Thám Tử Sài Gòn

Chương 3: Chương 3: Chương thử trí 2




Sài Gòn, thành phố của những con đường. Không có ở đâu trên Việt Nam này mà để sinh tồn, người ta buộc phải thuộc tên nhiều con đường đến như thế. Đường một chiều, đường hai chiều, đường cao tốc, đường qua hầm, qua cầu, đường nối dài, đường vòng tránh, đường nhánh, đường hẻm... có quá nhiều điều để ghi nhớ, quá nhiều thứ phải phân biệt.

Sài Gòn lạc nhau là mất. Nhưng thật may, ở Sài Gòn này không có ai bị lạc, chỉ có những người đi xa hơn lộ trình, bởi mọi con đường ở Sài Gòn đều kết nối với nhau.

- Vậy theo cậu thì hung thủ đang hả hê vì nghĩ rằng đã xỏ mũi được cảnh sát bằng những bằng chứng giả do hắn cố tình để lại? - Viên cảnh sát lớn tuổi hơn hỏi tôi.

Rốt cuộc thì họ cũng hiểu được điều mà tôi muốn nói.

- Có thể lắm. Nhưng việc ưu tiên hiện nay là anh nên điều tra tất cả những người ở trong con hẻm này mà có ngoại hình như tôi miêu tả nhưng không có bằng chứng ngoại phạm trong khoảng thời gian 1 tiếng trước. Cũng đừng bỏ qua việc hỏi thăm 2 chủ tiệm tạp hóa và quán cafe ở 2 đầu con hẻm này vì có thể họ sẽ nhìn thấy những người có ngoại hình giống hung thủ ra khỏi con hẻm sau khi gây án.

- Này, nếu hung thủ thật sự có ngoại hình như cậu nói thì cậu chẳng phải sẽ là nghi phạm sao? Cậu có bằng chứng ngoại phạm không? - Viên cảnh sát trẻ tuổi nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ.

- Tất nhiên là có! Vào lúc 12 giờ tôi ở Tây Ninh bắt taxi đến đây là 13 giờ 45. Tôi vẫn còn giữ hóa đơn đây, người tài xế trong hóa đơn đó có thể làm chứng.

- Tây Ninh cách đây ít nhất là 1 tiềng 30 phút chạy xe, hơn nữa trong thời gian nạn nhân bị sát hại cậu ta lại có người làm chứng... - Viên cảnh sát trẻ hơn.

- Tạm thời cậu điều tra theo hướng cậu thám tử đây miêu tả. - Viên cảnh sát lớn tuổi chỉ thị cho người thuộc cấp. - Còn cậu thám tử đây, có thể nán lại thêm chút ít không? Có lẽ chúng tôi cần ở cậu một vài suy luận nữa.

Thông thường chỉ có trong các tiểu thuyết trinh thám, cảnh sát mới cần đến sự giúp đỡ của thám tử. Ở ngoài cuộc sống thực, mối quan hệ này không thực sự tốt đẹp như thế, trừ khi... trừ khi viên cảnh sát này là một fan cuồng truyện trinh thám.

Đừng quan tâm, đó chỉ là ý nghĩ nhảm nhí chợt thoáng qua trong đầu tôi thôi.

***

Sau khoảng nửa giờ đồng hồ, kết quả điều tra thu được rất khả quan. Những người đang sống ở trong hẻm có ngoại hình như tôi miêu tả đều có bằng chứng ngoại phạm. Trong thời gian trước và sau khi nạn nhân bị giết có 3 người tình nghi ra vào con hẻm. 2 nhân chứng, một là chủ tiệm tạp hóa ở đầu bên trái hẻm và một là chủ quán cafe ở đầu hẻm còn lại đã nhìn thấy họ. Cả 3 người này đều vẫn còn ở lại quanh khu vực hiện trường và đã được cho lấy lời khai.

