Tàng Hồng Linh Ðiệp Ký

Chương 4: Chương 4: Tiếng Sấm Kinh Hoàng




Đào Ngọc Phương lấy làm bồn chồn lo lắng, đối phương là một thầy thuốc, có lẽ lão đã xem ra điều gì chăng? Thế rồi nàng cố trấn tĩnh tinh thần, nói:

- Xin lão tiên sinh cứ thẳng thắn chỉ giáo.

Lão thầy thuốc ra vẻ trầm tư giây lát, sau đó nói:

- Tiểu nương tử có bằng lòng cho lão phu khám xem huyệt mạch một phen chăng?

Đào Ngọc Phương do dự giây lát, sau đó nói:

- Điều này cũng được thôi!

Nói xong, nàng ngồi ở một bên giơ tay trái để thẳng lên bàn, trong lòng lo nghĩ lung tung, nàng biết sắp có sự việc gì xảy ra với mình rồi, cặp mắt thầy thuốc này sáng như điện quang, có khả năng khám biết nội ẩn, không cần phải hỏi cũng biết đối phương là một dị nhân phong trần, quyết không phải là thầy thuốc tầm thường đâu.

Lão thầy thuốc đặt ba ngón tay lên huyệt mạch của nàng, sau đó nhắm mắt lại.

Trong lòng Đào Ngọc Phương bỗng lóe lên một tia ánh sáng hy vọng, y như những đám mây dày nặng có một kẽ hở soi ra một tia sáng mặt trời, có lẽ người trước mặt là cứu tinh của mình.

Lão thầy thuốc vẫn nhắm chặt hai mắt, chậm rãi hỏi:

- Tiểu nương tử có chảy máu bao giờ chăng?

Đào Ngọc Phương mặt hơi biến sắc, nói giọng hớt hải:

- Có vài lần.

Lão thầy thuốc rút tay trở lại, mở to hai mắt ra, thở dài một cái, trầm giọng nói:

- À! Tiểu nương tử, trời kỵ hồng nhan, cô nương dung nhan đẹp như hoa...

Tức thì trái tim của Đào Ngọc Phương trầm xuống luôn, nàng cười thê lương một tiếng, tiếp lời nói:

- Dung nhan đẹp như hoa, nhưng hồng nhan bạc mệnh chứ gì?

Lão thầy thuốc cau mày, trầm tư giây lát, hỏi:

- Tiểu nương tử, không ai có thể tranh đấu với vận mệnh được hết, chớ quan trọng hóa cuộc đời được rồi, chẳng hay tôn phu có biết điều này không?

Đào Ngọc Phương cười cay đắng một cái, lắc đầu nói:

- Tiểu nữ không nói cho chàng biết nên chàng chẳng hay biết gì hết. Tiểu nữ nghĩ là...

Gương mặt lão thầy thuốc ra vẻ u sầu nói:

- Lão phu lấy làm hổ thẹn không thể đền đáp ân đức buổi cơm rượu này. Tiểu nương tử, lão phu xin tặng một câu nói, có lẽ sống thêm được ít lâu. Bắt đầu từ hôm nay cần phải đoạn tuyệt lễ giao hoan giữa hai phu phụ, bằng không... e rằng chẳng sống qua mùa thu năm nay, hãy nhớ kỹ những điều căn dặn này. Xin lượng thứ lão phu nói lời thẳng thắn khiến tiểu nương tử thương tâm, xin cáo từ, nếu có duyên sẽ gặp lại sau.

Nói xong, lão ngồi bật dậy, đeo túi thuốc lên vai, bước ra cửa luôn.

Đào Ngọc Phương ngồi trên ghế ngẩn người ra tại chỗ luôn, nàng chẳng để ý đến lão thầy thuốc nọ đã rời khỏi lúc nào.

Nước mắt nhỏ ròng ròng xuống, giây phút này hình như linh hồn nàng đã lìa khỏi xác thân.

