The Flesh And The Devil

Chương 13: Chương 13




Đứa con gái thật là phiền toái khi cứ khăng khăng muốn viết thư cho chủ nhà trước trong thị trấn, Dona thầm nghĩ khi bà để Juana ngồi một mình viết thư, thư gửi đến chỗ nhà đó chắc không có gì đáng lo ngại cả. Cho dù con bé có nói với họ nó đang sống ở đâu, họ cũng chẳng làm được gì. Bọn người đó không phải là bà con họ hàng của con bé, nếu có mảy may bất trắc bà chỉ việc bảo với Don Bautista trục xuất cả bầu đoàn thê tử họ ra khỏi thị trấn thế là xong. Nếu con nhỏ khờ khạo đó muốn viết thư cho cha mẹ nó, có lẽ đó lại là một vấn đề khác, đến lúc ấy lá thư đó sẽ bị ém nhẹm. Nhưng bà hứa sẽ cho tên hầu giữ ngựa trong nhà bà gửi thư đi. Điều này chẳng hề hấn gì, và sẽ dập tắt bất cứ mầm mống nghi ngờ nào của con bé đối với bà chủ nhà tốt bụng. Dona Luisa mỉm cười khi đi tìm Sanchia ra lệnh cho cô hầu sửa soạn phòng ốc cho senorita Armendariz. Việc đứa con gái này thật sự biết chữ là một bất ngờ nữa nhưng quả tình là một lợi thế.

Juana đang vất vả viết tin nhắn cho Luis và Elisabeta, tâm trí đang kinh hoảng khiến nàng không thể hành động một cách tự nhiên được. Lá thư chứa toàn những lời lẽ trang trọng sáo rỗng mà nàng từng được dạy lúc còn nhỏ. Juana cám ơn thịnh tình và sự quan tâm chăm sóc của họ dành cho nàng, rằng nàng lúc nào cũng nhớ đến họ với lòng yêu thương cảm kích và suy nghĩ về họ với lòng cảm mến sâu xa. Nàng biết nàng và Felipe sẽ không bao giờ có được hạnh phúc với nhau, nhưng nàng đã chọn lối đi cho riêng mình - viết đến đây ngòi bút nàng bỗng run rẩy – và thậm chí sau này nếu nàng không bao giờ gặp lại họ nữa, nàng muốn mình luôn luôn được là bạn bè của họ.

Khi lá thư viết xong nàng ngồi nhìn đăm đăm vào tờ giấy trắng vừa đặt trước mặt. Thư này cần phải bỏ vào bên trong một lá thư khác để tránh người khác tò mò đến tên của Tristán. Thậm chí đến lúc này nàng vẫn cho rằng giữ kín bí mật là điều cần thiết, ngay cả trong lúc nàng viết lời chia tay cuối cùng đến chồng mình.

Nàng thẫn thờ đứng dậy và bước về phía cửa sổ, dõi ánh mắt trống rỗng ra bên ngoài Plaza Mayor. Cảnh sắc rực rỡ bên dưới chỉ là những hình dáng vô nghĩa dường như nhòa dần, thay vào đó là khung cảnh nơi căn bếp đông đảo, thơm lừng mùi vị của nhà Luis, khắp nơi chất đầy những bao bị nặng trĩu và những bó thảo mộc treo đong đưa. Đi đứng bên trong đó là phải dò dẫm từng bước một. Trước khi nàng ép trí não không nghĩ tới nữa, những kỷ niệm nàng cố kiềm nén vỡ tràn ra chung quanh nàng như sóng cuồn cuộn dâng, và nàng lại trải qua những biến cố đó trong hai mươi bốn giờ vừa qua thêm một lần nữa. Thật không thể tin được là khoảng thời gian đó sao lại quá ngắn ngủi – thế mà nàng cứ ngỡ mình đã qua những hai mươi năm.

Lúc ấy nhìn thấy nàng nét mặt Tristán vô cùng sửng sốt. Nàng đã vội vã chen qua đám đông ngay cửa nhà thờ, hoàn toàn đã quên đi người phụ nữ lạ nàng vừa nói chuyện, thể xác đầy căng thẳng lúc bước về phía chàng đang đứng. Chàng quay đầu lại chăm chú nhìn nàng, ánh mắt họ giao nhau qua đầu đám người đang đứng lố nhố, và nàng cảm nhận được cơn giận dữ dội đang gặm nhắm trong thâm tâm chàng. Nó không lộ ra trên nét mặt – không một bắp thịt nào cử động trên gương mặt da vàng khắc nghiệt đó – nhưng đôi mắt màu lục rực sáng như sắc ngọc của nhà giả kim, thật độc ác kỳ dị, đã tố giác điều ấy. Nàng hạ mắt xuống tránh ánh nhìn đó, sợ chàng đọc được trên mặt nàng nỗi thù hằn của chàng đã làm nàng tổn thương đến dường nào. Trong quãng thời gian còn lại ngày hôm ấy và suốt cả ngày hôm sau buồn tẻ chàng gần như không nói với nàng câu nào, thậm chí khi nàng nêu câu hỏi lúc chỉ có hai người họ với nhau về những tin đồn thổi của đám dân gitanos chàng cũng không lên tiếng. Ngày hôm sau họ lại bắt tay vào những công việc thường ngày, chàng vắng mặt hầu như suốt buổi trong lúc nàng chật vật phụ việc nhà với Elisabeta. Juana cảm nhận một cách khổ sở rằng nỗi đau đớn đã làm tay chân nàng vụng về hơn thường lệ, và thêm cảm giác bao tử no hơi khiến nàng không còn ngon miệng. Nàng gần như không lưu ý người đàn bà mặc áo choàng đã đợi trong gian chính của nhà thờ San Pedro đang theo dõi sự đi đứng của nàng, chỉ có mùi hương quen thuộc thâm nhập vào tâm thức khi nàng đi ngang qua chỗ bà ta.

Tối hôm qua Elisabeta dường như nhận ra được tình trạng căng thẳng đang gia tăng giữa hai vị khách của bà nên đã lấy cớ đưa cả gia đình qua chơi nhà cô em dâu của bà ở đường kế bên, và cương quyết gạt đi lời năn nỉ sợ sệt của Juana tỏ ý muốn đi theo. Tristán gần như không lên tiếng, chỉ gật đầu đồng ý với đề nghị rằng chàng và Juana muốn có giây phút riêng tư với nhau, và nụ cười giả vờ trên môi chàng trông thật kinh khủng. Bầu không khí đặc sệt như bão đang tụ hội trong căn bếp nhỏ xíu trong lúc gia đình lăng xăng tới lui tìm quà cáp cho tia (cô, dì, thím) Mariana, còn Juana thì lại không ngừng nghĩ đến trận mưa dồn dập khi Tristán nhận lời khiêu chiến của Jaime.

Nàng thầm nghĩ tình cảnh lúc ấy chẳng khác chi bây giờ, Felipe sẽ rũ bỏ những cái chàng không muốn, tàn nhẫn và lạnh lùng như chàng đạp chết một con gián. Giờ thì lại quá rõ ràng, câu chuyện của nhóm du mục đã khiến chàng suy tính cái giá chàng phải trả ra cho đường đi nước bước của chàng hiện nay, và chàng đã nhận ra con số này quá cao. Bây giờ chàng dự định sẽ thay đổi cuộc diện này. Tối qua chàng không hề động đến nàng – chàng về nhà trễ và đi ngủ ngay không màng đoái hoài xem nàng đã ngủ hay chưa, còn nàng phải vờ như mình đã ngủ để chàng không đoán được nàng đã thao thức đợi chàng trở về có được an toàn hay không. Với bộ óc tính toán lạnh lùng như chàng, Tristán đã cố tình đè nén nỗi khát khao chàng dành cho nàng, và giờ đây chàng muốn cắt đứt cái của nợ là nàng. Chàng từng dạy nàng ham muốn chàng, và bây giờ thì lại dạy nàng phải sống thiếu chàng.

Nàng đang nghiêng đầu trên tấm áo chemise nàng đang sửa sang lại cho Luis, mũi kim đưa đẩy càng nhanh hơn, thất thường hơn. Có tiếng chào tạm biệt ồn ào rộn rã và nàng nghe thấy tiếng mình đáp trả, nhưng vẫn thực sự chú tâm đến hình bóng vạm vỡ bên kia phòng. Bỗng dưng thật là ngớ ngẩn, phi lý nàng lại tự hỏi phải mất bao công sức để tháo cái phù hiệu thêu hình điểu sư ra khỏi vai áo chẽn màu đen của chàng.

Cơn run rẩy lo lắng đã khiến nàng đâm kim vào ngón tay, nàng kêu lên suýt soa và thấy vết máu đang loang ra trên nền vải áo. Juana vụt đứng bật dậy, nhưng trước khi nàng rời khỏi ghế Tristán đã băng qua phòng chỉ bằng một sải chân và tóm lấy vai nàng. Gần như không biết mình đang nói gì, nàng ấp úng, “tôi phải lấy chút muối - vết máu –” và cảm thấy chàng đang lắc nàng, thân hình nàng như bị xô tới trước một cách nôn nóng khiến đầu nàng bật ngửa ra sau. Dường như chàng đã nổi nóng, nàng vụt nghĩ một cách hoang mang, trước đây chàng chưa bao giờ làm như thế cả. Chỉ mỗi một lần nàng thấy chàng nổi giận. Giận dữ là một sự phí phạm tình cảm, thế nên chàng sẽ không bao giờ buông thả bản thân chàng đến thế...

