Còn nhớ đầu những năm
60 của thế kỷ trước, tôi theo bà nội đến Hương Sơn thăm người thân. Mặc
dù triều đình Đại Thanh đã diệt vong từ nửa thế kỷ nay, nhưng ông cụ vẫn giữ túm tóc đuôi sam sau gáy, vì thế mọi người vẫn gọi ông là ông lão
đuôi sam. Vừa vào trong nhà, mới chỉ trò chuyện qua loa đôi ba câu, ông
lão đã vội vã dẫn bà tôi đi xem một món đồ. Tôi cứ tưởng đó là món bảo
bối quý giá gì liền lẽo đẽo theo sau, không ngờ khi bước vào một căn
phòng trống đập vào mắt tôi là một cỗ quan tài đen xì đặt ngay chính
giữa. Sau đó ông lão giới thiệu một cách đầy tự hào về cỗ quan tài quý
giá của mình. Lúc đó tôi không thể nào hiểu nổi vì sao ông lão lại cất
giữ trong nhà một thứ xui xẻo như vậy, hơn nữa còn coi nói như báu vật.
Sau này tôi mới hiểu ra rằng, quan tài chính là nơi trú ngụ của các vong hồn, cũng giống như ngôi nhà của người sống ở chốn dương gian. Các vị
hoàng đế khi vừa kế vị đã lập tức bắt tay vào việc xây dựng lăng mộ cho
chính mình. Trong thời đại cũ, hầu hết các gia đình danh gia vọng tộc
đều chuẩn bị trước hậu sự cho mình ngay từ khi còn sống.
Nếu
trong nhà không có sự chuẩn bị trước, vậy thì đành đợi đến lúc đó, người nhà tự lo liệu, nhưng với những người cầu toàn và kỹ tính, cho dù thành hồn ma cũng không yên tâm giao việc hậu sự cho người nhà, mà sẽ tự mình đến nơi bán quan tài để lựa chọn cho mình một chiếc áo quan. Viện Mục
trong chương hai mươi tư của Tử bất ngữ có ghi một câu chuyện, có một
cậu con trai đi mua quan tài cho người cha đã khuất của mình, ông chủ
tiệm quan tài hỏi: “Đêm qua, tôi thấy có một ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi mãi trên một cỗ quan tài trong nhà, khi tôi cầm nến đến gần thì không
thấy ông lão đâu nữa.” Nghe tả về tướng mạo người cha đã khuất của anh,
thì đúng là rất giống ông lão hôm qua đã đến. Thế là anh con trai liền
chọn mua ngay cỗ quan tài hôm qua ông lão đã ngồi. Nhưng câu chuyện này
nghe ra có vẻ hơi mờ ám, có lẽ chín mươi phần trăm là thủ đoạn bán hàng
của người bán quan tài. Cứ thử nghĩ xem, nếu người chết muốn tự chọn đồ
hậu sự cho mình thì tại sao chỉ đến mỗi hiệu quan tài để chọn áo quan,
còn phải đến cả cửa hàng bán đồ khâm liệm, đèn nhang, hoa tươi… Như vậy, có lẽ trần gian của chúng ta đã biến thành chợ quỷ từ lâu rồi.
Tuy nhiên, việc ma quỷ tự mình đến các cửa hàng để mua đồ cũng không phải
hoàn toàn không có. Đương nhiên chỉ rơi vào một số trường hợp đặc biệt.
Đó là khi trong nhà không có sự chuẩn bị trước, khi chết cũng không có
ai mua cho, đến lúc đó có lẽ chỉ còn nước chờ người ta đến thu lượm xác
mà thôi. Từ Nhạc, đời nhà Thanh có câu chuyện mua áo quan ghi trong Kiến văn lục như sau: “Những năm cuối đời Sùng Trinh, nạn đói hoàng hành
khắp Giang Nam, dịch bệnh tràn lan, người chết nhiều vô kể, trong đó
Hàng Châu là vùng chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhà họ Tiền tổng cộng có
bảy người lần lượt chết vì bệnh, lúc đó vì sợ lây bệnh, hàng xóm không
ai dám đến phúng viếng. Hôm đó, có một người đến tiệm quan tài đầu làng, hỏi mua bảy cỗ quan tài, nhưng không mang đủ tiền, nên hẹn chủ tiệm cho người mang bảy cỗ quan tài về nhà rồi sẽ trả tiền đầy đủ. Khi về đến
cửa nhà họ Tiền, chỉ thấy người đó vào trong hồi lâu mà không thấy ra,
chủ tiệm đứng ngoài gọi mấy tiếng liền mà không có ai trả lời, đành đẩy
cửa bước vào, thấy bảy thi thể nằm la liệt trong nhà, trong đó có một
người chính là người đến hỏi mua áo quan khi nãy, hơn nữa, bên cạnh cái
xác đó có một túi tiền, đếm ra vừa đủ số tiền mua bảy cỗ quan tài. Số
tiền mua quan tài này là tiền thật. Còn trong Hứa tinh dương di cư đồ
bạt có nhắc đến câu chuyện xảy ra ở Bắc Kinh trước khi Minh triều bị
diệt vong, ma quỷ ào ạt vào thành, gõ cửa nhà dân đòi mua áo quan cho
mình, nhưng tiền chúng dùng chỉ là tiền âm phủ.
