Hai yêu đạo tham tài thi tà thuật
Hai hào kiệt lập kế trộm bình hồn
Đổng Thái Thanh cầm kiếm định đâm người mới tới, nhưng nhìn kỹ lại chẳng
phải người nào khác mà chính là Trương Thái Tố, sư huynh của mình đi ra
ngoài mới trở về. Đổng Thái Thanh bước tới hành lễ, Trương Thái Tố tức
giận mắng:
- Hay cho sư đệ! Ta dạy ngươi học đạo được bao nhiêu tài nghệ, bây giờ ngươi lại cầm kiếm giết ta hử? Thiệt là quá sức rồi!
- Xin sư huynh chớ nóng giận, trong việc này có một đoạn ẩn tình.
- Ẩn tình gì thế?
- Sư huynh vào trong rồi đệ sẽ nói.
Trương Thái Tố bước vào bên trong, hỏi:
- Một đoạn sự tình gì thế?
- Này sư huynh, phương pháp hại người anh dạy tôi thiệt là linh ghệ Hiện tôi đã hại được một người.
- Ai vậy?
- HạI Vương An Sĩ ở thôn Vĩnh Minh.
Trương Thái Tố nghe rồi đùng đùng nổi giận, nói:
- Ngươi hại người khác ta không giận, lại nhè hại Vương Sĩ An chớ! Ta hỏi ngươi nè: Hai khoảng ruộng hương hỏa của miếu chúng ta ai cúng vậy?
- Vương An Sĩ.
- Sửa sang lại điện là tiền của ai?
- Vương An Sĩ.
- Sổ hóa duyên ai viết cho tả Một năm bốn mùa ai cúng đèn dầu? Lương thực chi dùng trong miếu ai cúng?
- Cũng Vương An Sĩ.
- Ngươi đã biết tất cả đều là của Vương An Sĩ cúng. Ông ta là thí chủ
đứng hàng đầu của miếu chúng ta mà ngươi đi hại ông ấy thì còn lương tâm nữa không?
- Không phải tôi muốn hại ông ấy đâu! Đó là Trương Sĩ Phương bảo tôi hại ông ấy hắn trả tôi 500 lượng bạc đấy.
Trương Thái Tố nghe xong "a" lên một tiếng, nói:
- Đã có 500 lượng bạc, kể cũng được đi! Giết người lấy máu đào đổi bạc
trắng đấy! Ta chỉ tưởng giết không thôi, chớ làm như vậy cũng được.
Trương Sĩ Phương nghe nói lúc đầu tưởng là không xong, chừng nói đến 500 lượng bạc, Trương Thái Tố khỏi ý tham, đổi giận làm vui, mới yên tâm. Trương
Thái Tố nói:
- Ông hại được người ta, tại sao lại cầm kiếm muốn chém tôi vậy?
Đổng Thái Thanh nói:
- Hiện giờ có một người xưng là Mai hoa chân nhân gỡ hình nộm gỗ đào đi.
Tôi tưởng là ông ta đến kiếm tôi để đòi bình nhiếp hồn, cho nên mới xách kiếm chạy ra chớ! Cái ông lão đạo sĩ ấy thiệt là quá hư công chuyện của mình hết trọi!
- Không hề chi! Ta dạy ông hại người bảy ngày mới chết. Ta sẽ làm phép bắt ông ta chết ngay bữa nay thôi. Này Trương Sĩ
Phương, chú đi mua cho ta một ít vật dụng để tối nay ta làm cho Vương An Sĩ hết thở luôn. Trương Sĩ Phương, ngày mai chú lo việc tang ma là vừa!
Trương Sĩ Phương mừng quá, lập tức đi mua những đồ cần dùng ngaỵ Tối lại, đợi
đến canh hai trăng tỏ đầy trời, Trương Thái Tố mới đặt một bàn hương án
trong viện, lột mũ ra, để tóc xõa, tay cầm kiếm đốt hương đảo cáo:
- Tam thanh giáo chủ ở trên, xin bảo hộ đệ tử Trương Thái Tố hại được
Vương An Sĩ để có 500 lượng bạc của Trương Sĩ Phương đền ơn. Con sẽ may
áo choàng Tam Thanh giáo chủ để hoàn nguyện.
