Đã bốn lần các đại đội Cô- dắc xông lên từ dãy chiến hào nông hoen hoẻn, nhưng đều lại phải nằm xuống dưới hoả lực chết người của khẩu súng máy Hồng quân. Từ lúc trời mới rạng, các đại đội pháo của Hồng quân ngụy trang trong khu rừng trên bờ bên trái đã nhả đạn không lúc nào ngớt vào trận địa của quân Cô- dắc và các đội dự bị trong các khe núi.
Những đám mây trắng như sữa của những phát đạn ghém tan dần trên các cao địa ven sông Đông. Đạn súng trường và súng máy làm tung lên những làn bụi nâu nâu phía trước và phía sau những dãy chiến hào chữ chi của quân Cô- dắc.
Đến giữa trưa cuộc chiến đấu càng thêm kịch liệt. Gió tây truyền di rất xa trên sông Đông tiếng hoả lực pháo binh dội lên ầm ầm.
Đứng trên điểm quan trắc một đại đội pháo của quân phiến loạn, Grigori theo dõi diễn biến của trận đánh. Chàng nhìn thấy các đại đội sĩ quan bất chấp tổn thất nặng nề, cứ ngoan cố tiến vọt từng chặng xông lên tấn công. Mỗi khi hoả lực địch dội lên quá mạnh, chúng nằm xuống một lát, đào chiến hào rồi lại tiến vọt từng chặng tới một chiến tuyến mới. Nhưng ở bên trái, về hướng nhà tu, bộ binh của quân phiến loạn vẫn không làm thế nào ngóc đầu lên được. Grigori viết nguệch ngoạc cho Ermakov vài chữ rồi sai liên lạc mang đi.
Nửa giờ sau Ermakov phi ngựa tới nơi, mặt giận bừng bừng. Hắn xuống ngựa bên cạnh chỗ buộc ngựa của đại đội pháo rồi thở hổn hển leo lên tới chiến hào của điểm quan trắc.
- Tôi không thể nào thúc bọn Cô- dắc xông lên được đâu! Chúng nó sẽ không xông lên đâu? Từ xa hắn đã vung tay gào lên. - Chúng tôi đã bị thương vong hai mươi ba thằng rồi? Anh có trông thấy súng máy của bọn Đỏ quét như thế nào không?
- Bọn sĩ quan tiến lên được mà cậu lại không thể thúc quân của cậu lên được à? Grigori rít qua kẽ răng.
- Nhưng anh thử nhìn mà xem, bên chúng nó mỗi trung đội có một khẩu trung liên mà đạn thì vô thiên lủng. Thử hỏi chúng ta có gì?
- Thôi, thôi, cậu không phải giải thích với mình nữa! Lập tức dẫn ngay chúng nó xung phong lên, nếu không mình sẽ lấy đầu cậu?
Ermakov chửi một tiếng rất tục rồi chạy từ trên nấm kurgan xuống. Grigori chạy xuống theo. Chàng quyết định tự mình dẫn trung đoàn bộ binh số Hai lên xung phong.
Nhưng chàng vừa chạy đến khẩu đội pháo cuối cùng ngụy trang rất khéo bằng những cành sơn trà thì tên đại đội trưởng đại đội pháo giữ chàng lại.
- Anh Grigori Panteleevich, anh thử nhìn cách làm ăn của bọn Anh mà xem. Ngay bây giờ chúng nó sẽ bắn vào cái cầu đấy. Chúng ta leo lên nấm kurgan nhé!
Nhìn trong ống nhòm thì thấy lờ mờ hiện ra cái dải rất mỏng manh của chiếc cầu phao mà công binh Hồng quân đã bắc qua sông Đông. Trên đó những chiếc xe vận tải nối đuôi nhau thành một dòng liên tục.
Chừng mười phút sau, đại đội pháo Anh bố trí sau một dãy mô đá trên khoảng đất trũng bắt đầu nổ pháo. Chúng bắn đến phát thứ tư thì chiếc cầu bị phá ở ngay gần giữa dòng. Đoàn xe đang tuôn cuồn cuộn dừng ngay lại. Rồi thấy các chiến sĩ Hồng quân rối rít đẩy những chiếc chiếc xe bị phá gãy và những xác ngựa xuống sông Đông.
