Thái Dương Huyền Công

Chương 12: Chương 12: Nhất Thiên bang hạ lạc hà phương - Phái Thiếu Lâm vì đâu nổi loạn




Biết bao điều kinh ngạc tuôn đến cho Văn Đức Chính kể từ lúc bước vào động khẩu. Trước tiên là những công phu bọn Nhất Thiên bang đã bỏ ra hầu khơi rộng con đường ruột dê nhỏ hẹp và dài thăm thẳm để có được con đường thênh thang như thế này. Điều đáng lưu tâm là con đường này được đào và giữ nguyên theo phương vị của con đường ruột dê lúc trước. Cũng ngoằn ngoèo, cũng lên cao dần, rồi lại ngang bằng và lại dốc tuột xuống vào ngay Tịnh Thân động lúc xưa.

Có khác chăng là lối vào Tịnh Thân động được đào thành từng bậc thang một, nên Văn Đức Chính dễ dàng đi xuống đến Tịnh Thân động chứ không phải lăn ào ào xuống như lần trước, lúc Văn Đức Chính bị té bay vào.

Điều ngạc nhiên thứ hai là cũng có lối ăn thông vào chỗ trước kia Văn Đức Chính đã nghe lóm được lời mật nghị giữa hai sư đồ tên Nhất Thiên bang Bang chủ. Có lẽ đây chính là Âm Dương động.

Điều ngạc nhiên thứ ba kế đó là suốt con đường thông đạo, đâu đâu cũng có gắn những viên dạ minh châu. Tuy không lớn bằng viên dạ minh châu ở bên trong Tịnh Thân động mà trước kia Văn Đức Chính đã nhìn thấy, nhưng cũng đủ để người qua lại trên thông đạo nhìn thấy đường đi một cách dễ dàng.

Và cuối cùng, điều ngạc nhiên lớn nhất làm cho Văn Đức Chính hoàn toàn sửng sốt, đó là tịnh không có một bóng người nào trên thông đạo, trong Tịnh Thân động và dường như trong Âm Dương động cũng không một âm thanh nào, một tiếng động nào chứng tỏ rằng đây là Tổng đàn của Nhất Thiên bang, một bang phái lớn nhất, có khí thế mạnh nhất lúc bấy giờ trên võ lâm Trung Nguyên.

“Bọn họ không còn ở đây nữa sao? Bọn họ dễ dàng bỏ một trụ sở nghiêm mật đến thế này sao? Lão sư phụ của tên Bang chủ Nhất Thiên bang không thiết tha gì nữa đối với Lưỡng Nghi chân quyết tam thức nữa sao?”

Đến khi Văn Đức Chính đặt chân được vào Tịnh Thân động, thì Văn Đức Chính có thể lý giải được phần nào sự bí ẩn này.

Dù Tịnh Thân động đã được dọn dẹp kỹ lưỡng, nhưng vẫn còn có những vết đào xới, tìm kiếm. Và đây là dấu vết của sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang truy tìm cho bằng được Lưỡng Nghi chân quyết tam thức hòng đạt được ý đồ luyện Lưỡng Nghi chưởng để độc bá võ lâm.

Và vẫn còn một mảnh trắng ngà sót lại trong một góc kín của Tịnh Thân động. Đó chính là mảnh vụn nhỏ của chiếc hộp đã từng chứa đựng tờ di thư và quyển kinh văn Lưỡng Nghi chân quyết tam thức của Âm Dương song lão quái hiệp.

Nhắc đến song lão, Văn Đức Chính cảm thấy đau xót cho nắm xương tàn của song lão, đã vì lòng tham không đáy của sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang mà song lão đã không yên thân dù đã chết từ lâu. Vì giờ đây, những đoạn xương trắng của song lão đã không còn ở đây nữa là nơi mà song lão đã chọn làm nơi để tịnh thân. Ắt sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang đã đập vụn ra thành bột và vất đi tứ tung trong cơn giận dữ khi họ không tìm được Lưỡng Nghi chân quyết tam thức.

Lang thang thả bước chân đi vòng vèo theo đường thông đạo, Văn Đức Chính chỉ bắt gặp ở mọi nơi, ở Âm Dương động, ở nơi đã từng là Tổng đàn Nhất Thiên bang, là những cảnh hoang vừa, bỏ phế.

Điều này có nghĩa là bọn Nhất Thiên bang đã rời đi nơi khác, đã tìm được chỗ khác để lập Tổng đàn.

Kết hợp với việc sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang đã nhúng tay vào nội bộ của Thiếu Lâm phái, nhớ lại mưu toan trước đây do tên Bang chủ Nhất Thiên bang đã hiến kế cho sư phụ hắn, Văn Đức Chính hiểu rằng sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang đã hoàn toàn tuyệt vọng khi không tìm được Lưỡng Nghi chân quyết tam thức. Bất đắc dĩ bọn họ phải trao cho Thiên Nhất đại sư phần Dương quyết để luyện tập. Hầu sau này cả hai hợp chưởng tiến tới hoàn thành mộng đồ bá võ lâm Trung Nguyên, thỏa mãn tham vọng cuồng loạn của bọn họ.

Bước ra phía ngoài Tổng đàn Nhất Thiên bang thì trời đã tối. Văn Đức Chính ngơ ngẩn, không biết phải đi đâu bây giờ?