Quan tài là nơi
trú ngụ của hồn ma, trước khi vào nằm trong đó có lẽ các hồn ma cũng
không để ý nhiều đến cỗ quan tài của mình, nhưng qua nhiều năm chôn vùi
trong lòng đất, gỗ đá cũng mòn dần, nước mưa thấm qua ván, khiến các hồn ma không thể nào yên nghỉ, cũng giống như mái nhà của con người trên
dương thế, nhiều năm không tu sửa sẽ ngày càng dột nát, không chống đỡ
nổi bão táp phong ba. Kiền Bảo có ghi chép về một ngôi mộ bị ngập nước
trong Sưu thần ký như sau: “Vào cuối thời Đông Hán, Văn Dĩnh nửa đêm
canh ba mơ thấy có người quỳ trước mặt mình, nói: “Nay nước đã tràn vào
trong mộ, ván gỗ đã hỏng, nước ngập đến nửa người, tôi ngày đêm phải
chịu giá rét, mong người cứu giúp, chuyển mộ phần lên chỗ cao ráo tránh
nước giúp tôi.” Hồn ma cho Văn Dĩnh xem bộ quần áo của mình, quả thật
đều sũng nước, dường như căn nhà của anh ta bị biến thành một cống nước
vậy.
Nghiêm trọng hơn nữa, nếu mộ phần bị thiêu hủy thì giống như nhà chúng ta bị hỏa hoạn, ma quỷ sẽ không có chốn nương thân. Đới Phủ,
người đời Đường có ghi lại trong cuốn Quảng dị ký câu chuyện về một ngôi mộ bị thiêu hủy. Ngôi mộ của một hồn ma có địa vị cao quý, sau khi ngôi mộ bị thiêu hủy, hồn ma hiện về với bộ dạng thảm thương, mặt mũi phồng
rộp, quần áo tả tơi, không nơi nương tựa. Dù sao chúng ta vẫn còn may
mắn hơn những âm hồn vì có nhà trọ, khách sạn để thuê phòng nghỉ qua
đêm. Lại nói về điểm khác nhau giữa những ngôi nhà nơi trần gian và ngôi nhà của các hồn ma.Có thể thấy điểm khác nhau rõ nhất đó là một người
giàu có ở chốn nhân gian có thể xây ngàn vạn ngôi nhà, sơn vàng dát
ngọc, nhưng khi về với cõi âm thì tất cả đều như nhau, chỉ có một ngôi
nhà duy nhất là mộ phần của mình, cho dù mộ có to đẹp đến đâu. Vì thế,
có lẽ ngay cả hoàng đế, e rằng cũng không được phép coi thường.
Quan điểm này cho rằng, con cháu có nghĩa vụ phải thường xuyên chăm sóc,
trùng tu mồ mả ông bà tổ tiên, giống như xây sửa nhà cửa cho chính bản
thân mình vậy. Điều này nói ra nghe rất đơn giản nhưng không phải ai
cũng làm được. Ngay cả những gia đình danh gia vọng tộc, trải qua bao
thăng trầm của thời gian, thêm vào đó là thiên tai địch họa, chiến tranh loạn lạc, chia ly phân tán, mấy ai được trở về quê hương bản quán của
mình, mà cho dù có tìm lại được gốc gác cũng không quan tâm đến mộ phần
đã bị bỏ hoang từ mấy đời trước, vậy thì những người dân đen thấp cổ bé
họng lại càng không cần nhắc đến nữa. Như câu chuyện về Lưu phu nhân
trong Liêu trai chí dị kể rằng, Lưu phu nhân lúc sinh thời về làm dâu
trong một gia đình quyền quý, sau khi bà mất, căn phòng bà ở được trang
hoàng thành phủ đệ lộng lẫy, nhưng hậu thế của bà đều là những kẻ vô tâm dốt nát, kết quả là ngay cả mộ phần của bà cũng bị con cháu mang đi cầm cố, thậm chí cây cố xung quanh mộ cũng bị người ngoài chặt phá làm gỗ
xây nhà. Nhận thấy không thể dựa giẫm vào con cháu, âm hồn của bà đã
giúp một chàng thư sinh nghèo được thỏa ước nguyện, anh ta trở nên giàu
có, lại lấy được vợ đẹp. Chàng thư sinh vì ân đức đó, muốn báo đáp Lưu
phu nhân, liền chuộc mảnh đất có phần mộ của bà, xây sửa lại, trồng thêm cây xanh bên mộ, ngày đêm khói nhang, chăm sóc, từ đó âm hồn của bà mới được an nghỉ, tránh được kiếp khổ. Nhưng trong đám ma quỷ, những người
có trí tuệ như Lưu phu nhân quả là rất hiếm.
2
Ngoài ảnh
hưởng từ môi trường tự nhiên như phong ba bão táp, còn có những mối đe
dọa khác đối với ngôi nhà của những người đã mất. Mối đe dọa đó đến từ
hai phương diện, thứ nhất là người ta đào trộm, thứ hai là sự xâm chiếm
của các hồn ma khác. Những hiểm họa này còn ghê gớm hơn sự phá hoại của
tự nhiên rất nhiều, bởi lẽ đó là sự phá hủy đến triệt để, không chỉ nhà
cửa tan hoang mà cả đến hài cốt cũng khó mà bảo toàn nguyên vẹn.
Chúng ta hãy nói về vấn đề đào trộm mộ trước.
Đối với sự phá hủy này, các hồn ma hầu như đều bất lực, nhiều nhất cũng chỉ có thể cầu cứu người dương qua những giấc mộng, cầu xin họ ra tay cứu
giúp. Những câu chuyện như vậy quả thực rất nhiều, dưới đây xin được đưa ra hai ví dụ.
