Sững Sờ Và Run Rẩy

Chương 1: Chương 1




Ông Haneda là cấp trên của ông Omochi. Ông Omochi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Và cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết.

Hoặc có thể nói theo cách khác. Tôi làm theo lệnh của cô Mori, cô Mori làm theo lệnh của ông Saito, và cứ tiếp tục như thế, các mệnh lệnh được truyền từ trên xuống dưới qua các cấp thứ bậc với sự chính xác này.

Vậy là, trong công ty Yumimoto, tôi y theo lệnh của tất cả mọi người.

Ngày mùng 8 tháng Giêng năm 1990, chiếc thang máy nhả tôi lên tầng cuối cùng trong tòa nhà của công ty Yumimoto. ô cửa sổ cuối sảnh thu hút tôi, giống như người ta bị hút về phía cửa sổ máy bay bị vỡ. ở phía xa, rất xa là thành phố xa tới mức tôi cứ ngỡ như chưa bao giờ đặt chân tới đó.

Thậm chí tôi không nghĩ tới việc phải trình diện ở lễ tân. Thực ra, lúc đó trong đầu tôi chẳng có ý nghĩ gì khác ngoài cái khoảng không hấp dẫn kia, ngoài cái khuông cửa mênh mông toàn kính kia.

Cuối cùng, một giọng khàn khàn gọi tên tôi từ đằng sau. Tôi quay lại. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, dáng người nhỏ thó, gầy và xấu xí, nhìn tôi vẻ khó chịu.

- Sao cô đến mà không báo cho lễ tân? - ông ta hỏi tôi.

Tôi chẳng biết trả lời sao nên im lặng. Tôi cúi gập người và nhận thấy là trong vòng mười phút, dù chưa nói lời nào, tôi đã gây ấn tượng không hay vào ngày đầu tiên đến nhận việc ở công ty Yumimoto.

Người đàn ông nói ông ta là Saito. ông dẫn tôi qua vô số những căn phòng rộng thênh thang và giới thiệu tôi với nhiều nhóm người có mặt trong đó, nhưng ông ta nêu tên họ tới đâu thì tôi cũng quên dần tới đó.

Sau đó, ông dẫn tôi vào phòng làm việc của cấp trên của ông ta, đó là ông Omochi, dáng người đồ sộ và đáng sợ, chứng tỏ ông ta chính là phó chủ tịch.

Tiếp đến, ông Saito chỉ cho tôi một cánh Amélie Nothomb cửa và trịnh trọng báo cho tôi biết, đằng sau cánh cửa này có ông Haneda, chủ tịch công ty. Tất nhiên là đừng có nghĩ đến chuyện gặp được ông chủ tịch.

Cuối cùng, ông ta dẫn tôi tới một gian phòng rộng mênh mông, bên trong có chừng bốn chục người đang làm việc, ông ta chỉ chỗ ngồi của tôi, ngay đối diện bàn làm việc của cô Mori, cấp trên trực tiếp của tôi. Cô này đang họp nên sẽ gặp tôi vào đầu giờ chiều.

Ông Saito giới thiệu tôi qua loa cho cả phòng. Xong xuôi, ông hỏi tôi có thích các thách thức không. Rõ ràng tôi chẳng thể trả lời là không rồi.

- Có ạ, - tôi nói.

Đây là từ đầu tiên tôi nói trong công ty. Trước đó, tôi chỉ toàn cúi đầu.

Cái “thách thức” mà ông Saito đề nghị với tôi là viết một bức thư bằng tiếng Anh cho ông Adam Johnson nào đó để báo cho ông ta biết ông Saito nhận lời đi chơi golf với ông ta vào Chủ nhật tuần sau.

- Adam Jonhson là ai ạ? - tôi ngớ ngẩn hỏi.

Cấp trên của tôi thở dài vẻ tức giận và không trả lời. Không thể chấp nhận được việc có người không biết ông Johnson là ai, hay tôi hỏi vậy là tò mò quá? Tôi chẳng bao giờ biết điều đó - và cũng chẳng bao giờ biết được ông Adam Johnson là ai.

Bài tập xem ra dễ dàng đối với tôi. Tôi ngồi xuống và viết một lá thư với giọng thân tình: ông Saito rất vui được chơi golf vào Chủ nhật tuần sau với ông Johnson và gửi tới ông tình cảm thân thiết. Tôi mang lá thư lại cho cấp trên.

