Benno kể một câu chuyện lạ lùng
giúp chúng tôi hiểu được
những việc vô luân
trong đời sống tu viện.
Điều Benno kể cho chúng tôi nghe rất mơ hồ. Dường như Huynh kéo chúng tôi tới đó để dụ chúng tôi ra khỏi phòng thư tịch. Nhưng dường như cũng vì không thể nêu lên một cái cớ chính đáng, Huynh ấy đã kể ra những mảnh vụn của sự thật có tầm vóc lớn hơn sức mình hiểu.
Huynh thú nhận rằng sáng hôm nọ mình đã dè dặt, nhưng bây giờ, suy nghĩ chín chắn hơn, Huynh cảm thấy thầy William nên biết toàn bộ sự thật. Trong suốt cuộc đối thoại nổi tiếng về tiếng cười, Berengar đã nhắc đến từ “finis Africae” (1). Đó là cái gì? Thư viện đầy rẫy bí ẩn, đặc biệt là các bí ẩn về những quyển sách không bao giờ được đưa cho tu sĩ đọc. Benno rất cảm kích về lời nói của thầy William về việc nên xem xét hợp lý các đề nghị nêu ra. Huynh cho rằng một tu sĩ kiêm học giả có quyền biết tất cả mọi thứ thư viện chứa đựng. Trong khi Huynh ấy nói, chúng tôi nhận thấy tu sĩ này còn trẻ, thích sử dụng tài hùng biện, khao khát tự do, nên khó lòng chấp nhận những kỷ luật của tu viện nhằm giới hạn óc hiếu kỳ muốn mở mang trí tuệ của mình. Tôi vẫn hằng ngờ vực óc hiếu kỳ này, nhưng tôi biết thái độ của Benno không làm phật lòng thầy tôi, tôi nhận thấy thầy có cảm tình và tin cẩn Huynh ấy. Tóm lại, Benno bảo Huynh không biết Adelmo, Venantius và Berengar đã thảo luận những bí mật nào, nhưng Huynh sẽ hài lòng nếu câu chuyện buồn này giúp soi sáng thêm cách điều hành Thư viện. Tuy nhiên, Huynh hy vọng thầy tôi sẽ tháo gỡ khúc mắc trong cuộc điều tra, và nhờ đó thuyết phục được Tu viện trưởng nới lỏng kỷ luật hằng áp đặt lên sự mở mang trí tuệ của các tu sĩ – một số người, như Huynh ấy, từ xa đến, nhằm mục đích thu thập các điều huyền diệu ẩn náu trong lòng thư viện để nuôi dưỡng trí tuệ.
Tôi tin Benno đã thành khẩn mong cuộc điều tra đem lại được điều Huynh nói. Tuy nhiên, có lẽ như thầy William đã tiên đoán, Huynh ấy cũng muốn chính mình có cơ hội lục lọi bàn làm việc của Venanatius trước, vì bị óc tò mò thôi thúc. Để chúng tôi khỏi đến gần chiếc bàn, Huynh sẵn lòng đổi chác vài tin tức như sau:
Như nhiều tu sĩ đã biết, Berengar ấp ủ một mối cuồng si đối với Adelmo, một thứ cuồng si xấu xa đã bị Chúa trừng phạt tại hai thành phố Sodom và Gomorrah. Có lẽ vì quan tâm đến tuổi thiếu niên non dại của tôi nên Benno nói như thể để ngăn ngừa. Nhưng bất kỳ ai đã trải qua tuổi niên thiếu ở chủng viện, dù có giữ mình trong trắng đi nữa, cũng thường nghe nói đến những mối si mê như thế; và đôi khi phải giữ mình khỏi rơi vào cạm bẫy của những kẻ nô lệ cho mối cuồng si ấy. Mặc dù tôi chỉ là một tu sinh bé bỏng, chẳng phải tôi đã được một tu sĩ già ở Melk giao cho một cuốn thơ trong đó có nói rằng một người phàm tục thường bị lụy vì một người đàn bà sao? Lời nguyện khi nhập dòng tu đã giữ chúng tôi tránh khỏi hố sâu sa đọa là thân thể đàn bà, nhưng lại đưa chúng tôi đến gần những lỗi lầm khác. Sau cùng, tôi có thể che dấu sự thật dù ngay cả giờ đây, ở tuổi cao niên này, tôi vẫn rạo rực vì lòng tà dâm khi mắt tôi vô tình đậu lại trên gương mặt nhẵn nhụi của một tu sinh trong ca đoàn, tinh khiết và tươi mát trong gương mặt một trinh nữ?
