Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 16: Chương 16: Tranh giành




Chuyển vận vầng Dương đón trăng tà

Giáng sâu lặn ngụp đến thăng hoa

Tử sinh xem nhẹ như bèo nước

Thôi thì ngồi mãi dưới cành đa

Ta đã sinh ra vốn không ta

Sao còn vương vấn cõi ta bà?

Mượn tạm xác thân đời trả nghiệp

Luân hồi dĩ định thế mới ra

Cửu Dương và Tàu Chánh Khê cùng lúc rời khỏi tổng đà Hắc Viện vào một buổi sáng trời gió nhẹ. Tàu Chánh Khê thì đi Cam Túc, tìm cách cứu Hoàng Hà đại nạn, hôm trước các đương gia gặp nhau sau chùa Thanh Tịnh, Khẩu Tâm cũng nhắc tới chuyện Hoàng Hà vỡ đê, nên Tàu Chánh Khê tình nguyện đi đến đó để giúp dân chúng cứu lũ. Còn phần Cửu Dương thì dẫn các cống sinh trốn khỏi Hàng Châu.

Hằng tháng, chùa Thanh Tịnh có một buổi vấn đáp Phật pháp do thượng tọa viện chuyên tu Hà Nam là Trần Đức Dung, viện trưởng của Hắc Viện - Tần Thiên Văn, trù trì của chùa Thiếu Lâm là Lữ Lưu Lương, và trụ trì của chùa Thanh Tịnh là Khẩu Tâm chủ trương thuyết giảng. Buổi vấn đáp nhằm giải quyết những thắc mắc của hành giả trong cuộc sống vấp phải khi ứng dụng Phật pháp vào đời. Đa phần các hành giả đều có những khó khăn trở ngại khi thực hành như: phương pháp tu học, mối ràng buộc trong tình cảm, những oan trái trong cuộc sống gia đình giữa cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, hàng xóm láng giềng, những giáo lý cơ bản… Tất cả được các vị giảng sư chia sẻ tường tận tháo gỡ những gút mắc cho hành giả.

Nhưng Cửu Dương vì phải rời Hàng Châu nên không đi được, vậy nên, tối qua chàng và Lữ Nghị Trung gặp nhau bàn bạc một số việc cho trường học. Từ nay học viện giao lại cho Lữ đại thiếu gia trông coi. Luôn tiện, bài học cuối cùng Cửu Dương muốn giảng cho các hành giả, chàng viết vào giấy, nhờ Lữ Nghị Trung làm người đại diện trường học để tới giảng ở chùa.

Lữ Nghị Trung cùng với Lữ Lưu Lương, Khẩu Tâm, Trần Đức Dung ngồi xếp bằng trong khoảnh sân khá rộng của chùa Thanh Tịnh, sân chùa này nằm giữa Tam Quan và nhà bái đường.

Chung quanh ban giáo thọ có rất nhiều các chú tiểu và các hành giả cũng ngồi xếp bằng, có người hành giả đã bảy mươi mấy tám mươi tuổi rồi, cũng có những chú tiểu chỉ mới sáu bảy tuổi.

Bầu trời mùa thu trong xanh cao vời vợi, không khí trở nên se se lạnh, nắng không còn gay gắt như mùa hạ chói chang. Thỉnh thoảng có đám mây màu xanh phớt và màu mỡ gà trôi nhè nhẹ trên trời như đang khoe sắc thắm của mình. Rất nhiều cây cối thay áo mới, cũng có nhiều cây chỉ còn trơ trụi cành lá khẳng khiu. Khi những cơn gió ào tới, từng tầng lá nối nhau bay xuống chao liệng trên không trung, có chiếc quay tít như còn muốn níu kéo nguồn cội của mình.

Sau khi mọi người tụng kinh A Di Đà, là tới bài thuyết giảng của Hắc Viện, Lữ Nghị Trung bắt đầu bằng cách hỏi các hành giả:

-Nam mô a di đà Phật, xin cho phép hỏi các Phật tử, trong cuộc sống, con người tranh giành rốt cuộc là vì điều gì?

Một hành giả nữ khoảng chừng bốn mươi mấy tuổi chấp tay đáp:

-A di đà Phật, kính thưa phu tử, con người tranh giành để có thể tích chứa tài sản, để có một cuộc sống sung túc cho bản thân và con cháu của họ.

