Trời xanh mây trắng, núi cao von vót, rừng biếc ngút ngàn, phong cảnh mộc mạc mà hữu tình. Xa xa là bầy ngạn từ hướng nam bay về, chúng bung xòe cánh bạc bay qua bờ mặt sông lớn rồi lại bươn qua những hàng cây xanh cao sum sê thẳng tiến đến đỉnh đồi Ân Sơn nơi cư trú nhiều năm của chúng.
Gió thổi xào xạo làm lay lắt những chiếc lá trên cành, xung quanh thoang thoảng mùi ngay ngáy của đất bùn và cả mùi rừng núi đặc trưng đang lan tỏa. Dãy núi mé tây cách khu rừng hai trăm dặm có tên gọi là Thái Lăng, đường núi thênh thang gập ghềnh đá lát trải dài khắp lối vào, bốn phía đồi núi được bao bọc bởi những hàng trúc xanh mát. Sâu hút trong hang núi là mảnh đất trống rộng lớn với đồng cỏ bao la, một mái nhà tranh xập xệ dựng lên đã lâu và một cây cổ thụ già đã quá trăm tuổi mọc gần nhà.
Trên chiếc bàn đá vuông vức đặt một chiếc khay đựng bình trà còn bốc hơi nóng, kế bên là hai chiếc ly sứ trắng và một đĩa bánh hấp đã nguội lạnh. Gần góc cổ thụ, một chú ngựa với bộ lông nâu đỏ rực rỡ đang cắm cúi gặm cỏ, bốn cái chân dài rắn chắc rì rì trên đất, đôi mắt nó tựa như hạt hổ phách màu đồng, sáng bóng mà tinh ý. Thi thoảng nó lại ngước mắt nhìn đằng xa, dõi xem bóng người áo trắng múa kiếm dưới ánh nắng vàng, tóc người phấp phới theo làn gió, kiếm trắng tỏa sáng chói ngời uốn lượn theo động tác múa bay.
Xoay kiếm về trái, đường lưỡi sắc bén tỉa làm đôi những chiếc lá vô ý rơi xuống thành hai nửa, xoay kiếm về phải, in trên mỏn đá bạc những nhát chém dài chằng chịt. Bóng người áo trắng nhẹ nhàng đáp xuống đất, chậm rãi thu kiếm vào vỏ bạc rồi quay người rảo bước đến góc cổ thụ.
Hắc mã Kì Lân thấy chủ nhân đến bèn rú lên một tiếng dài, hai cái chân trước nhón cao đầu cũng ngẩng thẳng, tỏ vẻ vui mừng khôn xiết.
“Kì Lân, lát nữa mi cùng ta xuống núi một chuyến, có lẽ tối nay hai ta sẽ ở bên ngoài đến sáng mới về.”
Bạch Lang xoa đầu Kì Lân, nói tiếp: “Ăn nhiều vào, đêm nay sẽ tốn nhiều thể lực của mi lắm đấy.”
Kì Lân như thể nghe hiểu lời chủ nhân dặn dò, ngoan ngoãn cúi đầu gặm cỏ tiếp. Chàng bật cười khẽ một tiếng, yêu chiều xoa đầu Kì Lân thêm lần nữa rồi mới đứng dậy đi đến cạnh bàn đá ngồi xuống. Đặt kiếm lên bàn, rót thêm trà nóng, chàng đưa ly lên môi nhấm nháp một ngụm để nhuận họng, nhân lúc rảnh rỗi ngắm nhìn đàn ngạn từ xa bay về nơi cư trú.
Chập chiều đổ bóng hoàng hôn, mây ươm sắc vàng dần dần chìm mờ sau bầu trời mênh mang. Từ xa, có tiếng tu hú đập cánh kêu inh ỏi, có tiếng ngựa chạy với cả tiếng ngâm nga của người. Bạch Lang nhảy xuống ngựa, vỗ lên lưng Kì Lân bảo nó ở yên đây chờ rồi mới đưa mắt đánh giá xung quanh, cách hai mươi dặm đường gần cuối hẻm dưới chân núi có ngôi làng nhỏ, lần này chàng xuống núi cũng là vì đến đó một chuyến.