Bên tai nàng văng vẳng còn tiếng căn dặn của lão thầy thuốc dạo "... đoạn tuyệt lễ giao hoan... bằng không chẳng qua khỏi mùa thu năm nay..."

Đào Ngọc Phương muốn buông tiếng khóc òa lên thêm, nhưng lại sợ kinh động đến đứa bé.

Bé Ngọc Lân đưa hai tay vịn vào giường, thân người loạng choạng từ từ bước tới phủ phục lên đầu gối nàng, cứ đưa mặt cọ trên đùi mẹ.

Đào Ngọc Phương đưa tay vuốt ve đầu tóc ái nhi, nói giọng thảm thiết:

- Này hài nhi, con sắp mất mẹ rồi, sao số mạng con lại khổ như thế...

Tiếng nói u oán thê lương đoạn trường, có ai hiểu được nỗi khổ tâm hiện giờ của nàng chăng?

- Trời ơi! Ta đã lầm lỗi, trước kia ta chết cho rồi có hay không? Đúng ra không nên kết hợp với chàng, bây giờ... hối hận cũng đã muộn rồi, ta đã hại hai đời phụ tử các ngươi, trời ơi, ta biết làm sao đây...

Bé Ngọc Lân trợn to hai mắt chăm chăm nhìn mẹ hiền, trong tiểu tâm linh của hắn chẳng có cảm thụ gì hết.

- Hãy rời khỏi chàng, xa lánh chàng mãi mãi... thế nhưng còn hài nhi này thì sao? Liệu chàng có nuôi nấng được hắn lớn khôn chăng?

Nàng nghiến răng đưa quyền quơ vào hư không lia lịa, chứng tỏ nàng đau khổ đến bực nào rồi.

- Ta biết làm sao bây giờ?...

Tiếng kêu tuyệt vọng...

- Ngọc Phương!

Bỗng có một tiếng gọi thân mật từ nơi xa xa vọng tới.

Nàng vội lấy tay áo lau khô nước mắt, ẵm bé Ngọc Lân lên, bước ra cửa, thân người nhẹ bỗng, hình như không còn chút sức lực nào cả, nàng sợ té ngã xuống, nên cực chẳng đã phải tựa lưng vào cột cửa để kìm giữ thân người lại.

Trần Gia Lân phi thân chạy tới thật nhanh như một con chim bay về tổ, lần lượt hôn lên má hai mẹ con, bỗng nhiên chàng phát hiện hai mắt nàng đỏ ngầu, bất giác thất kinh nói:

- Phương muội, nàng... khóc rồi sao?

Đào Ngọc Phương giật bắt người lên, gượng cười nói:

- Khi không thiếp khóc làm gì, vì lúc nãy... bị khói nhà bếp xông vào mắt thế thôi!

- Thật đấy chứ?

- Chẳng lẽ thiếp lại nói dối chàng, lúc nãy có một thầy thuốc giang hồ ghé qua đây xin một bát cơm... chàng xem trên bàn, thiếp vẫn chưa kịp dọn dẹp.

Trần Gia Lân đưa mắt nhìn vào trong nhà, ngạc nhiên nói:

- Sao lại có thầy thuốc giang hồ đến đây được ư?

- Lão nói rằng muốn đi đường tắt để kịp lúc qua sông, không ngờ lão lỡ bước vào chốn vắng người như thế...

- Ồ! Phải rồi, Phương muội, nàng luôn luôn không được khỏe, hôm khác ta dẫn nàng vào thành để thái y khám lại xem thế nào...

- Điều đó từ từ hãy tính.

Trần Gia Lân bồng đứa bé, sau đó vợ chồng cùng bước vào nhà, sau khi vào nhà, Trần Gia Lân liền đặt tiểu Ngọc Lân lên giường và đùa giỡn với nó.

Đào Ngọc Phương ngớ ngẩn đưa mắt nhìn đôi phụ tử này, suýt nữa nàng đã khóc òa lên, thế nhưng nàng không dám khóc.

Ở chốn thiên hạ này chắc không còn sự việc gì đau khổ như thế nữa.

