Sổ sinh tử của Diêm
phủ đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay, cuối cùng chẳng qua cũng chỉ vì
câu: “Anh cũng đến rồi à!” Câu này nghe có cảm giác như “cháy nhà hàng
xóm vỗ tay reo mừng” vậy, để rồi việc tiếp theo là lấy đi linh hồn của
người sống. Sau đó là giam cầm, dùng hình, phán tội, và rồi người đứng
đầu Diêm phủ sẽ tìm thấy niềm vui từ đó, giống như anh nông dân vui mừng khi vụ mùa bội thu, còn Diêm Vương hạnh phúc khi những vất vả biên soạn sổ sách trước đây cuối cùng cũng được đền đáp.
Trên tay thần
Chết của Tây phương luôn cầm một lưỡi hái, đối với Diêm phủ ở Trung
Quốc, vụ mùa của họ cũng được bắt đầu từ việc câu kéo linh hồn của người sống. Từ những câu chuyện ma đã được đọc, nha sai cõi âm khi đi làm
nhiệm vụ câu kéo linh hồn, thường tỏ ra rất uy phong. Hắn hỏi qua tên
tuổi, sau đó mới dùng xích sát trói anh lại? Chà, vậy là hắn quá khách
khí rồi đấy! Thông thường, hắn chẳng nói chẳng rằng, vừa xông vào cửa đã trói chặt anh rồi cứ thế dắt đi. Có lẽ cũng do chịu ảnh hưởng từ phong
cách bắt người của các anh nha sai trên dương gian chăng? Nhưng khi xin
chỉ thị hoặc bẩm báo công việc với Diêm phủ thì lại không được sơ suất
như vậy. Bởi cho dù là Diêm La Vương đi bắt người, theo lý mà nói ông
cũng phải làm các bước “thủ tục” đã. Giống như ở dương gian, khi bắt tội phạm, có thể bỏ qua thủ tục tuyên bố quyền lợi của hai bên, nhưng tục
ký phát lệnh bắt giữ là không thể bỏ qua. Vì thế, khi Diêm phủ muốn bắt
giữ các linh hồn với số lượng lớn cần có “sổ bắt linh hồn”, bắt giữ một
linh hồn thì cần có “thẻ bắt giữ”.
Đương nhiên, việc bắt giữ linh hồn cần phải có thủ tục, không phải hoàn toàn chứng tỏ tính nghiêm ngặt về mặt pháp trị tại Diêm phủ, mà là vì Diêm Vương và các Phán quan lo
sợ một khi lũ quỷ con kia không có quy củ, thì tất cả mọi âm mưu kéo bè
kéo cánh nhằm mưu lợi riêng kia sẽ lọt vào tay bọn Đổng Siêu, Tiết Bá.
Những bằng chứng bắt linh hồn này không xác định về tên gọi, nhưng nếu nói
giữa nó và lệnh bắt giữ của dương gian có sự tương đồng về tính chất là
không sai. Lịch sử của nó có thể bắt đầu truy cứu từ đời Hán, nhưng khi
đó, dân gian gọi loại sổ này là “sổ người chết”. Tác phẩm Sưu thần ký
của Can Bảo, người đời Tấn có ghi lại câu chuyện của Chu Thức - một
người sống vào thời nhà Hán: “Chu Thức ngồi thuyền đi về hướng quận Đông Hải, trên đường đi, Thức gặp một viên thư lại. trên tay cầm mấy quyển
sách, nhìn rất mệt mỏi, viên thư lại nhờ Thức đỡ dùm chỗ sách đó. Chu
Thức rất vui vẻ giúp đỡ. Thuyền đi được hơn mười dặm, viên thư lại nói
với Chu Thức rằng: “Tôi phải ghé qua vùng này một chút, sách tôi gửi lại trên thuyền nhờ huynh trông giúp, huynh không được mở chúng ra.” Câu
“huynh không được mở chúng ra” chính là ám thị “chỗ này không có ba trăm lạng bạc”, sẽ là kẻ ngốc nếu Châu Thức “không mở nó ra”. Thế là Châu
Thức lén mở chỗ sách ra xem, hóa ra đó là “sổ ghi tất cả những người đã
và sắp chết” trong đó có tên của mình.
Loại sổ đó còn gọi tắt là
“sổ chết”, có thể gặp trong tác phẩm Chân dị lục của Đới Tộ, người đời
Tấn: “Sau khi qua đời bảy năm, Hoa Dật hiện hình trở về nhà, tìm gặp anh trai nói chuyện về đứa con trai cả của mình, rằng: “Thằng Ngu đã bị ghi tên trong sổ chết, nó không còn sống được mấy ngày nữa.”
Tiếng
Bạch thoại có thể gọi trực tiếp là “sổ người chết”. Sách Triện dị ký của Lý Mai, người đời Đường có viết: “Núi Thái Sơn triệu tập linh hồn của
con người, sổ người chết được giao cho phía Đông Nhạc, phía Đông Nhạc có nhiệm vụ đi bắt những linh hồn ấy.”
Nếu gọi là “thẻ trời”, xem
chừng có vẻ trang trọng quá mức. Di kiên bính chí, quyển ba, chương Lý
Bật Vi kể: “Lý Bật Vi nói: “Thẻ trời ở đây, ngươi có thể xem qua.”. Nói
rồi ông lấy từ trong tay áo ra một quyển văn thư đưa cho người kia xem,
trên quyển văn thư đều là họ tên người. Bật Vi chỉ quyển văn thư, nói:
“Tất cả những người có tên trong văn thư này đều sắp chết.” Quyển thiên
phù này chưa chắc là do Ngọc Hoàng đại đế soạn ra, mà chỉ là công văn
của Diêm Vương, để cho quyển công văn thêm phần khí thế nên cho thêm vào tên gọi những từ ngữ kiểu “chiếu theo chỉ thị của Ngọc Hoàng đại đế” mà thôi.”
Trên đây đều là những quyển sổ đã được viết sẵn, hoặc như trong Sưu thần ký có nói, thư lại chốn âm phủ phải mang theo quyển sổ
hoàn chỉnh để đi bắt linh hồn với số lượng lớn, trường hợp này rất ít
xảy ra, trừ phi trên dương gian xuất hiện “cơn sốt” địa ngục. Nhưng nếu
bắt linh hồn trai tráng với số lượng lớn, ví như trong Thạch hào lại đã
nói, thì cũng bắt buộc phải có sổ sách đi theo. Dù sao cũng là bắt
người, dù anh bắt vì mục đích gì thì phương pháp và cách làm cũng không
khác nhau là mấy.
Nếu như không có sổ sách, có thể chấp nhận thẻ, mỗi người một tấm thẻ, tất cả phải giống loại giấy tờ bắt giữ người của quan phủ chốn dương gian. Trong Dị văn lục của Đường Dật Danh có câu
chuyện giống chuyện Châu Thức đi thuyền, chỉ có điều quyển sổ của viên
lại chốn âm phủ đó được đổi thành chiếc tay nải, người xem lén mở tay
nải ra xem, thấy “mỗi chiếc túi có chứa năm trăm chiếc thẻ, gần giống
giấy, chữ viết không phải chữ triện hay chữ lệ, nên không nhận được ra
chữ gì.” Chỗ thẻ này có cách thức rất giống “giấy câu hồn”, chỉ có điều
nó sử dụng một loại mật mã để viết. Như vậy, tuy nó không thể bị tiết lộ cho người khác biết đó là gì, nhưng làm thế nào để giúp người bị bắt
biết thẻ đó dùng để bắt linh hồn mình? Những tấm thẻ này trong các điệu
hò dân gian được gọi là “thẻ câu hồn”, còn “giấy câu hồn” lại xuất hiện
nhiều trong các vở kịch, tiểu thuyết hoặc dân ca thời Minh - Thanh. Từ
“giấy” này thuộc thuật ngữ pháp luật, từ “giấy mời” hiện nay có lẽ cũng
liên quan đến vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này còn có một
loại “thẻ bài câu hồn”, đây thực sự là đạo cụ trong tay những tên quỷ vô thường. Hình dáng của nó giống một chiếc cuốc nhỏ, được làm từ gỗ, bên
trên có viết mấy chữ như chữ “truy nã”, có lẽ nó hoàn toàn là cách làm
của đám sai dịch nha môn. Nhưng trong tiểu thuyết cũng xuất hiện những
trường hợp quỷ cầm thẻ bài đi câu hồn. Trong Di kiên giáp chí, quyển
chín, chương Giấc mơ của sứ thần Trương Kỳ có viết, viên lại âm phủ tới
bắt người, trên tay cầm một chiếc thẻ bài sơn đen và “chu thư”, “chu
thư” là chỉ thẻ bài có viết họ tên của tên quỷ sống cần bắt, còn thẻ bài sơn đen là do quan phủ tự chế, bên trên chắc có ấn tín, hoặc hình thù
gì đó khó bắt chước, nghe có vẻ rất quyền uy. Trên sân khấu thường có
những câu háy kiểu như “Thẻ vàng điều tới, thẻ bạc cho đi”, xem ra, từ
“bài” ở đây nghiêm túc, trang trọng hơn thẻ giấy nhiều lần, như vậy dù
có bị bắt cũng chỉ những nhân vật lớn mới xứng được dùng.