Thứ nhất, các hồn ma có thể cầu cứu đến pháp luật, hiện hồn báo mộng cho quan phủ, người có chức trách ở địa phương để họ
ra tay ngăn chặn, nhưng đương nhiên bản thân mình phải có địa vị nhất
định trong xã hội thì mới hy vọng nhận được sự giúp đỡ của quan phủ. Đào Tiềm trong Sưu thần hậu ký có ghi chép về một người có tên là Thừa
Kiệm, mười năm sau khi mất, ông hiện về báo mộng cho quan huyện, nói mộ
phần của mình đang bị kẻ gian đào trộm, mong quan phủ ra tay cứu giúp.
Viên huyện lệnh cũng là một người có trách nhiệm, lập tức dẫn trăm tên
nha dịch đến hiện trường. Lúc này, ba tên trộm đã chui vào trong mộ,
chúng bị bắt ngay tại trận, nhưng hai tên hoa tiêu thì trốn mất. Đêm đó, hồn ma Thừa Kiệm lại về báo mộng cho quan huyện, miêu tả chi tiết khuôn mặt, vóc dáng của hai tên trộm bỏ trốn. Sáng hôm sau, viên quan huyện
liền theo lời miêu tả của Thừa Kiệm đi bắt người, quả nhiên bắt được hai tên trộm đưa về quy án. Nhưng điều đáng nói ở đây là, ngôi mộ của Thừa
Kiệm có thể chứa được ba tên trộm một lúc, chứng tỏ đây là một ngôi mộ
không tầm thường chút nào, sau khi phá được án, người nhà Thừa Kiệm chắc chắn sẽ mang không ít vàng bạc châu báu đến cảm ơn huyện lệnh lão gia.
Thứ hai, đôi khi có những hồn ma xử lý sự việc khá thông minh, đó là cầu
xin và mua chuộc những tên trộm, để chúng nương tay. Trịnh Nguyên Hữu,
người đời Nguyên ghi chép lại trong Toại xương tạp ký câu chuyện ở đầu
đời nhà Nguyên, có tên trộm tên là Dương Liên Chân dạt xuống Giang Nam
với âm mưu đào trộm lăng mộ vua Tống, hắn rủ thêm cả người đồng hương là Phùng Mỗ đi cùng. Cha con Phùng mỗ đều là hòa thượng, chúng chia nhau
mười ngôi mộ, đào hết sáu ngôi mộ, đã chiếm được vô khối của cải, châu
báu. Ngày hôm sau, khi chuẩn bị đào nốt bốn ngôi mộ còn lại, hai cha con Phùng Mỗ mơ một giấc mơ giống hệt nhau, thấy có một vị tướng mặc áo gấm từ trong rừng đi ra, vái chào rồi van xin rằng: “Hai vị đã đào sáu ngôi mộ, kiếm được không ít vàng bạc châu báu, còn chỗ này là nhà tôi ở đã
lâu, cúi mong hai vị nể tình thương xót, tha cho tôi.” Năm đó nạn trộm
cắp nổi lên như ong, cũng may hai tên trộm còn có chút tình người, được
báo mộng xong liền bỏ đi, không đào tiếp nữa.
Nhưng cũng có chút
những ngoại lệ, ma quỷ hiện hình, làm bọn trộm kinh sợ mà chạy mất. Câu
chuyện về vị tướng ở trên cũng là một ví dụ. Còn có những hồn ma không
biết từ niên đại nào nhưng đã có đạo hạnh, như câu chuyện Tào Mạnh Đức
sai người giữ vàng cho mình. Hồng Mại trong Di kiên chi giáp có ghi chép câu chuyện mộ bà Lý cũng là một ví dụ khá điển hình. Tương truyền ở
huyện Hạ Phi (một huyện thuộc tình Giang Tô) có một ngôi mộ cổ, đó là mộ của bà Lý. Nghe đồn trong đó có chứa rất nhiều vàng bạc, châu báu. Có
một nhóm đạo tặc nhòm ngó ngôi mộ đã lâu, một hôm, chúng kéo ba trăm
người đến đào từ sáng sớm đến trưa mới đào được một cỗ quan tài. Chỉ
thấy xác một bà lão, thân cao tầm bảy tấc, tóc trắng, da đen, hình dáng
xấu xí, đang ngồi ngay ngắn trong quan tài. Đây dường như là một lão yêu đang hô phong hoán vũ. Đám người sợ hãi bỏ chạy, nhưng chạy cũng không
thể thoát khỏi yêu pháp của lão yêu, chỉ trong vòng mấy tháng, hơn ba
trăm người đó đều chết bất đắc kỳ tử, đúng là tự mình chuốc vạ vào thân.
Còn đối với mộ phần của những người dân thường, nếu như không bị ép vào
đường cùng, họ sẽ không bao giờ dùng đến biện pháp tiêu cực đến thế.
Chương hai, Di kiên chi mậu có viết về vợ của Tôn Đại như sau: “Tôn Đại
sau khi chết để lại một người vợ, hai con trai và năm con gái. Con gái
cả chẳng may qua đời sớm, sau đó Triết Tây có đại dịch, người chết nhiều như ngả rạ, rồi con trai, con dâu và hai người con gái nữa lần lượt qua đời. Vợ Tôn Đại cho rằng vì mộ của con gái cả không lành nên sau hai
đứa cháu đào lên thiêu hủy. Hồn ma của cô con gái cả liền báo mộng, nhờ
ni cô khuyên ngăn nhưng không được. Thế là cô đành tự mình giải quyết,
đợi hai người kia đến đào mộ, lúc khiêng quan tài lên, cô hiện nguyên
hình trong quan tài, gương mặt vẫn tươi tỉnh y như khi còn sống, nhìn
tròng trọc vào hai người mà cười rũ rượi. Xác chết đột nhiên ngồi dậy,
nhìn mình chăm chăm, lại cười rũ rượi những âm thanh ma quái, khiến hai
người kia sợ đến mức hồn bay phách lạc, chết ngất ngay tại chỗ. Sauk hi
tỉnh dậy, liền lập tức thắp hương tạ tội, rồi đắp lại mộ y như cũ.