Cuối cùng nàng cất tiếng nói:

- Này Lân ca, nếu không có thiếp, liệu chàng... có thể chăm sóc hài nhi được chăng?

Trần Gia Lân từ trên giường nhảy tuột xuống dưới, trợn ngược hai mắt nhìn nàng, nói giọng hớt hải:

- Phương muội, nàng đang nói gì thế?

Đào Ngọc Phương nghiến răng, gượng cười nói:

- Chớ giật mình như vậy, kẻo làm hài nhi sợ hãi, thiếp chỉ nói đùa như thế thôi...

Trần Gia Lân thở phào một cái, nói:

- Phương muội, về sau nàng chớ nói đùa như vậy nữa, không làm hài nhi sợ, mà làm cho ta phải giật mình kinh hãi.

Đào Ngọc Phương không dám nói chuyện với chàng nữa, nàng sợ rằng không kìm lòng được nói hớ bí mật này ra, nên nàng giả đò bĩu môi làm ra vẻ nũng nịu, bước vô nhà lo cơm nước cho chồng con.

Cơm nước xong, Trần Gia Lân nghỉ ngơi giây lát, sau đó lại chuẩn bị ngư cụ lên ghe.

Vào đêm mới là giờ đánh lưới thích hợp nhất.

Đào Ngọc Phương ẵm con tiễn chàng ra tận bờ hồ, Trần Gia Lân căn dặn vài điều, sau đó bước lên ghe nhổ neo đi luôn.

Trong lòng Đào Ngọc Phương khẽ gọi một cách thương tâm:

- Lân ca, từ biệt nghe...

Nước mắt đã nhỏ ròng ròng xuống, bóng ghe từ từ biến mất trong đêm tối.

Chẳng mấy chốc thằng bé đã ngủ thật ngon.

Đào Ngọc Phương ngồi cạnh giường hồi tưởng lại những lời nói của lão thầy thuốc giang hồ, nếu ở lại hai vợ chồng không thể thân cận là điều không thể thực hiện được, bây giờ chỉ còn một cách duy nhất là mình bỏ đi.

Thế nhưng, liệu mình có đành lòng bỏ lại chồng con được ư?

Nàng đau lòng suy nghĩ mãi, cuối cùng nàng quyết định phải bỏ đi!

Đào Ngọc Phương nhủ thầm:

- Mình không thể bỏ đi mà chẳng có vài lời giao phó.

Nàng suy nghĩ như thế, lập tức lấy giấy bút ra, khi nàng cầm bút, bàn tay run lẩy bẩy, cả nửa buổi vẫn chưa viết được chữ nào hết, nước mắt của nàng cũng đã khô cạn từ lâu, không còn nhỏ ra được nữa.

Trời sắp sáng tới nơi bây giờ, nàng biết không thể chần chừ được nữa, một khi chàng trở về, quyết tâm của nàng sẽ bị lung lay không sai.

Thế rồi nàng nghiến răng cầm bút viết thật nhanh:

"Này Lân ca, thiếp xin từ biệt chàng, thiếp không thể mang hạnh phúc cho chàng, nên thiếp đành phải ra đi. Không cần thiết phải tìm thiếp nữa, đồng thời cũng chớ hoài niệm nữ nhân bạc mệnh này, hãy khéo chăm sóc hài nhi của chúng ta. Chính thiếp tạo ra bất hạnh này, đây là lỗi của thiếp, thiếp sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt của thượng thiên, mong chàng hãy tìm một người khác thay thế thiếp. Xin chào biệt chàng lần cuối! Chàng phải bảo trọng lấy mình.

Người vợ bạc mệnh Đào Ngọc Phương cẩn bút".

o0o

Trần Gia Lân vừa đi vừa kêu gọi:

- Ngọc Phương! Ngọc Phương!...

Chàng lấy làm lạ tại sao không thấy ái thê ra đón chàng như mọi buổi?