Nếu như thẻ bài câu hồn giống lệnh bắt giữ ngày nay, vậy thì suy luận ra, nếu
sai dịch cõi âm không mang theo loại giấy tờ này, thì người bị bắt có
quyền cự tuyệt việc bắt giữ. Quyển bốn, sách Quỷ đổng của Vô Danh Thị,
người thời Tống có ghi lại câu chuyện rất thú vị như sau:
Trần
Sinh lâm bệnh nặng. Sinh nhìn qua khe tường thấy có một kẻ mặt khỉ đi từ ngoài vào, mặc quần áo người, con khỉ nói: “Diêm phủ muốn bắt ngươi.”
Trần Sinh nói: “Có thẻ lệnh bắt không?” Khỉ đáp: “Lẽ ra phải có thẻ,
nhưng không có thẻ ta không thể bắt ngươi được sao?” Trần Sinh mắng:
“Luật lý âm dương là một, nếu quả muốn bắt ta, thì phải có thẻ làm
nghiệm chứng chứ? Những tên quỷ khác luôn mạo danh để xin cái ăn mà
thôi. Hơn nữa Diêm phủ thiếu người hay sao mà lại sai một con khỉ
xuống?” Con khỉ cho gọi thần thổ địa và thần táo lên: “Án này đang rất
cấp bách, trong lúc vội vã ta quên mang theo thẻ, nay người này không
tin, hai ngươi có thể làm chứng cho ta được chứ?” Hai vị thần đáp:
“Vâng.”
Chỉ cần mặc lên người bộ quần áo của “kẻ chức trách”,
đừng nói là “khỉ mặc áo người”, trông rất giống người rồi, thì ngay cả
là loài súc sinh như “động vật linh trưởng” cũng không thể làm việc
chểnh mảng được. Trần Sinh không những đòi kiểm tra công văn, mà còn
trông mặt để bắt hình dong, coi khinh quyền uy của những bộ quan phục,
rõ ràng đó chỉ là một tên điêu dân. Cũng may con khỉ này gặp được vị
thần thổ địa thấu tình đạt lý và vị Táo Quân “ăn cây táo, rào cây sung”, sau vài tiếng vâng vâng dạ dạ, tất cả đã đồng tâm hợp lực đưa Trần Sinh lên đường xuống suối vàng. Không có thẻ bài, quan sai âm giới có thể
tìm thần thổ địa và Táo Quân làm chứng, đồng thời hỗ trợ quan sai trong
việc bắt bớ, đó là một quan điểm. Còn một quan điểm nữa ngược lại, khi
quan sai muốn bắt linh hồn người, đầu tiên phải đưa thẻ bài câu hồn
trình đến miếu thổ địa, nhờ thổ địa lập hồ sơ (xem Tục thoại khinh đàm,
tập hai, Qua Bằng gặp ma của Chiêu Kỷ Đường, người đời Thanh), có người
lại nói rằng phải đến chỗ thần thổ công kiểm tra thẻ trước (xem Xuân chử kỷ văn, quyển hai của Hà Liên, thời Nam Tống), nếu không thì đừng nghĩ
tới chuyện bắt người.
Tôi nghĩ, ngay cả xã hội phong kiến cũng có bạo loạn, có cai trị, nếu là cai quản xã hội, phải luôn cần một số
trình tự pháp luật, không thể dù là người hay không, chỉ cần mặc một bộ
quần áo của nhà chức trách là có thể tùy tiện bắt người. Hơn nữa, chiếu
theo quy tắc, loại văn tự dùng trên những thẻ bài câu hồn đó cũng phải
tuân theo những quy phạm nhất định, vì vậy, Diêm phủ muốn viết thẻ bài
bắt người, nên dùng những người mà trong bụng người đó phải có chút ít
chữ nghĩa, nếu không, một khi gặp phải những kẻ cứng đầu thích quấy phá, lúc đó những người thi hành luật pháp sẽ phải đau đầu vì chúng. Trong
nhà Kỷ Hiểu Lam quả có một người như vậy, đó là một đầu bếp do cha ông
khi làm quan ở tỉnh ngoài dẫn về, ông ta cứng đầu không phải là vì có
quan lớn nâng đỡ phía sau, mà là vì ông ta cũng có chút ít chữ nghĩa.
Người này họ Dương, tên Nghĩa, chữ “义” (nghĩa) có cách viết chuẩn theo thể
phồn thể là “義”. Một hôm, ông Dương nằm mơ, ông gặp hai con quỷ tay cầm
thẻ Chu đến bắt ông, nhưng trên thẻ lại viết “杨义” (Dương Nghĩa). Ông
Dương nói: “Ta tên là “杨 義”(Dương Nghĩa), không phải là “杨 义” (Dương
Nghĩa), các người tìm nhầm người rồi.” Hai con quỷ nói: “Ông già nhìn kỹ lại xem, đây là “乂” (Nghệ), bên trên còn có một nét chấm, là chữ “義”
(Nghĩa) giản thể. Bọn ta không nhầm đâu.” Ông Dương vẫn không phục, cãi
lại rằng: “Tên của ta lẽ nào ta lại không rõ! Từ trước tới nay ta chưa
thấy chữ “義” (Nghĩa) được viết như vậy bao giờ, chắc là chữ “乂” (Nghệ)
bị quệt nhầm một nét lên đó.” Hai con quỷ không thuyết phục được ông
Dương, đành quay về nha môn sửa lại thẻ. (xem Duyệt vi thảo đường bút
ký, quyển năm)
Người này tuy cãi bừa, nhưng cũng không phải không có căn cứ, còn những người làm chức trách có thể giảng giải đạo lý với
phạm nhân như vậy, dù là ở âm giới hay dương gian chúng ta cũng đều rất
ít gặp. Nhưng từ việc này có thể thấy rằng: Muốn người dân biết chữ là
việc nên làm, nhưng biết chữ rồi còn biết giảng lý lẽ với quan phủ, có
lẽ đó lại là dấu hiệu không hay.
Trong Dữ Ngô Chất thư, Tào Phi nhớ tới bảy đại văn hào Kiến An:
Ngày xưa, khi đi chu du các xứ, đi thì cùng đi, mệt cùng dừng lại nghỉ, khi
đó nào ai nghĩ sẽ phải nếm trải giây phút biệt ly!... Nào ngờ sau bao
năm các huynh đã ra đi gần hết, nhắc đến thật đau lòng. Những tập thơ
văn viết vội của các huynh, ta tập hợp lại thành tập. Nhìn tên tuổi các
huynh nay đã bị liệt vào danh sách của quỷ, nghĩ lại những ngày tháng du ngoạn cùng nhau trước đây, tôi vẫn còn ghi nhớ mãi nơi con tim này, tuy nay các huynh đã là người của quá khứ, nhưng ta ngàn lần nhớ tới các
huynh!
Đào Uyên Minh cũng có tác phẩm Nhạc truy điệu - Vãn ca:
Có sinh ắt có tử,
Cớ sao vội vã đi
Đêm qua còn là người,
Sáng nay đã thành ma.