Tạm thời để Kì Lân ở đây, một mình Bạch Lang đi bộ vào làng. Cổng làng mở toang, hai bên có từ ba đến bốn người thanh niên cầm cọc gỗ đứng canh gác, ở giữa họ là một ông lão mặc chiếc áo nâu sồng và quần vải đen. Bạch Lang nhận ra ông ấy, đó là cụ Lý trưởng làng.
Cụ Lý chắp tay sau lưng đi qua đi lại, nét mặt lo lắng hết ngó trái lại ngó phải, mới ngoảnh mặt lại nhìn đằng sau thì gặp một bóng người áo trắng đang đi về phía cổng làng.
Cụ Lý nheo mắt nhìn cho rõ hơn, đợi khi người nọ sắp đến gần ông giật mình kêu lên:
“Mau mau, người đến rồi.”
Ông chỉ vừa mới dứt lời ngay tức thì có tốp ba tốp bốn thanh niên trong làng chạy ra đến cổng làng, người nào người nấy đều ngóng mắt rướn cổ mà nhìn.
“Là Bạch thiếu hiệp!”
“May quá, người đã đến rồi.”
Cụ Lý bước đến chắp tay, nói bằng giọng run run: “Bạch thiếu hiệp, lão đây đợi ngài từ lúc sáng sớm đến giờ, thật may là ngài đã đến làng.”
Bạch Lang vội đỡ hai tay cụ Lý, nhìn dân làng rồi hỏi: “Theo thời gian đã hẹn là lúc tối, sao mọi người trong làng lại gấp gáp ra ngoài chờ như thế? Hay là...”
Chàng nhíu mày, siết chặt kiếm: “Bọn chúng lại đến phá rối?”
“Không, không phải. Bọn chúng không có đến.” Cụ Lý lắc đầu lia lịa, nói tiếp: “Nhưng mà hôm qua... có một nhóm đạo sĩ vào làng, ăn mặc tươm tất lại ăn nói lễ độ, rất có phong thái của người tu hành. Họ nói đến là vì chuyện bọn A Tắc Đại, hình như có ý muốn giúp đỡ dân làng.”
Giọng cụ Lý ngập ngừng: “Lão mạo muội hỏi họ từ đâu đến, quý danh là gì, cớ sao lại biết chuyện của bọn A Tắc Đại, song một câu họ cũng không trả lời. Lão khẳng định họ không phải dân ở đây, bởi lẽ đó nên lão thấy không yên tâm.”
“Vậy giờ họ còn trong làng không?”
“Vẫn còn.” Con trai trưởng của cụ Lý là Lý Hải thay cha trả lời: “Chúng tôi sắp xếp cho họ nghỉ tạm ở một căn lều lớn trong làng, ba bữa còn chuẩn bị đồ ăn đàng hoàng đưa qua, tuy không biết họ có thật vì giúp đỡ mới đến đây không nhưng phận đối đãi khách quý từ phương xa chúng tôi vẫn làm tròn.”
Cụ Lý cũng nói: “Phải đấy, nhưng dù sao họ cũng là người lạ...”
Bạch Lang hiểu ý cụ Lý, chàng mỉm cười trấn an cụ: “Người lạ từ phương xa thì thế nào, chắc gì đã là người xấu? Có khi là bậc hào hiệp cũng nên. Trưởng làng dẫn ta đi gặp họ chào hỏi trước, danh tính họ là gì sớm hay muộn cũng biết thôi.”
Lúc này cụ Lý mới bớt lo hơn, cụ gật gù nói đã biết rồi quay ra dặn sắp nhỏ trong nhà chuẩn bị mâm cổ đãi khách.
Bạch Lang khẽ cười, bảo: “Trưởng làng đừng vì ta mà bày biện chi tốn kém, ta đến đây là giúp đỡ làng mình chứ có phải dự tiệc gì lớn. Trưởng làng hãy để ta tự nhiên là được.”
