Tam Cứu Nhân Duyên

Chương 14: Chương 14: Chia tay




Lúc ta tỉnh lại, bên ngoài trời vẫn còn tối đen. Ở bên cạnh ta, Hữu Sinh đang run rẩy, cố không rên lên thành tiếng, hình như rất khổ sở. Ta vội hỏi: “Ngươi có cần ta đắp thuốc không?” Hắn ngừng rên rỉ, miệng hở hổn hển, chậm rãi nói: “Ôm ngươi một chút sẽ tốt hơn”. Lời nói của hắn không hề mang tà niệm, tựa như nói: “Bây giờ là 2 giờ”, lại vô cùng tự nhiên, giống như đang nói: “Cho ta một viên thuốc giảm đau” mà thôi. Như vậy theo lẽ thường ta không thể nào nhẫn tâm cự tuyệt hắn.

Cẩn thận nhích người vào gần hắn, ta cảm thấy hắn nâng một cánh tay, đặt lên thắt lưng, lẳng lặng ôm lấy ta. Tay hắn chỉ nắm chặt quần áo ta, sau đó không hề nhúc nhích. Chẳng bao lâu sau ta lại đi vào giấc ngủ.

“Vân Khởi!” Ai là Vân Khởi? A, là ta. Ta ở đâu đây? Uhm, thì ra là thế. Ta hé mở cặp mắt lờ đờ, trong phòng ánh sáng lờ mờ, vài tia sáng xuyên qua khe cửa, để lộ ra vô vàn hạt bụi nhỏ li ti lượn qua lượn lại trong không khí, có lẽ mặt trời vừa mới mọc. Ta vẫn nằm bên cạnh Hữu Sinh, tay hắn chỉ chạm nhẹ vào bả vai ta. Ta lắc lắc đầu, cả người đau nhức, có lẽ do cả đêm nằm chỉ nằm một tư thế. “Hữu Sinh, ngươi giết ta đi, ta mệt chết mất!” Bình sinh ta vốn yêu ngủ nướng, giờ lại phải dậy sớm thế này thật sự là tàn nhẫn.

Chậm rãi đứng lên, ta giống như mộng du đỡ Hữu Sinh đến bên giường, để tự hắn chăm sóc chính mình. Ta cầm chậu nước đi ra ngoài, phải mất một lúc lâu, đến tận khi tới bên miệng giếng, ta mới hoàn toàn tỉnh ngủ. Ta cẩn thận bê nước về phòng giúp hắn rửa mặt. Nhìn mái tóc hắn rối loạn, ta liền chải gọn lại, buộc lại thành một búi. Trong lúc đó hắn chỉ im lặng để yên cho ta chải đầu, không nói chuyện.

Ta cất chỗ bạc vào ba lô rồi lấy ra một cái bánh mì, mỗi người một nửa, hắn vẫn chỉ ăn được vài miếng, sau đó đến lượt ta ăn nốt. Lại lấy quả chuối còn lại, bẻ nửa đưa cho hắn. Đến lúc này ta mới cảm thấy tinh thần khá hơn một chút.

Ta nói: “Hữu Sinh, ngươi có thích chuyện ta kể không?”

Hắn nói: “Thích, rất thích, chưa bao giờ nghe chuyện hay như vậy …”

Ta nở nụ cười: “Đương nhiên rồi, một trong tứ đại kỳ thư mà, trong đó còn có rất nhiều chuyện hay, kể 10 ngày 10 đêm cũng chưa hết ….”

Hữu Sinh ảo não nói: “Nhưng ngươi không có kể ….”

Ta xua tay chặn lại, “Không kể cho bọn họ, nếu không sẽ lại có người đến ôm ta! Chỉ có ngươi ta mới kể thôi!” Lại nghĩ đến đêm qua hắn cũng có ôm lấy ta, lập tức cười rộ lên.

Hữu Sinh hơi cúi đầu, nhưng lại ngẩng lên nói: “Ngươi thực sự nói cho ta …..”

Ta nói: “Ta nhất định sẽ kể cho ngươi, nếu ngươi muốn nghe, ai cũng không ngăn được ta kể cho ngươi. Còn nếu ngươi không thích ….”

Hữu Sinh nói: “Ta thích nghe”.

Ta nói: “Thích là tốt rồi, ta còn lo không có ai muốn nghe ta nói đây! Hữu Sinh, nói cho ngươi biết, ta cái khác không nói, yêu nhất là nói chuyện! Bất kể là nói gì, kể cả nói dối, tán dóc, hay là nói láo linh tinh … Ngươi sẽ không phiền chứ?”

Hắn lập tức nói: “Không phiền”.

Ta bật cười nói: “Ngươi đáp nhanh quá đấy”.

Hữu Sinh lại cúi đầu.