Đi về đâu để truy tìm thù gia, tìm kẻ đã gây nên mối hận cho sư môn? Trong lúc dụ dự bất quyết, Văn Đức Chính tình cờ đi theo hướng của các nhân vật võ lâm đã đi trong ngày.

Chắc lưỡi một cái, Văn Đức Chính liền tung người lướt nhanh vào bóng đêm mù mờ, xuôi thẳng về phía Nam...

... Năm ngày đường ròng rã đã trôi qua. Lúc này trời đã về chiều. Văn Đức Chính đứng từ xa nhìn ngọn Thiếu thất sơn đang sừng sững trước mặt. Văn Đức Chính do dự.

“Ta đến đây để làm gì? Nội tình của Thiếu Lâm phái há ta có thể chen vào được sao? Và dẫu có chen vào, thì liệu có cách nào ta có thể vạch mặt lão đại sư Thiên Nhất không? Bằng chứng đâu?”

Đang lúc chưa biết phải làm thế nào, còn đang thơ thẩn tại con đường chính dẫn lên Thiếu Lâm tự thì trong bóng chiều chập choạng một bóng trắng. Không, không phải trắng, mà là một bóng nhân ảnh có y phục màu hồng nhạt đã vụt một cái, lướt qua ngay bên người Văn Đức Chính và lao nhanh như tên bắn, ly khai khỏi Thiếu Thất sơn. Để lại quanh chỗ Văn Đức Chính đang đứng một mùi thơm dìu dịu, và tan loãng dần vào không gian đang dần dần nhạt nhòa.

“Là nữ nhân? Sao lại có nữ nhân từ trên Thiếu Lâm tự đi xuống? Đây không phải là điều cấm kỵ từ thuở nào của Thiếu Lâm phái hay sao?”

Mãi lo cảm nhận về sự hiện diện hoàn toàn phi lý của một nữ nhân trong giữa muôn ngàn cao tăng đắc đạo của Thiếu Lâm phái, Văn Đức Chính hầu như không lưu tâm đến thân pháp thập phần xảo diệu của nữ nhân bí ẩn.

Và dù cho Văn Đức Chính có muốn nghĩ đến điều đó đi chăng nữa, thì cũng không sao nghĩ kịp. Vì tiếp ngay sau đó, một loạt những bóng dáng của các nhà sư đã xuất hiện.

Bọn họ lẳng lặng đứng vây quanh Văn Đức Chính, vô hình chung Văn Đức Chính trở thành trung tâm điểm của một nhóm người đầu cạo trọc gồm khoảng hơn hai mươi vị, nhưng không đến ba mươi vị.

Văn Đức Chính không cần phải đếm, chỉ cần đưa mắt nhìn qua một lượt, qua sự dạy dỗ cẩn thận của sư phụ, Văn Đức Chính bằng cái nhìn quan sát tinh tế, đã nhận thấy ngay những nhà sư này đang đứng thành từng tiểu tổ, và mỗi tiểu tổ là ba người.

“Không đến mười tiểu tổ, nhưng lại nhiều hơn bảy tiểu tổ! Rất có khả năng đây là Tam cửu nhị thập thất nhân La Hán trận! Điều này có nghĩa là... tăng chúng Thiếu Lâm đang xem ta là đại địch! Kỳ quái thật!”

Luồng tư duy của Văn Đức Chính nhanh hơn cái chớp mắt, và sau đó, để chứng minh cho Văn Đức Chính thấy... quả đây là La Hán trận thì các tăng chúng Thiếu Lâm phái bắt đầu động thân! Và hai mươi bảy lỗ miệng đã bắt đầu hé ra rập ràng cung niệm Phật hiệu...

- A... Di... Đà... Phật...!

Lần niệm Phật hiệu trước vừa dứt thì luồng hợp kình của hai mươi bảy nhà sư đã tuôn trào ra, ép chặt vào Văn Đức Chính còn đang ngẩn ngơ đứng ngay giữa trung tâm trận!

Lần niệm Phật hiệu thứ hai vừa được khởi xướng, thì bóng nhân ảnh của bọn tăng chúng Thiếu Lâm đã bắt đầu xoay chuyển.

May cho Văn Đức Chính và đây không hiểu có phải là điều may mắn cho Thiếu Lâm phái hay không? Vì đã có tiếng quát lớn, in như là tiếng Sư Tử Hống, một trong thất thập nhị tuyệt kỹ của Đạt Ma lão tổ lưu truyền, vang vọng vào đúng hai mươi tám đôi tai thính nhạy của tất cả mọi người đương cuộc, kể cả Văn Đức Chính.

- Dừng tay!

Tăng chúng Thiếu Lâm phái quả là có môn qui nghiêm ngặt. Vừa nghe có tiếng quát tháo dừng lại, thì câu niệm Phật hiệu liền tắt ngang dỡ chừng. Đồng thời hai mươi bảy tấm cà sa đang dời động liền ngưng thân lại ngay tức khắc.

Một vị đại sư, tuổi ước chừng ngoài ba mươi, có lẽ là vị đứng đầu điều động La Hán trận đã kịp thời lên tiếng :

- A di đà Phật! Sư huynh có điều gì phân phó?

Hóa ra, vị đã quát bảo dừng tay chính là Không Tâm đại sư, là sư huynh, sư bá của những tăng chúng đang dàn La Hán trận ở đây.

