Trên cầu nhỏ nối hai bờ thương nhớ
Dưới dòng sông thuyền chở lưới giăng câu
Ngóng đợi ai Người cứ mãi âu sầu?
Phai vành áo chờ nhân tình xa khuất
Người đi rồi đêm đêm nằm thao thức
Trằn trọc hoài mỏi mắt úa rèm mi
Nhớ hôm nào giây phút ấy biệt ly
Người hứa hẹn gặp nhau mùa hoa nở
Sao giờ đây qua ba mùa nhung nhớ
Sao không về chắc quên ước hẹn xưa?
Chàng trai cất bước đi đều đều trên bờ Tây hồ ngắm gió thu đang quét lá rơi. Trời sầm xuống như muốn mưa. Bấy giờ là mùa thu nên chim chóc kéo nhau bay về phương khác tránh lạnh. Có hai chú chim vô tình lạc bầy bay đến, vẫy vẫy đôi cánh nhỏ, mổ lên dăm hạt mầm xanh.
Chàng trai đi dạo một lát rồi dừng chân trên cây cầu Trường, chiếc cầu cong hình bán nguyệt. Khi này lồng đèn được thắp lên và treo lên những cành cây quanh hồ làm cho không gian nơi đây thêm lung linh. Ở mỗi chiếc lồng cứ như đều có một đôi mắt to ngây thơ của một người con gái bồng bềnh ẩn hiện trong trí chàng trai nọ. Mỗi chiếc lồng đều có thể nhắc chàng nhớ đến một sự việc trong dĩ vãng.
Chợt, chàng bắt gặp người con gái đó đứng bên kia bờ hồ, chàng chớp chớp mắt vài cái, đúng là nàng ấy thật. Nàng đang nghiêng nghiêng dùng những ngón tay thon dài chảy lên làn tóc mây thanh nhã của nàng, trên mình nàng phục trang bộ váy mềm lụa mỏng màu hồng phấn, trông đơn giản và tao nhã như một nàng tiên nữ hư ảo không nhiễm bụi hồng trần.
Cửu Dương lại nhớ tới ngày hôm kia, vụ tấm ngự biển, chỉ có nàng là người duy nhất tin tưởng chàng. Khi đó chàng cảm động biết bao nhiêu, nàng hiểu chàng đến từng chân tơ kẽ tóc, không cần dùng đến lời nói, chỉ nhìn vào ánh mắt là đã biết đối phương muốn gì.
Những người qua đường ngó thấy nàng đứng bên bờ hồ, trong giây lát họ cũng đứng sững lại, ngây người ra ngắm nàng.
“Nha đầu kia, mi là con gái nhà ai mà xinh đẹp vậy chứ?” Nữ thần y vừa thầm nghĩ vừa dán mắt vào mặt hồ, nàng ngắm rất kỹ hình của mình trong đó. Từ nhỏ nàng đã biết rằng mình rất xinh đẹp, nhưng đến nay chính hình ảnh của nàng trong gương vẫn gây cho nàng một cảm giác lạ lùng. Đôi lông mày cong cong, đôi mắt đen láy, đôi môi đỏ mọng và tấm thân chín dậy một cách nhanh chóng kia đều nói với nàng rằng nàng đã trưởng thành.
-Xấu! Xấu! - Nàng vừa chun mũi vừa chỉ ngón tay thanh mảnh vào tấm gương nước, khẽ nói - Tự mình khen mình mà không biết ngượng!
Chính vào lúc nàng đang mông lung suy nghĩ, bất chợt thấy có chiếc bóng đứng sau lưng nàng.
-Thất ca!
Nữ thần y quay mặt lại, bắt gặp trong mắt sư huynh ánh lên tia tán thưởng ngây ngất, bèn thẹn thùng cuối đầu xuống.
Hồi lâu sau nữ thần y lấy lại được tự nhiên, mỉm cười nói:
-Huynh nhìn gì mà lâu vậy, bộ mặt của muội dơ lắm hả?
Cửu Dương hãy còn ngẩn mặt ra nhìn sư muội, bảo với lòng nàng cười đẹp quá! Bên Tây hồ gió rít, nụ cười ấy, sao chàng thấy tim ấm lạ!