Trên bàn có nước, chúng ta uống xong liền lấy đầy một bình. Ta đặt ba lô xuống cạnh Hữu Sinh, khoác thêm một chiếc áo ngắn bên ngoài áo lông, thắt lưng buộc một sợi dây đai, trên đầu lại trùm một tấm khăn màu đen. Ta nhìn nhìn một chút rồi bật cười ha hả, trông ta bây giờ thật giống một nông dân bình thường! Hữu Sinh lại nhìn ta không nói gì. Có phải hắn vẫn còn lo bị đuổi giết hay không?

Ta khoa tay múa chân, nói với Hữu Sinh: “May nhờ ông trời phù hộ chúng ta, cả ngày hôm qua không xảy ra chuyện gì. Chúng ta có tiền cũng có xe, chuyện sau này cũng dễ dàng hơn. Coi như là đi du lịch một chuyến! Ngươi đừng lo lắng, chúng ta nhất định có thể đến được nơi ngươi muốn đến”.

Hữu Sinh nhìn ta nói: “Ta không lo lắng, không đến được cũng không sao”.

Ta nói: “Sao ngươi lại bi quan như vậy? Tất nhiên sẽ đến rồi, ta đã nói đưa ngươi đi thì sẽ đưa đến cùng! Ta nói được là làm được, quyết không bỏ dở nửa chừng. Đây là đại sự đầu tiên ta làm ở đây, làm xong xuôi, như vậy về sau ta có thể thuận buồm xuôi gió, vạn sự tất thành!”

Hữu Sinh nhẹ giọng, “Vân Khởi, ta …. Chuyện ngươi muốn làm, đương nhiên sẽ làm được!”

Ta lại cười lớn, ôm chăn chiếu cùng mấy thứ vật phẩm đã mua, đi ra ngoài chuẩn bị xe ngựa.

Lộ Lộ có vẻ rất hài lòng, ta trước hết chào hỏi nó vài ba câu, sau giải thích chúng ta muốn đóng nó vào xe, có gì cũng đừng giận dữ. Nói xong ta nhìn sang chiếc xe, vừa nhìn đã phát sầu, tiểu nhị trong quán lập tức chạy tới, ân cần đến giúp ta buộc ngựa, còn giải thích cách điều khiển thế nào, thái độ cung kính lễ phép, ánh mắt nhìn ta cũng rất sùng bái, giống như ta vừa khai hóa văn minh cho hắn vậy. Thật tốt, người này hôm qua có lẽ cũng tới nghe ta diễn thuyết.

Trở về phòng đã thấy Hữu Sinh sửa soạn xong xuôi, đang ngồi bên giường chờ ta, được lắm, hắn cũng tự biết chăm sóc mình. Ta dìu hắn đi ra cửa, trèo lên xe ngựa, để hắn nằm trên đệm, xong xuôi mới lên đường.

Vừa đến đầu đường, ta thấy đám khất cái hôm qua giúp đỡ ta đang đứng chờ, là muốn bánh mì sao? Ta vừa định mở ba lô thì một đứa trong đám chạy tới, chính là đứa hôm qua đi gọi Lí lang trung. Nó lập tức quỳ xuống, ta vô cùng hoảng hốt, vội nhảy xuống xe đỡ nó đứng lên.

Thằng nhóc hai mắt rưng rưng, khóc nói với ta: “Tiên sinh, xin ngài thu nhận tôi, ngài không cần nuôi sống tôi, tự mình tôi có thể đi xin cơm, chỉ xin ngài cho tôi đi theo”. Những đứa kia cũng chạy tới quỳ gối trước mặt ta. Quá bất ngờ, ta không biết nói gì, trong đầu lúc ấy thật sự cũng có ý muốn đem theo bọn chúng, cùng ta đi khắp thiên hạ, mọi người sẽ phải chịu đói rét khổ cực, nhưng nhất định có thể khoái hoạt. Nhưng ta biết giờ chưa phải thời điểm.

Ta nhìn bọn chúng, hai mắt cũng nhòa lệ, tay mở ba lô, lấy ra hai thanh sô cô la, mở ra bẻ thành nhiều miếng chia cho từng đứa, còn lại miếng giấy gói ta xé ra thành từng mảnh nhỏ, cũng chia lần lượt. Ta nghẹn ngào nói: “Ta hiện giờ không thể mang các ngươi đi, nhưng sau này đến lúc sự nghiệp của ta thành đạt, ta nhất định sẽ giúp đỡ các ngươi, khi đó chúng ta có thể cùng nhau ở chung một chỗ. Những mảnh giấy này các ngươi hãy giữ cẩn thận, coi như là tín vật của Vân Khởi! Hiện giờ ta chỉ có thể hứa với các ngươi: sau này khi nào các ngươi nghe được tin ta thành đạt, nhất định phải cầm nó tới gặp ta! Đến lúc đó các ngươi sẽ có cơm để ăn, có nhà để về, có việc để làm. Chỉ cần sau này đừng mất hy vọng. Nhớ đấy!” Bọn chúng đồng thanh khóc rống, ta cúi người nâng dậy, một lúc lâu sau mới rời đi.

