Tầm Tần Ký

Chương 219: Chương 219: Năm Nước Hợp Tung




Hôm sau Hạng Thiếu Long mượn cớ phải dưỡng thương dắt theo bọn thê thiếp và mười tám thiết vệ quay về mục trường, Ðằng Dực thân chinh dẫn bộ binh hộ tống, được tiểu Bàn và Xương Bình quân đồng ý, khi Hạng Thiếu Long không có mặt thì Ðằng Dực sẽ nắm giữ quân phù, đồng thời để cho Ô Quả thay chức vụ của Quốc Hưng.

Nếu trước đây, thì đã không qua được cửa ải của Lã Bất Vi. Nhưng giờ đây chỉ cần tiểu Bàn không phản đối, thì quyền điều động người đã rơi vào tay Xương Bình quân, người vừa mới ngồi vào chức vụ thái úy, Lã Bất Vi vẫn là một thừa tướng có thực quyền, nhưng chẳng qua giờ đây quyền hạn chức vụ đã được rõ ràng, có những chuyện nếu nhúng tay vào thì y đã trở thành kẻ vượt quyền.

Không ai chịu bỏ quyền lực đã có trong tay, nên Lã Bất Vi mới cố gắng liên kết cùng bọn Ðỗ Bích và Phố Cao. Cuộc đấu tranh vẫn chưa chấm dứt.

Ra khỏi thành Hàm Dương, Kỷ Yên Nhiên vỗ ngựa đến bên Hạng Thiếu Long, nói với vẻ quan tâm, „Bọn họ bảo thiếp hỏi vết thương của phu quân đại nhân còn đau không?"

Ðằng Dực đi một bên, cười nói, „Vậy Yên Nhiên không muốn biết sao?"

Kỷ Yên Nhiên giận dỗi nói, „Nhị ca cười người ta!"

Hạng Thiếu Long thấy dáng vẻ của nàng đáng yêu đến thế, mỉm cười rằng, „Chỉ bị thương ngoài da, có đáng gì."

Ðằng Dực tư lự, nói, „Các ngươi về đến mục trường thì phải cẩn thận, ta e rằng Lã Bất Vi sẽ làm liều đánh lén, hoặc thông báo cho bọn Ðỗ Bích hay Phố Cao sai người đến đối phó các ngươi."

Kỷ Yên Nhiên nói, „Bị quân và Xương Bình quân đang nghiên cứu đặt ra binh chế, từ ngày Lã Bất Vi bước vào nước Tần, được tiên vương tin cậy nên đã ỷ thế làm càn, tự động điều động quân đội. Nếu có tước bỏ được quyền hành của y, Lã Bất Vi đừng hòng sai người đến đối phó bọn chúng tôi. Vậy thì, chỉ đành sử dụng gia tướng môn khách của mình mà thôi."

Nước Tần từ khi Thương ưởng biến pháp, nhà vua kiềm chế quân đội rất chặt, thi hành chế độ tỉ, phù, tiết.

Tỉ, tức là ngự ấn của nhà vua, bất cứ quân lệnh chính vụ nào, nếu không đóng ngự ấn lên, thì không có hiệu lực.

Nhưng vì tiểu Bàn vẫn chưa chính thức đội mũ, cho nên vẫn phải cần đến ngự ấn của thái hậu Chu Cơ.

Phù, tức là hổ phù, được đúc bằng đồng, trên có khắc chữ, chia làm hai nửa, do nhà vua và một vị tướng lĩnh nào đó nắm giữ, cần phải được nhà vua đưa ra hổ phù này, sau khi đã được kiểm tra là khớp nhau, thì mới có thể điều động binh tướng, nhưng vì Lã Bất Vi ngang ngược, lại mượn chuyện phải đào kênh Trịnh Quốc là ứng phó chính sự liên miên, giao bình phù cho Mông Ngao cất giữ và không chịu đưa ra. Có rất nhiều lúc y lại dùng ấn tín thừa tướng của mình để thay cho ngự ấn của tiểu Bàn và Chu Cơ, làm nhiễu loạn và thay thế quyền lực của nhà vua.

Tiết, tức là lệnh thông hành do nhà vua phát ra, phàm là điều động quân đội đi xa, cần phải cầm theo tiết mới có thể không bị cản trở.

Ba thứ tỉ, phù, tiết vốn không thể thiếu một, nếu không sẽ không có hiệu lực. Hễ là điều động một toán quân từ năm mươi người trở lên, đều phải tuân theo quy tắc này. Nhưng Lã Bất Vi quyền cao hơn chủ, từ thời Trang Tương vương, đã bắt đầu phá vỡ quy tắc này, giờ đây tiểu Bàn mượn thanh thế của con hắc long, tìm cách tước đoạt binh quyền của y.

