Tặc Miêu

Chương 4: Q.2 - Chương 4: Trẻ Con Loạn Nhà






Lại nói, chú tiểu quét chùa lĩnh pháp chỉ, vội vã ra khỏi sơn môn, cứ thế đi tìm đến quá nửa đêm mới thấy con mèo già lở loét, liền ôm nó về Bỉ Lôi đường, than thở. "Đáng thương thay con nghiệt súc không biết gì! Chẳng hiểu mày đắc tội với lão thiền sư ra sao mà liên lụy đến cả tiểu tang. Hôm nay không thể không kết liễu tính mạng của mày, rồi ta sẽ tụng kinh siêu độ cho mày về Tây phương cực lạc... " Đoạn chú tiểu nghiến răng ném con mèo xuống đầm cho chết, rồi vớt xác nó đem chôn vào khu rừng rậm phía sau núi, sau đó mới quay về chùa bẩm báo với Đàm Chân trưởng lão.

Thường có câu: "Nhập môn chớ hỏi điều hay dở, cứ xem sắc mặt biết ngay liền". Đàm Chân trưởng lão trông thần sắc của chú tiểu, hiểu rằng đã xử lý ổn thỏa. Thấy trời đã sáng rõ, hòa thượng liền hỏi chú tiểu làm thế nào giết con mèo, lúc đó trời đã sáng chưa?

Chú tiểu quét chùa phạm sát giới, trong lòng rất hoảng hốt, nhớ lại lúc dìm con mèo già, dường như trời vừa mới hửng, cửa thành còn chưa mở, đứng trước mặt Đàm Chân trưởng lão, chú tiểu không dám giấu giếm điều gì, nhất nhất kể lại hết.

Đàm Chân trưởng lão nghe xong, lòng thầm nghĩ: "Đúng là ý trời, sức người không thể cưỡng cầu cho được." Trước đó, vì thiền cơ không thể nói cho tỏ tường, khó nói thẳng với chú tiểu chân tướng mọi sự. Thì ra nhà Phật giảng lẽ tuần hoàn nhân quả, con mèo già lở loét đó tuy bị đọa trong súc sinh đạo nhưng cũng đã có đạo hạnh. Mỗi lần tăng nhân trong chùa Bỉ Lôi thắp hương tụng kinh, tiếng mõ cá vang lên, con mèo già lại theo âm thanh mà đến, nằm phục trên xà nhà trước điện lắng nghe kinh văn.

Đàm Chân trưởng lão dùng tuệ nhãn soi xét sự vật, biết rằng con mèo này có đạo cốt, không thành Phật được, song nhà Phật coi chúng sinh thảy như quyến thuộc, nó nghe kinh đã nhiều năm, trước sau cũng kết thành thiện quả, chỉ có điều phải đầu thai thành người ở chốn nhân gian, làm nên một số việc thì mới đắc đạo được. Đúng vào đêm hôm đó, trong thành Linh Châu, có một sản phụ lâm bồn, thai nhi lại xoay ngang, tính mệnh của sản phụ chỉ còn trong phút chốc, sắp sửa một thây hai mạng đến nơi. Bà đỡ và cả thầy lang sản lúc ấy đã bó tay không còn cách nào giúp được.

Người ngoài không hiểu gì, chỉ có Đàm Chân trưởng lão biết rõ, nếu con mèo này không chết thì sản phụ kia không đẻ được, thế nên sai chú tiểu kết liễu nó, nhưng không ngờ, trời xui đất khiến thế nào lại giết nhầm giờ, chỉ còn cách trông chờ vào số mệnh của con mèo già đó ra sao mà thôi.

Sáng sớm ngày hôm đó, quả nhiên có nhà Đàm viên ngoại mừng sinh được quý tử, đặt tên là "Bách Trung". Đàm gia là nhà có truyền thống thư hương nổi tiếng thành Linh Châu, đến đời Đàm công tử thì lại độc đinh, nghìn mẫu ruộng chỉ còn mình chàng thừa kế. Chẳng ngờ tiểu công tử từ lúc sinh ra, toàn thân lở loét, danh y khắp nơi cũng không chữa trị được. Có điều, chàng từ nhỏ đã thông minh đỉnh ngộ, sách vở chỉ cần liếc qua là nhớ cả, từ bé đã có chí đi thi đoạt bảng vàng. Nhưng hiềm nỗi học tài thi phận, dẫu trong bụng có lời văn như gấm, chữ viết đẹp như phượng múa rồng bay, chàng vẫn không có số đậu khôi nguyên, lần nào đi thi cũng hỏng, may nhờ gia sản giàu có nên đường kinh kế mới không đáng lo.

