Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 156: Chương 156: Nối dõi tông đường




Lâm Thanh Hoà đe ba thằng nhóc: “Ra rửa tay chân ngay lập tức, rửa sạch mới được ăn cơm.”

Chúng nó biết mẹ không giận thật nên cợt nhả đi múc nước rửa sơ mặt mũi tay chân.

Ông Chu với Chu Thanh Bách cũng muốn rửa qua một cái cho mát mẻ, ăn cơm cho ngon.

Sạch sẽ, cả nhà vây quanh bàn ăn, vui vẻ dùng bữa.

Tô Thành đã hơn một tuổi, biết ăn nhiều thứ rồi. Ví dụ như nó rất thích ăn màn thầu ngâm nước nóng cho mềm hoặc là dưa leo, trứng gà. Lươn hơi nhiều xương nên chỉ gỡ tí thịt “đấm mồm đấm miệng” lấy lệ thôi còn lại chủ yếu là húp nước canh. Được ăn giống người lớn, nó khoái lắm, đút cho cái gì là nuốt thun thút.

So với đám nhóc cùng lứa thì Tô Thành nhà này to béo hơn hẳn.

Không to sao được, ngày nào cũng uống sữa bò, ăn đủ 3 bữa, toàn đồ ngon, ngoài ra còn có điểm tâm. Thỉnh thoảng Lâm Thanh Hoà sẽ làm mấy món ăn vặt bánh trái hay chưng trứng gà bồi dưỡng ba anh em Đại Oa, cô đều làm thêm một phần cho nhóc Tô Thành.

Rất nhiều lần bà Chu tự cảm khái, hiếm có bà mợ nào đối xử với cháu của chồng tốt đến thế.

Cuối tuần được nghỉ, Tô Đại Lâm lại đèo Chu Hiểu Mai về quê, nhìn thấy con to béo mập mạp, hai vợ chồng rất mừng đồng thời rất cảm kích mọi người.

Không cần ai kể, Tô Đại Lâm tự khắc nhìn ra con trai mình ở nhà chắc chắn nhận được sự quan tâm chăm sóc của mợ tư, vì xét về độ chăm con và chịu chi thì không ai sánh được với Lâm Thanh Hoà.

Vì thế tuần nào anh cũng tự giác mang về phân nửa rổ trứng gà, đặc biệt không quên kẹo sữa cho đám Đại Oa. Nhờ có dượng út mà lâu nay Lâm Thanh Hoà đỡ phải mua kẹo cho tụi nhỏ.

Máu mủ ruột rà có khác, cả một tuần đằng đẵng không gặp nhau, thế mà đi từ xa, nhóc Tô Thành đã nhận ra cha, khua chân múa tay loạn xa, xuống xe một cái là ôm rịt lấy nhau, chẳng lạ lẫm khóc mếu gì.

Hôm nay là chủ nhật, hai vợ chồng Chu Hiểu Mai lại chở nhau về, vẫn như cũ đồ đạc mang hết sang nhà chị tư, chỉ để lại ít kẹo chia cho đám trẻ con ở Chu gia.

Bà Chu nói riêng với Chu Hiểu Mai: “Này, Thành Thành cũng lớn rồi, hai đứa định bao giờ sinh thêm đứa nữa?”

Chu Hiểu Mai giẫy nảy: “MẸ! Có một mình Thành Thành mà con với Đại Lâm còn không trông nổi, mẹ còn muốn con sinh thêm đứa nữa?”

Bà Chu khiếp sợ nhìn con gái: “Ý con là…không sinh nữa?”

Trời đất, có đời thuở nhà nào chỉ sinh một con rồi ngừng, rủi ra đường gây lộn đánh nhau lấy đâu ra đồng bọn? Đơn thương độc mã để ăn thiệt à?

Chu Hiểu Mai: “Con không cần thêm đâu, sinh được con trai, một đứa là đủ rồi.”

Cô phải đi làm, Tô Đại Lâm cũng phải đi làm. Một đứa còn nhờ nhà mẹ đẻ trông giúp được, chứ nhiều đứa làm sao nhờ?

Bà Chu bực mình: “Giời ạ, con nhỏ ngốc nghếch, ở đâu ra cái suy nghĩ tầm bậy này? Sinh càng nhiều càng tốt chứ. Giả dụ cha mẹ chỉ sinh được 1 người con là thằng hai, nó cưới dâu như thế đấy, rồi cha mẹ về già biết nương tựa vào ai? Tự mình ngẫm nghĩ đi. Hừ!”

Đừng tưởng ông bà già rồi mà lẩm cẩm, cũng đừng thấy ông bà không nói mà nghĩ là không biết gì. Già nhưng mà tỏ tường hết thảy, con dâu đứa nào hiếu thuận thật đứa nào không, trong lòng ông bà rất rõ ràng.

Vợ thằng cả và vợ thằng ba, không tồi. Vợ thằng tư càng khỏi phải bàn, trừ bỏ nóng tính ra thì không có tật xấu gì.

Duy chỉ có vợ thằng hai, haizz…chán chả buồn nói tới.

Cũng may ông bà có phúc, còn có được ba người con dâu kia chứ độc một mình vợ thằng hai, chẳng may về già nằm bất động một chỗ, không biết chừng đến cháo còn chẳng có mà húp ấy chứ!

Chu Hiểu Mai dẩu mỏ: “Thế sao mẹ không giục chị tư sinh đi.”

