Ta Nguyện Làm Thê Tử Của Chàng

Chương 14: Chương 14: Gió hôm nay là bão nổi ngày mai




Lúc tướng công và ta đến đại sảnh thì cũng khá trễ do phải thay y phục cho chàng. Vậy mà người nào đó không hề biết đại họa sắp giáng đầu vẫn vui vẻ tung tăng nhảy nhót suốt dọc đường. Ta cũng mặc kệ, chuyện không nên làm thì cũng đã làm, giờ có nói gì chắc tướng công sẽ chỉ để ngoài tai.

Vừa bước lên vài bậc thềm phía lối vào ta đã nghe thấy tiếng khóc kinh tâm động phách của Bạch di nương, giọng nói nhu mì yếu ớt thập phần oan ức:

“Nương phải làm chủ cho Liên nhi, hằng ngày thiếp thân không quản nắng mưa chăm sóc vườn lan thật cẩn thận, cũng đã sắp đến ngày trổ hoa. Vốn dĩ người ta muốn nhân ngày sinh thần sẽ đem tặng người để tỏ lòng hiếu thuận nhưng…nhưng bây giờ…cả cái rễ cũng không còn!”

Lão phu nhân cũng sụt sùi thương cảm: “Có lòng là được, ngoan, đừng khóc nữa.”

Khi hai ta bước vào tất cả ánh mắt đều hướng vào “thủ phạm” là tướng công và “đồng phạm” là ta. Cha và nương ngồi trên ghế thần sắc lo âu, hình như nương muốn nói gì đó với ta nhưng ta không hiểu. Đại tỷ đang đứng bên cạnh lão phu nhân nhìn ta cười vui vẻ, nhị đệ ở kế bên đại tỷ cũng phụ họa theo, ban cho ta một nụ cười chói sáng. Chỉ có Bạch di nương một thân y phục hoa lệ đang rũ rượi ngồi khóc dưới chân lão phu nhân vẫn không có ý định sẽ đứng dậy.

Không đợi chúng ta thỉnh an thì lão phu nhân đã mặt nặng mày nhẹ chỉ vào tướng công tức giận nói:

“Giỏi cho tiểu tử ngốc nhà ngươi, bao nhiêu việc tốt không làm tại sao lại lại nhổ sạch vườn lan của di nương chứ hả?”

Tướng công nhìn lão phu nhân rồi ngơ ngác nhìn ta, ta cũng ngu ngơ nhìn lại. Chàng hỏi ta tại sao? Ta cũng rất muốn biết lý do mà có hỏi cách nào chàng cũng không chịu nói hay là cả chàng cũng không biết?

Thấy không ai hé môi, lão phu nhân càng tức giận, dùng tay đạp mạnh xuống bàn, một tiếng “rầm” vang lên làm mọi người một phen hoảng sợ.

“Nói mau!”

“Chàng, chàng…” Ta cả kinh nên chỉ ấp úng mà không biết phải giải thích thế nào.

Nương không thể ở yên được nữa liền chạy đến chỗ tướng công gấp gáp hỏi:

“Khiết nhi, nói cho nương nghe tại sao con lại làm vậy? Mau nói đi!”

Tướng công nhìn nương mà hai chân mày nhíu chặt lại rồi cuối đầu thú nhận:

“Khiết nhi muốn trồng hoa.”

Không đợi nương hỏi thêm câu gì thì Bạch di nương đã nhảy cẩn lên, không còn dáng dấp danh môn khuê nữ như thường ngày, giọng di nương đay nghiến:

“Cái gì? Trồng hoa? Nếu ngươi thích có thể trồng ở chỗ của ngươi, tại sao lại đến chỗ ta phá hoại?”

“Đất rất cứng mà.” Tướng công thủ thỉ nói nhỏ.

Mai viện từ trước đến giờ chỉ trồng toàn mai, cây to nhất cũng đã mấy trăm năm tuổi, đất ở đó quả thật không thể trồng loại cây nào khác.

Lúc này cha mới đứng dậy đỉnh đạc nói:

“Được rồi, chỉ vì vài bông hoa mà ầm ỉ cả một buổi tối, thật không ra thể thống gì.” Rồi nhìn sang Bạch di nương tiếp lời:

“Nếu Khiết nhi đã thích khu vườn đó như thế thì sau này cứ tùy ý sử dụng không cần để ý đến người khác. Về phần Bạch Liên, hồ sen bên cạnh Lan viện sẽ là của ngươi, dùng để trồng gì thì tùy ý ngươi quyết định.”

