Đã 11 năm kể từ ngày Nakahara trong vai trò là gia đình nạn nhân của một vụ án giết người. Đúng như thanh tra Sayama nhớ, lúc đó anh làm việc cho một công ty quảng cáo.
Hôm đó là thứ năm, ngày 21 tháng 9.
Gia đình Nakahara khi ấy sống trong một căn nhà thuộc khu Higashi Nagasaki ở quận Toshima. Sayoko vẫn luôn muốn sống trong một ngôi nhà riêng chứ không phải một căn hộ chung cư nào đó. Ngôi nhà cô chọn vốn cũ, nhưng đã được tu sửa lại toàn bộ, bản thân Nakahara cũng rất ưng ý khi mua. Gia đình anh chuyển đến căn nhà này chưa được một năm.
Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, Nakahara rời nhà đi làm, Sayoko và cô con gái 8 tuổi Manami cùng nhau tiễn anh. Trường tiểu học của Manami chỉ cách nhà 10 phút đi bộ.
Buổi sáng Nakahara có một cuộc họp phải tham dự. Đến chiều, anh cùng một nhân viên nữ có hẹn làm việc với khách hàng tại văn phòng của đối tác về quảng cáo cho sản phẩm mỹ phẩm mới sắp được tung ra thị trường.
Khi Nakahara đang trao đổi với khách hàng thì điện thoại di động của anh báo có cuộc gọi đến. Liếc mắt nhìn số trên màn hình, là số máy bàn ở nhà. Có việc gì lại gọi vào giờ này, Nakahara tặc lưỡi bực mình. Anh chắc chắn đã dặn nếu không có việc quan trọng thì đừng gọi cho anh trong giờ làm việc. Nakahara vừa định từ chối cuộc gọi, chợt một ý nghĩ lóe qua khiến anh dừng tay.
“Hay là đã có chuyện gì xảy ra,“ anh tự nhiên có dự cảm không lành.
Điện thoại vẫn không ngừng rung, Nakahara nhìn đối tác và đồng nghiệp nữ nói một câu xin lỗi, rồi ngồi yên tại chỗ ấn nút nhận cuộc gọi.
Âm thanh vọng ra từ điện thoại dường như là tiếng con thú nào đó, thậm chí lúc đầu anh còn không nhận ra đó là tiếng nói, nó như một thứ tạp âm the thé rít lên, khiến anh vô thức đưa điện thoại ra xa tai. Nhưng ngay sau đó, anh nhận ra âm thanh đấy chính là tiếng người khóc.
“Có chuyện gì thế?” Nakahara cất tiếng hỏi. Khoảnh khắc ấy, một trận sóng lớn như trào dâng trong tâm trí anh.
Sayoko nói lẫn trong tiếng nấc nghẹn, tiếng được tiếng mất, câu chữ cũng không trọn vẹn. Ngay khoảnh khắc đón nhận câu chuyện khủng khiếp từ những câu từ rời rạc ấy, toàn thân Nakahara run lên. Đó là câu chuyện anh không muốn biết, là câu chuyện không được phép xảy đến với anh. Nakahara đứng chết lặng, tay vẫn nắm chặt lấy chiếc điện thoại, trong đầu anh bây giờ là một khoảng trắng.
Manami chết rồi, con bé bị giết.
Im lặng. Đầu óc choáng váng. Đầu gối khuỵu xuống.
Ký ức sau đó của Nakahara cũng rất mơ hồ. Có lẽ đồng nghiệp đi cùng anh đã giải thích với khách hàng thay anh, chỉ biết khi ý thức trở nên rõ ràng, anh đã ở trước cửa nhà mình. Anh chỉ mơ hồ nhớ rằng mình đã khóc liên tục trong taxi, đến mức khiến ông tài xế lo lắng, phải không ngừng an ủi.
Xung quanh căn nhà đều bị niêm phong bằng dây chắn. Một người có vẻ là thanh tra hình sự đến gần anh và yêu cầu xác minh nhân thân. Nakahara trả lời xong, liền quay ra phía sau nói gì đó với cấp dưới.
Người thanh tra cấp dưới nhìn Nakahara, nói, “Anh vui lòng về đồn cảnh sát cùng chúng tôi.”
“Đợi đã. Rút cục là đã có chuyện gì xảy ra?” Nakahara gặng hỏi, trong đầu mọi thứ vẫn rối tung.
“Chúng tôi sẽ giải thích sau, trước hết mời anh cùng chúng tôi về đồn.”
“Vậy, cho tôi biết một chuyện này thôi. Con gái tôi... cháu bị làm sao?”
Cậu thanh tra trẻ tuổi do dự nhìn về phía cấp trên xin ý kiến. Sau khi được cấp trên gật đầu đồng ý, cậu ta hướng về phía Nakahara nói:
“Con gái của anh đã chết.”
Một lần nữa anh lại xây xẩm mặt mày. Nội việc đứng vững thôi cũng phải cố gắng hết sức.
“Có thật con gái tôi bị giết hại không?”
“Chuyện này chúng tôi vẫn đang điều tra.”
“Chuyện này...”
“Trước hết mời anh cứ theo chúng tôi về đồn.”
Sau đó Nakahara nửa bất mãn nửa tình nguyện bị đưa lên xe cảnh sát về đồn.
Anh đã nghĩ, đến đồn cảnh sát anh sẽ được nhìn thấy Manami, có lẽ người ta sẽ dẫn anh đến cái nơi gọi là Phòng an bài thi thể gì đó. Nhưng người ta lại đưa anh đến một căn phòng khác, tại đó, phó thanh tra Asamura mang bộ mặt lạnh lùng cùng vài thanh tra cấp dưới đang đợi anh.
Nakahara bắt đầu bị thẩm vấn, thanh tra cảnh sát có mặt trong phòng hỏi đi hỏi lại lịch trình của anh từ buổi sáng cho đến khi nhận được điện thoại của Sayoko.
“Khoan đã. Chuyện tôi đi đâu làm gì thì có liên quan gì chứ. Các anh cho tôi gặp con gái tôi đi. Di thể con gái tôi bây giờ đang đặt ở đâu?”
Yêu cầu đó của anh hoàn toàn bị phớt lờ. Asamura lạnh lùng nhìn anh, tiếp tục hỏi, “Anh nói anh ở văn phòng của khách hàng cho đến trước khi nhận được điện thoại, lúc đó bên cạnh anh có người nào khác không?”
Ngay lúc đó Nakahara nhận ra rút cục cảnh sát đang hỏi anh về chứng cứ ngoại phạm. “Các anh đùa tôi hả?” anh tức giận đập bàn. “Các anh đang nghi ngờ tôi sao? Các anh nghi ngờ tôi đã giết Manami sao?”
Asamura chầm chậm lắc đầu phủ nhận.
“Chuyện đó anh không cần quan tâm. Anh chỉ cần trả lời câu hỏi của chúng tôi là được.”
“Các anh đang nói cái lý lẽ gì thế hả? Là con gái tôi bị giết hại đó!”
“Vậy nên nếu anh biết điều thì hợp tác với chúng tôi đi.” Giọng nói trầm thấp của Asamura vọng lên trong phòng. “Chúng tôi đang làm những việc cần thiết.”
Điên rồi, mọi thứ điên rồi... Tức giận, đau thương và nuối tiếc, hàng loạt cảm xúc hỗn độn trào dâng trong tâm trí Nakahara. Tại sao, tại sao người bị hại như mình lại phải chịu đựng những chuyện vô lý này?
“Các anh hãy cho tôi biết đã có chuyện gì xảy ra đi. Sự việc rút cục là như thế nào?”
“Chuyện này chúng tôi sẽ giải thích với anh sau khi mọi chuyện kết thúc.”
“Mọi chuyện là chuyện gì?”
“Sau khi quá trình điều tra kết thúc. Từ giờ cho tới lúc đó, chúng tôi không thể bất cẩn tiết lộ bất kì chi tiết nào. Mong anh thông cảm.” Asamura không chút cảm xúc giải thích.