Ông Saito đọc lá thư tôi vừa viết, thốt lên khe khẽ vẻ khinh thường và xé toạc lá thư:

- Viết lại.

Tôi nghĩ chắc mình đã tỏ ra quá thân mật hay thân tình với Adam Johnson nên tôi soạn một lá thư khác với giọng lạnh lủng và xa cách: ông Saito ghi nhận quyết định của ông Jonhson và chấp nhận chơi golf cùng ông, đúng như mong muốn của ông.

Cấp trên đọc lá thư tôi vừa viết, thốt lên khe khẽ vẻ khinh thường và xé toạc lá thư:

- Viết lại.

Tôi rất muốn hỏi trong lá thư tôi viết có lỗi gì, nhưng rõ ràng sếp tôi không chấp nhận các câu hỏi. Cách ông phản ứng với câu hỏi của tôi về ông Adam Johnson đã nói lên điều ấy quá rõ. Vậy là tôi phải tự tìm cho được văn phong phù hợp để viết cho cái ông Adam Johnson bí hiểm.

Tôi mất hàng giờ sau đó để soạn những lá thư ngắn cho người chơi golf này. ông Saito lần lượt phá bỏ sản phẩm của tôi bằng cách xé toạc chúng đi, và không có một lời bình phẩm nào ngoài tiếng kêu khe khẽ như điệp khúc. Và mỗi lần như vậy tôi lại phải sáng chế ra một giọng điệu thư khác.

Việc này làm tôi nghĩ đến gã trưởng giả học làm sang trong kịch của Molière khi gã tìm các câu văn hoa mỹ để tán tỉnh bà hầu tước xinh đẹp. Tôi khám phá những dạng thức ngữ pháp mới lạ: “Giả sử như Adam Johnson biến thành động từ, chủ nhật tuần sau là chủ ngữ, chơi golf là bổ ngữ và ông Saito là trạng từ thì sao nhỉ? Ta sẽ có câu như sau: Chủ nhật tuần sau vui mừng chấp nhận đến chơi Adamjohnsone, một trò golf theo kiểu ông Saito. Kệ xác ai muốn hiều ra sao thì hiều!”

Khi tôi bắt đầu thấy khoái cái trò này thì sếp xen vào. Ông ta xé lá thư thứ hàng ngàn của tôi mà không thèm đọc và nói là cô Mori đã tới.

- Chiều nay cô làm việc với cô ấy. Trong lúc chờ đợi thì đi lấy cho tôi cốc cà phê.

Đã mười bốn giờ. Mải sáng tác các bức thư với đủ mọi giọng điệu nên tôi chẳng nghĩ tới việc nghỉ lấy một giây.

Tôi đặt tách cà phê lên bàn làm việc của ông Saito và quay ra. Một cô gái cao lòng khòng như cái cung tên đang đi lại phía tôi.

Cứ nghĩ tới Fubuki là lúc nào tôi cũng thấy cái cung Nhật Bản, cao hơn cả đàn ông. Chẳng thế mà tôi đã gọi tên công ty là “Yumimoto”, có nghĩa là “mọi thứ liên quan đến cung tên”.

Và cứ khi nhìn thấy cái cung nào là tôi lại nghĩ tới Fubuki, người còn cao hơn cả đàn ông.

- Cô Mori phải không ạ?

- Cứ gọi tôi là Fubuki.

Tôi không nghe thấy cô nói gì với tôi nữa. Cô Mori ít nhất phải cao tới một mét tám mươi, chiều cao mà chẳng mấy đàn ông Nhật có được. Dáng người cô mảnh dẻ và quyến rũ, dù không thể tránh khỏi vẻ cứng nhắc vốn có kiểu Nhật. Song điều khiến tôi sững sờ là vẻ rạng ngời toát ra trên gương mặt cô.

Cô đang nói với tôi, tôi nghe trong chất giọng mềm mại toát lên sự thông minh. Cô chỉ cho tôi các bộ hồ sơ, giải thích cho tôi đó là những hồ sơ gì, rồi mỉm cười. Tôi không nhận ra là mình chẳng nghe cô nói gì hết.

Sau đó, Fubuki bảo tôi đọc những tài liệu mà cô đã chuẩn bị sẵn trên bàn tôi, ngay đối diện với bàn cô. Cô ngồi xuống và bắt đầu làm việc. Tôi ngoan ngoãn lật qua đống giấy tờ mà cô đưa cho để nghiên cứu. Nó gồm các quy định, danh sách bảng kê khai.

