Nhóm dịch: Thất Liên Hoa
Nhưng người đàn ông lại chẳng hề chạy mà nhìn về phía Văn Thanh bằng ánh mắt bình tĩnh.
Cô bình tĩnh nói: “Đây chỉ là bản nháp. Trong vòng ba ngày, chú sẽ có kích thước cụ thể, bản vẽ hiệu đính, chất liệu.”
“Được.” Người đàn ông dứt khoát đồng ý. Lúc này mới trả bản phác thảo lại cho Văn Thanh, sau đó lấy cái túi đang kẹp ở nách xuống, rút một xấp sáu tờ một trăm đồng có màu xanh sậm ra.
Văn Thanh thong dong nhận lấy rồi đưa cho Diêu Thế Linh. Bà vừa nhận lấy sáu trăm đồng thì lại nghe thấy mẹ chồng dì Tiếu nói: “Mẹ Văn Thanh à, cô xem xem tiền đó là thật hay giả.”
Nói thật, Diêu Thế Linh chưa bao giờ cầm được tờ một trăm đồng. Hôm nay bán bò được bốn trăm năm mươi lăm đồng, có hai tờ một trăm đồng, số còn lại đều là tiền lẻ. Nhưng Văn Thanh mới là người nhận tiền, bà có nhìn thấy nhưng chưa sờ vào nên cũng chẳng nghĩ tới chuyện tiền là thật hay giả.
Lúc này, Diêu Thế Linh nghe mẹ chồng dì Tiếu nói vậy thì cũng không dám chắc chắn.
“Nghe nói sợi tóc của Chủ tịch Mao và Thủ tướng Chu trên tờ một trăm đồng đều gồ lên. Cô sờ thử xem có thấy gồ lên không?” Mẹ chồng dì Tiếu ở bên cạnh chỉ đạo.
Lúc này, Diêu Thế Linh sờ sờ sợi tóc trên tờ tiền, căng thẳng nói: “Trên tay cháu nhiều vết chai quá nên không vuốt được.”
“Nhổ tí nước bọt ra để làm trơn tay, xem xem có thể sờ được không?” Mẹ chồng dì Tiếu lại nghĩ kế.
Cả đời này, Diêu Thế Linh chưa từng thấy nhiều tiền như vậy nên hơi sợ, đưa tiền cho nhà dì Tiếu: “Chú, cậu em! Hai người có kiến thức rộng rãi, nhìn xem thế nào.”
Cha chồng và chồng dì Tiếu cũng không ai biết xem tiền. Đừng nói bọn họ, ngay cả dì Tiếu bình thường may quần áo đều nhận khoảng mấy hào tiền công, nhiều nhất là năm mươi đồng. Bà ấy không dám đòi tiền lẻ nên cố gắng bảo người ta đưa mười đồng một, sợ nhận phải một đồng tiền giả thì muốn khóc cũng không kịp.
Vì vậy, sáu trăm đồng này chẳng có ai nhận. Người đàn ông suýt thì bật cười.
Văn Thanh hiểu rất rõ nên cười cười nói: “Chú à, hay là chú đưa tiền mười đồng, năm mươi đồng, năm đồng đi. Chúng cháu đều sợ nhận phải tiền giả.” Thực ra Văn Thanh làm như vậy là có ý khác.
“Được.” Lúc này, người đàn ông nhận lại sáu trăm đồng rồi đứng ở hành lang bệnh viện đếm sáu mươi tờ mười đồng đưa cho Văn Thanh.
Sáu mươi tờ mười đồng này đã khiến Diêu Thế Linh và cả nhà dì Tiếu hoàn hồn, chắc chắn mấy tờ giấy rách mà Văn Thanh vẽ ra bán được sáu trăm đồng. Đây quả thực là giá trên trời.
Lúc cả đám vẫn ngây ngẩn cả người thì Văn Thanh hàn huyên vài câu cũng người đàn ông kia. Người này tên là Thang Quyền, là ông chủ của một xưởng may mặc ở Nam Châu. Trước kia, ông ấy ở nước ngoài, gần đây mới về nước làm ăn, vẫn khổ não vì muốn chế tác ra những bộ đồ không theo lối cũ mà người Trung Quốc có thể tiếp nhận được, nhưng lại chẳng có kết quả. Hôm nay, Thang Quyền tới bệnh viện thăm bạn, vô tình nhặt được một quyển phác thảo cực kỳ phổ thông, mở ra thì giật cả mình.
Từng bộ quần áo, từng đôi giày đều rất phù hợp với thẩm mỹ của thời đại này, có thể nói nó còn vượt qua thẩm mỹ của thời kỳ này. Độ khéo léo trong đó vừa phải, đồng thời ông ấy cũng nhìn ra năng lực của người vẽ bản phác thảo này hơn hơn thế nữa.
Vì thế, sau khi nhặt được bản phác thảo, Thang Quyền mừng như điên chờ ở đây, không ngờ lại gặp một cô bé trong trẻo như vậy. Đúng là khiến ông ấy không ngờ tới.