Ông ta cầu đảo như
thế, chớ thực ra Tam Thanh giáo chủ đâu có vì cúng áo choàng mà giúp đỡ
hại người, cũng đâu phải là thần tiên để ý đến việc này! Trương Thái Tố
đảo cáo xong rồi đốt ba đạo bùa, dùng mũi kiếm hươi lên, miệng đọc lâm
râm. Ba đạo bùa đốt xong, lão đạo sĩ dùng mũi kiếm chỉ lên hô: "Thái
Thượng Lão Quân, cấp cấp như lệnh!", rồi giở nắp bình nhiếp hồn ra, tức
thì có một trận gió lạnh buốt, kèm theo tiếng ò ò như bò rống, từ bên
ngoài đưa vào bình như làn gió xoáy. Đó là hồn phách của Vương An Sĩ bị
lão đạo sĩ thâu vào trong bình nhiếp hồn, rồi dùng lụa đỏ bịt lại, cột
bằng chỉ ngũ sắc. Hai lão đạo sĩ cùng Trương Sĩ Phương bước sang Tây
phối phòng. Trong nhà này sát vách có một cái bàn bát tiên, hai bên có
ghế dựa. Hai lão đạo sĩ ngồi ở ghế dựa, để bình nhiếp hồn lên giữa bàn.
Trương Thái Tố nói với Trương Sĩ Phương:
- Trương Sĩ Phương, chú
không tin thì đi về xem thử, dượng chú bây giờ hết thở rồi! Ngày mai chú bắt đầu làm đám, có thể đưa bọn ta 500 lượng bạc được rồi; còn không
đưa, ta thâu hồn chú vô đây luôn.
- Tôi lẽ nào lại không đưa.
Đang nói tới đó thì nghe phía sau Đông phối phòng có tiếng người la:
- Tôi muốn treo cổ đây!
Trương Thái Tố nghe la, nói:
- Này hiền đệ, ta nghe bên Đông có người la sắp sửa treo cổ, chúng ta đi xem thử, đâu có lý bỏ mặc người ta?
Đổng Thái Thanh nói:
- Đi xem thử! Tôi nghe tiếng đó hình như ở sau viện phía Đông.
Nói rồi hai lão đạo sĩ cùng Trương Sĩ Phương chạy ra, khép cửa lại, chạy
vòng ra Đông phối phòng xem thử. Trong viện này nguyên có một gốc cây,
trên cây lừng lững một cái áo choàng, thấy người ấy đầu đội khăn tráng
sĩ sáu múi màu thúy lam, tiễn tụ bào cùng màu, chân mang giày đế mỏng,
mặt mũi trắng trẻo, tuấn phẩm hơn người. Người ấy đang mở thắt lưng cột
trên cây, miệng nói lẩm nhẩm:
- Hết rồi! Người ta sống có nơi,
chết có chỗ. Diêm Vương ấn định canh ba chết, đâu để người rốn lại canh
năm? Ta chết đây, ta chết đây, ta chết đây, mọi việc kể như xong!
Lão đạo sĩ thấy vậy, nói:
- Này bạn, bạn làm sao lại tới viện chúng tôi định treo cổ thế? Chúng tôi cùng bạn không oán thù, trước đây không quen biết, sao bạn lại làm như
thế?
Người đó ngẩng đầu lên nhìn rồi nói:
- Đạo gia không
nên lấy làm lạ, tôi thật không biết trong miếu có người, tôi tưởng miếu
trống không thôi! Nếu tôi biết miếu có chủ, thì tôi dù gan lớn bằng trời cũng không dám đến quấy rầy quý vị.