Những câu chuyện như trên cũng không nhiều. Chúng ta cũng không rõ cô gái nhà họ Tôn đã dùng cách oan hồn nhập xác hay cách ma quỷ hiện hình, nhưng
một ma nữ yếu đuối có thể đuổi được đám trộm mộ, thì ngoài việc cô ta có dũng khí còn phải xem vận may của cô ta nữa. Nếu như vận may không đến
thì kết quả chắc sẽ không tốt đẹp như vậy. Đời nhà Tống, trong cuốn
Triệu khang thanh công văn kiến lục có câu chuyện “khai mộ”, kể rằng ở
Nam Kinh có người đào trộm một ngôi mộ mới, nhưng thi thể người chết
không chịu hợp tác, liền giơ tay tát liên tục, đánh cho tên trộm một
trận tối tăm mặt mũi. Không ngờ tên trộm này cũng thuộc loại to gan
không sợ quỷ, thấy đối phương chỉ có một chiêu bạt tai duy nhất, hắn
liền tức giận, chặt đứt hết chân tay của thi thể. Nếu như đặt mình vào
địa vị đó, thì xác chết đó cũng không khác gì phải chụi cựu hình ngũ mã
phanh thây. Qua đây có thể thấy, người bị trộm nếu không thể hoặc không
dám phòng vệ quá đáng một chút, thì bản thân mình sẽ là người chịu thiệt thòi, chi bằng hãy ngoan ngoãn nghe theo lời chúng vậy.
Hầu hết
các câu chuyện đều kết thúc là ma quỷ không thể tự bảo vệ mộ phần của
mình, nhưng cũng không bỏ qua cho những tên trộm mộ. Viên Mai trong Tử
bất ngữ có kể câu chuyện về mộ phần của đại tư mã họ Lục. Lục Đại tư mã
sau khi chết, người nhà ông đào mộ của đời trước lên làm mộ của Lục Đại
tư mã. Hồn ma của kẻ bị đào mộ liền nhập vào thiếu gia nhà họ Lục, khiến cậu ta cứ liên tục tự vả vào má mình, sau đó Lục phu nhân và cả nhà
phải mời tăng nhân về tụng kinh, đốt mười vạn vàng mã, cuối cùng vẫn
không đưa được hồn của Lục thiếu gia trở về.
Những kẻ đào trộm mộ sớm muộn cũng phải chụi báo ứng, đây chẳng qua chỉ là lời nguyền bất lực mà thôi.
Khả năng những ngôi mộ bị trộm hỏi thăm luôn tỷ lệ thuận với lượng khách
đến chơi nhà của người chết lúc sinh thời. Cái đó được gọi là “nghèo thì ra đường chẳng ai thèm đếm xỉa, khi giàu thì họ hàng xa gần đều đến
thăm”. Người nghèo suốt cuộc đời khổ cực, nay mới được an lành trong
giấc ngủ ngàn thu, cũng chẳng có gì mang theo, có chăng cũng chỉ mang
theo cái bát rách để kiếm cơm. Nhưng những kẻ lắm tiền nhiều của thì lại khác, sau khi chết thì người thân ở khắp nơi sẽ ùn ùn kéo về phúng
viếng. Còn về nhà cửa dưới cõi âm của tầng lớp quý tộc, quan đầu triều
hay những kẻ nhà giàu nứt đố đổ vách, không chỉ đào mộ rộng hơn những
người khác gấp chục lần mà họ còn được lập bài vị, trở thành văn vật của địa phương, được chăm lo cho cuộc sống hưởng thụ của họ nơi cõi âm, bên trong còn phải nhét đầy vàng ngọc, châu báu và những thứ quý giá khác.
Vì vậy đương nhiên sẽ thu hút sự hỏi thăm của đám đạo tặc.
3
Bàn tiếp về sự xâm chiếm của các hồn ma.
Tôi đã từng dẫn một đoạn của Vương Sung trong Luật hành vào tác phẩm Cái
chết của quỷ như thế này: “Giả sử như có quỷ, vậy thì từ thời vua
Nghiêu, vua Thuấn, quỷ đã xuất hiện được bao nhiêu năm? Chẳng phải “trên mọi nẻo đường, mỗi bước chân người dương thế đều có bước chân của quỷ”
sao?”
Chuyện của cõi u minh có lẽ chúng ta không thể tìm hiểu
tường tận được, nhưng nếu giữ lại tất cả các linh hồn đã mất từ khi
chúng ta biết ghi chép lịch sử, vậy thì các nói “mỗi bước chân của người dương thế đều có bước chân của quỷ” quả là không quá đáng chút nào.
Nhưng cũng may, con người thường nghĩ đến sự sống của bản thân trước,
nếu phải đặt những ngôi nhà ở cõi âm ti ấy thẳng hàng trên một con
đường, thì chẳng thà hãy để cho chúng trùng khớp lại với nhau, hoặc là
để cho những huyệt mộ đào thải ma cũ tiếp nhận ma mới. Điều này cũng dẫn đến những xung đột không thể tránh khỏi về “quyền sử dụng đất” trong
cõi u minh.
