ăn rồi lại lên nhà trên với hai đứa trẻ.

Sau khi mắc bệnh thương hàn, Natalia dần dần lấy lại sức khỏe. Lễ Thánh thần giáng lâm đến lần thứ hai thì lần đầu tiên nàng không phải nằm lì trên giường bệnh nữa. Nàng lê rất vất vả hai cái chân gầy khô đi một lượt qua các phòng, hí húi bới tóc bắt chấy rất lâu cho hai con, thậm chí còn thử ngồi trên chiếc ghế đẩu, giặt mấy chiếc quần áo nhỏ xíu của trẻ con.

Nhưng nụ cười không lúc nào tắt trên khuôn mặt gầy tọp của nàng, hai cái má hóp đã thoáng ánh hồng hồng, và cặp mắt nàng trở nên mênh mông sau những ngày bị bệnh, cứ phát ra những tia sáng ngời rung rinh ấm áp, hệt như sau một thời kỳ sinh nở.

- Poliuska, con đẹp con xinh của mẹ! Những hôm mẹ ốm, Misatka có bắt nạt con không? - Nàng đưa tay vuốt bộ tóc đen nhanh trên đầu con gái, hỏi giọng yếu ớt, thều thào kéo dài từng tiếng.

- Không đâu, mẹ ạ! Misatka chỉ đánh con có một lần thôi, còn thì hai chúng con chơi với nhau vui lắm. - Đứa con gái nhỏ rủ rỉ trả lời và cứ áp mặt thật chặt vào đầu gối mẹ.

- Thế bà có thương các con không? - Natalia mỉm cười hỏi thêm.

- Bà thương lắm?

- Thế những người lạ, bọn lính Đỏ ấy, họ có làm gì các con không?

- Chúng nó làm thịt mất một con bò non của nhà ta đấy, cái bọn đáng nguyền rủa ấy!- Thằng Misatka trả lời bằng một giọng trầm trầm. Nó giống bố một cách lạ lùng.

- Không được chửi bậy, Misatka? Xem kìa, con ra dáng ông chủ nhà lắm rồi đấy! Không được dùng những tiếng thô lỗ để nói về người lớn nhé! - Natalia cố ghìm nụ cười để dạy con.

- Bà vẫn hỏi họ như thế đấy, mẹ cứ hỏi Poliuska mà xem. - Thằng bé Melekhov cố chống chế với vẻ mặt âm thầm.

- Đúng thế đấy mẹ ạ, gà nhà ta họ giết thịt sạch, chẳng còn con nào nữa.

Con Poliuska sôi nổi hẳn lên, nó long lanh hai con mắt đen láy, bắt đầu kể chuyện các chiến sĩ Hồng quân mò vào sân gia súc như thế nào, và bà Ilinhitna đã van nài họ như thế nào để họ dành lại cho một con gà trống lông màu vàng có cái mào đã bị hỏng vì rét cóng để làm giống, và người chiến sĩ Hồng quân vui tính đã vung con gà lên như thế nào để trả lời bà già. Anh ta nói: "Bà cụ ạ, con gà trống nầy đã gáy chống lại Chính quyền Xô viết, vì thế chúng tôi đã tuyên án xử tử nó rồi! Cụ van xin thế nào thì van xin, nhưng chúng tôi vẫn phải giết thịt nó để nấu mì sợi, rồi chúng tôi sẽ để lại đền cụ một đôi ủng dạ cũ.

Rồi con Poliuska dang hai tay ra hiệu:

- Người ta đã để lại một đôi ủng dạ như thế nầy nầy! To ơi là to, và thủng rách bươm!

Natalia hết cười lại khóc, nàng âu yếm vuốt ve hai con, cặp mắt hân hoan cứ dính chặt vào đứa con gái. Nàng sung sướng khẽ nói:

Chà cô bé Grigorievna 1 của mẹ! Con đúng là con gái của bố Grigori! Chân lông kẽ tóc, chỗ nào cũng hệt như bố của con.