Khi Trần Gia Lân vào trong nhà, đưa mắt trông thấy ái tử đang ngủ thật ngon, nhưng chẳng thấy bóng dáng ái thê Ngọc Phương đâu cả, chàng ngẩn người trong giây lát, sau đó chạy ra ngoài lớn tiếng kêu gọi:

- Ngọc Phương! Ngọc Phương!...

Bốn bề tịch lặng như tờ, chẳng thấy phản ứng gì hết.

Tức thì chàng ý thức rằng tình hình chẳng tầm thường rồi, chàng sực hồi tưởng chiều hôm qua nàng từng nói một câu bâng quơ rằng "... nếu không có thiếp, liệu chàng có thể chăm sóc hài nhi chăng?..."

Trần Gia Lân suy nghĩ đến đây, bất giác giật bắn người lên, chàng lập tức chạy trở vào nhà, phát hiện tấm thư giản đặt trên bàn gỗ, trực giác báo cho chàng hay có điều không lành xảy ra, suýt nữa quả tim chàng đã nhảy vọt ra ngoài.

Khi chàng đọc xong lá thư ấy, kêu ùng một tiếng, đầu óc chàng như trúng phải một cú sét đánh không bằng, té ngồi trên ghế, suýt nữa đã ngất xỉu luôn, bồi hồi thật lâu, chàng mới cất giọng bi thương, nói:

- Ngọc Phương! Tại sao nàng phải bỏ đi như vậy ư?

Thình lình...

Trần Gia Lân xông ra cửa như một con hổ điên, vừa chạy vừa kêu la inh ỏi, chàng chạy một vòng chung quanh vùng phụ cận, chàng kêu gọi đến nỗi khan cả tiếng, vẫn không thấy phản ứng gì hết.

Trần Gia Lân thất vọng quay trở lại, chàng uể oải té ngồi trên ghế nhủ thầm tại sao nàng lại bỏ cả chồng con ra đi như vậy ư? Mình đã xử tệ với nàng chỗ nào đâu? Chẳng lẽ nàng chê mình là một ngư lang hèn hạ sao? Thế nhưng hài nhi là con đẻ của nàng kia mà, nàng nhẫn tâm bỏ đi như vậy được chăng?...

Thế rồi, chàng liên tưởng đến cảnh tượng ngày hôm qua, khi chàng bán cá xong trở về tới nhà, thấy trên bàn bày những rượu thịt ăn dở, nàng bảo có một thầy thuốc giang hồ đến xin bát cơm ăn, lời nói này có thể tin được chăng? Nơi chốn hoang vắng này có thấy ai tới bao giờ đâu?...

Trần Gia Lân lại hồi tưởng cách đây hai năm về trước, nàng nhảy sông tự tử được mình cứu vớt, tại sao nàng đã tìm tới nơi chống hoang vắng này để nhảy sông tự tử ư? Vợ chồng ăn ở hai năm trời, chẳng hề thấy nàng đề cập gì hết, cuối cùng vẫn là một sự kiện nghi vấn khó hiểu...

Chẳng lẽ nàng đã ngoại tình?

Rất có thể là như thế, mình hành nghề đánh cá đi sớm về khuya, nàng không chịu được sự cô đơn lạnh lẽo, tối hôm qua có thầy thuốc giang hồ đến đây, và sáng nay thì nàng lại mất tích.

Chắc chắn nàng đã trốn theo tình nhân rồi, thực ra chẳng phải là thầy thuốc giang hồ gì hết!

Đáng buồn cười rằng mình cứ tin điều nàng nói, không hề mảy may sinh nghi...

Trần Gia Lân suy nghĩ đến đây, bất giác buột miệng kêu rằng:

- Này Đào Ngọc Phương, ngươi chỉ có một thể xác đẹp đẽ mà thôi, linh hồn ngươi vẫn đê tiện, hèn hạ...

Thực ra Đào Ngọc Phương vẫn chưa đi đâu xa cả, nàng đang núp ở bụi cây sau hè, vì nàng vẫn luyến tiếc chưa chịu bỏ đi...