Tôi nói những điều này không phải để gieo nghi ngờ việc lựa chọn con đường tu hành của tôi, nhưng để biện minh cho lầm lỗi của nhiều người mà đối với họ, gánh nặng thiêng liêng này đã trở nên nặng nề. Có lẽ để biện minh cho tội lỗi khủng khiếp của Berengar. Nhưng theo Benno, tu sĩ này rõ ràng theo đuổi con đường sa đọa của mình bằng những cách thức còn đê hèn hơn, đó là cưỡng bức những tu sĩ khác cho mình cái mà đức hạnh và thanh danh ngăn cản họ không nên cho.
Do đó, có một dạo, các tu sĩ đã chua chát giễu cợt cái cách Berengar trìu mến nhìn Adelmo, một tu sĩ rất duyên dáng, dễ thương. Trong khi đó, Adelmo chỉ say sưa công việc của mình, xem đó là thú vui duy nhất, nên chẳng để ý mấy đến sự cuồng si của Berengar. Nhưng ai mà biết được. Có lẽ sâu xa trong tiềm thức Adelmo cũng nuôi dưỡng một dục vọng đê hèn tương tự? Quả thật, Benno đã tình cờ nghe được cuộc đối thoại giữa Adelmo và Berengar: Berengar, khi Adelmo yêu cầu hắn tiết lộ một bí mật, đã đề nghị một sự đổi chác ghê tởm mà ngay cả độc giả ngây thơ nhất cũng có thể tưởng tượng ra được. Chính Benno đã nghe từ miệng Adelmo thốt lên những lời ưng thuận khoan khoái, như thể tận đáy lòng mình Adelmo chẳng còn ao ước điều gì khác, và chỉ cần một cái cớ nào đó, không phải là ham muốn nhục dục, là Huynh ấy sẽ đồng ý ngay. Benno còn lý luận rằng, sự bí mật của Berengar phải liên hệ đến các bí quyết của sự học hỏi, do đó Adelmo có thể nuôi ảo tưởng rằng nếu hiến thân xác mình thì khát vọng về trí thức sẽ được thỏa mãn. Benno mỉm cười nói thêm: có rất nhiều lần Adelmo chẳng hề bị thôi thúc bởi một khát vọng học hành mãnh liệt nào cả mà vẫn ưng thuận thỏa mãn nhục dục của những người khác, thậm chí ngược với ý hướng cao cả của mình.
Benno hỏi thầy William – có bao giờ Huynh nghĩ rằng mình sẽ làm những điều tồi bại để được đặt tay lên quyển sách mà mình hằng tìm kiếm bao nhiêu năm nay?
- Cách đây nhiều thế kỷ, Sylvester đệ nhị, người khôn ngoan và đầy phẩm hạnh nhất, đã tặng cả một lồng cầu kim loại quý giá nhất để đổi lấy một quyển sách của Statius hay Lucan chi đó – thầy William dè dặt nói thêm – nhưng ông đã đổi một lồng cầu chứ không phải đạo đức của mình.