Đàm công tử có một đam mê kỳ lạ, bình sinh rất thích nuôi mèo, các cuốn Miêu kinh, Miêu phổ thường xem chẳng rời tay, lại còn bỏ ra rất nhiều tiền bạc, mời người từ lưỡng Quảng về để xem tướng mèo. Mấy lần đều thi trượt khiến chí công danh của chàng dần nguội lạnh, về sau chỉ dành hết tinh thần sức lực vào việc nuôi mèo mà thôi. Chàng phá tán hết gia sản, cả ngày chỉ chơi đùa với đàn mèo.

Ở Linh Châu có truyền thuyết từ xa xưa về mèo già biết nói tiếng người, mà Đàm công tử hễ gặp mèo là hỏi: "Ngươi có biết nói không?" Thấy một con mèo hoang đi qua mái nhà, chàng cũng phải đuổi theo hỏi: "Lang quân trên mái xin ngừng bước, người có biết nói không?" Thế nhưng bất kể mèo nhà hay mèo hoang xưa nay đều chẳng buồn nheo mắt nhìn Đàm công tử lấy một lần. Những cử chỉ quái dị ấy của chàng khiến cho đầy tớ, láng giềng đều tưởng Đàm công tử bị bệnh điên không có thuốc chữa.

Một năm nọ, Đàm công tử tản bộ ở ngoại ô, gặp một con mèo hoang bốn tai hết sức hiếm thấy đang phì phò nằm ngủ trên chạc cây. Con mèo này toàn thân nồng nặc mùi rượu, dường như vừa mới uống trộm rượu ở đâu đó về, say nằm ở đây. Đàm công tử giỏi xem tướng mèo, vừa trông thấy đã biết con mèo này hết sức phi phàm, có lẽ là mèo tiên bốn tai hóa ra chứ chẳng chơi. Chàng thấy tò mò, liền ngồi xuống gốc cây định bụng xem cho rõ ràng. Tới lúc mặt trời xế bóng, con mèo bốn tai mới tỉnh hơi men. Chẳng thèm để ý đến Đàm công tử đang ngồi dưới gốc cây, nó ngáp một hơi rồi nhảy xuống, lắc mình, rồi đủng đỉnh bỏ đi.

Đàm công tử đi theo con mèo vào sâu trong núi, đi miết mười mấy năm trời, ai cũng cho rằng chàng đã chết từ lâu. Không ngờ, Đàm công tử gặp được kỳ duyên trong núi, nhưng rốt cuộc là chàng đã gặp phải chuyện gì thì rất ít người tỏ tường. Chỉ biết rằng, khi từ trong núi trở về, chàng thường dẫn theo mình một con mèo bốn tai, thường hay gọi bầy gọi bạn, tụ tập cả bầy mèo hoang lớn đi khắp nơi huyên náo, rao bán "Miêu nhi dược", xưng rằng chữa được bách bệnh.

Người đời đa phần đều nghĩ chàng bị điên, làm gì có ai chịu uống loại thước lẩm cẩm ấy? Nhưng cũng có vài tên hành khất ăn xin bị ốm nặng không có tiền chữa bệnh, đành dùng thử loại Miêu nhi dược của chàng, dù sao cũng còn hơn nằm chờ chết. Chẳng ai ngờ, thuốc đến bệnh đi, chàng cứ thế cứu chữa được rất nhiều chứng nan y, cứu sống vô số người bệnh, từ đó tiếng tăm nổi như cồn, gần xa đều biết tiếng.

Rồi đến một năm nọ, thành Linh Châu gặp đợt hạn hán mấy trăm năm chưa từng có, đất đai nứt nẻ, sông suối cạn khô, đến nước giếng cũng gần như hết sạch. Dân chúng trong thành phải đào giếng sâu tới mười mấy trượng mà cũng chẳng có chút hơi ẩm, trên cao vầng dương đỏ rực nóng hầm hập, lửa độc bức xuống, chẳng đếm nổi bao nhiêu người nghèo phải chết khát. Nắng nóng khiến cho các tử thi thối rữa sinh ra dịch bệnh. Từ một vùng phồn hoa giàu có, trận hạn hán đã gần như biến nơi đây thành một tòa thành chết chóc.