Đào Ngọc Phương định lên tiếng và quay trở về với ngôi nhà ấm áp hạnh phúc này, nàng ra khỏi nhà đến bây giờ trước sau chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ, thế nhưng nàng cứ tưởng rằng đã trải qua một thời gian dài cả mười năm trời.

Bấy giờ Trần Gia Lân lại lẩm bẩm nói tiếp:

- Này Đào Ngọc Phương, ta hận ngươi, mãi mãi hận ngươi, bất kể phải đi đến chân trời góc biển nào ta vẫn phải tìm ngươi ra cho bằng được và giết chết ngươi, ta không ở lại đây nữa, ta phải dương danh lập nghiệp ở chốn giang hồ để cho ngươi xem...

Nàng nghe chàng nói thế lại thay đổi ý kiến luôn, nàng nhủ thầm trong bụng:

- Này Lân ca, chàng cứ hận thiếp đi, đến lúc chàng có tiếng tăm thì thiếp đã hóa thành một đống đất rồi, chàng mãi mãi không còn tìm được thiếp nữa. Hận làm cho chàng sống tiếp, làm cho chàng phấn đấu và dương danh lập nghiệp. Nếu bây giờ thiếp quay về với chàng, đến một ngày nào đó chàng chỉ bi thương mà thôi, và nỗi bi thương đó sẽ từ từ ăn mòn sinh mạng chàng. Có lẽ thiếp làm như vậy là đúng, này Lân ca, hài nhi, xin vĩnh biệt hai người...

Đào Ngọc Phương lẳng lặng bỏ đi, nàng mang theo một trái tim tan nát bỏ đi mãi mãi.

Thằng bé không thấy mẹ nó, đã cất tiếng khóc òa lên, một khi nó khóc thì không làm sao dỗ nó nín khóc được hết. Thằng bé khóc đến nỗi cõi lòng Trần Gia Lân tan nát hết, suýt chút nữa chàng đã phát điên lên.

Nỗi hận trong lòng chàng không làm sao diễn tả được hết.

- Này tiểu ca, việc gì xảy ra thế, để thằng bé la khóc inh ỏi như vậy, chắc hai chú thím đấu khẩu rồi chứ gì?

Tiếp theo tiếng nói, lão nhân đội nón rơm hôm nọ đã bước vào trong nhà, lão đảo mắt nhìn một vòng, nói tiếp:

- Tiểu nương tử đâu rồi?

Trần Gia Lân ngước đầu lên, gào thét nói:

- Nàng bỏ đi rồi!

Thằng bé trông thấy người lạ mặt vào nhà, nó lại nín khóc ngay, cứ chuyển động cặp mắt ngấn lệ nhìn lão nhân một hồi sau đó lại quay sang nhìn cha nó.

Lão nhân thoạt trông thấy thần tình Trần Gia Lân, bất giác giật bắn người lên, hớt hải nói:

- Ngươi nói sao? Y bỏ đi rồi?

Trần Gia Lân gật đầu nói:

- Đúng thế!

- Rốt cuộc việc gì đã xảy ra vậy?

- Chẳng có việc gì cả, sáng nay ta đánh cá vừa trở về nhà, thì nàng đã bỏ đi...

- Thế sao? Ngươi mang tình hình thuật lại cho lão gia xem nào?

Thế rồi Trần Gia Lân liền mang mọi việc tối qua kể lại cho lão nhân nghe một phen, sau đó đưa cả lá thư cho lão xem, cuối cùng nói cho lão nghe điều phán đoán của mình luôn.

Lão nhân cau mày vuốt râu, nói:

- Bên trong này ắt phải có nguyên nhân, ngươi bảo rằng nàng không giữ lễ nghĩa và đã trốn theo người khác, già này quả quyết nàng không phải là hạng người như thế...

Trần Gia Lân căm phẫn nói:

- Nàng đã bỏ cả chồng con ra đi thì phải giải thích thế nào đây?