- Có tất cả 3 người nằm trong diện tình nghi. Người thứ nhất là ông Phan Văn Thiện, 39 tuổi, hành nghề tự do, đang ngồi uống cà phê ở quán cafe trước hẻm. Ông này khai rằng khoảng 12 giờ 30 trưa có ghé vào tiệm sửa xe ở trong hẻm theo lối tiệm tạp hóa để lấy chiếc xe gửi sửa ngày hôm qua. Nhưng xe vẫn chưa sửa xong nên ông này vòng ra quán cafe ở đầu bên kia con hẻm ngồi uống cà phê chờ. Cả 2 người chủ tiệm đều cho rằng ông Lương là một người tốt và không thể là hung thủ giết người. Bà chủ quán cafe có nói ông ta là khách quen của quán, luôn đến quán vào đúng giờ này trong ngày. - Viên cảnh sát trẻ báo cáo. - Người thứ 2 là ông Nguyễn Văn Chấn 29 tuổi, là thợ sửa đường dây của 1 công ty điện thoại. Anh này hiện đang bảo trì đường dây cho căn hộ cách nhà nạn nhân 5 căn về bên phải. Anh ta vào hẻm khoảng sau 1 giờ trưa 1 chút. Chủ quán cafe nói rằng anh ta đến quán từ sáng, nhưng đến mãi trưa mới đi vào trong hẻm.

- Vậy nghĩa là người thứ 2 này vẫn chưa ra khỏi hẻm, đây lại là một vụ giết người được lên kế hoạch từ trước thì chỉ cần khoảng 15 - 30 phút để thực hiện. Vậy còn người thứ 3? - Viên cảnh sát lớn tuổi sốt sắng.

- Người thứ 3 là anh Nguyễn Thành Chung, 20 tuổi, nhân viên giao hàng. Anh này khai rằng khoảng gần 1 giờ 30 trưa có vào hẻm theo lối quán cafe để giao hàng. Ông chủ tiệm tạp hóa nói rằng thấy anh này đứng đầu hẻm liếc ngang liếc dọc trông rất khả nghi. Bà chủ quán cafe lại bảo anh này khi đến quán thì xin gửi nhờ xe máy, do lối vào hẻm đầu bên phải đường khá nhỏ, rồi mới đi vào hẻm.

- Có thể có trường hợp 2 nhân chứng bỏ sót hoặc nhầm lẫn số lượng người ra vào hẻm do không nhớ rõ khoảng thời gian không? Cậu có hỏi họ thường theo dõi đồng hồ không? - Viên cảnh sát lớn tuổi hỏi người thuộc cấp.

Một thắc mắc đúng đắn nhưng có vẻ hơi thừa.

- Không cần phải theo dõi đồng hồ đâu, vốn dĩ ở đây có một cái đồng hồ báo giờ rất lớn rồi còn gì. Ngôi trường tiểu học bên kia đường luôn gióng trống vào các giờ cố định, tôi đoán rằng họ đã khai về thói quen tính giờ dựa vào tiếng trống của mình.

Bằng một kiểu biểu lộ sự đồng tình không được thiện cảm cho lắm với tôi, viên cảnh sát trẻ ngắt lời.

- Chuyện đó không cần anh nói! Họ bảo từ đầu giờ nghỉ trưa, tức 12 giờ, đến tiết thứ nhất, tức 1 giờ 30 chiều, chỉ có 3 người có ngoại hình như tôi hỏi ra vào con hẻm thôi.

- Vậy anh có hỏi 2 người chủ kia có nhìn thấy 3 người này lúc đi vào hẻm có mang theo người những vật gì không?

- Ý cậu là hung thủ mang theo bên mình một vật nặng khoảng 30 đến 40kg vào nhà nạn nhân để tạo ra vết lún giày 100kg? Vậy nếu hung thủ lấy đại một cái gì đó như các thùng rác đặt trong con hẻm này rồi mang vào nhà nạn nhân thì sao? - Viên cảnh sát lớn tuổi chất vấn lại tôi.

Trong tiểu thuyết trinh thám, cảnh sát (nhân vật phụ) thường được xây dựng thành kiểu người luôn đặt ra các câu hỏi cho thám tử (nhân vật chính) trả lời, nhằm làm rõ những vấn đề mà những người đọc không đủ thông minh có thể tự hiểu được. Còn trong cuộc sống thật, cảnh sát ít khi chấp nhận sự hiện diện của thám tử. Bởi đơn giản chẳng ai muốn trở thành diễn viên phụ ngay chính tại sân khấu của mình. Trừ khi... mà thôi, đừng quan tâm. Chỉ là ý nghĩ nhảm nhí chợt thoáng qua trong đầu tôi, không đáng được nhắc đến.