“Nói có Chúa, em đánh giá bản thân mình quá cao đấy.” Sự khinh bỉ trong giọng nói chàng khứa vào người nàng như lưỡi kiếm lạnh buốt, và nàng thấy được cùng một tia mắt như màu ngọc rực lên giữa hai hàng mi dày trước đó. “Một mạng người không có gì cao quý hơn cái này sao? Tôi nghĩ em đã học cách tỏ ra rộng lượng hơn trước khi tôi cưới em chứ, nhưng dường như tôi đã lầm.”

Juana há hốc miệng kinh ngạc. Nàng đang trân người chuẩn bị hứng chịu những lời từ khước, nhưng những lời lẽ này thật quá lạ lùng khiến nàng tái mặt chỉ biết đứng đấy nhìn chàng chăm chăm, không thốt lên được lời nào. Nàng cố phân tích xem chuyện gì đã làm chàng mất hết tính cách như vậy. Nàng không nghi rằng nó có liên hệ gì với tin tức của nhóm du mục – có lẽ nàng đã diễn vai trò của mình quá khéo, nên chàng đang muốn ra tay phá vỡ lớp vỏ điềm tĩnh giả tạo của nàng chăng.

Cổ họng đau nhói nhưng nàng vẫn cố nói, “Mọi chuyện anh làm đều là do anh quyết định! Tôi không hề yêu cầu anh giúp, việc giết người thì lại càng không. Anh lẽ ra có thể nhận được tiền thưởng của tôi nếu giúp tôi trốn khỏi castillo hay là nói sự thật với ông công tước già kia –” Nàng ngưng bặt khi thấy Tristán nhếch môi châm biếm.

“Em muốn ông ta biết hết mọi sự thật. Hay là em để tôi cho ông ta biết điều này...?”

Thình lình nàng bật kêu lên đau đớn khi chàng bất ngờ cúi xuống hôn nàng. Miệng chàng nồng mùi rượu, và nàng kinh hoảng nhận ra là chàng đã uống đến say sưa và rằng bản tính tự chủ tàn bạo của chàng có lẽ sẽ không còn đủ khả năng bảo vệ nàng nữa. Nàng quẫy người trong vòng tay chàng, cố chống trả. Tâm trí nàng chỉ nghĩ rằng nếu nàng hiểu được nguyên do nào đã khiến chàng nên nông nỗi đó, có lẽ nàng sẽ hiểu được cơn giận dữ dội như sấm sét đang nung đốt thịt da nàng trong lúc này.

Vị mặn của máu nàng vẫn còn vương trên môi, nàng cảm thấy tay chàng đang di chuyển khắp lưng nàng thật mạnh mẽ tàn nhẫn như thể chàng sẽ bẻ gẫy nó nếu nàng khước từ chàng. Lúc người nàng như căng ra chàng ngước đầu lên một chút, và nàng nghe Tristán thì thầm đầy khinh bỉ. “Phần thưởng của em chả đem lại cho tôi lợi lộc gì khi em trả nợ miễn cưỡng như thế. Tôi sẽ có được bằng chứng biết ơn cụ thể nào đây? Nói đi.” Khi nàng định quay đầu đi, chàng nắm lấy cằm nàng ép nàng ngước mặt lên để nàng phải nhìn vào mặt chàng. “Thậm chí ngay bây giờ em cũng không buồn giả vờ chịu đựng gương mặt tôi dưới ánh sáng nữa.”

“Tôi đã trao cho anh mọi thứ anh đòi hỏi rồi còn gì.” Giọng nàng khàn xuống đau đớn, và nàng cảm thấy tay chàng siết chặt hơn.

“Không, không phải là trao ra, chỉ là tôi được em cho phép một cách tử tế để lấy thôi.” Lời chàng như châm chích. “Thì ra, tôi đã quá chậm để kiếm lời từ cái công trình toi bao nhiêu công sức này, nhưng bây giờ thì tôi đã sáng mắt ra rồi.”

Chàng buông nàng ra đột ngột đến nỗi thân hình nàng chao đi. Rồi chàng lùi lại, đăm đăm nhìn nàng bằng ánh mắt vừa hận thù vừa khinh bỉ khiến đôi mắt với cặp mí nặng sáng rực gần như lòa đi. Giọng chàng cắt xuống người nàng như những làn roi được đo lường thận trọng.

“Tôi vẫn giữ em lại, senora, để bảo tồn lời hứa hôn nhân của tôi và bởi vì em là miếng thẻ bài có giá đem đi giao dịch lúc nào được, nhưng tôi không còn thèm muốn để ôm thánh tử đạo trong lòng nữa. Thay vì thế, tối nay tôi sẽ xài một phần nhỏ trong đám hồi môn của em ở những nơi tôi thường lai vãng lúc trước – là nhà chứa trong Calle Montera đấy. Điều này sẽ thỏa mãn cả hai chúng ta.”

Mái tóc chàng ánh lên thuần một màu đồng khi chàng quay gót ra cửa. Đến thềm cửa chàng dừng lại, nhìn về phía sau như dò dẫm gương mặt nàng tìm xem trên đó có dấu hiệu nào cho thấy nàng tủi nhục hay không, nhưng nàng đã vội quay đi trước khi chàng kịp thấy mắt nàng đã nhòa lệ.

“Trừ phi cái phố nhà thổ đó không có giá trị nào khá hơn em, em không cần phải đợi tôi đến sáng hôm sau.”

-o0o-

Juana nhớ lại tối đó nàng không hề chợp mắt. Khi Elisabeta cùng với gia đình bà quay về, bà thấy nàng ngồi thừ người trước trước đám lửa đang lụi tàn nên lên tiếng trách cứ cả tràng giục nàng đi ngủ, nhưng ai nghe được đều hiểu đấy chỉ là mắng yêu. Bà sợ giữa hai người họ đã có gây hấn, cả Felipe và Juana đều đau khổ vì cái chết của vị công tước khốn khổ kia. Bây giờ thì mấy đứa con trai lớn đã sang ngủ nhà chú chúng nó nên cũng không ai gây náo động làm phiền tới Juana. Trong thời khắc buồn tẻ trước khi mặt trời lên Juana cảm thấy mình cần những tiếng nói cười ồn ào của chúng biết bao – hay bất cứ tiếng động nào giúp nàng kết thúc giờ phút tưởng chừng như vô tận nằm chong mắt nghe tiếng chuông đổ báo từng giờ đã qua đi, và giương tai ngóng chờ tiếng bước chân khe khẽ của ai đó đã không quay về.

Sáng hôm sau nàng trở về sau chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở nhà thờ San Pedro và bắt gặp Tristán đang sắp sửa rời nhà. Carlos, thằng bé từng là người hộ tống miễn cưỡng của nàng nhưng rất dễ bảo, thấy cái búng tay của chú Felipe vâng lời bỏ chạy. Nàng ngước lên lòng thoáng sợ hãi khi thấy Tristán đang đứng ngáng đường mình.

Ý nghĩ đầu tiên của nàng là chàng trông như đang bệnh, sắc mặt xám lại vì mất ngủ, đôi mắt lừ đừ trũng sâu. Nàng chưa bao giờ thấy chàng trông lôi thôi đến thế. Chiếc áo chẽn cài cẩu thả, áo choàng vắt trên vai nhăn nhúm, còn mái tóc đỏ rối bù, một lọn dài đang buông thõng ngang mày. Bất chợt nhận ra nguyên nhân nào đã gây nên dáng vẻ kiệt quệ, phóng túng này nàng sững cả người. Vành môi sẹo đang cong lên kia đã báo với nàng rằng chàng đã đọc được câu hỏi chưa thành lời trên mặt nàng trước khi chàng nhướn mày châm biếm.

“Kẻ hầu của em đây, thưa tiểu thư.” Dù cặp mắt như muốn díp lại, nhưng ánh nhìn vẫn cứng rắn sáng ngời trong hốc mắt tối. “Tôi không nghĩ gặp được em ở đây – tôi cứ nghĩ giờ này em hãy còn thành tâm cầu khẩn chứ, để cảm tạ ơn trên vì được bình yên tối qua. Tôi trở về nhà là vì cái này –” chàng chìa tay ra trên đó là chiếc vòng bạc lấp lánh. “Sáng nay tôi mới biết là mình cạn kiệt rồi.”

Lời nhạo báng khiến mặt Juana đỏ bừng, nàng chỉ muốn lẳng lặng bỏ đi, nhưng chàng đã đưa vai ngăn nàng lại. Juana gay gắt nói, “Vậy thì người xưa nói thật không sai tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.” Vừa nói dứt câu nàng chợt sửng sốt bởi chính lời lẽ thẳng thừng của mình.