Ngay lúc đó có bốn chiếc thuyền chở công binh rời khỏi bờ bên phải. Nhưng họ chưa kịp lát xong một đoạn mặt cầu vừa bị phá hỏng thì đại đội pháo Anh lại nhả thêm loạt đạn nữa. Một phát phá tung cái mô cầu trên bờ bên trái, một phát khác xối lên một cột nước màu xanh lá cây ngay sát chiếc cầu. Việc đi lại trên cầu vừa được khôi phục đã bị đình lại.
- Chúng nó bắn chính xác thật, bọn chó đẻ? - Tên đại đội trưởng đại đội pháo nói đầy vẻ thán phục.- Từ bây giờ đến đêm chúng nó sẽ không để cho bọn kia qua sông cho mà xem. Cái cầu thế là đi đứt.
Grigori hỏi nhưng vẫn không rời mắt khỏi ống nhòm.
- Nhưng tại sao cậu cứ câm như hến thế? Yểm hộ cho bộ binh của mình có hơn không? Mấy ổ súng máy của chúng nó ở đằng kia kìa.
- Được bắn thì cũng sướng đấy, nhưng chẳng còn một viên đạn nào cả? Phát cuối cùng bắn trước đây đã nửa giờ, đành nhịn đói đến bây giờ?
- Thế thì cậu ở lại đây làm gì? Lôi càng pháo mà chuồn mẹ nó đi cho xong!
- Tôi đã phái những cậu sang chỗ bọn Kadet để xin đạn rồi.
- Chúng nó sẽ không cho đâu. - Grigori nói như đinh đóng cột.
Chúng nó đã từ chối một lần, tôi lại cho đi lần nữa. May ra chúng nó cũng rủ lòng thương. Chỉ cần chúng nó thí cho bọn mình chừng hai chục quả để diệt mấy khẩu súng máy kia đi. Đâu phải là chuyện đùa, anh em ta đã có hai mươi ba cậu bị giết rồi. Liệu còn phải chết thêm bao nhiêu nữa? Anh xem chúng nó bắn kìa?
Grigori chuyển sang nhìn những dãy chiến hào Cô- dắc. Đạn súng trường và súng máy vẫn tiếp tục xới tung chất đất khô nẻ trên mặt dốc bên cạnh các chiến hào. Hễ một loạt đạn súng máy bắn trúng chỗ nào thì từ chỗ ấy lại bốc lên một dải bụi, tựa như có một người vô hình vạch nhanh lạ lùng một cái vạch xám tan dần dọc theo chiến hào. Suốt chiều dài của các chiến hào Cô- dắc đều như bốc khói với những vạch bụi như thế.
Lúc nầy Grigori không còn theo dõi kết quả xạ kích của đại đội pháo Anh nữa. Chàng lắng nghe trong một phút tiếng hoả lực pháo binh và súng máy nổ không ngớt, rồi chạy từ trên nấm kurgan xuống, đuổi kịp Ermakov.
- Chưa nhận được mệnh lệnh của mình thì cậu đừng xung phong lên vội. Không có pháo binh chi viện chúng ta không đánh nổi chúng nó đâu.
- Lúc nầy chẳng phải tôi đã nói với anh như thế rồi hay sao?
Ermakov nói có ý trách móc và cưỡi lên con ngựa đang hăng máu vì vừa phải chạy và cũng vì tiếng súng.
Ermakov cho ngựa phi hết sức liều lĩnh dưới làn đạn. Grigori nhìn theo hắn, lo lắng nghĩ thầm: "Quỷ dữ nào bắt nó phải phóng thẳng một mạch như thế? Bị súng máy của chúng nó quét gục bây giờ? Sao nó không lần xuống chỗ lòng chảo, tiến theo đường đáy khe, leo lên rồi vòng ra sau ngọn gò, yên ổn về tới đơn vị nó có hơn không?" Ermakov phi ngựa như điên tới chỗ lòng chảo, lao xuống dưới đó và không thấy hắn nhô đầu lên phía bên kia nữa. "Như thế là nó hiểu ra rồi! Bây giờ thì đến nơi rồi đấy". - Nghĩ như vậy, Grigori cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi. Rồi chàng nằm xuống bên cạnh nấm kurgan, từ từ cuốn điếu thuốc.