Benno thú nhận đã cao hứng nói quá xa đề, bèn quay trở lại câu chuyện cũ. Đêm trước khi Adelmo chết, Benno vì tò mò đã theo dõi cả hai và trông thấy họ rủ nhau đi đến nhà nghỉ sau Kinh Tối. Huynh mở hé phòng của mình, cách phòng họ không xa, đợi một lúc lâu, rồi yên lặng bao trùm giấc ngủ của các tu sĩ, Huynh thấy rõ ràng Adelmo lẻn vào phòng Berengar. Benno không thể chợp mắt được, Huynh nghe tiếng cửa phòng Berengar mở, rồi Adelmo chạy thoát ra như bay, trong khi người bạn kia cố ôm Huynh lại. Berengar đuổi theo Adelmo xuống lầu dưới. Benno thận trọng bám theo họ, và khi đến đầu hành lang bên dưới, Benno trông thấy Berengar run rẩy nép vào một góc, chằm chặp nhìn vào cửa phòng của Sư huynh Jorge. Benno đoán là Adelmo đã phủ phục xuống chân vị Sư huynh đáng kính này để xưng tội, Berengar run sợ vì biết bí mật của mình đã bị tiết lộ, mặc dù được thánh bí che chở đi nữa.
Thế rồi Adelmo bước ra, mặt xanh như tàu lá, xua đuổi Berengar đi; còn Berengar thì cố tìm cách biện bạch. Adelmo chạy ra khỏi nhà nghỉ, men theo phía sau nhà nguyện của giáo đường và theo cửa Bắc đi vào khu hát kinh, nơi thường mở ngỏ ban đêm. Có lẽ Huynh muốn cầu nguyện. Berengar bám theo, mà không theo vào nhà thờ; Huynh ấy chỉ đi len lỏi giữa những nấm mồ trong nghĩa trang, hai tay xoắn vặn vào nhau.
Benno còn đang hoang mang chưa biết nên làm gì thì nhận ra có một người thứ tư đang đảo qua đảo lại trong khu vực đó. Người này cũng đã theo dõi cặp Adelmo- Berengar, nhưng chắc chắn không biết có Benno đang ép sát mình vào thân cây sồi mọc ở bìa trang trại. Người thứ tư này là Venantius. Khi thấy Venantius, Berengar bèn khom mình bò đi giữa các nấm mồ, còn Venantius cũng đi vào khu hát kinh. Lúc này, vì sợ bị phát hiện, Benno quay về nhà nghỉ. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy xác Adelmo ở chân vực đá, Benno chỉ biết đến đấy.
Đã sắp đến giờ ăn tối, Benno chia tay chúng tôi, và thầy tôi không hỏi Huynh ấy thêm điều chi nữa. Chúng tôi nán lại chốc lát sau nhà tắm, rồi lững thững một lát trong vườn, ngẫm nghĩ về những điều kỳ lạ mới phát hiện.
Thầy William đột nhiên khom mình xuống quan sát một thứ cây mọc trong một bụi trụi lá và nói: - Hỗn hợp Frangula được chế tạo từ vỏ cây này, để chữa bệnh trĩ.
Tôi nói: - Thầy còn giỏi hơn cả Severinus, nhưng thầy nghĩ gì về những điều chúng ta vừa nghe được?
- Adso này, con phải tập sử dụng lý trí để suy luận. Có lẽ Benno đã kể chúng ta biết sự thật. Câu chuyện của Huynh ấy khớp với những gì Berengar kể sáng sớm nay, mặc dù chuyện của Berengar có vẻ đầy ảo tưởng đi chăng nữa. Berengar và Adelmo đã cùng làm một điều gì đó rất xấu xa với nhau, như chúng ta đã đoán trước. Berengar đã tiết lộ cho Adelmo một điều bí mật mà than ôi, đến nay vẫn còn là một điều bí mật. Sau khi phạm tội dâm đãng, trái với thiên nhiên, Adelmo chỉ nghĩ đến chuyện phó thác cho người nào có thể giải tội cho mình, y bèn chạy ùa đến Jorge. Như chúng ta đã biết, tu sĩ này tính khí rất khắc nghiệt, nên chắc hẳn Huynh đó đã phủ lên đầu Adelmo những lời trách mắng thậm tệ. Có thể Huynh