Cách hai mét trước mặt tôi, khuôn mặt Fubuki vô cùng hấp dẫn. Mắt cúi nhìn những con số nên cô không thấy tôi đang ngắm nhìn cô. Cô có chiếc mũi đẹp nhất thế giới, chiếc mũi kiểu Nhật Bản, một kiểu mũi có một không hai với hai lỗ mũi nhỏ rất thanh và có thể nhận ra giữa hàng nghìn chiếc mũi khác. Không phải tất cả người Nhật đều có chiếc mũi này, song, nếu ai đã có nó, thì chỉ có thể là người gốc Nhật. Giá như nữ hoàng Cléopâtre mà có được chiếc mũi này, thì bản đồ hành tinh chúng ta hẳn đã khác rất nhiều.

Tối đến, hẳn phải là người ti tiện mới có thể nghĩ rằng tôi đã không dùng đến chút nào những khả năng mà nhờ có chúng, tôi đã được người ta tuyển vào làm ở đây. Rốt cuộc, điều tôi mong muốn là được làm việc trong một công ty Nhật. Và tôi đang ở đó.

Tôi có cảm tưởng vừa trải qua một ngày làm việc tuyệt vời. Những ngày sau đó khẳng định thêm ấn tượng này của tôi.

Tôi vẫn chưa hiểu được vai trò của mình trong công ty này là gì; mà tôi cũng chẳng quan tâm tới điều đó. Ông Saito có vẻ thấy tôi là người khiếp đảm; điều này thì tôi lại càng dửng dưng hơn. Cô đồng nghiệp khiến tôi thấy phấn khích. Dường như tình bạn của cô mang lại một lý do hơn cả đầy đủ để tôi có thể trải qua mười tiếng mỗi ngày trong công ty Yumimoto.

Làn da cô vừa trắng vừa mịn, chính xác là làn da mà Tanizaki(1) đã mô tả. Fubuki là hiện thân hoàn hảo cho vẻ đẹp Nhật Bản, ngoại trừ cái chiều cao ngoại cỡ của cô. Khuôn mặt cô trông tựa như bông “cẩm chướng của nước Nhật cổ”, loài hoa tượng trưng cho thiếu nữ quyền quý thời xưa: nó được đặt trên cái dáng người cao lớn này để thu phục cả thế giới.

Yumimoto là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Ông Haneda quản lý phòng Xuất-Nhập khẩu, chuyên mua và bán tất cả những gì tồn tại trên khắp hành tinh.

Catalogue Xuất-Nhập khẩu của Yumimoto là phiên bản khổng lồ cuốn catalogue của Prévert(2): nào là pho mát Phần Lan, xút Singapore, rồi sợi quang học Canada, lốp xe Pháp và sợi đay Tôgô, chẳng có gì trượt ra khỏi công ty.

Tiền ở Yumimoto vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Khi những con số không nhiều đến một mức nào đó thì tổng số tiền đã vượt khỏi lĩnh vực số học để bước vào lĩnh vực nghệ thuật trừu tượng. Tôi tự hỏi liệu trong công ty có ai đó có thể sướng rơn vì đã kiếm được một trăm triệu Yên, hoặc lấy làm xót xa cho việc mất một khoản tiền tương đương.

Nhân viên của Yumimoto, cũng giống như những con số không, chỉ có giá trị khi được đặt sau những con số khác. Tất cả, trừ mỗi mình tôi là người thậm chí không đạt tới giá trị của con số không.

Nhiều ngày trôi đi và tôi vẫn chưa được dùng vào việc gì. Nhưng tôi chẳng lấy làm phiền. Tôi cảm tưởng như người ta đã quên tôi, mà vậy cũng hay. Ngồi bên bàn làm việc, tôi đọc đi đọc lại những tài liệu mà Fubuki đưa cho. Thực tình chúng chán chết đi được, ngoại trừ bản danh sách các thành viên của công ty Yumimoto: trong đó có họ tên, ngày tháng năm sinh và quê quán của mỗi người, kèm họ tên và ngày tháng năm sinh của vợ, chồng, hoặc con cái nếu có.