Hai tác phẩm thơ văn trên có nhắc tới “sổ ma”, không phải giống như “sổ
chết” đã nói đến ở phần trước. “Sổ chết” là quyển sổ câu hồn được dùng
khi đi bắt linh hồn người sống, còn “sổ ma” lại là quyển “sổ hộ khẩu”
dưới âm giới. Ở thế giới địa phủ được nhắc tới trong thuyết luân hồi lục đạo, vong hồn không cần có hộ khẩu, họ chỉ quanh quẩn chốc lát trong
lúc chờ chuyển thế tại điện Diêm La mà thôi, vì vậy hộ khẩu tạm thời,
giấy đăng ký tạm trú…. tất cả đều không cần tới, để sau đó họ lại tiếp
tục lên đường. Vì thế, “sổ ma” là loại sổ câu hồn kiểu Trung Quốc, bởi
linh hồn tổ tiên của chúng ta cần đăng ký hộ khẩu, an cư tại âm giới.
Chỉ có điều từ này rất ít gặp trong các câu chuyện ma, chỉ thi thoảng
được nhắc tới trong thơ văn, là cách gọi nhã nhặn cho “người đã mất”.
Trong Trẻ em tìm về nguồn - quyển sách dạy trẻ em cách nhận biết từ,
chữ, có giới thiệu các từ có liên quan đến chữ “tử - chết”: thay áo,
thay chiếu, tất cả đều dùng để chỉ từ “tử - chết”; người cổ, tên trong
sổ ma, là nói đến từ “vong - đã chết”, chính là nó. Chung Tự, người
triều Nguyên trở thành bậc văn nhân quá cố với sở trường về văn từ, tác
phẩm của ông với tên gọi Lục quỷ bạ - Danh bạ quỷ, chính là lấy từ nghĩa đó.
Người thời xưa sinh con cái cũng cần đăng ký nhập sổ, ngoài
một bản hồ sơ lưu, còn cần một bản để trình báo lên chính quyền. Đó là
quyển sổ hộ khẩu sớm nhất được gặp trong Lễ ký - Nội tắc, có thể đó cũng là quyển sổ hộ khẩu đầu tiên trên thế giới, tuy nó mang chút tư tưởng
trọng nam khinh nữ nhưng cũng rất đáng để chúng ta tự hào.
Cũng
với lập luận này, hộ khẩu ở cõi âm cũng có vai trò quan trọng đối với
người chết. Nếu linh hồn nào không có hộ khẩu, tức là không được ghi tên vào trong sổ nhân khẩu dưới âm ti thì linh hồn đó chỉ có thể làm một
hồn ma lang thang. Và hậu quả của nó, nếu xét theo mặt tốt, có lẽ hồn ma đó sẽ được miễn nộp thuế và lao dịch cho Diêm phủ, nhưng nếu xét theo
mặt hại, có thể hồn ma đó sẽ mất nhiều hơn được, linh hồn đó sẽ không
nhận được một chút đãi ngộ nào từ phía âm giới. tuy đến bây giờ tôi cũng không rõ lắm về cái lợi thế khi đăng ký hộ khẩu ở âm giới rốt cuộc là
gì, nhưng đến khi quan niệm luân hồi ở Tây phương hòa trộn với quan niệm của Trung Quốc, thì những điều không phải là lợi thế của việc đăng ký
hộ khẩu âm giới đã “lộ rõ”, chính là hồn ma đó sẽ mất tư cách được đầu
thai chuyển thế. Những điều này tôi sẽ không bàn luận nữa, dẫu sao thì
dù lựa chọn cõi âm ti kiểu Trung Quốc hay của Tây phương, hay chế độ âm
phủ Trung Quốc - Tây phương kết hợp thì những hồn ma lang thang và những u hồn luôn hy vọng được Diêm phủ tiếp nhận vào danh sách quỷ, nếu không được chấp nhận, linh hồn của họ sẽ không được yên ổn, phải làm kẻ xấu
tại chốn dương gian, mang đến sự bất an, lo lắng cho người sống. Tại sao vậy? Bởi vì người sống cần phải chịu trách nhiệm trong việc họ sa đọa
thành nhân vật xã hội đen ở thế giới âm phủ. Quyển ba, tập tiếp quyển
Dậu dương tạp trở của Đoạn Thành Thức có kể, có một anh chàng lỗ mãng,
ban ngày chuyên đi phá đám người khác, một hôm sau khi uống say, anh ta
ra nghĩa địa, ngã vật lên một ngôi mộ đắp cao rồi ngủ lúc nào không
biết, nửa đêm tỉnh dậy, anh ta nhìn thấy một căn phòng rách nát, dưới
ánh đèn vàng mờ ảo có một phụ nữ sắc mặt tiều tụy, đó rõ ràng là một ma
nữ. Ma nữ kể cho anh ta nghe về thân thế của mình, rằng: “Chồng đi tòng
quân không thấy trở về, bản thân ta mắc bệnh mà chết, ngoài ra ta chẳng
còn họ hàng thân thích, được hàng xóm giúp nhập quan nhưng chưa đem chôn mà vùi xác tại đây, đã hơn mười năm rồi không có người đến chuyển mộ
cho ta. Phàm là người đã chết, nếu xương cốt không được chôn cất lần thứ hai, thì linh hồn của họ sẽ không được âm ti ghi nhận vào sổ, linh hồn
sẽ hoang mang, mơ hồ. Nếu huynh thương cảm cho u hồn này, xin hãy chuyển hài cốt của ta tới khu đất bên bờ suối, để linh hồn ta được siêu thoát, đây là tâm nguyện duy nhất của ta.”
Tại sao hài cốt “chưa được
chôn cất lần hai” thì linh hồn đó sẽ không được âm ti ghi tên vào sổ? Lý do có lẽ là vì âm ti không coi anh ta như người đã thực sự chết, mà lý
do của dương gian lại là người chết cần phải được mai táng kịp thời,
phải chôn cất thì người chết mới được yên ổn. Nếu vùi xác đã lâu mà
không được chôn thì tinh khí và hồn phách không được siêu thoát. Cảm
giác “lo lắng, li tán” rốt cuộc là cảm giác như thế nào? Nếu không phải
“năm loại được ghi trong danh sách đen” (là địa chủ, phú nông, phần tử
phản cách mạng, phần tử xấu, phần tử cánh hữu), chỉ có cảm giác cô đơn,
lạnh lẽo nơi đồng không mông quạnh, như thế chắc vẫn chưa thực sự cảm
nhận được hết cái cảm giác đó. Cũng may vào thời Đường, ma quỷ vẫn còn
hiền lành tử tế, chỉ lặng lẽ ở bên cạnh con người, chứ đến thời Minh -
Thanh, chúng ta đã biến thành những xác chết di động chuyên đi gây
chuyện rồi.
Một lý do khác để âm ti không ghi nhận người đã chết, đó là người này vẫn chưa đến lúc phải chết. Quyển Quế Lâm phong thổ ký
của Mạc Hưu Phù, người đời Đường có ghi lại câu chuyện như sau:
Tô Thái Huyền là nông phu, người vùng Dương Sóc. Vợ ông ta họ Từ, sau khi
sinh được ba người con trai thì qua đời. Thái Huyền đưa xác vợ đi an
táng. Bỗng một ngày, Thái Huyền trở về nhà, ông nghe thấy tiếng vợ mà
không nhìn thấy bóng dáng vợ đâu, người vợ nói: “Mạng thiếp vẫn chưa
hết, nên Diêm phủ không chấp nhận cho thiếp ở dưới đó.”
Thọ của
con người chưa hết, Diêm phủ sẽ không đón nhận hồn ma của người đó, điều này là hoàn toàn đúng. Nhưng khi đang muốn quay trở lại, thì bên này
người ta đã kịp thời đưa người vợ “nhập thổ”. Không chôn không được, mà
chôn nhanh quá cũng không đúng, hai giới âm dương đều phạm phải chủ
nghĩa quan liêu, chỉ khổ cho những linh hồn chẳng phải sống mà cũng
chẳng phải chết, bị mắc kẹt ở giữa hai thế giới này.