Có lẽ những ngôi nhà dưới âm phủ của dân thường thì
chẳng đáng để bàn ở đây làm gì. Cỗ quan dày ba tấc, một mảnh đất con
con, thậm chí không khác gì những kẻ ăn xin, làm trâu làm ngựa cho người khác chỉ để khi trút hơi thở cuối cùng có một nơi an nghỉ. Nhưng cũng
không được mãi mãi, cho dù con cháu vẫn còn nhưng không phải coi sóc
phấn mộ tổ tiên từ mấy đời trước, vì vậy, hàng trăm năm trôi qua, lớp
này chồng lên lớp khác, không biết có bao nhiêu ngôi mộ bị chồng lên
nhau.
Đối với những người có tiền thì hơi khác một chút, lúc sinh thời được ở trong nhà cao cửa rộng, khi chết đi mộ phải cao tám thước,
đất chiếm ba phần, rất ngông ngheeng bá đạo. Trước mộ còn phải lập một
bia đá, trong mộ còn đặt một tảng đá lên là “mộ chi danh”, đây cũng được coi như “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của người âm. Nhưng thời
gian trôi qua, con cháu lãng quên, bỏ bê việc chăm sóc thì sẽ lại có kẻ
nhà giàu khác ngắm trúng mảnh đất đó, hoặc bỏ tiền ra mua lại, hoặc cố
tình xâm chiếm. Còn về kẻ đã sở hữu mảnh đất từ mấy đời nay, lúc này
đành phải dời đi, hoặc lại lang thang phiêu bạt nơi cỏ nội đồng hoang,
dần dần bay theo những cơn gió làm đề tài cho các thi nhân.
Đây
là “hình tượng” được nhìn ở góc độ của người dương thế, còn đối với cõi u minh, việc xác định chủ nhân mảnh đất đương nhiên sẽ xảy ra tranh chấp
rồi. Còn tranh chấp như thế nào, có phải mỗi người cầm một tấm khế ước
quyền sử dụng đất đem đến nhờ Diên Vương phân xử hay không thì chúng ta
không thể nào biết được, nhưng những câu chuyện hồn ma cãi vã, đánh
nhau, thậm chí dùng đến cả đao kiếm thì có được ghi chép lại trong các
câu chuyện lịch sử. Trong Sưu thần hậu ký có ghi câu chuyện hồn ma của
Lỗ Tiêu, đời Đông Tấn giữ nhà: “Nhà Vương Bá Dương sống ở Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang), phía đông nhà có một ngôi mộ lớn, tương truyền đó là mộ của Lộ Tiêu. Phu nhân của Vương Bá Dương xuất thân là con nhà quyền
quý, năm đó lâm trọng bệnh qua đời, Vương Bá Dương liền san bằng ngôi mộ của Lỗ Tiêu, rồi chôn vợ mình vào đó. Mấy năm sau, hồn ma của Lỗ Tiêu
mang mấy trăm binh mã xông thẳng vào phòng khách nhà Vương Bá Dương mà
rằng: “Ta đây là Lỗ Tử Kính, sống ở đây đã hơn hai trăm năm, cớ làm sao
mà người lại phá nhà của ta?”, ròi quát một tiếng, ra lệnh đám lính ra
tay. Đám quân ma quỷ liền lôi Vương Bá Dương xuống, lấy đao cứa vào cổ
cho đến khi thấy Vương Bá Dương không thở được nữa, mới dừng tay. Khi
Vương Bá Dương tỉnh lại, những chỗ thịt bị dao của đám âm binh cứa đều
thối rữa, chẳng bao lâu thì ông cũng qua đời.” Nhưng cũng có một cách
nói khác, cho rằng người chết không phải là vợ của Vương Bá Dương mà
chính là ông ta. Khi các con đào huyệt mai tang cho Vương Bá Dương thì
đào được một cỗ quan tài sơn màu đen, liền đem vứt lên Nam Cương. Đêm
hôm ấy, con trai Vương Bá Dương mộng thấy Lỗ Tiêu hiện về, tức giận
quát: “Ta sẽ giết chết cha người.” Nhưng Vương Bá Dương lúc này đã chết
rồi, nếu giết thêm lần nữa thì chẳng phải làm ma cũng không được hay
sao? Một lát sau, Vương Bá Dương cũng hiện về báo mộng cho con trai, kể
cho con nghe chuyện Lỗ Tiêu đòi mộ ra sao, nếu như không đấu lại được
ông ta, thì e rằng sau này hai cha con sẽ vĩnh viễn không được nhìn thấy nhau nữa. Kết quả của trận đấu này là Vương Bá Dương bị giết, hôm đó
trên linh tọa của ông ta đột nhiên chảy ra một dòng máu đỏ tươi.
Người ta tưởng rằng Lỗ Đại tướng quân trung hậu như Đàm Phú Anh diễn trong
Thảo nguyên mượn tên, thật không ngờ sau khi chết ông lại trở nên hung
hãn như vậy. Nhưng nghĩ cho cùng, người ta là bậc thiếu niên anh hùng,
biết cưỡi ngựa, bắn tên, được mệnh danh là “đứa trẻ hoang dã”, sau đó
còn kế nghiệp Chu Lang, đươc phong làm Đại đô đốc, dám vượt sông bắt
tiệc của Quan đại gia, một nhân vật có máu mặt như thế lại dễ tranh
giành lắm sao? Vì vậy, nếu cứ coi những diễn trong tuồng, trong kịch là
thật thì đúng là tự chuốc vạ vào thân. Những thứ cầu hiền như nắng hạn
mong mưa, thương dân như con như hoàng đế Vĩnh Lạc hau Lưu Cẩn trong
Pháp môn tự liệu có tin được không?
