Sông Đông Êm Đềm

Chương 49: Chương 49




Các cuộc họp ở nhà Stokman bắt đầu thưa dần. Trời sắp sang xuân. Bà con trong thôn đều sửa soạn cho công việc đồng áng mùa xuân. Đến họp được chỉ có mấy anh chàng ở nhà máy xay. "Bồi" và Davydka cùng anh thợ máy Kotliarov. Anh em đã gặp nhau hôm thứ năm tuần Thánh 1, lúc trời sắp tối. Stokman ngồi ở bàn thợ, anh dùng một chiếc dũa nhỏ giũa một cái nhẫn bạc làm bằng một đồng nửa rúp Một dé ánh sáng của vừng mặt trời sắp lặn chiếu qua cửa sổ, in lên sàn một cái khung vuông đầy bụi, màu hồng hồng vàng vàng. Kotliarov loay hoay với cái kìm bấm.

- Hôm nọ tôi có mặt ở nhà lão chủ, tôi đã đến đấy để nói về chuyện cái pít- tông. Cần phải đem đi Minlerovo, vì chỉ ở đấy mới có thể chữa đến nơi đến chốn, chứ chúng mình ở đây thì làm gì được? Rạn một vết bằng ngần nầy nầy. - Kotliarov giơ ngón tay út ra hiệu kích thước của vết rạn, không biết để ai xem.

- Hình như ở đấy có một nhà máy lớn phải không? - Stokman hỏi, nhưng tay anh vẫn giũa, bụi bạc rất mịn rơi lăn tăn chung quanh ngón tay anh.

- Có một lò Máctanh. Năm ngoái tôi đã có dịp đến đấy.

- Anh em thợ có đông không?

- Đông vô kể, đến bốn trăm ấy.

- Thế đời sống của họ thế nào? - Stokman vẫn vừa làm việc vừa hỏi. Đầu anh lắc lắc, giọng anh tách bạch từng tiếng như người cà lăm cố gắng gượng nói như bình thường.

- Họ sống sung túc lắm. Không phải là cái giai cấp vô sản của anh đâu, mà là… cứt mới đúng.

- Sao lại thế? - "Bồi" thấy lạ bèn hỏi. Hắn ngồi bên cạnh Stokman, những ngón tay vừa ngắn vừa thô đan vào nhau trên đầu gối.

Chàng thợ cán Davydka cứ đi lại lại trong gian xưởng, bột mì bám đầy trên tóc làm đầu hắn nom như bạc. Đôi ủng mũi nhọn thốc phoi tiện bắn tung ra. Hắn mỉm cười lắng nghe tiếng loạt soạt vang lên kèm theo mùi dầu mỡ. Davydka có cảm tưởng như mình đang đi trong một khe núi, lá rụng đỏ tía. Lớp lá lún xuống rất êm, và bên dưới là chất đất ẩm của khe núi, non trẻ, co dãn.

- Đó là vì tất cả chúng nó đều sống có của ăn của để. Thằng nào cũng có một ngôi nhà nhỏ riêng, có vợ và mọi mặt thoả mãn sung sướng khác. Ngoài ra trong số ấy một nửa lại theo bọn Báp- tít 2. Chính lão chủ nhà máy lại thằng truyền đạo của chúng nó. Thế là tay nọ rửa tay kia, mà cả hai tay đều đầy cáu ghét, lấy xẻng cạo cũng không thể nào sạch được.

- Anh Kotliarov nầy, bọn Báp- tít là thế nào nhỉ? - Davydka nghe thấy một từ ngữ lại bèn đứng lại hỏi.

- Bon Báp- tít ấy à? Bọn chúng nó tin Thượng đế theo kiểu riêng của chúng nó. Cũng đại loại như bọn Pô- li- pôn 3 ấy mà.

- Mỗi thằng xuẩn ngu đều có một cách riêng để mất trí, - "Bồi" nói thêm.