Tristán mỉm cười thật lạ lùng. “Tối qua tôi đã chọn một cô ả Bồ Đào Nha,” chàng cố tình khiêu khích, “bởi vì gái điếm Tây Ban Nha lúc nào cũng tỏ ra lạnh nhạt cả.”

Nàng không nhớ là mình có cử động hay không, chỉ cảm thấy đau buốt như bị tra tấn lúc chàng chụp lấy cổ tay nàng, và lúc ấy Juana nhận ra nàng đã cố móc mắt chàng ra khỏi khuôn mặt mỉa mai thù hằn kia. Rồi với hết sức bình sinh nàng giằng tay lại và bỏ chạy xuống ngõ hẹp bên hông nhà Luis. Nàng đâm đầu chạy một cách mù quáng như con thú bị thương tìm nơi ẩn náu, cố thoát càng xa càng tốt nơi đã làm mình tổn thương. Nàng chạy mãi cho đến lúc từ từ lưu ý thấy người đi đường đang nhìn nàng một cách kỳ quặc xì xào bàn tán. Đã quá trễ nàng mới nhận ra mình là người phụ nữ lang thang trên đường một thân một mình, y như cái hạng đàn bà con gái mà Felipe –

Nàng không thể nào trở lại, nàng đau đớn suy nghĩ, không thể nào nữa. Thêm một ngày khoác lớp áo tươi cười hạnh phúc vì nể mặt Luis và Elisabeta đã quá mức chịu đựng của nàng. Và nếu trời bắt nàng chết nàng sẽ tìm nơi khác để đi. Bao nhiêu ý tưởng lướt qua trí não nàng vùn vụt, nàng cố vét chút ít hiểu biết của mình về Villenos từ lúc vừa tới thị trấn này. Chỉ có vài con phố quanh nhà Luis, nhà thờ - nhưng thế nào họ cũng tìm ra nàng trong San Pedro nếu nàng đến đó.

Đột nhiên tâm trí nàng lóe lên một ý tưởng. Người phụ nữ mặc áo choàng ở San Pedro... Hôm nay bà ta cũng có mặt ở đó, mỉm cười tử tế với nàng nhưng không tỏ ý bắt chuyện. Nếu có bao giờ trong đời Juana phải nhờ đến một kẻ xa lạ trợ giúp thì chính là lúc này. Giờ đây trong cảm giác như trôi dạt vào bờ sau cơn bão lớn đánh chìm tàu, nàng đi hỏi thăm đường đến Casa de Herreros. Lòng quá rối rắm nàng không chú ý mấy đến ánh mắt lạ lùng của người phụ nữ chỉ đường, mà nếu có để ý đi chăng nữa nàng cũng chỉ cho rằng bà ta ngạc nhiên là vì nét mặt hoảng loạn của nàng lúc nàng đang cố dằn những giọt nước mắt đang chực trào ra. Nàng may mắn đã đến được địa điểm trước lúc phải khóc òa ra, giờ đây nghĩ lại nàng cảm thấy cay đắng làm sao, nhưng chuyến đi đó không quá dài.

Trở lại bàn viết, nàng giật lấy bút và viết một câu duy nhất, Bây giờ nợ đã xóa bỏ, đoạn gấp tờ giấy lại vội vã đến độ mực bị nhòe đi. Nàng do dự trước khi đề tên người nhận với sự trang trọng cuối cùng Senor Felipe Tristán, rồi lồng tờ giấy đã gấp vào bên trong lá thư khác, dán lại và viết lên phong bì, Luis. Nàng không màng giải thích tại sao nàng có cùng họ với người chủ nhà cũ. Thật ra nàng đã ngu ngốc tiết lộ họ của nàng cho Sanchia, nhưng đã sửa đổi chữ đó bằng cách thêm vào tên của cô em gái mười tuổi của mình, Margarita.

Đột nhiên nôn nóng muốn mình phải kiên quyết giữ ý định, nàng rung chiếc chuông cầm tay bên cạnh và đưa phong thư cho đứa bé nhờ mang thư đi, chỉ đường cho nó đến nhà Luis. Khi cửa đóng lại nàng bất chợt lùi lại, lấy hơi toan kêu thằng bé lại, nhưng lại dằn lòng cứ thế đứng yên. Juana thầm nghĩ nếu tình yêu được đong đo bằng nỗi đau thương nó gây ra, chắc hẳn nàng yêu chàng còn sâu thẳm hơn cả địa ngục.

“Giờ thì trách nhiệm của cháu đã xong rồi, phải không Margarita?” Giọng nói thú vị vang lên từ lối vào khiến nàng nhìn lên, và thấy Dona Jerónima đang nhìn mình. Ánh mắt sắc vàng của bà nửa thương cảm nửa quỷ quyệt. “Chúng ta phải bảo đảm rằng cháu sẽ không còn buồn phiền nữa trước khi cháu rời khỏi đây, cô bé thân mến. Nào, ta sẽ chỉ chỗ ngủ cho cháu, rồi mình sẽ lập chương trình giải trí cho cháu.”

-o0o-

Cái bóng của Felipe Tristán hắt xuống trước mặt lúc chàng quẹo vào con đường nhà Luis. Giờ này đang là giờ nghỉ trưa, đường xá trống vắng, bóng của chàng trông thật ngắn. Quần áo dán sát vào người trong lúc chàng di chuyển, Tristán liếm đôi môi khô lòng thoáng mong có chút nước uống.

“Felipe, có phải là cậu không?”

Gương mặt đầy nếp nhăn của Luis nhô ra sau cửa, nét mặt ưu phiền sáng lên chút ít khi thấy chàng. Giọng ông nghe nhỏ rứt mơ hồ trong trời chiều nóng bức. Ông mở toang cửa, từ bên trong Tristán nghe tiếng Elisabeta đang xuýt xoa về chuyện nào đó. Nhìn chàng chẳng khác nào như một chú chó đang lo lắng, Luis nói, “vào đâu mau lên, có tin đấy!”

“Đợi lát nữa đi, Luis, tôi phải nói chuyện với Juana trước.” Tristán cúi người bước qua ngạch cửa phủ bóng mát, chàng đưa mắt đảo quanh phòng rồi dừng lại trên mặt Luis. “Cô ấy đâu?”

“Tôi – chúng tôi đang muốn nói với cậu chuyện này. Cô ấy không ở đây.” Luis hắng giọng và nhích lại gần Elisabeta. “Carlos nói cậu đã gặp cô ấy ngay cửa, nên chúng tôi cứ ngỡ cô ấy không vào nhà là vì đi với cậu – cho đến khi cách đây nửa tiếng, có thư cô ấy gửi đến đây. Cậu đã đi đâu vậy? Mấy thằng nhóc đã lùng sục khắp phố tìm cậu đấy.”

“Tôi qua phố kế bên tìm cách bán chiếc vòng cho được giá, để bù lại ngày tối qua tôi đã xài phí đi – nhậu nhẹt say sưa.” Giọng Tristán vẫn đều đặn, nhưng nét mặt đã trở nên căng thẳng. “Thì ra cô chú không thấy cô ấy từ sáng nay sao?”

“Bọn tôi cứ nghĩ là cô ấy đi chung với cậu,” Elisabeta trả lời, “Luis và tôi mừng là cậu đã hòa lại sau khi cãi nhau –”

“Cô ấy kể chuyện đó cho cô nghe à?”

Luis đưa tay ôm choàng vợ mình như che chở cho bà. “Không, cô ấy không nói một lời nào cả - nhưng chuyện quá rõ rệt khi cậu không về nhà tối qua, rồi nét mặt cô ấy sáng nay – ! Trước kia cậu thường hòa nhã hơn mà, Felipe.”

“Có lẽ thế, đó là bản tính mất đi rồi thì rất khó lấy lại. Hãy khoan đã Elisabeta, lát nữa tôi sẽ ngồi yên chịu trận nghe cô mắng. Luis, chú nói có thư phải không?”

Luis lặng lẽ chìa tờ giấy gấp lại cho chàng. Tristán đón lấy, rồi bằng cử chỉ lạ lùng chàng giũ nhanh tờ giấy, và nhìn chăm chú xuống hàng chữ độc nhất đã nhòa mực chỉ trong một thoáng trước khi vo viên ném vào bếp lò.

Elisabeta nhỏ nhẹ nói, “đưa cho cậu thư cô ấy viết cho mình đi, Luis.”

Chồng bà rón rén đưa một tờ giấy nữa ra. Gương mặt Tristán dường như rắn đanh khi chàng đọc lá thư, mất khá lâu sau chàng mới ngước mắt lên.

“Thư không nói là cô ấy đang ở đâu, nhưng Juana chắc chưa thể đi xa – cô ấy quá ngờ nghệch với lối sống bình dân, và tôi cũng không nghĩ là cô ấy tìm được giấy bút ở lề đường để viết thư? Thư đưa đến bằng cách nào vậy?” Chàng ấn trả lá thư vào tay Luis.

“Có một thằng nhỏ đem đến, nó đi bộ. Lúc đó tôi cũng không nghĩ ra là hỏi nó từ chỗ nào tới, rồi nó bỏ đi trước khi tôi mở thư và nhận ra là...” Giọng Luis nhỏ xuống như xin lỗi, nhưng vợ ông đã xen vào.