- Thế con có giống không? - Thằng Misatka hơi có ý ghen tị và rụt rè nép vào người mẹ.

- Cả con cũng giống. Nhưng con phải nhớ nhé: bao giờ lớn lên, con chớ có bừa bãi như cha con đấy…

- Thế cha bừa bãi à? Cha bừa bãi như thế nào hả mẹ? - Con Poliuska tò mò hỏi.

Một vẻ âu sầu phủ lên mặt Natalia như cái bóng đen. Nàng nín lặng một lát rồi nặng nề đứng lên khỏi chiếc ghế dài.

Bà Ilinhitna đang có mặt ở đấy bực mình quay đi. Còn Natalia thì không nghe hai con ríu rít nữa. Nàng ra đứng bên cửa sổ nhìn rất lâu những cái cửa chớp đóng kín mít của nhà Astakhov, chốc chốc lại thở dài, tay mân mê chỗ viền đăng- ten trên chiếc áo ngắn cũ đã bạc màu, vẻ mặt xao xuyến.

Hôm sau, trời vừa tảng sáng nàng đã thức giấc, rón rén ra khỏi giường để hai đứa con khỏi tỉnh dậy. Rồi nàng lau rửa và lấy trong chiếc rương ra cái váy sạch, chiếc áo ngắn mặc ngoài và cái khăn che nắng màu trắng. Nàng có vẻ rất xúc động, và cứ nhìn cách ăn vận cùng vẻ trầm lặng âu sầu và trang nghiêm của con dâu, bà Ilinhitna cũng đoán được rằng Natalia sắp đi thăm mộ cụ Grisaka.

- Mày định đi đâu đấy hả con? - Bà Ilinhitna hỏi thử xem mình đoán có đúng không.

- Con ra thăm ông con một cái. - Natalia trả lời, nhưng chỉ sợ mình sẽ oà lên khóc nên không dám ngửng đầu lên.

Nàng đã được biết về cái chết của cụ Grisaka và chuyện Miska Kosevoi đốt hết nhà trên sân dưới của gia đình mình.

- Mày còn yếu lắm, không đi được đến nơi đâu.

- Con sẽ vừa đi vừa nghỉ rồi cũng sẽ tới. Mẹ ạ, mẹ cho hai cháu ăn nhé, kẻo chưa biết chừng con sẽ nán lại ở đấy lâu đấy.

- Nhưng ai mà biết được có chuyện gì xảy ra không, mà mầy ở lại ngoài ấy lâu làm gì? Cầu Chúa che chở cho mầy khỏi gặp phải bọn quỷ sứ ấy vào giờ dữ. Thôi đừng đi nữa thì hơn, con Natalia yêu quý của mẹ?

- Không, con phải đi mới được. - Nalalia cau mày, nắm lấy quả đấm cửa.

- Nhưng hượm đã nào, sao mày chưa ăn gì mà đã đi thế? Mẹ lấy ít sữa chua cho mầy ăn đã nhé!

- Thôi mẹ ạ, lạy Chúa tôi, con không muốn ăn đâu… Con về rồi sẽ ăn.

Thấy con dâu nhất quyết đi cho kỳ được, bà Ilinhitna đành khuyên:

- Tốt nhất là mầy cứ ven sông mà đi, len qua các vườn rau ấy. Đi như thế đỡ bị chúng nó trông thấy.

Mây phủ kín mặt sông Đông như cái áo gối. Mặt trời còn chưa ló nhưng về phía đông khoảng trời bị che một phần bởi dây tiêu huyền đã rực lên một màu đỏ tía và làn gió lành lạnh trước lúc mặt trời mọc đã hiu hiu thổi tới từ dưới những đám mây.