Nakahara đành trả lời những gì được hỏi dù tâm trạng vẫn không mấy dễ chịu. Câu hỏi của viên thanh tra càng lúc càng khó hiểu.
“Gần đây chị nhà có biểu hiện gì lạ không?”
“Về chuyện chăm sóc con cái, chị nhà có thảo luận hay có bất mãn gì với anh không?”
“Con gái anh là một đứa trẻ như thế nào? Cháu bé có ngoan ngoãn nghe lời không, hay thường xuyên cãi lại lời ba mẹ?”
“Anh có tích cực giúp vợ chăm sóc con cái không?”
Nakahara rốt cuộc nhận ra, cảnh sát hiện đang nghi ngờ Sayoko. Họ đã vẽ ra câu chuyện một bà mẹ vì những bất mãn trong chuyện chăm sóc con cái nên bột phát nhất thời giết chết đứa con gái ruột thịt.
“Các anh điên rồi.” Nakahara nói. “Sayoko sẽ không bao giờ làm ra cái chuyện động trời như vậy. Cô ấy chưa bao giờ than phiền về chuyện chăm sóc con. Trên đời này không có ai yêu thương Manami bằng Sayoko hết. Các anh làm ơn hiểu chuyện giúp tôi một chút đi. Câu chuyện các anh đang tưởng tượng ra hoàn toàn vô lý.”
Nakahara gằn giọng nói, nhưng viên thanh tra hoàn toàn không có phản ứng gì. Anh biết phía cảnh sát không coi trọng những lời mình vừa nói. Điều họ quan tâm chỉ là việc điều tra tiếp theo sẽ như thế nào mà thôi.
Nakahara đòi được gặp Sayoko. Anh thử hỏi cảnh sát tình hình vợ mình hiện đang ở đâu, làm gì.
“Chúng tôi đang hỏi chị nhà sự tình ở một phòng khác.” Asamura lạnh lùng đáp.
Buổi thẩm vấn như hỏi cung kết thúc cũng là lúc đã khuya muộn. Nakahara được đưa sang một phòng khác, ở lại với anh là thanh tra Sayama.
“Ba mẹ anh đã đến rồi.” Thanh tra Sayama lên tiếng. “Nhà mẹ đẻ của anh ở Mikata nhỉ. Các thủ tục cần giải quyết cũng sắp xong rồi, sau khi xong anh có thể cùng hai bác quay về Mikata.”
“Cái gì xong?”
“Thủ tục thẩm vấn.”
“Hả?” Nakahara quay lại phía viên thanh tra trẻ. “Ba mẹ tôi thì có liên quan gì đến chuyện này?”
“Chúng tôi biết, nhưng để chắc chắn thì...” Sayama lấp lửng đáp.
Nakahara đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu mình. Cho đến lúc này, anh vẫn chưa lý giải được, rút cục chuyện gì đã xảy ra.
Anh hơi hướng mặt lên, hỏi, “Vợ tôi... Sayoko vẫn ở đồn cảnh sát à?”
Sayama khổ sở gật đầu.
“Còn một số điểm chúng tôi vẫn cần phải xác nhận lại với chị nhà.”
“Xác nhận? Xác nhận cái gì mới được? Các anh vẫn nghi ngờ vợ tôi hả?”
“Tôi nghĩ chị nhà chắc sẽ vô tội thôi, có lẽ các thanh tra khác cũng nghĩ như vậy.”
“Vậy thì tại sao còn...”
“Xin lỗi anh,“ Sayama cúi gập đầu xuống.
“Chúng tôi cần phải loại bỏ hết tất cả các khả năng có thể để tìm ra sự thật của vụ án. Khi cảnh sát nhận được tin cấp báo qua đường dây 110 và xông vào nhà, trong nhà chỉ có một mình vợ anh. Và con gái anh đã tắt thở. Người báo 110 là chị nhà, nhưng cũng không thể khẳng định chị ấy không liên quan đến vụ án. Có không ít vụ án trẻ nhỏ tử vong là do chính cha mẹ cố ý hoặc quá kích động mà giết chết con mình. Mong anh hiểu cho.”
Sayama từ tốn giải thích, cuối cùng một lần nữa cúi gập đầu nói lời xin lỗi.
Nakahara vò vò đầu, cau có nói, “Vậy tôi được loại khỏi diện tình nghi chưa?”
“Chúng tôi đã xác nhận với phía khách hàng của anh, và chứng minh được anh không có liên quan trực tiếp đến vụ án này.”
“Đã thế thì hãy cho tôi biết sự tình vụ án đi. Rút cục chuyện gì đã xảy ra tại nhà tôi?”
“Thực xin lỗi anh nhưng tôi không thể cho anh biết được.”
“Tại sao lại thế? Tôi không nằm trong diện tình nghi nữa rồi còn gì.”
Sayama có chút do dự, khóe miệng mím lại thành một đường thẳng, sau đó chậm rãi nói, “Tôi chỉ nói rằng anh không liên quan trực tiếp đến vụ án.”
“Ý anh là gì?” Nakahara không hiểu ý viên thanh tra, gặng hỏi.
“Dù anh không liên quan, nhưng cũng có thể anh biết gì đó nhưng đang che giấu.”
“Ý anh là tôi biết chuyện vợ mình giết chết con mình hả?”
“Tôi không có ý đó.”
“Thôi đi.” Nakahara túm lấy cổ áo viên thanh tra kéo lên. “Tôi mà biết tôi đã nói rồi. Hơn nữa Sayoko sẽ không bao giờ làm ra chuyện đó.”
Sayama sắc mặt vẫn không chút thay đổi, nắm lấy cổ tay Nakahara trên áo mình, xoay nhẹ một cái. Dù vậy, lực đó cũng đủ mạnh khiến Nakahara phải rời tay.
“Đã thất lễ với anh rồi,“ Sayama vừa rút tay lại vừa nói.
“Có những chi tiết chỉ hung thủ thật sự mới biết như tình trạng nơi chốn, trang phục của nạn nhân, cách thức giết hại. Sau khi bắt được nghi phạm, việc lấy được khẩu cung về những chi tiết đó vô cùng quan trọng. Chúng chính là chứng cứ định tội tại tòa. Nói cách khác, tại thời điểm hiện giờ, chúng tôi cần xác định mọi nghi vấn. Ví dụ thế này nhé anh Nakahara. Nếu ngay bây giờ anh nói với tôi nguyên nhân cái chết của con gái anh, tôi sẽ lập tức áp giải anh đến phòng thẩm vấn lấy khẩu cung.”
“Tôi chả biết gì hết. Tôi không biết nguyên nhân con bé chết.”
“Tôi cũng cho là vậy. Có lẽ anh quả thật không liên quan. Dù vậy, tôi cũng không thể tiết lộ bí mật điều tra cho anh được. Nếu tôi nói cho anh biết, anh sẽ nói cho ai đó chuyện này. Giả sử thông tin bị truyền thông moi ra và công bố cho mọi người, thế là thông tin ấy không còn là thứ chỉ hung thủ thật sự biết nữa. Đây chính là điều chúng tôi e ngại nhất. Anh có hiểu không? Không cho đối tượng liên quan biết chi tiết vụ án cũng chính là một hoạt động điều tra.”
“Tôi chắc chắn sẽ không nói cho ai khác...”
Sayama lắc lắc đầu.
“Không phải tôi không tin anh. Nhưng điều tra quan trọng nhất là thực hiện triệt để các bước. Hơn nữa, anh cũng không nên biết thì hơn. Phải giấu giếm chuyện gì đó với người thân trong gia đình cũng chẳng dễ chịu gì.”
Những điều thanh tra Sayama nói đều có lý, Nakahara cũng không có gì để phản bác lại. Nhưng anh chẳng thể chấp nhận được việc Sayoko vẫn đang bị tạm giữ.
“Một, hai ngày nữa chị nhà sẽ được cho về thôi.”
“Một, hai ngày sao...” Những một, hai ngày nữa à, Nakahara ngạc nhiên.