Ðằng Dực nhíu mày, „Nhưng điều đó không có tác dụng với những đại tướng đã đóng lâu nơi biên ải như Mông Ngao chẳng hạn."

Kỷ Yên Nhiên cười nói, „Ðó tuy là những tướng lĩnh không cần phải có tỉ, phù, tiết, nhưng ít nhất chúng ta không cần phải lo lắng bị đại quân đánh chiếm mục trường, lại thêm có đội quân tốc viện của Hoàn Xỉ, chắc cũng sống yên được!, Cuối cùng mọi người về đến mục trường. Những ngày tiếp theo đó, Hạng Thiếu Long sống rất vui vẻ, mỗi sáng đều luyện đao, rồi với bọn thê thiếp du sơn ngoạn thủy, hoặc luyện thuật xạ ky, lúc rảnh rỗi thì nghiên cứu binh pháp trong Mạc Thị kiếm pháp hoặc cùng Kỷ Yên Nhiên bàn chuyện thiên hạ.

Nhìn Bảo Nhi ngày càng lớn dần, niềm hạnh phúc đó quả thật không có gì có thể thay đổi được.

Nhạc phụ Ô ứng Nguyên thì bận rộn giúp đỡ Ô Trác ngoài biên tái, đôi lúc lại phải đi ra ngoài buôn bán.

Ðào Phương cứ cách một khoảng thời gian thì sai người về mục trường, thông báo tình hình Hàm Dương cho họ.

Trong khoảng thời gian đó gã chỉ quay về Hàm Dương hai lần, một lần là chủ trì hôn lễ cho Kinh Tuấn và Lộc Ðan Nhi, một lần là dự hôn lễ của Vương Ðoan Hòa và Doanh Doanh.

Thời gian cứ thế trôi qua, hạ đi thu đến, hôm nay Vương Lăng và Xương Bình quân bỗng nhiên đến mục trường tìm gã, lâu lắm mới gặp nhau, mọi người đều mừng rỡ.

Sau buổi tiệc, khi Vương Lăng và Xương Bình quân cùng gã đàm đạo trong đại đình, Vương Lăng nghiêm mặt nói, „Chỉ còn vài tháng nữa là bị quân đã đủ mười bảy tuổi, đã đến lúc nạp bị phi. Lã Bất Vi đề nghị nạp tiểu công chúa của nước Tề làm phi, chúng tôi cật lực phản đối."

Hạng Thiếu Long đã sớm biết hai người từ xa đến đây, tất sẽ có chuyện lớn, nghe thế thì nói rằng, „Thái hậu thì thế nào?"

Xương Bình quân cười khổ, „Phải nói là Lao ái nghĩ thế nào thì đúng hơn, tháng trước thái hậu đột nhiên đi đến Quân Ðô, trước đó hơn mười mấy ngày bà ta đã không lên triều, Lao ái thì trở thành người lên tiếng thay cho bà ta."

Hạng Thiếu Long thầm than, đương nhiên biết Chu Cơ đến Quân Đô là để tránh cho người ta biết mình đã sinh con cho Lao ái. Trầm giọng nói, „Lao ái có đi theo bà ta không?"

Vương Lăng lắc đầu, „Không! Giờ đây y và Lã Bất Vi đang đấu tranh kịch liệt, làm sao dễ dàng bỏ đi?"

Nhìn sắc mặt của hai người, thì biết họ đã có lòng hoài nghi chuyện Chu Cơ đột nhiên rời khỏi Hàm Dương.

Hạng Thiếu Long dò hỏi, „Vậy theo hai người, bị phi nên là tiểu thư nhà nào?"

vương Lăng nói, „Cháu gái của Vương Hột là Mỹ Tú, năm nay vừa mới tròn mười lăm tuổi, xinh đẹp như hoa, tính tình lại hiền thục, đọc sách hiếu lễ, không có nữ tử nào thích hợp hơn nàng."

Hạng Thiếu Long đồng ý, „Nếu là như thế, thì quả thật là lý tưởng, nhưng tốt nhất hãy sắp xếp cho bị quân gặp mặt nàng một lần, bị quân thích thì chúng ta mới dễ dàng lên tiếng. Ta chỉ lo là thái hậu không đồng ý."

Xương Bình quân nói, „Ðó chính là nguyên nhân mà bọn chúng tôi đến tìm Thiếu Long, chúng tôi đã nhiều lần hỏi ý thái hậu về chuyện này. Trước khi thái hậu về tới Hàm Dương, đã từng bảo với bị quân rằng khi bà ta không có mặt thì Thiếu Long có thể thay thế bà ta đưa ra ý kiến."

Hạng Thiếu Long ngạc nhiên nói, „Lại có chuyện như thế à?"

Vương Lăng nói, „Bị quân đã chính miệng nói như vậy. Thái hậu còn nói với bị quân rằng bà ta tin tưởng nhất là tầm nhìn và kiến thức của Hạng Thiếu Long."