-Hồi mình còn nhỏ - Cửu Dương nói, mắt vẫn không rời mặt nữ thần y - Có lần huynh mê chơi trong vũng bùn dưới hồ này, nghĩa phụ bảo muội đi gọi huynh về, huynh liền lấy bùn quẹt lên mặt của muội khiến muội vừa đi về vừa khóc, muội còn nhớ không?
-Nhớ chứ - Nữ thần y lườm sư huynh.
-Lúc nhỏ muội ưa khóc lắm - Cửu Dương lại nói - Lớn lên ngược lại không như vậy nữa. Lại nữa hồi nhỏ ai dỗ muội cũng không nín, trừ nhị ca tới dỗ muội mới chịu nín.
Nhị đương gia của bang hội Đại Minh Triều là Tần Thiên Nhân, chàng và Cửu Dương là hai huynh đệ cùng chung một huyết thống nhưng hai người có tính tình đối lập nhau. Tần Thiên Nhân có đôi lông mày đen và rậm, còn đôi mắt thì chính thị là tổ truyền của họ Tần, to, đen và rất sáng. Môi đầy đặn, hàm răng trắng khỏe, chàng như có một sinh lực dồi dào, không biết mệt mỏi. Tánh tình Tần Thiên Nhân rất trầm tư và chững chạc, trong khi đó Cửu Dương suốt ngày cười hi hi há há, về điểm này Cửu Dương khác hẳn anh trai mình. Thêm vào đó hồi còn nhỏ Tần Thiên Nhân rất siêng năng luyện tập võ công không như Cửu Dương chỉ thích rúc vào một hang động nào đó sau chùa Thiếu Lâm nằm đọc sách.
Có lần Cửu Dương trốn sư phụ Giác Viễn không chịu luyện các bài côn pháp của Nam Thiếu Lâm, Giác Viễn mới lôi Cửu Dương về giảng cho một trận nào là quân binh trước khi ra trận phải tập trận cho thật kỹ…
Lúc đầu Giác Viễn chưa phát hiện ra sở trường của Cửu Dương là cước pháp, ông dạy chàng đánh kiếm, dùng côn, sử đao thương, nhưng do Cửu Dương không thích nên lúc nào cũng cố tình làm mấy loại binh khí đó lạc mất.
Năm Cửu Dương mười ba tuổi, có hôm sư phụ chàng giận quá, mới phạt Cửu Dương đứng tấn cả buổi trên Tung Sơn. Trên núi là rừng cây rậm rạp. Lúc đó đã là cuối thu, chỉ trừ những bụi tre bụi trúc vẫn xanh biếc, còn khắp núi đều phủ sắc đỏ vàng của lá.
Sau vài canh giờ Giác Viễn quay lại nói với chàng rằng:
-Thiên Văn à, con có biết đao kiếm là vật bất khả ly thân của một người lính không? Nếu như một người lính khi ra trận mà không có vũ khí sẽ làm gì được?
-Dạ thưa, làm chỉ huy ạ… - Cửu Dương dài giọng nói, trả lời xong ngoác miệng cười khinh khích.
Cửu Dương buông câu đó khiến Giác Viễn chết điếng. Bài giáo huấn đầy hình ảnh bóng bẩy của ông bỗng chốc bị thằng oắt con làm cho sụp đổ tan tành.
Cách đó một quãng, Lâm Tố Đình, Tần Thiên Nhân, Trương Quốc Khải và nữ thần y nấp đằng sau bụi tre cũng bất ngờ không kém Giác Viễn.
Lâm Tố Đình bật tiếng cười to, xòe ngón tay cái ra nói:
- Thất ca huynh ấy trả lời được đấy!
Trương Quốc Khải cũng nghênh đầu trời lên cười sặc sụa.
Nữ thần y thì ý tứ một chút, nàng che miệng lại cười. Duy chỉ có Tần Thiên Nhân là sầm mặt xuống nói:
- Chẳng thích nghe! Chẳng hay!
Giờ nữ thần y nhắc lại chuyện cũ, nàng và Cửu Dương hai người không khỏi phá lên cười.