Bản thân những thông tin này không có gì hấp dẫn. Song khi đang đói mềm, một mẩu bánh mì cũng đủ gợi thèm: trong tình trạng đầu óc nhàn rỗi và thèm được động não này, với tôi, bản danh sách này hấp dẫn như một cuốn tạp chí đăng tin xì căng đan. Mà thực tế, đây là thứ giấy tờ duy nhất tôi hiểu.

Để có vẻ như đang làm việc, tôi quyết định học thuộc lòng tài liệu này. Có khoảng một trăm cái tên. Phần lớn các thành viên đã có gia đình và có con, điều này khiến cho công việc của tôi khó khăn hơn.

Tôi nghiên cứu: mặt tôi hết nghiêng sang bản danh sách rồi lại ngẩng lên để nạp nội dung vào bộ nhớ của mình. Mỗi khi ngẩng đầu lên, ánh mắt tôi lại bắt gặp gương mặt của Fubuki ngồi ngay đối diện.

Ông Saito không bắt tôi viết thư cho Adam Johnson nữa, và cũng chẳng viết cho ai khác. Hơn nữa, ông ta không bảo tôi làm gì cả, ngoại trừ việc mang cà phê đến cho ông ta.

Với người mới đến làm việc trong một công ty Nhật thì không có gì bình thường hơn là bắt đầu bằng ôchakumi - “nghi thức phục vụ trà”. Tôi thực hiện nhiệm vụ này hết sức nghiêm túc vì đó là nhiệm vụ duy nhất dành cho tôi.

Chẳng mấy chốc tôi đã nắm hết thói quen của từng người: với ông Saito là một tách cà phê đen ngay lúc tám rưỡi, ông Unaji là một tách cà phê sữa với hai viên đường vào lúc mười giờ. ông Mizuno thì mỗi tiếng lại một cốc to Coca. ông Okada, một tách trà Anh quốc với một lớp bông sữa mỏng vào lúc mười bảy giờ. Còn Fubuki thì một cốc trà xanh vào lúc chín giờ, một cà phê đen vào lúc mười hai giờ, một trà xanh nữa vào mười lăm giờ và một cà phê đen cuối cùng vào mười chín giờ - mỗi lần cô đều cảm ơn tôi với vẻ lịch sự duyên dáng.

Cái công việc khiêm tốn này lại là công cụ đầu tiên cho sự tụt dốc của tôi.

Một buổi sáng, ông Saito báo cho tôi biết ngài phó chủ tịch sẽ tiếp một phái đoàn quan trọng của một công ty bạn tại văn phòng của ông:

- Cà phê cho hai mươi người.

Tôi bước vào phòng của ông Omochi với một cái khay lớn và tôi thực hiện công việc trên cả mức hoàn hảo: tôi phục vụ mỗi tách cà phê với một vẻ kính cẩn nhún nhường, lặp lại đều đều những câu giao tiếp tinh tế nhất, mắt nhìn xuống và người cúi thấp. Giả sử có huân chương trao thưởng cho phong cách phục vụ trà thì hẳn phải trao cho tôi.

Mấy giờ sau, phái đoàn ra về. Cái giọng vang như sấm của ông Omochi hét lên:

- Ông Saito!

Tôi thấy ông Saito đứng bật dậy, mặt tái mét và chạy vào sào huyệt của ông phó chủ tịch. Những tiếng rú của ông béo phì vang lên sau bức tường. Người ta không hiểu ông ta nói gì, nhưng xem ra không có gì dễ chịu.

Ông Saito quay ra, mặt biến sắc. Tự dưng tôi cảm thấy thương khi nghĩ ông ta chỉ nặng bằng một phần ba kẻ vừa tấn công mình. Vừa lúc đó thì ông ta gọi tôi, giọng tức điên.

Tôi đi theo ông tới một phòng làm việc không có ai. Ông ta giận dữ tới mức líu cả lưỡi:

- Cô đã khiến cho phái đoàn của công ty bạn hết sức khó xử! Khi mời họ cà phê cô đã cho họ thấy cô nói tiếng Nhật rất chuẩn!

- Thì quả thực tôi nói không đến nỗi tồi, thưa ông Saito.

- Cô im đi! Cô có quyền gì mà cãi hả?

ông Omochi đang rất tức tối với cô đấy. Cô đã gây ra một không khí tồi tệ trong cuộc họp sáng nay: làm sao các đối tác của chúng tôi cảm thấy tin tưởng được khi có một người da trắng hiểu rõ thứ tiếng của họ hả? Từ nay, cô không được nói tiếng Nhật nữa.