Natalia bước qua một đoạn hàng rào đổ dụi phủ đầy thổ ti, đi vào trong vườn nhà mình. Nàng áp tay lên chỗ tim đập, đứng lại trước một nấm đất mới. Những dải gai và cỏ dại mọc um tùm trong vườn. Nồng nặc mùi hoa ngưu bàng đẫm sương đêm, mùi đất ẩm và mùi sương mù. Một con sáo đã xù lông đậu trên cây táo già chết khô sau đám cháy, đất đắp trên nấm mồ đã lún. Chỗ chỗ đã thấy những lá cỏ nhú lên giữa những miếng đất sét khô, nom như những lưỡi dao xanh mướt. Những hồi ức bất thần ập tới làm đầu óc Natalia choáng váng. Nàng lặng lẽ quỳ xuống, áp mặt lên chất đất khắc nghiệt, mãi mãi còn bốc lên mùi thối rữa của chết chóc.

Một giờ sau, nàng rón rén bước ra khỏi khu vườn lòng đau thắt lại, nàng ngoái nhìn lần cuối nơi tuổi thanh xuân của mình đã nở hoa: cái sân trống hoác với những dãy cột nhà kho đã biến thành than, những đống hoang tàn của bếp lò và nền nhà cháy rụi, tất cả âm thầm hiện lên thành một đám đen ngòm. Rồi nàng lặng lẽ bước ra ngõ.

° ° °

Mỗi ngày Natalia một lại sức. Chân nàng đi đứng đã vững vàng, cặp vai lại trở nên tròn trặn, toàn thân nây ra, nom có vẻ khỏe khoắn. Chẳng bao lâu nàng lại bắt đầu giúp đỡ mẹ chồng trong công việc bếp núc. Hai mẹ con vừa hí húi trong bếp, vừa rủ rỉ với nhau rất lâu.

Một buổi sáng Natalia nói đầy vẻ bực tức:

- Mà không biết bao giờ mới chấm dứt những chuyện nầy đây? Lòng dạ con ê ẩm cả rồi!

- Rồi mầy xem, chẳng bao lâu nữa quân ta sẽ lại từ bên kia sông trở về thôi, - bà Ilinhitna nói đầy tin tưởng.

- Nhưng mẹ làm thế nào mà biết được hả mẹ?

- Trái tim của tao nó cảm thấy như thế rồi.

- Chỉ mong sao cho hai ông Cô- dắc nhà ta được bình an vô sự. Cầu chúa cho đừng có ai bị giết hay bị thương. Anh Griska con, anh ấy liều mạng lắm. - Natalia thở dài.

- Có lẽ cả hai sẽ chẳng gặp phải chuyện gì đâu, Chúa không phải không có lòng thương. Ông già nhà ta đã hứa sẽ lại qua sông về thăm chúng ta, nhưng có lẽ ông ấy cũng sợ. Nếu ông về thì tốt nhất là mày cùng qua sông với ông ấy, về với bên phía chúng ta, đỡ gặp phải chuyện gì. Đám Cô- dắc của chúng ta, bọn trong thôn nhà ấy, họ đang bố trí ngay trước mặt thôn, đang chống lại bọn địch đấy. Hôm nọ, trong lúc mày còn nằm mê man, mẹ ra sông lấy nước lúc tảng sáng có nghe thấy thằng Anikey ở bên kia sông kêu rầm lên: "Chào bà lão? Ông lão gửi lời hỏi thăm đấy!".

- Thế anh Griska con ở đâu? - Natalia hỏi giọng dè dặt.

- Nó đang ở một chỗ xa, chỉ huy tất cả bọn họ mà lại, - bà Ilinhitna trả lời chất phác.

- Thế anh ấy chỉ huy từ chỗ nào?

- Có lẽ từ Vosenskaia. Cũng chẳng còn nơi nào khác đâu.

Natalia nín lặng giờ lâu. Bà Ilinhitna đưa mắt nhìn nàng rồi hốt hoảng hỏi:

- Nhưng mầy làm sao thế? Sao mày lại khóc.

