Gần đến ngày nghỉ, mặc dù chỉ được nghỉ có ba ngày rưỡi nhưng trạng thái của các bạn học sinh đã trở nên nôn nóng.
Các bài thi đã phát ra, dựa theo số lượng bài tập thì cơ bản là không cho học sinh có nhiều thời gian rảnh. Phương Chước bớt thời gian làm mấy bài, sợ sau khi đến nhà Diệp Vân Trình thì không có thời gian.
Ngày thứ 6 càng lúc càng đến gần, Phương Chước cũng trở nên có hơi lo lắng. Chủ yếu là cô và Diệp Vân Trình cũng không thân thiết, lần trước tới là bất thình lình, tưởng rằng sẽ không gặp lại nữa, lúc này không biết nên dùng thái độ gì để cư xử.
Một phần cô cảm thấy bản thân không nên hao tâm tổn trí suy nghĩ quá nhiều đến loại chuyện này, sắp phải thi đại học rồi. Có lẽ Diệp Vân Trình giống Phương Dật Minh, chỉ có một chút yêu thương lấy lệ. Muốn nói thân thiết, hai người còn chưa ở chung với nhau thì có quan hệ thân thiết gì? Huống chi hai người bọn họ ngay cả huyết thống cũng không phải là thân cận nhất.
Nhưng mặt khác, trong lòng cô không nhịn được mà ngứa ngáy dày đặc, tưởng tượng Diệp Vân Trình là một người rất rất tốt. Những người cô đơn lẻ loi giống nhau luôn không nhịn được mà muốn đến gần, giống như thiêu thân vây quanh ánh đèn, cho dù là lửa lạnh trở thành nắng nóng.
Phương Chước lấy chai nước khoáng vỡ để tưới nước vào bồn hoa trên bệ cửa sổ, lẳng lặng nhìn mấy bọt nước lung linh rơi xuống lá cây rồi hoá thành những giọt nước tròn vo trượt xuống dưới, suy nghĩ miên man trôi xa ngàn dặm.
Nghiêm Liệt dựa qua, đứng ở bên cạnh như tảng đá, nói: “Hoá ra bình thường những chậu hoa này đều là do cậu tưới.”
Phương Chước không chú ý, bị cậu nói bất thình lình sợ tới mức run cả người, dựng cái chai lên và hỏi: “Nếu không thì ai?”
Nghiêm Liệt lấy tay gảy gảy lá cây, nói: “Không để ý, chỉ biết mấy chậu hoa trong lớp càng nhiều lên, còn tưởng là ai mang đến.”
Hầu hết những chậu cây này đều mọng nước, được trồng trong những chai nhựa bỏ đi. Một gốc cây từ lúc đầu dần dần phát triển lên cả chục cây, được một người trồng hoa vô danh âm thầm đặt vào góc tường để phơi nắng, bây giờ đã phát triển mạnh mẽ.
Phương Chước nói: “Tôi nhặt.”
“Hoa cũng có thể nhặt?” Nghiêm Liệt cười nhạo nói, “Người ta trồng trong đất cho tốt rồi để nó cho cậu nhặt về đúng không?”
Phương Chước cả giận: “Thật sự là tôi nhặt được!”
Nghiêm Liệt không biết ngắt hoa dại ở ven đường với nhặt hoa dại ở ven đường có khác nhau bao nhiêu, thấy cô để tâm thì duỗi tay khẽ xoa đầu cô một cái, nhân lúc cô chưa phản kháng đã nhanh chóng thu tay về, cười nói: “Biết rồi, cậu nhặt được.”
Phương Chước lắc lắc đầu.
Sợ cái móng vuốt này ngứa lắm rồi đấy.
“Tết Trung thu cậu đi đâu?” Nghiêm Liệt xoay người, tựa lưng lên cửa sổ, ánh mắt nhìn lén cô, nói, “Trong nhà tớ không có ai, tớ đang nghĩ có nên ở lại trường không.”
Phương Chước nói: “Tôi về nhà.”
Nghiêm Liệt mím môi, nói: “Đến nhà cậu của cậu?”
Phương Chước: “Ừm.”
Nghiêm Liệt kéo dài tiếng “Ồ.......”