Một lúc lâu sau, anh gặp ba mẹ mình, trên nét mặt hai người già cũng hiện rõ vẻ hốc hác. Vốn dĩ họ được cảnh sát mời đến để đón con trai mình, vậy mà trước khi gặp mặt anh, họ lại bị cảnh sát giữ lại tìm hiểu sự tình. Đương nhiên, phía cảnh sát cũng không cho họ biết gì về vụ án.
“Cảnh sát toàn hỏi ba những chuyện lạ đời. Nào là quan hệ vợ chồng hai đứa ra sao, rồi thì hai đứa có khúc mắc gì trong chuyện nuôi dạy con cái hay không.” Ông Taisuke - thân sinh của Nakahara bực mình kể lại.
“Mẹ cũng bị hỏi như vậy. Họ còn hỏi mẹ con có than phiền hay bất mãn gì về Sayoko không.” Bà Kimiko - mẹ anh vừa nói vừa vuốt đầu.
Theo lời kể của ba mẹ, Nakahara biết hai người bị hỏi riêng biệt. Cũng theo lời bà Kimiko, cảnh sát cũng tìm đến nhà ba mẹ đẻ Sayoko.
Đêm hôm đó, anh về Mikata cùng ba mẹ. Chị gái đang sống ở Chiba cũng gọi điện cho anh, chị không ngừng khóc khi biết được thảm kịch thương tâm xảy đến với cháu gái mình. Nakahara thầm nghĩ, hình như cảnh sát không tìm đến chỗ chị, bên tai anh vẫn là tiếng khóc vọng ra từ điện thoại.
Nakahara không có tâm trí ăn uống, cứ thế nhìn chòng chọc về phía bức tường trong phòng mình rồi thức trắng đêm. Anh không tài nào chợp mắt được, khuôn mặt lúc ngủ của Manami không ngừng hiện lên trong đầu anh. Anh vẫn không thể tin được, đứa con gái của mình đã không còn trên đời này.
Ngày hôm sau, Nakahara xin nghỉ làm, thay vào đó anh đi đến đồn cảnh sát để xin được gặp Sayoko. Nhưng cảnh sát vẫn không cho anh được gặp cô, thậm chí họ còn đưa anh đến một căn phòng nhỏ, với lý do có thứ muốn anh xem qua.
Anh đã nghĩ có khi mình lại bị thẩm vấn nữa, nhưng không phải. Cảnh sát cho anh xem một vài tấm ảnh, là ảnh phòng khách nhà anh. Nakahara bàng hoàng, trên những tấm ảnh là phòng khách nhà anh đã bị ai đó xáo tung lên, ngăn kéo tủ kệ đều bị kéo ra, các thứ bên trong bị ném lung tung xuống sàn nhà. “Ngoài tủ kệ phòng khách, chúng tôi hiện không tìm thấy dấu vết các đồ vật khác bị sờ đến,“ một thanh tra lên tiếng. Đây là chi tiết đầu tiên cảnh sát cho Nakahara biết, kể từ lúc họ tiến hành điều tra vụ án.
Hóa ra là vậy, Nakahara kết luận, là trộm mò vào nhà mình. Chính tên trộm đó đã giết chết Manami.
Viên thanh tra đưa ra thêm nhiều tấm ảnh khác.
“Chúng tôi đã chụp lại ảnh những thứ bị vứt trên sàn. Chúng tôi đoán đây là những thứ vốn nằm trong ngăn kéo tủ kệ, anh xem có thứ nào bị mất không?”
Trên các bức ảnh là giấy bút, máy tính điện tử cầm tay, băng dính và pin. Vốn dĩ Nakahara giao hết việc nhà cho Sayoko quán xuyến, nên anh cũng không biết trong ngăn kéo vốn có những thứ gì. Nghe vậy, viên thanh tra lại hỏi tiếp, “Vậy bình thường tiền mặt và sổ ngân hàng anh chị để ở đâu?”
À, Nakahara nhớ ra, sổ ngân hàng để ở giá trong phòng ngủ, còn tiền mặt thì vẫn được để ở ngăn kéo thứ hai của tủ kệ phòng khách.
“Trong ngăn kéo có khoảng bao nhiêu tiền?”
“Tôi không rõ,“ Nakahara xoay xoay cổ, “những chuyện này tôi giao hết cho vợ tôi...”
“Vậy à”, viên thanh tra vừa đáp, tay vừa thu thập những bức ảnh trên bàn. Có vẻ như anh ta không còn chuyện gì cần hỏi Nakahara nữa.
“Rõ ràng đây là vụ trộm còn gì. Tại sao các anh vẫn chưa thả vợ tôi ra?”
Viên thanh tra đáp lại với vẻ mặt lãnh đạm như chiếc mặt nạ kịch Noh¹, “Chúng tôi vẫn chưa đi đến kết luận có phải vụ trộm hay không.”
____________________________
(1) Kịch Noh: là một dạng nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ điển của Nhật Bản, kết hợp múa, tuồng, âm nhạc và thơ ca.
“Rõ ràng là...” Anh nhìn các bức ảnh trên tay viên thanh tra. Nhưng ngay lúc đó, Nakahara chợt hiểu ra ẩn ý trong câu đáp của anh ta, nên đành im lặng.
Cảnh sát nghi ngờ đây là hiện trường giả, người mẹ lỡ tay giết chết con mình nên phải ngụy tạo hiện trường như một vụ trộm đột nhập. Một chút sức lực để đối đáp lại cũng không còn, anh đành chỉ biết cúi đầu thở dài.
Nakahara muốn về qua nhà xem tình hình, nhưng phía cảnh sát không cho phép. Không còn cách nào khác, anh đành quay về nhà ba mẹ ở Mikata và đợi liên lạc tiếp theo từ cơ quan chức năng. Buổi chiều hôm đó, mẹ đẻ của Sayoko là bà Hamaoka Satoe cũng đến nhà ba mẹ anh. Bà kể lại cảnh sát đã giữ bà vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu sự tình, họ hỏi đi hỏi lại bà những câu hỏi kì quặc đến mức đầu bà muốn nổ tung.
Cuối cùng, buổi tối hôm đó Sayoko cũng được cảnh sát cho về. Nakahara vốn định đến đồn cảnh sát đón cô thì viên cảnh sát gọi điện cho anh đã thông báo luôn họ sẽ đưa cô về nhà bằng xe cảnh sát. Hai tiếng sau, một chiếc xe cảnh sát đỗ ở trước cửa nhà ba mẹ anh, Sayoko bước xuống xe, trông cô không khác gì một hồn ma còn sống. Cô gầy rộc đi, hai má hóp lại, mặt mũi nhợt nhạt không khí sắc, bước đi xiêu vẹo, trông cô như thể đã mất đi cả linh hồn.
“Sayoko,“ Nakahara gọi cô. “Em có ổn không?”
Chẳng biết cô có nghe thấy tiếng chồng gọi hay không, mà Sayoko không hề phản ứng lại. Thậm chí, dường như trong mắt cô cũng không thấy hình dáng người chồng ở trước mặt. Ánh mắt cô hoàn toàn trống rỗng, không có điểm nhìn.
Nakahara ôm lấy hai vai vợ, “Kìa, em tỉnh táo lại đi.”
Điểm nhìn hai con mắt cô dần thu lại, có lẽ vì nhận ra người trước mặt chính là chồng mình, Sayoko hít một hơi sâu, nét mặt lộ rõ vẻ đau đớn.
“Hu hu hu...” Sayoko đưa tay níu lấy chồng, khóc lả đi. Nakahara vòng tay ôm lấy cơ thể vợ mình, nước mắt cũng rơi ra từ khóe mắt.
Ba mẹ anh biết ý để hai vợ chồng ở lại riêng với nhau. Sau khi đã bình tĩnh lại, Sayoko bắt đầu kể cho anh nghe chuyện xảy ra trong những ngày vừa qua. Câu chuyện được kể lại mạch lạc, khó mà nghĩ được người đang nói chính là người chỉ vừa mấy phút trước vẫn còn đang hoảng loạn. Hiểu được nỗi thắc mắc của chồng, Sayoko nói, “Vì em đã nói không biết bao nhiêu lần rồi,“ trên khóe môi nhếch lên hiện rõ vẻ trống rỗng.