Trong lòng ta vẫn khó chịu không yên, rất lâu không mở miệng nói lời nào. Cỗ xe chậm rãi đi ra khỏi trấn, đi tới đường cái, lúc này trên đường không có ai qua lại, giống như sáng hôm đó chúng ta đi vào trấn.

Chợt nghe Hữu Sinh hỏi: “Sao ngươi lại chắc chắn, về sau sẽ có ngày làm nên sự nghiệp?”

Ta thở dài: “Ta cũng không biết! Nhưng ta cảm thấy như vậy. Hiện giờ ta ngay cả làm gì còn không biết, cũng không rõ phía trước có gì đang chờ đợi, ta chỉ muốn tiếp tục đi, đi mãi rồi có ngày sẽ thấy được. Ngươi nói xem, có phải ta điên rồi không?”

Hắn cười khẽ: “Có lẽ”.

Ta trừng mắt, hắn vội nói: “Không phải”.

Ta đánh xe tới ven đường ngay cạnh rừng cây, lấy sài đao (một loại dao dài dùng đi rừng) chặt một ít cành cây đem về, lại nói với Hữu Sinh, vẻ mặt ngại ngùng, “Ngươi có lẽ không tin, nhưng ta đang muốn đem ngươi trói lại đây”.

Hắn lại thản nhiên nói: “Ngươi có lẽ cũng không tin, ta thật sự tin tưởng ngươi”. Ha ha, học nhanh lắm, trẻ nhỏ dễ dạy a!

Ta đặt hắn nằm yên, đắp chăn lại, bên ngoài bọc lại bằng tấm chiếu, dùng cành cây phủ lên trên, cuối cùng lấy dây thừng buộc lại một bó, bên ngoài nhìn vào chỉ thấy là một đống củi khô. Làm xong ta nhẹ nhàng thở ra, lại nhớ đến Tứ Thiếu A nói ta cười lên giống nữ nhân, ta liền lấy ít đất bùn bôi lên mặt, lẩm bẩm: “Biết trước phải thế này thì sao sáng nay còn rửa mặt?!”

Ta ngồi lên xe, tiếp tục đi, từ trong đám cành cây Hữu Sinh nói: “Vân Khởi, sao ngươi lại nghĩ ra cách này?”

Ta đắc ý nói: “Ngươi đã nghe câu này chưa, quân tử khống đứng nơi tường yếu, phòng bệnh hơn chữa bệnh, quan trọng nhất không phải là thoát khỏi nơi nguy hiểm, mà phải biết nhìn chỗ hiểm mà tránh. Ngươi hiện giờ là một đám củi khô, ngoại trừ sóc hay sâu bọ thì chẳng ai có hứng thú, ngươi có thể an tâm mà ngủ”. Hắn im bặt, không biết nên đáp lại thế nào, quả nhiên lát sau đã ngủ.

Mấy ngày tiếp theo ban ngày đều giống nhau, sáng sớm xuất phát, đi một lúc đến chỗ rừng cây hoặc đâu đó yên tĩnh thì dừng xe cho Hữu Sinh ăn uống, sau đó tiếp tục đi. Nhờ có hắn chỉ đường, qua mỗi thành trấn ta đều dừng lại mua thêm ít đồ linh tinh. Chúng ta thỉnh thoảng lại chuyện trò, đôi lúc trong khi hắn ngủ, ta khẽ ngâm nga một vài giai điệu. Cứ liên tục như vậy, cuối cùng ta cũng không xác định được thời gian.

Nhưng ban đêm lại là khoảng thời gian cả hai đều khó quên.

Mỗi đêm ta cùng hắn đều ngủ lại trong miếu hoang, nếu không thì vào thành tìm đến những quán trọ thưa người để ngủ. Số bạc Lí lang trung đưa cho ta tuy rằng không ít, nhưng Hữu Sinh không muốn đến những nơi đông ngươi. Cũng đúng, đông người qua lại rất dễ bị người chú ý.

Từ cái đêm đầu tiên trong trấn kia, hắn mỗi đêm đều ôm ta mà ngủ, tay hắn cũng không lộn xộn, yên lặng mà an toàn (nhưng thật ra từ sau lần ta giúp hắn đắp thuốc, thường xuyên cảm thấy hắn thẹn thùng, vì thế càng thích đùa giỡn với hắn, thậm chí giở trò chọc ghẹo. Hắn chung quy chỉ cúi đầu, không dám nói điều gì), ta trước khi ngủ đều dựa vào người hắn cùng nói chuyện phiếm. Trên thực tế phần lớn thời gian là ta nói linh tinh vớ vẩn, còn hắn chỉ yên lặng mà nghe. Thời đại này chưa có đèn điện, ban đêm trời tối đen như mực, hoàn toàn khác với thế giới mà ta quen thuộc, nhưng vô số chuyện cũ ở thế giới kia, nhất là chuyện thời ta còn đi học, trong mỗi đêm nằm cạnh hắn ta đều không quên nhắc tới.