Nữ thần y cũng nhớ hồi đó nàng rất thích nghe Cửu Dương lắc lư cái đầu, miệng ê a liến liến đọc thơ tình của Lý Bạch, lại thêm bộ mặt luôn cười tinh quái làm cho người ngoài cũng bật cười theo. Trong đám học trò con nít thời bấy giờ Mã Lương cưng Cửu Dương nhất, ông nhận chàng làm nghĩa tử. Ông cũng đã từng nói trong hai anh em thì tư chất của Tần Thiên Nhân mạnh mẽ nhất, song Cửu Dương mới chính là viên ngọc quí nhưng chưa được mài giũa. Ông mới đặc biệt hướng dẫn cho Cửu Dương để biến đứa trẻ ưa nghịch phá này thành một người đầy tài năng, siêu phàm thoát tục.
Cũng nói thêm hồi còn bé nữ thần y đặc biệt thân thiết với Lâm Tố Đình, và hai huynh đệ nhà họ Tần, nhưng suốt ngày Cửu Dương với Lâm Tố Đình cứ gây nhau.
Lâm Tố Đình nhỏ tuổi hơn Cửu Dương. Có hôm Cửu Dương một tay bê ống dế to, tay kia cầm cây cỏ bông lao để đuổi dế. Chàng mặc một tấm áo dài trắng với vạt áo bị túm vào nhét ở thắt lưng quần làm lộ ra cái quần màu đen, tất cả đều dính đầy những bụi. Trên lông mày chàng có một vết nhọ kéo dài xuống tận mũi, trên má thì mồ hôi lẫn đất cát làm cho lấm lem hết cả. Những thứ đó cộng với đôi mắt tròn đen đảo lia lịa như mắt chim tạo ra một vẻ khôi hài, buồn cười đến chết. Cửu Dương đi ngang qua chỗ Lâm Tố Đình đang ngồi đánh đu. Lâm Tố Đình nhìn Cửu Dương. Lâm Tố Đình nhíu mày nhăn mũi ra dáng suy nghĩ rất ghê, một lúc sau đột nhiên giơ tay ngoắt gọi Cửu Dương lại gần nói:
- Hay quá rồi, thất đệ ơi, đi ngang qua mà không thèm đến chào chị dâu vậy! Xem này, tôi chính là chị dâu của cậu đấy, chào chị dâu đi!
Cửu Dương ngoảy người một cái, không chịu chào, miệng lầu bầu những gì không rõ, một lúc lâu sau tự nhiên chu miệng nói:
- Còn khuya đi! Tướng của muội xấu như ma, đến con dế của huynh cũng chưa chắc đã thèm!
Cửu Dương chọc Lâm Tố Đình xong bỏ chạy, Lâm Tố Đình bèn rượt theo chàng. Hai người rượt bắt nhau một lúc Cửu Dương đâm sầm vô nữ thần y đang đi hướng ngược lại khiến cho nữ thần y ngã sóng xoài.
Thế là Lâm Tố Đình cùng Cửu Dương hai người ra sức dỗ dành, cho kẹo, cho bánh... nhưng nữ thần y vẫn không hề ngừng khóc.
Tần Thiên Nhân nghe tiếng khóc vội chạy đến hỏi.
- Không biết được – Cửu Dương và Lâm Tố Đình rụt cổ lại nói - Huynh thử dỗ nín đi được không?
Tần Thiên Nhân thấy nữ thần y vừa ngồi dưới đất mặt mày nhăn nhó vừa lấy tay đè chặt đầu gối. Tần Thiên Nhân liền đỡ nàng dậy, vạch cái váy của nàng lên, ở trong còn chiếc quần hồng phấn bằng vải thô đã bị toạc ra một miếng to, chiếc đầu gối nhỏ đã rịn máu ra. Tần Thiên Nhân bế nàng để ngồi trên phiến đá an ủi:
- Đừng sợ!
Rồi chàng quì xuống mút bỏ máu dơ ở vết thương của nàng, xong ngẩng lên nhìn vào mặt của nàng hỏi:
- Còn đau không?
Nữ thần y cố gượng cười và lấy dáng anh dũng, lắc mạnh đầu. Sự thật thì nàng đang đau đến trào nước mắt. Tần Thiên Nhân xoa đầu nàng, cười một cách cởi mở, động viên nàng:
- Muội không sao đâu, huynh cõng muội đi coi lồng đèn hoa đăng nhé?