Qua lời kể của Sayoko, mọi chuyện xảy ra như sau.
Hơn 3 giờ chiều hôm đó, Manami đi học về. Ở trường, cô bé có bài tập thủ công làm một chiếc ô tô bằng giấy từ vỏ hộp sữa, và có vẻ cô bé đã làm rất tốt. Sayoko vừa chuẩn bị đồ ăn nhẹ vừa lắng nghe câu chuyện đầy tự hào của con gái.
3 giờ rưỡi, Sayoko ngồi yên vị trước màn hình ti vi trong phòng khách. Bộ phim truyền hình yêu thích của cô đang được chiếu lại trên ti vi. Trước đây khi nó được chiếu, cô đã không thu lại, vì vốn dĩ cô cũng không thích bộ phim đến mức ấy. Trong lúc đó, Manami vừa ăn đồ ăn nhẹ vừa chơi với món đồ mẹ nuôi mua cho.
Bộ phim truyền hình kết thúc trước 4 giờ rưỡi chiều, Sayoko tắt ti vi và bắt đầu nghĩ đến các món cho bữa tối. Vốn dĩ cô định nấu bữa tối bằng số thức ăn còn lại trong tủ lạnh, nhưng suy đi tính lại vẫn thiếu một vài thứ. Dù chỉ là những thứ không mấy quan trọng, nhưng cô lại muốn làm mọi chuyện thật hoàn hảo. Sayoko tự quy định khắt khe với bản thân phải quán xuyến tốt việc nhà, làm một bà nội trợ hoàn hảo cho đến lúc con gái đủ lớn để có thể trông nhà một mình.
Siêu thị gần nhất cách nhà cô chưa đến 10 phút đi bộ, bình thường cô vẫn dẫn Manami đi cùng mình. Hôm đó cũng vậy, cô cũng hỏi con bé: “Manami, mẹ đi siêu thị mua đồ đây, con đi cùng mẹ không?”
“Không ạ”, cô bé trả lời. “Mẹ đi nhé.” Trước đây cô bé vốn rất bám mẹ, nhưng sau khi đi học thì cô bé bắt đầu thay đổi.
Sayoko nhẹ cả người, cô ngại phải dẫn Manami cùng đi mua sắm. Dù sao mua đồ cũng không mất quá nhiều thời gian, hơn nữa dạo gần đây cũng có vài lần cô để Manami trông nhà giúp mình một lúc. Không nghe điện thoại, có người gõ cửa hay bấm chuông cũng không đáp, không mở rèm cửa, Manami làm rất tốt những yêu cầu này.
“Vậy con trông nhà giúp mẹ nhé, được không?” cô dặn dò con gái.
Vâng, Manami trả lời dõng dạc. Nakahara cũng biết vợ mình đang kể lại sự thật, gần đây con gái anh đúng là đã ra dáng hơn.
Sayoko từ siêu thị về đến nhà là khoảng hơn 5 giờ chiều. Cô bắt đầu thấy lo lắng khi nhận ra cổng trước nhà để mở. Cô chắc chắn đã khóa cổng trước khi đi, nhưng lúc đó cô lại nghĩ rằng có lẽ chồng mình có việc gì đó về nhà sớm.
Đến khi cô tra khóa mở cửa vào nhà thì cửa đã mở sẵn. Cô liền đoán chắc là chồng mình đã về.
Nhưng đến khi bước chân vào nhà, trước mắt cô là quang cảnh mà trước giờ cô chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Cửa phòng khách mở toang, ngăn kéo tủ kệ bị kéo hết ra, đồ đạc vương vãi lung tung dưới sàn nhà. Sayoko nín thở, nhìn kỹ và nhận ra có dấu chân đi qua đi lại.
Ngay lập tức cô hiểu ra nhà mình đã bị trộm lẻn vào. Sayoko nhìn lướt qua đồ vật trong nhà xem có thứ gì bị mất không, nhưng ngay lập tức cô nhớ ra, còn một chuyện quan trọng hơn cần phải kiểm tra.
Cô lao ra khỏi phòng khách, miệng lớn tiếng gọi tên con gái. Nhưng không có tiếng cô bé đáp lại. Hay là con bé đang ngủ, nghĩ vậy cô bước lên tầng 2 tiến về phòng ngủ. Nếu Manami đang ngủ thì cô bé sẽ ngủ ở trong này. Trong phòng không có ai, kể cả căn phòng bên cạnh cũng vậy.
Cô quay lại tầng 1, kiểm tra căn phòng kiểu Nhật dành cho khách, nhưng cũng không thấy bóng dáng con gái.
Có lẽ nào con bé bị tên trộm dẫn đi mất rồi, Sayoko trộm nghĩ, cần phải báo cảnh sát càng sớm càng tốt, cô vừa nghĩ vừa định quay về phòng khách. Nhưng giữa chừng, cô nhận ra cửa nhà vệ sinh mở hé.
Hồi hộp lại gần, cô hé mắt nhìn vào trong nhà vệ sinh.
Cô bé Manami tóc ngắn nằm ngã ra trên sàn nhà vệ sinh, hai chân hai tay bị trói lại bằng băng dính, miệng bị nhét một thứ gì đó, hai má sưng vù. Đôi mắt nhắm nghiền, làn da vốn trắng hồng không còn sắc máu.
Sayoko không nhớ rõ những chuyện xảy ra sau đó, lúc ấy cô chỉ muốn tháo băng dính trói tay chân con, lôi thứ đang bị nhét trong miệng con gái. Cô cũng không rõ mình nhận ra Manami đã chết từ lúc nào. Khi tỉnh táo lại cô đã ở trong xe cảnh sát. Mặc dù chính cô là người gọi điện cho cảnh sát, sau đó cũng chính cô gọi điện báo cho Nakahara về vụ việc nhưng ký ức về những chuyện đó trong cô đều rất mơ hồ.
Trong buổi thẩm vấn, cảnh sát liên tục gặng hỏi cô về chuyện tại sao lại để con gái mới 8 tuổi ở nhà một mình.
“Họ nói với em rằng, ba mẹ bình thường sẽ không làm ra cái chuyện vô trách nhiệm như vậy. Họ hỏi em sao lại không nghĩ đến việc trộm có thể lẻn vào trong lúc em để con bé ở nhà. Em xin lỗi. Em xin lỗi.”
Có lẽ phía cảnh sát muốn xác nhận xem câu chuyện của Sayoko là thật hay không nên mới hỏi như vậy. Nhưng với cô, những lời đó chính là lời buộc tội cho sự lơ đễnh của mình. Nakahara cũng có suy nghĩ muốn trách cứ vợ, nhưng anh biết đó chỉ là hành động trốn tránh trách nhiệm của chính bản thân mình. Vốn dĩ, anh cũng biết chuyện gần đây Manami đã có thể trông nhà một mình trong thời gian ngắn, và anh cũng không phản đối gì.
Phía cảnh sát còn hỏi nhiều câu hỏi khó chịu nữa. Dạo gần đây trên ống chân Manami có vết xước khoảng 3cm do con bé ngã trong giờ thể dục ở trường. Theo lời Sayoko nói, cảnh sát cũng hỏi cô về vết xước này, họ nghi ngờ chuyện cô bé bị cha mẹ bạo hành.
Sayoko bị tạm giữ điều tra lâu như vậy không đơn giản chỉ vì cảnh sát nghĩ cô là nghi phạm. Hiện trường vụ án đã bị cô làm xáo trộn, để tái hiện lại chính xác hiện trường cảnh sát buộc phải thẩm vấn cô kĩ càng. Họ bắt cô giải thích tỉ mỉ từng tiểu tiết. Cảnh sát đã không xác định được tư thế Manami ngã ra sàn nhà vệ sinh vì cô đã ôm và bế con bé lên. Hay như chuyện cô tháo băng dính trói tay và chân con gái mình cũng khiến đội điều tra đau đầu. Vì thế họ bắt cô vẽ lại hiện trường và giải thích từng điểm một. “Em vốn không biết vẽ nên mất nhiều thời gian,“ cô kể lại.