Ngoài ra, nếu không phải việc nhà mình mà mang hài cốt của người khác chôn nhần chỗ cũng sẽ tự chuốc
họa vào thân. Trong chương ba trăm hai mươi ba, quyển Thái bình quảng ký có dẫn câu chuyện Thần quỷ lục, anh em Ngô Quân, Trương Thị mua được
một căn nhà mới, trong lúc dọn dẹp chợt đào được một chiếc quan tài. Hai an hem liền mua một cái chum sành, đặt bộ hài cốt vào đó, rồi đem đi
chôn ở chỗ khác. Không ngờ đêm đó có con ma đến gõ cửa, hét lớn: “Tại
sao hai vị lại phá hoại chỗ ở của người khác để làm chỗ ở cho mình?” Hai an hem lập tức hiểu ngay là chuyện gì liền đáp rằng: “Chúng tôi đã mai
tang các hạ ở chỗ mới tử tế rồi, chúng tôi có gì sai chứ?” Con ma liền
đáp: “Các người đưa tôi đến bên cạnh mộ Ngôi Đại tướng quân, tôi chỉ là
kẻ thấp cổ bé họng làm sao đấu lại được với ông ấy chứ? Ngày nào ông ấy
cũng mang quân đến đạp cửa đòi nhà. Nếu hai vị không tin thì đi theo tôi khắc rõ.” Hai anh em liền mơ màng đi ra khỏi nhà, khi ra đến phần mộ
hôm trước, quả nhiên nghe thấy trong mộ có tiếng dao kiếm chém giết.
Cõi u minh cũng giống như cõi trần, muốn được yên thân thì tốt nhất hãy
tránh xa những gia đình quyền quý. Nhưng nếu gặp phải những kẻ lưu manh
liều mạng thì cũng có những ngoại lệ. Câu chuyện tranh chấp mộ phần nổi
tiếng nhất trong lịch sử phải kể đến câu chuyện của Phùng Mộng Long
trong Du thế minh ngôn. Tác giả miêu tả trận chiến long trời lở đất,
khốc liệt vô cùng giữa Kinh Kha và tên lưu manh Dương Giái Ai. Dương
Giác Ai mai tang người anh em kết nghĩa của mình là Tả Bá Đào tại góc mộ Kinh Kha, không ngờ hồn ma của Kinh Kha vô cùng hung dữ, hằng ngày đều
dẫn quân xông vào mộ của Tả Bá Đào mắng rằng: “Người là tên nhãi chết
đói chết rét đâu đường xó chợ, lại dám đặt mộ ngay trên vai ta, chắn hết phong thủy. Nếu không mau chuyển ra chỗ khác, ta đây sẽ đào mộ vứt thây ra ngoài rừng hoang cho chó tha!” Tả Bá Đao biết không thể chọc giận
Kinh Kha liền báo mộng cho Dương Giái Ai, bảo Giác Ai nhanh chóng di dời mộ của mình ra chỗ khác để tránh điềm hung. Nhưng Dương Giác Ai không
chịu nhượng bộ, liền đốt mấy chục hình nhân bằng cỏ gửi xuống làm âm
binh, hộ vệ huynh đệ của mình. Trận chiến hôm đó Kinh Kha lại có Cao
Tiện Li đến trợ giúp, kết quả Tả Bá Đào thảm bại tháo chạy. Dương Giác
Ai tức giận mà rằng: “Kinh Kha ngươi có tên Cao Tiện Li trợ sức, lẽ nào
ta lại không thể tương trợ cho huynh đệ của ta sao?” Nói xong liền rút
kiếm, cứa cổ tự vẫn, xuống âm phủ hỗ trợ cho huynh đệ của mình. “Canh
hai đêm ấy chợt mưa gió ầm ầm, sấm chớp dữ dội, tiếng gào tiếng thét,
tiếng gươm đao vang xa hơn mười dặm. Sáng hôm sau ra xem, thấy mộ của
Kinh Kha bị sụt sâu như một cái huyệt, xương cốt vương vãi đầy trước mộ, cây tùng bên mộ cũng bị đổ, bật hết cả gốc.”