Đôi mắt to đen của Tần Thiên Nhân nhìn nữ thần y dịu dàng khiến nàng quên đau ngay. Từ lúc đó, nàng đã cảm thấy rất thân thiết với Tần Thiên Nhân rồi.
Trong hội ngoài Tần Thiên Nhân ra ai cũng rất tốt với nàng, nhất là Bảo Chi Lâm, sư phụ của nàng, người mới hiền hậu dễ gần làm sao, Bảo Chi Lâm đối xử với nàng chẳng khác gì con gái bà, ân cần chu đáo, không có gì mà nàng phải áy náy băn khoăn. Thêm vào đó bảy người sư huynh và Lâm Tố Đình hễ rỗi một chút là kéo nàng đi chơi, chọi dế, thả lồng đèn, thả diều, xem cá vàng, cho chim ăn. Chỉ có võ công là nàng không được học vì hằng ngày nàng phải theo Bảo Chi Lâm học y thuật.
Lại nói tới Cửu Dương, khi này đứng nhìn sư muội khúc khích bưng miệng cười, nụ cười còn mềm dịu và trong sáng hơn cả đóa hoa sen trong hồ. Đôi má của nàng ửng hồng.
Sau hồi Cửu Dương nhắc sư muội chuyện cũ thì lấy trong áo ra một hình gỗ mà chàng đang khắc dang dở, cho nàng xem.
Nữ thần y khá bất ngờ, lâng lâng sung sướng ngắm pho tượng gỗ với gương mặt giống nàng như khuôn đúc. Trong khi nữ thần y ngắm hình gỗ thì Cửu Dương lặng lẽ ngắm nhìn sư muội, không rõ chàng ở trong lòng nàng chứa đựng cảm xúc gì? Nhưng lại không biết phải mở lời thế nào, hồi lâu sau chàng tự nhiên nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng, nhìn nàng cười ý tứ.
Nữ thần y giật thót người như bị điện giật rồi rụt tay về:
- Nhỡ có người nhìn thấy!
- Thì có sao cở - Cửu Dương nói.
- Nhưng năm nay muội đã lớn, người ta nhìn thấy lại nói đấy! - Nữ thần y đáp, nàng ngượng trước sư huynh. Ngày xưa nàng tự nhiên bao nhiêu, bây giờ nàng ngượng ngập bấy nhiêu.
Nhưng chàng vẫn cầm tay nàng như chẳng chịu rời ra, mắt nhìn như dán lên mặt nàng, hồi lâu cười kín đáo, khe khẽ nói:
-Năm nay muội đã qua lần sinh nhật thứ mười sáu rồi.
-Vâng, nên hai ta phải giữ khoảng cách một chút, huynh đừng nắm tay muội như vậy nữa.
Nữ thần y đáp.
Thời này những cô gái trạc tuổi mười lăm mười sáu như nữ thần y đã sớm yên bề gia thất hết rồi. Nữ thần y nghĩ tới việc lập gia đình, lại khiến nàng nhớ người chị em thân thiết của nàng là Lâm Tố Đình cũng sắp sửa tới ngày thành thân rồi. Nửa năm trước Cửu Nạn sư thái đã chuẩn bị cho Lâm Tố Đình và Tần Thiên Nhân chính thức thành vợ thành chồng. Các vị sư huynh trong hội mỗi lần gặp Lâm Tố Đình là trêu Lâm Tố Đình việc “viên phòng viên phòng,” làm cho nữ thần y thấy bất an. Nỗi mất mát, hoang mang, u uất, bực bội, bồn chồn… Nữ thần y không muốn nghe ai nhắc đến viên phòng, nàng càng không dám phân tích tâm tình của mình cho ai nghe, chỉ tự chịu cảm giác trong lòng đầy bứt rức đó.
Gió đêm lay động bộ y phục màu hồng của nữ thần y, thổi vạt áo sau lưng nàng phần phật tung bay. Vì không ai xa lạ ở quanh đây nên trên gương mặt nhỏ xinh trắng mịn kia bỗng thấp thoáng một nỗi buồn hư ảo.