Theo lời kể của cô, con gái họ bị bẻ hai tay ra sau lưng, cổ tay và cổ chân bị băng dính quấn chặt nhiều vòng, miệng bị nhét bóng xốp. Quả bóng bằng xốp này là đồ chơi ngày trước của Manami, Nakahara thỉnh thoảng vẫn thấy nó nằm lăn lóc trong nhà.
“Nguyên nhân tử vong... vì sao Manami chết?” Nakahara hỏi.
Sayoko lắc đầu. “Em cũng hỏi cảnh sát nhưng họ không cho em biết.”
“Con bé có bị thương không? Trên người con bé có chỗ nào chảy máu không?”
“Em nhớ là không. Sau đó em cũng kiểm tra tay mình, không có dính gì hết.”
“Trên cổ thì sao, có vết tấy đỏ hay gì không?”
“Em không biết. Em không nhớ nổi.”
Không phải dao đâm, cũng không phải thắt cổ, vậy còn khả năng nào nhỉ? Con bé bị đánh chết ư? Bị đánh bằng thứ gì đó. Mải mê với mớ giả thiết, bản thân anh cũng thấy lạ khi mình lại quá coi trọng nguyên nhân con gái mình chết đến vậy.
Anh muốn biết tâm trạng của con bé trong những giây phút cuối đời ấy. Dù người ta đã nói cho anh rằng cô bé đã mất, nhưng anh vẫn chưa được nhìn thấy di thể của con.
“Rút cục hung thủ làm thế nào vào được nhà mình thế?”
“Chắc là qua cửa sổ nhà tắm,“ Sayoko giải đáp thắc mắc của chồng mình như vậy.
“Nhà tắm sao?”
“Ừ. Cảnh sát có hỏi em, trước khi chuyện này xảy ra, cửa sổ nhà tắm có bị làm sao không. Nên em đoán chắc cửa sổ nhà tắm bị đập vỡ.”
Nakahara cố nhớ lại hình ảnh cửa sổ phòng tắm trong nhà mình. Đúng là người lạ nếu muốn đột nhập thì có thể dễ dàng chui vào nhà qua đường đó. Anh lại một lần nữa nhận ra, tổ ấm của gia đình anh không đủ an toàn đến nhường nào.
Sayoko nói thứ bị lấy đi là bốn mươi nghìn yên tiền mặt để trong ngăn kéo tủ kệ phòng khách. Trước hôm xảy ra án mạng một ngày, cô đã rút số tiền đó từ ngân hàng và để vào ngăn kéo.
“Chỉ vì số tiền cỏn con đó...”
Anh run lên vì căm giận.
Sáng hôm sau, cảnh sát lại liên lạc, muốn họ cùng xác nhận hiện trường.
Đó là lần đầu tiên sau án mạng anh bước chân vào ngôi nhà của chính mình. Sàn nhà vốn vương vãi đồ đạc đã được dọn dẹp lại gọn gàng. Mọi đồ vật đã được thu thập mang đi để xác định dấu vân tay.
“Nếu anh chị thấy có điểm gì bất thường xin hãy cho chúng tôi biết.” Người phụ trách thẩm vấn anh tên Asamura lên tiếng, anh ta chính là thanh tra phụ trách vụ án này.
Anh cùng Sayoko xem xét quanh nhà một lượt, quả nhiên kính cửa sổ phòng tắm bị đập vỡ.
“Hung thủ vào nhà từ lối kia phải không?”
Đáp lại câu hỏi của Nakahara là cái gật đầu nhẹ của thanh tra Asamura.
“Chẳng lẽ lúc hắn đập vỡ kính lại không phát ra tiếng động à?”
Asamura không đáp lại câu hỏi này của anh. Nhưng thanh tra Sayama đi cùng lại nhỏ giọng lên tiếng, “Hắn đã dùng băng dính để giảm thanh. Bên ngoài cửa sổ có nhiều mảnh vụn kính có dính băng dính. Chắc hắn đã dán băng dính lên kính trước khi đập vỡ để giảm tiếng động phát ra.”
“Sayama!” thanh tra Asamura hắng giọng nhắc nhưng hoàn toàn không có ý trách mắng.
Hai người cũng xem xét cả nhà vệ sinh, nhưng không nhận ra điểm gì bất thường. Tưởng tượng trong đầu hình ảnh thân thể nhỏ bé của Manami nằm trên sàn khiến lồng ngực anh như bị thứ gì đó đè nặng. Sayoko thậm chí không muốn nhìn qua căn buồng.
Dấu vết đột nhập của hung thủ chỉ tìm thấy ở phòng khách, nhà bếp và hành lang. Trên tầng 2 và phòng truyền thống ở tầng 1 không có dấu hiệu gì khác lạ.
“Quả nhiên là như vậy.” Asamura nói.
“Quả nhiên ư?”
“Hung thủ khi đột nhập mang cả giày. Chúng tôi chỉ tìm thấy dấu giày ở phòng khách, trước tủ lạnh, trong nhà tắm và ngoài hành lang.”
Những lời này rút cục cũng giúp Nakahara nhìn ra sự tình của vụ án. Hung thủ đập vỡ kính cửa sổ nhà tắm đột nhập vào nhà, đi qua hành lang đến phòng khách kiếm chác. Sayoko kể lại rằng cửa chính không khóa, có lẽ hung thủ đã đi ra từ hướng đó. Và giữa lúc thực hiện hành vi đột nhập ăn trộm đó, hắn đã giết Manami.
Họ vẫn chưa thể trở về sống trong căn nhà này ngay lập tức. Thanh tra Sayama đưa họ về nhà ba mẹ anh ở Mikata bằng ô tô, trên xe viên thanh tra lần đầu tiên cho vợ chồng anh biết bé Manami bị bóp cổ đến chết.
“Anh nói con bé bị bóp cổ đến chết sao?”
“Đúng thế”, Sayama đáp, mặt vẫn nhìn về phía trước. Chúng tôi sẽ sớm gửi lại gia đình di thể của cháu, nhưng mong gia đình hiểu cho trên di thể có vết khám nghiệm tử thi.”
Bốn chữ khám nghiệm tử thi một lần nữa khiến hai vợ chồng anh rơi vào tuyệt vọng.
“Mình phải chuẩn bị lễ tang cho con nữa.” Sayoko thì thào bên cạnh anh.
Ngày hôm sau, bé Manami được trả về với gia đình. Trên khuôn mặt của bé Manami nằm trong chiếc quan tài nhỏ vẫn còn đường chỉ khâu giải phẫu. Vậy nhưng Nakahara và Sayoko vẫn không ngừng vuốt ve hai má phúng phính của con gái, rồi bật khóc thành tiếng.
Đêm hôm đó, họ làm lễ túc trực bên linh cữu, ngày hôm sau là lễ viếng và lễ truy điệu. Vài chục bé là bạn học cùng khối ở trường tiểu học cũng đến viếng, trẻ con cũng đau đớn đối với sự ra đi đột ngột của một người bạn. Nakahara nhìn những đứa trẻ đó, nhớ đến con gái Manami mà bật khóc.
Cảm giác mất mát không nơi bấu víu như mất đi ý thức lấp đầy tâm trí anh. Manami sẽ không sống lại, hi vọng leo lét duy nhất còn lại chỉ là cảnh sát nhanh chóng bắt được hung thủ.
Những ngày tháng chờ đợi mỏi mòn thông tin từ phía cảnh sát cứ tiếp diễn. Dường như họ không còn nghi ngờ Sayoko nữa. Chính thanh tra Sayama đã nói vậy. Trước đó, anh ta cho Nakahara xem một bức ảnh, là hình một đôi giày thể thao, và hỏi xem anh đã từng thấy nó trước đây chưa. Cả anh và Sayoko đều không có ký ức về đôi giày này.