Khi đó ta cũng như nhiều sinh viên khác đều vào ở trong kí túc xá. Cả phòng đêm nào cũng như đêm nào, đã tắt đèn tối om nhưng vẫn không ngừng chuyện trò rôm rả, mà nói nhiều nhất chính là các loại cao lương mỹ vị trên đời. Mỗi người nói về một loại đồ ăn, ai cũng không muốn thua kém người khác (đương nhiên rồi, trừ khi bị kẻ khác vùi dập, nếu không ai cũng muốn đạp đổ người khác mà lên). Lại nghĩ đến chúng ta, cả đám đều thuộc loại vụng về lười biếng, chăm chơi hơn chăm làm, ngay cả món trứng ốp đơn giản cũng đâu có mấy đứa biết làm?! (như ta cho đến ba tháng trước trong lúc vô tình mới biết khi làm trứng ốp còn phải lật qua vài lần! Khó trách được trứng ta làm bao lâu nay toàn là một nửa cháy khét, một nửa sống nguyên!). Vậy mà lúc đó cả đám mồm miệng lại trôi chảy cực kì, tinh tế nói ra cách làm đủ loại món ăn trên trời dưới biển, ngay cả mấy siêu đầu bếp nghe đến cũng cảm thấy xấu hổ, có khi còn nghi ngờ mấy chục năm nay mình đi làm cái gì không biết! Tuy rằng tất cả đều là nghệ thuật sáng tạo, nhưng tập trung cũng rất quan trọng. Nhất là lúc nêm gia vị, không cẩn thận là không xong. Nếu muốn kể ra quá trình chế biến thức ăn, nhất định phải nói làm sao cho lôi cuốn. Những lúc như thế, cả đám đều thi nhau khua môi múa mép, nói đến nước miếng phải trào ra, bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ cứ thế xả ra một lượt, miêu tả đạt tới trình độ cao cấp, đến cả sắc hương vị đều cảm thấy được. Cuối cùng làm cho kẻ khác dạ dày sôi réo, đói khát dày vò, lục phủ ngũ tạng đều bị tra tấn dã man, nói đến khi ai nghe cũng đều xuýt xoa nuốt nước miếng ừng ực mới thôi. Thật là một kết cục hoàn mỹ.

Có lần có kẻ không chịu nổi ngược đãi, rốt cục phẫn nộ bật dậy, đập giường mà nói: “Con người vì sao phải ăn cơm?! Vì cái gì phải ăn cơm?!” Nói xong câu đó lăn ra khóc than ai oán, lay động đến tận tâm can, ai nghe được đều bị xúc động mạnh mẽ! Tất nhiên cái kẻ thô bỉ khởi xướng ra trò này lúc đó đang trốn trong góc, âm thầm cười lăn lộn, mấy lần suýt chết nghẹn.

Còn có một lần khác, có vị bằng hữu đột nhiên trở mình bò xuống giường, hai tay run lẩy bẩy, mở ngăn kéo lục tung lên một lượt chỉ để tìm thức ăn, không có kết quả đành phải nhai tạm một ít rễ Bản Lam (một vị thuốc Bắc dùng để chưa ho, cảm cúm) cho đỡ đói. Từ đó về sau phòng chúng ta lưu truyền câu nói: “Đói bụng thì uống thuốc”, chính là chỉ việc này.

Rõ ràng biết là bịa đặt linh tinh nhưng có khi vẫn tự giác tin tưởng. Có lần một người bạn cùng phòng ta miêu tả món súp trứng nhà nàng làm, nói lúc đập trứng gà vào bát, lòng trắng trứng ở trong súp không tan đi mà tụ lại một cỗ, chậm rãi nở ra, giống như một con sứa nổi lềnh phềnh trong nước. Ta về nhà thử làm nhiều lần vẫn không có kết quả, vì thế ta đi hỏi một vị đầu bếp, làm thế nào để lúc đập trứng vào súp có thể thành hình giống con sứa. Hắn chân thành nói cho ta biết, đừng lấy lòng trắng trưng, cứ bỏ luôn con sứa vào là được.