“Nhưng Luis, Alfonso nói với em là nó biết thằng đó! Em của thằng đó là Pepe, cái thằng chán mớ đời cứ lê la ở cửa nhà mình gần nửa buổi, nửa buổi còn lại thì đi phá làng phá xóm. Thằng anh nó vào làm trong chuồng ngựa cho –” Bà lo lắng dừng lại.

“Làm cho ai, Elisabeta?”

Câu hỏi vắn tắt của Tristán nghe bình thường và lịch sự một cách điềm tĩnh nhưng bà nuốt khan trước khi trả lời. “Cho la viuda Herreros.”

“Felipe.” Luis đặt tay lên cánh tay Tristán ngăn chàng, nhưng lời ông như tắc nghẹn khi thấy mái đầu đỏ khẽ quay lại nhìn ông. “Felipe!”

“Tôi cần ra ngoài.” Giọng chàng vẫn đều đặn, nhưng ánh nhìn lạ lùng bối rối hằn rõ trong đôi mắt màu lục. “Đừng đợi tôi.”

“Felipe, cậu phải suy tính kỹ đã! Nếu Juana đã tới đó, không còn cách nào để đem cô ấy về đâu! Con mụ Herreros đáng nguyền rủa đó là em họ của quan Trưởng Tòa (quan tòa của Giáo hội), không có người nào dám nghĩ xấu về mụ ta đâu, đừng nói tới việc kết tội. Mụ ta chỉ cần búng tay là cậu sẽ bị tra tấn đến chết nếu cậu chọc cho mụ ấy nổi sùng. Kết cuộc là bị buộc tội theo tà đạo, rồi còn thân thế của cậu –”

Tristán nhìn đăm đăm vào mắt ông, chàng toan đưa tay gỡ lấy bàn tay đang níu lấy tay áo mình nhưng chợt sững lại. “Thân thế của tôi thì sao Luis?”

Người đàn ông trung niên liếm môi. “Tôi không có ý đó mà – cậu biết là tôi không hề có ý –”

“Chú đánh giá thấp tôi rồi, ông bạn. Tôi đã học hỏi biết làm cách nào để trả lời quan tòa mà. Lòng chân thật của cha tôi cũng cứng rắn như lời lẽ của ông ấy, điều đó đã dạy cho tôi biết nhiều đức tin quá là khờ dại. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản được tôi đâu.”

“Nhưng Felipe, hãy cân nhắc lại,” Luis vẫn khăng khăng kèo nài. “Cậu từng nói nếu chuyện cậu ở chung với Juana bị lộ ra sẽ nguy hiểm mà. Nếu Juana không muốn mà cậu cứ cố đem cô ấy ra khỏi cái nhà đó, cả tỉnh sẽ biết chuyện của cậu nội trong ngày hôm nay. Đến lúc đó đời cậu sẽ tàn.”

Tristán lại quay ra cửa. “Đừng đợi tôi,” chàng chỉ nói có thế, nhưng giọng nói khẩn thiết của Elisabeta đã ngăn chàng lại.

“Felipe, cậu vào nhà Herreros bằng cách nào đây? Cậu đã biết nguyên tắc của Dona Jerónima rồi, mụ ta không đời nào cho người không có chứng nhận bảo đảm vào nhà đâu phòng trường hợp họ không trả nổi cái giá mụ ta đưa ra. Mụ ta không bao giờ cho cậu đặt chân vào nhà nếu biết được nguyên do nào cậu tới đó, mặc cho cậu có thuyết phục tới cỡ nào đi nữa.”

“Trong trường hợp xấu nhất tôi đành phải tìm cách nhờ các khách quen của bà ta bảo trợ đưa vào thôi.” Âm điệu của chàng nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng giữa hai hàng mi rậm lóe lên tia nhìn lạnh buốt. “Thế nào bọn người đó cũng kéo đến đầy đàn khi nghe tin bà ta có khách mới, phải thế không?”

“Felipe, la viuda đã bắt đầu già rồi. Có lẽ bà ta chỉ muốn tìm cách chiêu đãi Juana như là khách thôi! Từ khi đứa con gái trước rời nhà bà ta tính tới nay cũng được sáu tháng hơn rồi.”

“Vậy thì bà ta đâu cần phải quan tâm nếu tôi đến đó thăm vợ tôi!” Tristán gạt Luis sang một bên dễ dàng như dời một con búp bê bằng vải vụn, đoạn quay sang Elisabeta. “Bà ta vẫn còn ở Plaza Mayor chứ?”

“Phải – nhưng mà này, Felipe – mụ ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến lúc mụ không còn sử dụng món hàng của mình được nữa. Có trời mới biết là cô nhỏ này làm thế nào mà gặp phải mụ ta, nhưng cô ấy đã tự ý đến đó, vậy là cô ấy dứt khoát bỏ cậu rồi – Felipe! Đợi một chút!”

Ánh mặt trời soi trên tóc Tristán thành quầng sáng đỏ rực khi chàng nhanh chóng khom người qua đà cửa bước ra đường. Chàng đưa gót giày ủng đóng sầm cánh cửa, tiếng cửa đóng vang dọc con đường yên tịnh chát chúa như tiếng súng nổ.

-o0o-

Nếu Juana không đau khổ đến độ tê điếng có lẽ nàng đã lên tiếng hỏi han Dona Jerónima về công trình sửa soạn bà dành cho mình, bởi lẽ nàng thấy mình được đối đãi như là đứa con thất lạc từ lâu vừa mới tìm lại hơn là một người khách. Bà chủ nhà dường như rất cương quyết giúp nàng giải buồn, không ngại hao công tốn của. Nào thuê xe kéo, đặt may áo dạ hội. Thợ đóng giày, chủ hiệu kim hoàn, chủ hiệu kim chỉ và thợ làm tóc dường như kéo đến nườm nượp trong Casa de Herreros cả ngày lẫn đêm. Người làm được thuê thêm chuẩn bị cho những tiết mục giải trí lớn sắp đến, dù Juana có sửng sốt phản đối nhưng lời nàng đã bị gạt đi. Vị chủ nhân chỉ mỉm cười quả quyết rằng nếu nàng từ chối cái hạnh phúc được trao ra của người phụ nữ đơn chiếc thì nàng quả thật là không tử tế với bà.

Bà hình như rất kiên quyết đem Juana ra phô bày. “Với một gương mặt như trân tàng trong chốn hẻo lánh này, cháu thân mến à, dung nhan cháu sẽ được nhắc nhở hàng mấy tuần liền đấy! Cháu phải để ta mang đến cho bạn bè chút ngạc nhiên chứ, vì đâu có ai ngoài Don Bautista Zorilla biết được cháu đến ở với ta.”

“Senora, cháu không thể nào đâu. Cháu không muốn lôi kéo chú ý –”

“Tại sao lại không được? Cháu sợ cái tên lỗ mãng từng dụ dỗ cháu bỏ nhà ra đi biết được cháu ở đâu sao? Cho dù là hắn biết đi nữa, hắn cũng không bao giờ bước nổi qua ngưỡng cửa nhà này đâu.” Đôi mắt ánh vàng của Dona Jerónima lóe lên nụ cười tò mò. “Cháu ở trong tu viện cũng không an toàn hơn đâu, hãy nhớ lấy lời ta.”

Lời khước từ chưa kịp nói đã tắt ngấm trên môi Juana. Nàng không thể tranh luận tiếp mà không nêu lên được nguyên nhân nào làm nàng sợ hãi: chàng đã sát hại một mạng người vì cháu, nên cháu sợ chàng vướng vào vòng truy nã – câu nói ấy nghe hoang tưởng hão huyền làm sao. Nàng tự hỏi không biết Dona Jerónima sẽ có phản ứng gì nếu nàng nói ra sự thật, trong thoáng chốc nàng đã suýt thốt ra hết mọi chuyện cho vơi bớt những bí mật cứ canh cánh bên lòng. Môi nàng mấp máy toan cất tiếng, nhưng nàng lại cố ghìm lại. Trong phương diện này, Dona Jerónima đã nói đúng nàng đang an toàn. Không một ai sẽ kết hợp được Juana de Arrelanos, nhân vật được hộ tống ra khỏi Andalusia bởi người hầu cận của công tước de Valenzuela với cô gái thân thế mờ mịt Margarita Armendariz ở trong thị trấn Villenos này. Phản đối kế hoạch của vị chủ nhà xem ra sẽ gây nghi ngờ hơn là lẳng lặng chấp nhận đề nghị của bà ấy. Felipe Tristán sẽ không xuất hiện ở đây và nàng chỉ quan tâm đến mỗi điều ấy.

Nàng phân vân không biết giờ đây chàng đã rời khỏi Tây Ban Nha hay chưa. Việc nàng ra đi sẽ giúp chàng có được tự do không cần chàng phải đích thân ra tay. Chắc chắn chàng sẽ không có bất cứ cảm xúc nào ngoại trừ sự thanh thản lạnh nhạt khi đọc thư nàng. Và mặc dù nàng quan sát ráo riết Plaza Mayor trong suốt ba ngày qua kể từ sau khi nàng đến đây, nàng chưa hề thấy dấu hiệu đáng ngại nào chứng tỏ chàng đang theo dõi nàng.