“Chúng tôi cho rằng đây là loại giày hung thủ đã đi, dựa trên dấu giày thu được ở hiện trường. Chúng tôi đã tìm rất kĩ trong nhà anh và cả khu vực xung quanh nhưng vẫn không tìm thấy. Có lẽ hung thủ đã mang chúng khi tẩu thoát.”
Nghe vậy, anh đã nghĩ điều đó hẳn là đương nhiên. Hung thủ sao có thể đi chân trần mà tẩu thoát được. Dường như đoán được ý nghĩ của anh, Sayama nói thêm, “Điều này có nghĩa là ít có khả năng hung thủ là người trong nhà cố tình in dấu giày để ngụy tạo hiện trường như bị đột nhập.”
Rút cục, anh cũng hiểu ra. Cảnh sát vốn nghi ngờ chính Sayoko ngụy tạo những dấu giày đó.
Dù phía cảnh sát đã thống nhất đối tượng nghi vấn là hung thủ từ ngoài đột nhập, nhưng vẫn chưa đi đến kết luận đây có phải là một vụ đột nhập giết người đơn thuần hay không.
“Vụ án lần này cũng có thể là một vụ trả thù ân oán cá nhân hay ân oán tiền bạc được ngụy tạo thành đột nhập giết người. Có thể ai đó vì thù hằn với gia đình mình mà gây ra án mạng. Nếu anh chị nhớ ra điều gì đó, dù là tiểu tiết cũng xin hãy cho chúng tôi biết.”
“Từ trước đến giờ chúng tôi chưa bị ai thù ghét, cũng chưa gặp chuyện khó chịu nào hết.” Nakahara đã nói nhiều lần nhưng Sayama vẫn tìm đến họ mỗi khi cần xác nhận chi tiết nào đó. Giả dụ như anh có từng liên quan đến sự vụ gì trong công ty nhiều năm trước không, hay xích mích với mẹ các bé khác ở trường tiểu học nơi Manami theo học. Anh thậm chí còn cảm thán với việc điều tra tỉ mỉ đến từng tiểu tiết như vậy.
Nhưng trên thực tế, vụ án lại được giải quyết bằng một hướng khác hoàn toàn không liên quan đến những nỗ lực của Sayama. Ngày thứ chín sau khi vụ án xảy ra, hung thủ đã bị bắt.
Theo như lời kể của Asamura với gia đình Nakahara, sự việc tóm gọn lại như sau.
Yếu tố khơi mào vụ án là một vụ ăn quỵt ở một nhà hàng gia đình. Một người đàn ông khi thanh toán tiền bữa ăn đã đưa cho nhân viên thu ngân hai tờ phiếu, chúng là phiếu giảm giá 500 yên cho một lần thanh toán. Nữ nhân viên thu ngân từ chối hai tờ phiếu này với lý do đã quá thời hạn sử dụng, hơn nữa mỗi lần thanh toán chỉ dùng được một phiếu.
Thế là người đàn ông nổi điên lên. Ông ta nói ông ta vào nhà hàng này bởi vì nghĩ rằng có thể ăn miễn phí suất ăn 1.000 yên, rồi cứ thế rời khỏi nhà hàng. Nữ nhân viên vì quá sợ hãi nên không dám đuổi theo, thay vào đó cô thông báo lại cho chủ nhà hàng.
Cảnh sát sau khi nhận được thông báo đã cử đồn cảnh sát khu vực đi tuần xung quanh, trong lúc đi tuần cảnh sát nhìn thấy một người đàn ông khớp với miêu tả nhân dạng ở gần ga đang chuẩn bị mua vé tàu. Người đàn ông nghe thấy tiếng cảnh sát định chạy đi, nhưng đã bị bắt lại ngay tại chỗ.
Sau đó, cảnh sát đưa người đàn ông trên về đồn, để nữ nhân viên nhà hàng nhận diện chứng thực đây chính là kẻ đã ăn quỵt. Cảnh sát đã tiến hành thẩm vấn người đàn ông nhưng anh ta không chịu khai tên thật, khiến họ phải kiểm tra vân tay. Lúc đó, hệ thống nhận diện vân tay đã được áp dụng, chỉ cần là người từng có tiền án thì trong khoảng hai giờ đồng hồ có thể xác định được danh tính.
Kết quả cho thấy một sự việc quan trọng. Người đàn ông tên là Hirukawa Kazuo, 58 tuổi, sáu tháng trước vừa được tạm tha và phóng thích từ trại giam Chiba. Ông ta từng bị tuyên án tù vô thời hạn¹ với tội danh đột nhập giết người.
__________________________
(1) Là loại án tù không có hạn định. Sau khi thụ án 10 năm, phạm nhân sẽ được xem xét “tạm phóng thích” để hoàn lương dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.
Khi kiểm tra đồ vật tùy thân, cảnh sát tìm thấy ba tờ tiền mười vạn yên trong túi áo đương sự. Ông ta không trả lời rõ ràng được mình lấy số tiền này ở đâu.
Trong lúc đó, một viên thanh tra nhận ra chi tiết quan trọng. Trên tấm phiếu giảm giá mà Hirukawa đưa ra ở nhà hàng có tên và con dấu của chi nhánh Higashi Nagasaki. Viên thanh tra luôn canh cánh trong đầu tên địa danh này.
Và rồi anh ta nhớ ra vụ án đột nhập giết người xảy ra một tuần trước. Nạn nhân là một cô bé 8 tuổi, viên thanh tra cũng có con gái tầm tuổi đó, vì thế anh ta vẫn luôn nhớ vụ án này trong đầu.
Sau khi viên thanh tra liên lạc được với tổ điều tra, phía đồn anh làm việc lại một lần nữa tiến hành xác nhận dấu vân tay. Lần này họ kiểm tra dấu vân tay trên ba tờ tiền mười vạn yên và trên hai tấm phiếu giảm giá của Hirukawa. Kết quả thu được là phía cảnh sát tìm thấy dấu vân tay của mẹ nạn nhân, tức Nakahara Sayoko trên một tờ tiền. Hơn nữa, đôi giày Hirukawa mang trùng khớp với dấu giày thu được trong nhà Nakahara. Với những bằng chứng trên, Hirukawa bị chuyển về tổ điều tra. Sau khi Phòng điều tra hình sự số 1 tiến hành thẩm vấn, Hirukawa đã khai nhận hành vi phạm tội.
Nakahara và vợ cũng không rõ Hirukawa đã nhận tội những gì. Thanh tra Sayama có nói lại với hai vợ chồng nội dung cơ bản, nhưng bản thân Sayama cũng không nắm rõ toàn bộ tình tiết vụ án. Nhưng nội chuyện tìm ra hung thủ giết hại con gái mình, tìm ra đối tượng cho những oán hận đối với hai vợ chồng Nakahara đã có ý nghĩa vô cùng lớn. Bởi rút cục họ đã tìm được mục tiêu mới trong cuộc đời còn lại, đó là làm cho người đàn ông đó phải chịu án tử hình.
Một tên tội phạm đã từng nhận án tù vô thời hạn cho hành vi đột nhập giết người lại tiếp tục phạm tội trong thời gian tạm tha. Một câu chuyện không đáng được khoan hồng. Đương nhiên hắn sẽ phải chịu án tử hình.
Nghĩ vậy, nhưng khi hai người tìm hiểu về các vụ án tương tự trước đây, Nakahara bắt đầu thấy lo lắng. Có một số vụ án tương tự nhưng hung thủ không nhất định đều bị phán quyết án tử hình. Nói đúng hơn thì số vụ nhận phán quyết án tử ít hơn hẳn.
Phạm nhân có dấu hiệu hối hận, có biểu hiện cải tạo hoàn lương, hành vi phạm tội không được lên kế hoạch trước, có điểm cần khoan dung, dường như thẩm phán luôn cố tìm ra những lý lẽ để tránh phải hạ phán quyết tử hình.