……

Trong bóng tối, Hữu Sinh cất tiếng cười, hòa vào từng đợt từng đợt khói nhẹ, tiếng nói của ta tựa như ngọn gió thổi qua hiên nhà hòa hợp cùng tiếng cười của hắn, dây dưa mãi không thôi. Ta không ngờ chỉ bằng một ánh mắt, bắt đầu từ lúc hai ta đàm luận chuyện xưa, ta liền cảm thấy như hai thế giới đã lồng vào làm một.

Hắn cũng không kể chuyện quá khứ của mình. Ngoại trừ lúc trước ta hỏi chuyện thê thiếp, ta cũng chưa từng tò mò về bất kì chuyện gì khác. Nhưng Lí lang trung từng nói chân của hắn đã bị tổn thương quá nặng, có khả năng không thể trị khỏi, khiến cho ta cảm thấy hết thảy dường như đều trở nên không còn quan trọng, ta chỉ muốn cho những ngày còn lại của hắn đều là vui vẻ. Hắn luôn hỏi ta đủ loại vấn đề, hơn nữa những lúc ta ngừng hắn liền lập tức hỏi: “Rồi sao nữa?” hay “Sau đó thế nào?”. Khẩu khí ôn hòa động lòng người kia giống như đang cổ vũ ta, khiến cho ta lại cao hứng nói chuyện, kể cả là nói linh tinh vớ vẩn. Này không phải người điên thì là gì?

Bất kể ta có nói năng lộn xộn không đầu không đuôi thế nào, ta đều có cảm giác, hắn có thể hiểu được lời ta nói, loại cảm giác này thật sự rất khó để giải thích bằng lời. Lúc ta ngừng nói để lấy hơi, hắn cũng theo ta thở mạnh? Lúc ta châm chọc nói móc, hắn cũng bật cười khe khẽ? Lúc hai chúng ta thân thể đụng chạm, hắn cũng cảm thấy bình thản một cách khó hiểu? Có khi ta nghĩ hắn giống một khối bọt biển, có thể hấp thu sự bất an trong lòng ta, khiến cho ta có thể bình tĩnh mà đối mặt với tương lai mờ mịt phía trước.

Ta nói:

Tháng năm đầu mùa hè, hương hoa sen nhàn nhạt lẫn trong gió, ở dưới ánh đèn đường, một cánh hoa nhẹ nhàng rơi không tiếng động, tản ra hương thơm dìu dịu như có như không, tựa như mỗi khắc trôi qua không thể lui lại được.

Sáng sớm ven hồ, không khí thanh tịnh sạch sẽ, tiếng đọc sách lanh lảnh, trên hồ từng đốm sáng li ti nhảy múa trên mặt nước.

Sắp tới tốt nghiệp, ai nấy tâm trạng đều vừa mừng vừa sợ. Trên bãi cỏ chúng ta cùng nhau chơi mấy trò chơi trẻ con, vừa hò hét vừa hát: “Tìm a tìm bằng hữu, tìm một người bạn tốt …..” Đương lúc vui đùa, một vị giáo sư đi ngang qua, người này trước đây đã từng dạy lớp chúng ta, sau khi nhận ra mọi người, hắn ngửa đầu than thở, choáng váng muốn ngất xỉu, có lẽ không hiểu tại sao chính mình lại dạy dỗ ra được một đám ngu ngốc. Kỳ thực chính hắn tự mình đa tình, mọi chuyện căn bản không liên quan gì đến hắn.

Có một đêm, một đám bạn cùng học trèo tường ra ngoài, đi mua một quả dưa hấu rõ to trở về, nhìn bề ngoài có vẻ rất chín, nhưng bổ ra rồi mới thấy vẫn còn xanh ngắt! Cả đám người chẳng ai muốn lại trèo tường ra ngoài đi so đo với người bán, cũng không muốn phí tiền, cuối cùng mọi người chơi kéo búa bao, ai thắng phải ăn một miếng dưa! Cứ hết một vòng lại tăng cấp. Cả phòng đứa nào cũng tranh thua, chỉ lo mình sẽ là kẻ thắng. Hôm đó có một đứa xui xẻo cực kì, thi đấu lúc nào cũng thắng, được làm quán quân, bị bắt ăn đến non nửa quả dưa! Hết trận hắn nằm một chỗ khóc lóc hồi lâu, than thân trách phận tại sao mọi người đều may còn ta thì rủi.

Có lần khác, trong lớp ta thịnh hành một trò chơi, người thua nhất định phải nói: “Tôi là heo!” Nếu là bình thường, mọi người chỉ đơn giản là mở cửa ký túc xá, hét to một tiếng: “Tôi là heo!” là xong. Nhưng chúng ta thì khác, người thua cuộc sẽ phải đến trước mặt một người xa lạ, nghiêm túc nói với hắn, đương nhiên không được cười, nếu không sẽ phải nói lại. Vì thế mới có chuyện, một kẻ mặt đỏ bừng, nghiến răng nghiến lợi đi phía trước, cách đó không xa một đám người tò tò đi theo. Người kia đi đến trước một người mặt mũi hiền lành, mở miệng nói: “Tôi là heo!”, đằng sau một đám cười nghiêng cười ngả, bò lăn ra đất, cười đến đau cả ruột.