Nàng thẫn thờ tự hỏi nàng có phải tiếp tục chịu đựng nỗi đau buồn đến tê liệt, mù lòa này đến cuối đời mình hay không. Ngày lại ngày trôi qua trong hoang mang rối rắm, nàng mặc nhiên làm theo những gì người khác nói một cách hờ hững, trong khi cái ách bất hạnh nàng chưa từng biết đến trong đời như thế cứ đè nặng trên vai nàng. Nó không giống như nỗi đau khổ điên cuồng trong những ngày ở castillo. Sự bất hạnh này là cảm giác tuyệt vọng đang tràn ngập khắp nơi khiến mắt nàng như lòa đi, chung quanh nàng bóng dáng mọi người chập chờn như hồn ma bóng quế, âm thanh tiếng nói cười sao quá mơ hồ không hề có bất cứ ý nghĩa nào đối với nàng. Nàng cảm thấy được nỗi khổ hạnh này đang níu kéo cơ thể nàng theo mỗi bước chân đi, toàn thân nặng nề như đeo đá.

“Quay một vòng đi, Margarita.” Tiếng nói Dona Jerónima vang lên lo lắng, nhưng âm thanh khiến nàng giật mình choàng tỉnh ra khỏi tâm thái hoang mang. “Được, chiếc áo này thật là vừa vặn đẹp đẽ, cháu có nghĩ vậy không? Người chọn đôi găng tay đó cho cháu có nhãn quan thật tuyệt diệu.”

Gò má Juana tái nhợt. Đôi găng của Tristán đưa nàng lúc trước vẫn ở trong túi chiếc váy nàng mặc hôm bỏ chạy – nàng đã bí mật cất giữ từ lúc nàng lấy chúng ra khỏi túi yên của chàng vào ngày họ đến Villenos. Sau đó nàng đã lấy lại từ tay Sanchia khi cô hầu tỏ ý muốn đốt quần áo cũ của nàng theo cái lệnh thản nhiên của bà chủ. Dona Jerónima đã săm soi đôi găng, tỏ ra thán phục rồi đặt may một bộ áo hợp màu cho khách của bà mặc trong buổi tiệc tối mai.

Sanchia đưa găng ra cho nàng, Juana vừa thấy là lập tức lấy ngay, rối vuốt cho thẳng trên những ngón tay thon mảnh. Chúng khít khao một cách tuyệt hảo, nàng lưu ý nhưng không lấy làm ngạc nhiên. Chiếc áo satin nặng nề màu thật xứng hợp với nền da ngọc trai. Đường thêu trên găng màu san hô, hoàng kim, và bạc giống như màu san hô trên lần petticoat (váy lót) với những đường sọc thật mảnh màu bạc và lớp ren hoàng kim trên lớp áo yếm cứng còng.

“Tuyệt quá! Chúng ta phải đặt mua hoa hồng cái tóc cho hợp với petticoat nữa.” Mắt Dona Jerónima không bỏ sót điều gì. “Trông rất nhã nhặn – cháu trông giống như một cô dâu vậy.”

Juana nín thở. “Cháu không phải thế đâu, senora, hay là muốn mình giống như thế. Làm ơn –”

“Điều đó làm cháu chạnh lòng à? Vậy cho ta xin lỗi. Nhưng cháu phải mau chóng quên đi mấy chuyện buồn xưa kia đi, ta hứa với cháu, khi cháu gặp được những người hào hoa thanh lịch ở Villenos. Họ không để cho cháu còn thời gian nhớ lại chuyện cũ đâu! Rồi cháu sẽ có bao nhiêu điều vui thú hơn là cứ vướng bận với những ký ức nhức nhối đó. Vì thế hãy quên quá khứ đi, Margarita, nó không thể nào đá động đến cháu nữa.”

Lần đầu tiên Dona Jerónima cảm thấy một thoáng hiếu kỳ về người đàn ông đã khiến con bé ra nông nỗi này. Đứa con gái trông quẫn trí ngày đầu bà gặp ở San Pedro, cứ liếc xung quanh như sợ hãi bị truy đuổi, nhưng giờ đây vẻ kinh hoảng lo âu trong đôi mắt nâu dài, và vành miệng đầy đặn trông buồn bã yếu đuối lại làm người phụ nữ già càng khó hiểu. Bà cố moi ra cái tên của người đàn ông đó, từ tốn dò dẫm hỏi han hay gợi ý đợi nàng trả lời, nhưng con bé tuyệt nhiên không hé môi. Bà chỉ biết được hắn ta là người lừa dối. Giờ đây Dona Jerónima cũng không biết nhiều hơn gì về hắn so với ngày đầu con bé đến đây. Đương nhiên cảm giác của nó không can hệ gì đến bà – cho dù muốn hay không muốn nó cũng phải dự phần vào trò chơi này – nhưng cũng thế thôi, thật là phức tạp.

“Lấy quạt, Sanchia. Không, không phải cái đó – cái mạ vàng của chồng ta đấy. Cháu biết cách cầm quạt chứ - à ra thế, ta thấy là cháu biết. Phong cách rất lịch thiệp.”

Vẻ khô khan trong giọng nói của bà đã cảnh giác Juana. Nàng đón lấy chiếc quạt to tướng, rồi không hề suy nghĩ bật chiếc quạt mở ra và xòe trên váy theo bản năng một cách mau chóng. Đôi mày mỏng dính của Dona Jerónima giương lên ngạc nhiên đã báo cho Juana về cử chỉ phi lý của mình. Một cô gái không lịch lãm từ làng buôn hương bán phấn của Villenos không thể nào có phong cách lịch thiệp được. Nhanh như cắt nàng đảo quạt lên che mặt, vờ chăm chú vào đường nét trên nền ren. Nó thật là nặng như là gò bằng vàng.

“Hồi trước cháu có - bạn, từng vào triều. Cô ấy được dạy những nghi lễ để hành xử đúng đắn, rồi thực tập với cháu.” Lúc nói những lời này, nàng nhớ đến phương cách dạy dỗ cần cù nhẫn nại của bác Beatriz phòng trường hợp con gái của em bà mong mỏi được đến Madrid. Tội nghiệp bác ấy, tạ ơn Chúa là bác không bao giờ biết đến bao nỗi truân chuyên xảy ra cho đứa cháu gái lớn nhất và bướng bỉnh nhất của bác! Cái điệu bộ nửa thiện chí nửa bức bối này trông giống như một hình ảnh kỷ niệm đến từ một thế giới khác.

“Cháu là một học trò giỏi đấy. Nào, cho ta xem!” Dona Jerónima khẽ gằn giọng. “Hãy xem như – coi nào – là Đức Vua Felipe đệ tứ. Cháu đi lại cuối phòng, xoay người, bước độ chục bước rồi thi lễ. Ta muốn thấy cháu làm như thế nào.”

Juana vô tình quay đi khi nghe đến cái tên đó, nhưng cố dò dẫm bước đi cho uyển chuyển dọc xuống phòng. Phòng của Dona Jerónima là tráng lệ nhất trong tòa nhà, gần như chỉ nhỏ hơn phòng khiêu vũ bên dưới, nên cũng không cảm thấy kỳ dị khi bắt chước đi đứng trong phòng theo kiểu các cận thần nàng từng thấy trong castillo với điệu bộ chuẩn mực cứng nhắc. Nàng đến bên cửa khung cửa sổ dài nhìn ra Plaza Mayor và chuẩn bị xoay người trong tiếng vải áo satin xào xạc, đột nhiên nàng sững người.

Qua hàng lưới sắt của balcony nàng thấy được quảng trường bên dưới với đài phun nước khổng lồ bằng đồng, và những nhóm người lúc nào cũng tụ lại gần hồ nước tìm đôi chút mát mẻ trong bầu không khí oi bức ban ngày. Hôm nay bên dưới bớt đông đảo hơn, vì lễ hội đã kết thúc và khu phố trở nên yên tĩnh như thường lệ, chỉ có độ hai chục người lang thang đó đây hay đang bước dọc theo lề phố. Bóng dáng của họ in rõ trên nết đất son mù bụi. Nàng đưa mắt thờ ơ nhìn đám người bên dưới, nhưng giờ đây có điều gì đó - cảm giác đó còn chính xác hơn cả lý trí hay mắt thấy khiến nàng như chết sững.

Nàng đăm đăm ngó xuống không tin ở chính mắt mình, tâm trí mụ mị sửng sốt. Người đàn ông bên cạnh đài nước đang tựa người một cách lơ đãng vào một bức tượng cá heo bằng đồng màu lục trang trí trên đầu tường, thân hình nửa khuất vào trong bóng râm. Anh ta mặc chiếc áo chẽn màu xám nàng chưa từng thấy qua, chiếc nón vành rộng che kín mặt, nhưng dáng dấp cao lớn rắn rỏi và bờ vai vạm vỡ đó thì không thể nào lầm lẫn: Felipe Tristán đang quan sát ngôi nhà, với sự kiên nhẫn không hề nhàm mỏi của chúa sơn lâm đang chuẩn bị truy sát con mồi.