- Thôi để mình kể nhé. Thế là mình đến gặp Sergey Platonovich, - Kotliarov nói tiếp câu chuyện đã bắt đầu. Đến nhà lão thì thấy Atepin "Chacha" ngồi ở đấy rồi. Lão bảo: "Anh hãy chờ ở phòng ngoài đã". Mình bèn ngồi đợi. Qua cửa phòng có thể nghe thấy câu chuyện họ nói với nhau. Lão chủ nói với Atepin rằng có lẽ chiến tranh với người Đức sắp nổ ra đến nơi, và lão còn đọc thêm một đoạn trong sách. Còn "Chacha" thì cậu có biết hắn ta trả lời ra sao không? Hắn ta bảo: "Tất nhiên tôi không thể đồng ý với ông về chuyện "chiến chanh" được".

Kotliarov nhại giọng Atepin giống quá, làm Davydka há hốc miệng ra cười một tiếng ngắn, nhưng anh chàng chợt nhìn thấy vẻ mặt nhạo báng của "Bồi", lại thôi ngay. Kotliarov tiếp tục kể lại câu chuyện anh được nghe:

- Hắn bảo: "Không thể có chiến "chanh" được với nước Nga được vì nước Đức sống bằng lúa mì của chúng ta". Đến lúc ấy lại có một thằng nữa nói, nhưng tôi nghe giọng nói, không nhận được ra là ai, mãi sau mới biết là thằng con lão địa chủ Litnhitki, một tên sĩ quan. Thằng nầy nói: "Chiến tranh sẽ nổ ra giữa nước Đức và nước Pháp để tranh dành những vườn nho, còn chúng ta thì chẳng có gì dính dáng đến chuyện ấy".

- Anh Stokman nầy, anh thấy thế nào hả? - Kotliarov hỏi Stokman.

Stokman đưa tay ra xa, chú ý ngắm nghía chiếc nhăn đã giũa xong và trả lời như cho qua chuyện:

- Tôi không biết đoán trước chuyện sau nầy đâu.

- Chúng nó choảng nhau thì chúng mình cũng chẳng yên thân. Dù muốn hay không, hễ xảy ra chuyện gì mình sẽ bị nắm tóc lôi vào cuộc thôi, - "Bồi" suy luận.

- Về chuyện nầy, các bạn ạ, vấn đề là như thế nầy nầy… - Stokman vừa nói vừa nhẹ nhàng lấy lại cái kìm trong tay Kotliarov.

Giọng anh nghiêm trang, rõ ràng là anh định giảng giải cặn kẽ.

"Bồi" co lại cho thoải mái hai chân trượt bàn thợ xuống. Trên khuôn mặt Davydka, cặp môi chúm lại vẫn chưa che kín mấy cái răng bàn cuốc đẫm nước bọt. Với những lời lẽ rõ, gọn, chắc như đinh đóng cột mà anh vẫn quen dùng, Stokman phác ra bức tranh về tình hình các nước tư bản đấu tranh với nhau để dành thị trường và thuộc địa.

Cuối cùng Kotliarov nóng nảy ngắt lời Stokman:

- Anh hãy hượm đã nào, nhưng chúng ta thì có gì dính dáng vào những chuyện ấy?

- Cả cậu lẫn những anh chàng khác cũng như cậu đều sẽ nhức đầu vì những kẻ khác say rượu đấy, - Stokman mỉm cười.

- Anh còn trẻ con gì nữa mà không biết, - "Bồi" nói ác, - tục ngữ từ xưa đã có câu: "Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết"v?

- Hừ- ừm, - Kotliarov nhăn mặt, cố gỡ cả một khối rất to những ý nghĩ rối như tơ vò.

Cái thằng Litnhitki ấy, nó mò đến nhà lão Mokhov làm gì thế? Định ngấp nghé con gái lão ta hay sao? - Davydka hỏi.

- Của ấy đã qua tay thằng ăn thừa tự nhà Korsunov rồi còn gì? - "Bồi" vẫn ác khẩu.

- Anh nghe thấy không, Kotliarov? Thằng sĩ quan ấy dí mũi vào đấy làm gì thế?

Kotliarov giật mình đánh thót, cứ như bị người ta lấy roi quật vào đầu gối.

