Tắt Đèn Kể Chuyện Ma

Chương 32: Chương 32: Cả một thuyền ma




Trong truyện Tây Tân độ thuyền ở quyển bảy cuối Di kiên chi mậu do Hồng Mại người đời Nam Tống viết, có ghi lại một tai nạn xảy ra tại trấn Tân Độ Khẩu Giang Tây vào tháng Ba năm Thiệu Hưng. Khi ấy, Kim Sơn vẫn còn ở Giang Trung, Tây Tân Độ chính là con đường từ Trấn Giang đến Kim Sơn. Trên thuyền đã có bốn mươi bốn người, chuẩn bị ra khơi thì đột nhiên có một người đàn ông chạy đến, còn dắt theo một đứa trẻ. Đến mạn thuyền, đứa trẻ đó vừa gào vừa khóc, sống chết không chịu lên thuyền. Cha nó tức giận đánh mạnh vào gáy một cái, đứa trẻ đang định phân bua, nhưng mới nói được câu: “Nghe con nói…” thì đột nhiên kêu lên một tiếng, rồi ngất đi, ngã vật ra đất. Thấy người đứa trẻ cứng ngắc, chân tay lạnh ngắt, người cha lúc này mới hoảng sợ, thất thần. Mọi người trên thuyền không thể đợi mãi, đương nhiên cũng không có ai chịu lên bờ ra tay giúp đỡ hai cha con nhà kia, thế là chiếc thuyền liền từ từ ra khỏi bờ. Nhưng con thuyền này còn chưa đi đến Kim Sơn, đột nhiên một trận gió lớn nổi lên, thuyền bị lật, chìm sâu dưới đáy sông. Tính cả người chèo thuyền tổng cộng có bốn mươi sáu người, tất cả đều chết đuối. Trên bến thuyền, đứa trẻ liền chống tay ngồi dậy như vừa tỉnh. Người cha vui mừng vì con sống lại, càng vui hơn là đã tránh được kiếp nạn chìm thuyền, nghĩa chắc chắn trong chuyện này có ẩn khuất, liền hỏi đứa trẻ nguyên nhân vì sao không chịu lên thuyền. Đứa trẻ nói: “Vừa rồi con nhìn thấy trên thuyền toàn ma là ma, hình dạng rất đáng sợ, vì vậy không dám lên. Con đang định nói thì một con ma lập tức bịt miệng con, khiến con ngã lăn ra đất, chìm vào giấc ngủ.”

Thiên cơ bất khả lộ, nếu bị một đứa trẻ không biết gì bóc mẽ, mọi người bỏ chạy tán loạn, lại phải bố trí, sắp xếp một thuyền đầy người như thế, có lẽ sẽ rất mất thời gian. Thực ra đây cũng chỉ là sự cả nghĩ quá mức của người viết ra câu chuyện này, những người đến số chết kia sớm đã tâm hồn mê muội, sao có thể tin lới nói thật của một đứa trẻ chứ?

Những câu chuyện tương tự như trên thời nào cũng có, đầu tiên chúng ta nói tới thời gần đây nhất. Năm 1875 (năm nguyên Quang Tự) con tàu mang tên “Phúc Tinh” thuộc cục thương gia tàu thủy Thượng Hải đi từ Thượng Hải tới Thiên Tân, đụng phải con tàu mang tên “Auson” của Anh quốc tại vùng biển phía bắc và bị nhấn chìm, làm chết sáu mươi ba người. Đây là một vụ tai nạn biển lớn xảy ra vào cuối đời nhà Thanh, ngoài những sách chuyên ngành, các cây bút khác cũng chỉ viết tới đây, nhưng những câu chuyện liên quan tới âm phủ tôi cũng đã được đọc qua mấy chuyện. Chuyện Tàu thủy Phúc Tinh bị nhấn chìm trong quyển bốn, Dung Am bút ký của Tiết Phúc Thành có viết: Một vị ủy viên họ Giang vừa lên tàu, thấy khách đã chật tàu, hành lý chật sàn không có chỗ, hơn nữa, nhìn thấy diện mạo của những người trên thuyền rất mơ hồ, hình dạng kỳ quái, không giống người, nhưng đến khi lại gần thì đều là người cả, vị ủy viên họ Giang này quyết định chuyển hành lý về khách sạn, đợi chuyến sau mới đi. Sau khi sự việc xảy ra, ông ta tự thấy mình may mắn vì đã thoát được một tai nạn chết người, nhưng ông ta lại không nghĩ được rằng trên con thuyền đó tất cả đều là ma, tại sao chỉ có một mình ông ta nhìn thấy mà người khác không nhìn thấy? Đấy là bởi vì số ông ta chưa phải chết, vì vậy, dưới âm phủ mới âm thầm khiến ông ta nhìn thấy cảnh tượng ấy, để ra hiệu cho ông ta “tránh xa”. Cũng chính là muốn nói, chỉ cần ông ta không rời khỏi tàu thì con tàu này cũng sẽ không khởi hành được, mà cho dù có khởi hành thì ông ta cũng không chết.