Lão nhân bỗng khẽ vỗ vào đầu một cái, nói:

- Ồ! Già này thật hồ đồ. Hồi sáng nay thằng Hai Khùng nói cho ta hay rằng tối hôm qua nó đưa một lão thầy thuốc giang hồ sang sông và thưởng cho nó một nén bạc, nó cao hứng đến nỗi trời vừa tảng sáng đã đi vào thành mua sắm quần áo cho con dâu lão. Có lẽ chính lão thầy thuốc đó là người đến nhà ngươi xin cơm ăn không còn nghi rồi...

Trần Gia Lân cau mày:

- Vậy thì điều nàng nói với ta là sự thực rồi, nhưng... chẳng biết việc nàng bỏ đi có liên quan gì đến lão thầy thuốc giang hồ này không?

- Có lẽ như thế!

- Này lão gia! Ta cầu lão một điều...

- Điều gì? Ngươi cứ nói.

- Ta muốn gửi Ngọc Lân lại cho lão, nhờ con dâu lão trông hộ một thời gian có được không?

Lão nhân trợn ngược đôi lông mày, nói:

- Ngươi định làm gì thế?

- Ta phải đi tìm con tiện nhân ấy, không giết y thì khó hả cơn giận của ta lắm!

- Này tiểu ca, bỏ qua cho rồi, thiên hạ mênh mông bao la như thế, ngươi biết đi đâu tìm y đây, không chừng một ngày nào đó y hồi tâm chuyển ý cũng nên...

Trần Gia Lân lắc đầu nói:

- Không, ta đã quyết định như vậy rồi, nếu lão gia không tiện thu nhận Ngọc Lân, ta đành phải mang nó đi theo.

- Ngươi nói thế sao được, chỉ cậy vào ân đức của sư phụ ngươi đối với Châu Tiêu Thiên ta, thì việc của ngươi cũng tức là việc của ta rồi, chớ nói tiện hay không tiện làm gì, ý của ta muốn nói rằng ngươi chớ nóng nảy hành sự như vậy, phải xem xét kỹ lại rồi mới hành động.

Trần Gia Lân dùng giọng cương quyết nói:

- Châu lão gia, vãn bối đã quyết tâm làm như vậy rồi!

Lão ngư ông Châu Tiêu Thiên thở dài một tiếng, nói:

- Thôi được! Ta đồng ý mang Ngọc Lân về nhà chăm sóc hộ cho ngươi!

Trần Gia Lân bỗng phủ phục quỳ dưới đất nói:

- Thưa lão gia, xin nhận một lạy của vãn bối trước...

Châu Tiêu Thiên vội đỡ chàng dậy, nói:

- Sao ngươi lại làm thế này, lão già này chẳng ưa tục lễ như thế.

Trần Gia Lân từ dưới gối nằm rút ra một xấp giấy bạc để lên bàn, nói tiếp:

- Thưa lão gia, xin lão nhận số tiền nho nhỏ này lo cho Ngọc Lân ăn mặc về sau...

Châu Tiêu Thiên trợn ngược đôi lông mày, nói:

- Ngươi cho rằng ta chưa trông thấy tiền bạc bao giờ ư? Nói đến tiền bạc thì ta sẽ bỏ đi ngay, đồng thời ngươi cứ việc dẫn Ngọc Lân đi đâu thì đi!

Trần Gia Lân nghe lão nói thế, cảm động đến chảy nước mắt, không dám nói gì nữa.

Châu Tiêu Thiên nghiêm sắc mặt lại, thò tay vào túi áo lấy ra một quả cầu nho nhỏ, nói:

- Đây là trò chơi nhỏ lão phu thường mang theo trong người năm xưa trước khi chưa hành nghề đánh cá, rất nhiều người biết vật này, ngươi chỉ cần dùng ngón tay út móc vào khoen tiểu cầu, khẽ giật một cái, tức thì tiểu cầu phát ra âm thanh ngay, ngươi cứ việc mang theo trong người. Trước hết ngươi hãy đến Nhiên Châu thành thăm viếng Chúc Nhị viên ngoại, đưa tiểu cầu này ra, đối phương sẽ giúp ngươi thám thính hành tung của lão thầy thuốc nọ, sau khi sang sông ắt phải đến Nhiên Châu.