Đêm ngày 15 tháng 8, chúng ta chơi đi thuyền quanh hồ, trăng sáng treo đầu cành, ảnh ngược trong nước, tiếng nói tiếng cười vang vọng mặt hồ. Lúc hai con thuyền đi sát vào nhau, mái chèo đan vào như một tấm lưới làm cá dưới hồ đều nhảy vọt lên, dưới ánh trăng vảy trên người chúng óng ánh như bạc, rất nhiều con bị chúng ta bắt được. Mọi người đem cá về phòng, múa dao làm thịt, sau đó bỏ vào chậu rửa mặt rồi bắc lên bếp, tất nhiên là phải bí mật, lại cho vào một ít gạo nấu thành cháo cá, được một lúc mùi cá thơm đã lan khắp cả tầng lầu! Chẳng bao lâu ngoài cửa đã có cả một đại đội chờ sẵn, mỗi người chỉ có thể uống một muôi.

Trong trường có hai phòng học được để đèn suốt đêm, ta cũng có một lần đi đến đó, bởi vì phải ôn bài. Cả một đêm ta ở đó ngủ gà ngủ gật, chữ nghĩa vào đầu chẳng được là bao. Đến sáng ra ta lại uể oải rời đi, ra đến cửa cũng vừa lúc bình minh lên, sáng sớm tinh mơ, gió nhẹ thoang thoảng, một con chim ở đâu đó cất tiếng hót, tức thì hàng loạt tiếng kêu đáp lại nó, vô số thanh âm vui mừng. Ta không khỏi thở dài, ta đến đây vốn không phải để học tập, chẳng qua chỉ muốn thưởng thức cảnh sắc này thôi.

Lại có một lần buổi chiều chạng vạng, ta đứng một mình cạnh rừng trúc, bất chợt ngộ ra một điều, vì thế hai chân rảo bước đi không hề dừng lại. Ta hiểu được vạn vật thế gian đủ loại bất đồng. Ta không phải người khác, người khác cũng không phải ta. Ta chính là ta, không ai có thể thay thế. Lúc đó ta cảm thấy mừng như điên, nhưng đồng thời cũng phiền muộn: giữa thiên địa bao la, ta chỉ có một mình! Thật sự là vĩ đại! Cũng thật là cô độc!

……..

Đêm nào cũng vậy, ta đều nói nhiều rồi ngủ say lúc nào không biết, hồn nhiên quên đi ta đang ở giữa miếu hoang hoặc là một quán trọ dơ bẩn, quên đi ta từng khóc lóc bên vệ đường, cũng quên đi nỗi lo về tiền đồ trước mắt. Ta dựa vào vòng tay ấm áp, lắng nghe tiếng thở của người bên cạnh, cảm thấy bản thân được an toàn, tâm tư cũng dần dần yên ả.

Có đôi khi, trong lúc lơ mơ ta cảm thấy Hữu Sinh nhẹ nhàng tựa đầu vào sau gáy, tựa như một con bướm, lặng yên dừng ở đóa hoa, tự nhiên mà vậy, không hề xảo trá, tựa như số mệnh của nó là vậy.

…….

Rốt cục có một ngày chúng ta tới được trấn nhỏ nơi Hữu Sinh muốn đến, hắn nói không cần vào trấn, chỉ cần đi vòng quanh, đến một nông trang nhỏ bên ngoài trấn là được. Ta làm theo lời hắn, đi một lúc thấy xa xa một mảnh rừng rậm, cạnh bên có vài căn nhà nhỏ lợp ngói, không hề có vẻ bần cùng nghèo đói.

Ta dừng xe cạnh rừng, cởi dây thừng cho Hữu Sinh, giúp hắn thoải mái một chút. Hắn nhờ ta đến chỗ nhà ngói kia tìm một người trung niên tên Tấn Bá (ta cố tình không hiểu làm cho hắn phải lặp lại tên này đến ba lần), trên lông mày trái có một nốt ruồi đỏ, chỉ cần nói người đệ tử ông ta thu nhận lúc 50 tuổi đang đứng chờ ở chỗ này là được.

Đây là lần đầu tiên chúng ta đến một nơi mà không đi cùng nhau, cho nên trước khi đi ta cẩn thận nhìn quanh xem có người khác hay không. Bởi vì trong TV thường có cảnh hai nhân vật chỉ mong suốt ngày 24 giờ đều ở cạnh nhau, kết quả một trong hai người vừa đi đâu chưa được 5 phút, người còn lại đã bị bắt cóc/ ám sát/ giết chết/ biến mất/ bỏ đi/ bị trộm vv …. Cho nên ta ngay cả dưới gầm xe cũng nhìn qua một lượt, đề phòng mấy ý tưởng dở người kia xảy ra.