Không Tâm đại sư không đáp lại lời cho vị đại sư vừa hỏi, mà đã vội vàng nói với Văn Đức Chính ngay lúc đại sư hiện thân đứng vào trung tâm trận, gần ngay bên Văn Đức Chính :

- Là Văn thiếu hiệp sao? Thiếu hiệp sao lại đến tệ phái vào giờ này? Và khéo làm sao đã gây sự hiểu lầm cho tăng nhân bổn tự!

Đoạn quay sang vị đại sư đứng đầu nhóm tăng nhân đang bày La Hán trận, Không Tâm khẽ trách :

- Nhất Thiện sư đệ! Sư đệ không nhận ra vị thí chủ đây là vận y phục toàn trắng sao? Sao sư đệ lầm lẫn trông gà hóa cuốc, màu hồng và màu trắng sư đệ không phân biệt được hay sao?

Tiếp đó, Không Tâm đại sư nghiêm giọng và hạ lệnh :

- Còn không mau tản ra, truy tầm nguyên hung à?

Nhất Thiện đại sư đáp :

- Sư huynh! Dẫu sao vị thí chủ này bỗng dưng xuất hiện ở đây... có khả năng là đồng bọn với nguyên hung. Biết đâu đây là kế hoãn binh của bọn họ?

- A di đà Phật! Ta không trách sư đệ đã nghĩ thế, vì sư đệ không biết rõ Văn thí chủ đây bằng ta! Đi đi! Việc ở đây đã có ta chủ trì.

Nhất Thiện đại sư lại nói, trước khi dẫn toàn bộ tăng chúng lui đi :

- Được! Mọi trách nhiệm sau này trước Phương trượng, sư huynh tự chịu lấy vậy!

Nghe những lời đối đáp giữa Không Tâm đại sư và Nhất Thiện đại sư, Văn Đức Chính đã có phần nào hiểu được. Do vậy, Văn Đức Chính liền lên tiếng can ngăn :

- Nhất Thiện đại sư! Hãy nghe tại hạ nói đây! Tại hạ hoàn toàn không có liên can gì đến nguyên hung nào đó mà các vị vừa nói! Nhưng đại sư cũng không cần phải phí công truy tầm nguyên hung nữa! Vì...

- Vì sao thế, Văn thí chủ?

Đáp lời Không Tâm đại sư quá nhanh miệng hỏi, Văn Đức Chính vừa nhún vai, vừa nói :

- Vì tại hạ tin rằng nguyên hung đã đi xa lắm rồi! Nguyên lúc tại hạ vừa đến đây, thì đã kịp nhìn thấy bóng dáng một nữ nhân, y phục toàn hồng, đã lao nhanh qua người tại hạ! Bằng vào thân pháp đó, thì dù các vị có đuổi theo ngay lúc đó, tại hạ e các vị cũng không sao đuổi kịp. Huống chi là đã phí biết bao thời gian từ nãy đến giờ!

Nhất Thiện đại sư mắt lấp loáng hàn quang, hỏi lại bằng giọng giận dữ nhưng đã được đại sư kềm nén :

- Sao thí chủ biết rõ đấy là nữ nhân? Nếu thí chủ không là đồng bọn, thì làm sao thí chủ biết được điều mà ta không biết?

Dù khiêm tốn đến mấy, Văn Đức Chính cũng phải nói :

- Thân pháp của bóng hồng tuy khá nhanh nhưng với dáng người tha thướt, lại có mùi hương thoang thoảng để lại, thì tại hạ làm sao không phân biệt được đấy là nam hay nữ nhân? Đại sư khéo hỏi!

Không Tâm đại sư thấy càng lúc Nhất Thiện đại sư càng thêm nghi ngờ Văn Đức Chính, đại sư bèn lên tiếng giải thích :

- Sư đệ chắc chưa biết, Văn thí chủ đây tuy dáng vẻ bên ngoài bạc nhược yếu đuối nhưng lại ẩn tàng thần công tuyệt thế hơn người! Sanh mạng của ta và Không Trí sư đệ năm ngày trước đây còn lưu giữ được toàn là nhờ Văn thí chủ đây ban cho! Thôi, không phải nói nữa! Bần tăng tin chắc rằng Văn thí chủ đây đã nói điều gì ắt điều đó không sai!

Bỗng dưng Không Tâm đại sư đổi cách xưng hô, tự xưng là “bần tăng”, thì Nhất thiện đại sư biết ngay là Không Tâm đại sư đã quyết lòng dùng thân phận vừa là sư huynh, vừa là Phật môn đệ tử cao niên hơn khẳng định mọi điều Văn Đức Chính nói. Và không hài lòng khi thấy Nhất Thiện đại sư cứ tiếp tục nghi ngờ đối với bạch y thư sinh này!

Hiểu rõ tâm ý của Không Tâm đại sư khi đại sư bảo “Văn Đức Chính nói điều gì, thì điều đó chắc chắn là không sai” nên Văn Đức Chính liền ứng tiếng, cả quyết nói :

- Tại hạ có thể lập thệ, bảo đảm những điều tại hạ nói đều đúng cả! Đại sư tin hay không là tùy ở đại sư!

Đấy là Văn Đức Chính nói với Nhất Thiện đại sư, nên bất đắc dĩ Nhất Thiện đại sư đành phải nói :

- Bần tăng lỡ lời! Thí chủ thứ cho!