Hạng Thiếu Long đột nhiên hiểu ra, biết rằng nhất định Lao ái đã chọn một người khác, Chu Cơ không làm gì được y, lại biết nghe theo lời Lao ái, thì khiến mối quan hệ với tiểu Bàn càng xấu hơn nên đã đẩy chuyện này cho mình.

Trong tình thế trước Lao ái đành thua Hạng Thiếu Long.

Hạng Thiếu Long vui vẻ nói, „Vậy cứ làm theo ý của các người, các người phải chăng áp giải ta về tới Hàm Dương."

Hai người nghe thế thì cười.

Ðột nhiên Xương Bình quân lảng sang chuyện khác, „Tín Lăng quân và An Ly vương lần lượt chết trong vòng hai ngày, thái tử Tăng lên ngôi trở thành Ngụy vương, còn vương hậu chính là Ðiền Mỹ Mỹ."

Hạng Thiếu Long cảm thấy bất ngờ, gã và Tín Lăng quân là địch chứ không phải là bạn nhung cũng cảm thấy đau lòng vì cái chết của y.

Sau này Bình Nguyên phu nhân và Thiếu Nguyên quân khó mà sống được.

Vương Lăng nói, „Liêm Pha quả nhiên chạy đến nước Sở, nghe nói Long Dương quân đã tha cho y nếu không y đã trở thành vật chôn cùng với công tử Vô Ky."

Hạng Thiếu Long cố gắng không nghĩ đến chuyện ấy nữa, hỏi, „Lã Bất Vi gần đây có động tĩnh gì."

Xương Bình quân nói, „Giờ đây Lã Bất Vi và Lao ái ba ngày cãi nhau một trận nhỏ, mười ngày thì cãi nhau một trận lớn, Mông Ngao thì dẫn quân đi đánh liên tiếp lấy được năm mươi thành, thanh thế tăng lên. Người Yên và người Triệu bắt đầu đánh nhau, người Triệu lấy Lý Mục làm soái, người Yên đâu phải là đối thủ, hai đất Võ Trục và Liêm Thành bị Lý Mục hạ mất. May mà Triệu vương sợ thế Lý Mục lớn lên nên hạ lệnh cho y án binh bất động, nếu không nói không chừng đã đánh vào kinh đô của nước Yên."

Hạng Thiếu Long nhớ đến thái tử Ðan trong lòng ngạc nhiên nói, „Yên, Tề không đánh nhau, mà Triệu, Yên lại xảy ra chiến tranh, tại sao như thế?"

Vương Lăng nói, „Chúng tôi biết chắc cũng là tranh giành đất đai. Người Yên từ khi liên kết với Sở đã kiềm chế Tề, muốn giành lại đất đai của người Triệu chiếm đoạt, nên đã xảy ra chiến tranh."

Xương Bình quân nói, „Giờ đây Mông Ngao càng khẩn trương hơn, nhờ có Lã Bất Vi ủng hộ nên chuẩn bị tấn công nước Ngụy, còn bọn chúng tôi không tán thành bởi vì sớm muộn cũng sẽ khiến cho năm nước phải hợp tung lần nữa, nhưng Mông Ngao lại ở ngoài, Lã Bất Vi bảo rằng nếu không dùng binh, thì khó mà giữ được thế mạnh, ba quận phía đông cũng khó mà giữ vững, bọn chúng tôi rất khó phản bác lại y, lại thêm hai nước Hàn, Ngụy liên minh quả thật có ý đồ không tốt Vương Hột giờ đây đến biên giới nước Triệu để ngăn không cho người Triệu làm bừa."

Xương Bình quân nói, „Bị quân đã nhiều lần đề nghị Thiếu Long có thể dẫn quân xuất chinh để tránh thanh thế của Mông Ngao ngày càng lớn mạnh, khiến cho chúng ta khó mà lật đổ Lã Bất Vi."

Hạng Thiếu Long cười khổ nói, „Chúng ta hãy xử lý cho xong chuyện của bị quân nạp phi trước đã! Ðỗ Bích và Mông Ngao giờ đây có trò gì không?"

Vương Lăng nói, „Vẫn là cố gắng khuếch trương, Thành Kiều mượn cớ để phòng thủ biên cương không ngừng chiêu binh mãi mã, lại thêm tài lực của Phố Cao giúp đỡ rốt cục rồi sẽ có một ngày làm loạn. Giờ đây chiến sự ở phía đông của chúng ta rất căng thẳng không ai rảnh để đối phó với bọn chúng."

Hạng Thiếu Long than, „Hãy uống rượu đi! Những chuyện này rốt cuộc sẽ được giải quyết trọn vẹn, ngày mai ta về Hàm Dương với các người."

Hai người mừng rỡ.