Quan lại, dân chúng trong toàn thành đều tụ tập ở miếu Long vương cầu mưa. Ngôi miếu này tuy thờ Long vương của khắp tứ hải ngũ hồ, song không vị nào hiển linh ban mưa xuống. Lúc ấy, Đàm công tử mới đem con mèo bốn tai đến trước miếu Long vương, nói với mọi người rằng, trong xà gỗ của tòa đại điên miếu Long vương có một con "tằm lửa" hút hết khí nước trong mạch đất, nếu không phá hủy ngôi miếu này thì hạn hán sẽ không dứt được.

Quân dân Linh Châu tuy khao khát mưa xuống nhưng đời nào dám làm chuyện báng bộ thánh thần như thế. Lời của Đàm công tử khiến đám đông nổi giận, bị họ đuổi khỏi thành. Đêm hôm đó, miếu Long vương trong thành phát hỏa, bị ngọn lửa thiêu rụi không còn mảnh ngói. Có người trông thấy mấy con mèo hoang đẩy đổ chân đèn khiến miếu bắt lửa. Dân chúng ngờ rằng do Đàm công tử sai khiến, định bắt trói chàng giải đến nha môn hỏi tội. Chẳng ngờ, bỗng nghe ầm một cái, sấm chớp nổi lên, mây đen bốn bề kéo đến, một cơn móc ngọt từ trên trời đổ xuống. Truyện "Tặc Miêu "

Mọi người lúc ấy mới biết trận hạn này quả là từ miếu Long vương mà ra, lúc trước đã trách lầm người tốt. Từ đó về sau, ai nấy đều coi Đàm công tử như thần tiên. Người trong thành Linh Châu bất kể già trẻ trai gái, giàu nghèo sang hèn đều tranh nhau uống Miêu nhi dược của Đàm công tử để mong khỏe mạnh, sống lâu, gia đình bình an vô sự. Ngoài việc xem bệnh bốc thuốc, có người còn đến hỏi chàng về việc họa phúc, thường quẻ bói đã gieo ra là đúng. Vài năm sau, Đàm công tử đem con mèo bốn tai rời khỏi Linh Châu đi vân du, không biết về sau thế nào.

Bách tính Linh Châu đều bảo chàng đã đắc đạo thành tiên, liền xây dựng một ngôi đền trong thành để cúng dường bọn mèo khoang Linh Châu. Từ khi được xây dựng, Miêu Tiên từ hương lửa ngày càng thịnh vượng, mấy trăm năm không dứt, thường hiển hiện nhiều việc linh dị, tục sùng bái mèo ở địa phương này cũng theo đó mà rất thịnh, vì vậy, câu chuyện này đến nay vẫn còn lưu truyền lại. Việc cũ của Miêu Tiên, thực thực hư hư, hoang đường kỳ lạ, ít thấy trên đời, nghe tuy hay nhưng vị tất đã có thực. Trong truyền thuyết có đề cập đến cả "Nho, Thích, Đạo", tao giáo lục chúng, công là do phong khí của người dân địa phương vốn thế.

Lão Thiết Trung hết sức tin vào câu chuyện. Lão chỉ vào sau trong ngõ, nói: "Hòe viên xây dựng trên nền đất của miếu Long vương khi xưa, vốn là một khu nhà ma. Các người đương đêm vào đó phải hết sức cẩn thận, chỉ mong Miêu Tiên gia hiển linh phù hộ cho các ngươi bình an vô sự. Ta già cả nhát gan, không tiễn các ngươi thêm được nữa, chúng ta từ biệt ở đây thôi." Nói đoạn, lão đưa cái đèn lồng cho bọn Trương Tiển Biện, rồi lụi cụi quay người bỏ đi. Truyện "Tặc Miêu "

Trương Tiểu Biện và Tôn Đại Ma Tử đều là hạng lưu manh to gan, lại có chút thủ đoạn côn đồ, trong đầu toàn nghĩ vào trong Hòe viên là phát tài to, không thèm để tâm xem Thiết Trung nói gì, dẫn theo Tiểu Phượng và con mèo đen, giơ đèn lồng rảo bước đến thẳng trước cửa Hòe viên, lấy chìa khóa mở cửa. Chỉ thấy bên trong là một khu vườn rất lớn, cửa nẻo thâm nghiêm, đình đài liền nhau, tuy không phải là tiên phủ ở trên trời nhưng kể cũng là một nhà giàu có ở nhân gian.