- Tôi đã quan sát con hẻm này từ trước khi cảnh sát đến, các ki rác trong con hẻm hầu như đều trống rỗng, giờ lấy rác của nhân viên vệ sinh tại khu vực này là vào khoảng 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều, nhà dân ở đây lại kín cổng cao tường cho nên hung thủ khó mà tiêu hủy vật mang theo đó. Hơn nữa tôi nghĩ hắn sẽ mang theo một vật rất bình thường để nạn nhân không cảnh giác, và nếu hắn vẫn còn quanh quẩn hiện trường thì hắn vẫn sẽ còn giữ vật đó bên mình.

- Cậu biết rõ cả giờ lấy rác... cậu là người ở đây sao? - Viên cảnh sát lớn tuổi.

- Tôi sống ở bên kia đường, trong danh thiếp có ghi rõ mà.

- Nếu vậy tại sao ông ta phải hẹn cậu gấp như vậy, phí taxi từ Tây Ninh về đây cũng không ít đâu!

- Hì. - Tôi cười. - So với vật mà ông ấy nhờ tôi tìm giúp thì chẳng thấm vào đâu đâu.

Cho dù là trong tiểu thuyết hay ở ngoài đời thật, đừng quên luôn tồn tại những nhân vật không tên mà việc làm chủ yếu của họ chỉ là chen ngang vào cuộc đối thoại của nhân vật chính. Đơn giản là để khiến câu chuyện thay đổi nội dung, chuyển cảnh hay tấu hài đôi chút.

Nhưng nếu không phải thuộc vào ba loại trên, thì chỉ có thể là nhân vật không tên này muốn đảo chính, thu hút toàn bộ ánh đèn sân khấu, chiếm phần trung tâm của câu chuyện.

- Thưa sếp, cả 3 người đều không giữ vật gì nặng 30 - 40kg cả. Người khách uống cafe chỉ mang theo một cặp chéo đựng 1 ít thuốc lá và bật lửa, ước chừng khoảng 1kg. Tuy nhiên các thùng rác trong con hẻm cũng không có chứa vật gì nặng khoảng 30kg mà nhỏ gọn để bỏ vừa túi xách của người khách này. Người thợ sửa đường dây thì có một hộp đồ nghề đựng khá đầy nhưng nặng chưa đến 10kg. Còn người giao hàng thì có một thùng hàng to nhưng theo giấy giao hàng thì là mô hình nhựa nặng chưa đến 15kg còn nguyên dấu niêm phong.

- Vậy nghĩa là cái vật nặng hơn 30kg không hề tồn tại? Có phải cậu đã suy luận sai rồi không?

- Chúng ta phải điều tra theo hướng tên hung thủ 100kg như lúc đầu của tôi mới phải. - Viên cảnh sát trẻ tuổi nhanh nhảu. Ngay từ khi xuất hiện, người này chưa bao giờ ủng hộ ý kiến của tôi.

- Không! Tôi chắc chắn hắn chỉ nặng tầm 60 - 70kg. Và tôi cũng sẽ tìm ra vật nặng vô hình mà hắn mang theo là gì? Nhưng trước hết hãy để tôi gặp trực tiếp họ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã bỏ qua những lời khai quan trọng.

- Ý anh là tôi đã bỏ sót những điều quan trọng khi lấy lời khai? - Viên cảnh sát trẻ nổi cái vì câu trả lời của tôi.

Xét theo khía cạnh tích cực thì anh ta và tôi đã bắt đầu tìm được tiếng nói chung.

- Không cần phải cãi nhau!

Viên cảnh sát lớn tuổi lên tiếng ngăn người thuộc cấp trước khi những anh ta kịp nói ra những điều không hay.

- Các nghi phạm đang ở dưới tầng trệt, hãy cùng xuống lầu, tôi cũng rất muốn biết cậu có thể khai thác được gì hơn cảnh sát chúng tôi? - Viên cảnh sát lớn tuổi nhìn tôi với ánh mắt đầy thách thức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.