Tôi tròn mắt nhìn ông ta:

- Sao ạ?

- Cô không biết tiếng Nhật nữa. Rõ chưa?

- Nhưng chính vì tôi biết tiếng Nhật mà công ty Yumimoto đã tuyển tôi vào làm!

- Tôi không cần biết. Tôi ra lệnh cho cô không được hiểu tiếng Nhật nữa.

- Không thể được. Không ai có thể tuân theo một mệnh lệnh như vậy.

- Luôn có một cách để vâng lời. Đó là điều các bộ não phương Tây phải hiểu.

“À ra thế đấy”, tôi nghĩ vậy rồi trả lời:

- Bộ não Nhật có thể có khả năng cố quên đi một ngôn ngữ. Bộ não phương Tây thì không có cách gì làm được việc đó.

Lập luận ngông cuồng này hình như lại được ông Saito chấp nhận.

- Dù sao thì cô cũng phải cố mà làm. Hay chí ít cô hãy giả vờ như vậy. Tôi đã nhận được lệnh từ cấp trên về chuyện của cô. Cô nghe chưa?

Giọng ông ta nghe khô đanh.

Lúc quay lại phòng làm việc của mình, hẳn mặt mũi tôi nom phải kỳ cục lắm nên Fubuki mới nhìn tôi vẻ rất dịu dàng và lo lắng. Tôi thẫn thờ hồi lâu, tự hỏi phải tỏ thái độ ra sao cho hợp.

Đệ đơn xin thôi việc là hợp lý nhất. Song, tôi lại không thể giải quyết theo ý này. Dưới mắt người phương Tây, việc đó chẳng có gì là nhục nhã; song với người Nhật thì đó là mất thể diện. Tôi vào làm ở công ty vừa tròn một tháng. Mà tôi đã ký hợp đồng một năm. Bỏ đi sau thời gian quá ngắn như vậy, tự tôi thấy thật hèn và với họ cũng vậy.

Thêm nữa là tôi chẳng hề muốn đi chút nào. Dù sao tôi cũng đã bỏ bao công sức khổ sở để được vào làm ở công ty này: học tiếng Tokyo trong kinh doanh, làm các bài kiểm tra. Chắc chắn, tôi chưa bao giờ có tham vọng trở thành một viên tướng tài trong ngành thương mại quốc tế, song tôi vẫn luôn thèm khát được sống ở đất nước này, đất nước tôi đã tôn thờ từ những kỷ niệm yêu thương đầu tiên của thời thơ ấu.

Tôi sẽ ở lại.

Và như vậy, tôi phải tìm được cách nào đó để tuân lệnh ông Saito. Tôi dò trong óc mình để tìm một lớp địa chất thuận lợi cho chứng bệnh hay quên: liệu trong cái thành trì tế bào thần kinh của tôi từng có mảng u tối nào không? Nhưng hỡi ôi, cái thành trì này tuy có chỗ vững chỗ yếu, có chòi canh và đường nứt, có lỗ thủng và hào bao quanh, song lại chẳng có chỗ nào để chôn vùi một thứ ngôn ngữ mà tôi nghe nói hàng ngày.

Vì không quên nổi nên liệu ít nhất tôi có thể giấu nó đi được không nhỉ? Nếu ngôn ngữ là một khu rừng, liệu tôi có thể cất giấu cả khóm bách Nhật, thứ cây đã rất nổi tiếng trong khu rừng đó, đằng sau những cây sồi Pháp, những cây đoạn Anh, những cây sồi La tinh và những cây ô liu Hy Lạp được chăng?

Mori, họ của Fubuki, có nghĩa là rừng. Phải chăng đây là lý do khiến vào giây phút này tôi đang lúng túng nhìn cô? Tôi nhận thấy cô vẫn đang nhìn tôi, vẻ dò hỏi.

Fubuki đứng dậy và ra hiệu cho tôi đi theo. Ra đến nhà bếp, tôi đổ phịch xuống một chiếc ghế.

- Ông ấy đã nói gì với cô? - cô ấy hỏi tôi.

Tôi dốc bầu tâm sự. Tôi thổn thức nói, gần như ứa nước mắt. Tôi không kìm nổi những lời nguy hiểm nữa:

- Tôi ghét ông Saito. ông ấy là đồ tồi, đồ ngốc.