Tháng Chín năm Quang Tự thứ bảy cũng có một vụ tai nạn đường biển. Trong truyện Nịch bạc[1] ở quyển ba trong Túy trà chí quái của Lý Khánh Thần viết, một người cần phải đi ra nước ngoài, lên tàu thủy, đang vờ nằm ngủ trên khoang, trong lúc hoảng hốt nghe thấy tiếng hai người nói chuyện với nhau, một người hỏi: “Đủ số lượng chưa?” Người kia đáp: “Còn thiếu hai người nữa.” Người này giật mình tỉnh giấc, thầm nghĩ những người đi tàu từ trước tới nay đâu buộc phải có số lượng nhất định, sao lại có chuyện điểm danh ở đây, hay là quỷ thần đang kiểm tra “nịch bạc”? Sau đấy đột ngột quyết định quay vào bờ. Con thuyền đó căng buồm đi ra biển, theo gió mà chìm dần, chìm dần như chưa từng tồn tại. Trong câu chuyện này có nhắc đến “nịch bạc”, đấy chính là danh sách những người sẽ phải chết trên con tàu này, hai quỷ điểm danh, nếu người đến số chết vẫn chưa lên tàu hết thì con tàu cũng không thể căng buồm ra khơi.

[1] Nịch bạc: nghĩa là danh sách người chết đuối.

Lại kể một câu chuyện cũ, đọc được trong quyển thượng cuốn Độc dị ký do Lý Cang người đời Đường viết: Đường Huyền Tông mùa xuân năm Khai Nguyên[2] thứ năm, Tư Thiên Giám dâng tấu: “Theo thiên tượng sắp có tai họa lớn, sẽ có ba mươi danh sĩ chết oan trong một ngày, năm nay số lượng tiến sĩ đúng bằng con số đó.” Khóa tiến sĩ năm nay có Lý Mông là phò mã của công chúa, Huyền Tông không dám tiết lộ với công chúa về cảnh báo thiên tượng, chỉ khẽ nói với công chúa rằng: “Bất luận có du yến lớn tới đâu, cũng đừng để phò mã của con tham gia, hãy nhốt hắn ta ở nhà”, công chúa không biết nguyên nhân, nhưng cũng tuân mệnh, không cho phò mã ra khỏi cửa. Phủ công chúa cách hồ Khúc Giang không xa. Hôm đó hồ Khúc Giang rất nào nhiệt, vì hồ Khúc Giang nước dâng cao, rất hợp để du ngoạn bằng thuyền, khóa tiến sĩ mới tập trung đến đây, mang thuyền và mang theo cả ca kỹ, kỹ nữ, chuẩn bị cho thuyền ra khơi mở tiệc. Những tiếng đàn ca vui vẻ đó vang xa, truyền tới cả phủ công chúa, Lý Mông nghe mà tê tái, biết không thể ra được bằng cửa lớn, liền trèo tường mà ra. Các tiến sĩ đang phàn nàn chỉ thiếu một mình Lý Mông thì thấy anh ta đang từ xa chạy lại, miệng không ngừng hét gọi. Lý Mông nhảy lên thuyền, thuyền vừa rời bờ, đang yên đang lành chìm xuống lòng sông, ngoài đám ca kỹ và những phu chèo thuyền, ba mươi vị tiến sĩ chết sạch, không sót một ai.

