Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 122: Chương 122: Khả Lan kinh (thượng)




Sau khi Át Tất Long qua đời, Ngao Bái như mất một cánh tay. Bấy giờ Hoàng Hà lại dâng nước lũ, từ Mạnh Tân đến Đồng Quả Thương đã bị vỡ đến bảy tám chỗ, Khang Hi bèn truyền chỉ sai Tô Khắc Táp Cáp đi cứu lũ. Tô Khắc Táp Cáp nghĩ tới cảnh nhân sinh kỷ hà, không muốn biến thành con ma chết trôi Hoàng Hà nên không nhận chỉ. Sáng hôm sau trên đại điện, Tô Khắc Táp Cáp ỷ mình là cố mệnh đại thần, muốn ra oai nên lấy cớ niên thọ đã cao, dâng lên Khang Hi một lá thư hăm dọa sẽ từ chức. Gã tưởng Khang Hi không dám nhận lá thư cáo lão nào ngờ Khang Hi ung dung nhận thư và tước bỏ binh quyền một cách hợp lý.

Tam mệnh đại thần rốt cuộc chỉ còn mỗi mình Ngao Bái.

Mùa thu năm đó tộc trưởng Hiệt Kiết Tư của bộ lạc Kha Nhĩ Khắc Tư sang tiến cống như thường lệ. Khang Hi thiết tiệc chiêu đãi trong ngự hoa viên, nhưng thực tế là tạo cơ hội cho Tân Nguyên tiếp cận Hiệt Kiết Tư. Tân Nguyên trò chuyện với Hiệt Kiết Tư về hồi giáo, lại hỏi về Khả Lan kinh. Khả Lan kinh là tính mệnh của bộ lạc Kha Nhĩ Khắc Tư, vốn là một kiệt tác thi văn, không hẳn là một cuốn thơ trường thiên nhưng là một tác phẩm văn xuôi có vần có điệu rất thích hợp với khẩu vị văn chương của những người du mục ở nơi hoang dã. Tân Nguyên và Hiệt Kiết Tư chuyện trò hồi lâu, Tân Nguyên nói mơ ước của nàng là đến thăm bộ lạc du mục ở phía bắc Thiên sơn, và được chính mắt xem Khả Lan kinh.

Ngày hôm sau Tân Nguyên theo Hiệt Kiết Tư rời kinh thành, theo hộ tống Tân Nguyên còn có Sách Ngạch Đồ và Phi Yến cải trang thành Tiểu Điệp, cùng với một nhóm binh sĩ của Sách Ngạch Đồ. Mười ngày sau đoàn người đã về đến dưới chân Thiên sơn. Dòng dõi của tộc Kha Nhĩ Khắc Tư là người Hồi Hột đời Đường, vào đời nhà Nguyên, người Mông Cổ tự cao tự đại đã khinh miệt gọi họ là người Duy Ngô Nhĩ. Sau này, những người ăn nói khách sáo hơn thì gọi họ là dân Hồi tộc. Thật ra hình dáng và tập tục của họ khác hẳn với người Hồi ở trung nguyên, cũng không cùng chủng tộc, chẳng qua chỉ cùng theo Hồi giáo. Bộ tộc này khá đông người, tổng số đến gần hai chục vạn dân.

Mấy người Sách Ngạch Đồ, Tân Nguyên, Phi Yến đến Thiên sơn đương nhiên không đơn giản là tới xem Khả Lan kinh. Thuật dịch dung của Phi Yến rất giỏi, ba ngày sau khi đến hồi cương nàng dịch dung thành Tân Nguyên để thay Tân Nguyên đi đánh cắp quyển thánh kinh. Phi Yến được mời đến lều của Hiệt Kiết Tư để xem Khả Lan kinh, nhân lúc Hiệt Kiết Tư cùng những người trong lều làm lễ cầu kinh buổi tối, Phi Yến thấy mọi người Hồi trong lều đều rạp mình hết xuống đất để cầu nguyện. Nàng biết lúc này là lúc nàng không dễ bị nhìn thấy, bèn ném một sợi dây có đầu móc như một bàn tay cuốn lấy chiếc hộp có quyển thánh kinh đặt trên chiếc bàn ở một góc trong lều, thủ pháp cực nhanh, rồi nàng lại đặt chiếc hộp trở lại chỗ cũ. Phi Yến giấu quyển thánh kinh trong áo, chờ cho buổi cầu nguyện chấm dứt, bái chào rồi ra khỏi lều Hiệt Kiết Tư.