Lữ Nghị Trung mỉm cười hiền hậu nói:

-Đúng rồi, tuy nhiên, các loại tài sản thế gian luôn bị tan hoại theo định luật vô thường, không bền chắc. Theo Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Thế Tôn cao quý đã dạy có bảy thứ tài sản không bị tiêu hao biến mất, được gọi là Thất Thánh Tài. Bảy loại tài sản này thành tựu bằng tâm thanh tịnh qua quá trình tu tập mới có được.

Lữ Nghị Trung sau đó từ tốn nói thêm:

-Lần này, chúng ta hãy phân tích về Tín tài và Giới tài. Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, tranh giành cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi. Trong cuộc sống có thể có vô số lý do để không tranh giành, nhưng chính vì tham vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú sư tử đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được. Một khi tranh giành được quyền và tiền trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được thanh danh thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an. Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được không phải là hạnh phúc, niềm vui và an tâm, mà chỉ là phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi về thể xác và tinh thần...

Ở đằng xa xa, đứng dưới một lũy tre lớn, có một người thanh niên mặc áo dài màu xanh lá cây và chiếc quần đen lặng lẽ đứng nhìn những người trong sân chùa, nhưng chủ yếu y được giao phó cho trách nhiệm đến để quan sát phản ứng của một người trong bốn người trong ban giáo thọ, đặc biệt là khi người đó nghe đến bài thuyết giảng về đề tài “tranh giành” này sẽ phản ứng thế nào?

Chùa Thanh Tịnh có một bụi tre mà mỗi thân tre có đường kính hơn hai gan tay, và khi mọc thành khóm thì cả mười người vòng cũng ôm không xuể. Không những thế, những khóm măng tươi cũng to không kém, và còn bán rất được giá. Chùa thường bán măng để dành tiền quyên cho những hộ nông nghèo, phần còn lại thì dùng để tu sửa chùa, nếu không có thể chờ tre lớn từ ba đến năm năm rồi dùng chúng để đóng đồ gỗ rồi mang đi bán. Những cây tre này không cần chăm sóc gì đặc biệt, chỉ cần tưới đủ nước thì cây sẽ mọc lên khỏe mạnh.

Đáng lẽ người mặc áo xanh quần đen này muốn đến gần hơn nhưng e sẽ bị phát hiện được, vì người y đang theo dõi vốn rất thính tai, nên y chỉ đành ẩn mình phía sau hàng tre khổng lồ.

Ở trong sân chùa Lữ Nghị Trung nói khá nhiều và dài, cuối cùng nói:

-Là Phật tử, chúng ta phải nên nhớ rằng khi tấm lòng rộng mở một chút, sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ “được và mất” một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mục tiêu giảm bớt đi một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhẹ tâm danh lợi đi một chút, tranh giành sẽ không còn.

Ngừng một lúc, Lữ Nghị Trung hỏi:

-Xin hỏi các Phật tử, còn câu hỏi gì nữa không?

Tứ bề đều im lặng, Lữ Nghị Trung chờ thêm một chút nữa, vẫn không có ai lên tiếng.

Lấy đó làm dấu hiệu các hành giả đã thông suốt rồi, Lữ Nghị Trung quay sang hỏi Trần Đức Dung, Lữ Lưu Lương và Khẩu Tâm:

-Xin hỏi các vị thượng tọa còn gì bổ sung vào nữa không? Nếu không thì vạn bối xin kết thúc bài giảng này.

Ba người không nói gì, Lữ Nghị Trung quay lại nhìn đại chúng nói:

-Nói ngắn gọn lại chúng ta không phải có nhiều tiền hay địa vị cao mới là tốt, mà tâm tính lương thiện, giúp đỡ người khác thì số mệnh chúng ta mới có thể thay đổi được tốt. Rất nhiều chuyện nghĩ thoáng ra sẽ tốt, mọi người đều tốt, vạn sự đều tốt! Người tốt, mình tốt, thế giới đều tốt, ở trên đời này biết đủ là tốt nhất. Không tranh giành là cảnh giới cao của nhân sinh! A di đà Phật!

---oo0oo---

Lại nói tới Cửu Dương, sáng sớm hôm đó khi mặt trời còn chưa qua khỏi đỉnh Hoàng Sơn, chàng đến giảng đường phía Tây, nơi đầu tiên mà chàng từng giảng một bài thơ sau khi Mã Lương qua đời, đặt ở đó một tờ giấy. Trong giấy viết bài tập về nhà lần cuối cùng cho học sinh.