Ba tháng sau Chu Cơ từ Ung Đô về đến Hàm Dương, quả thật là nghe theo lời của Hạng Thiếu Long không thèm để ý đến sự phản đối của Lã Bất Vi, để cho tiểu Bàn phong cháu gái của Vương Hột là Vương Tú Mỹ thành bị phi, đồng thời cử hành hôn lễ.

Năm sau Mông Ngao được Vương Hột và Vương Ðoan Hòa tấn công thẳng đến nước Ngụy, liên tiếp lấy được mười hai thành, tiến thẳng đến Ðông Quận. Giúp cho nước Tần tăng thêm một quận ở phía đông nữa.

Trong thời gian này Yên vương Hỷ sai đại tướng Kịch Tân tấn công nước Triệu bị Bàng Noãn của nước Triệu giết chết.

Khi người Triệu định tấn công nước Yên thì người Ngụy đại bại trong tay quân Tần, người Triệu lo lắng lắm nên cầu hòa với người Yên.

Lúc này người Tề cũng muốn khởi binh nhưng thấy tình thế không hay, e sợ trước sau cũng gặp địch nên chủ động lôi kéo năm nước Sở, Triệu, Yên, Ngụy, Hàn tiến hành hợp tung. Bắt đầu xuất phát từ nước Ngụy tấn công quân Tần, đánh bại Mông Ngao, còn Lý Mục thì dùng binh kìm kẹp Vương Hột, khiến cho y không dám chi viện nữa, quân tình rất khẩn cấp, nước Tần trong triều ngoại nội đều chấn động.

Tiểu Bàn nghe báo cáo xong lại sai người về mục trường gọi Hạng Thiếu Long, thế là những ngày yên lành của Hạng Thiếu Long giờ đây đã chấm dứt.

Bọn Kỷ Yên Nhiên biết được lần này gã không tránh khỏi việc cầm binh xuất chinh, nên theo gã quay về Hàm Dương mong gần gũi với gã thêm chốc lát.

vừa đến cửa thành thì gặp Quản Trung Tà.

Y tuy ốm hơn trước nhưng thần thái vẫn bình thản y rõ ràng đã bình phục, thấy Hạng Thiếu Long thì nở một nụ cười hiếm có nói, „Ty chức phụng mệnh đến đây chờ đợi đại tướng quân, mời đại tướng quân lập tức vào cung kiến giá."

Rồi lại hạ giọng cười, „Một đao ấy của đại tướng quân đã giúp cho ty chức hiểu ra rất nhiều điều mà trước đây vẫn mù mờ."

Hạng Thiếu Long rất muốn hỏi y“ví như điều gì?" nhưng cuối cùng nén lại, dặn dò bọn người nhà của mình quay về Ô phủ rồi cùng Quản Trung Tà đến hoàng cung.

Không khí của Hàm Dương rõ ràng đã căng thẳng hơn, người đi đường vội vã, đâu đâu cũng thấy quân chở lương thảo.

Quản Trung Tà lại hỏi, „Ty chức định tháng sau sẽ cưới tam tiểu thư, e rằng đại tướng quân không uống được chén rượu mừng của ty chức."

Hạng Thiếu Long cười khổ não, „Hy vọng còn mạng để đi về uống chén rượu mừng của Quản đại nhân và tam tiểu thơ!

Quản Trung Tà mắt ánh lên tia châm biếm cười mà không nói gì.

Ai cũng biết rằng nếu đem quân chống với liên quân năm nước thì chắc chắn sẽ thua. Có thể cố gắng chặn lại bước tiến của kẻ địch đã là phúc lắm rồi. Ðiều không may nhất là Mông Ngao bị liên quân đánh bại sĩ khí đã giảm, lúc này mình lại đưa đầu ra thay thì có thể biết mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hai người chẳng còn gì để nói nữa đi thẳng đến hoàng cung.

Tiểu Bàn ngồi một mình trong thư trai chờ gã.

Vị Tần Thủy Hoàng trong tương lai này trên danh nghĩa đã được mười tám tuổi, vẫn còn ba năm nữa thì mới có thể chính thức đội mũ làm vua, giờ đây càng uy mãnh tráng kiện hơn. Thấy Hạng Thiếu Long đến, thì rời chỗ ngồi chạy đến chụp hai tay gã, cho bọn hạ nhân lui ra rồi kéo gã đến một bên trầm giọng nói, „Sư phụ hãy cứu quả nhân!“ Hạng Thiếu Long giật mình kêu lên, „Không nghiêm trọng đến thế chứ?"

Tiểu Bàn cười khổ nói, „Tình thế bất lợi vô cùng, liên quân năm nước đã gặp nhau ngoài cửa Hàm Cốc, đánh bảy trận thì thắng cả bảy, đại phá Mông Ngao, giờ đây cửa Hàm Cốc thất thủ, điều bất lợi nhất là Vương Hột cũng gặp bất lợi ở biên giới nước Triệu, đang phải gắng gượng phòng thủ, lần này nếu sư phụ không thể đánh lui được liên quân, đại Tần ta sẽ nguy to!"