Nhìn vẻ mặt của Nhất Thiện đại sư khi dẫn đầu hai mươi sáu tăng nhân bỏ đi, Văn Đức Chính dư biết Nhất Thiện đại sư vẫn không tin lời mình nói! Nhưng cháy nhà... lòi mặt chuột, Văn Đức Chính không buồn lưu tâm đến làm gì!

Đợi tốp tăng nhân đã đi khuất dạng, Văn Đức Chính định lên tiếng hỏi rõ đầu đuôi tự sự thì Không Tâm đại sư đã lên tiếng trước :

- Văn thí chủ! Bần tăng quả có lỗi với thí chủ khi hôm trước đột ngột bỏ đi! Còn việc hôm nay vì hiện tình tệ tự có nhiều rối loạn, thí chủ đừng chấp nhặt làm gì. Đây, thí chủ xem đây. Bỗng dưng có người lưu lại tờ hoa tiên này ngay cánh cổng Đại hồng môn, hỏi làm sao mà tệ sư đệ Nhất Thiện lại không nghi ngờ... à, hiểu lầm Văn thí chủ cho được?

Đỡ lấy tờ hoa tiên trên tay Không Tâm đại sư trao ra, Văn Đức Chính đọc thấy có ghi :

“Cảnh báo Thiếu Lâm!

Nếu quý phái còn nghị hòa với Nhất Thiên bang thì đừng trách bản nhân xem Thiếu Lâm là a tòng!

Khi đó, máu hồng nhuộm đỏ sân Thiếu Lâm thiền viện cũng đừng trách bản nhân đã không cảnh báo trước!”

Phía dưới tờ hoa tiên không có thư danh, thay vào đó là vài nét nguệch ngoạc trông tờ tợ như quần thể những đỉnh núi nhọn, cao! Trên đỉnh cao có một chữ nhỏ viết theo lối chữ thảo! Đó là chữ tiên!

Có vậy thôi! Nhưng cũng làm cho Văn Đức Chính thấy gai gai người.

“Có phải đây là người mà... Âm Dương song lão quái hiệp đã ám chỉ?... Tiên? Tiên gì? Một người, hay nhiều người? Chính hay tà? Sao lại chống đối Nhất Thiên bang? Đã thế sao lại gây nỗi niềm oan khiên cho Âm Dương song lão quái hiệp? Hay là Âm Dương song lão quái hiệp không phải là chánh phái mà là tà môn?”

Nhìn thấy Văn Đức Chính bần thần một lúc lâu không nói điều gì, Không Tâm đại sư sốt ruột hỏi :

- Văn thí chủ có nhận được đấy là ai không? Thí chủ có quen biết không?

Lắc đầu, Văn Đức Chính đáp khẽ :

- Tại hạ không biết đâu? Duy có điều, tại hạ nghĩ hoài mà không ra, đây là bang phái nào, dám ngang nhiên khiêu chiến với Nhất Thiên bang? Và tại sao lại phải cảnh báo quý phái? Chẳng lẽ nhóm người này nghi ngờ điều gì đó ở quý phái, cho quý phái có ý định tiếp tay cùng Nhất Thiên bang à?

Không Tâm đại sư cúi đầu xuống, lẩn tránh cái nhìn dò hỏi của Văn Đức Chính, và thở dài một hơi đoạn nhẹ giọng đáp :

- Đấy cũng là do tân Chưởng môn Phương trượng tệ tự là Thiên Nhất sư thúc mà ra cả! Vừa giữ được thiền trượng phương trượng, là Thiên Nhất sư thúc đã hạ lệnh cấm toàn bộ tăng nhân tệ tự gây hấn với người Nhất Thiên bang! Nói là để gìn giữ Thiếu Lâm khỏi sa vào vũng nước xoáy của cõi đời ô trọc này! Đang khi bấy lâu nay, toàn thể giang hồ võ lâm Trung Nguyên đã xem tệ phái như là Thái sơn Bắc đẩu, đã luôn luôn tin tưởng vào sự dẫn đầu của tệ phái mỗi khi võ lâm Trung Nguyên gặp đại họa! Thế mà lần này...

- Đại sư! Có phải quý sư thúc đang bế quan luyện công phải không?

Không Tâm đại sư bán tín bán nghi, nhìn chòng chọc vào Văn Đức Chính, hạ thật thấp giọng và hỏi :

- Sao Văn thí chủ biết?

Văn Đức Chính bỗng cảm thấy toàn thân ớn lạnh! Không đáp lại câu hỏi của Không Tâm đại sư mà Văn Đức Chính lại vội vàng thấp giọng hỏi :

- Đã bao lâu rồi? Hai năm? Một năm? Hay chỉ mới đây thôi?

Dù nghi ngờ Văn Đức Chính nhưng trước những câu hỏi dồn dập, xem ra là quan trọng của Bạch y thư sinh này, Không Tâm đại sư không thể nhíu mày... nhớ lại :

- Đâu như là... cũng gần hai năm rồi thì phải! Có việc gì quan trọng lắm à?

Dù người tận mắt chứng kiến cảnh hãi hùng, cũng không thể nào thất sắc bằng Văn Đức Chính lúc này.

Vì Văn Đức Chính không ngờ mưu đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang lại được tiến hành một cách nhanh chóng như vậy!