Nếu có người cho rằng ma quỷ có thể được tự do tự tại tại chốn âm ti, giống như
những vị tiên bay lượn trên bầu trời, vậy thì người đó đã quá ngây thơ
rồi. Hóa ra thần Thành Hoàng lại có trách nhiệm thu nhận những u hồn và
những hồn ma lang thang không được ghi tên vào danh sách ma, coi họ là
những kẻ lưu manh mù quáng, sợ họ sẽ gây chuyện khi đêm về, vì vậy cần
giam họ lại. Chương Nguyễn Công Minh trong Di kiên chi đinh, quyển ba có một hồn ma đáng thương than thở rằng:
Ta xuống cõi âm từ lâu,
nhưng do tuổi thọ của ta chưa hết, âm ti dứt khoát không chấp nhận,
nhưng sau bị Thành Hoàng bắt giữ, ban ngày ta có thể ra ngoài, nhưng ban đêm lại nhốt trong chiếc giếng cạn ở Ngô Sơn. Những người giống như ta ở đô thành rất nhiều, mỗi khi hoàng hôn buông xuống, tất cả những người
thắt dây buộc lưng vàng trên đường, đầu và người cúi thấp xuống đất mà
đi, đó chính là những người như ta.
Vào thời Nam Tống, miếu Thành Hoàng tại Hàng Châu được xây dựng trên núi Kim Địa ở phía nam núi Ngô
Sơn, hiện nay miếu Thành Hoàng mới được tu sửa lại ở trên đỉnh núi Ngô
Sơn, chắc cách ngôi miếu cũ không xa, có điều không biết chiếc giếng cạn đó nằm ở nơi nào[8]. Hoàng hôn là thời điểm những hồn ma này được “hít
thở không khí trong lành”, “thắt dây buộc lưng vàng” có lẽ là để đánh
dấu quỷ xấu, “cúi đầu, người rạp xuống đất để đi” chính là chỉ loại “cắp đuôi làm người” của dương thế.
[8] Dưới núi Ngô Sơn còn có một
chiếc giếng có nước, chiếc giếng này cũng rất nổi tiếng. Trong quyển
Tiền thị tư chí của Tiền Thế Chiêu, người thời Nam Tống đã đặc biệt nhắc tới chiếc giếng này, nói rằng bên trong có một hồn ma trượt chân rơi
xuống, nó thường xuyên lôi người xuống đó, cuối cùng người ta lấy một
khối đá lớn chèn miệng giếng lại.
Những linh hồn lang thang vốn
chưa đến lúc chết mà đã phải chết, họ không có suất hộ khẩu tại âm ti.
Cách giải quyết cuối cùng chỉ có thể là đợi ngày dương thọ của mình kết
thúc, lúc đó Diêm phủ mới cho phép họ đăng ký hộ khẩu. Nếu thời gian chờ đợi quá dài, họ chỉ có thể nhờ bạn bè, người thân hoặc những người tốt
bụng trên dương gian chuẩn bị một bữa cơm chay tế cúng, giúp linh hồn họ được siêu độ nơi âm giới, có thể nói đây như việc đi cửa sau, tìm quan
hệ cới các quan ở âm giới, để thời gian chờ đợi được rút ngắn. Nhưng
trong chương Mao liệt âm ngục, quyển mười chín, cuốn Di Kiên giáp chí
lại có chút mâu thuẫn với cách nói trên. Chương này nói rằng, những linh hồn lang thang không thể hưởng công đức từ những người ở dương gian:
“Vốn dĩ chưa phải chết nên không đăng ký được hộ khẩu ở chốn âm ti, muốn nhờ người trên dương thế giúp đỡ để được nhận phúc lợi từ cõi âm, đó là điều không thể.” Những quan điểm này tuy có khác nhau, nhưng thống nhất với nhau khi nói những linh hồn lang thang không có hộ khẩu dưới âm phủ và không có những ngày tháng êm đẹp dưới đó. Đến sau đời Nguyên - Minh, người ta quyết định lập ra “thành oan hồn” ở dưới âm phủ, coi như giúp
những linh hồn lang thang tìm thấy một nơi không thể nói là tốt đẹp để
trú mình.
Nói về thành oan hồn, ở đây tôi cần làm rõ một chút,
coi như bổ sung cho “m sơn bát cảnh”, cũng coi như tạm thời đưa “điện
Diêm Vương” làm cảnh thứ mười dành cho những người yêu thích “Thập
toàn”, đồng thời cũng là vì, người ta luôn cho rằng ở đó chỉ chấp nhận
những linh hồn chết oan, nhưng suy nghĩ này thực sự không chính xác.
Từ “thành oan hồn” có lẽ có nguồn gốc từ dân gian, tất nhiên những bậc
quan lại sẽ không dùng nó, vì thế nó xuất hiện nhiều trong các cuốn tiểu thuyết hay ca kịch, mà sớm nhất là xuất hiện trong các điệu hò. Nói về
tên và ý nghĩa của nó, thành oan hồn là trại tập trung dành cho những
người chết oan phải xuống âm phủ. Nhưng tổng hợp tất cả những tài liệu
có liên quan thì sự thực lại không hoàn toàn như vậy. Tất cả những linh
hồn có dương thọ chưa hết, bao gồm chết vì hình, chết trận, chết bờ bụi, chết vì gặp phải thầy lang dởm, cho đến những người chết vì tình cũng
đều được vào thành oan hồn. Hơn nữa hãy xem một vài ví dụ sau:
Trong vở tạp kịch thời Nguyên Mạnh nương đạo cốt, Dương lệnh công đâm vào bia Lý Lăng mà chết, linh hồn của ông bị đưa vào thành oan hồn. Trong Tây
du ký, tập mười, Lý Thế Dân đến cõi âm, “đi qua sông Nại, huyết bồn khổ
giới, rồi lại đến thành oan hồn”, nhìn thấy một đám hồn ma mất tay mất
chân, hoặc có tay chân mà không có đầu, tất cả đều là hồn ma của những
tên giặc cỏ và những người chết trận. Trong chương Thẩm Tiểu Hà tương
hội xuất sư biểu trong Dụ thế minh ngôn, Thẩm Cổn, Thẩm Bảo chịu đựng
không nổi, cả hai chết dưới cán roi, đây là chết do bị dùng hình, đương
nhiên cũng thuộc loại gánh oan mà chết. Còn trong Viết tiếp Kim Bình Mai của Đinh Nhiêu Cang viết sau khi Phan Kim Liên bị Võ Tòng giết, linh
hồn của ả được đưa đến khu thắt cổ tại thành oan hồn, sự việc này không
thể coi là quá oan uổng được. Tiểu thuyết Đều là do ảo giác, chương một
có kể, vụ vỡ đê tại sông Vô Triều dìm chết vô số dân thường, tất cả linh hồn họ đều gia nhập thành oan hồn. Trong thành oan hồn, người đẹp nổi
tiếng nhất tất nhiên là Đỗ Lệ Nương chết vì tình. Còn trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển bảy có kể, một người chết dưới tay lang băm khi
dương thọ vẫn còn, nhưng “theo luật âm, phàm là những người dương thọ
chưa hết, tất phải đến thành oan hồn”.
Ngoài ra, thành oan hồn
còn có hai điểm đặc biệt không thể không nói. Một là bên trong toàn là
ma đói. Đương nhiên không phải cứ gặp ma đói là bắt vào thành, mà là
những hồn ma vào thành đều bị cấm ăn uống, ngay cả những hồn ma có hộ
khẩu bên ngoài thành được ăn ba bữa một năm cũng không có. Trong Thố hồ
lô của Phục Thư giáo chủ, chương hai mươi viết, hồn ma trong thành oan
hồn không được lo cho ăn cho mặc, vô cùng đau khổ. Còn Dã tẩu bộc ngôn
của Hạ Kính Cừ, chương mười tám đem những đạo sĩ khi nhìn thấy đậu phụ
rau xanh là lao vào tranh cướp so sánh với những “ma đói trong thành oan hồn”.
Đặc điểm thứ hai của nó là hồn ma trong thành oan hồn rất
khó được hóa kiếp. Trong vở tạp kích thời Nguyên Bao đãi chế trí trám
sinh kim các nói: “Không một oan hồn nào được tiêu tán, ngày đêm vất
vưởng trong thành oan hồn. Chỉ đến khi báo được oan, giải được hận, lúc
đó mới thoát khỏi âm ti rồi hóa kiếp.” Trong Viết tiếp Kim Bình Mai, Võ
Đại Lang sau khi bị giết đã đến khu thuốc độc tại thành oan hồn, cũng
giống như Phan Kim Liên bị đưa đến khu treo cổ, mười mấy năm không được
đầu thai. Trong Thuyết nhạc toàn truyện, người phục vụ nói: “Phía trước
là quỷ môn quan, bên phải là thành oan hồn. Tất cả những kẻ phạm tội đều phải vào thành oan hồn, vào đó rồi thì khó mà được chuyển kiếp.”