Natalia không trả lời, chỉ úp mặt xuống chiếc tạp dề nhem nhuốc, khẽ nức nở.

- Thôi đừng khóc nữa Natalia, con yêu của mẹ. Trong việc nầy nước mắt chẳng giúp được gì đâu. Được Chúa chở che thì mẹ con ta sẽ lại thấy hai bố con nó còn sống, còn khỏe. Còn mày thì phải tự lo lấy thân, không có việc gì cần thì đừng lần mò ra sân, nếu không cái bọn phản Chúa ấy chúng nó trông thấy, lại nhòm ngó…

Trong bếp bỗng tối đi. Có một hình người, không biết là ai, che cửa sổ từ bên ngoài. Bà Ilinhitna nhìn ra ngoài cửa sổ, ái chà một tiếng:

- Chúng nó đấy! Bọn Đỏ đấy! Natalia! Mầy vào ngay trong giường, nằm xuống giả vờ ốm đi… lạy Chúa đừng để xảy ra chuyện gì chẳng lành… Lấy tấm vải đay nầy đắp lên người đi!

Natalia sợ run bần bật. Nàng vừa nằm xuống giường đã nghe thấy tiếng then cửa lách cách, rồi một chiến sĩ Hồng quân cao lớn khom người bước vào căn bếp. Bà Ilinhitna tái mặt đi. Hai đứa trẻ bám chặt gấu váy bà. Bà đang đứng bên cạnh bếp lò, cứ thế ngồi phịch xuống chiếc ghế dài, đánh đổ cả lon sữa vừa hâm lại.

Người chiến sĩ Hồng quân đưa nhanh mắt nhìn khắp căn bếp rồi nói oang oang:

- Đừng có sợ. Chúng tôi không ăn thịt đâu mà sợ. Chào cả nhà!

Natalia kéo tấm vải đay lên trùm đầu, giả vờ rên, còn thằng Misatka thì gườm gườm nhìn người khách. Bỗng nó nói giọng sung sướng:

- Bà ơi bà! Chính người nầy đã giết con gà trống nhà ta đấy! Bà còn nhớ không?

Chiến sĩ Hồng quân bỏ chiếc mũ cát- két màu cứt ngựa xuống, tặc lưỡi, mỉm cười.

- Nó còn nhận được ra đấy, cái thằng bé cứng đầu cứng cổ nầy! Nhưng nó còn để bụng cái chuyện con gà trống ấy làm gì nữa? Song cụ chủ nhà thân mến ạ, đang có một việc như thế nầy nầy: cụ có thề giúp chúng tôi nướng ít bánh mì được không? Chúng tôi có bột.

- Được thôi… Có sao đâu… Tôi sẽ nướng… - Bà Ilinhitna không nhìn người khách, vừa lau chỗ sữa đổ trên chiếc ghế dài, vừa vội vã trả lời.

Người chiến sĩ Hồng quân ngồi xuống bên cạnh cửa, lấy gói thuốc trong túi ra, rồi cuốn điếu thuốc bắt đầu câu chuyện:

- Đến tối cụ sẽ nướng xong được chứ?

- Nếu các bác cần có ngay thì đến tối cũng xong.

- Bà cụ ạ, trong chiến tranh thì bao giờ cũng vội. Còn chuyện con gà trống thì cụ đừng giận nhé.

- Nhưng chúng tôi có nghĩ gì đâu? - Bà Ilinhitna hoảng lên - Chỉ có thằng bé ngu ngốc nầy… Nó cứ nhớ những chuyện không đáng nhớ!

- Mà chú cũng vắt cổ chày ra nước đấy, chú nhỏ ạ… - Người khách vui chuyện nở nụ cười hồn hậu, nói với thằng Misatka. - Nhưng làm gì mà chú cứ nhìn như con sói con thế? Lại đây nào, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau cho thoả về con gà của chú.