Hạng Thiếu Long đột nhiên cảm thấy tiểu Bàn như một đứa trẻ giống như sáu năm về trước trong hoàng cung nước Triệu, buột miệng nói một câu trong xuất sư biểu của Gia Cát Lượng, „Thần sẽ hết lòng tận tụy, chết không từ nan!"

Tiểu Bàn giật mình, „Ngàn vạn lần đừng nhắc đến chữ chết, giờ này chỉ có sư phụ mới ngăn chặn được cơn sống còn này."

Lúc này nội thị vào báo thái hậu và các quan đã tề tựu trong nội đình chờ đợi thánh giá.

Hai người vội vàng rời khỏi thư trai đến nội đình.

Ngoài Chu Cơ còn có cả Lã Bất Vi, Phùng Khiếp, Xương Bình quân, Vương Lăng, Lý Tư, Vương Quan, Thái Trạch, Xương Văn quân, Doanh Ngạo và Nghĩa Cự quân Doanh Lâu hai người này gần đây đến các địa phương đã nhậm chức lần này cùng quay về Hàm Dương, có thể thấy tình thế rất nguy cấp.

Chu Cơ thấy Hạng Thiếu Long mắt sáng lên, nàng hơi mập ra, dáng vẻ càng làm cho người ta nghi ngờ.

Lã Bất Vi nhìn Hạng Thiếu Long bề ngoài tỏ vẻ vui mừng nhưng Hạng Thiếu Long nhìn thấu được sự vui mừng vì may mắn thoát được đại họa.

Làm lễ quân thần xong, Nghĩa Cự quân báo cáo, „Lần này liên quân hội sư, quân Triệu gồm tám vạn, quân Sở có mười lăm vạn, quân Ngụy có mười lăm vạn, quân Yên năm vạn, quân Hàn mười vạn, tổng cộng binh lực là năm mươi vạn, phá xong cửa thành Hàm Cốc thì án binh bất động xây lũy kiên cố, chờ đợi chi viện ở phía sau. Giờ đây Mông Ngao đại tướng quân rút lui ba dặm dựa vào thế hiểm trở của sông Thủy Ðức để cố thủ, nếu lại thất thủ nữa thì kẻ địch sẽ tiến thẳng vào, nếu men theo sông thì ba mươi ngày có thể đánh tới Hàm Dương."

Hạng Thiếu Long đến lúc này mới thấy tình thế nguy ngập đến nước ấy.

Xương Bình quân tiếp lời, „Giờ đây chúng ta điều động binh lính ở khắp nơi, tập trung được mười lăm vạn, lại còn mười hai vạn trong tay của Mông thượng tướng quân, tổng số đạt đến hai mươi bảy vạn có thể dư sức phòng thủ, nhưng đánh lui địch thì khó."

Tiểu Bàn nhíu mày nói, „Không còn cách nào điều động thêm nhiều người nữa hay sao?"

Vương Lăng bẩm lên, „Kẻ địch tính toán rất kỹ lưỡng, người Sở và người Triệu lần lượt kiềm chế Vương tướng quân và An tướng quân, khiến cho bọn họ khó mà chia binh ra để cứu nhau, lão thần đã nghĩ hết cách mới có thể điều động được con số ấy, trong đó có nhiều tân binh là lão nhược và chưa được huấn luyện đầy đủ."

Hạng Thiếu Long nghe mà chán nản thầm nghĩ quân bại trận của Mông Ngao và đám binh lính già yếu này làm sao có thể đánh trận được.

Chu Cơ nói, „Hạng đại tướng quân nghĩ gì về tình thế này?"

Hạng Thiếu Long không thèm trả lời mà hỏi ngược lại, „Có biết ai là thống soái của liên quân không?"

Lã Bất Vi trầm giọng nói, „Chúng ta biết rất ít về tình hình của quân địch, chỉ suy đoán đại khái binh lực của bọn chúng, theo ta nghĩ là tướng nước Triệu là Bàng Noãn làm chủ soái, kẻ này tinh thông binh pháp, là một kẻ địch lớn nhất của đại Tần ta ngoài Lý Mục, lại thêm bọn chúng đã chuẩn bị từ lâu, cùng với bài học chưa đánh đã lui lần trước cho nên lần này khó mà dùng kế đánh lui địch, tất cả đều phải dựa vào Thiếu Long."

Trong lúc Hạng Thiếu Long đang trong lòng kêu khổ đột nhiên nghĩ ra nếu trận này mà thua, thì kẻ địch sẽ thừa thế tiến đến Hàm Dương, nhưng chuyện này rõ ràng chưa từng xảy ra trong lịch sử, điều này có nghĩa là sẽ không thua được, nghĩ đến đây, lập tức lòng tin tăng lên.

