Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 167: Chương 167: Em thích dạy học




Thời tiết này để hai ông bà đi qua đi lại tội quá, Lâm Thanh Hoà xếp từng món vào hộp rồi sai Đại Oa xách sang Chu gia.

Đại Oa đưa cơm xong quay về, cả nhà mới ngồi vào bàn ăn sáng.

Ăn xong, Chu Thanh Bách khoác áo tơi ra hậu viện cho heo và gà ăn sau đó vác cuốc đi thăm ruộng.

Mưa gió không phải đi làm nhưng càng phải chú trọng việc kiểm tra cấp thoát nước, rủi mà ngập úng một cái thì công cốc hết.

Lâm Thanh Hoà ngồi trong nhà ngước nhìn màn mưa trắng xoá, thầm cảm khái “haizz, ăn được hạt cơm thật chẳng dễ dàng!”

Tam Oa cũng than thở: “Cha vất vả quá!”

Mưa gió vần vũ mà vẫn phải đi làm, tội nghiệp cha!

Lâm Thanh Hoà: “Nông gia là khổ cực thế đó. Chịu khó học tập sau này có công ăn việc làm ổn định đỡ phải dãi nắng dầm mưa. Đại Oa, Nhị Oa các con thấy sao?”

Đại Oa và Nhị Oa gật đầu tỏ vẻ quyết tâm rồi hăng hái ngồi vào bàn học tập.

Lâm Thanh Hoà tiếp tục khâu vá.

Chỉ lát sau, Chu Thanh Bách đã quay về, may quá không có vấn đề gì phát sinh. Với lại mấy hôm trước đoán biết trời sẽ mưa cho nên bà con không tưới tiêu, vì thế không quá lo lắng nước mưa làm úng gốc.

Lâm Thanh Hoà: “Em làm cho anh hai bộ quần áo mới, mấy bộ quần áo cũ để đó, hôm nào thằng ba qua đây em cho nó.”

Chu Thanh Bách: “Anh không cần, em làm cho em hai bộ đi.”

Lâm Thanh Hoà cười trêu: “Em không vừa mặc vừa phá như cha con anh đâu.”

Được cái nguyên chủ rất điệu cho nên cô xuyên vào thân thể này cũng có cái lợi, đỡ phải lo nghĩ chuyện quần áo, thêm nữa là không phải tham gia cấy cầy cho nên mấy năm nay cô chẳng phải may vá gì.

Chu Thanh Bách lặng lẽ ngắm vợ. Anh biết xung quanh đây mọi người thêu dệt rất nhiều điều tiếng không hay về vợ anh nào là phá của nào là không biết cách ăn ở nhưng thực tế cô sinh hoạt tinh tế thế nào, anh là người biết rõ nhất. Cái gì ngon cái gì tốt cô đều dành hết cho anh và tụi nhỏ, còn cô thì sao cũng được, ăn phần ít, mặc đồ cũ.

Anh làm người rất có chính kiến, không phải cứ ai nói gì cũng nghe, anh tin vào mắt mình và tin cô. Trong thâm tâm anh rất cảm ơn vợ đã vì cái nhà này mà hy sinh rất nhiều, để có được một mái nhà yên ấm, cha mẹ vui vẻ, con cái ngoan ngoãn, vợ chồng hoà thuận, tất cả đều nhờ công lao của cô.

“Sao tự nhiên lại nhìn em như thế?!” Lâm Thanh Hoà đang khâu cổ áo, bất giác ngước đầu lên bắt gặp chồng đang nhìn mình chăm chú.

Chu Thanh Bách nhìn sâu vào mắt vợ, nhẹ giọng nói: “Em làm cho mình 2 bộ đi.”

“Vâng, được rồi.” Lâm Thanh Hoà mỉm cười rồi tiếp tục đều tay đưa mũi kim lên xuống.

Hai người tạo thành một khung cảnh quá đỗi yên bình, một người dịu dàng khâu vá, một người say đắm ngắm nhìn.

Lâm Thanh Hoà nói: “Mùa đông năm nay chắc phải đan áo len mới cho Đại Oa. Thằng nhóc này giống anh, tương lai nhất định cao to cho mà xem.”

Chu Thanh Bách: “Đừng để mình mệt.”

Lâm Thanh Hoà: “Không mệt, nếu em không làm gì mà cứ ngồi không thì buồn chân buồn tay lắm luôn.”

Cô có cái tật, mọi việc trên dưới trong nhà phải xong xuôi hết thì mới yên tâm học hành chứ nếu công việc còn dang dở mà ngồi vào bàn thì kể cả có là Toán, Văn hay Anh thì cũng không nhét nổi vào đầu.

Lâm Thanh Hoà bất chợt đề cập chủ đề mới: “À anh này, không biết trường sơ trung của Công xã có tuyển giáo viên không nhỉ, em thích dạy học.”

Chu Thanh Bách sững sờ: “Dạy học?”

Lâm Thanh Hoà ngẩng đầu nhìn anh: “Không được?”

Chu Thanh Bách: “Không phải không được nhưng muốn đi dạy thì phải thông qua kỳ thi xét tuyển mới được.”

Lại một lần nữa cô gái nhỏ làm anh bất ngờ. Anh không nghĩ cô lại có dự tính này, chữ của cô đúng là rất đẹp nhưng mà để được làm giáo viên trung học đâu phải chuyện dễ dàng.

Lâm Thanh Hoà: “Thi thì thi, em chẳng sợ. Bây giờ đã có trường đại học Công Nông Binh tức là càng ngày nhà nước càng chú trọng giáo dục. Đáng lẽ trường học trên Công xã phải lưu ý sớm mới đúng.”