Bạch di nương đang định nói gì đó nhưng khi nhìn đến ánh mắt sắc lạnh của cha thì đành nuốt ngược vào trong, không dám nhiều lời.

Đây rõ ràng là siêu cấp bao che, hơn nữa hồ sen chỉ có thể trồng sen hoặc là thả cá, còn có thể trồng được cái gì khác? Nhưng cha là chủ của Nhậm gia, ai dám lên tiếng phản đối?

“Không được! Như vậy quá không công bằng. Đó dù sao cũng là công sức của Liên nhi không thể nói bỏ qua liền bỏ.”

Lão phu nhân chắc hẳn là ngoại lệ duy nhất.

“Ít nhất cũng phải bù đắp cho Liên nhi, ta thấy mấy mảnh ruộng ở phía tây liền giao nàng quản lý đi.”

“Chuyện này…” Cha có phần không đồng ý nhưng nương lại ra hiệu giựt giựt tay áo của người. Cha miễn cưỡng chấp nhận.

Bạch di nương hớn hở ra mặt, hướng lão phu nhân khấu đầu một cái rồi nhếch môi nhìn nương khiêu khích.

Nhậm gia đời đời đều làm nghề y nên chuyện mấy mảnh ruộng cũng không đáng nhắc đến làm gì, hơn nữa cha chỉ mua lại một cách tình cờ một dạo nào đó. Nhưng có điều, đất đai phong thủy đặc biệt tốt, hằng năm cho lợi nhuận cũng không ít. Vốn dĩ từ trước đến nay đều do nương quản lý, những khoản chi không “rõ ràng” cũng lấy từ đây mà lắp vào. Giờ Bạch di nương xem như lãi được một vố to.

Lão phu nhân thật vui lòng vì vừa được đóng vai một vị quan thanh liêm, chính trực. Đại tỷ nhanh nhẹn dìu lão phu nhân về phòng, còn không quên nịnh hót làm lão phu nhân cười đến không thấy mắt đâu.

Mọi chuyện xem như được giàn xếp ổn thỏa. Tối hôm đó, ta dùng hết cách hỏi tướng công chàng đã trồng hoa gì nhưng chàng lại làm bộ mặt “không nói cho ngươi biết” rồi xoay lưng về phía ta và…ngủ. Ta cũng vờ như không cần biết nữa nhưng cả đêm cứ trằn trọc không yên.

Mấy ngày sau là đại thọ sáu mươi tuổi của lão phu nhân nên mọi người ra vào tấp nập để chuẩn bị. Nương cũng bận rộn không kém, ta chạy phía sau nương để phụ giúp, cả hiệu thuốc cũng không thể đến thường xuyên nữa.

Buổi chiều, tại hoa viên có nhiều người qua lại, tiếng cười nói vui vẻ thi thoảng còn nghe được tiếng cười khúc khích của tiểu hài tử.

Thì ra là Thẫm lão nhà ở cuối thôn đến chơi. Trước đây lão phu nhân và Thẫm lão là tỷ muội chi giao nhưng cũng có điểm không hòa thuận, mấy năm gần đây sức khỏe không còn tốt nên cũng ít qua lại. Lần này, ngoài mặt là đến thăm lão phu nhân nhưng trọng yếu vẫn là khoe khoang tằng tôn* đáng yêu nhà nàng.

*Tằng tôn: chắt.

Đứa nhỏ được gọi là Ân nhi, vừa tròn hai tuổi, thân hình trắng trẻo, mập mạp rất bụ bẫm. Nghe đâu hai phu thê Thẫm thiếu gia đi làm ăn xa, đến lúc sinh con xong vẫn chưa chịu về nhà vì viện cớ vướn bận công việc. Lần này nếu không phải Thẫm lão nói mình lâm trọng bệnh, chẳng còn được mấy hơi tàn thì có lẽ mùa xuân năm sau vẫn chưa được nhìn mặt tằng tôn đáng yêu này.

Nương bảo ta mang một ít bánh nhà bếp vừa làm xong cho hai vị lão nhân gia thưởng thức. Lão phu nhân ngăn không cho ta mở lời chào hỏi mà nhanh chóng phân phó ta đứng sang một bên rồi vui vẻ tiếp tục cười nói với Nhậm lão.

Lão phu nhân nhìn Ân nhi mà hai mắt long lanh sáng, hai tay ôm lấy tiểu oa nhi mà cưng mà nựng tựa như đang ôm đứa cháu ruột rà của nàng. Ân nhi cũng thật ngoan ngoãn, không hề quấy khóc chút nào. Nó nhìn sang ta cười ngô nghê, hai má phúng phính rung rung bần bậc. Ta thật kiềm chế mới không chạy đến cắn một phát vào má phấn nộn của đứa nhỏ.