Fubuki mỉm cười:

- Không phải đâu. Cô nhầm rồi.

- Tất nhiên. Cô là người tử tế, cô không thấy điều gì xấu. Nhưng, để đưa ra cho tôi một cái lệnh như thế thì ông ta hẳn phải là một...

- Cô bình tĩnh đi. Lệnh đưa ra không phải từ ông ấy. Ông ấy truyền lệnh của ông Omochi. ông ấy không có cách nào khác.

- Nếu vậy thì ông Omochi là một...

- Đó là một con người rất đặc biệt, - cô ngắt lời tôi. - Biết làm thế nào? Đó là ông phó chủ tịch. Chúng ta không thể làm gì được.

- Tôi có thể nói chuyện này với ông chủ tịch, ông Haneda. ông ấy là người thế nào?

- Ông Haneda là người lỗi lạc. ông ấy hết sức thông minh và tốt bụng. Nhưng không có chuyện cô đi phàn nàn với ông ấy đâu.

Cô ta nói có lý, tôi biết điều đó. Việc cấp dưới dám nhảy qua chỉ một cấp duy nhất đã là điều không thể tưởng tượng nổi - huống chi lại nhảy cóc qua bao nhiêu cấp như thế. Tôi chỉ có quyền được nói với cấp trên trực tiếp của tôi, là cô Mori.

- Fubuki, cô là người duy nhất tôi nhờ cậy được. Tôi biết là cô không thể làm gì to tát cho tôi. Song tôi vẫn cảm ơn cô. Tình thương người thực lòng nơi cô khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu.

Fubuki mỉm cười.

Tôi hỏi ý nghĩa tên của cô là gì. Cô chỉ cho tôi tấm danh thiếp của cô. Tôi nhìn những ký tự tượng hình và thốt lên:

- Bão tuyết! Fubuki có nghĩa là “bão tuyết”! Tên đẹp quá đi mất!

- Tôi được sinh ra lúc có bão tuyết. Bố mẹ tôi cho đó là điềm báo.

Danh sách của Yumimoto lướt qua trong đầu tôi: “Mori Fubuki, sinh ở Nara(3) ngày 18 tháng Giêng năm 1961...” Cô ấy được sinh ra vào mùa đông. Tôi chợt tưởng tượng ra cơn bão tuyết tràn trên thành phố Nara tuyệt vời, trên vô số những tháp chuông trong thành phố - âu cũng là chuyện thường khi cô gái tuyệt vời này được sinh ra vào cái ngày mà vẻ đẹp của bầu trời đã buông mình xuống chạm tới nhan sắc của trái đất.

Fubuki kể tôi nghe về thời thơ ấu của cô ở Kansai(4). Tôi kể với cô về tuổi thơ của mình ở làng Shukugawa, gần núi Kabuto, cách không xa Nara - việc gợi lại những nơi huyền thoại này khiến mắt tôi ngấn nước.

- Tôi thật vui khi cả hai chúng ta đều là dân Kansai! Đó chính là trái tim của nước Nhật cổ.

Và đó cũng là nơi con tim tôi luôn nhớ về từ cái ngày tôi rời bỏ vùng núi Nhật để sang sa mạc Trung Hoa khi mới năm tuổi. Chuyến di cư đầu tiên ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm tới mức tôi cảm thấy có thể chấp nhận hết thảy để được hòa nhập trở lại với đất nước mà tôi đã coi là cội nguồn của mình từ lâu lắm rồi.

Khi chúng tôi quay lại bàn làm việc được kê đối diện nhau, tôi vẫn chưa tìm được giải pháp nào cho vấn đề của mình. Chưa bao giờ tôi băn khoăn về vị trí của mình trong công ty Yumimoto đến vậy. Tôi từng ở đâu và sẽ ở đâu? Song tôi lại cảm thấy hết sức nhẹ nhõm, bởi tôi là đồng nghiệp của Fubuki Mori.

Vậy là tôi sẽ phải làm ra vẻ vẫn quan tâm tới những gì mọi người nói xung quanh, mặc dù hình như không hiểu một từ nào. Kể từ hôm nay, tôi im lặng phục vụ trà và cà phê, không mời mọc lịch sự và cũng không đáp lại những lời cảm ơn của các cán bộ. Những người này không hề biết về những chỉ thị mới áp đặt cho tôi và ngạc nhiên khi thấy cô Geisha(5) da trắng đáng mến biến thành một con cá chép thô thiển như người đàn bà Mỹ.