Juana ép mình nhìn sang hướng khác, cố chế ngự nỗi sợ hãi trong thâm tâm. Nàng không thể đoán được chàng đã tìm ra nàng như thế nào, nhưng chàng vẫn chưa thấy nàng và giữa họ là những lằn ranh ngăn cách – do chính nàng dựng lên. Rồi đột ngột nhanh như cắt nàng xoay người bước về chỗ cũ, nhún người xuống thi lễ trước mặt Dona Jerónima như một cụm satin bồng bềnh. Không đường nét nào trên gương mặt điềm tĩnh một cách lạnh lùng cao ngạo tỏ lộ cảm giác như tim mình như bị xuyên thấu lúc nàng quay lưng lại với chàng.

“Ta nghĩ thế nào cháu cũng gây ấn tượng mạnh mẽ,” người góa phụ nhận xét thoáng chút mỉa mai. “Bạn bè của ta sẽ choáng váng mất. Nào, thay cái áo đó ra rồi mặc cái taffeta màu đỏ. Phải, ta biết cháu không thích áo màu, nhưng sau này hẵng, khi cháu bắt đầu rành rẽ lề thói của chúng tôi, cháu sẽ lựa chọn táo bạo hơn. Áo màu rất thích hợp với cháu – cháu không cần phải quá rụt rè e lệ.”

Juana cố ép tâm tưởng mình rời xa hình ảnh của Michaela, vênh vang trong bộ y phục đỏ thắm mượn của cô chủ. Cố hết sức nàng nói, “senora, cháu xin bà đừng đặt quá nhiều kỳ vọng trên những tiết mục tiêu khiển này trừ phi đó là vì ý thích riêng của bà. Cháu vẫn quyết định đi đến –”

“Ồ, đến cái tu viện chán ngắt đó của cháu!” Dona Jerónima dằn xuống để khỏi phải ngáp dài, nhưng ánh mắt bà long lên, đanh cứng. “Thôi được, nhưng cháu phải cho ta vài tuần tìm cách giải khuây cho cháu trước, ta yêu cầu cháu đấy! Đến lúc đó nếu cháu vẫn muốn khép mình lại cả đời thì ta sẽ giúp cháu. Nhưng cháu không thể trách ta tìm cách làm cho cháu đổi ý, phải không cháu, vì có cháu ở đây ta vui lắm? Với người như cháu đời có nhiều ưu đãi lắm, Margarita, hơn là những năm tháng thống hối trong tu thất trơ trọi đó.”

Juana liếc lại về hướng cửa sổ như thể bị lực vô hình nào đó bắt buộc, rồi đột nhiên nói nhanh, “cháu không muốn gì cả, hay là đáng được hưởng bất cứ điều gì,” trước khi nàng xoay qua Sanchia đang đợi giúp nàng cởi áo. Nàng không nhìn thấy nét mặt cau có của Dona Jerónima, vừa sửng sốt vừa nhạo báng.

“Thật vậy sao? Cháu chắc hẳn phải tội lỗi lắm! Nhưng vì ta, hãy làm ra vẻ tươi tắn hơn đi. Coi như là làm cho bà già này vui lòng, nhé?”

Câu hỏi nghe êm ái và cố tình cường điệu khiến Juana thốt ra một tiếng kêu nửa như nghẹn ngào nửa như cười khi áp lực căng thẳng đã phần nào trút khỏi đôi vai mỏng manh.

“Vậy cháu xin vì bà, senora. Cám ơn bà.”

-o0o-

Tòa nhà trông xôn xao náo động, Felipe Tristán buồn bã lưu ý. Thương buôn lũ lượt kéo đến rồi đi, nhưng vẫn chưa có người khách nào ngoại trừ ngài thị trưởng phì nộn. Ông ta đến thăm từ sáng vào ở lại khoảng nửa tiếng. Không cần phải hỏi cũng biết la viuda đang giương cờ gióng trống trở lại buôn bán làm ăn, nhưng dường như cuộc đấu giá vẫn chưa mở đầu.

Hỏi thăm bâng quơ với vài người đến nhà, Tristán biết Dona Jerónima đang chuẩn bị cho một vị khách trẻ, có lẽ là cháu gái hay họ hàng sao đó, và Don Bautista Zorilla đã bảo đảm thanh toán hết mọi chi phí. Một người thợ may cáu kỉnh thố lộ với chàng là ông ta không bao giờ muốn làm việc cho mụ phù thủy đó nữa trừ phi là trả bằng tiền mặt, nhưng Don Bautista không dám thất hứa vì sợ vợ ông ta phát hiện. Tristán lịch sự cám ơn, người thợ may quày quả bỏ đi phân vân không hiểu nguyên nhân nào khiến Don Bautista lại sử dụng cái anh chàng to con đó, ông thầm cám ơn số mệnh là mình đã không dính líu gì đến bất cứ chuyện gì đang xảy ra bên trong ngôi nhà đó.

Suốt ba ngày qua không hề có dấu hiệu nào của Juana, không thấy bóng dáng cũng không nghe tiếng – rõ ràng là Dona Jerónima chưa cho con mồi bén mảng ra bên ngoài cái lưới bà ta đang giăng nhanh. Và vấn đề vào nhà bằng cách nào vẫn còn nan giải. Gia nhân của la viuda, mới cũng như cũ, đều không cho bất cứ người nào vào nếu kẻ đó họ chưa biết mặt hay không có chứng cứ bảo đảm, và chàng cũng không có thời gian để lấy lòng tin của họ, giao du thân tình để họ cho vào. Bầu không khí sôi sục sửa soạn linh đình chứng tỏ người trong nhà chưa bao giờ nghỉ ngơi cả. Những đốt xương tay của Tristán đã trắng nhợt bên dưới cánh tay đang khoanh lại một cách bình thản. Thời gian trôi qua nhanh quá, trong khi đó Dona Jerónima có thể hoàn tất công phu chuẩn bị của mụ ta bất cứ lúc nào và sẽ trao món hàng mới tinh của mình cho các tay mua giàu có danh giá ở Villenos.

Có tiếng nhạc vang lên từ con phố kế bên khiến chàng đột ngột quay đầu lại, vì cung cách xa hoa như thế thật là hiếm cho đến bây giờ trong các đô thị lớn, nơi các nhà quý tộc cần phải có nhạc công dạo đàn cho họ khuây khoả trong lúc dạo bước trên đường. Dường như những người thành phần thấp kém hơn cũng học đòi như thế thì phải. Hai tiểu đồng trong y phục bằng lụa cầu kỳ, đang thổi sáo đi trước chiếc lọng màu xanh da trời được khênh bởi bốn người hầu mặc sắc phục. Bên dưới tàn lọng một vị phu nhân thanh lịch đang khoác tay với một người đàn ông râu bạc bước đi lụm khụm, theo sau họ là hai thị nữ và một chàng trai trẻ trang phục sặc sỡ bế một con chó nhỏ. Tristán quan sát quang cảnh phô diễn trước mắt trong chốc lát, vẻ khinh bỉ hằn rõ trong mắt, và thình thình toàn thân chàng sững lại một cách lạ lùng, y như điệu bộ của một con mèo lớn vừa thấy con chim đang tới, thật lặng yên như bị thôi miên. Rồi môi chàng khẽ nhếch lên nụ cười châm biếm, và lúc cái đoàn diễn hành nhỏ đó tới gần chàng chậm rãi vung nón chào một cách chế giễu.

Ánh lửa đỏ trên mái đầu trần của chàng đã lôi kéo sự chú ý của vị phu nhân, bà ta đột nhiên liếc quanh và giương to mắt ngay tức thì. “Có phải – có thể nào là Felipe không?”

Bà ta nôn nóng bật ngón tay ra hiệu cho người nhạc công ngưng thổi sáo, và đoàn người dừng hẳn lại. Tristán vươn người, nhìn xuống bà ta bằng ánh mắt bí ẩn.

“Bà có lợi thế hơn tôi, senora.”

“Ông biết tôi, tôi nghĩ thế.” Tia mắt của bà ta lướt khắp thân hình chàng một cách ngưỡng mộ, rồi ngước lên nhìn vào mặt chàng thoáng vẻ thách thức.

Chàng cúi đầu. “Vâng, tôi biết bà. Nhưng giờ thì tôi không biết tên của bà.”

Bà ta ngả đầu phá lên cười, phô bày cần cổ trắng mịn như hoa mộc lan, những phiến răng nhỏ trông như ngọc trai giữa đôi môi tô son đỏ thắm. “Tôi thật là khờ, đương nhiên là ông không biết rồi! Đã quá lâu - những mười hai năm? Hay là lâu hơn nữa?”

Chàng nhận ra tia nhìn cảnh giác lóe lên trong mắt bà ta và biết những lời đó là dùng để thử chàng xem chàng có nhớ hay không. Chàng lạnh lùng nhún vai. “Đủ lâu rồi. Bà bây giờ ra sao, Dona Elena?”

Bà ta cười rạng rỡ. “Không gì bằng lúc này! Hiện giờ tôi là bá tước phu nhân Argote de Molina – quý ông đây là là phu quân của tôi, bá tước.”