Những linh hồn chết bờ chết bụi hoặc chết thảm lại bị đưa đến thành oan hồn
chịu đói nhịn khát, oan khuất không được giải thì không thể hóa kiếp
chuyển thế. Đạo lý này quả có chút bất công. Nhưng nghĩ kỹ lại, đây
chính là bản sao của tù ngục ở trần gian, trừ phi gặp được Bao Thanh
Thiên thì những tù nhân bị bắt oan này mới có thể thoát khỏi bể khổ, nếu không họ đành phải ngồi trong đó chịu đói, chịu rét cho đến chết. Vì
thế, tác phẩm thích nói những điều mờ ám Ngọc lịch bảo sao có chương
Thành oan hồn thỉnh thoảng nói được vài câu khá thấu tình, tuy rằng nó
vẫn có chút “mờ ám”:
Phong Đô đại đế nói: Thành oan hồn ở phía
bên phải điện ta. Người đời hiểu nhầm đó là nơi đón nhận tất cả những
hồn ma bị chết oan, rồi truyền tai nhau làm người ta tưởng thật. Phải
biết rằng những người đã chết oan liệu có thể bắt họ chịu những nỗi khổ
vô cớ nũa được không? Xưa nay vẫn cho phép các oan hồn đi tìm hung thủ,
tận mắt nhìn thấy hắn chịu khổ, từ đó giải tỏa được mối hận trong lòng,
cho đến khi oan hồn của họ được đầu thai. Nếu là những người trung hiếu, nghĩa khí hoặc những quân binh xả thân vì nước, hoặc sau khi chết sẽ
thành thần, hoặc ban phước cho họ được đầu thai, như vậy há chẳng phải
có lý khi để họ vào thành oan hồn chịu khổ sao?
3
Chỉ có
một quyển sổ âm ti mà tôi đã huyên thuyên quá nhiều, những độc giả nóng
ruột có lẽ đã đặt ra câu hỏi: “Liệu ông sắp nói xong chưa vậy?” Nói
thực, sổ sách ở dưới âm ti nhiều vô kể, những quyển sổ được nói trên đây chỉ là một phần trong đó thôi. Ví như trong Mai hương ảo, tiểu thư
Trương Doanh Doanh hát “phu thê hoạn nạn do trời định, trên sổ nhân
duyên sớm ghi tên”, khi đó “sổ nhân duyên” vẫn chưa được con người biết
tới. Đáng tiếc người xưa quá cẩn thận, việc này lại được liệt vào danh
mục “chuyện riêng tư khó nói”. Thực ra sổ nhân duyên của người xưa đơn
giản hơn rất nhiều so với sổ đăng ký kết hôn ngày nay, hiện nay con
người dành rất ít thời gian để lo cái ăn cái mặc, vấn đề nam nữ được đưa ra bàn luận nhiều hơn. Cơ quan phát hành sổ nhân duyên của âm phủ chắc
chắn cũng phải làm việc căng thẳng hơn nhiều, biết bao nhiêu “sổ chính”, “sổ phụ” khó phân loại rõ, rồi thì “vợ bé thứ nhất”, “vợ bé thứ hai”,
cách sắp xếp này cũng bị chê là quá đơn giản rồi. Còn trong những ghi
chép của người xưa, tôi nhớ ngoài quyển sổ chính ra chỉ có một quyển “sổ phu thê sương mai”. Viết tiếp Tử bất ngữ của Viên Mai, quyển ba có câu
chuyện về một ma nữ nói với nhân vật nam rằng: “Tra trên sổ phu thê
sương mai, có nói đến duyên phận với huynh, nhưng được chỉ định chỉ nên
giao cấu một trăm mười sáu lần. Nếu chuyện này không ai biết, thì sẽ ở
với nhau lâu dài được, còn không thì duyên phận sẽ hết, cả hai phải ly
tan.” Một trăm mười sáu lần vẫn được coi là “sương mai”, không sợ người
ta cười anh là quá “phóng khoáng” hay sao? Dẫn ra ví dụ này là để điểm
xuyết một chút thôi, bởi đề tài này thực sự quá rộng, thôi thì để dành
cho các học giả thời Xuân Thu đi viết những tác phẩm chuyên sâu về nó.
Cùng là chết, chỉ có điều cách chết của từng người không giống nhau, chúng
cũng cần được phân làm các loại sổ khác nhau, từ đó có thể thấy được
tính tỉ mỉ trong công việc ở âm giới. Tác phẩm Hiện quả tùy bút của Giới Hiển, người đời Thanh có ghi, Ngụy Ứng Chi mơ mình đi xuống âm phủ, anh ta tìm trong sổ sinh tử, không thấy có tên mình, hóa ra nó nằm trong
“sổ chết do thắt cổ”, bên dưới ghi chú “một ngày ba năm sau thắt cổ tự
tử trong thư phòng”. Tử bất ngữ, quyển tám viết, dưới âm phủ, ngoài “sổ
chính mệnh” ra, còn có “sổ hỏa tự”, tức chết trong hỏa hoạn. Nói một có
thể suy rộng ra ba mươi thứ, âm phủ có “sổ thủy tự”, “sổ thổ tự”, từ đó
có thể suy ra người ta sẽ chết bằng cách nào, còn “chính mệnh”, tức là
chỉ những người khi hết dương thọ sẽ được chết trên chiếc giường của
mình, còn chết trên giường trong khách sạn sẽ bị liệt vào một loại sổ
khác (theo cách nói bất nhã của Đinh Nhiêu Cang, thành oan hồn nên để
loại người này xuống một khu biệt lập cho chúng). Trong quyển hai mươi
tư lại nói, linh hồn người chết ở nơi biên ải, khi đưa vào “sổ họa hoắc
vân” sẽ được phân ra làm hai loại, tức “sổ người” và “sổ thú”, thú chết
nhiều hơn người, vì thế có câu “nhân tam thú ngũ”. Trong Duyệt vi thảo
đường bút ký của Kỷ Tuân, quyển mười, “sổ người” được chia ra làm các
loại sổ vàng, đỏ, tím, đen: “Hy sinh vì nước, phấn đấu quên mình, người
này được ghi vào sổ vàng . Làm theo quân lệnh, thà chết không lui, người này được ghi vào sổ đỏ. Làm theo số đông, chuyển chiến mà chết, được
ghi vào sổ tím, chết khi chạy trốn, không còn đường lui, được ghi vào sổ đen.” Phân ra kỹ như vậy, xem ra nếu Diêm phủ có ngành hồ sơ học, thì
nhất định phải người tài cao mới đảm nhận được vị trí này.
Không
chỉ vậy, các loại sản phẩm dưới âm phủ cũng tăng dần theo thời gian. Đến thời nhà Thanh, thuốc phiện du nhập vào Trung Quốc, Diêm phủ lại hình
thành “sổ khói đen”, trong số này có “sổ họa khói đen”. Trong Dực quynh
bề biên, quyển bảy, chương Họa khói đen nói về sổ họa khói đen như sau:
Chính điện dùng ngói lưu ly, cao tới tận thiên hà. Trên điện có năm vị thần
ngồi hàng ngang, có người mặc áo mũ thời cổ đại, có người mặc trang phục của hiện tại, người ngồi chính giữa có chòm râu dài bạc trắng, khuôn
mặt nghiêm nghị của bậc đế vương. Phía dưới bày hàng trăm chiếc chum
lớn, bên trong chứa nước đen. Các hồn ma nườm nượp đi vào, Thẩm Tư hỏi
trong chum chứa thứ gì, trả lời: “Là dầu gạo, ở dương gian gọi là khói
thuốc phiện. Tất cả những kẻ gây tai họa được lệnh phải uống một chút
nước này, sau khi nhập thế hễ ngửi thấy mùi là nghiện ngay tức khắc.”