Than ôi, việc phục vụ trà cho cấp trên lại không chiếm của tôi nhiều thời gian. Tôi quyết định đi phân phát thư từ mà không hỏi ý kiến ai.

Công việc này là đẩy một chiếc xe bốn bánh lớn bằng kim loại đi qua vô số những phòng làm việc khổng lồ và phát thư từ cho mọi người. Công việc này rất hợp với tôi. Trước hết, nó sử dụng đến khả năng ngôn ngữ của tôi, vì phần lớn những địa chỉ ghi bằng tiếng Nhật - khi ông Saito không có đó, tôi không hề giấu giếm việc mình biết tiếng Nhật. Tiếp đến, tôi phát hiện ra mình đã không phí công học thuộc lòng danh sách nhân sự của Yumimoto: tôi không chỉ nhận ra từng người nhân viên bình thường nhất, mà còn tranh thủ lúc đưa thư để chúc mừng sinh nhật họ hoặc vợ chồng con cái họ nếu đúng dịp.

Tôi mỉm cười nói và hơi cúi người: “Thưa ông Shiranai, đây là thư của ông. Xin có lời chúc mừng sinh nhật tới cậu con trai bé bỏng Yoshiro của ông, hôm nay cậu ấy tròn ba tuổi.”

Việc này khiến cho mỗi lần như vậy, tôi lại nhận được một cái nhìn đầy ngỡ ngàng.

Làm công việc này mất khá nhiều thời gian vì tôi phải đi khắp công ty, nằm trên hai tầng nhà. Với chiếc xe đẩy bốn bánh có sức chứa một lượng hàng tương đối, tôi luôn phải sử dụng thang máy. Tôi rất khoái điều này, vì ngay cạnh chỗ tôi đứng chờ thang máy có một cửa kính rộng mênh mông. Thế là tôi lại chơi cái trò mà tôi gọi là “thả mình bằng mắt qua cửa sổ”. Tôi gí sát mũi vào tấm kính và tưởng tượng để mặc cho mình rơi xuống. Rất xa phía dưới kia là thành phố: tôi được thỏa thích ngắm nhìn bao nhiêu thứ trước khi bị nát bét ra dưới đất.

Tôi đã tìm ra thiên hướng của mình. Đầu óc tôi được thăng hoa trong cái công việc đơn giản, có ích, rất con người và tiện cho việc chiêm ngưỡng này. Có lẽ tôi thích được làm việc này suốt đời.

Ông Saito lệnh cho tôi tới phòng làm việc của ông. Tôi thật đáng bị la mắng: tôi đã tự biến mình thành kẻ phạm tội nguy hiểm chỉ vì có sáng kiến. Tôi đã tự động làm một việc mà không hề xin phép các cấp trên trực tiếp của mình. Hơn nữa, vừa lúc chiều, người phụ trách văn thư của công ty đã tới đây và gần như lên cơn thần kinh vì nghĩ mình sắp bị sa thải.

- Ăn cắp công việc của người khác là hành động vô cùng xấu xa, - ông Saito nói với tôi vẻ có lý.

Tôi cảm thấy tiếc khi thấy một sự nghiệp hứa hẹn đã bị đổ sụp quá nhanh. Chưa kề lại đặt lại vấn đề về công việc của tôi.

Tôi nảy ra một ý xem ra tuyệt vời theo suy nghĩ thơ ngây của mình: trong khi loăng quăng khắp công ty, tôi nhận thấy trong các phòng làm việc có rất nhiều cuốn lịch hầu như chẳng bao giờ được để đúng ngày, hoặc do cái khung vuông nhỏ màu đỏ di động không được chuyển cho đúng ngày, hoặc tờ lịch tháng không được lật.

Lần này, tôi không quên xin phép:

- Thưa ông Saito, tôi có thể bóc lịch không ạ?

Ông ta trả lời tôi là được mà không để ý. Tôi coi như mình đã có một nghề.

Buổi sáng, tôi rẽ vào từng phòng và chuyển cái khung nhỏ màu đỏ vào vị trí ngày tháng đúng của nó. Tôi đã có một công việc: tôi là người bóc lịch.

Dần dà, các thành viên của Yumimoto nhận ra công việc của tôi. Họ thấy buồn cười lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.