Nói cho cùng, người gã sợ nhất vẫn là Lý Mục, còn đối với Bàng Noãn thì không, đương nhiên vẫn không dám coi thường Nghĩ sâu hơn nữa trận này không thể thua cho đến nỗi Hàm Dương bị bao vây nên có thể thoải mái mà đánh.

Bản thân xuất thân từ quân đội nên rất hiểu cách dùng binh, lấy tinh nhuệ để thắng bình thường cho nên hãy cứ theo tác phong mình như trước đây có lẽ sẽ có hy vọng chiến thắng, nghĩ đến đây hào khí dâng lên, cười ha ha, „Vi thần đã có kế, không biết tướng lĩnh của các nước gồm những ai?"

Mọi người cảm thấy gã như một người khác đều cảm thấy ngạc nhiên lắm.

Tiểu Bàn trả lời, „Người Triệu là Bàng Noãn và Tư Mã Thượng, người Sở là Võ Ðảm, người Ngụy là đại tướng Thịnh Niên, tướng nước Yên là Từ Ấy Tắc và tướng nước Hàn là Hàn Sấm."

Hạng Thiếu Long cười khổ, „Trừ Bàng Noãn, Tư Mã Thượng và Thịnh Niên, tất cả các người khác đều là người quen, may mà không có Long Dương tướng quân."

Trong thời đại này bạn bè thân thiết cũng có thể trở thành kẻ địch của mình.

Lã Bất Vi nói với vẻ nửa tin nửa ngờ, „Thiếu Long hình như rất chắc chắn, song phải biết rằng thế của kẻ địch rất lớn với một người như Mông Ngao đại tướng quân mà còn liên tiếp bại trận, Thiếu Long đừng vọi vàng khinh địch."

Phùng Khiếp cũng nói, „Bàng Noãn này gần đây cũng có oai phong, đại phá quân Yên đồng thời chém đầu đại tướng nước Yên là Kịch Tân, tuyệt không thể coi thường kẻ này."

Doanh Ngạo nói, „Hạng tướng quân có cách gì phá giặc?"

Nghe ngữ khí của y rõ ràng coi thường Hạng Thiếu Long.

Thật ra thì những người có tràn trề lòng tin đối với gã như Xương Bình quân, Lý Tư, Vương Lăng, nhưng cũng lo lắng cho gã. Người Tần vốn là thiên hạ vô địch nhưng đã sớm run sợ liên quân.

Hạng Thiếu Long vô tình nhìn Chu Cơ vừa lúc đang nhìn gã chăm chú, ánh mắt tiếp xúc nhau hai người cùng đồng thời né tránh.

Lao ái đã nhìn thấy dáng vẻ không còn tự nhiên chen vào nói, „Hạng tướng quân chưa chính thức cầm quân xuất binh, nếu khinh địch chắc chắn sẽ thua mất."

Chỉ nghe thần thái của y nói chuyện rất ung dung tự nhiên thì biết quyền lực của y tăng lên nhiều, lòng tin rất đầy đủ.

Hạng Thiếu Long thầm nghĩ, „Khi ta được huấn luyện ở thế kỷ hai mươi mốt chẳng biết nhà người đầu thai ở nơi nào, nào đến lượt ngươi phê bình ta!" bề ngoài nói với vẻ khiêm nhường, „Muốn đánh bại quân địch thì khó hơn lên trời nhưng muốn đẩy lui quân địch thì lại không khó."

Mọi người đều ngạc nhiên.

Chu Cơ hỏi, „Nếu không đánh bại quân địch thì làm sao đẩy lui được quân địch."

Hạng Thiếu Long nói, „Ðiểm mấu chốt vẫn là ở chỗ Ðiền Ðan, giờ đây thế năm nước rất lớn mạnh, y tự nhiên không dám làm bừa, nhưng giả sử năm nước thất bại, y sẽ thừa cơ đánh lén vào Yên, Triệu, lúc đó Yên, Triệu buộc phải rút binh, quân hợp tung năm nước không đánh cũng tự tan vỡ, chuyện này trọng phụ hiểu rõ nhất. Hay là mời ngài hãy giải thích cho mọi người nghe."

Lã Bất Vi biết rằng gã châm biếm mình cấu kết với Ðiền Ðan trong đầu giận lắm, chỉ biết gượng cười mà rằng, „Lời này của Thiếu Long không phải là không có lý."

Thái Trạch nói, „Ðại tướng quân vẫn chưa nói ra cách làm cho quân hợp tung bất lợi?"