Trong đêm đen, Hòe viên yên lặng u ám, ba bề bốn bên không một tiếng động, chỉ thấy dưới ánh trăng sáng, mặt đất trải một màu bàng bạc, đình đền đài tạ, hoa cỏ dưới ánh trăng toát lên vẻ thê lương, lạnh lẽo. Trương Tiểu Biện vào đến nơi này, trống ngực đập thình thịch, tự nhủ Lâm Trung Lão Quỷ chỉ bảo mang con mèo đen đến nhà ma là có thể đào lên núi vàng, núi bạc, còn các chi tiết khác lại không dặn dò gì. Không rõ rốt cuộc làm cách nào để lấy được cáo kho báu kia. Chuyến đi này là lành hay dữ còn phải trông vào số vận của Trương Tam gia ta nữa. Truyện "Tặc Miêu "

Thấy Hòe viên có rất nhiều đình đài lầu các, hắn không biết bắt tay từ đâu, đành mở gian chính ra bước vào. Nhưng bên trong mạng nhện giăng đầy, bụi phủ khắp nơi, đúng là lâu không có người qua lại. Các đồ đạc bài trí trong phòng đã bị khiêng đi sạch từ lâu, ba người tìm một góc, quét tước, lau dọc qua loa rồi ngồi xuống, chia nhau mấy mẫu lương khô còn lại, định lót dạ trước rồi mới xem xét tiếp các nơi trong khuôn viên.

Vất vả từ sáng tới giờ, cả ba đã đói lắm rồi, lúc đó cắm cúi ăn như thuồng luồng, không ai nói với ai câu nào. Đang ăn dở được một nửa chợt nghe tiếng trẻ khóc từ sau nhà vọng ra. Tiếng khóc thê lương cứ nổi lên từng chặp, lúc gần lúc xa. Con mèo đen rất cảnh giác, vốn đang cuộn tròn trên mặt đất, vừa nghe tiếng động, lập tức động đậy đôi tai soạt một cái đứng dậy, hai mắt vằn đỏ. Điệu bộ của nó như sắp có kẻ địch lớn, toát lên vẻ sợ hãi tột độ.

Trương Tiểu Biện nghe thấy rõ ràng, lại thêm một phen kinh hoảng, hắn vừa sợ hãi vừa thấy lạ, thiếu chút nữa chết nghẹn vì miếng lương khô. Hắn trợn mắt lên, khó khắn lắm mới nuốt được xuống, thầm chửi thứ âm thanh quái quỷ trong ngôi nhà vườn hoang phế này, lấy đâu ra trẻ con khóc nhỉ?

Tiếng khóc não ruột khiến Tiểu Phượng sợ hãi, hoảng hốt nói: "Chẳng lẽ trong căn nhà ma này có tiểu yêu tác quái ư?" Trương Tiểu Biện ôm con mèo đen lên, nói với Tiểu Phượng: "Sợ gì chứ? Tương truyền mèo đen, chó trắng có thể trừ tà. Dù là quỷ dữ gặp chúng cũng phải kiêng nể vài phần. Nghe tiếng khóc vừa rồi có gì đó cổ quái, biết đâu chừng vàng bạc chôn giấu trong vườn đã thành tinh rồi cũng nên."

Tôn Đại Ma Tử nói: "Sở dĩ thế gian này có yêu ma quỷ quái, phần nhiều là do lòng người bất bình mà ra. Cái gọi là chính thắng tà tức là nếu trong lòng không có gì khuất tất thì dẫu rằng ma quỷ có thật cũng chẳng đáng sợ gì!" Vừa nói, gã vừa nắm chặt cây gậy trong tay, lấy thêm can đảm, lần về phía tiếng khóc ở đằng sau nhà.