Có nghĩa là việc giao lại cho Thiên Nhất đại sư cương vị Chưởng môn Phương trượng đúng là do bàn tay của Bang chủ Nhất Thiên bang nhúng vào rồi.

Một là để đáp ứng lại tham vọng của Thiên Nhất đại sư. Hai là để...

- Quý phái có tiên đan diệu dược gì làm tinh tiến công lực bản thân không?

Lần này thì Không Tâm đại sư không thể không hỏi với vẻ đặc biệt nghi ngờ :

- Tại sao thí chủ quan tâm đến việc này?

Không Tâm đại sư chỉ cần hỏi có bấy nhiêu thôi thì Văn Đức Chính cũng đã hiểu hết toàn bộ sự thật.

Mắt tóe hào quang, Văn Đức Chính lạnh mặt lại chẳng khác nào đã hóa đá, khiến cho Không Tâm đại sư thần tình mười phần lo sợ.

Sợ cho Thiếu Lâm phái đang gặp tình trạng cực kỳ khốn đốn. Sợ Văn Đức Chính không phải là người như đại sư đã nghĩ. Mà là loại người đang có định ý gì đó có hại cho Thiếu Lâm phái!

Do đó, đại sư Không Tâm đứng yên, chờ phản ứng của Văn Đức Chính để xác định lại xem Văn Đức Chính là địch nhân hay bạn hữu?

Dứt mạch suy tư, Văn Đức Chính nghiêm giọng lại, hỏi nhỏ Không Tâm đại sư :

- Trong quý phái hiện giờ, ngoài quý sư thúc ra, còn vị nào quyết định được cho vận mệnh toàn thể tăng nhân quý phái?

Thấy ánh mắt của Không Tâm đại sư thể hiện ý nghi ngờ, Văn Đức Chính phải giải thích thêm, kèm theo đó là lời cam đoan :

- Đại sư đừng nghi ngờ thiện ý của tại hạ. Vì điều tại hạ sắp tỏ bày đây liên quan mật thiết đến vận mệnh võ lâm Trung Nguyên, chứ không riêng gì quý phái! Do đó tại hạ cần gặp được những vị đại sư được toàn thể tăng nhân quý phái trọng vọng.

Không Tâm đại sư suy nghĩ một lúc, đoạn dè dặt đáp :

- A di đà Phật! Điều này bần tăng không thể tự ý quyết định được! Văn thiếu hiệp không thể nào nói rõ hẳn được sao?

Văn Đức Chính chỉnh dung lại nghiêm giọng nói :

- Không phải tại hạ không tin tưởng đại sư! Nhưng tại hạ không thể nói với đại sư được. Một là đại sư không sao định đoạt được trước vấn đề trọng đại này! Hai nữa là... tại hạ sợ cho tính mạng của đại sư khó toàn mạng một khi đại sư biết được điều bí mật này!

Không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế. Không Tâm đại sư dù không tin Văn Đức Chính cũng phải cảm thấy lo sợ. Sợ cho tánh mạng bản thân thì ít, nhưng sợ cho trách nhiệm đại sự phải gánh vác sau này nếu đại sư để lỡ việc thì nhiều hơn! Nên Không Tâm đại sư liền nói :

- Như đã có nói là do bần tăng không quyết định được! Bây giờ Văn thí chủ ngụ ở đâu? Nếu có gì, sau khi thỉnh thị ý kiến của chư vị sư thúc xong, bần tăng sẽ đến liên lạc với Văn thí chủ!

Văn Đức Chính ngớ người ra vì vừa đi đến vùng này, Văn Đức Chính đã đến ngay nơi này, nên nào có chỗ trú ngụ đâu mà bảo rõ cho Không Tâm đại sư đây?

Ngẫm nghĩ một lúc, Văn Đức Chính bèn nói :

- Thế này vậy, phía trước không xa, cách nơi này chừng năm dặm có một khoảng rừng thưa! Tại hạ sẽ ở lại đó chờ đại sư đến canh ba! Gặp đại sư xong, tại hạ sẽ liệu tính tìm chỗ ngụ sau vậy! Được không?

Khi thấy Không Tâm đại sư gật đầu biểu thị ý tán đồng, Văn Đức Chính liền quay người bỏ đi đến đó ngay.

Vào đến cánh rừng thưa, do lần đi đến Thiếu Lâm tự, Văn Đức Chính đã nhìn thấy, chàng tìm một chỗ khuất để ẩn mình, lo lắng chờ Không Tâm đại sư, chờ thời gian trôi dần đến canh ba.

Chốc chốc, những luồng gió đêm mát mẻ thổi qua chỗ Văn Đức Chính ẩn thân, và luồng gió xoay vần quanh quẩn lướt qua lướt lại trong cánh rừng thưa. Khi thì từ ngoài sơn đạo đưa vào, khi thì từ tả, từ hữu, hoặc từ phía hậu Văn Đức Chính đưa đến.

Bất chợt, khứu giác của Văn Đức Chính bắt được mùi thơm dìu dịu... quen thuộc! Định thân nhớ lại, Văn Đức Chính vẫn ngồi yên, hướng vào thinh không mà nói :

- Cô nương đã hiện diện sao lại không ra mặt để đàm đạo?

Chung quanh hoàn toàn vắng lặng như tờ, ngoài âm thanh vừa phát ra của Văn Đức Chính tịnh không một âm thanh hồi đáp.