Hạng Thiếu Long nhủ thầm, „Có trời mới biết!" bề ngoài thì làm ra vẻ rất tự tin, nói, „Chuyện thắng bại trong chiến tranh, không thể dùng lời nói suông được, nếu không Triệu Quát, kẻ chỉ biết bàn chuyện nhà binh trên giấy sẽ không thua ở Trường Bình, song nếu bị quân để vi thần làm thống soái, thì trước tiên đáp ứng ba thỉnh cầu của vi thần, nếu không trong trận này chỉ có thua chứ không thắng."

Chu Cơ vui mừng nói, „Thiếu Long có lời gì thì cứ nói."

Sự đố ky trong mắt Lao ái càng nhiều hơn.

Kẻ khốn kiếp rốt cuộc vẫn là kẻ khốn kiếp, trong tình hình việc nước căng thẳng như thế này, Hạng Thiếu Long lại có ơn lớn với y, y vẫn đặt lợi ích riêng lên trên hết.

Hạng Thiếu Long hào khí ngất trời nghiêm mặt nói, „Ðầu tiên là tướng sĩ. Hạ thần muốn Ðằng Dực, Hoàn Xỉ trở thành tả hữu phó tướng, đồng thời điều động một vạn quân tinh nhuệ trong đô ky binh và hai vạn trong quân tốc viện, còn mười lăm vạn quân đã được điều động kia, hạ thần muốn giảm đi bảy vạn người, chỉ mười vạn cũng đã đủ phá giặc."

Mọi người thấy gã xin giảm quân nên cảm thấy ngạc nhiên lắm.

Lao ái tiếc không có cơ hội hạ gã trước mặt Chu Cơ, nhíu mày nói, „Binh lực của kẻ địch lớn mạnh, con số năm mươi vạn chỉ là con số tính toán ban đầu, nói không chừng giờ đây quân địch tiếp tục tăng quân. Giờ đây Thiếu Long giảm quân chỉ còn mười vạn, mặc dù Mông Ngao đại tướng quân vẫn còn mười hai vạn tổng số binh lực của ta chưa bằng một nửa kẻ địch, vậy thì làm sao thắng được."

Lã Bất Vi gật đầu nói, „Lời Lao phụng thường nói không hẳn là không có lý, Thiếu Long phải suy nghĩ kỹ mới được.

Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy lo lắng, trước ngày ra mục trường hai kẻ này đấu nhau đến sống chết tại sao giờ đây lại đồng thanh đến thế?

Tiểu Bàn hầu như tin Hạng Thiếu Long một cách mù quáng nói, „Ðại tướng quân tất có ý của mình, đại tướng quân hãy giải thích nghe thử."

Hạng Thiếu Long ung dung nói, „Binh là quý ở chỗ tinh nhuệ chứ không phải là nhiều, liên quân năm nước tuy đông, nhưng không thuộc quyền chỉ huy của bất cứ ai cho nên về mặt chỉ huy và hợp tác chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề, hạ thần nhắm vào điểm này tinh giảm binh lính, không những có thể nâng cao hiệu suất, mà còn có thể tăng cường được sĩ khí Huống chi thuật dùng binh là quỷ thần không hay, binh bất yếm trá. Người đông mà không giỏi khiến cho vi thần chỉ huy không xong, ngược lại sẽ rước lấy thất bại."

xương Bình quân và Vương Lăng đều đồng ý, hai người này mà đồng ý thì những kẻ khác còn lời gì để nói nữa.

Lý Tư hỏi, „Mười hai vạn binh lính còn lại của Mông đại tướng quân, Hạng đại tướng quân có cần dùng lại hay không?

Hạng Thiếu Long nói như chém đinh chặt sắt, „Ðiều này thì tất nhiên. Song vi thần cũng xem xét tình hình của bọn họ rồi mới đưa ra quyết định."

Lòng tin của Chu Cơ đối với Hạng Thiếu Long chỉ thua có tiểu Bàn. Vui mừng nói, „Yêu cầu thứ nhất của Thiếu Long đã được thông qua. Không biết yêu cầu thứ hai của Thiếu Long là gì?"

Hạng Thiếu Long bình thản nói, „Yêu cầu thứ hai là phải triệu Mông đại tướng quân từ tiền tuyến trở về Hàm Dương, giao toàn bộ quyền chỉ huy cho vi thần, nếu không trận này chắc chắn thua."

Lúc này cả Vương Lăng và Xương Bình quân cũng phải nhìn nhau.

Phải biết rằng Mông Ngao tuy liên tiếp thua trận nhưng chống đỡ được, có thể coi là ghê gớm lắm. Lại còn kinh nghiệm dùng binh của y hơn hẳn Hạng Thiếu Long. Có y trợ giúp ở tiền tuyến, dù cho Hạng Thiếu Long có bại trận, thì kẻ địch cũng không thể tiến sâu vào họ, cho nên không ai dám đồng ý.