“Vâng ạ.”
Cụ Lý lại dặn sắp nhỏ khoan hãy dọn cổ mời khách, đợi lát nữa hẵng làm.
Đợi bóng người áo trắng đã theo cụ Lý vào làng, chung quanh vốn đang im lặng bỗng sùng sục dữ dội, hệt cơn sóng biển vỡ bờ.
“Trời ạ. Bạch thiếu hiệp thật anh tuấn. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, giọng nói ấy, như có trăm ngàn nghìn điều mê hoặc lấy tôi vậy.”
“Đúng thế thật, vừa rồi khi thấy ngài ấy cười với trưởng làng, ôi thôi tôi thiếu chút nữa đã xịt máu mũi rồi!”
“Cái gã ngực đực không biết xấu hổ này, lời như vậy mà ông cũng nói được à? Có thật chăng thật cũng nên giấu đi chứ.”
“Mấy ông ơi, không biết Bạch thiếu hiệp đã có ý với tiểu thư nhà nào chưa, hay tôi thử giới thiệu con gái mình cho ngài ấy...”
...
Trong làng có hơn bốn mươi hộ dân sinh sống, trong đó còn có cả số lẻ dân bản địa tính vào, vì số đông chiến đa số nên diện tích xung quanh hạn hẹp hơn rất nhiều. Những ngôi nhà xập xệ san sát nhau, những mảnh vườn nhỏ ấp đầy màu xanh của cỏ cây, xa xa nữa là cánh đồng vàng hươm trải dài tít mắt. Đồi núi bạc như xa như gần, bầu mây phủ kín cả một bể trời, không khí trong lành mà mát mẻ.
Bạch Lang xếp bằng ngồi trên thảm đỏ, trước mặt đặt một chiếc mâm cơm đầy thức ăn nóng hổi, kế bên là khay đựng bình rượu ấm, hai chiếc ly gỗ, căn phòng rộng lớn gồm bốn bức tường đá, một chiếc chiếu tre đã trải sẵn và một chiếc tủ ba ngăn nằm trong góc.
Bạch Lang thở dài, đứng dậy đi đến gần cửa sổ vén màn nhìn ra ngoài. Trời sắp tối, mây đen chạng vạng bắt đầu giăng kịt một mảnh trời lớn, màu vàng ấm áp của buổi chiều sắp phải mất khuất sau ánh đêm. Trong sân làng, bọn trẻ đang hí hởn chơi trò đuổi bắt, tiếng cười nô đùa thi nhau vọng lạ từ xa. Bạch Lang thả màn xuống, về lại chỗ ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi.
Bất thình lình, chàng mở choang hai mắt, đồng tử sắc lẻm quét qua trái qua phải sau đó dừng trên mâm cơm. Một đĩa bánh ú tro được gói bằng lá chuối thơm, một đĩa bánh ngô nướng mỡ hành và hai chiếc tô canh khoai mỡ thơm phưng phức. Tất cả nhìn đều ổn, chỉ trừ...
Bạch Lang lần nữa nhắm mắt lại, thản nhiên như thường.
Hơi gió lành lạnh thổi vào từ hướng cửa sổ, thoảng qua tóc rất nhanh, chỉ trong chớp mắt đó, hai mắt người áo trắng bỗng mở ra, sáng như sao mênh mông như trời đêm, cánh tay sau lớp vải trắng nhanh như chớp chộp về trước, chuẩn xác nắm gọn thứ gì đó trong lòng bàn tay.
Mềm mềm... Nhỏ nhỏ...
Chàng nhíu mày, hướng mắt nhìn lên. Cổ tay gầy gò, làn da mịn màng như vải trong nước.
Chủ nhân của cổ tay nhỏ thoáng sửng sốt, không ngờ mình lại bị túm gọn chỉ bằng một đòn tay như thế, sức lực của người này rất mạnh, rắn rỏi như thép vậy.