Câu chuyện miêu tả
về mối thâm tình sinh tử của hai huynh đệ kết nghĩa, nhưng đọc xong vẫn
khiến người ta cảm thấy không thỏa mãi. Theo ý kiến cá nhân tôi, thương
ngày áp bức, ức hiếp dân lành đều là những tên cường hào ác bá hoặc là
những tên tiểu nhân mới phất, còn những người dám tuyên chiến với hôn
quân bạo chúa thì sẽ luôn chung sống hòa bình với nhân dân, một người
tính tình khảng khái, là đấng anh hùng trượng phu thì sao có thể gây ra
chuyện hoang đường như thế được? Hơn nữa Kinh Kha mưu sát Tần Vương thất bại, lẽ nào Tổ Long gia còn để cho ông được toàn thây? Tra lại nguyên
tác của câu chuyện trong Liệt sỹ truyện, thì ra Kinh Kha vốn là Kinh
tướng quân, một tướng tài của nước Sở, sau bị những kẻ nhiều chuyện sửa
bậy. Hơn nữa câu chuyện xảy ra vào thời Sở Bình Vương thời Xuân Thu,
nhưng lại đưa thi thể của Kinh Kha mấy trăm năm sau bị ngũ mã phanh thây ở thành Hàm Dương về an táng ở Hà Nam, đúng là hoang đường, không thể
tin được. Những chuyện được biên soạn vô căn cứ, phỉ bang danh nhân để
thu hút người đọc này đã là chuyện thường tình. Phùng Mã Long am hiểu
lịch sử thời Xuân Thu, hơn nuawc lại không phải người hay viết chuyện
lừa thiên hạ, ông còn có cả một tác phẩm để đời là Lân kinh chỉ nguyệt,
lẽ ra ông không nên mắc phải lỗi sai sơ đẳng này. Lại tra cứu tiếp về
nhân vật Dương Giác Ai, hóa ra chuyện Dương Giác Ai quên mình vì bạn lại lấy từ Thanh bình sơn đường thoại của Hồng Biện, trong đó, tác giả cảm
thấy để cho Sở Bình Vương Lễ Hiền chiếm đoạt con dâu là việc rất phi lý
nên sửa lại thành Sở Bình Vương Lưu Giao thời Tây Hán, nhưng lại quên
mất không sửa thời Xuân Thu thành thời Tây Hán.
Nói như thế không có nghĩa Kinh Kha là nhân vật dễ chọc. Nếu như đám ưng khuyển của Tần
Thủy Hoàng đem mồ mả mà trấn áp lên đầu Kinh Kha thì hắn cũng vẫn khuấy
động cam qua, khi đó bè lẽ vây cánh Trần Thắng, Ngô Quảng lại móc ngoặc, hùa vào với nhau, đem xương cốt rải trước mộ, có lẽ là chuyện ngàn năm
có một.
Phụ ký
Dành đến hai phần để viết về vấn đề nhà ở
cõi u minh, có lẽ những gì cần nói cũng đã nói hết cùng bạn đọc. Có lẽ
chỉ còn một điểm chưa nhắc đến đó là khu nhà hung, nhưng chỉ khi người
và ma cùng chung sống dưới một mái nhà thì mới thành nhà hung. Vấn đề
này có lẽ tác giả sẽ bàn kỹ hơn ở một phần riêng. Ngoài ra còn một phần
nhỏ mà tác giả cố tình không nhắc tới, mục đích không phải là muốn giấu
bạn đọc, mà là vì những quan điểm đó sẽ làm nhiễu những nội dung mà
chúng ta đã nói ở trên.
Vong hồn và hài cốt có mối quan hệ mật
thiết, nhưng không phải tất cả du luận trong xã hội đều thống nhất cho
rằng hồn ma trú ngụ trong hài cốt đương nhiên sẽ có những chuyện kỳ quái ngoại lệ xảy ra cho dù không được đa số quần chúng tiếp nhận, ví như
trời bỗng chốc âm u, xám xịt, nổi phong ba, làm mặt nước mùa xuân đang
phẳng lặng bỗng dưng dậy sóng, hơn nữa những kẻ khơi dậy những luận điểm này lại chính là các phần tử trí thức bậc cao. Dưới đây xin giới thiệu
với bạn đọc hai luận điểm khác với cách nhìn nhận của đa số quần chúng,
đều là những câu chuyện bắt đầu từ thời Ngụy Tấn cho đến ngàn năm sau
vẫn có những tranh cãi không dứt.
Thứ nhất là về thuyết “hồn vô
sở bất chi”. Trong Khổng Tử gia ngữ có kể một câu chuyện như sau: “Cuối
thời Xuân Thu, Quý Trát người nước Ngô đi sứ nước Tề, trên đường về
nước, con trai ông chết ở giữa ấp Danh và ấp Bắc (tên hai ấp của nước
Tề). Khổng Tử nghi tin liền nói: “Từng nghe Quý Tử là người hiểu lễ nhất nước Ngô, ta muốn đi xem xem ông ta lo liệu việc ma chay thế nào.” Nói
rồi liền tới nơi đó xem, thì thấy Quý Trát không mang thi thể con trai
đưa về nước Ngô, mà liệm bằng quần áo thường, rồi chôn ngay ở nơi đất
khách quê người, huyệt không sâu, mả không cao, mà rằng: “Thi thể trở về đất, âu cũng là số mệnh, nhưng còn vong hồn thì không bị trói buộc.”
Khổng Tử nghe vậy thì ca ngợi hết lời: “Quý Tử đúng là người hiểu biết,
xử lý rất hợp tình hợp lý.”
Tại sao Quý Trát không đưa thi thể
con trai mình về nước Ngô, bởi vì ông cho rằng, dù xương cốt bị chôn vùi trong đất nhưng linh hồn không bị chôn vùi theo mà là “vô bất chi”.
Khổng Tử gia ngữ được viết thành sách ở thời Ngụy Tấn, tương truyền tác giả
chính là Vương Tiêu, hầu hết những câu chuyện được viết lại trong đó đều là hư cấu. Quan điểm của Quý Tử có lẽ chính là đại diện cho quan niệm
của một bộ phận tri thức thời bấy giờ. Nhưng Khổng Tử ở đây không phải
nhân vật trong ngụ ngôn của Trang Tử, sự khẳng định của ông đối với quan điểm của Quý Trát là lấy căn cứ từ Nho học. Trong Lễ ký, Khổng Tử ủng
hộ quan niệm “cổ bất tu mộ”, cho dù mưa gió làm hư hỏng phần mộ của phụ
mẫu, thì cũng chỉ là sự biến chuyển theo thời gian, vì về mặt lý tính,
ông cho rằng vong hồn của cha mẹ không ở trong mộ.