Trưa hôm sau Sách Ngạch Đồ, Tân Nguyên, Phi Yến và binh lính của Sách Ngạch Đồ từ giã Hiệt Kiết Tư trở về kinh thành. Đường núi rất hiểm trở, càng đi càng dốc, mọi người lúc nào cũng đi sát cỗ xe của Tân Nguyên, chỉ sợ ngựa bị sẩy chân là xe rơi xuống vực, dĩ nhiên người trong xe phải tan nát thịt xương. Đến chiều, đoàn người xuống đến một vùng đồng bằng, phía bên phải là rừng Thái Nguyên, người bản địa quen gọi khu rừng đó là rừng “tự sát,” một nơi mà được biết đến là địa điểm để tự tử. Đám người Sách Ngạch Đồ vừa đặt chân xuống núi liền nhanh chóng bị bao vây tứ phía. Thì ra họ đi chẳng bao lâu, người hồi đã phát hiện ra thánh kinh bị đánh cắp, Hiệt Kiết Tư vô cùng tức giận, nên đã đích thân chỉ huy binh lính đi đường tắt chờ đoàn người Sách Ngạch Đồ trong cánh đồng.

Trong lúc Sách Ngạch Đồ đánh nhau với binh lính của Hiệt Kiết Tư, Hiệt Kiết Tư từ trong đoàn người hồi phóng tới, tung người nhảy xuống ngựa, vung trường kiếm nhắm vào con ngựa đang kéo chiếc xe của Tân Nguyên chém ra một nhát, cắt đứt một bên chân của con ngựa buộc Tân Nguyên và Phi Yến phải xuống xe. Hiệt Kiết Tư lại nhắm vào Tân Nguyên, nhưng chưa kịp chém vào nàng đột nhiên nghe sau lưng có tiếng gió rít lên, như binh khí đánh tới bèn nghiêng mình tránh né. Không cần biết kẻ địch là ai, Hiệt Kiết Tư né xong một nhát đó, cứ đưa kiếm tiếp tục đâm tới Tân Nguyên. Không ngờ kiếm pháp của Sách Ngạch Đồ rất nhanh, đảo lại chém ngang lưng Hiệt Kiết Tư, không để Hiệt Kiết Tư chạm vào Tân Nguyên. Hiệt Kiết Tư không có cách nào tránh né, phải xoay kiếm lại đỡ. Hai thanh kiếm chạm nhau bắn lửa tung tóe, Hiệt Kiết Tư bỗng giật mình vì địch thủ võ công không tệ. Lúc này Hiệt Kiết Tư không có thì giờ suy tính, cứ đưa tay trái ra chộp vào vai Tân Nguyên, nhưng trường kiếm của Sách Ngạch Đồ giống như bóng theo hình, đâm thẳng vào cổ tay trái Hiệt Kiết Tư. Tay trái của Hiệt Kiết Tư phải rụt lại, tay phải cầm kiếm đâm thẳng ra.

Hiệt Kiết Tư liên tiếp phóng ra mười mấy kiếm chiêu nữa đều bị Sách Ngạch Đồ hóa giải. Nhưng binh lính triều đình ít ỏi, chỉ vỏn vẹn vài chục người nên khoảng chừng nửa khắc đã bị người hồi giết sạch. Chỉ còn lại ba người Sách Ngạch Đồ, Phi Yến và Tân Nguyên. Lúc này Phi Yến cũng đánh đấm toát mồ hôi bảo vệ cho Tân Nguyên. Phi Yến đang đánh, chợt thấy có thêm một đoàn binh lính người hồi nữa kéo đến vội kêu lên:

- Không xong! Mình phải rút lui thôi!