- Lại đi, cháu yêu của bà? bà Ilinhitna lấy đầu gối đẩy thằng cháu, khẽ bảo.

Nhưng thằng bé rời khỏi vạt váy bà nó, né né người len qua cửa, định chuồn ra khỏi căn bếp. Người chiến sĩ Hồng quân đưa cánh tay dài ngoẵng kéo nó về với mình và hỏi:

- Chú bé giận tôi có phải không?

- Không, - thằng Misatka khẽ trả lời.

- Được, thế thì tốt lắm. Hạnh phúc không phải là ở con gà đâu.

- Thế bố chú ở đâu. Ở bên kia sông Đông à?

- Bên kia sông.

- Như thế có nghĩa là đánh nhau với chúng tôi à?

Thái độ ân cần dịu dàng của người chiến sĩ đã mua chuộc được thằng Misatka. Nó sẵn lòng cho biết.

- Bố chỉ huy tất cả mọi người Cô- dắc đấy!

- Ồ, chỉ nói khoác, chú nhỏ nầy!

- Bác cứ hỏi bà mà xem.

Nhưng bà cụ chỉ rên rỉ vỗ hai tay đen đét, trong lòng hết sức đau khổ vì những lời bép xép của thằng cháu.

- Chỉ huy tất cả à? - Người chiến sĩ Hồng quân hỏi có vẻ phân vân.

- Nhưng cũng có thể là không phải tất cả đâu… - Thằng Misatka bối rối trước cặp mắt tuyệt vọng của bà nó, trả lời bằng một giọng đã bớt tin tưởng.

Chiến sĩ Hồng quân nín lặng một lát rồi đưa mắt chỉ Natalia và hỏi:

- Nhà chị nầy đang ốm đấy à?

Bị thương hàn đấy, - bà Ilinhitna miễn cưỡng trả lời.

Hai chiến sĩ Hồng quân khác khiêng vào trong bếp một túi bột, đặt ngay bên ngưỡng cửa.

- Nhóm lò đi cụ chủ nhà; - Một người nói. - Sẩm tối chúng tôi sẽ trở lại lấy bánh. Nhưng cụ liệu liệu đấy, phải nướng cho cẩn thẩn, nếu không sẽ không hay gì cho cụ đâu!

- Tôi biết nướng đến đâu thì sẽ nướng đến đấy. - Bà Ilinhitna trả lời, trong lòng mừng khôn xiết vì hai người vừa bước vào đã cắt đứt câu chuyện nguy hiểm và thằng Misatka đã chạy ra khỏi căn bếp.

Một người hất đầu về phía Natalia hỏi:

- Bị thương hàn à?

- Phải.

Ba chiến sĩ Hồng quân thì thầm nói với nhau không biết những gì rồi ra khỏi bếp. Người cuối cùng chưa rẽ qua chỗ góc nhà thì từ bên kia sông Đông đã vang vang tiếng súng trường đì đẹt.

Mấy chiến sĩ Hồng quân lom khom chạy tới một bức tường bao bằng đá đã gần đổ dụi, rồi cùng lách cách kéo khoá hậu, bắt đầu bắn lại.

Bà Ilinhitna hốt hoảng chạy bổ ra sân tìm thằng Misatka. Từ sau bức tường có tiếng gọi cụ:

- Nầy, bà cụ! Vào trong nhà đi! Chúng nó bắn chết bây giờ!

- Thằng bé nhà tôi đang ở ngoài sân? Misatka! Cháu yêu của bà!

Bà già gọi cháu, giọng đầy nước mắt.

Bà chạy ra tới giữa sân, và những tiếng súng bên kia sông lập tức lắng bặt. Đúng là bọn Cô- dắc ở bên kia sông đã nhìn thấy bà. Bà vừa ôm được thằng Misatka vừa chạy tới với bà và cùng nó chạy vào trong nhà bếp thì tiếng súng lại vang lên và còn nổ tiếp cho đến khi các chiến sĩ Hồng quân rời khỏi sân nhà Melekhov.