Bạch Lang đang tính thả tay thì đột nhiên có sức nóng hừng hực truyền thẳng vào lòng bàn tay, chàng giật mình vội dùng lực hất tay người nọ ra.
Nội lực rất mạnh...
Người nọ nhanh nhẹn nhảy ra sau, theo động tác xốc lên vụn cát bám trên chiếc quần vải bắn tứ tung, ngoảnh mặt lại, gương mặt gầy gò nhem nhuốc, bộ quần áo đen rách tươm đã cũ, chiếc nón sứt chỉ và đôi giầy trắng đen.
“Cậu là ai, sao lại ở đây?”
Bạch Lang phủi sạch vụn cát dính trên vạt áo, đứng dậy bước tới gần, chậm rãi hỏi.
Người nọ mím môi không trả lời, mắt cảnh giác dòm chòng chọc người áo trắng đang đến gần, chân thoáng lùi ra sau.
Bạch Lang nhìn chiếc bánh ú trong tay người trước mắt, dần cũng hiểu ra nguyên do. Chàng khẽ cười dừng bước rồi xoay người lại về chỗ ngồi, tay đưa ra mời:
“Nếu cậu không chê thì hãy ở lại cùng ta dùng bữa.”
Người nọ nhướng mày, nét mặt hơi chần chờ còn ngờ vực, chân mới nhấc lên liền thụt về. Bạch Lang xới cơm vào chén để đôi đũa tre lên trên, đặt xuống khay.
“Cơm nóng lúc nào cũng là ngon nhất.”
Một câu nói nhẹ nhàng vừa vang, người nọ lập tức chạy đến ngồi xuống cầm chén cơm ăn lấy ăn để, không còn vẻ cảnh giác như khi nãy.
“Ăn từ từ thôi.” Bạch Lang gắp thêm thức ăn vào chén đối phương cũng sẵn tiện quan sát.
Tuổi người này áng chừng mười ba, mười bốn, thân hình gầy nhom lại nhỏ nhắn, xem cách ăn mặc ắt hẳn là đứa trẻ lang bạt. Chàng nhấp ngụm trà, đặt ly xuống rồi hỏi:
“Cậu tên gì?”
“Tôi tên bé Thố.”
Giọng nói người nọ vừa cất lên, Bạch Lang hơi ngạc nhiên ngoài ý muốn. Giọng nói ngọt dịu có phần êm ái này thật khiến người ta ấn tượng.
“Bé Thố?” Bạch Lang nhíu mày, cái tên nghe lạ thật.
Bé Thố vừa nhai bánh ú vừa ngốn ngấu cơm trắng, nghe hỏi thì gật gù lia lịa: “Đó là danh hiệu trên giang hồ của tôi, tên họ thật thì không thể tiết lộ được.”
Chàng mỉm cười, không tiếp tục thảo luận về danh hiệu của “ Bé Thố đại hiệp” nữa.
“Hình như cậu không phải người ở làng này...”
Bé Thố tiếp tục gật đầu: “Đúng rồi, tôi đến từ phương Bắc, đây là lần đầu tôi đến đây đó.”
“Cậu đi một mình hay đi với ai?”
Bé Thố gặm nửa miếng bánh ngô nướng, nhìn người đối diện không chớp mắt: “Một mình.”
Bạch Lang nhấm nháp ly trà, im lặng không nói nữa.
Bé Thố bỗng rướn người xáp tới gần, tò mò hỏi: “Vậy còn ngài, ngài tên gì?”
Chàng ngạc nhiên nhìn gương mặt đang kề sát về mình, đôi mắt người nọ long lanh trong veo như gương đồng soi thế gian. Chàng mất tự nhiên để ly trà xuống khay, ngập ngừng trả lời:
“Bạch Lang.”
“Con sói trắng hả? Tên gì hung ác thế.”
Bé Thố bĩu môi, ăn nốt chiếc bánh ú còn lại trên đĩa.
Bạch Lang vân vê miệng ly trà, cũng không giải thích.