Lã Bất Vi lộ vẻ tức giận trên mặt, thì tiểu Bàn lạnh nhạt nói, „Lời này của đại tướng quân rất có lý, quân không thể có hai soái, quả nhân hoàn toàn đồng ý."

Lã Bất Vi vội vàng nói, „Lão thần nói tốt nhất để Mông đại tướng quân lui binh về thủ ở tuyến thứ hai, đó mới là vẹn toàn Bọn Vương Quan, Lao ái, Thái Trạch đều lộ vẻ tán đồng.

Hạng Thiếu Long mỉm cười, „Từ Hàm Cốc đến Hàm Dương đều là tuyến đầu làm gì có tuyến thứ hai. Chỉ cần để cho vi thần dùng chiến thuật gây bất ngờ cho kẻ địch, vi thần có thể lấy ít đánh nhiều, đuổi cho kẻ địch tháo lui."

"Thiếu Long rốt cuộc có cách gì hay để đánh lui quân địch?" Chu Cơ nói.

Hạng Thiếu Long cung kính trả lời, „Ðó chính là yêu cầu thứ ba. Binh thư có nói, tướng ở ngoài không nghe theo lệnh vua, cho nên bị quân, thái hậu, và trọng phụ phải tin tưởng tuyệt đối vi thần, dù cho có nghe được những lời gì, thì cũng chẳng để ý đến, bởi vì trận này sẽ xuất hiện cục diện trước bại sau thắng, quân địch tấn công và sau đó sẽ thảm bại và rút lui Cho nên giai đoạn đầu đừng vì những thất bại nho nhỏ mà mất đi lòng tin vi thần. Còn kế sách chống địch, xin thứ cho vi thần không thể nói được, nếu không sẽ lộ quân tình."

Tiểu Bàn vỗ bàn than rằng, „Ðại tướng quân quả thật là người phi thường, binh chưa động mà hoàn toàn có thể tính toán được tình thế, ba ngày sau quả nhân sẽ đăng đàn bái tướng, sự hưng vong của đại Tần, ta sẽ giao vào tay đại tướng quân đó.

Mấy lời ấy đã giao hết trọng trách chỉ huy cuộc chiến cho Hạng Thiếu Long.

Hội nghị xong, Hạng Thiếu Long cùng tiểu Bàn, Lã Bất Vi và Xương Bình quân bàn bạc tiếp, nghiên cứu tiếp về chuyện lương thảo, hậu viện cuối cùng là do Ô Quả phủ trách chở lương thực xong Hạng Thiếu Long mới có thể ra về được.

Vừa ra đến cửa cung, Lao ái ở phía sau đuổi theo, sau mấy lời khách khí thì cùng gã đi song song, giả vờ khiêm nhường nói, „Vừa rồi tiểu đệ chỉ lấy chuyện luận chuyện, Thiếu Long đừng để bụng trong lòng."

Hạng Thiếu Long thầm mắng, miệng thì đáp rằng, „Lao huynh thật là quá coi thường Hạng Thiếu Long này, như thế có đáng gì?"

Lao ái than rằng, „Nhưng có một chuyện ta quả thật là đáng trách Thiếu Long đó."

Hạng Thiếu Long ngạc nhiên nói, „Là chuyện gì?"

Lao ái cười nói, „Tại sao Thiếu Long lại đưa Mỹ Mỹ về Ðại Lương? Chí ít thì cũng phải thông báo với tiểu đệ một tiếng chứ?"

Hạng Thiếu Long cũng gượng cười trả lời rằng, „Bởi vì ta sợ Lao huynh phản đối, lúc đó rõ ràng Lao huynh không thể tranh lại Lã Bất Vi, nếu để cho tên gian tặc này chiếm phần tiện nghi, thì chi bằng để Mỹ Mỹ đến nơi mà nàng muốn thì hay hơn. Lao huynh có còn trách ta không?"

Lao ái trầm ngâm gật đầu nói, „Thiếu Long thẳng thắn đến nỗi ta khó mà chấp nhận nổi, nhưng ta cũng đành chấp nhận mà thôi. Thật không ngờ, giờ đâu quyền thế của ta đang tăng lên nhiều mà ngược lại không có được nữ tử mà mình yêu mến, được một mất một, quả thật khiến cho người ta đau lòng."

Hạng Thiếu Long hiểu y muốn nói đến là phải nhìn mặt Chu Cơ làm việc, lần đầu tiên cảm nhận được nỗi đau khổ tù trong lòng của y.

Dù Lao ái xấu xa thế nào cũng là một con người, vẫn có sự chân thành và xúc cảm của y. Cuộc đời có nhiều chuyện bất đắc dĩ. Ví như những kẻ địch của gã trong đó có rất nhiều người đã từng là bạn bè tốt.

Thân thiết nhất vẫn là Hàn Sấm. Giả sử bị buộc phải giết y thì mình sẽ nghĩ như thế nào?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.