Bà Ilinhitna thì thào trao đổi với Natalia vài câu rồi bắt đầu nhào bột, nhưng bà đã không kịp nướng những chiếc bánh.

Đến giữa trưa các chiến sĩ Hồng quân của mấy vọng tiêu súng máy bố trí trong thôn bỗng hấp tấp rời bỏ các nhà, rút theo những khe lên núi, kéo theo những khẩu súng máy.

Đại đội bố trí trong các chiến hào trên núi cũng tập họp rồi hành quân cấp tốc ra con đường của các vị Ghet- man…

Không hiểu sao một bầu không khí trầm lặng uy nghiêm bỗng nhiên trải rộng khắp vùng ven sông Đông. Pháo binh cũng như các khẩu súng máy đều câm tiếng. Những chiếc xe vận tải, những đại đội pháo nối đuôi vô tận trên những đường cái và những con đường đất dùng về mùa hè cỏ mọc um tùm, kéo từ các thôn ra con đường của các vị Ghet- man. Bộ binh và kỵ binh hành quân với đội hình hàng dọc.

Bà Ilinhitna đứng trong cửa sổ nhìn ra, thấy những chiến sĩ Hồng quân tụt lại phía sau đang leo theo những mũi đá phấn để lên núi.

Bà chùi tay vào tạp dề, làm dấu phép với một vẻ rất là cảm động.

- Natalia, con yêu của mẹ, thật là Chúa run rủi! Bọn Đỏ đang xéo đi rồi đấy.

- Ồ, mẹ ạ, đấy là họ rút từ trong thôn lên núi, về các chiến hào, rồi đến chiều lại quay về thôi.

- Nếu thế thì tại sao chúng nó lại cuống quít kéo nhau chạy thế kia! Quân ta đã nện chúng nó nhừ tử rồi đấy! Cái bọn khốn kiếp đang rút đi rồi! Chúng nó xéo rồi, cái quân phản Chúa! - Bà Ilinhitna mừng rơn, nhưng vẫn lại bắt tay vào nhào bột.

Natalia bước ra khỏi phòng ngoài, tới đứng ở ngưỡng cửa, đưa tay lên che mắt nhìn rất lâu trái núi đá phấn tràn trề ánh nắng và những nhánh núi cháy nâu.

Trong bầu không khí trầm mặc hùng vĩ của thiên nhiên trước giông bão, đỉnh của những đám mây trắng cuồn cuộn ló ra sau ngọn núi. Vừng mặt trời giữa trưa hun nóng bỏng mặt đất. Chuột đồng kêu chi chí trên bãi chăn nuôi, song những tiếng kêu khẹ khẽ và rầu rĩ ấy lại hoà hợp một cách lạ lùng với tiếng hót yêu đời của mấy con sơn ca. Sau những phát đạn pháo nổ ầm ầm, Natalia cảm thấy mê thích cái cảnh tĩnh mịch nầy đến nỗi nàng cứ đứng yên không động đậy lắng nghe không biết chán tiếng hót ngây thơ của những con sơn ca, tiếng cọt kẹt của cái cần kéo nước giếng, cùng tiếng rì rào của làn gió đầy mùi ngải cứu đắng đắng, vừa hắc lại vừa thơm, làn gió đông trên đồng cỏ thổi rất tự do phóng khoáng. Trong gió có thể ngửi thấy mùi đất đen bị thiêu đốt dưới nắng, mùi hương ngây ngất của tất cả các thứ cỏ héo rũ dưới, nhưng đã thoang thoảng cái mùi của trận mưa sắp ập tới, từ ngoài sông đưa vào một làn hơi ẩm nhạt thếch, vài con én gần là sát đôi cánh nhọn xuống mặt đất, rạch ngang rạch dọc không khí, và trên lưng chừng trời xanh ngắt, ở nơi xa lắc có con chim ưng nhỏ, giống chuyên sống trên đồng cỏ, đang bay liệng, lảng tránh cơn giông tố đã ập tới gần.