Tất cả những người chết do tai họa, Diêm phủ đều cho vào một quyển sổ
riêng, chỉ có điếu người chết quá nhiều, nhập sổ không kịp, đành phải
thuê người viết từ dương gian. Câu chuyện này được viết với mục đích
trào phúng thời thế hiện tại, nhưng từ đó cũng thấy được rằng, con người đã tìm ra một nhận thức chung, chỉ cần có nhu cầu thì loại sổ sách nào
Diêm phủ cũng có thể tạo ra được. Những loại sổ sách được tạo ta một
cách ngẫu hứng này rất hay xuất hiện trong tiểu thuyết, như trong Viết
tiếp Kim Bình Mai có hai loại sổ “nguyên hội kiếp vận” và sổ “chu thiên
nhân quả”, từ tên gọi của chúng có thể thấy, chúng thuộc vào loại văn
hóa vĩ mô, nằm ngoài năng lực hiểu biết của kẻ tiểu dân.
Những
loại sổ trên đều được phân loại theo nội dung, còn về mặt hình thức bên
ngoài, sổ âm phủ cũng có sự phân biệt khác nhau. Nghe nói sổ âm phủ được phân ra làm ba loại vải lụa mỏng, lụa dai, và giấy. Ba loại nguyên liệu này được phân theo giá trị đắt rẻ, người được ghi tên trong đó đương
nhiên cũng có sự phân biệt như vậy. Ở đây nội dung quyết định hình thức: quý nhân thì ghi vào sổ lụa mỏng, tiếp đến ghi vào sổ lụa dai, còn sổ
giấy dành cho những thường dân nghèo hèn. Việc phân loại như thế này có
tác dụng gì? Suy nghĩ một chút là hiểu ra ngay thôi. Trong Di kiên đỉnh
chí, quyển hai mươi của Hồng Mại có chương Ô sơn uẩn, ghi lại dịch ôn
dịch, đói khát hoành hành liên tục trong thời gian dài tại huyện Tân
Kiến, tỉnh Giang Tây vào năm Can Đạo đời vua Tống Hiếu Tông, đó là do
ông trời muốn “thu” tất cả người của nơi này. Đầu tiên “thu” hết những
người trong sổ giấy, nếu chưa đủ số lượng, tiếp tục thu người thuộc sổ
lụa dai, thu được một nửa là đạt số lượng yêu cầu, thì những người trong sổ lụa mỏng đương nhiên sẽ không bị lấy đi mạng sống. Tất nhiên, nếu
trên trời có hạ xuống chính sách ưu đãi nào đó, thì chắc chắn phải bắt
đầu từ những người trong sổ lụa mỏng.
Diêm phủ quản lý sổ âm phủ, nhưng ở Trung Quốc, từ nhà Tần cho đến triều đại Minh - Thanh, hình
thái của Diêm phủ luôn có sự thay đổi. Như “thổ phủ” được nói ở phía
trên chỉ là một trong những hình thái của nó. Tuy thể chế của nó được
truyền lại và kế thừa sang hình thái khác nhưng xét từ danh mục, thời
gian tồn tại của chúng rất ngắn, hơn nữa chúng thường biến mất ở thế hệ
sau. Nhưng một số hình thái Diêm phủ lại có sức sống mãnh liệt, hình
thái mới đã có rồi, nhưng hình thái cũ vẫn chưa biến mất, ví như hình
thái Diêm phủ sớm nhất được quy cho Bắc Đẩu tư mệnh quản lý dưới sự giám sát của Thiên đế, giữa thời Hán Ngụy xuất hiện Thái Sơn phủ quân, thời
kỳ Lục triều xuất hiện Diêm La Vương, những hình thái Diêm phủ này lại
cùng lúc tồn tại ở thời Đường, gọi là “nhất quốc tam công”[9] có vẻ
không ổn lắm, nên sau đó được gọi thành “nhất quốc tam chế”[10] nghe có
vẻ xác đáng hơn.Vậy thì sổ âm phủ lúc bấy giờ cũng sẽ được chia làm ba
loại, và tất nhiên anh tin ai thì sổ âm phủ của anh sẽ do người đó quản
lý. Cũng ví như môn đồ của Nguyên thủy thiên tôn sẽ không bao giờ đến
điểm danh chỗ của thần Jehovah hay thần Allah. Nhưng nếu gặp phải những
người không có tín ngưỡng, vậy thì sau khi chết linh hồn của họ sẽ phải
đối mặt với sự lựa chọn cuối cùng, nhưng cũng không cần phải lo lắng về
việc sẽ không ai thu nhận anh.
[9] Nhất quốc tam công: một quốc gia ba hoàng đế.
[10] Nhất quốc tam chế: một quốc gia ba chế độ.
Trong Quảng di ký của Đới Phù có chương Trương Dao kể rằng, Trương Dao rất
thích sát sinh, linh hồn của anh ta sau khi chết được áp tải về chỗ Diêm La Vương. Anh ta nhìn thấy tất cả những con vật mà mình đã giết tập
trung tại sảnh chính của điện Diêm La, tất cả bọn chúng đều kêu oan đòi
mạng. Nhưng một vị hòa thượng bệnh tật mà khi còn sống anh ta đã từng
nuôi dưỡng cũng có mặt tại đó, hòa thượng nói rằng, Trương Dao đã đọc
rất nhiều kinh Phật, phúc nhiều tội ít, vì vậy anh ta không đáng phải
chết như thế này. Có phải chết hay không chỉ cần nhìn vào sổ sinh tử.
Thế là Diêm Vương lệnh cho người tra “sổ tư mệnh”. Quyển sổ này được
quản lý bởi đại thần tư mệnh, thuộc hạ của Thiên đế. Tra xong, tên của
Trương Dao đã bị che mất, phải chết, lại lấy quyển sổ thứ hai là “sổ
Thái Sơn”, cũng chính là sổ thuộc quyền quản lý của Thái Sơn phủ quân,
cái tên đó cũng bị che mất, phải chết, cuối cùng lấy quyển sổ bản các,
tức sổ của điện Diêm La, không ngờ: “Tên của ngươi bị che một nửa, ngươi chưa chết được.” Thế là Trương Dao được thả về dương gian, tiếp tục vùa sát sinh vừa đọc kinh Phật.
Câu chuyện này có vẻ như “tam giáo
sống chung”, trong con mắt của các tín đồ Phật giáo, hai vùng Diêm phủ
của tư mệnh và Thái Sơn phủ quân đều tồn tại tính hợp lý, mỗi người đều
có sổ âm phủ ở ba nơi, giống như một người mà có trong tay hộ chiếu của
ba nước vậy. Nhưng hiện nay anh ta đã phạm lỗi rồi, chiếu theo pháp luật của tư mệnh và Thái Sơn thì anh ta phải chịu hình phạt xử bắn, nhưng
theo luật của Diêm La Vương anh ta chỉ là tội không che được phúc, không có tội thì phải thả ra, vậy thì anh ta phải tới đâu để mở phiên tòa
đây? Một sự tiến hành so sánh giữa ba nhà, ba loại tôn giáo, vậy là dụng tâm của câu chuyện đã được hé lộ, hóa ra câu chuyện đã dùng sự tuyên
truyền về sổ âm phủ làm vũ khí, để mở ra một trận chiến không chính
thức, lôi kéo khách hàng đọc kinh Phật. Kết quả của cuộc đấu tranh này
là, đến đời sau, người ta không còn nghe thấy có loại sổ tư mệnh hay sổ
Thái Sơn nào nữa, từ đó, sổ âm phủ do một mình điện Diêm La lũng đoạn,
không biết nó còn chính sách ưu đãi như trước kia không, lại xem những
việc cúng tế, siêu độ vong hồn, lại là hòa thượng và đạo sĩ mỗi người
chiếm một bên, hóa ra họ đã liên hợp với nhau để chèn ép dân thường.