Âm thanh này lại kích thích Phương Chước khiến cho cô không nhịn được mà quét mắt qua mặt cậu, không biết hôm nay cậu lại kỳ quái gì nữa.
“Cậu có chuyện à?”
“Không.”
Mặc dù Nghiêm Liệt nói như vậy nhưng lại nhét tay vào túi quần, rời đi với tâm trạng không vui.
-
Học xong sáng thứ 6 là học sinh có thể về nhà, Phương Chước không có đồ gì muốn mang theo, chỉ có bài tập và bài tập thôi.
Cô đeo ba lô đen trên lưng, Nghiêm Liệt đã đợi ở cửa, nói là đưa cô qua.
Phương Chước nói với cậu quyết định của mình sau khi đã suy nghĩ rất lâu: “Cảm ơn cậu nhưng hôm nay tôi còn muốn đi chỗ khác để mua chút đồ nữa.”
Nghiêm Liệt hỏi: “Đi đâu?”
Phương Chước: “Chợ.”
Nghiêm Liệt tưởng mình nghe nhầm, “Hả?”
.........Cậu đi học nhiều năm như vậy nhưng chưa bao giờ gặp người nào về nhà nghỉ ngơi mà còn mang theo đồ ăn.
Trong đầu cậu tự nhiên nhảy đến giai điệu nghe nhiều nên thuộc.
“Tay trái con gà, tay phải con vịt?”
“Ừm.” Phương Chước còn nghiêm túc gật đầu, “Tôi nghĩ như vậy, có thể mượn chỉ đường của cậu để tra một chút không?”
Nghiêm Liệt tưởng cô nói giỡn nhưng mà đến khi thấy cô thật sự dừng lại ở cổng chợ, cậu mới biết bản thân quá trẻ rồi.
Trên sạp bán gà con, những chú gà con vàng chanh chen chúc trong chiếc giỏ to, đang kêu ồn áo náo nhiệt, trông vừa năng động lại đáng yêu.
Phương Chước hỏi giá cả xong liền ngồi xổm xuống tự mình chọn.
“Cậu đang giúp việc nhà hả?” Lần đầu tiên Nghiêm Liệt nhìn thấy như vậy nên có hứng thú hỏi, “Gà nhỏ như vậy, thật sự có thể nuôi sống sao?”
Phương Chước cầm một con để lên tay nhìn, trả lời: “Có thể.”
“Cậu tìm gì vậy? Nuôi gà cũng phải xem mặt hả?” Nghiêm Liệt đảo mắt qua những cái đầu đầy lông xù xù bị gió thổi kia, bỗng chốc phát hiện một con gà đang mơ màng nên tóm nó đặt trước mặt Phương Chước, “Tớ thấy con này được nè. Cậu xem, trên đầu có mỗi nhúm lông, tuổi còn nhỏ mà đã hói rồi, độc thật đấy!”
Phương Chước: “.......”
Cô ngẩng đầu nhàn nhạt quét mắt qua cái người ngồi cùng bàn với mình này, rất muốn giả vờ như không quen cái người này, chú bán hàng đối diện không nhịn được mà bật cười nói: “Đây là vừa mới bị một người khách bứt lông thôi, yên tâm đi, con gà này không bị bệnh đâu.”
Phương Chước nhìn nhìn, thật sự không thể tạo ra sóng điện nào với con gà con xấu này được, quay lại nói: “Cháu muốn gà mái.”
Chú bán hàng tiếc nuối nói: “Hết mất rồi, gà mái chỉ còn có ba bốn con thôi.”
Nghiêm Liệt hỏi: “Gà trống không được sao?”
Phương Chước: “Gà mái có thể đẻ trứng.”
Nghiêm Liệt nói: “Gà trống còn có thể gáy mà.”
“Nói cứ như bây giờ không ai có đồng hồ báo thức vậy.” Phương Chước cả giận, “Này anh trai, cậu đừng quấy rối nữa!”
Nghiêm Liệt bị cô gọi vậy thì sững sờ, thật sự ngoan ngoãn ngồi xổm bên cạnh không nói gì nữa.