Natalia đi khắp cái sân một lượt. Những đống vỏ đạn súng trường vàng óng còn rải rác trên lớp cỏ rối nál sau dãy tường bao bằng đá. Những vết đạn còn in lỗ chỗ trên những khung kính và những bức tường quét vôi trắng của ngôi nhà. Nhìn thấy Natalia, một vài con gà mái còn sống sót kêu quang quác bay lên mái nhà thóc.

Nhưng thôn xóm được hưởng bầu không khí tịch mịch ve vuốt nầy chẳng mấy chốc. Gió bỗng ập tới, những cánh cửa chớp và cửa ra vào đập rầm rầm trên tường những căn nhà bỏ hoang. Một đám mây mang mưa đá trắng như tuyết ngang ngạnh che hẳn mặt trời rồi từ từ trôi về phía tây.

Natalia giữ món tóc bị gió thổi bay tán loạn, bước tới căn bếp dùng về mùa hè và lại nhìn lên núi. Những chiếc xe hai bánh và những người cưỡi ngựa lẻ tẻ đang phóng nhanh trên đường chân trời bị che phủ bởi một làn bụi tim tím mung lung như khói. Thế là họ rút lui thật rồi? - Natalia nghĩ thầm, trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi.

Nàng còn chưa kịp bước vào phòng ngoài thì từ một nơi nào đó rất xa, sau ngọn núi bỗng vang lên những tiếng hoả lực pháo binh rền trầm trầm như sấm, và tựa như làm hồi âm cho những phát đạn phá, ba hồi chuông hân hoan của hai toà nhà thờ ở Vosenskaia lập lờ truyền tới theo mặt sông Đông.

Bên kia sông, những tên Cô- dắc ùn ùn kéo nhau trong rừng ra. Chúng đem thuyền ra sông, đám thì kéo, đám thì khiêng rồi thả xuống nước. Những tay chèo đứng ở đuôi thuyền bơi rất nhanh. Chừng ba chục chiếc thuyền con đưa nhau đổ về thôn.

- Natalia yêu quý? Con yêu của mẹ? Bên ta đang về kia kìa? - Bà Ilinhitna đang chạy bổ trong bếp ra, khóc nức nở, nói líu nhíu.

Natalia ôm chầm lấy thằng Misatka, bế bổng nó lên. Mắt long lanh cháy rực, giọng hổn hển không ra hơi, nàng nói với nó:

- Con nhìn đi, con yêu của mẹ, con nhìn kỹ mà xem, mắt con tinh hơn mắt mẹ… Chưa biết chừng có cả cha con trong đám Cô- dắc đấy Con không nhận ra à? Không phải là cha con đang đứng trên chiếc thuyền đầu tiên à? Ô con nhìn không đúng chỗ rồi…?

Trên bến đò mấy mẹ con bà cháu chỉ đón được một mình ông Panteley Prokofievich gầy gò hốc hác. Trước tiên ông già hỏi xem mấy con bò, thóc lúa và các thứ tài sản khác có còn nguyên vẹn hay không, rồi ông khóc thút thít ôm hôn hai đứa cháu. Nhưng đến khi ông hấp tấp khập khiễng bước vào trong sân ngôi nhà thân yêu thì ông tái mặt quỳ sụp xuống, đưa rộng tay làm dấu phép, rồi rạp đầu về phía đông làm lễ, cái đầu bạc phơ mãi không ngửng lên khỏi mặt đất bị hun bỏng.

--- ------ ------ ------ -------1 Grigorievna có nghĩa là "con gái của Grigori" (ND

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.