Cô đã nghĩ kỹ rồi, không thể cứ ngây ngốc chờ thời thế này được. Còn tận 5 năm nữa lận, phải kiếm cái gì làm chứ không thì chán chết.

Dạy học cũng tốt, tuy rằng kiếp trước chưa có kinh nghiệm giảng dạy nhưng giáo viên sơ trung thôi mà, chắc chắn không thể làm khó cô.

Thấy vợ nói năng nghiêm túc, Chu Thanh Bách hiểu đây không phải là giỡn chơi, cho nên anh suy nghĩ do dự một lát rồi mới nói: “Để anh đi lên Công xã hỏi thăm xem thế nào.”

Thấy anh đứng dậy chuẩn bị đi ra ngoài, Lâm Thanh Hoà lật đật cản: “Trời ơi, mưa gió thế này anh đi làm gì. Việc này không vội mà.”

“Không sao.” Chu Thanh Bách lắc đầu, khoác áo tơi cưỡi xe xuyên màn mưa đi thẳng lên Công xã tìm hiệu trưởng trường Trung học.

Trước đây Chu Thanh Bách đã học xong sơ trung cho nên hiệu trưởng biết mặt anh.

Sau khi nghe anh trình bày, hiệu trưởng ngây người ra một lúc mới nói: “Đúng là trường sơ trung đang tuyển giáo viên môn toán, nhưng vợ cháu biết dạy học sao?”

Đúng như những gì Lâm Thanh Hoà nói, bắt đầu từ khi trường Đại Học Công Nông Binh tuyển sinh, giáo dục cũng theo đó chậm rãi phục hưng. Vì thế nhà trường đang muốn tuyển thêm giáo viên môn Toán học, nhưng lựa chọn hàng đầu là một người trong nhóm thanh niên trí thức.

Chu Thanh Bách nghiêm túc gật đầu: “Vợ cháu biết.”

Vợ anh nỗ lực học tập như thế nào anh đều nhìn thấy cả. Mỗi lần cô ấy ra đề cho Đại Oa, anh cũng ghé mắt xem một chút, phải công nhận rất khó.

Anh rất xem trọng trình độ văn hoá của vợ mình, không phải chủ quan mà thực sự anh cảm thấy kiến thức vợ anh phải đạt tới bậc cao trung, không hề thua kém nhóm thanh niên trí thức.

Hiệu trưởng nghĩ thầm chắc thằng nhóc này bị vợ gạt rồi, thế nhưng ông không cự tuyệt ngay mà nói: “Đợi gặt xong vụ hè đi, rồi nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển chọn. Tới ngày đó mới ra đề, đảm bảo không xảy ra gian lận. Nếu vợ cháu muốn làm giáo viên thì tới đây thi tuyển.”

Ông nói lời này chủ yếu là cho Chu Thanh Bách có cái về mà ăn nói với vợ. Đợi thi cử có kết quả đàng hoàng rồi nói tiếp, tới lúc đó rớt hay đậu cũng không thể trách ai được.

Chu Thanh Bách tạm biệt hiểu trưởng, đi về nhà thuật lại đầu đuôi cho vợ nghe.

Lâm Thanh Hoà cực kỳ cao hứng, vội hỏi: “Đãi ngộ thế nào?”

Cái này thì Chu Thanh Bách biết. Giáo viên sẽ được tính 5 phần công điểm, lương tháng 13 đồng, ngoài ra còn được phát tem phiếu.

Sau khi khôi phục trường đại học Công Nông Binh, trường sơ trung của Công xã và trường cao trung trên Huyện thành đã được quan tâm bồi dưỡng hơn. Nếu trường dạy ra được một học sinh thi đậu đại học Công Nông Binh thì còn gì vinh dự hơn?

Vì chuyện này chưa chắc chắn cho nên hai vợ chồng kín miệng như bưng kể cả ông bà Chu cũng không lộ. Vì lỡ may truyền ra ngoài sẽ ảnh hướng xấu tới Lâm Thanh Hoà, chắc chắn mọi người sẽ chê cười cô ít học mà còn mơ mộng hão huyền.

Lâm Thanh Hoà chưa từng tiếp xúc với nhóm thanh niên trí thức, không biết năng lực của họ lợi hại tới đâu cho nên cô không dám lơ là. Dù sao thì vị trí giáo viên toán học chỉ có một, nhất định phải nỗ lực.

Khoảng thời gian tiếp theo, Lâm Thanh Hoà vô cùng chăm chỉ. Toàn bộ sách giáo khoa sơ trung và cao trung cô đều đọc hết một lượt và hệ thống lại một lần từ đầu tới cuối. Quyết tâm nghênh đón kì thi tuyển chọn giáo viên sắp tới.

Ngay cả bà Chu cũng nhìn thấy ý chí nỗ lực của cô con dâu. Cứ hễ làm xong việc nhà là không nói không rằng, lao vào bàn ôm quyển sách lẩm nhẩm ôn luyện.

Bà rất lấy làm lạ, sao đột nhiên nó lại chăm chỉ bất ngờ thế nhỉ?

Lâm Thanh Hòa vẫn giữ cách lý giải cũ, vì muốn dạy Đại Oa học mà năm sau Đại Oa lên lớp 5 rồi, phải trau dồi kiến thức để dạy nó.

Bà Chu cũng đã từng hỏi qua Đại Oa. Đại Oa xác nhận mẹ nó ra đề bài còn khó hơn cả thầy giáo trên lớp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.