Tristán cúi chào không đưa ra lời nhận xét nào. Cái thân hình gầy còm, lưng còng với chòm râu lưa thưa, ngước lên ngó chàng chăm chú với ánh mắt hậm hực khó chịu. So với người thiếu phụ lộng lẫy, mỹ miều đang khoác tay ông ta, người đàn ông này trông giống ông ngoại của bà ta thì đúng hơn. Chàng nghĩ bà ta đã thay đổi kể từ dạo đó: mái tóc, đỏ sậm hơn màu tóc chàng vấn cao bóng mượt cái kiểu chàng vẫn còn nhớ, nhưng gương mặt giờ đây đầy đặn, dáng dấp nẩy nở hơn. Bà ta buông tay ông chồng ra và đưa những ngón tay tròn trịa đặt lên cổ như muốn lôi kéo sự chú ý của chàng đến vẻ mịn màng nơi ấy.

“Elena,” người đàn ông già cáu kỉnh lẩm bẩm, “người này là ai vậy? Anh có biết ông ta không?”

“Em biết, Ingigo yêu mến. Là một người bạn cũ của em, em không gặp anh ấy nhiều năm lắm rồi – và em rất vui mừng được gặp lại.”

Thái độ của conde đã bớt khó chịu, ông thì thào, “chưa bao giờ biết cả... nhiều bạn quá...” phu nhân của ông ta vỗ vỗ bàn tay nổi đầy gân trước khi ngước lên nhìn Tristán mắt lóe lên vẻ thách thức. Chàng lên tiếng, gương mặt vô cảm, “chúc mừng phu nhân, condesa,” và gò má trắng muốt như kem thoáng ửng đỏ.

“Chắc ông vừa mới trở lại đây, hay là trước đó tôi đã từng gặp ông. Ông lưu lại đây lâu không?”

“Tôi chưa có ý định để -” ánh mắt đó nhìn bà ta thật kiên định và dường như hơi băn khoăn lo âu, condesa thầm nghĩ – “nhưng tôi e kế hoạch của tôi sẽ thay đổi. Xem ra tôi phải lấy lại cái tôi đã mất trước khi tới nơi tôi muốn.”

Vẻ thú vị chiếu sáng gương mặt yêu kiều của condesa Elena. “Phải lấy!” Bà bật cười khẽ, tiếng cười khàn khàn thích thú. “Lúc trước ông đâu phải là người dứt khoát – cái tính này sẽ giúp ông nhiều hơn là mong nhớ tương tư và làm thơ đấy.” Bàn tay đeo găng đùa nghịch với cái nút thắt ribbon màu lục ngay ngực bà ta. “Thời gian đã khiến ông mở mang tiến bộ hơn, tôi nghĩ vậy.”

“Thời gian chắc chắn sẽ tử tế hơn đồng loại của tôi.”

Âm điệu sắc lạnh ẩn dưới câu trả lời lễ độ thu hút sự chú ý của bà ta khiến condesa ngó chàng chăm chăm, rồi bà ta bật cười khúc khích, môi hé ra khiêu khích.

“À, ông bạn Felipe tội nghiệp của tôi! Mấy người bạn của tôi đã để dấu lại trên mặt ông, phải không? Tôi chưa bao giờ có ý như vậy cả! Nhưng tôi không tin được là cái vết xước đó lại cản trở việc tỏ tình của ông. Hầu hết phụ nữ ưa thích đàn ông phải cho ra vẻ đàn ông chứ không phải là đàn ông mà tính gà mái.”

“Vậy thì tôi phải cám ơn bà vì đã bảo đảm cho tôi gặt hái thành công với phái đẹp.” Không một chút xúc cảm nào âm hưởng trong giọng nói Tristán ngoài vẻ lịch sự không thể hiểu thấu. “Chắc bà từng nghĩ tôi bất lịch sự vì ngay lúc đầu đã không làm thế, và tôi rất mong bà thứ lỗi cho.”

Trong một thoáng mắt bà ta lóe lên tia ngờ vực, nhưng conde đã đưa tay kéo tay bà ta. “Elena...”

“Vâng, vâng, em đến ngay! Hãy đến thăm chúng tôi nhé, senor, trước khi ông rời khỏi – có lẽ tôi có thể giúp ông bù lại thật xứng đáng... cái mà ông đã mất.”

“Tôi e rằng tôi có dự định khác.” Đôi mắt xếch vô tình chiếu nhanh đến những vách tường trắng toát của ngôi biệt thự de Herroros, và condesa cũng dõi theo tia mắt chàng.

“Ồ, tôi không tin la viuda phá lệ cũ vì ông! Khắp phố đều biết bà ta từ chối không gặp ai hay cho ai tới cho đến tối mai, lúc mà chúng ta đã trả giá xong để gặp được người bà ta bảo hộ. Nếu ông tìm cách hưởng dụng trước thì ông thật vẫn chưa mất đi cái thói táo bạo lúc trước!”

“Tối mai à?”

“Thì sao, đúng thế, tôi được mời đi cùng với chồng tôi.” Bà liếc xéo chàng bên dưới rèm mi. “Ông có thể tháp tùng với chúng tôi, có lẽ, nếu ông quá... hiếu kỳ.”

“Elena...”

“Vâng, được rồi, Ingigo! Chúng ta không thể trò chuyện ở đây,” condesa nói nhanh, “nhưng hãy đến gặp tôi sớm nhé, rồi chúng ta sẽ bàn xem làm cách nào tôi có thể giúp ông... thực hiện mục đích của ông.”

Tristán cúi đầu, nhìn ánh mắt chàng lúc này không ai có thể đọc được điều gì. “Tôi sẽ đến. Bà ở...”

“Ồ, căn phố của chúng tôi ở trên Calle Negro – ai cũng biết cả.” Bà ta nhìn chàng cúi đầu trước những ngón tay mình đưa ra với nụ cười khóe miệng hơi run lên cố hữu, rồi thì thào lúc chàng vươn người đứng dậy, “tối nay – lúc mười một giờ nhé.”

Ánh mắt màu lục chăm chú nhìn bà ta một cách bí ẩn trong một thoáng, rồi bị cặp mí nặng che khuất.

Condesa cao giọng nói thêm, “khi chúng ta gặp lại mình có thể hàn huyên chuyện cũ – lúc mà tôi còn quá trẻ, và rất, rất ư khờ dại.”

Tristán vội chào conde, đoạn quay gót bỏ đi.

Người đàn ông già dõi theo chàng đi, rồi kéo tay vợ mình. “Elena, em cần nói chuyện giữa đường phố như thế sao? Em nói chuyện gì với ông ta thế?”

Condesa bật cười giòn giã. “Anh không cần phải ghen đâu, Ingigo đáng thương của em! Em biết quý ông đó từ khi ông ta còn là chàng thanh niên mới lớn mười tám tuổi – anh muốn em phải tảng lờ một mối thâm giao lâu đến như vậy sao? Ngoài ra, ông ta có thể giúp em khuây khỏa trong lúc anh đi Toledo tuần tới lo cái công chuyện chán ngắt của anh...”

-o0o-

Juana rùng mình khi nàng phải tròng vào cái áo màu ngọc trai rồi bị thắt tới thắt lui lần nữa. Nàng không nghĩ mình sẽ cảm thấy sợ hãi khi gặp khách khứa của Dona Jerónima, nhưng bây giờ, khi nàng cần cái cảm giác biệt lập, thì nó lại bỏ rơi nàng. Khi thức giấc sáng hôm đó, nàng cảm thấy bệnh đến nỗi không muốn bước xuống giường. Cứ thế nàng nằm đấy, vã mồ hôi, chịu đựng và khinh miệt chính sự nhút nhát của mình, cho đến khi cơn buồn nôn qua đi. Suốt cả ngày nàng chỉ ăn được chút ít, và giờ đây nàng cảm thấy đầu óc vần vũ hoang mang lo sợ.

“Tôi muốn cô uống thêm chút gì đi, senorita.” Giọng nói lo âu của Sanchia vang dội trong tâm tưởng nàng. “Thế nào trong buổi tiệc người ta cũng uống nhiều rượu lắm cô sẽ thấy buồn nôn nếu không ăn trước. Dùng một chút sữa nhé –?”

Juana mỉm cười với gương mặt chất phác, tốt bụng. “Vậy thì một chút sữa, Sanchia, nhưng chúng ta phải cẩn thận – nghĩ xem Dona Jerónima sẽ nói gì đây nếu tôi làm dơ áo.”

Sanchia làm dấu thánh không nói lời nào rồi vội lao ra ngoài.

