Được rồi, nhắc qua rất nhiều lần về thuyết “tân Dược - Độc”, nhưng rốt cuộc thì nó là cái gì? Nội dung chính như thế nào? Có gì tiến bộ hơn những hiểu biết về Dược và Độc kiểu “cũ” để được gọi là “tân” chứ?
Còn nữa, “Dược Lực và Độc Lực hoạt động song song” mà Hệ Thống nhắc tới trong bài báo cáo kết quả thí nghiệm với Tiêu Thiên có ý nghĩa gì? Việc hắn ngất đi sau khi sử dụng Thái Hư Tán có vẻ như là do trúng độc a, nếu thực sự là như thế, liệu rằng có tồn tại tác dụng phụ không?
Và đáp án đúng, đủ, cũng như là trực quan nhất cho tất cả các câu hỏi quan trọng trên đều được gói gọn trong từng chữ một của bốn chữ… thuyết “tân Dược - Độc”.
Trước hết, để cho rõ ràng thì phải khẳng định một điều chắc chắn rằng Tiêu Thiên không biết dùng độc, cũng chẳng hiểu mô tê gì về đan dược cả.
Nửa chữ đều không biết ạ!
Nhưng bù lại, hắn có đầu óc “dám nghĩ” của một người hiện đại tiến bộ, và rất không trùng hợp, cả Hệ Thống lẫn Mộc Ánh Tuyết lại đều là những người “dám làm”, chỉ cần chủ nhân họ muốn.
Thế thì, một điều luôn khiến Tiêu Thiên trăn trở trong lòng, đó là Dược vốn có ba phần Độc, mà Độc dùng đúng vẫn có thể cứu người, vậy tại sao cả hai lại không thể tồn tại song song trong cùng một viên đan dược chứ, đúng không?
Khụ… nói cho hay thế thôi chứ thực tế là bởi vì nghèo nên nghĩ mọi cách tiết kiệm tiền nguyên vật liệu luyện đan đấy!
Mà, dù là vì bất kỳ lý do gì thì Tiêu Thiên cũng đã bị ám ảnh bởi suy nghĩ vượt xa thời đại ấy ngay cả trong giấc ngủ, cho nên, hắn quyết định… cầu cứu Hệ Thống cùng Mộc Ánh Tuyết.
Và thuyết “tân Dược - Độc” cứ thế ra đời!
Nội dung chính của thuyết “tân Dược - Độc” do Tiêu Thiên đề ra được xây dựng chủ yếu xoay quanh việc hiện thực hóa ước mơ “trong Dược có Độc, trong Độc có Dược” đầy nghịch lý như đã nói ở trên.
Và nhờ kiến thức từ Hệ Thống, cùng đôi bàn tay điêu luyện của “Tây Thổ Đệ Nhất Độc Sư” Mộc Ánh Tuyết, thì Thái Hư Tán đã trở thành loại “tân Dược” đầu tiên được sản xuất thành công dựa trên lý thuyết không tưởng kia. Cho nên, ngoài Dược Lực mang những tác dụng tích cực như tẩy cân phạt tủy, cường hóa kinh mạch và tăng tốc tu luyện ra, nó còn tồn tại song song một lượng Độc Lực phục vụ cho mục đích… phá rồi lại lập nữa.
Như thế nào gọi là phá rồi lại lập!? - Để trả lời cho câu hỏi “khó mà không khó” này, trước hết phải trả lời và giải quyết hết những “định kiến cũ” đã tồn tại hàng triệu năm qua.
Câu hỏi thứ nhất, tại sao việc tẩy cân phạt tủy luôn gây ra sự đau đớn rất lớn cho người trải nghiệm nó? - Đáp án là bởi vì thân thể con người luôn tồn tại một loại phản ứng tự bảo vệ hoạt động không cần kiểm soát trước dị vật cùng dị lực. Và Dược Lực, dù mang mục đích tốt, nhưng suy cho cùng nó vẫn là một loại dị lực không tự sinh ra do hoạt động tế bào của bản thân cơ thể, thế là giao tranh diễn ra như một lẽ tất nhiên, dẫn tới những đau đớn không thể tránh khỏi.