Lão đạo sĩ nghe những lời rất thông tình lý của người ấy mới nói:
- Bạn ơi! Tại sao bạn lại muốn chết như vậy? Tôi thấy tôn giá đường đường nghi biểu khác người, đại khái không dám nói là tầm thường, nhưng vì
sao bạn lại có ý nghĩ không hay ấy?
Người ấy đằng hắng một tiếng rồi nói:
- Đạo gia đã hỏi, tôi một lời khó nói hết! Tôi vốn là người Trấn Giang
sống về nghề bảo tiêu. Lần này tôi đưa 20 vạn lượng bạc đi qua vùng
trũng của mạn Đông này, chẳng ngờ gặp phải một ổ cường đạo, ước chừng 40 - 50 tên. Chúng chặn tôi lại muốn cướp xe hàng, tôi nói tên tiêu cục
của chúng tôi, nhưng bọn giặc này bất kể đến. Chúng bảo: - Dù cho hoàng
thượng đi qua đây cũng phải nộp tiền mãi lộ. Tôi bắt buộc phải động thủ. Chúng nhiều người thế đông, một mình tôi đâu thể địch lại! Hai mươi vạn lượng bạc bị chúng cướp sạch tôi càng nghĩ càng thấy khó xử! Muốn trở
về ư? Không tránh khỏi tù tội! Khách họ đâu có chịu để yên, bắt tôi phải bồi thường, mà tôi tiền đâu để bồi thường cho họ? Tôi tính chỉ còn có
nước chết mà thôi!
Đổng Thái Thanh hỏi:
- Trong nhà bạn có bao nhiêu người?
- Trong nhà tôi có mẹ già tóc bạc, cô vợ còn son trẻ, đứa con vị thành niên, ba người: mẹ già, vợ trẻ, con thơ.
- Trong bạn đã có mẹ già, vợ mọn như vậy, nếu bạn chết đi, thì người
trong nhà biết trông cậy vào ai? Tôi khuyên bạn đừng nên nghĩ quẩn! Bạn
hãy đến nha môn địa phương báo cáo để lưu ẩn tích này lại rồi trở về, để chứng tỏ việc bạn mất cướp là có thật. Nếy khách không tin thì bảo họ
đến nha môn địa phương đây mà điều tra kỹ vụ án này, khách họ cũng không thể bắt đền bạn được. Bạn nghĩ thế có đúng không? Bạn hãy đi mau đi!
Tôi cũng không mời bạn vào miếu làm chi, vì hôm nay miếu chúng tôi có
Phật sự.
Người ấy gật đầu, nói:
- May được đạo gia chỉ lối cho tôi, tôi hết lòng cảm tạ đạo gia.
Người ấy nói xong cúi đầu lễ thật sâu, rồi gỡ cái áo choàng trên cây xuống,
lập tức nhảy qua tường mà đi. Lão đạo sĩ quay trở vào, vừa đến trong
viện thì thấy ở Tây phối phòng có một người râu đỏ mặt chàm đương trộm
bình nhiếp hồn. Lão đạo sĩ nhìn thấy, tức giận hét lên:
- Đồ nghiệt chướng to gan!
Tức thời đóng ngay cửa lại. Những người mới tới Tam Thanh quán không ai
khác, mà chính là Lôi Minh và Trần Lượng. Hai người này đi đâu thế?
Nguyên khi Tôn Đạo Toàn ở trong nhà Vương An Sĩ gỡ hình nộm bằng gỗ đào
ra mà Vương viên ngoại vẫn chưa ngồi dậy được. Mọi người mới hỏi:
- Thưa tiên trưởng! Lão nhân gia thấy bịnh của chủ chúng tôi như thế nào?
- Viên ngoại của các ngươi không cần biết đến làm chi! Tối nay ta tìm được hồn về, viên ngoại sẽ tỉnh lại ngay.
- Bịnh của lão viên ngoại chúng tôi nếu được lão nhân gia cứu trị lành mạnh, chắc chắn người sẽ cảm tạ lắm!