[2] Khai Nguyên: niên hiệu của Đường Huyền Tông, từ năm 713-741

Số đã tới, mệnh đã tận, muốn tránh cũng không được. Từ cuộc sống hiện thực có thể thấy, vị phò mã quý này có lẽ là cọng cỏ cuối cùng khiến con lạc đà phải chết vì sức nặng, nhưng nếu nói theo số mệnh thì dù vị phò mã này không lên thuyền, con thuyền đó cũng sẽ mãi đợi anh ta.

Nhưng cũng có lúc cả một thuyền người không phải tất cả đều phải tới gặp Diêm Vương, hoặc sẽ có một, hai người thoát chết, đấy chính là nội dung mới mẻ mà những câu chuyện loại này đề cập tới. Ví dụ thuyền đã ra khơi rồi, đột nhiên phát hiện ra trên thuyền có một vị chưa tới “số” trà trộn trong đó, thế thì phải nhờ ý trời để đá anh ta ra khỏi thuyền. Trong truyện Đỗ Xiêm của Quảng dị ký do Đới Phu người đời Đường có viết:

Khi Đỗ Xiêm còn trẻ, cũng từng nhiều lần đi sông đi biển. Thời ấy, nước sông Hoàng Hà chảy xiết, lại chưa có cầu bắc qua, muốn qua sông chỉ có cách đi thuyền. Người lên thuyền rất đông, thuyền phu đã bắt đầu nhổ neo, đột nhiên trên bờ có một người già, cao giọng gọi: “Đỗ tú tài mời xuống thuyền.” Đỗ Xiêm thấy ông ta hình như có chuyện gì đó cần gấp, bất đắc dĩ rời khỏi thuyền. Ông lão đó xì xầm với anh ra một hồi không ngớt, thuyền phu không đợi được nữa, liền ném trả hành lý của Đỗ Xiêm lên bờ, cho thuyền rời bến. Đỗ Xiêm đang vội, quay đầu lại thấy thuyền đã đi, còn ông lão lại cứ kéo lấy anh ta nói một thôi một hồi không dứt, trong lòng bắt đầu sốt ruột. Ngày hôm ấy gió to sóng lớn, đột nhiên thấy từ dưới nước thò lên mấy chục cánh tay ma bám lấy mạn thuyền, kéo cho con thuyền lật ngược, cả một thuyền người chết dưới đáy sông Hoàng Hà. Lúc này ông lão mới nói với Đỗ Xiêm: “Số cậu phải làm quan lớn, vì vậy ta mới cố ý tới đây cứu cậu”, nói xong liền biến mất.

Đỗ Xiêm sau đó trở thành công khanh vào thời Đường Huyền Tông, được ghi chép trong Đường thư. Nói ông lão là thần tiên, đây có lẽ là do Đỗ Xiêm hoặc những kẻ theo sau đít ngựa khác thêm thắt vào để sau này tâng bốc về thiên mệnh của Đỗ tướng gia. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của thế giới u minh, ông lão này không thể là thần tiên, nếu nói ông ta là quỷ sứ chấp hành mệnh lệnh đi lật ngược con thuyền này, là một trong những đầu mục ở dưới nước tác oai tác quái khiến thuyền bị lật thì có vẻ hợp tình hợp lý hơn. Con thuyền này vốn những người không phận sự không thể lên được, trong lúc hỗn loạn đã để Đỗ Xiêm trà trộn vào, có Đỗ Xiêm con thuyền này không thể chìm được, mà chìm rồi còn phải vớt Đỗ Xiêm lên, như thế càng tốn sức, tốn thời gian. Thế là vị lão quỷ này đã làm một việc hết sức có tình, cứ như ông ta có thể tùy ý thay đổi vận mệnh sống chết không bằng. Do vậy, khi ta đọc đến câu chuyện Ông lão trong quyển một cuốn Bắc mộng tỏa ngôn sẽ thấy có những chi tiết thành thực hơn:

Tiến sĩ Dương Đỉnh Phu đi du ngoạn sông nước, khi đi qua Tạo Giang, thuyền va vào hòn đá lớn giữa dòng sông, chìm dưới dòng nước xiết. Hơn năm mươi người trên thuyền đều chết cả, chỉ có Dương Đỉnh Phu là như được trợ giúp, trôi dật vào bờ. Lúc này có một ông lão xuất hiện, dùng gậy kéo anh ta lên bờ, cười nói: “Thì ra là người trong muối, vốn không phải vật trong nước.” Dương Đỉnh Phu còn chưa kịp nói lời cảm ơn, ông lão đã biến mất. Sau đó, Dương Đỉnh Phu quay về thành, kể lại với bạn bè câu chuyện trên, nhưng không hiểu nghĩa câu nói “thì ra là người trong muối” là có ý gì. Sau này, Đỉnh Phu vì phụ tá cho những vị có quyền thần, chủ quản vựa muối độc quyền, lâm bạo bệnh mà chết. Vì phải đưa về quận Thục để mai táng, sợ đi giữa đường thi thể thối rữa, liền dùng hơn trăm cân muối ướp thi thể, bạn bè giờ mới hiểu “người trong muối” là ý đó.

Sau khi Dương Đỉnh Phu được cứu khỏi con thuyền bị lật, còn viết một bài thơ về chuyện này, bài thơ có tên là Ghi lại chuyện bị lật thuyền ở sông Tạo, giờ vẫn còn có thể đọc được trong Thơ Đường toàn tập, trong đó có câu: “Hôm nay ơn sâu không thể báo, khiến phải mang nặng nỗi xấu hổ trong lòng”, hoàn toàn không biết rằng ông lão đó cứu anh ta thoát chết đuối không phải vì muốn “cứu”, mà số anh ta không được chết ở đấy, không chừng nếu để anh ta chết ở đấy ông lão đó mới không hoàn thành trách nhiệm của mình. Vì vậy, ông lão không nhận lời cảm ơn của anh ta, chỉ ám thị cho anh ta biết đấy là số mệnh, không liên quan gì tới ân cừu. Cùng thể loại chuyện này nhưng hậu thế có rất nhiều phiên bản, ví dụ như trong Lưu Mỗ ở quyển hai Nam cao bút ký do Dương Phượng Huy người cuối đời Thanh, đầu thời dân quốc có viết rằng: “Lưu Mỗ không có tên trong số này, nơi anh ta chết là ở sông hồ”, còn có chuyện lại hơi biến hình, trong những câu chuyện đó đều ghi rõ “không chết ở đây” hoặc “chưa đến lúc chết”.

Tiện đây cũng nói thêm một chút, những câu chuyện như thế này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta có thể đưa ra một, hai ví dụ, từ đó để thấy một vài quan niệm về thế giới u minh của người phương Tây cũng khiến người ta kinh ngạc.

Trong quyển sáu Di kiên chi mậu do Hồng Mại viết có truyện Trương Tứ sát Xướng, vào thời Tống Ninh Tông[3], Trương Tứ đi chơi gái, do cãi cọ, liền giết chết người kỹ nữ. Sau khi bị tra khảo đã nhận tội, thế là bị phán tội tử hình và báo lên quan trên, không ngờ công văn của quan trên chưa xuống, Trương Tứ đã ốm chết trong ngục. Cai ngục sợ cứ để thi thể ở đây thì sẽ bị chuột bọ tới gặm, liền dùng chiếu cói quấn lại, treo lên xà. Nhưng khi quan viên tới kiểm tra, Trương Tứ sống lại, thậm chí hoạt động hết sức bình thường, không có dấu hiệu gì của bệnh tật. Trương Tứ nói: “Trong lúc hoảng loạn, tôi bị sai dịch gọi đi, áp giải tới Bình Chính Môn, vừa đến đầu cầu, lại thấy một sai dịch chạy đến, nói với sai dịch trước là: “Tại sao không dạy Trương Tứ cắm hoa, cuốn dây?” rồi đẩy tôi xuống dưới cầu. Như vừa tỉnh khỏi giấc mộng, không biết mình đã chết.” Cả phủ từ trên xuống dưới nghe xong đều thấy lạ, liền nghi ngờ rằng liệu có phải Trương Tứ bị oan, những lời cung khai cũng chỉ cần dùng chiêu nhục hình là có thể có được. Nhưng ngày hôm sau, quan trên gửi lệnh phê chuẩn án xuống, quyết định xử treo cổ Trương Tứ, thế là chẳng ai còn quan tâm tới việc anh ta có bị oan hay không nữa. Khi bị dẫn ra pháp trường, quan sử cài hoa cho Trương Tứ, sau khi bị treo cổ chết, cũng không cởi sợi dây thừng trên cổ ra mà để phơi thây ngoài chợ, đấy chính là nghĩa của câu: “cắm hoa cuốn dây” mà Trương Tứ nghe được trong mơ.