Câu hỏi thứ hai, vì cái gì cùng một loại thuốc nhưng người này dùng có hiệu quả nhanh, mạnh và đầy đủ, còn người khác lại chậm, yếu và thiếu sót nhiều hơn chứ? - Câu trả lời là do cơ địa, tâm lý và tình trạng thể chất tại thời điểm dùng thuốc của từng người khác nhau, dẫn tới hiệu quả khác nhau.
Câu hỏi thứ ba, nếu đã xác định được nguyên nhân dẫn tới “chậm, yếu và thiếu sót” trong quá trình sử dụng thuốc rồi thì có cách giải quyết không? - Có! Và mục đích ra đời của thuyết “tân Dược - Độc” chính là nhắm vào việc cùng lúc giải quyết tất cả các “định kiến cũ” mà người ta luôn cho rằng đan dược và độc dược kiểu cũ không cách nào tránh khỏi.
Cụ thể trong tình huống này là cách hoạt động của Thái Hư Tán.
Theo đó, ngay khi đan dược mới tiến vào thân thể, Độc Lực ở vòng của ngoài viên “đậu phộng da cá” Thái Hư Tán sẽ tan ra trước rồi lập tức tiến hành tấn công vào cả đấu khí trong đan điền, lẫn kinh mạch trong cơ thể, cũng như là tinh thần của người sử dụng.
Mục đích của đợt tấn công này là khiến thân thể “nạn nhân” trúng độc và rơi vào trạng thái hư nhược nhanh, chuẩn, cũng như triệt để hết mức có thể, kéo theo đó là phản ứng phòng vệ tự nhiên như đã phân tích phía trên cũng bị suy yếu xuống mức gần như không còn tồn tại, tạo tiền đề cho Dược Lực phía sau được quyền hoạt động ở mức độ tối đa, qua đó rút ngắn thời gian cần để đan dược phát huy toàn bộ tác dụng xuống tối thiểu.
Đây chính là lý do vì sao chỉ chưa đầy mười giây sau khi nuốt Thái Hư Tán vào, Tiêu Thiên đã lật ngang ra nhà một cách không thể khống chế.
Khoan hãy nói những chuyện khác, thì không bị hệ thống phòng vệ tự động của thân thể cản trở, tức là sẽ không có bất kỳ đau đớn nào xảy ra. Vấn đề thứ nhất, giải quyết!
Bất tỉnh rồi thì tâm tình tốt - xấu gì đều sẽ không ảnh hưởng tới hấp thu đan dược; thể chất bị Độc Lực đánh về cùng một mức độ hư nhược như nhau, đồng nghĩa với nó cũng sẽ không tiếp tục ảnh hưởng được nữa. Vấn đề thứ hai, giải quyết!
Về phần cơ địa, cái này Tiêu Thiên… chịu, không cách nào can thiệp nổi.
Đến đây, “phá rồi lại lập” xem như đã được giải thích rõ ràng.
Hạ độc trước để “phá” hết mọi cản trở, bất kể khách quan hay chủ quan, mà người dùng vô tình hay cố ý tạo ra trong quá trình sử dụng đan dược, sau đó mới thiết “lập” một vòng hấp thu có hiệu quả, hiệu suất và cả hiệu ứng đạt mức tối đa.
Có thể nói, tuy rằng Thái Hư Tán chưa phải là một sản phẩm đủ thành công để xứng đáng với hai từ mỹ mãn, nhưng những gì nó đã, đang và sẽ làm được là vô cùng khả quan.
Quan trọng hơn, thành công của Thái Hư Tán không chỉ mang ý nghĩa là một loại đan dược mới ra đời, mà nó đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng rằng Tiêu Thiên đã đúng khi cho rằng để Dược và Độc cùng tồn tại trong một viên đan dược không phải là việc hoàn toàn bất khả thi.
Mà, cũng không ai dám nói chắc là trong dòng lịch sử dài đằng đẵng của Đấu Khí đại lục chưa từng có người “điên” giống như Tiêu Thiên qua, nhưng để có thể vừa sở hữu một đầu kiến thức về Dược như Dược Trần; vừa nắm rõ một bụng lý thuyết về Độc và một đôi bàn tay điêu luyện như Mộc Ánh Tuyết, cùng ý thức hệ tiên tiến của Tiêu Thiên thì chắc là... tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả a!