“Không có thời hạn. Hãy mãi mãi vui vẻ. Các vị đừng vội hoàn thành bài tập về nhà này mà hãy dành nhiều thời gian hơn để tự do phát huy. Một ngày nào đó hi vọng rằng đến khi chúng ta gặp lại nhau, các vị có thể nói rằng: các vị đã làm được rồi, đã rất vui. Hi vọng rằng những nụ cười sẽ luôn nở trên mỗi của các vị.”

Chàng lại đến chùa Thanh Tịnh lạy Phật, rồi giở quyển sổ lưu niệm ra, ở một trang ngẫu nhiên nào đó chàng cầm bút viết mấy dòng chữ. “Để bắt đầu tu tánh không tranh giành, cho dù chỉ giảm tranh giành xuống một chút, coi nhẹ những thứ mà mình cho là quan trọng đi một chút, thì sẽ phát hiện rằng nhân tâm của mình thoáng chốc đã trở nên rộng rãi, thế giới thoáng chốc trở nên to lớn…”

Sau đó chàng trở về lại trường học mang hình gỗ đặt trước cửa phòng nữ thần y.

Có lẽ giờ này nàng còn đang an giấc, Cửu Dương lặng lẽ áp tay lên cánh cửa phòng nàng, cửa gỗ lạnh buốt như tim nàng lạnh buốt. Chàng tự nhủ phải cố quên nàng thôi. Nàng đã sắp cập bến qua một chuyến đò rồi, an phận rồi, còn mong gì chàng nữa? Chàng phải cố quên để không là kẻ ngáng chân hạnh phúc người khác. Chàng phải cố quên vì không còn chỗ đứng trong tim nàng nữa. Mà chàng là gì của nàng nhỉ? Chẳng là gì cả, chỉ là một quá khứ mà thôi...

Trước khi rời Hàng Châu, Cửu Dương quay nhìn trường học một cái, rồi quay sang dặn dò gì đó với Nhạc Tam Nguyên.

Trần Tôn cũng như Lữ Nghị Chánh và Hiểu Lạc, vác túi hành lý trên vai đi theo Cửu Dương và Tàu Chánh Khê. Lẽ ra Cửu Dương muốn lão Trần ở lại trường học nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, mà nói mãi cũng không thuyết phục lão được. Năm nay Trần Tôn đã gần sáu mươi rồi, tuy nhờ nội công thâm hậu nên tinh thần vẫn sung mãn, nhưng râu tóc đã bạc phơ. Cửu Dương nhìn chòm râu trắng như tuyết, lại càng cảm khái, biết chàng khó khuyên gì được nữa.

Cửu Dương dặn dò gì đó với Nhạc Tam Nguyên xong gật đầu chào Nhạc Tam Nguyên và Tiểu Tường, rồi chàng cùng Nghị Chánh và Tàu Chánh Khê leo lên ngồi trong cỗ xe ngựa, Hiểu lạc và lão Trần cũng ngồi xuống trước cỗ xe, Hiểu Lạc giật dây cương cho xe chạy đi.

Tiểu Tường nhìn cỗ xe của Cửu Dương xa dần, chiếc bóng mờ chìm trong màn sương lạnh khiến cho cõi lòng nàng dường đang xáo động dữ dội, chỉ là ánh nắng bình minh mà sao hôm nay lại chói chang thiêu đốt khiến nàng như muốn ngất lịm đi? Nhưng vì bản tính ương bướng, nàng không muốn tỏ ra bất cứ vẻ yếu đuối gì.

Thu đung đưa xác xơ ngàn cây lá

Ảm đạm chiều, bàng bạc áng phù vân

Ngọn gió nào vừa thổi những bâng khuâng?

Mang xơ xác cuốn trôi hồn tĩnh lặng

Anh đi khi bình minh chưa kịp nắng

Triệu cánh hồng ấp ủ nụ trinh nguyên

Anh đường mây rong ruổi khắp muôn miền

Nhắm thẳng phía tà dương ngồi ngóng đợi

Biết không em tình anh cao vời vợi?

Ngọn lửa còn bỏng cháy mãi trăm năm!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.