-Thất ca à… - Không hiểu sao lần này nàng muốn nói tâm sự của nàng ra cho Cửu Dương nghe, nàng nói - Muội…
Tuy vậy nữ thần y chỉ thốt bấy nhiêu, có cố gắng cách mấy nàng cũng không nói ra lời được, chỉ gượng gạo đứng dựa lưng vào thân cây đào.
-Muội sao?
Cửu Dương hỏi.
Nữ thần y biết nàng lỡ lời rồi, cứ cúi gục xuống không dám ngẩng đầu lên.
-Hai đứa chúng mình… – Nàng ấp úng một lúc cũng nói - Từ nhỏ đã cùng nhau lớn lên, muội muốn gì, thích gì, huynh phải đương nhiên biết chứ…
-Muội không nói ai mà biết, mau nói đi.
Cửu Dương dứt lời, bất chợt cảm giác dường như chàng vẫn chưa hiểu hết về nàng. Cũng chẳng hiểu vì sao, từ lúc nhỏ có lần trông thấy nàng chàng bỗng có một cảm giác muốn bảo vệ mãnh liệt. Mặc dù nàng không cần đến chàng che chở, nhưng dù có tự giác hay không chàng vẫn muốn lo lắng cho nàng chu toàn.
Cửu Dương buông tay nữ thần y ra, cất tượng gỗ lại trong áo chàng, đứng chờ thêm một lúc không nghe gì hết bèn tiếp tục nói:
-Hôm nay muội đây làm sao vậy nhỉ, vẻ như không được tự nhiên với huynh? Hồi trước cái gì muội cũng kể cho huynh nghe cả đấy!
Nữ thần y nhủ lòng, ừ, cái gì muội cũng có thể nói ca nghe hoặc người khác nghe, duy chỉ có cái này là không thể… Nhưng lời nhỡ nói ra rồi nàng không thu lại được, hơn nữa chàng gặng hỏi quá, nàng đành mỉm cười yếu ớt nói:
-Hình gỗ đó, khi xong rồi sẽ tặng muội?
-Ừ.
-Huynh hứa?
-Ừ.
-Huynh sẽ làm cho nó giống hệt muội?
-Ừ.
-Vậy huynh ấy nhất định sẽ thích lắm!
Lần này Cửu Dương không ừ nữa, mà hỏi lại:
-Người nào?
Nữ thần y cắn môi, nhẹ giọng đáp:
-Không có gì.
-Muội nói ai sẽ thích?
Cửu Dương lại hỏi, trong lòng bỗng nhiên chấn động. Gió đêm mang theo hơi lạnh từ phía thủy hồ.
-Huynh tự suy nghĩ đi!
Nữ thần y nói rồi dợm chân định chạy đi, Cửu Dương kéo tay áo nàng lại, nữ thần y bị mất thăng bằng, hai chân lảo đảo.
-Cẩn thận!
Cửu Dương mắt thấy sư muội đã sắp chúi người xuống hồ nước liền dang tay đỡ lấy nàng, ngờ đâu nữ thần y rơi tỏm xuống nước rất nhanh.
“Ối” một tiếng, nữ thần y uống mấy ngụm nước, hai mắt cay xè và đầu ong ong dữ dội.
-Thất ca cứu muội với! – Nàng tá hỏa kêu lên - Muội không biết bơi đâu!
Rồi nàng cố vùng vẫy để bơi nhưng cố gắng của nàng càng khiến nàng chìm gấp xuống.
Trong chớp mắt Cửu Dương nhảy uống hồ kéo nàng lên khỏi mặt nước. Khuôn mặt nữ thần y tái nhợt, môi nàng chẳng còn sắc máu. Một vài sợi tóc đen mềm mại mang theo hương hoa lài bị gió thổi nhẹ phớt qua bên má Cửu Dương.
-Thất ca đừng buông tay!
Cửu Dương cười thật chậm, nhẹ nhàng ôm lấy bờ vai sư muội, say mê ngửi lấy hương thơm ngọt ngào phảng phất trên tóc nàng.
-Không bao giờ, huynh sẽ không bao giờ buông tay.
Khi nói vậy chàng ôm sư muội thật chặt trong lòng.
Sóng nước Tây hồ lăn tăn từng vòng.
Lúc này màn đêm buông xuống.