Tên cướp tóc dài mười tám tuổi, tên là Đơn Hải Kinh.
Mười tám năm về trước, cậu ta được sinh ra tại một bệnh viện ở thành phố ven biển.
Cũng trong phòng sản, trong ngày hôm đó, có một bé trai khác ra đời, tên là Lục Hậu.
Một tuần sau, hai sản phụ đều được xuất viện.
Đơn Hải Kinh cùng đôi vợ chồng nông dân trở về vùng ngoại ô thành phố.
Lục Hậu trở về trung tâm thành phố với đôi vợ chồng làm quán ăn.
Ba tháng sau, Đơn Hải Kinh bị bệnh, đó là bệnh về máu bẩm sinh, chức năng tạo máu có vấn đề. Còn Lục Hậu vẫn khỏe mạnh.
Sau đó, cứ cách một tháng, Đơn Hải Kinh lại phát bệnh một lần, mỗi lần phát bệnh là mặt bỗng nhợt nhạt rồi ngã nhào xuống. Cậu không được vận động
mạnh, không thể để mình bị thương, cậu cần quý trọng mỗi giọt máu của
mình.
Mỗi lần đến bệnh viện, mẹ đều là người truyền máu cho cậu, mãi đến năm mười lăm tuổi, máu trong huyết quản của cậu gần như được
thay đổi hoàn toàn, lượng máu được giữ lại đều là máu của mẹ cậu – Vệ
Lam. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của cậu là không biết mình còn sống được bao lâu nữa.
Từ nhỏ, bác sĩ đã nói với Đơn Hải Kinh là căn bệnh này có thể cướp đi sinh mạng của cậu bất cứ lúc nào.
Còn cậu bé Lục Hậu được sinh cùng ngày với cậu lại rất hạnh phúc. Cậu ta
được sống trong vòng tay yêu thương của cha – Lục Thủy – và mẹ – Liêu
Tiễn, vui vẻ hưởng thụ những năm tháng ấu thơ.
Nỗi phiền não lớn nhất của Lục Hậu là cô bé Ban Hoa mà cậu thích nói cậu béo như lợn và không muốn trò chuyện cùng.
Đây là hai cậu thiếu niên hết sức bình thường, có cuộc sống khác biệt nhau.
Vận mệnh là do Trời sinh, Đơn Hải Kinh từ nhỏ đã không oán hận gì số mệnh
của mình. Cậu nghĩ, tuy sinh ra trong gia đình nghèo khó, tuy mắc chứng
bệnh bẩm sinh, tuy không biết đến ngày nào ông Trời sẽ đón mình lên
thiên đường, nhưng cậu thấy may mắn vì có người mẹ vĩ đại. Bà Vệ Lam
chưa bao giờ bỏ rơi con mình, yêu thương cậu như một báu vật hoàn mỹ
nhất.
Lục Hậu đương nhiên cũng không ca thán gì về số phận tốt
của mình. Ví như, thích chiếc điện thoại Iphone của cậu bạn cùng học,
cậu liền nói cha mua cho mình một chiếc, nhưng ông Lục Thủy nói trẻ con
không nên dùng điện thoại quá tốt, nếu không thì trên lớp con sẽ không
chịu nghe giảng. Bởi thế, lúc ở trước mặt cha mẹ, Lục Hậu làm rớt chiếc
Nokia xuống nền nhà vỡ tan.
Thậm chí, lúc Lục Hậu làm hỏng di
động, cậu ta còn nghĩ rằng – vì sao mẹ mình chỉ lái chiếc xe con màu đỏ
bình thường đến đón mình, còn mẹ của cậu bạn ngồi cùng bàn lại lái chiếc xe đua màu đỏ đến. Mà hơn nữa màu đỏ của chiếc xe đua ấy lại vô cùng
đáng yêu và bắt mắt, ngay cả Ban Hoa cũng thích chiếc xe ấy.
…
Nếu Lục Hậu biết: mười chín năm về trước, mình và Đơn Hải Kinh bị hoán đổi thì cậu có nghĩ như vậy nữa không?
Cuộc sống đôi khi còn khoa trương hơn cả tiểu thuyết.