Lúc đó anh đã nói lại chuyện này với Sayoko. Ngay khi ấy, đôi mắt vốn trống rỗng của cô dường như lóe lên một tia sáng khác thường. Sự căm phẫn hiện trên gương mặt cô. “Chuyện này... không thể bỏ qua được,“ cô nói với chất giọng trầm thấp, lạnh lùng lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm chung sống cùng Nakahara. “Nếu như hắn không bị tử hình thì nhanh nhanh chóng chóng ra khỏi nhà tù đi, chính tay em sẽ giết chết hắn,“ cô tiếp tục nói, ánh mắt căm ghét như đang hướng đến một điều gì đó ở xa xăm.
“Anh sẽ cùng em giết hắn,“ Nakahara nói thêm.
Cứ thế bốn tháng trôi qua từ ngày xảy ra án mạng, cũng là lúc phiên tòa sơ thẩm lần một của vụ án được tiến hành. Cũng chính tại phiên tòa này, lần đầu tiên gia đình Nakahara được biết về chi tiết vụ án.
Vào ngày định mệnh ấy, Hirukawa gần như không còn đồng nào trong người. Hắn cũng không có nơi nào để đi, buổi tối hôm trước hắn còn ngủ qua đêm trên ghế đá ngoài công viên. Đã hai ngày chưa có gì bỏ vào bụng, hắn dự định vào siêu thị gần đó lấp đầy dạ dày bằng đồ ăn thử. Hành lý của hắn tất cả chỉ có một túi xách nhỏ đựng găng tay, băng dính và búa. Những thứ này hắn ăn cắp ở chỗ làm trước đây, với ý nghĩ chúng sẽ có ích nếu sau này hắn định lẻn vào đâu đó ăn trộm.
Trong lúc đang đi trên đường trong khu dân cư, Hirukawa nhìn thấy một người phụ nữ có vẻ là nội trợ đi ra từ một ngôi nhà. Cửa nhà người phụ nữ có đến hai chìa khóa. Hắn nhìn cách người phụ nữ khóa hai chìa một cách cẩn thận rồi đi đến kết luận, chắc chắn trong nhà không còn ai nữa.
Người phụ nữ rời khỏi căn nhà, không hề nhìn về hướng Hirukawa mà bước về phía ngược lại. Hắn nghĩ có lẽ cô ấy đi mua đồ chuẩn bị cho bữa tối nên sẽ không quay về ngay lập tức.
Hắn nhìn bóng người phụ nữ đi khuất, sau đó lấy găng tay trong túi xách ra đeo vào, thử bấm chuông cửa căn nhà. Tuy nhiên không có ai trả lời, hắn chắc chắn người nhà đã đi vắng hết. Liếc nhìn xung quanh để đảm bảo không có ai thấy mình, hắn mở cửa đi vào vườn. Để chắc chắn hơn, hắn đã đi vòng quanh căn nhà một lần, trong nhà không có dấu hiệu có người.
Cửa sổ nhà tắm của căn nhà là góc chết từ nhà bên cạnh nhìn sang, vì thế Hirukawa quyết định đột nhập vào nhà qua đường này. Hắn dùng băng dính trong túi xách mang theo dán lên cửa kính cửa sổ, đập vỡ kính bằng chiếc búa của mình. Sau khi cẩn thận thu dọn mảnh kính vỡ, hắn với tay bật chốt mở cửa sổ và trèo vào phòng tắm.
Hirukawa đứng trong phòng tắm nghe ngóng tình hình ở phòng khách. Trong phòng không một tiếng động, không gian vô cùng yên ắng. Hắn để nguyên giày cứ thế đi dọc hành lang tìm nhà bếp, bởi trước hết hắn muốn kiếm cái gì đó bỏ bụng đã.
Sau khi đến được nhà bếp ở ngay cạnh phòng khách, hắn mở tủ lạnh và xem xét đồ bên trong, tuy nhiên trong tủ lạnh không có thứ gì có thể ăn được ngay. Hắn tìm thấy xúc xích, trong lúc đang với tay định lấy thì nghe thấy tiếng hét thất thanh vang lên từ phía sau lưng.
Hirukawa quay người lại, thấy một bé gái đang đứng giữa phòng khách, giương mắt nhìn hắn trong bộ dạng hoảng sợ. Ngay giây sau đó, cô bé chạy vọt ra ngoài hành lang.
Không xong rồi, hắn nghĩ, vội đuổi theo cô bé.
Cô bé chạy ra đến bậc cửa ra vào, một trong hai khóa trên cửa đã được mở. Hirukawa tóm lấy cô bé từ phía sau, dùng tay bịt miệng cô bé lại rồi cứ thế lôi vào phòng khách.
Nhìn thấy quả bóng xốp nằm lăn lóc trên sàn phòng khách, hắn buông bàn tay đang bịt miệng đứa trẻ và với lấy quả bóng. Trong khoảng khắc đó cô bé lớn tiếng hét “Mẹ ơi”, nhưng ngay lập tức bị hắn nhét quả bóng xốp vào miệng. Cô bé lại im lặng trở lại.
Hirukawa dùng một tay với lấy túi xách, lôi ra cuộn băng dính. Hắn đè cô bé nằm sấp xuống, vặn hai tay cô bé ra phía sau dùng băng dính trói hai cổ tay lại. Sau đó, hắn tiếp tục trói hai chân cô bé. Những tưởng như vậy cô bé con sẽ ngoan ngoãn nằm im, nhưng cô bé vẫn không ngừng giãy mạnh, thế nên hắn mang cô bé vào nhà vệ sinh nhốt lại.
Lúc đó hắn chỉ muốn kiếm cái gì đó để ăn và tiền, vì thế hắn quay lại phòng khách. Hắn tìm thấy trong ngăn kéo tủ kệ phòng khách vài tờ mười nghìn yên và phiếu giảm giá của nhà hàng gia đình, rồi cứ thế bỏ vào túi áo ngực.
Hirukawa biết mình nên chạy trốn càng nhanh càng tốt, nhưng lại lo lắng chuyện cô bé con trong nhà. Vì cô bé đã nhìn thấy mặt hắn. Hắn lo sợ nếu cảnh sát vẽ lại chân dung thì chuyện hắn làm sẽ ngay lập tức bị bại lộ.
Hắn mở cửa nhà vệ sinh, lúc này cô bé đã mệt lả đi. Nhưng trong đôi mắt cô bé lại tràn đầy hận ý, như đang nói với hắn tôi sẽ mách lại chuyện này cho mẹ biết.
Hirukawa nghĩ không thể để yên như thế. Hắn dùng hai bàn tay siết lấy cổ đứa trẻ, ngón tay cái ấn lên yết hầu nhỏ bé. Cơ thể cô bé hơi run lên, chẳng mấy chốc mà bất động.
Hắn nhặt lấy túi xách chạy khỏi căn nhà qua bậc cửa ra vào. Hắn chỉ muốn ăn cái gì đó vào bụng. Sau khi ra đến đường lớn, hắn nhìn thấy một quán cơm bò, nên bước vào và chọn một suất cơm bò cỡ đại kèm trứng sống. Món ăn được đưa ra, Hirukawa ngấu nghiến ăn, đương nhiên cũng quên luôn cô bé con hắn đã dùng chính bàn tay mình giết chết.
Chuyện xảy ra tại căn nhà của gia đình Nakahara cụ thể là như vậy.
Cơ thể Nakahara không ngừng run rẩy khi nghe kiểm sát viên đọc bản cáo trạng. Cứ nghĩ đến bé Manami đã hốt hoảng thế nào khi thấy một người đàn ông lạ mặt ở trong nhà, đã sợ hãi nhường nào khi bị nhét bóng xốp vào miệng và bị trói hai tay hai chân bằng băng dính, đã tuyệt vọng ra sao khi bị siết cổ, là anh lại không ngừng thương xót cho đứa con gái của mình.