Sách Ngạch Đồ cũng thấy đoàn binh lính đó, cũng không muốn đánh lâu làm gì nữa. Chàng đột nhiên biến đổi kiếm pháp, thi triển tuyệt kỹ của mình là Tam thế kiếm, chỉ mấy chiêu đã ép Hiệt Kiết Tư lùi lại liên tục. Gọi là Tam thế kiếm vì mỗi chiêu kiếm trong kiếm thuật đó chỉ sử đến một phần ba. Địch vừa muốn chống đỡ thì ta đã biến chiêu rồi, trong một chiêu ẩn tàng đến ba chiêu khác, thật là vừa phức tạp vừa nhanh chóng. Kiếm thuật này hoàn toàn không có thế thủ, chiêu nào cũng chỉ tấn công. Hiệt Kiết Tư thấy kiếm pháp của đối phương càng lúc càng mạnh, dĩ nhiên hoảng sợ, đón đỡ không kịp nên chỉ còn bước lui tránh né. Trong một lần Hiệt Kiết Tư thu kiếm lại bảo vệ trung hộ, trên vai lộ ra sơ hở rất lớn, Sách Ngạch Đồ bèn dùng kiếm chém một nhát vào vai Hiệt Kiết Tư, sau đó thừa lúc binh sĩ của Hiệt Kiết Tư đang lo lắng cho tộc trưởng, Sách Ngạch Đồ cùng Phi Yến và Tân Nguyên tháo chạy.

Ba người chạy được một hồi Tân Nguyên đi không nổi nữa, trước mặt còn cả một đoạn đường ngoằn ngoèo đèo cao dốc thẳm, dự tính phải vượt qua năm quãng rất dài nữa mới ra khỏi được địa bàn của Hiệt Kiết Tư. Tân Nguyên bèn lấy trong áo ra quyển thánh kinh trao cho Phi Yến. Phi Yến liên tục lắc đầu quầy quậy, trong mắt ươn ướt, nàng lắc đầu đến nổi đầu óc choáng váng, ánh mặt trời chiều biến thành lạnh, quá là lạnh.

Tân Nguyên đưa Khả Lan kinh cho Phi Yến rồi nàng nhoẻn miệng cười với Sách Ngạch Đồ. Đoạn không để cho hai người phản đối, nàng lập tức xoay mình chạy vào trong rừng Thái Nguyên. Phi Yến và Sách Ngạch Đồ đứng chôn chân nhìn theo Tân Nguyên. Khi nãy Tân Nguyên không cần phải nói ra, Sách Ngạch Đồ cũng hiểu được. Hiển nhiên quyển kinh mới thật sự là thứ cần bảo vệ. Trong một thoáng mắt chàng bỗng hoa lên. Cảnh vật chung quanh chàng bỗng trở nên chập chờn, một nỗi thống khổ khủng khiếp dâng trào trong tim chàng, lan ra khắp người chàng, tận đến các đầu ngón tay.

Khi Sách Ngạch Đồ và Phi Yến ra khỏi địa phận của tộc Kha Nhĩ Khắc Tư trời đã vào đêm, tứ bề trời đất âm u, trăng sao lẳng lặng ẩn vào mây đen. Thiên địa hình thành một khối, tất cả vạn vật đều chìm đắm trong bóng tối vô biên. Ầm! Một tiếng sét nổ vang dội đến đinh tai nhức óc. Kế đó là những giọt nước mưa ào ào đổ xuống, gió táp mưa sa.

Sách Ngạch Đồ và Phi Yến lo quyển thánh kinh bị ướt nên tìm một hang động trú mưa. Đến khuya, bên ngoài sấm sét vẫn còn giao nhau, mưa đổ xuống như trút nước. Phi Yến ngồi bên cạnh ngước mắt nhìn Sách Ngạch Đồ, chàng ngồi đờ người ra đã hơn canh giờ rồi. Phi Yến cũng quen biết Sách Ngạch Đồ khá lâu, nàng biết cảm giác của chàng đối với Tân Nguyên. Trong óc Phi Yến không ngừng vụt qua hình tượng Tân Nguyên, một cô gái điềm tĩnh thanh tao, vui vẻ mà thân thiết. Một cô gái với đôi tròng mắt đen láy tuyệt đẹp, cái nhìn buồn bã và nụ cười gượng cuối cùng đó khiến Phi Yến nát lòng.

Phi Yến lặng lẽ nhìn Sách Ngạch Đồ một lúc lâu nàng nói nhỏ:

- Từ khi nào ngài bắt đầu yêu cách cách?