Đúng thế, mười chín năm trước, Đơn Hải Kinh bị cha mẹ ruột của mình là ông
Lục Thủy và bà Liêu Tiễn vứt bỏ, đánh tráo với cậu bé Lục Hậu. Bởi con
cái họ sinh ra đều mắc bệnh bẩm sinh. Đơn Hải Kinh là con trai thứ ba
của nhà họ, họ sợ cơn ác mộng lại một lần nữa xuất hiện. Bởi thế, ngày
đầu tiên khi con trai ra đời, ông Lục Thủy đã nhân lúc mọi người không
để ý, hoán đổi hai đứa bé với nhau.
Từ đó, Lục Hậu trở thành tiểu thiếu gia được ăn sung mặc sướng.
Đơn Hải Kinh thân mang trọng bệnh, trở thành con cái của một gia đình nghèo khổ.
Nhưng điều may mắn là, họ không biết đối phương để đem cuộc sống ra so sánh
với nhau, không cảm thấy mình hạnh phúc hay bất hạnh đến nhường nào.
Đến một ngày sự việc bị bại lộ, đó là năm Đơn Hải Kinh mười tám tuổi.
Có một hôm, một người phụ nữ lạ mặt bỗng tìm đến gõ cửa, đưa cậu đến bệnh
viện xét nghiệm, sau đó hỏi cậu có thể hiến thận cho Lục Hải – anh họ
của cậu không.
Đơn Hải Kinh đã hiểu.
Người phụ nữ lạ mặt đó chính là Liêu Tiễn, bà nước mắt giàn giụa nói với Hải Kinh sự thật: Bà mới là mẹ ruột của cậu.
Khóc thì có tác dụng gì? Khóc có thể ngăn chặn được báo ứng sao? Lúc làm
việc xấu, ngẩng lên trời xanh cười lớn thì phải dự tính đến một ngày bản thân sẽ bưng mặt mà khóc lóc thảm thiết chứ?
Hóa ra, nhà ông
Lục Thủy có lịch sử bệnh bẩm sinh nối đời, gene di truyền không tốt, cơ
thể luôn phát bệnh. Đến đời họ thì bệnh tình đã vô cùng nguy kịch, toàn
bộ người trong dòng tộc đều không sinh hạ được những đứa con bình
thường, trừ cháu trai của ông Lục Thủy – Lục Hải. Lục Hải là cậu bé duy
nhất trong nhà họ Lục được sống khỏe mạnh.
Tất cả mọi người đều coi Lục Hải là báu vật.
Đã là báu vật thì đều rất mỏng manh yếu đuối.
Năm mười tám tuổi, Lục Hải bị mắc chứng bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
Tóm lại, tất cả những chứng bệnh nan y trên thế giới đều giáng xuống nhà họ Lục.
Họ không thiếu kinh phí để chạy chữa nhưng lại thiếu phương thuốc cứu
chữa. Lục Hải cần thay thận nhưng không thể tìm được người có thận phù
hợp.
Khi đó, từ trong thâm tâm họ nghĩ, tiền có thể giải quyết
được mọi việc. Vấn đề không phải là tiền, mà là không có cơ hội tiếp tục sống.
Nhà họ Lục cả ngày khóc lóc nghĩ cách giải quyết, kéo
nhau rồng rắn đến bệnh viện làm xét nghiệm, xem có khả năng cứu được mầm sống duy nhất của dòng tộc không. Nhưng, đáng tiếc, thận của ai cũng
không hợp với Lục Hải.
Suy đi tính lại, họ thử đi tìm đứa con bị hoán đổi.
Họ đã tìm thấy. Người có tiền muốn tìm người trong một thành phố nhỏ là
chuyện vô cùng dễ dàng, chỉ cần họ có thật sự muốn tìm không mà thôi.
Họ rất kinh ngạc khi biết đứa bé đó vẫn còn sống. Hơn nữa năm nay nó đã mười tám tuổi và trở thành một người khỏe mạnh.