Văn Đức Chính lại nói :

- Tùy ở cô nương vậy! Xét ra, phàm nhân tục tử như tại hạ làm sao có phúc hậu gặp gỡ tiên nhân!

Ngay lập tức có tiếng thánh thót của một nữ nhân đưa đến :

- Khá lắm! Đã biết bản nhân có mặt tại đây, lại còn biết bản nhân là... tiên nhân nữa! Các hạ quả là bất phàm! Chẳng những về võ công mà phần kiến thức cũng uyên bác lắm!

Cả cười, Văn Đức Chính thật tâm nói, không dám khoa trương :

- Võ công cô nương mới là bất phàm! Tại hạ không dám nhận lời khen của cô nương đâu! Thật ra tại hạ biết sự hiện diện của cô nương chẳng qua là nhờ vào khứu giác mà thôi! Còn việc biết cô nương thuộc giới tiên, cũng là do tại hạ có xem qua tờ hoa tiên cô nương gởi lại Thiếu Lâm phái mà thôi!

- Khứu giác! Sao lại có khứu giác ở đây? Môn công phu gì lạ thế, các hạ?

Văn Đức Chính không nén được tiếng cười vui nhộn :

- Ha ha ha...! Cô nương chẳng lẽ đã quên lần đụng mặt bất ngờ ngay chân núi Thiếu Thất lúc chiều rồi sao? Lúc cô nương lướt qua người tại hạ bằng thân pháp tinh xảo, tuy tại hạ không có hân hạnh nhìn được dung nhan tuyệt mỹ của cô nương, nhưng vẫn ngửi được mùi hương do cô nương lưu lại! Lúc này, cũng nhờ vào mùi hương đó, tại hạ mới phát hiện được sự hiện diện của cô nương!

- Các hạ... quả là bạo mồm bạo miệng!

- Cô nương thứ lỗi cho! Tại hạ quen tánh mất rồi, có thế nào tại hạ nói thế ấy! Thật tâm, tại hạ không dám xúc phạm đến cô nương đâu!

Đến đây, không gian lại tiếp tục tĩnh mịch! Dù Văn Đức Chính có vận dụng toàn bộ thính giác lên để nghe ngóng, vẫn không sao phát hiện được hồng y giai nhân đang ẩn thân nơi đâu! Đó là đã được nghe giai nhân phát thoại một lúc lâu rồi chứ chẳng không! Văn Đức Chính thầm thán phục võ công của hồng y giai nhân! Võ công cao đến bậc này, khiến cho Văn Đức Chính phải nghi ngờ.

“Có đúng là Âm Dương song lão quái hiệp đã ám chỉ đến bọn này không? Võ công này, thân thủ này, mười phần đứng đến chín! Nhưng ta phải dọ hỏi làm sao đây? Nhỡ cô ta không nhận thì sao? Vì nếu có phải thì chắc là không do cô ta, mà là bậc trưởng thượng của cô ta thì đúng lý hơn!”

Thấy đã lâu không nghe Văn Đức Chính hỏi han hoặc nói thêm gì nữa, cô nàng dường như không nhịn được, bèn lên tiếng :

- Sao các hạ lại không nói nữa? Nếu vậy, hãy nghe bản nhân hỏi đây.

- Cô nương muốn hỏi điều gì? Vả lại...

- Vả lại... làm sao?

- Nói chuyện thế này, kẻ Nam người Bắc, tại hạ nhận thấy nó làm sao ấy!

- Làm sao là làm sao? Các hạ há không biết rằng phàm nhân tục tử không được quyền tiếp xúc với tiên nhân sao?

- Cô nương là tiên nhân thật sao?

- Thì chính các hạ đã nói như thế ngay từ đầu rồi kia mà?

- Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình! Nói như thế, tại hạ quả là có diễm phúc hơn người! Thôi được, tiên nữ muốn hỏi gì thì hỏi đi! Nếu biết tại hạ xin hồi đáp ngay, không hề giấu diếm!

- Bản nhân chỉ e... các hạ không muốn nói mà thôi!

- Sao lại không muốn? Tiên nữ biết chắc như thế à?

Nghe Văn Đức Chính thay đổi lối xưng hô, luôn gọi nàng ta là tiên nữ, nàng ta bất giác cười lên khúc khích, đoạn hỏi :

- Các hạ... muốn mật báo điều gì với Thiếu Lâm phái mà không dám cho Thiên Nhất lão trọc biết?

Kinh ngạc, Văn Đức Chính không đáp ngay mà lại hỏi :

- Sao? Té ra lúc tại hạ và Không Tâm đại sư luận bàn, cô nương vẫn quanh quẩn gần đó sao? Cô nương táo gan thật! Há cô nương không biết hành động của cô nương đã làm cho toàn thể tăng chúng Thiếu Lâm phái phải động nộ sao?

Đáp lại, vị hồng y giai nhân nói bằng giọng ngạo thế khinh đời :

- Hừ! Bọn họ động nộ thì đã sao? Liệu bọn họ nếu tìm được bản nhân thì đã làm gì được bản nhân nào?

Khẽ nhíu mày, Văn Đức Chính có hơi khó chịu trước lối trịch thượng, xem dưới mắt không người này. Do đó, Văn Đức Chính liền lên tiếng đề tỉnh cô nàng :

- Thiếu Lâm phái tuyệt kỹ hơn người, đã là Thái sơn Bắc đẩu hàng bao nhiêu năm nay. Cô nương nói như thế... cô nương có nghĩ là cô nương đã quá xem thường Thiếu Lâm phái hay không? Huống chi...

