Nhóm dịch: Thất Liên Hoa
Hai người vừa đi, Văn Thanh liền lấy sáu hào trong túi ra đưa cho dì Tiếu.
Dì Tiếu hỏi: “Cháu làm gì thế?”
Văn Thanh nói: “Dì Tiếu, ước định của chúng ta, cháu bán một đôi giày sẽ đưa dì ba hào.”
Dì Tiếu lập tức bật cười, vừa rồi bà ấy thấy đôi giày vải truyền thống thêu hoa đó, dù là hình dạng, đường may hay vải vóc đều rất tinh tế, rất mất thời gian. Khổ cho Văn Thanh làm được đến thế, bây giờ xem ra bán sáu đồng cũng không mắc chút nào.
“Cái đứa nhỏ này thật là thành thật.” Dì Tiếu nhận sáu hào, trong lòng vui hết nấc, không bỏ công tốn sức gì đã kiếm được sáu hào, ai không vui cho được. Hơn nữa Văn Thanh bán giày căn bản không cản trở bà ấy bán quần áo, bán vải vóc, chẳng phải niềm vui nhân đôi sao.
“Vẫn là nhờ dì Tiếu chịu giúp cháu.” Văn Thanh cười nói.
“Thật dẻo miệng.” dì Tiếu cười tươi như hoa nhét sáu hào vào túi.
Sau đó Văn Thanh bắt đầu công việc một ngày mới.
Vẽ hoa văn, vẽ đường may, rọc, cắt, may, đối xứng vân vân, trừ lúc ăn trưa, máy may của cô luôn hoạt động không ngừng.
Cô và dì Tiếu đều là người tay chân lanh lẹ, trước đây tiệm nhỏ người đến người đi tấp nập. Đương nhiên hôm nay người tới may quần áo cũng nối liền không dứt, phần lớn đều là do dì Tiếu tiếp đãi.
Lúc hai giờ rưỡi chiều, lại đến thời gian tan làm của Văn Thanh.
“Dì Tiếu, vải gấm màu xanh đậm này, dì bán cho cháu sáu thước đi.” Văn Thanh nói.
“Được, cháu mua vải gấm màu xanh đậm này về làm gì?”
“May cho hai đứa em cháu cái quần cộc mặc ạ.” Nghĩ tới Văn Lượng, Văn Bằng chỉ có một cái quần, còn rách chỗ này vá chỗ kia. Buổi sáng mặc buổi tối giặt, sáng ngày hôm sau lại mặc tiếp, ngày nào trời mưa thì phải mặc quần ướt.
“Cháu thật thương em, được, dì cắt cho cháu bảy thước, cháu trả tiền sáu thước là được rồi.” Dì Tiếu cười nói.
“Vậy sao được, ít nhất cũng phải trả dì tiền bảy thước chứ?” Văn Thanh kiên trì.
Dì Tiếu càng thích cô gái Văn Thanh này hơn.
Văn Thanh ôm vải rời khỏi tiệm may dì Tiếu, cô không trực tiếp đi đường đất, mà là đi tới chợ.
Tiêu tám hào mua hai đôi đế dày da trắng, để dành về nhà làm giày thì dùng.
Tiêu năm xu mua một trang giấy trắng dài bốn thước rộng bốn thước. Về nhà cắt đóng thành tập để lưu giữ kiểu vẽ quần áo, kiểu giày, mua vải làm ra có thể bán được.
Lại tốn ba hào năm xu mua các loại kim may, chỉ may, hộp nhỏ và cả bốn, năm ống tiêm bảo vệ tay.
Đựng phồng cả túi, trong lòng cô rất kích động, vô cùng kích động.
Nếu kiếp trước một cái váy hoa mười đồng là công lao kiếp trước của cô.
Vậy thì mười hai đồng bán giày vải truyền thống thêu hoa kiếp này là tiền cô kiếm được bằng chính đôi tay mình từ khi trùng sinh cho đến nay.
Mười hai đồng.
Mười hai đồng.
Cô kiếm được mười hai đồng, cô lén cười trộm, giờ khắc này cô đang đi trên đường đất. Nếu không phải xung quanh có người qua đường đi nộp lương thực thì chắc chắn cô đã cười lớn thành tiếng rồi.
Cả đường đi tâm trạng cô đều rất vui vẻ.
Khi đi tới đầu thôn, lại nhìn thấy không ít hàng xóm trải chiếu dưới gốc đại thụ, nằm trên đó hóng mát nói chuyện phiếm, nhưng không thấy thím Vương đâu.
Văn Thanh quay đầu nhìn về phía cửa nhà thím Vương, thím Vương đang đang sàng thóc cùng chồng mình.
Chồng bà ta quát lớn: “Ai bảo bà đổ cát vào lúa làm gì, bà coi người của trạm lương thực là kẻ ngốc hết à?”
Thím Vương lầu bầu một câu: “Chẳng phải tôi chỉ muốn nộp ít hai cân lương thực thôi sao? Ai ngờ họ lại tra ra được!”
“...”
Thì ra thím Vương đổ cát vào lương thực, bị nhân viên công tác ở trạm lương thực kiểm tra ra, yêu cầu phải kéo về xử lý lại.