Sách Ngạch Đồ nghe Phi Yến hỏi nỗi nhớ về Tân Nguyên càng như thủy triều cuồn cuộn trong lòng chàng, chàng đưa mắt nhìn một khe nứt dưới chân mình, nhìn ngọn cỏ nhỏ trong kẽ đất cựa quậy để trồi lên. Chàng không biết phải trả lời Phi Yến thế nào, chàng yêu Tân Nguyên khi nào, có lẽ là từ rất lâu rồi, hôm hai người ngồi học trong quốc tử giám, cũng có thể là sớm hơn. Chàng nhớ hôm đó chàng đã nhìn vào mắt Tân Nguyên, lần đầu tiên chàng cảm thấy lòng mình dậy sóng, chẳng hiểu tại sao. Ánh mắt long lanh của nàng khiến chàng đâm ngớ ngẩn cả buổi, tình cảm bất chợt tuôn trào như thác lũ, ngập lụt cả lòng chàng. Và cũng trong giây phút ấy chàng bàng hoàng phát hiện ra rằng chàng đã không còn là một đứa trẻ ngây ngô nữa, những ngày tháng vui đùa với những ống dế và cánh diều đã thật sự trôi qua rồi...

- Không biết cách cách có biết tình cảm của ngài không?

Phi Yến chờ một lúc không nghe Sách Ngạch Đồ trả lời nàng lại lên tiếng.

Sách Ngạch Đồ hít sâu một hơi, gượng cười lắc đầu. Phi Yến thở dài:

- Tại sao ngài không thử nói ra? Ngài không nói ra, làm sao biết cách cách không có một chút gì đó yêu ngài?

Sách Ngạch Đồ tiếp tục giữ im lặng. Con người sống trong cái bi ai của mình còn tương đối dễ, sống trong sự thương xót của người khác mới càng khó khăn. Chàng không bao giờ quên được ánh mắt của Tân Nguyên nhìn Cửu Dương khi hai người gặp nhau trong phủ Viễn, từ hôm ấy, chàng đã biết Tân Nguyên không có cách nào đáp lại tấm lòng của chàng. Chàng hiểu rõ điều gì xảy ra và đón nhận nó bằng thái độ bình tĩnh như đón nhận số phận. Cửu Dương chinh phục được Tân Nguyên, còn chàng không có năng lực đó, trong lòng Tân Nguyên chỉ có Cửu Dương, chàng không thể nào chen chân vào được nên đành phải buông tay một cách hào sảng. Và cũng kể từ hôm ấy, chàng cũng đã thành thật nhìn nhận và đã phát hiện ra tình cảm của Tân Nguyên đối với chàng chẳng qua chỉ là tình tri kỷ. Hai người lớn lên bên nhau, đã có những giây phút vui vẻ cùng nhau, không cảm giác gánh nặng, không có một áp lực nào. Chàng trân quý tình bạn đó và muốn duy trì mối quan hệ, chàng không muốn sau khi nói ra rồi mối tình cảm bị biến chất rồi mất đi. Cho dù mối tình của chàng không thể nào phát triển được nhưng chàng quyết định vẫn sẽ âm thầm lặng lẽ để yêu nàng ấy, địa vị của nàng trong lòng chàng vĩnh viễn cũng sẽ không thay đổi...

Lại nói tới Hiệt Kiết Tư sau khi không lấy lại được kinh thư đã tức tối ra lệnh cho một đoàn binh sĩ hơn ba vạn người tấn công vào doanh trại người Mãn đóng ở Hồi Cương, giết chết năm viên tướng đắc lực của triều đình nhà Thanh, đòi trả lại kinh thư.

Vùng biên giới giáp ranh với người Hồi vì vậy mà nổi lên chiến tranh tôn giáo. Giáo đồ hồi giáo tập hợp đông đúc xông vào các trại lính ở vùng Hồi Cương giết chết thêm nhiều quan viên nhà Thanh khác. Suốt một dãy Cáp Mật, Tháp Thành, Khách Thập liên tiếp bị thất thủ. Giáo đồ ở các nơi khác như Xương Cát, Hòa Điền, A Khắc Tô cũng đều hưởng ứng nổi dậy. Tin cáo cấp gởi về triều đình như bươm bướm. Ngao Bái xem sớ giật mình kinh hãi. Tiêu Phong thì đã dẫn hai đoàn cảm tử quân là Chính Bạch Kỳ và quân thiếc giáp đi dẹp loạn Cát Nhĩ Đan vẫn còn chưa về.