- Cái gì hử? Cậu bảo sao?

- Ngủ gật đấy à? Ông già? Đang nói về thằng Litnhitki đấy:

- Nó ra ga mà. Nhưng còn có chuyện mới lạ nầy nữa: mình ở trong ấy bước ra thì thấy trên thềm có một anh chàng, các bạn có đoán được ra là ai không? Thằng Griska nhà Melekhov. Nó cầm một cái roi nhỏ đứng đấy. Mình hỏi: "Cậu đến đây làm gì thế, Grigori?" Nó trả lời: "Tôi đưa công tử Litnhitki ra ga Minlerovo".

- Nó đánh xe cho nhà ấy đấy - Davydka nói xen vào.

- Nó đến ăn cơm thừa của nhà địa chủ.

- "Bồi" ạ, cậu đúng là một con chó xích, bất kỳ thấy ai cũng sủa.

Câu chuyện lắng đi một chút. Kotliarov đứng dậy ra về.

- Anh vội đi nhà thờ phải không? - "Bồi nói chọc theo.

- Mình thì ngày nào cũng đi lễ.

Stokman tiễn ba người khách quen ra về, rồi khoá cửa gian xưởng, đi vào nhà trong.

Đêm lễ Phục sinh, những đám mây ưỡn những bộ ngực đen sì che kín bầu trời, mưa lộp bộp từng giọt. Bóng tối đầy hơi ẩm đè nặng lên thôn xóm. Trên sông Đông, ngay từ lúc hoàng hôn, băng đã nứt với những tiếng rên rỉ kéo dài lan dần ra xa. Tảng băng đầu tiên bị cái khối khổng lồ những miếng băng vụn ép lại bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước với những tiếng ràn rạt. Băng nứt liền một đoạn bốn vec- xta, cho tới khúc đầu tiên sau khi con sông chảy ra khỏi thôn.

Rồi băng bắt đầu trôi. Theo nhịp chuông nhà thờ dóng dả đều đặn, những cánh đồng băng trên sông Đông xô vào nhau, tan vỡ, làm rung chuyển cả hai bên bờ. Băng trôi đến quãng sông Đông ngoặt sang trái thì tắc lại. Tiếng nổ ầm ầm và tiếng nứt ràn rạt của những tảng băng xô vào nhau vang đến trong thôn. Thanh niên kéo đàn kéo lũ đến bên trong tường bao nhà thờ, trên cái sân lốm đốm những vũng băng tan nhấp nhoáng. Từ trong nhà thờ, tiếng đọc kinh sang sảng vang ra tới thềm, rồi từ thềm ra sân. ánh đèn nến ngày hội lunglinh vui vẻ sau chấn song các cửa sổ. Trong khi đó, bên trong dãy tường bao bọn con trai sờ nắn cấu chí bọn con gái, còn bọn con gái chốc chốc lại khe khẽ rít lên. Họ hôn nhau, họ thầm thì kể cho nhau nghe những chuyện bù khú.

Từ những thôn xa có, gần có, dân Cô- dắc đến dự buổi lễ thánh vui tươi. Họ đứng chen chúc trong phòng giữ đồ thánh của nhà thờ. Kiệt sức vì mệt và vì không khí ngột ngạt trong phòng, người ta lăn ra ngủ trên những chiếc ghế dài, trên các bậu cửa sổ, hoặc ngay trên sàn nhà.

Có những người ngồi trên những ngưỡng cửa sổ cũ nát hút thuốc, bàn tán về chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện công việc đồng áng mùa xuân.

- Bao giờ thì bà con thôn bác bắt đầu ra đồng?

- Có lẽ đến thánh Tôma thì bắt đầu.

- Nếu thế thì tốt lắm, vì đồng cỏ bên bác có nhiều cát.

- Mấy năm nay đất đã được thấm nhiều nước.

- Năm ngoái chúng tôi cày thấy ròn như sụn ấy, cả một dải thượng đẳng điền thẳng cánh cò bay.

- Đunka, ở chỗ nào thế? - Có tiếng léo nhéo bên dưới thềm nhà giữ đồ thánh.