Tất cả những loại sổ âm phủ trên đều được xây dựng trên quan điểm “không
thể thay đổi”, tất cả thọ, lộc, công danh của con người đều do thiên
mệnh sắp đặt sẵn, không có một khe hở để thay đổi. Thực chất không phải
như vậy, dưới Diêm phủ cũng có một chính sách gọi là “trọng biểu hiện”,
nếu một người đang sống có biểu hiện không tốt thì phúc, lộc, sinh, tử
của người đó đều bị ảnh hưởng. Cái gọi là biểu hiện ở đây có các tiêu
chuẩn khác nhau, trong đó, mục quan trọng nhất cần phải chú ý đó là
“phái tính”. Ví như để một hòa thượng ra phán xét, mặc dù anh tham ô vô
độ nhưng chỉ cần anh thích đọc kinh (đương nhiên phải là kinh của Phật
Như Lai), anh sẽ được tăng lộc thọ. Vì thế, trong các câu chuyện do các
tín đồ Phật giáo biên soạn, Diêm Vương nhìn thấy linh hồn đã được bắt
về, câu đầu tiên ông ta hỏi là: “Nhà ngươi có đọc kinh không?” Nghiễm
nhiên đó là ranh giới giữa người tốt và người xấu, ít nhất thì người đọc kinh cũng sẽ được giảm tội một bậc. Xin độc giả đừng nghĩ Diêm Vương là kẻ ngờ nghệch, thực ra ông ta cũng giống chúng ta những năm tháng trước đây, cứ có người tới thành phố là hỏi “xuất thân của cậu thế nào?” mà
thôi. Những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đi
trên con đường lớn ở trung tâm thành phố nhỏ này, một người nông dân già đi một chiếc xe đạp không phanh, không chuông đâm vào một bà lão khiến
bà không đứng dậy được. Cảnh sát tới giải quyết, định giữ xe đạp của
người nông dân lại, nhưng dù họ có hỏi anh ta cái gì, anh ta đều giữ
chặt tay lái chiếc xe đạp miệng lặp đi lặp lại một câu: “Tôi là nông dân nghèo”, khiến những người đứng xem xung quanh và cảnh sát đều không
nhịn được cười. Người nông dân già mặt mày tái nhợt, có lẽ trong bụng
cũng đang thắc mắc: “Mình đã nói mình là nông dân nghèo rồi, sao họ vẫn
còn muốn truy cứu nhỉ? Người thành phố thật chẳng hiểu đạo lý gì cả!” Vì thế Diêm Vương hỏi một câu: “Ngươi có đọc kinh không?”, chính là muốn
xác định rõ xem anh ta là người nhà hay người ngoài, chứng tỏ tính giác
ngộ giai cấp của Diêm phủ vẫn rất cao.
4
Sổ sách dưới Diêm phủ nhiều như vậy, tạm thời không quản chúng nữa, để có những tài liệu
đó, Diêm phủ phải sắp xếp biết bao nhiêu quan sai, mật thám ở dương
gian, nếu như muốn ghi chép tất cả những tài liệu đó vào trong các loại
sổ sách, e rằng hàng vạn người viết cũng không kịp. Nếu cho rằng tất cả
mọi thứ ở thế giới ma quỷ đều thần kỳ khó đoán, vậy thì những tài liệu
kia không cần có người ghi chép, tự nó sẽ hiện lên trên sổ một cách kỳ
lạ và khó hiểu, nhưng thực tế đâu có được như vậy. Phía trên chúng ta
đang nói tới “sổ họa khói đen”, chẳng phải nhờ người ở dương gian viết
giúp đấy sao? Thực ra đây là quy tắc cũ, chỉ cần Diêm phủ bắt nhiều sinh linh trên dương gian, cũng chính là lúc dương gian gặp nhiều tai họa
lớn nhất, số lượng người lo sổ âm phủ luôn không đủ, lúc này cần tìm sự
giúp đỡ từ phía dương gian.
Tác phẩm Quảng dị ký của Đới Phù có chương Lý Cập, kể rằng Lý Cập bị bắt nhầm xuống Diêm phủ:
Lý Cập nhìn thấy hàng trăm chiếc xe bò đang chở thứ gì đó, bèn hỏi viên
quan lại, những cái đó để làm gì. Viên lại đáp: “Phía Lộc Sơn đang tạo
phảm, dân thường bị giết nhiều vô kể, hôm nay xe bỏ chở hồ sơ người chết tới đây.” Khi đó Lộc Sơn vẫn chưa xảy ra sự cố tạo phản, nên Lý Cập hỏi vặn: “Lộc Sơn vẫn chưa tạo phản, làm sao ngài biết?” Viên lại nói: “Sẽ
tạo phản ngay thôi.” Rồi Lý Cập lại nhìn thấy hàng trăm người, tất cả
đều đang vội vàng lo xử lý hồ sơ người chết.
“Hồ sơ người chết”
nói tới ở đây chính là danh sách người sống chuẩn bị bị câu hồn, mấy
trăm người vùi đầu vào sao chép danh sách, số sổ sách đó nhiều đến mức
cần hàng trăm chiếc xe bò để vận chuyển. Quyển Hữu đài tiên quán bút ký, quyển tám của Du Việt, người đời Thanh ghi:
Trong nhân gian, mỗi lần gặp tai họa như lũ lụt, hạn hán, binh đao… đều có người nằm mơ thấy dưới Diêm phủ đang ghi chép sổ sách, nên có lẽ chuyện này là có thật.
Đầu năm Hàm Phong, đám giặc cỏ ở Quảng Đông tạo phản, một người ở Hải
Diêm nằm mơ thấy mình đi đến một nơi, ở đó văn thư chất cao như núi, mấy chục người đang cặm cụi viết lách.
Câu chuyện này chỉ là cuộc
chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và chính quyền nhà Thanh khiến rất nhiều người thiệt mạng. Liêu trai chí dị, quyển tám, chương Chiếc quan
tài nhỏ có phần Ngô đường phụ ký kể, trước khi vụ án Thanh Hà bị bại lộ, “liên tiếp có người bị ma ám, nói rằng Diêm phủ đang cấp bách làm sổ”, ý chỉ những người chết trong vụ án này sẽ rất nhiều nên Diêm phủ đang gấp gáp làm sổ hồ sơ cho họ. Sau khi làm xong, sổ sách đó sẽ được dùng xe
chở tới chỗ Diêm Vương và các Phán quan, có thể còn cần thêm mấy trăm
người viết thẻ câu hồn. Còn trường hợp cầm sổ đến hiện trường điểm danh
mà chúng tôi đã nhắc tới trước đó lại mang tính chất bán buôn, có thể bỏ qua việc viết thẻ câu hồn.
Cần phải nói rõ một chút, đó là đã có sổ sinh tử, sổ ẩm thực, tuổi thọ của con người đã được hạn định, đến
lúc đó chỉ cần đưa số người hết dương thọ đã có mặt vào một tờ danh
sách, như thế cũng được rồi. Vậy việc gì phải “làm sổ” nữa? Có lẽ nó
được áp dụng theo trình tự của “ngục Hưng Đại” trên dương gian. Ngục
Hưng Đại triều nào cũng có, nhưng hình như cứ cách vài năm mới có một
lần sẽ không đủ để thể hiện uy phong của hoàng quyền. Một nhà ngục được
xây lên là hàng trăm, hàng vạn người được đưa vào đó, cho dù số lượng đó chỉ chiếm năm phần trăm tổng dân số nhưng cũng đã đủ mệt cho bậc làm
quan lo xử lý công tác làm sổ, nhưng cũng may dương gian không cần làm
sổ vẫn có thể bắt giết tùy tiện, không sợ làm lỡ việc, cho dù sau này có phát hiện ra sai sót thì cũng chỉ long ân đại xá cho một chút, đưa tất
cả những nhân vật tên tuổi viết vào các bản chính văn, liệt vào bậc anh
hùng trung hậu, viết đến mức những tên tuổi đó rất huy hoàng trong cả
hai mươi lăm bộ sử của Trung Quốc, còn những người khác sẽ là người được các bậc anh hùng trên đại diện.
Thực ra, ngoài những đợt tai họa lớn mấy năm nay xảy ra một lần, ngay cả lúc bình thường, việc làm sổ
dưới âm ti vẫn rất tất bật. Chỉ có điều, sổ câu hồn được làm đơn giản
hơn, bỗng chốc câu kéo hồn của mấy chục người, mấy trăm người cũng không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ Diêm phủ có nhiều loại sổ sách như vậy, đặc
biệt là các loại sổ thiện ác, sổ công danh tội lỗi, bình thường đã cần
một lượng lớn đặc vụ và thư lại… thật khó để tưởng tượng ra một lượng
công việc lớn như vậy. Theo quan điểm trong phần Sổ thổ địa, quyển ba,
cuốn Tập di tân sao của Lý Hạc Lâm, người đời Thanh, loại sổ này cần
được làm từ chỗ thần Thổ Địa, nhưng thần Thổ Địa thỉnh thoảng cũng đi
bắt người trên dương gian. Nghe nói trong miếu thổ địa:
Hơn chục
người ngày đêm không ngừng viết lách, theo báo cáo của Táo Quân trong
các gia đình, tất cả những điều thiện ác lớn nhỏ đều được thông báo từng ngày, từng giờ, ngay cả những điều xảy ra trong lúc ăn, lúc uống, thậm
chí ngay cả những lời thủ thỉ trong màn, tất cả đều được ghi lại không
thiếu một từ.