Hồi này tướng giỏi nhất của Ngao Bái ở vùng hồi cương là Vương Kiệt Thư nhưng lại bị nhiễm độc chướng ở Ba Âm Quách Lăng. Nhất thời không biết kiếm đâu một viên đại tướng lão luyện chiến chinh.

Ngao Bái năm xưa danh chấn tứ phương, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh đông dẹp tây khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi. Ngao Bái có chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là “tướng râu.” Và mỗi lần nghe nói tướng râu tới là người Hồi ai cũng lo tháo thân trước. Ngao Bái hồi đó đóng quân ở vùng Thiểm Tây, mấy lần đưa quân tới hồi cương để trợ chiến cho Hoàng Thái Cực giúp Hoàng Thái Cực lấy được rất nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ.

Nhưng lần này tuổi tác Ngao Bái quá cao nên đành biên thư sai Cửu Dương từ Hắc Long Giang đi đến hồi cương dẹp loạn. Vì lo địch hung hãn uy mãnh lạ thường nên Ngao Bái sai Đô đốc Bành Xuân dẫn đoàn quân Tương Hồng kỳ đi tiếp viện cho Cửu Dương.

Cửu Dương dẫn quân đội Thượng Tam kỳ đi từ Hắc Long Giang đến Hồi Cương chuẩn bị giao chiến. Giữa đường chàng gặp Phi Yến và Sách Ngạch Đồ. Sách Ngạch Đồ đem Khả Lan kinh đưa cho Cửu Dương, Đô đốc Bành Xuân còn chưa đến nên bấy giờ Sách Ngạch Đồ thấy binh lính Thượng Tam kỳ do Cửu Dương chỉ huy chỉ có bốn vạn, so với quân của Hiệt Kiết Tư chênh lệch quá xa, Sách Ngạch Đồ không dám nhờ Cửu Dương chia quân ra đi tìm Tân Nguyên, cũng không cho Phi Yến nhắc gì đến Tân Nguyên. Hơn nữa Cửu Dương lại là nguyên soái, càng không tiện rời đi, Sách Ngạch Đồ bảo Phi Yến hiện thời dù người bị lạc có là ai chăng nữa, không người nào trong quân đội tiện rời khỏi doanh trại để tìm kiếm.

Sau nửa tháng người Hồi thua trận, cưỡi chiến mã tẩu như phi. Quân sĩ Bát Kỳ dưới sự chỉ đạo của Cửu Dương, Sách Ngạch Đồ và Bành Xuân vẫn không bỏ cơ hội truy đuổi tới cùng. Cuối cùng người Hồi đành phải giảng hòa bằng cách cắt một miếng đất ở hồi cương dâng cho triều đình nhà Thanh với điều kiện lấy lại kinh thư. Hai bên sau đó lập hiệp ước bãi binh.

Tuy thắng lợi là vậy, Cửu Dương vẫn cử người chạy về kinh cấp báo, nói với Ngao Bái chiến trường rất cần tiếp viện. Mặt khác Cửu Dương cũng bảo bọn quan tổng binh ở những địa phương gần biên giới, vốn dĩ thuộc bè cánh và thường nhận mật ý của Tiêu Phong, đem ém nhẹm hết quân tình hằng ngày, rồi còn tâu láo về triều nói bị quân giặc giết đến hàng vạn. Bọn quan binh này từ lâu cũng rất trái tai gai mắt những việc làm của tam mệnh đại thần nên nhất cử nghe lời Cửu Dương. Cửu Dương lại cho người biên thư về nói Sa hoàng cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, ồ ạt dấy binh, xua cả vạn hùng binh tấn công từ phía tây của Vạn Lý Trường Thành. Ngao Bái lại sai Tát Bố Tố dẫn đoàn quân Tương Lam kỳ đi tiếp viện. Rốt cục Ngao Bái ở kinh thành chỉ còn mấy ngàn quân đóng vai trò quân đội đồn trú. Còn trong tay Cửu Dương bấy giờ tổng binh, phó tướng, tham tướng của các doanh, nhân số vô cùng đông đảo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.