- Huống chi thế nào? Thiếu Lâm phái có gì đáng sợ chứ? Các hạ không thấy sao, đến đuổi theo bản nhân bọn trọc đầu đó còn không đuổi kịp, nói gì đến những việc khác? Tới đây, nếu bọn Thiếu Lâm không nghe theo lời cảnh báo của bản nhân, lúc đó các hạ sẽ thấy tuyệt kỹ của Thiếu Lâm có là gì so với bản nhân không cho biết nhé!

Người ta đã nói như thế thì Văn Đức Chính còn gì nữa để nói thêm! Tuy nhiên, Văn Đức Chính vần lẩm bẩm :

- Đợi đến sau này gặp được Thiên Nhất đại sư cô ta ắt hết huênh hoang ngay mà thôi.

Cô nương dù có tài thông thiên triệt địa, vẫn không làm sao nghe rõ trọn câu mà Văn Đức Chính vừa lẩm bẩm. Do vậy, cô nàng bèn bực tực, lên tiếng hỏi :

- Các hạ vừa bảo gì? Thiên Nhất là Thiên Nhất làm sao? Thế nào? Các hạ có muốn trả lời hay không nào?

- Trả lời gì?

- Thì... trả lời câu hỏi của bản nhân lúc nãy đó! Các hạ muốn mật báo điều gì đến phái Thiếu Lâm?

Nhớ ra, Văn Đức Chính à lên một tiếng, đoạn vừa lắc đầu, vừa đáp :

- Đương nhiên thì tại hạ phải đáp, nhưng không phải là bây giờ đâu!

- Tại sao chứ!

- Đàng nào tại hạ cũng nói ra một lần, sao cô nương không nán chờ thêm một lát nữa? Đợi Không Tâm đại sư đưa người đến, tại hạ nói với họ, và cô nương ẩn thân gần đây vẫn nghe được cơ mà!

Văn Đức Chính thì nói lời thật tâm, nhưng cô nương hồng y thì lại nghĩ khác. Do đó, vừa nghe Văn Đức Chính nói xong, nàng ta đã hừ nhạt bằng giọng mũi, đoạn nói :

- Ra các hạ mắng khéo bản nhân là người chuyên đi nghe lén và thiếu quang minh lỗi lạc ư?

Biết nàng ta đã hiểu lầm ý của mình, nên Văn Đức Chính vội vã thanh minh :

- Cô nương đừng hiểu sai ý của tại hạ! Tại hạ nào dám nghĩ như thế về cô nương! Cô nương có nghe tại hạ nói không? Cô nương! Tiên nữ! Cô nương gì đó ơi!

Gọi luôn một lúc mấy tiếng, Văn Đức Chính hoàn toàn không nhận được một tiếng hồi âm...

Văn Đức Chính lúc đó mới biết là cô nàng đã không còn ở đây nữa! Cô ta đã giận dỗi bỏ đi rồi!

“Hay thật! Công phu này... ta không sao bằng được! Nàng ta là ai? Trú sở nơi nào? Hừ... nữ nhân sao lại mau giận dỗi thế nhỉ?”

Thế là chỉ còn mỗi mình Văn Đức Chính ở lại cánh rừng thưa, hiu hắt giữa đêm trường tịch mịch này.

Để đốt thời gian, Văn Đức Chính vẫn cứ ngồi yên, thổ nạp một lúc để dưỡng thần. Vừa đủ một tiểu chu thiên, Văn Đức Chính mở mắt ra, ngẩng đầu lên nhìn sao đêm để ước lượng thời gian.

“Đã quá canh ba rồi sao không thấy ai đến vậy? Bọn họ không tin lời ta sao?... một khi họ đã không tin thì ta dù có tìm cách lẻn vào Thiếu Lâm tự tra xét tỏ tường cũng không sao làm được! Làm cách nào vạch mặt Thiên Nhất đại sư để cho họ tin đây?”

Thở dài áo não khi Văn Đức Chính không tìm được kế sách khả thi...

“Toi công! Nhưng dù sao những lời mập mờ ta đã nói qua cho Không Tâm đại sư nghe, ắt cũng đủ để cảnh giác bọn họ phần nào về con người của Thiên Nhất đại sư rồi!”

Cũng được an ủi phần nào, Văn Đức Chính vừa nghĩ thầm, vừa băng mình vào bóng đêm dày đặc, ly khai hẳn Thiếu Thất sơn.

Văn Đức Chính vừa bỏ đi, thì ngang chỗ đó đã xuất hiện ngay một bóng người vận y phục tuyền một màu đen.

Bóng người này xạ hai tia hàn quang nhìn theo phía sau lưng Văn Đức Chính, đoạn nhẹ gật gù, như đã có định ý, và băng mình đuổi theo Văn Đức Chính.

Chim tước rình bắt bọ ngựa, đâu ngờ phía sau nó lại có gã thợ săn. Bóng đen vừa lướt đi, thì liền có một bóng trắng nhợt nhạt nhẹ nhàng đuổi theo ngay. Thân pháp của bóng người thứ ba này chập chờn, nhẹ nhàng lượn lờ trong gió đêm, khiến cho bóng đen phía trước không làm sao phát hiện được dù cho bóng trắng chỉ cách bóng đen không đầy hai trượng! Trong khi bóng đen đó chỉ dám đuổi bám theo Văn Đức Chính xa xa, khoảng cách ước chừng hơn mười trượng là ít!