Anh liếc mắt nhìn kẻ đáng căm hận kia. Hirukawa là một gã đàn ông nhỏ con tầm thường, trông không có vẻ gì là tráng kiện. Khuôn mặt với đuôi mắt chùng xuống kia thậm chí còn cho người ta cảm giác yếu đuối. Nhưng nghĩ đến chuyện chính gã này đã giết hại Manami, trong mắt Nakahara chỉ nhìn thấy một gã đàn ông gian trá, tàn nhẫn không hơn không kém.
Kiểm sát viên cũng nhấn mạnh rõ tính dã man của hành vi phạm tội. Lời nói của kiểm sát viên khiến tất cả những người có mặt ở phiên tòa đều tin chắc bị cáo sẽ bị tuyên án tử. Nakahara cũng tin tưởng như vậy.
Nhưng, các phiên sơ thẩm cứ diễn ra lần lượt, và không khí phiên tòa dường như có một sự thay đổi kì lạ. Tính chất dã man của hành vi phạm tội dần được giảm nhẹ theo những lý lẽ dẫn dắt mà bên luật sư nêu ra.
Hơn tất cả chính là sự thay đổi trong nội dung bản khẩu cung của Hirukawa. Hắn khai rằng hắn không có ý định giết chết Manami.
Hắn thừa nhận nhét bóng xốp vào miệng, rồi dùng băng dính trói tay chân cô bé lại. Nhưng vì cô bé không ngoan ngoãn im lặng mà lại kêu lên. Hắn chỉ định khiến cô bé im lặng vì thế đã ngay lập tức siết cổ cô bé, thế rồi cô bé bất động.
Kiểm sát viên hỏi bị cáo, tại sao hắn ta lại để xác cô bé lại trong nhà vệ sinh? Câu trả lời của bị cáo là vì hắn không nghĩ rằng cô bé đã tắt thở.
“Tôi nghĩ con bé chỉ bất tỉnh thôi, nếu nó tỉnh lại giữa chừng làm loạn lên thì không hay nên tôi nhốt nó lại trong nhà vệ sinh.”
Hắn biện minh rằng ký ức của hắn khi vừa bị cảnh sát bắt không rõ ràng. Đối với phát ngôn này của bị cáo, đương nhiên phía luật sư đã nhấn mạnh lập luận “Bị cáo không có ý giết người.”
Sau đó, Hirukawa lại lần nữa nói ra những lời xin lỗi và hối hận.
“Tôi thực sự xin lỗi gia đình nạn nhân. Vâng, tôi thật tâm muốn nhận lỗi với gia đình vì đã lỡ ra tay giết hại một cô bé đáng yêu như vậy. Tôi biết có lẽ mọi người đều cho rằng tôi cần phải chết để tạ tội, nhưng bản thân tôi muốn được đền bù cho tội ác mình đã làm. Tôi nghĩ mình cần phải bù đắp bằng bất cứ giá nào.”
Với Nakahara mà nói, những lời đó của Hirukawa không có một chút sức nặng nào, chúng không khác gì lời nói thoảng qua tai. Nhưng luật sư biện hộ lại bào chữa rằng “Bị cáo thực sự có dấu hiệu hối cải“.
Hoang đường, Nakahara nghĩ. Gã đàn ông đó không hề biết hối cải. Nếu là loại người biết hối cải hẳn sẽ không phạm tội trong khi đang được tạm tha.
Rút cục, sau một loạt phiên sơ thẩm, Nakahara cũng biết được Hirukawa Kazuo có xuất thân thế nào.
Hắn vốn là người thành phố Takasaki tỉnh Gunma và có một người em trai. Ba mẹ hắn đã ly hôn khi hắn còn nhỏ, vì thế hắn được mẹ nuôi lớn. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề công nghiệp, hắn làm trong một nhà máy linh kiện ở quê nhà, nhưng sau đó hắn bị bắt giữ vì lấy trộm tiền trong ví của một người bạn sống cùng ký túc xá. Hắn không bị khởi tố nhưng đương nhiên bị đuổi việc. Sau chuyện đó hắn cũng làm ở những chỗ khác, nơi làm việc cuối cùng của hắn là một nhà máy bảo dưỡng ô tô ở quận Edogawa.
Khi Hirukawa thực hiện hành vi đột nhập giết người lần đầu là lúc hắn đang làm việc ở nhà máy này. Lúc mang xe được bảo dưỡng xong đến trả lại chủ, hắn đã giết chết người chủ xe đã luống tuổi và vợ ông ta, rồi cướp đi vài chục nghìn yên tiền mặt. Khi đó hắn nợ một khoản tiền lớn do bài bạc.
Có vẻ tại phiên tòa xử vụ án đó, Hirukawa cũng nói hắn không có ý định giết người. Hắn đã nói mình chỉ đánh nạn nhân.
Người chồng chết do bị thương, vì thế lời nói của Hirukawa có thể coi là thật, nhưng cái chết của người vợ lại được kết luận là án mạng giết người. Sau nhiều lần điều trần tại tòa, hắn bị quy mức án tù vô thời hạn.
Nhưng, vô thời hạn không có nghĩa là vĩnh viễn.
Nếu có biểu hiện hối cải, phạm nhân sẽ được tạm tha. Hirukawa được tạm tha, có nghĩa là trong lúc thụ án tù hắn đã có biểu hiện tốt.
Vậy, sau khi ra khỏi nhà giam thì sao?
Sau khi được tạm tha rời khỏi trại giam Chiba, Hirukawa ở trong một Trung tâm phúc lợi tái hòa nhập cộng đồng gần trại giam khoảng một tháng. Sau thời gian đó, hắn đến thăm người em trai ruột thịt duy nhất của mình. Em trai hắn là chủ một nhà máy nhỏ ở Saitama, đã giới thiệu hắn với một công ty xử lý phế liệu.
Hắn làm việc tử tế ở đó một thời gian, nhưng thói hư tật xấu lại tái phát. Hắn một lần nữa dính vào cờ bạc, bắt đầu đi đi về về quán Pachinko. Chủ công ty cho hắn bắt đầu công việc với mức lương bằng một nửa bình thường, hứa sẽ tăng lương sau khi xem xét thái độ làm việc của hắn. Số tiền cỏn con đó lại ném vào ăn thua may rủi nên chẳng mấy chốc cũng hết, vậy nhưng hắn vẫn không thể bỏ Pachinko. Hắn tính cạy két sắt của văn phòng công ty.
Hirukawa không thực hiện trót lọt được ý đồ này, vì đã bị chủ công ty phát hiện ra ngay lập tức. Hắn chẳng thể nào ngờ trong văn phòng công ty có lắp camera theo dõi, và đương nhiên hắn đã bị đuổi việc. Ông chủ còn bồi thêm cho hắn một câu rằng mày phải biết ơn vì tao đã không báo cảnh sát.
Ngay cả em trai cũng cạn tình cạn nghĩa với hắn. Từ trước đến giờ em trai hắn vẫn trả tiền thuê căn hộ hắn ở, nhưng giờ anh ta cũng cắt hợp đồng thuê nhà.
Hirukawa sợ rằng cứ đà này quyết định tạm tha của hắn sẽ bị hủy bỏ, vì thế hắn mang theo hành lý tối giản nhất bỏ đi. Sau đó, hắn cầm cự với số tiền ít ỏi cho đến khi sắp không còn một xu dính túi, hắn một lần nữa lại phạm tội ác thứ hai trong đời.
Một kẻ ngu xuẩn. Nếu hắn vì sự ngu xuẩn của mình mà một mình rơi xuống địa ngục cũng chẳng hề gì. Nhưng tại sao Manami phải chết. Con bé mới chỉ 8 tuổi, vẫn còn cả một cuộc đời dài chờ đợi phía trước. Cuộc đời đó của Manami chính là lẽ sống của Nakahara và Sayoko.
“Tính mạng gã đàn ông này anh không muốn, nhưng ít nhất nếu hắn đền tội linh hồn của Manami sẽ phần nào siêu thoát”, Nakahara luôn nghĩ vậy ở mỗi phiên tòa, khi nhìn bóng lưng nhỏ thó ngồi ở ghế bị cáo.