Trong lòng Trần Gia Lân lấy làm cảm kích vô vàn, chàng vội giơ tay cầm lấy quả tiểu cầu ấy.

Châu Tiêu Thiên lại nói tiếp:

- Ta còn nhớ một điều nữa, bên kia hồ chính là Hoa Nguyệt Biệt Trang, một bang phái tà môn danh lừng giang hồ bấy lâu, trong trang viện toàn là giai nhân bất tục, biết đâu tiểu nương tử...

Trần Gia Lân động lòng nói:

- Ý của lão gia muốn nói rằng có lẽ Đào Ngọc Phương là người của Hoa Nguyệt Biệt Trang chứ gì?

Châu Tiêu Thiên khẽ gật đầu, nói:

- Rất có thể là như thế, nhưng ngươi không được mạo muội xông pha vào đó, bằng không mãi mãi ngươi chẳng điều tra được gì đâu. Hãy gặp Chúc Nhị viên ngoại trước, xin chỉ dẫn của y, y sẽ hướng dẫn ngươi làm thế nào cho phải.

- Vâng!

- Còn nữa, ngươi hành tẩu giang hồ chớ tùy tiện tiết lộ lai lịch sư môn! Lệnh sư ẩn cư tại đây ắt phải có nguyên nhân, hơn nữa ngươi đã kế thừa chân truyền của tiên sư, binh khí mà lão nhân gia người đã lưu lại cho ngươi, ngươi luôn luôn phải giữ lấy, phải đặc biệt chú ý rằng không được tạo sát nghiệp một cách bừa bãi, đây là điều lệnh tiên sư lúc còn tại thế phó thác cho lão chuyển cáo lại cho ngươi, vì ta thấy không cần thiết cho nên chưa từng nói với ngươi hay, bây giờ chính là lúc lão phu phải nói cho ngươi hay lời dạy của lệnh tiên sư, mong rằng ngươi luôn luôn cảnh giác ghi nhớ vào lòng.

Trần Gia Lân cung kính thưa rằng:

- Vãn bối không dám quên lời căn dặn này.

Châu Tiêu Thiên thở dài một tiếng, nói:

- Nếu cảm thấy không cần thiết, tốt nhất chớ lưu lại ở chốn giang hồ. Xong việc hãy về ngay, đồng thời nếu tìm gặp được phu nhân ngươi, nên tra vấn nguyên nhân cho rõ ràng, chớ nên hấp tập hành động bừa bãi...

Trần Gia Lân cung kính thưa rằng:

- Vâng!

- Bây giờ ngươi giao hài nhi cho ta!

Trần Gia Lân uể oải ngồi trên ghế ngẩn người ra tại chỗ, gia đình này xem như hoàn toàn bị phá vỡ hết.

Thế rồi chàng thu dọn y áo và tiền bạc các thứ, vẫn ăn mặc trang phục ngư lang, có điều đặc biệt là bây giờ chàng mang theo một thanh kiếm cổ ở thắt lưng, sau khi khấu biệt linh vị sư phụ và khóa cửa nhà lại, chàng liền nhảy lên ghe, nhổ neo lướt ra giữa hồ luôn.

Qua bên kia bờ hồ, chàng neo ghe lại. Chàng biết rằng Châu lão gia sẽ lo liệu cho chàng, xong xuôi chàng nhảy lên lục địa bắt đầu cuộc sinh nhai giang hồ của chàng.

Trần Gia Lân vượt qua hoang dã, bước ra đường lộ chính, con đường này là thông lộ để đi đến Hoa Nguyệt Biệt Trang, chàng bất giác nhủ thầm:

- Có thật Đào Ngọc Phương là người của Hoa Nguyệt Biệt Trang chăng? Chi bằng bây giờ...

Chàng đang còn suy nghĩ, bỗng nhiên một tiếng gầm hét đinh tai vang tới:

- Ê! Chó ngoan không cản đường, này tiểu tử, hãy tránh ra nào!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.