Phạm vi cai quản của thần Thổ Địa có thể tương
đương với ủy ban khu dân cư hoặc cảnh sát phường. Ông ta lại đặt tai mắt ở từng nhà dân một, các vị Táo Quân ngày ngày đến thông báo những công
to việc nhỏ, không sót thứ gì. Nếu dùng những quyển sổ này để ghi chép
lại thì không biết kiếm nơi nào để chất cho hết chỗ sổ sách, nhưng phí
hỗ trợ công tác lại tương đối khả quan.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là
những việc nhỏ, thư lại vất vả cực nhọc, chí ít cũng chỉ đến mức “cổ
tay” rã rời, thực sự vất vả phải là những biệt phái viên ở dưới làm công tác thu thập thông tin tình báo. Chỉ riêng ghi chép việc “xem sách khi
đại tiện”, thì họ phải “bám sát” các nhà vệ sinh, đối với Táo Quân, ông
làm việc trong nhà dân, mấy nhân khẩu trong nhà đi vệ sinh lúc nào Táo
Quân đã nắm rõ mồn một, vì thề ông không cần làm một chiếc “hố xí lá”
nữa, ông chỉ cần để ý một chút là xong. Nhưng đáng thương là những anh
đặc vụ ngồi trong các nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh ở
các thành phố sầm uất, các cơ quan, trường học, người nhiều phức tạp
không cần nói, cái chính là mùi ở những nơi đó khiến anh càng cảm thấy
khó chịu, nên công việc thu thập tình báo này thực sự rất vất vả, ít
nhất người thường như chúng ta sẽ không thể chịu đựng được trong mấy
phút. Chắc chắn sẽ có không ít quỷ mật thám oán hận luật “cấm mang sách
vào nhà xí” thật nhiều chuyện, họ nhớ nhung những ngày tháng thái bình
khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, ai lẩm bẩm sách thơ là bị chặt đầu, nhưng
chắc chắn cũng không có người ham vui mà không thấy mệt bao giờ. Viết vẽ đến đây, rồi không chịu được cũng phải lệch dòng vẹo chữ.
Đương
nhiên vẫn chưa có kẻ ngu ngốc đi bám sát đến cùng chỉ để ghi chép việc
“xem sách khi đi vệ sinh”, nhưng những việc tương tự cũng không phải
không có, đó là để có được những thông tin tình báo quan trọng hơn. Một
cậu học sinh bị theo dõi vừa từ nhà vệ sinh đi ra, lập tức có một đôi
chăm chú nhìn một người bạn học khác của cậu ta đi vào, cậu ta lần tìm
một trang giấy đã dùng qua trong cuộn giấy đang cầm trên tay, nghiên cứu một chút xem trên tờ giấy đó viết gì. Bởi hồi đó, sinh viên nghèo đi vệ sinh chỉ dùng giấy nháp đã viết chữ, còn những chỗ trống trên tờ giấy
nháp cũng được dùng để luyện chữ, việc này có khả năng vô tình tiết lộ
ra điều gì đó. Ngày này qua ngày khác. Cũng không phải những vất vả như
vậy không nhận được thành quả. Nghe nói sau này phòng cất giữ hồ sơ của
khoa chúng tôi đã phát hiện ra một bao “tài liệu” được cất giấu rất kỹ
càng, sau khi tháo bỏ liên tiếp mấy lớp giấy, cuối cùng bên trong là một chiếc khăn tay giấy bên trên có viết chữ. Tôi thường nghĩ, ông trời nếu thật sự giáng xuống trần gian những nhân tài bất đắc dĩ, có những sinh
viên thường ngày không phân biệt được rõ đâu là tân ngữ đâu là bổ ngữ,
khi gặp phải những việc có gian tế như thế này, học lại có một linh cảm
sắc xảo, có thể đưa ra những phương án rất kỳ diệu.
Khăn giấy trở thành thông tin tình báo, việc này không phải không có khả năng xảy ra. Nếu đối phương là đặc vụ Tưởng của quân Mỹ, thì có lẽ chiếc khăn giấy
này có thể tiết lộ một vụ án lớn kinh thiên động địa như các vụ án phản
Đảng phản quốc, vậy thì việc này còn có trở thành một đề tài để các cây
viết sắc xảo phát triển thành một bài văn hay, biên soạn vào sách giáo
khoa trung học. Thử nghĩ mà xem, hằng ngày cậu sinh viên bị theo dõi này đều âm thầm nghiên cứu, kiểm tra, nhận biết mọi thứ, cậu ta làm việc
chăm chú, quên mình, mà người này thực ra lại trung hậu đến mức không
đọc hiểu những ám hiệu của bọn phản cách mạng, vì thế chỉ có thể đưa cậu ta đến chỗ lãnh đạo chờ định đoạt, và rồi trên bàn làm việc của lãnh
đạo có bày hàng đống các loại giấy tờ như vậy, do các nhà chơi trò đầu
tranh giai cấp với khứu giác siêu phàm nghiên cứu, phân tích từng chữ,
từng câu một, cuối cùng đã lựa chọn được ra tờ giấy này. Cả một quá
trình thật khiến người ta cảm động! Chỉ đáng tiếc, tờ giấy ăn đó không
hề để lộ ra những thông tin kinh thiên động địa của bất kỳ vụ trọng án
nào, vì nó chỉ tạm thời phải nằm trong phòng hồ sơ, chờ đợi các thông
tin tình báo khác có được sau này, sau đó gắn lại thành án, lúc đó mới
thực hiện việc mưu sát cả cuộc đời người thanh niên kia.
Tôi ghi
chép những điều này, để độc giả biết được rằng chúng tôi đã từng sống
trong một thời đại như vậy, đã từng tự hào được làm một việc dơ bẩn như
vậy. Những người chủ trì công tác đó nay cũng đã bảy, tám mươi tuổi, có
lẽ cũng sắp đến lúc “để anh nhớ lại chuyện xưa” như Ostrovsky đã nói,
vậy các bạn có nên nghiêm túc kiểm điểm mình khi nghĩ lại những việc
trong quá khứ, quốc gia và nhân dân giao con cái của họ cho các anh, hy
vọng các anh đào tạo chúng trở thành những nhân tài có ích cho đất nước, còn các anh - những “giáo viên”, các anh đã làm những gì? Các anh huấn
luyện một số người trở thành mật thám, để lợi dụng họ tìm cách cho một
số người khác trở thành kẻ thù giai cấp, từ đó dạy dỗ đa số sinh viên
còn lại thành những người dân ngoan ngoãn mất khả năng tư duy, đó là sự
nghiệp mà các anh từng thề sẽ cống hiến “cả tính mạng và toàn bộ tinh
lực của mình” cho nó ư? Hoặc đó chỉ vì muốn nhuộm đỏ chiếc mũ trên đầu
và thỏa mãn việc vận dụng những biến thái tinh thần, căn cứ theo nhu cầu các anh có thể tùy lúc chi phối điên đảo thủ đoạn xu thời?
Sau
thời kỳ cải cách văn học, nghe nói những thứ trong túi hồ sơ đã được
thanh lý đi nhiều, những tài liệu mật giả tạo để vu cáo kia cũng bị tiêu hủy. Lúc đó, lòng người thảnh thơi, nhưng sau đó nghĩ lại không tránh
khỏi cảm giác lỗ mãng, thực ra nên lưu lại chút chứng cứ mang tính đại
diện thì hơn. Bởi chúng không chỉ chứng thực rằng con người có thể đê
tiện đến mức độ nào, mà còn ghi lại sự hy sinh xương máu của biết bao
người vô tội do sự đê tiện đó gây ra.