Đến trước căn nhà, ta y theo lời hắn hỏi thăm Tấn Bá, khi người khác hỏi, ta chỉ mỉm cười không nói. Một lát sau một ông già đi ra, trên lông mày trái có một nốt ruồi đỏ, mặc áo dài xám, tóc đã bạc trắng, khuôn mặt lạnh lùng. Ta tiến lên nói câu kia, lão nhìn lại ta, vẻ mặt giống như nhìn thấy một kẻ bị bệnh thần kinh. Ta cười (không có uy tí nào, bởi vì mặt đầy bùn đất) nói: “Mời ngài đi theo tôi”. Nói xong quay người bước đi, mãi không thấy tiếng động gì phía sau, ta tò mò quay đầu lại, giật mình, thì ra lão vẫn ở sau ta nãy giờ, người đâu đi đường mà chẳng có tiếng động, định dọa ta sao?

Hữu Sinh ngồi trên xe (tốt, không biến mất, đạo diễn thua), ta đi ra một chỗ cách đó không xa đứng đợi, lão giả kia ngẩn người, chần chờ không dám tiến lên. Hữu Sinh tuy rằng một bên mắt vẫn có thể mở ra, nhưng nói chung khuôn mặt vẫn là bị biến dạng. Hắn vung tay ra hiệu, lão giả dường như run lên, chầm chậm bước tới bên Hữu Sinh. Lão cúi đầu về phía trước, Hữu Sinh ghé vào tai lão nói gì đó, người kia lập tức giống như bị điện giật, “Phịch” một tiếng quỳ xuống đất, hai tay run run chạm vào đùi Hữu Sinh, bật khóc. Hữu Sinh cúi người đỡ lão dậy, người kia đứng lên lập tức muốn đưa Hữu Sinh đi, hắn lắc đầu, lại ghé vào nói gì đó, lão giả gật đầu, xoay người trở về, khi đi qua, người đó liếc ta một cái, mắt chan chứa lệ.

Ta nhìn đến Hữu Sinh, hắn cũng nhìn lại ta, cả hai đều biết đã đến lúc phải chia tay. Hắn ra hiệu muốn ta đến gần. Ta đi qua đó, càng gần hắn lòng ta lại càng chật vật.

Hắn nhìn ta, nhẹ nhàng nói: “Vân Khởi, cùng ta đi đi”.

Ta lắc đầu.

Hắn nhẹ giọng nói: “Ngươi thật sự không sợ sao?”

Ta cười cười nói: “Đương nhiên là sợ rồi! Ta đang sợ muốn chết đây”. Ta ngừng một chút, nụ cười dần dần biến mất, “Nhưng càng sợ lại càng phải cố gắng, bằng không ta đến lúc chết vẫn còn sợ. Ta nhất định phải tìm ra con đường của riêng mình, cho đến khi nào an ổn ta mới yên tâm”.

Hắn lại cúi đầu. Ta không muốn cả hai đều buồn rầu ảm đạm, đành hỏi hắn: “Sách Sở Từ có câu nào thích hợp để tả hoàn cảnh này?” (ta có lần từng bàn sách Luận Ngữ, Kinh Thi cùng Sở Từ với hắn, càng bàn càng nhận ra so với một kẻ từng học khoa tiếng Trung là ta, hắn còn hiểu biết nhiều hơn).

Hắn vẫn không ngẩng đầu, chỉ đơn giản nói: “Bi mạc bi hề sinh ly biệt[1]”. Ta nở nụ cười, nói tiếp: “Nhạc mạc nhạc hề tân tương tri[2]. Ngươi xem Khuất Nguyên[3]còn lạc quan hơn, đem cái vui vẻ đặt ở phía sau”.

Hắn ngẩng đầu nói: “Chúng ta không phải là ly biệt, chính là tương tri (gặp gỡ nhau)”.

Ta vỗ tay tán thưởng: “Ha, ngươi rốt cục cũng học được rồi”.

Hắn lại hỏi tiếp: “Vân Khởi, sau này ngươi muốn đi đâu?”

Ta thở dài nói: “Ta cũng không biết. Để cho Lộ Lộ đưa ta đi thôi. Nhưng chắc sẽ là nơi nào đó có nước, ta vốn thích nhìn bóng trăng dưới hồ”.

Hắn lại nhìn ta nói: “Bức họa của ngươi tặng lại cho ta đi”, giọng nói vẫn ôn hòa, nhẹ nhàng như không có chuyện xảy ra. Ta mở túi tiền, lấy chứng minh thư, lại mở ba lô, đem cả túi thuốc cùng chỗ sô cô la viên đặt vào trong tay hắn. Hắn lúc đầu định từ chối, sau lại đổi ý ôm vào lòng.