Sau nhà là một vùng rừng cây hoang vu, trồng hàng trăm gốc hòe, nhưng nay quá nửa đã chết khô. Những chạc cây khô lởm chởm dưới ánh trăng như những bóng ma dữ tợn. Cả một vùng toàn là những lùm cỏ dại lúp xúp, tường rêu nứt nẻ, không có lấy một tiếng giun dế. Trong không gian chết chóc ấy, chỉ có tiếng khóc trẻ con vọng lại từ trong đám cỏ cây rậm rạp, lúc gần, lúc xa.

Thời xưa từng có rất nhiều truyền thuyết kể về việc bạc chôn dưới đất hóa thành yêu tinh. Bảo rằng, trong những viện lớn phủ to của các nhà giàu quyền quý, thường có chôn giấu các hố bạc hố vàng, đề phòng đời sau con cháu phá tán hết gia sản. Nhưng bạc vàng đó chôn dưới đất quá lâu, vật già sinh biến, liền hóa thành người đi tác quái, dân gian gọi là: "Ngân phách". Trương Tiểu Biện bị tiền bạc làm cho mê muội, đoán chắc ấy là do trong nhà ma giấu bạc, chốn vườn hoang chôn vàng, lại cho rằng tiếng khóc đó nhất định là điềm của đóng vàng bạc chôn lâu ngày, liền giơ đèn lồng, rảo bước vạch cỏ vén cây, xăm xăm đi về phía lùm hòe rậm rạp.

Tôn Đại Ma Tử cũng là kẻ thô lỗ, không biết trời cao đất dày là gì, gã ỷ mình biết mấy đường quyền cước, liền xách gậy sánh vai cùng Trương Tiểu Biện tiến đến, định bụng "gậy đánh cho nguôi cơn thịnh nộ, côn vung để trợ sức thần uy". Nào ngờ vừa phạt đám cây khô lá úa trước mặt, liền thấy trong lùm hòe có một căn lầu gỗ hai tầng, ngói biếc cột son, chạm trổ tinh xảo, nhưng cửa sổ và cửa ra vào không còn nguyên vẹn, lộ rõ vẻ hoang phế. Tiếng trẻ con khóc đúng là vọng lại từ bên trong căn lầu này.

Ba người dừng chân trước căn lầu, nghe tiếng khóc rất gần, trong lòng hồi hộp, cả ba vừa nghi ngại vừa sợ sệt, chưa quyết định có nên xông vào bên trong xem cho rõ không thì thấy trong chỗ góc lầu tối như mực, có từng đám trắng lóa nhúc nhích, đúng chỗ ấy lại không có ánh trăng nên không rõ là vật gì.

Có câu rằng, tiền làm hoa mắt, sắc khiến rối lòng, Trương Tiểu Biện kia mấy đời nghèo đói, trong đầu chỉ biết có mỗi chữ tiền, nào biết trong căn lầu này nguy hiểm ra sao, liền cất tiếng hỏi: "Cháu chắt nhà ai chết khổ chết sở mà cứ khóc um lên mãi thế?", đoạn giơ ngọn đèn lồng rọi về phía trước. Dưới ánh đèn, cả ba đều nhìn thấy rõ sự thể. Không thấy thì thôi, vừa mới thấy liền tức tim đập chân run, đờ ra không biết trời đất trăng sao gì nữa.

Thì ra trong căn lầu tối đen như mực ấy nào có đâu Ngân tinh, Ngân phách, chỉ có một đứa bé béo trắng đang nằm sấp, ước chừng tám chín tháng tuổi, toàn thân trần truồng không mảnh vải, trên cổ còn đem một cái khóa bạc Trường mệnh để lấy khước. Thằng bé đang khóc hu hu, âm thanh nghẹn ngào trong cổ họng, vừa thấy ánh đèn chớp lên, nó lập tức chuyển từ buồn sang vui, phá lên cười "ha ha ha" một cái quái dị, rồi bò lại phía cửa lầu nhanh như một cơn gió, thoắt cái đã đến trước mặt ba người bọn Trương Tiểu Biện.

Có câu rằng: "Họ Lâu vườn cũ có ma, hiện lên đòi mạng canh ba đêm nay." Muốn biết bọn Trương Tiểu Biện gặp phải nguy hiểm gì trong Hòe viên, đợi hồi sau sẽ rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.