Nhìn Ân nhi vui vẻ, hoạt bát làm ta chợt nhớ đến chuyện A Tình đã nói lúc trước. Chuyện đó làm ta suy nghĩ rất lâu, có nằm mơ ta cũng không dám nghĩ đến. Người đại tỷ luôn xem trọng danh dự là trọng yếu – chỉ sau nhan sắc – chưa gả ra ngoài mà đã hoài thai đứa nhỏ. Kẻ hại đại tỷ không dám ngẩn đầu ở thôn Lý Lâm lại là một thư sinh không biết từ đâu đến và hiện nay cũng đã bặt vô âm tính. Phu nhân biết được nổi cơn thịnh nộ ép đại tỷ uống thuốc phá thai, lúc đó chắc hẳn đại tỷ rất khổ tâm. Dù gì cũng là tỷ muội với nhau nên ta cũng định lúc có cơ hội sẽ nói vài lời an ủi tỷ ấy nhưng phải mở lời như thế nào đây? Không khéo đại tỷ lại nghĩ ta diện cớ cười nhạo cũng nên. Lần lượt suy tính trước sau nên đến bây giờ ta vẫn chưa nói được một câu nào ra hồn với tỷ ấy.

Ta nghĩ bân quơ một lúc thì bị âm thanh the thé của Thẫm lão làm bừng tỉnh.

Thẫm lão thấy lão phu nhân có vẻ thích thú với Ân nhi thì liền bóng gió:

“Nếu đã thích như vậy thì nói tụi nhỏ sinh một đứa để mà bồng bế, lão phu nhân người cũng chẳng còn son trẻ gì, chẳng mấy chốc…” Đoạn làm như lỡ lời liền cười trừ nói sang chuyện khác: “Cháu dâu của phu nhân đâu, sao ta không nhìn thấy? Nghe nói, nàng vừa xinh đẹp lại giỏi giang, biết thu vén trong ngoài, là một cô nương tốt khó tìm.”

Đến lúc này lão phu nhân cũng không thể nào nhẫn nhịn được nữa, mặt mày xám tro nhưng giọng nói vẫn nhỏ nhẹ từ tốn:

“Phu nhân nói đúng, cháu dâu của ta đích thực không ai sánh bằng, ngoan ngoãn hiếu thuận chứ không như cháu dâu nhà ai đó… đi biền biệt mấy năm cũng chẳng thèm về nhà lấy một lần.”

Mặc dù lão phu nhân không xem trọng ta nhưng trước mặt người ngoài, người không muốn làm xấu mặt Nhậm gia nên đành nói trái lương tâm của mình. Ta cũng thở phào nhẹ nhõm.

Thẫm lão biết chuyện nhà mình đang bị xỉa xói thì khó chịu nhưng cũng không làm gì được. Chỉ biết lấy chuyện con cháu ra để khó dễ:

“Nhưng có điều cưới về cũng đã lâu, cũng nên có tin vui rồi mới phải? Phu nhân không hối thúc tụi nhỏ? Có đứa nhỏ bên cạnh quả thực rất khác biệt.”

Người ta khẽ rung, ta nhìn về phía lão phu nhân, người cũng vừa vặn liếc ta một cái. Ta thực tâm muốn nói cho lão phu nhân biết tướng công và ta thực ra vẫn chưa có viên phòng. Mặc dù ở chung một chỗ lại ngủ cùng một giường nhưng cái gì chúng ta cũng chưa làm, hơn nữa tướng công ngủ rất quy cũ…không hề động chạm đến ta, thử hỏi ta lấy đâu ra tằng tôn cho người?

“Phu nhân nói đúng, nhưng chuyện con cháu còn phải xem duyên phận thế nào, ta thực không nôn nóng.” Lão phu nhân điềm nhiên trả lời, vẻ mặt lại lạnh đi vài phần.

Thẫm lão không nói gì nữa chỉ đành uống trà ăn bánh. Đột nhiên ánh mắt dừng trên một bóng dáng đứng cách đó không xa, vội vàng chỉ tay hỏi gấp:

“Đó, đó có phải là cháu dâu không? Quả thật là xinh đẹp hơn người.”

Lão phu nhân nhìn theo hướng tay Thẫm lão thì nhìn thấy người đang đứng hái hoa là đại tỷ của ta nhưng người cũng không ngần ngại mà dứt khoát trả lời:

“Đích thực là nàng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.