ấy từ chối không giải tội, có thể Huynh ấy áp đặt một sự ăn năn quá sức Adelmo: chúng ta chả biết, còn Jorge thì chẳng đời nào nói với chúng ta. Chỉ biết Adelmo chạy vội vào nhà thờ, nằm rạp mình trước bàn thờ, nhưng không dập tắt được nỗi ăn năn dày vò. Ngay lúc đó Venantius đến gần Huynh. Chúng ta không biết họ nói với nhau những gì. Có thể Adelmo đã truyền lại cho Venantius cái bí mật mà Berengar đã tặng hay trả cho mình, cái bí mật mà giờ đây chẳng còn quan trọng nữa, vì Huynh đã có một bí mật khác khủng khiếp hơn, cháy bỏng hơn. Chuyện gì đã xảy đến với Venantius? Có lẽ vì bị lòng hiếu kỳ cuồng nhiệt như của Benno thôi thúc, và khoái chí với những điều vừa biết được, nên Venantius đã để Adelmo ăn năn một mình. Adelmo thấy mình bơ vơ bèn quyết định tự tử, tuyệt vọng đi ra nghĩa trang và tại đây đụng độ với Berengar. Adelmo nói với Berengar những lời khủng khiếp, đổ trách nhiệm lên đầu Berengar và hạ mình xuống gọi người này là thày. Thầy thực sự tin rằng câu chuyện của Berengar chính xác nếu lược bỏ các chi tiết ảo tưởng. Adelmo lập lại cho Berengar nghe những lời thóa mạ mà Jorge hẳn đã nói. Berengar bàng hoàng bỏ đi một đàng, còn Adelmo bỏ đi một nẻo để tự tử. Chúng ta suýt được chứng kiến phần còn lại của câu chuyện đó. Mọi người đều tin Adelmo bị giết chết, do đó Venantius tưởng rằng bí mật của thư viện quan trọng hơn mình nghĩ, nên tự tìm tòi, cho đến khi ai đó ngăn cản Huynh ấy, có thể trước hay sau khi Huynh ấy tìm ra điều Huynh ấy muốn.
- Ai giết Venantius? Berengar ư?
- Có thể. Hay cũng có thể là Malachi, người canh giữ Đại dinh. Hoặc có thể là một người khác. Berengar bị nghi ngờ vì Huynh ấy hoảng sợ, biết rằng lúc ấy Venantius đã nắm được bí mật của mình. Malachi bị tình nghi, vì là người canh giữ không cho ai đột nhập thư viện, giờ lại khám phá có người vi phạm điều ấy, nên giết đi. Jorge thì biết hết về mọi người, nắm bí mật của Adelmo và không muốn thầy khám phá ra điều Venantius đã tìm thấy… Có nhiều dữ kiện nhắm vào Huynh ấy. Nhưng làm sao một người mù có thể giết một người sung sức khác? Và làm thế nào một ông già, dù có tráng kiện đi nữa, lại có thể mang cái xác chết đến chiếc vại được? Cuối cùng, tại sao Benno không phải là kẻ sát nhân chứ? Huynh ấy có thể nói láo với chúng ta vì những lý do không tiện nói. Và tại sao chúng ta chỉ khép vòng tình nghi quanh những người dự phần vào cuộc tranh luận về tiếng cười? Có thể án mạng có những động cơ khác, không dính líu gì đến thư viện. Dầu sao, chúng ta cần hai thứ: tìm cách vào thư viện ban đêm và một ngọn đèn. Con kiếm đèn. Lảng vảng trong nhà bếp vào giờ ăn tối, lấy một cái…
- Ăn cắp ư?
- Mượn thôi, nhân danh Thượng đế vinh quang.
- Nếu thế thì cứ tin cậy con.
- Tốt, còn việc vào Đại dinh, tối hôm qua chúng ta đã thấy Malachi từ đâu vào. Tối nay, thầy sẽ viếng nhà thờ, và đặc biệt là nhà nguyện. Một giờ nữa chúng ta sẽ đi ăn. Sau đó, chúng ta sẽ hội kiến Tu viện trưởng. Con sẽ được theo vào, vì thầy đã yêu cầu mang theo một thư ký để ghi chép những điều Cha ấy và thầy nói.
Chú thích:
(1) Tận cùng châu Phi.