- Tôi không cần cám ơn, làm việc này là để tạo công đức thôi! Tôi phải đi tìm hồn đây. Tối sẽ gặp lại.
Nói rồi Tôn Đạo Toàn đi ra khỏi nhà Vương viên ngoại, thẳng đến quán rượu ở Hải Sanh kiều, nơi đó Lôi Minh và Trần Lượng đang chờ sẵn. Gặp Tôn Đạo
Toàn, Lôi Minh và Trần Lượng nói:
- Sư huynh uống rượu nhé!
Ba người uống rượu xong, Tôn Đạo Toàn kêu Lôi Minh và Trần Lượng ra khỏi quán, đến chỗ vắng, nói:
- Hai sư đệ, sư phụ có dặn tối nay hai sư đệ phải đến Tam Thanh quán ở
phía Tây này. Sư phụ nói trên bàn trong phối phòng phía Tây của miếu này có một cái bình tên là Nhiếp hồn bình. Hồn sư tổ Vương An Sĩ của chúng
ta bị mấy ông đạo sĩ của miếu này bắt nhốt vào trong bình đó. Hai sư đệ
hãy đi trộm chiếc bình ấy về cứu viên ngoại. Phải hết sức cẩn thận mới
được! Hai lão đạo sĩ không dễ gì tha thứ, họ đều biết yêu thuật tà pháp
cả. Hai sư đệ phải để tâm lắm mới được!
Lôi Minh, Trần Lượng gật đầu, lập tức đi ngaỵ Lôi Minh nói:
- Này tam đệ, hai đứa mình đi lấy trộm nè! Nhị ca sử dụng thuật phi thiềm tẩu bích, tài trộm lấy thần tình thì anh hơn tôi. Còn sử dụng tài ăn
nói, gặp ai nên nói lời gì, cơ xảo linh hoạt, mắt nhạy bén thì anh phải
nhường tôi. Nhị ca nè, anh trộm bình đi! Tôi sử dụng kế điệu hổ ly sơn
dụ mấy đạo sĩ ra ngoài cho.
- Chú làm sao sử dụng kế điệu hổ ly sơn được?
- Tôi cũng không nhất định, thấy cần việc nào thì làm việc đó. Có thể là phóng hỏa, có thể là giả thần giả quỷ cũng nên.
Hai người nói tới đó thì đã tới trước cổng miếu. Trần Lượng nói:
- Nhị ca, anh ở phía Tây xem tôi ở phía Đông sử dụng kế điệu hổ ly sơn đây!
Trần Lượng nhảy lên tường xem thấy hai lão đạo sĩ đang ở trong phối phòng
phía Tây, bên Đông của một gian hậu viên có một gốc cây. Trần Lượng la
lên:
- Ta treo mình đây!
Lôi Minh thấy hai lão đạo sĩ đi
ra, bèn từ nóc nhà nhảy xuống, vừa định tiến vào phối phòng phía Tây,
nhưng lại sợ trong đó có người, vì hồi nãy quên hỏi Tôn Đạo Toàn miếu
này có mấy đạo sĩ. Lôi Minh trong lòng còn do dự, nhưng lại sợ hai lão
đạo sĩ trở lại bắt gặp, bèn đến bên Đông xem thử, thấy hai lão đạo sĩ
đang nói chuyện với Trần Lượng. Lôi Minh trở lại vừa muốn xô cửa, lại sợ trong phòng có người, nghe ngóng một hồi mới dám xô cửa tiến vào. Hai
lão đạo sĩ trở lại thấy Lôi Minh đang đưa tay ôm cái bình nhiếp hồn.
Đổng Thái Thanh hét lên:
- Đồ nghiệt chướng to gan!
Lôi
Minh ngoái đầu nhìn lại, thấy hai đạo sĩ đã về đến cửa rồi, bèn bỏ bình
nhiếp hồn, rút dao định xông ra ngoài. Nào ngờ Trương Thái Tố lấy tay
chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh lại.