Đằng xa chợt có tiếng vó ngựa, mấy người cưỡi ngựa dẫn theo một cỗ xe đi tới. Cả người lẫn ngựa đều là loại cao lớn cường tráng, đi đầu là lão giả lúc trước. Ta nhìn qua, thấy người đó đã đổi y phục, đầu đội khăn đen, chỉ lộ ra một vài lọn tóc bạc, đồ đen từ đầu đến chân phủ kín đồ đen. Người đó đến mang theo cả vũ khí, một thanh bảo kiếm đeo trên lưng, bên hông buộc đao, cổ tay gắn tên nhọn, một cơn gió bất ngờ thổi qua vạt áo, để lộ ra một con dao găm bên dưới. Trong số những người còn lại có một thiếu niên chỉ mới hơn 10 tuổi, tất cả đều trang bị đến tận răng, như sắp đối diện địch quân, thần sắc nghiêm trọng, nét mặt lộ ra căm phẫn, giống như những kẻ sắp liều mạng lao đầu vào chỗ chết.

Vị lão giả nhảy xuống ngựa, chạy vội tới quỳ xuống trước cỗ xe, những người khác cũng đều xuống ngựa, quỳ rạp trên đất. Hữu Sinh vung tay ra hiệu, động tác thuần thục mà tao nhã, ta ngẩn người, trông hắn thật sự giống như kẻ xa lạ. Người kia đứng dậy nâng Hữu Sinh đưa đi, lại khóc không thành tiếng.

Hắn đem Hữu Sinh đặt vào trong cỗ xe kia, ý muốn khởi hành ngày lập tức. Hữu Sinh lại ra hiệu ngừng lại, lão giả dường như nghĩ ra cái gì, vội vàng lấy từ trong xe ra một cái bọc nhỏ, muốn đi tới giao cho ta. Hữu Sinh lại vươn tay cầm cái bọc, nhìn về bên này.

Ta đi qua đó, cảm giác là lạ không rõ. Hữu Sinh chờ ta tới trước mặt, lại cúi đầu không nhìn ta, chỉ đưa túi vải tới. Ta đỡ lấy, cũng không biết nên nói cái gì. Hắn đột nhiên bắt lấy tay ta, giống như lần đầu tiên ta gặp hắn, chỉ cúi đầu lặng yên không nói. Ta chưa bao giờ nhìn thấy ai đó để lộ ra nỗi bi thương vô hạn như hắn. Nhưng đám người ngựa xung quanh lại khiến ta cảm thấy mọi thứ đã khác xưa rất nhiều. Hữu Sinh đã không còn cần đến ta bảo hộ, trong lòng ta có chút phiền muộn, cũng có phần xa lạ. Cuối cùng ta chỉ nói một câu: “Dọc đường đi có gì mạo phạm, ngươi đừng lấy làm phiền lòng”. Đây là câu nói điển hình trong những lúc ly biệt. Hắn giật mình, tựa như bị chấn động mạnh, lại cúi đầu càng thấp, một lúc sau mới nghẹn ngào nói: “Ta, chưa từng trách ngươi”.

Hai ta đều không nói chuyện. Những người kia cũng lần lượt lên ngựa chờ đợi, vó ngựa sốt ruột gõ lạch cạch trên đất. Ta rốt cục mở miệng nói: “Ngươi đi đi, bọn họ đang chờ ngươi”. Hữu Sinh vẫn không ngẩng đầu, “Cùng nhau xuất phát”.

Ta xoay người muốn đi, chỉ nghe hắn kêu nhỏ một tiếng: “Vân Khởi”. Ta quay đầu, hắn lại cúi xuống, nói: “Ngươi, bảo trọng”. Ta nói: “Ngươi yên tâm di”. Nói rồi cất bước đi về hướng ngược lại. Ta thúc ngựa lên đường, bên kia Hữu Sinh cũng khởi hành, một đám người ngựa nhanh chóng tăng tốc, đảo mắt đã biến mất không còn thấy bóng. Ở trong xe, Hữu Sinh vẫn nhìn ta, cho đến khi ta không còn nhìn thấy hắn.

Tâm trạng ta tự nhiên ảo não, để mặc cỗ xe chậm rãi mà đi, ta cảm thấy chính mình vừa cô độc lại mê mang. Mở bao vải hắn tặng cho ta, bên trong là vài bộ quần áo cùng ngân lượng, ta đem bỏ hết vào ba lô, quay sang nói với Lộ Lộ: “Lộ Lộ a, ngươi thích đi đâu thì tùy”.

Mặt trời chiều ngả về phía tây, bóng của ta kéo thật dài trên đất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.