Lâm Thanh Hoà đang ngồi một bên ăn dưa tự nhiên trúng đạn: “……”

Cô đâu phải dạng chịu thua thiệt, nói luôn: “Cô út cứ sinh được ba thằng con trai như chị đây rồi hẵng bàn tiếp.”

Chu Hiểu Mai nghẹn ứ.

Lâm Thanh Hoà buồn cười, nói: “Mẹ, cứ để Hiểu Mai thư thả đi, hai vợ chồng cô ấy còn trẻ mà, công việc bận rộn có sinh ra cũng không chăm sóc được chu toàn.”

Chu Hiểu Mai như chết đuối vớ được cọc: “Đúng đúng đúng, bây giờ con chưa muốn sinh đâu, mẹ đừng hối con nữa.”

Bà Chu giận thực sự: “Ai hối cô. Chẳng phải là tôi lo nghĩ cho cô à, sớm muộn gì chẳng phải sinh. Sinh sớm xong việc sớm, không phải chắc?”

Lâm Thanh Hoà gật gù: “Mẹ nói có lý, sinh sớm xong sớm.”

Giống nguyên chủ, tranh thủ còn trẻ làm một lèo 3 thằng con trai, hoàn thành nhiệm vụ, nhẹ nợ, tha hồ thoải mái, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.

Có đồng minh, bà Chu thích ý: “Đấy, nghe chị tư cô nói chưa?”

Chu Hiểu Mai: “Con đẻ mẹ trông nhá?”

Bà Chu: “Tôi trông cho cô một đứa rồi, thêm đứa nữa cũng không thành vấn đề.”

Lâm Thanh Hoà nói với Chu Hiểu Mai: “Sướng nhất cô, có mẹ đỡ đần khỏi phải lo nghĩ gì. Nhưng mà nếu định sinh thì nên tính toán thời gian, em bé sinh mùa hè sẽ lợi hơn, không bú ké được ai thì cũng có thể thay thế bằng sữa bò tươi.”

Kỳ thực Lâm Thanh Hoà cảm thấy con một cũng tốt nhưng cô không thể áp đặt tam quan của mình lên con người thời đại này được.

Tập tục mỗi thời mỗi khác cho nên suy nghĩ và quan điểm cũng sẽ khác nhau.

Nhà người ta anh chị em đông đúc, đằng này nhà mình lại có một mình mình, chắc chắn đứa nhỏ sẽ cảm thấy lạc lõng, cô đơn.

Thậm chí, có một câu nói cửa miệng là “không có anh em, ra ngoài có bị người đánh chết cũng chẳng có ai bênh.”

Vì thế, tốt hơn hết là muốn nói cái gì cũng phải xem có hợp tình hợp lý hợp thời hay không đã.

Tuy nhiên về mặt bà Chu đồng ý bế con giúp Chu Hiểu Mai thì Lâm Thanh Hoà cổ vũ hai tay hai chân. Có người trông con cho sướng quá còn gì, thế thì cứ tha hồ mà đẻ.

Chu Hiểu Mai: “Mùa hè á…giờ đâu còn kịp?!”

Bà Chu: “Vừa lúc, cái gì mà không kịp?”

Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Ừ, nay mới 15 tháng tám, vừa vặn đúng lúc, cô với dượng cố gắng là kịp.”

Người ta cứ hay nói mang thai 10 tháng nhưng toàn nói dôi ra thôi chứ làm gì có ai mang thai tròn 10 tháng bao giờ.

Nếu tháng này thụ thai thì tầm tháng 5, tháng 6 sang năm là sinh, vừa vặn có sữa bò tươi cho em bé uống.

Cho uống sữa khoảng 4, 5 tháng rồi chuyển qua ăn dặm là vừa đẹp.

Chu Hiểu Mai thở dài tuân mệnh.

Tết Trung Thu năm nay xôm tụ ra phết, Lâm Thanh Hoà mua 1 cân bánh trung thu, Tô Đại Lâm xách về thêm 2 cân nữa là 3.

Vì thế Lâm Thanh Hoà bảo Tô Đại Lâm đưa qua Chu gia 1 cân chia cho ba nhà, cũng xem như thơm thảo, của ít lòng nhiều.

Một mình cô không thích ăn, kể cả là bánh trung thu nhân đường cô vẫn cảm thấy hương vị quá đỗi tầm thường.

Ngược lại, mấy đứa trẻ con chết mê chết mệt, ngay cả Chu Thanh Bách và ông bà Chu cũng cảm thấy ăn ngon.

Qua tết Trung Thu, Tô Đại Lâm và Chu Hiểu Mai về thành đi làm. Dựa theo tốc độ của hai người này có khi tháng sau sẽ có tin vui ấy chứ.

Lâm Thanh Hoà thầm nghĩ, đợi tới khi mình làm mẹ chồng sẽ tuyệt đối không bức ép con dâu sinh đẻ. Đây vốn là chuyện của các con, để chúng tự quyết định.

Dù sao cô cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình rồi. Việc sinh nở đời thứ ba chắc không liên quan đến cô, nhỉ?!

Cái suy nghĩ này của Lâm Thanh Hoà mà để lộ ra ngoài thì thể nào mọi người cũng lại chê cười cô là người phụ nữ không có lương tâm, chẳng lo lắng tới vấn đề nối dõi tông đường cho nhà họ Chu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.