[3] Tống Ninh Tông (1168-1224): tên thật là Triệu Khoách, là hoàng đế thứ mười ba của nhà Tống và cũng là hoàng đế thứ tư của Nam Tống trong lịch sử Trung Hoa.

Còn phương Tây thì sao? Tôi có đọc một truyện ngắn của nước ngoài, nói một kẻ giết người cố chấp không chịu nhận tội, nhưng vẫn bị bồi thẩm đoàn định đoạt là kẻ có tội, bị phán tội chết. Nhưng hai lần tiêm thuốc độc đều có sự cố, phạm nhân trong lúc hoảng loạn như nghe thấy có tiếng người khẽ nói: “Còn chưa đến lúc!” Sau đó đổi sang ngồi ghế điện, nhưng lại xảy ra chuyện cả tòa nhà bị cắt điện, còn trước mắt phạm nhân như xuất hiện ảo ảnh một thiên sứ to lớn mọc ra đôi cánh. Cả ba lần tử hình đều không thành công, cuối cùng kết luận chắc chắn có oan tình, ngay cả người làm chứng cũng xin rút lại lời làm chứng. Sau khi tuyên bố phạm nhân vô tội và được phóng thích, anh ta đắc ý thừa nhận với luật sư biện hộ cho mình rằng chính mình đã giết người, nhưng khi anh ta bước tới cửa lớn của tòa án, tượng thạch cao nữ thần chính nghĩa đang treo trên trần nhà làm vật trang trí rơi xuống trước mặt các ký giả và những người tới tham dự phiên tòa, anh ta bị thịt nát xương tan, vị thần chính nghĩa đó chính là “thiên sứ hộ vệ” mà anh ta ngộ nhận trong mơ. Đây mới chính là lúc anh ta phải chết, cũng chính là ý “trong u minh, ngay giữa chính điện” khiến người này phải chết giữa thanh thiên bạch nhật và trước sự chứng kiến của tất cả mọi người.

Hình như đã hơi xa đề rồi, giờ chúng ta quay lại bàn tới đề tài có một con thuyền ma, bởi vì cách thức này hãy còn một sự biến hình rất quan trọng nữa, ngoài ý nghĩa “số đã định thế”, qua đó còn có thể nhìn thấy nhân tình thế thái, những tình tiết kiểu ấy có vẻ phức tạp hơn. Trong truyện Kim tử bài ở quyển tám, Từ thị bỉ tinh do Từ Bột người đời Minh viết:

Ngày Mười bốn tháng Năm năm Vạn Lịch, sông Dương Tử gió to sóng lớn. Có một con thuyền chở hơn trăm người, đột nhiên thấy một bộ mặt quỷ trong sóng tay cầm lệnh bài giơ lên, bên trên viết chữ “Kim”. Những người trên thuyền cho rằng điều đó muốn chỉ những người mang họ Kim sẽ chết, quả nhiên trên thuyền có một người mang họ Kim, định len khỏi đám người nhảy xuống nước. Người mang họ Kim này vốn ăn chay niệm Phật, nói: “Để cứu mạng mọi người, sao ta lại phải tiếc, chỉ cần mọi người trên thuyền bình an vô sự”, nói rồi nhảy xuống nước. Lúc này gió thổi điên cuồng, sóng tung bọt trắng, người họ Kim kia như được ai giúp đỡ dìu ra khỏi sóng lớn, đưa thẳng vào bờ, còn con thuyền đó lật, tất cả đều chết.

Cái chết của con người đôi khi là do tự họ gây nên, dù là tai nạn tự nhiên hay kiếp nạn chính trị cũng đều giống nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.