Cạnh cửa hàng rào nhà thờ, có tiếng lầu bầu, khàn khàn và thô bạo:

- Chúng mày không kiếm được chỗ nào khác mà hôn nhau à? Chà hai đứa nầy… Xéo khỏi chỗ nầy ngay, quân đốn mạt dơ dáy! Làm gì mà động cỡn lên thế?

- Ông đang thiếu đôi hay sao? Đến kiếm con chó cái nhà tôi mà hôn vậy, - Trong bóng tối có một giọng con trai đang vỡ tiếng cãi lại.

- Cho- o- ó cái à? Nầy ông cho mày biết…

Rồi có tiếng chân chạy lép nhép, tiếng cười rộ và tiếng váy con gái loạt soạt.

Nước nhỏ trên mái xuống từng giọt, lanh lảnh như tiếng thuỷ tinh. Rồi lại vẫn cái giọng chậm rề rề, lệt sệt như bùn đất đen:

- Hôm kia tôi có đến mặc cả mua cái cày ở nhà Prokho, tôi đã trả mười hai rúp mà lão còn chưa chịu bán. Với thằng cha ấy thì không bớt được đồng nào đâu.

Những tiếng hàng rào, lạo sạo, răng rắc vẫn rền đều trên khắp sông Đông. Hình như dưới kia, bên ngoài thôn, có một người đàn bà trang sức lộng lẫy, rất khỏe, cao như một cây tiêu huyền, đang vừa đi vừa loạt soạt những cái vạt váy to lạ lùng.

Đến nửa đêm, khi bóng tối đã đặc sệt như nước mứt hoa quả, bỗng thấy Mitka Korsunov cưỡi một con ngựa không đóng yên phi đến bên tường bao nhà thờ. Nó xuống ngựa, buộc dây cương lên bờm ngựa, rồi đưa tay vỗ vỗ con ngựa vừa chạy còn đương hăng. Nó đứng lại một lát, lắng nghe tiếng vó ngựa dẫm lọp ọp dưới đất, rồi sửa lại dây lưng, bước vào trong sân. Lên đến thềm nhà thờ, nó bỏ cái mũ lông xuống, cúi cái đầu cạo dành món tóc như hình một cái ngoặc đơn không đều đặn để làm lễ. Lễ xong, nó xô đẩy những người đàn bà, len tới trước bàn thờ. Ở bên trái là cánh đàn ông chen chúc nhau như một đàn cừu đen, còn bên phải là những mầu sặc sỡ của quần áo phụ nữ. Mitka đưa mắt tìm thấy bố đang đứng trên hàng đầu, bèn len tới gần. Miron Grigorievich vừa đưa tay lên làm dấu phép thì Mitka nắm lấy khuỷu tay ông, ghé sát miệng vào cái tai đầy lông lá của ông, khẽ nói:

- Cha ơi, cha ra ngoài kia một lát.

Cánh mũi phập phồng, Mitka lách qua cả một hàng rào người dày đặc, nồng nặc đủ mọi thữ mùi: mùi khói nến lờm lợm, mùi những cơ thể đàn bà đầm đìa mồ hôi, mùi cải mả của những bộ quần áo cất kín quá lâu (các bộ quần áo nầy chỉ được lôi từ dưới đáy hòm ra nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh hay lễ Phục sinh), mùi da giầy ướt mùi băng phiến, mùi những chất bài tiết từ những cái dạ dày đói meo qua tuần chay.

Ra đến ngoài thềm, Mitka tì ngực vào vai bố và nói:

- Con Natalia chết mất!

--- ------ ------ ------ -------1 Tuần trước lễ Phục sinh (ND).

2 Còn gọi là giáo phái Tây lễ, một giáo phái của đạo Thiên chúa, chủ trương người lớn tin đạo rồi mới chịu lễ rửa tội (ND).

3 Tên gọi nhại những người theo Cựu giáo (Lời chú của bản tiếng Nga).

4 Nguyên văn: "Địa chủ choảng nhau, nông nô bị nắm bờm tóc lắc".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.