Lòng bàn tay cậu vuốt ve đầu chú gà con, nhìn nó cố gắng đập cánh muốn thoát khỏi tay mình, nhưng mà ngay cả tiếng kêu và sức lực cũng yếu ớt như vậy, chỉ có đôi mắt tối đen như mực lấp lánh ánh nước, giống như hết sức chứng minh bản thân mình không chịu khuất phục vậy.
Nghiêm Liệt lại huých cánh tay Phương Chước, nhẹ giọng thương lượng: “Anh trai trả tiền, chúng ta nuôi nó được không?”
Phương Chước thấy cậu thật sự cố chấp, bất đắc dĩ nói cho cậu biết sự thật tàn khốc: “Đây là thịt gà, tôi nuôi lớn để làm thịt.”
Nghiêm Liệt sợ run người.
Chú bán hàng thêm dầu vào lửa: “Nhà người khác mua cũng làm thịt.”
Nghiêm Liệt hỏi: “Không thể làm linh vật gà sao?”
Phương Chước: “??”
Phương Chước cảm thấy trong đầu mình như có con mèo đang cào rối cuộn len vậy, mà con mèo đó biết rõ là bản thân nó đang cố tình gây sự nhưng lại còn ngoan ngoãn khoanh tay, dùng ánh mắt ngây thơ trong sáng cầu xin cô.
Phương Chước rối rắm một lúc rồi mang theo hộp giấy nhỏ của mình, đặt con gà hói mà Nghiêm Liệt chọn vào đó.
Thiếu niên vui vẻ, cười nói: “Cảm ơn Chước Chước.”
Cuối cùng Phương Chước chọn tổng cộng 8 con, nghĩ lần sau có gà mái thì mua thêm mấy con nữa. Chọn gà xong lại đến tiệm bên cạnh mua một túi gạo rẻ để mang về cho gà ăn.
Hai người xách đồ ra khỏi chợ. Nghiêm Liệt quấn gạo vào sau xe đạp rồi dắt xe đạp đi về phía trạm xe bus.
Đến trạm xe, cậu khoá xe để lên lan can gần đó rồi giúp Phương Chước xách gạo lên xe bus.
Khi cửa xe đóng lại, Nghiêm Liệt vẫn đứng đối diện Phương Chước với bao gạo 10kg dưới chân.
Phương Chước lườm cậu, hai đứa ngơ ngác nhìn nhau.
Nghiêm Liệt làm như đương nhiên nói: “Một cô gái như cậu sao xách đồ nặng đi bộ được? Dù sao tớ cũng không có việc gì, tiễn Phật tiễn đến Tây Thiên, tớ đưa cậu đến chân cầu lớn đổi xe.”
Người cũng đã lên, Phương Chước cũng không nói gì được. Hơn nữa cô không chút nghi ngờ, nếu lúc này bản thân nói một câu “Không cần”, cá chắc người này sẽ quăng ra một câu “Ăn cháo đá bát” hay là lên án những câu kỳ quái khác cho xem.
Cô nắm chặt tay vịn, nhẹ giọng nói: “Cảm ơn.”
Đợi đến lúc Phương Chước dẫn “công nhân tiểu bạch” của cô xuống chân cầu lớn thì đã là gần tối.
Ráng chiều hôm nay không có diễm lệ, sau khi mặt trời lặn, nơi biên giới chỉ còn lại một lớp sương mù trắng xám, những đám mây đen lững lờ trôi trên dãy núi xa với nét mực nhạt như nét vẽ nguệch ngoạc của người hoạ sĩ trong cơn say.
“Chờ cậu về đến nhà chắc trời tối thui rồi, cho cậu đèn pin này.” Nghiêm Liệt quay người lật túi mình, “Cậu mang nhiều đồ như vậy vẫn nên gọi điện thoại cho cậu của cậu, bảo chú ấy đến đón cậu nhé.”
Phương Chước lắc đầu, vội vàng nói: “Tự tôi làm được, đừng làm phiền cậu ấy.”
Nghiêm Liệt hơi nhíu mày nhưng không miễn cưỡng, chỉ là đưa đèn pin vào trong ngăn lưới nhỏ trong ba lô của cô, nói: “Tớ để ở đây đấy, cậu chú ý an toàn. Cậu......”