Còn về thuyết
“vô bất chi” của Quý Trát, mặc dù có thể lý giải là “vô sở bất chi”,
đông tay nam bắc tứ bề đều không bị ràng buộc, có thể tự do phiêu bạt
đến nơi mình muốn, nhưng cũng có thể hiểu là linh hồn của người ta sau
khi chết phân tán khắp mọi nơi. Điều này tiềm ẩn một tư tưởng nguy hiểm
hơn, đó là đưa quan điểm về linh hồn đến chỗ không tồn tại. Điều này
được thể hiện rất rõ qua cuộc tranh luận giữa Hình Thiệu và Đỗ Bật về
“hồn vô bất chi” và “danh lý”. Hình Thiệu là đại tài tử ở phương Bắc,
nổi tiếng về văn chương. Ông cho rằng thuyết “vô bất chi” của Quý Trát
muốn nói linh hồn sẽ bị phân tán khắp nơi, nếu sau khi bị phân tán, các
mảnh hồn tự về với nhau thì trở lại thành “hồn”, vậy thì không cần phải
nhắc nó là “vô bất chi”. Còn Phạm Chẩn, đời Nam Triều lại cho rằng “hồn
vô bất chi” có nghĩa là “hồn bị phân tán”, “hồn khí quy vu thiên” tức là “tan biến vô hình như mây khói về trời”, cuối cùng mới quy tụ về với
nhau ở vô quỷ. Nếu độc giả có hứng thú, có thể tìm đọc thêm Bắc Triều
thư - Đỗ Bật truyện để tìm hiểu thêm về cuộc tranh luận này. Có thể nói
đây là một cuộc tranh luận bất phân cao thấp, sau đó Đỗ Bật và Hình
Thiệu vẫn không ngừng thư từ qua lại để tranh luận, cuối cùng Hình Thiệu đuối lý, cuộc tranh luận mới đến hồi kết thúc.
Thời Nam Triều,
đối thủ của Phạm Chẩn là một đệ tử Phật giáo. Vào thời Bắc triều cũng nổ ra một cuộc tranh luận trong nội bộ Nho giáo. Nếu tư tưởng “thần diệt”
của Phạm Chẩn liên quan đến vấn đề tôn giáo, thì Hình Thiệu lại kiên trì quan điểm “vô quỷ luận”, ông muốn thách thức với luân lý xã hội thời
bấy giờ, đương triều tư tưởng của ông không thể chiến thắng được luân lý của cả một xã hội, nhưng nó cũng cho thấy sự khí khái, chân thực của
một đại tài tử tài ba.
Một quan điểm khác lại cho rằng, “hồn tê vô chủ”, vong hồn không trú ngụ ở thi thể trong mộ, mà ký thác ở bài vị thờ trong nhà.
Quan điểm này do Thái Ung cuối thời Đông Hán đưa ra. Trước đây, khi hoàng đế tế bái tiên nhân đều không tế bái ở lăng mộ mà mọi nghi thức đều được
tiến hành ở miếu tế. Thái Ung uyên bác, đa tài, là bậc vô song thời đó,
hậu thế sau này cũng ít ai bì kịp ông. Những tư tưởng, quan điểm của ông luôn được đánh giá rất cao. Tào Tháo vẫn là người cùng thời với Thái
Ung, hai người cũng có chút giao tình, sau khi Tào Tháo lên ngôi, Ngụy
Vương liền hạ lệnh, sau khi ông mất, phải khâm liệm bằng quần áo đương
thời, không được chôn vàng bạc châu báu gì theo. Điểm này hoàn toàn
tương đồng với Quý Trát trong Khổng Tử gia ngữ. Nhưng con trai Tào Tháo
là Tào Phi, sau khi kế vị, lấy danh nghĩa hoàng đế ban hành “Chung chế”, trong đó trích dẫn rất tỉ mỉ lời của Thái Ung: “Xương cốt không biết
đau, nghĩa địa không phải nhà của các vong hồn… Áo quan chỉ là cái hòm
chứa hài cốt, áo liệm chỉ để che hài cốt mà thôi.”
Con người sau
khi chết, hồn tiêu phách tán, nếu không muốn hồn phách tan vào hư vô thì dựng cột gỗ, người sống thành tâm cầu nguyện, để vong hồn người chết
vào trú ngụ trong đó. Cột gỗ phải được làm phép ở miếu tế, mọi người
phải cùng nhau đến miếu làm lễ cúng bái. Còn thể xác vô tri, chôn vùi
dưới đất chẳng qua là chúng nhanh chóng phân hủy mà thôi. Vì vậy, khi
chọn đất an tang cần chú ý chọn những nơi “bất phong bất thụ”, thi thể
nhanh chóng hòa vào với tự nhiên. Nếu cứ nói theo quan điểm trên thì
những lễ tế chiêu hồn, xây dựng nghĩa địa chỉ là những trò vớ vẩn, dựng
bia tảo mộ cùng là việc dư thừa mà thôi. Với lý luận này, đừng nói là
nhân dân mà cả những học sĩ bình thường cũng khó có thể chấp nhận được.
Trong các tác phẩm kinh dị từ thời Ngụy Tấn như Sưu thần ký cũng đã xuất hiện vô số những câu chuyện về ngôi mộ của quỷ. Nguyên nhân sâu xa của
các câu chuyện này có lẽ là nhằm mục đích chống lại thuyết “cổ vô mộ tế” mà thôi.