Một tâm trạng thờ ơ lạnh nhạt rất lạ lùng tràn ngập trong lòng chàng? Không, chàng sẽ không dẫn anh em Cô- dắc tiến lên dưới làn đạn súng máy sữa. Chẳng tội gì mà làm như thế. Cứ mặc cho các đại đội xung kích của bọn sĩ quan tấn công. Mặc chúng nó tự đánh lấy Ust- Medvediskaia. Và bây giờ, nằm dưới chân nấm kurgan nầy, lần đầu tiên Grigori tránh không trực tiếp tham gia trận đánh. Nhưng trong lúc nầy, điều chi phối cách suy nghĩ của chàng không phải là lòng nhút nhát sợ chết, cũng không phải là nhận thức về sự tổn thất vô ích. Mới vừa nãy chàng đã không hề tiếc chút nào tính mạng của mình cũng như tính mạng của những gã Cô- dắc được trao cho chàng chỉ huy. Nhưng bây giờ lại như có cái gì vừa tan vỡ… Từ trước đến nay, chưa bao giờ chàng cảm thấy cực kỳ rõ ràng như thế nầy toàn bộ tính chất vô nghĩa lý của những việc đã xảy ra. Phải chăng là câu chuyện nói với Kopylov, là cuộc cãi lộn với Fitkhelaurov, hay là cả hai chuyện đó gộp lại đã là nguyên nhân gây ra cái tâm trạng nó bất thần xuất hiện ở chàng? Nhưng mãi đến khi đã nằm dưới làn đạn chàng mới quyết định không xông xáo nữa. Chàng có những ý nghĩa mơ hồ rằng mình không thể nào làm cho bọn Cô- dắc hoà giải với người Bolsevich được, và trong thâm tâm bản thân chàng cũng không thể nhẫn nhục chịu đựng, đồng thời chàng cũng không muốn và không thể bảo vệ những con người thù địch với mình, có tâm hồn hoàn toàn khác với mình, không thể bảo vệ tất cả những tên như Fitkhelaurov, những kẻ khinh ghét chàng thậm tệ, và bản thân chàng cũng không kém phần khinh ghét chúng. Rồi các mâu thuẫn xưa lại hiện ra trước mắt chàng một cách hết sức tàn nhẫn. "Thôi mặc chúng nó đánh nhau. Mình sẽ đứng ngoài xem. Hễ chúng nó lấy lại sư đoàn của mình là mình sẽ xin rời khỏi mặt trận để về hậu phương ngay. Đối với mình như thế là đủ rồi!"- Chàng nghĩ bụng như thế rồi thầm quay trở lại cuộc tranh cãi với Kopylov, và nhận thấy rằng mình đang cố tìm những lý lẽ bào chữa cho Hồng quân: "Người Tàu họ đi theo bọn Đỏ với hai bàn tay trắng, ngày nào cũng đem tính mạng ra mạo hiểm mà chỉ lĩnh mấy đồng tiền lương của một thằng lính trơn. Mà trong vấn đề nầy tiền lương thì có ý nghĩa gì? Lĩnh rồi thì mua được cái quái gì? Bất quá đủ chơi vài ván bài… Đúng là ở đây không có chuyện vì lợi lộc, mà vì một cái gì khác… Còn bọn đồng minh thì chúng nó đưa tới đây sĩ quan, xe tăng, những khẩu pháo và cả những con la nữa! Rồi sau đó chúng nó sẽ dựa vào tất cả những cái ấy để đòi những món tiền kếch xù! Điều khác nhau chính là ở chỗ đấy? Chà, về vấn đề nầy đến tối chúng mình sẽ còn tranh cãi với nhau! Về đến ban chỉ huy, mình sẽ gọi ngay nó ra một chỗ và bảo: Có điểm khác nhau chứ, Kopylov ạ, cậu đừng hòng làm rối đầu óc mình.
Nhưng hai người đã không được tranh luận với nhau đến cùng.
Chiều hôm ấy, Kopylov đi ngựa tới khu vực bố trí của trung đoàn bốn làm nhiệm vụ dự bị. Trong khi đi đường hắn đã chết vì một viên đạn lạc. Hai giờ sau Grigori mới nhận được tin đó.
Sáng hôm sau các đơn vị thuộc sư đoàn Năm của tướng Fitkhelaurov đã chiến đấu chiếm được Ust- Medvediskaia.