Cậu muốn nói cô về đến nhà thì gọi điện thoại cho mình nhưng một là Phương Chước không có điện thoại, hai là quan hệ của hai người vẫn chưa đến mức đó nên lời nói liền dừng lại. Ngước mắt lên, thấy Phương Chước vẫn là dáng vẻ đang nghiêm túc nghe thì định bổ sung thêm phần sau, đúng lúc xe tải từ trước chạy đến, cắt ngang dòng suy nghĩ của cậu.
Nghiêm Liệt vội vàng duỗi tay chặn lại, nhắc nhở: “Xe đến rồi.”
Phương Chước lên xe, ngồi ở chỗ cửa sổ, nhìn chằm chằm người bên đường qua ô cửa kính bám bụi.
Thiếu niên chú ý đến tầm mắt của cô bèn giơ tay lên, vẫy vẫy tay với cô trong khung cảnh mờ tối.
Gương mặt đẹp trai mang theo nụ cười dần dần mơ hồ theo chiếc xe chuyển động, Phương Chước ghé sát vào cửa sổ cố gắng nhìn ra ngoài. Câu nói “Về nhà sớm một chút” quanh quẩn bên miệng cả buổi, đợi người biến mất hoàn toàn cũng không tìm được cơ hội để nói ra.
Trong lúc chiếc xe xóc nảy, tia nắng cuối cùng cũng bị đêm tối nuốt chửng.
Vài ngọn đèn dầu lác đác xẹt qua bên ngoài cửa sổ, thành phố ồn ào náo nhiệt hoàn toàn bị sự yên tĩnh của nông thôn gột rửa.
Tài xế hô một tiếng rồi dừng xe ở cổng thôn.
Một tay Phương Chước ôm thùng giấy, tay còn lại xách túi gạo, vụng về mang đồ xuống xe.
Cô chỉ mới tới thôn này có một lần nhưng nhớ rõ con đường đi vô cùng đơn giản. Cứ đi thẳng là được rồi rẽ phải ở cuối cánh đồng, đi thẳng thêm một đoạn nữa là gần đến nơi.
Rõ ràng quãng đường đơn giản là vậy nhưng đêm tối và ban ngày lại như biến thành hai thế giới khác nhau.
Trên con đường vô tận ấy, Phương Chước càng đi càng cảm thấy xa lạ, cuối cùng không thể không thừa nhận bản thân lại lạc đường rồi.
Bóng tối u ám bao trùm lấy cô như một tấm vải đen khổng lồ che khuất tầm nhìn của cô. Cảm giác ngột ngạt quen thuộc bắt đầu lởn vởn trong lồng ngực, cho dù dùng sức thở cũng không được khiến cho cô chỉ muốn quay người đi về.
Cô không sợ tối nhưng cô rất sợ lạc đường ban đêm. Ban đêm sẽ làm bản đồ biến thành mê cung, cô ghét đi lại con đường sai, làm cho cô nhớ đến lúc nhỏ bị kẹt ở trong núi không tìm được đường ra, giống như bị thế giới vứt bỏ, mãi đến khi trời sáng mới theo ánh mặt trời mà trở về nhà.
Cô vòng vo hai lần với ý định xác nhận phương hướng. Mấy con gà con ở trong lòng bởi vì thùng giấy nghiêng ngả mà bắt đầu ngửa cổ kêu, âm thanh non nớt vang lên phá vỡ sự yên tĩnh, trở thành tiếng động có tình người nhất trong đêm tối, cũng làm cho đại não đang ứ máu của Phương Chước trong phút chốc tỉnh táo lại.
Cô ngồi xổm rồi đặt thùng giấy xuống, lấy đèn pin trong ba lô ra chiếu sáng hai bên đường và phía trước.
Không hề nhìn thấy cánh ruộng, điều đó đã chứng minh rằng cô lạc đường thật rồi.
Ánh sáng đang quét qua thì có tiếng bánh xe lăn mơ hồ vang lên trong tiếng ve kêu, ngay sau đó có tiếng người hô lên từ xa: “Phương Chước!”
Phương Chước hoà hoãn hơi thở, đợi một lúc, rốt cuộc mới nhìn thấy bóng người trước mặt đang bước chân thấp chân cao đến gần mình.