Vì sao thằng bé lại không bị bệnh di truyền? Vì sao nó vẫn còn sống? Nó đã được chữa trị thế nào? Chắc chắn những câu hỏi “vì sao” này luôn lẩn
quất trong suy nghĩ của nhà họ Lục.
Kỳ thực là không có gì đáng kinh ngạc cả, từng giây từng phút luôn có kỳ tích xuất hiện.
Yêu và hận, đều là nguồn động lực để phát sinh kỳ tích trên thế giới. Chỉ
là cuộc sống của phần lớn con người trên thế giới đều không tràn ngập
tình yêu và lòng hận thù như thế, bởi họ hoài nghi rằng kỳ tích là
chuyện bịa đặt. Thực ra, kỳ tích là điều mình sáng tạo, cuộc sống tầm
thường và vô vị cũng do chính bản thân mình tạo nên. Kỳ tích là giấy
thông hành của người kỳ tích, tầm thường chính là tấm bia mộ của kẻ tầm
thường.
Bà Lục xoa lên má đứa con mình đứt ruột sinh ra, nước
mắt lưng tròng, nói: “Con của mẹ, con vẫn sống, mẹ không nỡ rời xa con.
Lần này chỉ có con mới cứu được gia đình ta…”, sau đó bà lại bình tĩnh,
kể lại việc hoán đổi con hồi nhỏ mà không hề hổ thẹn.
Đơn Hải Kinh suy sụp, sao cuộc sống lại có thể bi thương đến thế?
Nhìn người mẹ lạ lẫm trước mặt, người phụ nữ đã không hề do dự vứt bỏ mình,
theo bản năng, Đơn Hải Kinh đã từ chối yêu cầu của vợ chồng Lục Thủy.
Cậu thậm chí còn vô cùng phản cảm với cha mẹ ruột trong bộ quần áo sang
trọng. Cậu liếc nhìn chiếc nhẫn có gắn viên ngọc quý lớn trên ngón tay
bà Lục, lại nắm chặt lấy bàn tay khô đen của mẹ nuôi Vệ Lam, vô duyên vô cớ tức giận, cậu hận không thể dùng bàn tay của bà Vệ Lam cho mẹ đẻ một cái bạt tai.
Đơn Hải Kinh kiên quyết nói: “Không được”.
Sau bao lần van nài khổ sở, người nhà họ Lục bắt đầu hống hách lăng mạ Đơn Hải Kinh là người bất lương.
Thật nực cười.
Trên thế giới này, vốn không có nhiều người tâm địa hiền từ như thế.
Nếu không thì đạo đức mẫu mực sao có thể biểu lộ rõ được chứ? Những người
làm xúc động cả Trung Quốc vì sao lại khiến chúng ta rơi lệ?
Bởi thế, sao có thể tha thứ cho một người đã bỏ rơi mình?
Sao có thể tha thứ cho người cha người mẹ mà chưa một lần có trách nhiệm với mình?
Sao có thể dâng hiến sinh mệnh quý báu của mình, cắt bỏ một quả thận cho một người mà mình chưa một lần gặp gỡ?
Sao có thể? Đơn Hải Kinh cũng chẳng phải là vị Bồ Tát đại từ đại bi cứu nạn cứu khổ.
Vợ chồng Lục Thủy nài nỉ mãi, Đơn Hải Kinh liền đẩy họ ra cửa.
Cậu nắm chặt tay người mẹ nuôi của mình là Vệ Lam, nói: “Mẹ, đừng quan tâm
đến họ! Con không quen họ. Con và họ chẳng có quan hệ gì cả. Con chỉ có
một người mẹ mà thôi”.
Hôm đó, sau khi ông bà Lục về, Đơn Hải
Kinh đã một mình chạy đến một cánh đồng cách nhà cậu rất xa, men theo
những bờ ruộng nhỏ, cứ thế đi, đi mãi. Nhưng cậu phát hiện, cứ đi như
thế thì cũng chỉ vẽ ra một hình chữ điền giống nhau mà thôi.
Cho dù đi như thế nào thì cuộc đời vẫn thế, cho dù đến đâu thì đều có thể rơi vào vũng bùn lầy của khu ruộng ấy.
Đây chính là cuộc sống trăm sông đổ về một biển.