Có như thế, Văn Đức Chính mới không phát hiện ra có người theo dấu. Ba người rồng rắn nối đuôi nhau đi hầu như trọn nửa đêm về sáng! Văn Đức Chính đi đâu thì hai người phía sau đi theo đến đấy. Đến khi bóng đen đi giữa hiểu ra rằng Văn Đức Chính đi mà không có chủ đích, liền nản lòng, từ từ ngừng chân lại.

Hắn ta định đứng nghỉ mệt một hồi, sẽ quay về nơi mà hắn đã xuất phát. Nào ngờ, hắn vừa ngừng chân thì đã nghe đau nhói một cái phía sau lưng, và hôn mê bất tỉnh.

Không để thân hình tên này ngã xuống đất, bóng trắng đàng sau đã điểm hôn huyệt tên này liền vươn hữu thủ, xách cổ áo của hắn lên! Và lôi hắn nhẹ như không tạt ngang vào sâu hơn trong vệ đường.

Đến một chỗ thật khuất, bóng trắng nhợt nhạt này bèn đặt tên nọ xuống và giải huyệt cho hắn.

Vừa mở mắt ra, tên này đã lớn tiếng rủa :

- Mẹ kiếp! Tên nào dám phá bĩnh công việc của lão gia?

- Bốp! Bốp!

Hắn chưa nói tròn câu thì đã ăn ngay hai cái tát tai nảy lửa! Hắn vừa định há miệng mắng tiếp thì đã nghe có tiếng người rít nhẹ vào tai hắn :

- Chỉ một lời nhơ bẩn từ miệng ngươi tuôn ra, bản nhân sẽ cho ngươi về chầu Diêm chúa ngay tức khắc!

Mắt hắn ta chợt hoa lên một cái và liền đó hắn đã thấy ngay trước mặt hắn là một giai nhân tuyệt sắc, nhưng lại có khuôn mặt lạnh toát như băng đang trừng trừng nhìn hắn.

Một lần nữa hắn lại bị hoa mắt! Và gió... gió thổi vào mặt hắn nghe mát rượi. Té ra, chiếc túi vải trùm đầu của hắn đã bị giai nhân nọ vươn tay lột bỏ ra khỏi đầu hắn.

- Ra là tên hắc đạo mạo nhận nhà sư! Nói! Ai sai phái ngươi đến đấy? Sao lại phải theo dấu... à... theo dấu gã thư sinh kia?

Cô nàng tưởng đâu tên này nghe lời hăm dọa của nàng nên từ nãy giờ hắn không dám mắng nữa, mặc tình cho nàng muốn làm gì, hỏi gì hắn cũng được. Nào ngờ không phải thế!

Mà là do hắn còn đang ngơ ngẩn ngắm nhìn dung nhan tuyệt mỹ của nàng! Đến khi hắn nghe giai nhân tuyệt sắc hùng hùng hổ hổ tra vấn hắn liền một lúc mấy câu hỏi, hắn liền giận lên, há miệng nói liền một thôi, một hồi :

- Tiện tỳ láo xược! Sao dám đánh vào mặt lão gia? Con tiện nhân mi là ai? Bang phái nào? Tư cách gì mà mi dám tra vấn lão gia hử? Mi có biết là mi động phạm đến lão gia là mi đã động phạm đến ai không hử? Con tiện tỳ thối tha! Con tiện nhân có mắt mà không có tròng!

Chắc có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, cô nàng giai nhân tuyệt sắc này mới bị người mắng, mới “được” nghe những lời “mỹ miều” như thế này. Cho nên, nàng ta đứng chết sững, hoàn toàn quên đi tất cả những lời đã nói trước đó. Kể cả câu hăm dọa nàng đã thốt ra. Nếu một khi tên này tuôn ra những lời nhơ bẩn thì nàng ta sẽ giết hắn ngay!

Nhìn gương mặt hoàn toàn trắng bệch của cô nàng giai nhân tuyệt sắc, tên nọ ngỡ nàng ta đã sợ. Sợ rằng đã vô tình động phạm đến lão gia là động phạm đến... nên hắn cười lên hô hố và nói thêm nữa :

- Hố... hố... hố...! Ôi trông bản mặt của con tiện tỳ thật đáng “ghét” chưa! Thôi nào! Nói thế chứ lão gia không có bắt tội mỹ nhân đâu! Nàng còn không mau mau tạ lỗi lão gia à?

- Tạ lỗi này!

Bốp! Ngọc thủ của nàng đã theo ngay câu nói, vỗ xuống chiếc đầu của tên hắc đạo đã được cạo trọc bóng, mạo danh nhà sư Thiếu Lâm phái, khiến cho đầu của tên nọ vỡ ra nát bét!

Thế là... rốt cuộc cô nàng vẫn không làm sao tìm hiểu được tên này là ai? Tại sao hắn lại theo dõi gã thư sinh nọ? Và hắn đã tuân theo lệnh của ai?

Chán nản, cô nàng bỏ thi thể hắn ta nằm đó và lao mình bỏ đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.