Cố làm cho tâm trí mình xao lãng, Juana bước đến trước tấm gương. Một tuyệt tác nhỏ, nàng lưu ý chưa gì mà đầu nàng đã nhức như bị niềng bằng một cái vòng sắt. Những người thợ làm tóc của Jerónima phải mất gần hai tiếng để chải cho nàng kiểu tóc nặng nề này. Trước hết là phải thoa dầu cho thật bóng mượt rồi căng tóc ra trên một cái khung cong giống y như cái ách cài chặt trên đỉnh đầu nàng. Senor Lajos thường nói với nàng các quý bà cần độn tóc thêm bằng tóc của người khác hay là lấy từ bờm ngựa! – nhưng đối với senorita, chuyện đó không cần thiết. Những lọn tóc đen ánh xanh viền lấy gương mặt nàng như một vầng hào quang cứng nhắc, những đóa hoa hồng màu san hô nổi bật trên nền sẫm của tóc như đồ trang sức nạm trên gỗ mun. Nàng nhớ lại mái tóc mình cũng được vấn như thế này ngày nàng tới castillo Benaventes, và ở chốn này nàng vẫn là một con búp bê trong tay kẻ khác, trước đó là cha nàng, giờ thì Dona Jerónima. Con búp bê được tô điểm trang hoàng rồi mang đi bán.

Sanchia đem sữa tới, Juana nhấp từng ngụm nhỏ, thoạt đầu e dè uống thử sau đó thì tỏ ra hứng thú. Nàng đã cảm thấy ổn định tỉnh táo hơn, cảm giác buồn nôn cũng lắng xuống. Nàng tự nhủ mình chỉ là nhát nhúa thôi. Trước đây nàng từng tự hào về lòng can đảm của mình biết bao, nhưng giờ đây, khi nàng gặp Felipe Tristán...

Chàng chưa từng xuất hiện trong Plaza Mayor ngày hôm đó, nàng tự nhắc mình, rồi cau mặt nhìn ly sữa như thể nó thình lình bị chua. Nàng quan sát rất kỹ lưỡng, nhưng không hề thấy bóng dáng chàng – có lẽ chàng đã chấp nhận thua cuộc, bỏ rơi trò chơi. Juana thở dài và tự nói với mình rằng nghĩ như thể chỉ là để bớt căng thẳng thôi, nhưng tốt hơn là phải kết thúc cho nhanh. Nhưng rồi mọi chuyện đã xảy ra quá chóng vánh – còn chưa đến hai tháng kể từ khi nàng từng là cô con gái cưng của Miguel de Arrelanos, tâm trí chả nghĩ ngợi gì ngoài việc kết hôn với Jaime de Nueva. Trong những tuần lễ ngắn ngủi ấy nàng đã mất tất cả trong tay Tristán, y như một tay chơi bài cùng đường càng lúc càng nướng dần tiền tài vào những ván bài xấu: gia đình của nàng, tổ ấm, và tất cả những gì mà nàng tin tưởng là yêu thương, trinh tiết, lòng cam đảm và cuối cùng, thật miễn cưỡng, chính là con tim của nàng.

Nàng chưa từng biết một món quà cho đi mỏng manh như thế nào, và nàng cũng không nhận ra là mình đã trao ra hay chưa. Chỉ đến khi nàng biết được thì đã quá muộn màng. Giờ đây nàng đã thoát được chàng và bỏ lại tình yêu đó sau lưng, để không cần phải biết chàng sẽ thích thú bóp nát nó bằng thái độ lạnh lùng ra sao. Làm như thế là từ bỏ tương lai tự do mới mẻ mà nàng từng hé nhìn thoáng qua, nhưng Juana không màng quan tâm tới nữa – ít ra, lần này nàng đã tự chọn con đường riêng của mình, cho dù nó có đưa nàng tới nẻo hoang sơ nào đi nữa.

-o0o-

Thật lâu sau khi trời đã về chiều, Plaza Mayor vẫn sáng rực ánh đuốc khi khách khứa nườm nượp kéo tới bên ngoài casa (biệt thự) de Herreros. Cửa lớn được mở rộng, hai người hầu cửa vừa được thuê đứng chầu chực hai bên, thêm bốn người nữa túc trực trong khách sảnh, còn Don Bautista Zorilla mắt rạng ngời đã quên mất béng tính toán tổng số tiền công và đồng phục của họ đã khoan một lỗ thủng lớn cỡ nào trong số tiền đầu tư năm ngàn quan. Ông bước vội về phía chủ nhà đang đứng một cách trang trọng trong bộ y phục satin màu vàng nâu.

“Jerónima, bà trông tươi tắn quá.” Giọng ông ta nghe chân thành khiến bà mắt bà long lanh.

“Nói hay lắm, Bautista. Tôi công nhận là đôi khi ông vẫn chưa quên được phong cách của ông! Vợ ông không đi cùng ông sao?”

“Không.” Ông lúng túng đỏ mặt. “Bà ấy không đến đâu. Bà ấy bảo –”

“Rằng chỉ có đồ ngu mới nghĩ bà ta đặt chân lên ngưỡng cửa mụ đàn bà ấy, đúng chứ? Tốt! Bà vợ nào cũng nói giống nhau, nhưng tôi không hối hận vì sự vắng mặt của họ đâu. Mắc công họ cản đầu cản mũi các đức ông chồng thưởng thức tác phẩm nghệ thuật mới nhất của tôi.” Dona Jerónima phe phẩy cánh quạt trước mặt và nở nụ cười với người khách vừa đi ngang. “Mặc dù tôi không thể nhận nhiều công lắm, nhưng tôi thú thật – cái viên ngọc này hầu như là không cần mài dũa. Vào xem nó được trau chuốt ra sao.” Bà vẫy tay xua ông đi, nhưng ông vẫn chần chừ nán lại.

“Chỉ có mình cô ấy thôi à?”

“Tôi đã xếp cho nó nhảy với Alonso Feria. Anh ta vô hại và còn đang mê mẩn nói chuyện với nó trong lúc họ đang nhảy, trong khi đó thì những người khác có thể tự do ngắm thưởng.”

Don Bautista hít mũi tỏ vẻ thú vị, bật lên ho rồi vội bước lên thang về phía tiếng nhạc đằng xa. Dona Jerónima kiên nhẫn nhìn theo ông ra khỏi tầm nghe rồi mới buông tiếng thở dài thích thú, rồi quay qua chào những người khách mới tới. Vậy là thành công, bà vừa suy nghĩ vừa cười nói, thành công chắc chắn. Giờ đây danh tiếng của bà đã lôi kéo họ đến đây - họ có lẽ ngồi lê đôi mách sau lưng bà, nhưng khi nghe bà mời là kéo đến lũ lượt – con bé Margarita sẽ hấp dẫn họ trở lại hết lần này tới lần khác. Buổi tối nay sẽ đánh dấu một khởi đầu màn – bà nhấm nháp thưởng thức cái từ đáng yêu – “đấu giá” dài, tiền của vô như nước.

Juana, đang di chuyển một cách hờ hững giữa các bước nhảy nhịp nhàng với chàng thanh niên với đôi mắt nghiêm trang, ánh mắt chàng ta nhìn đăm đăm như dán vào mặt nàng. Thoạt tiên nàng không hề lưu ý đến bất cứ điều gì sai sót xảy ra chung quanh nàng, chỉ đến khi bản nhạc gần chấm dứt nàng mới có cơ hội xem xét tổng quát căn phòng và nhận ra cách tính toán của vị chủ nhà hiển nhiên thật đáng trách. Trong đám đàn ông ngoài kia chỉ có hai hay ba người phụ nữ, và họ cũng không còn trẻ trung gì – có phải bà góa này không thích bị cạnh tranh ngay trong nhà mình? Tuy nhiên sự hiện diện của nàng ở đây dường như mâu thuẫn với ý nghĩ đó. Nàng cúi đầu đáp lễ với người thanh niên đang nghiêng người chào và ấp úng thốt ra lời cám ơn trước mặt mình, rồi nhẹ nhõm quay sang chào Don Bautista. Ông ta là khuôn mặt duy nhất nàng nhận ra được, vì đã đến thăm Dona Jerónima nhiều lần từ khi nàng tới, và nàng cảm kích sự tế nhị của ông ta chưa lần nào nhắc đến ngày nàng tới mỗi khi ông xuất hiện. Lúc này nàng chỉ mỉm cười đơn giản tỏ ý nhận biết, còn ông ta thì ngập ngừng một cách rõ rệt trước khi tới gần cúi xuống thật thấp hôn tay nàng.

Trước khi ông muốn tỏ thêm hành động hơn là chỉ thốt ra vài lời khen rời rạc, nhưng bỗng nhiên có tiếng khua xào xạc của những lớp váy và một làn hương thơm thoảng đến báo trước Dona Jerónima đang tới. Mặt bà tươi cười thỏa mãn, nhưng ánh mắt và vành môi cong thoa son thì rắn đanh như thép.

“Tôi đã để lại quản gia để tiếp đón những người khách chót vì đây chỉ là một việc giao thiệp hết sức bình thường. Nào, Bautista, đừng có lẩn quẩn quanh Margarita như thế - ông đang chắn không cho cô ấy nhìn quang cảnh chung quanh đấy.”

Quan trọng hơn là để mọi người trong phòng ngắm được cô ấy, ông tức tối nhận ra. Ông đứng nhích sang một bên và hỏi một cách hy vọng, “lát nữa tôi có thể đưa senorita vào dùng bữa tối không? Đặc quyền của người quen biết trước –”

“Ông bạn tốt, rồi kế đến là chuyện gì nữa?” Dona Jerónima chặn ngang, phá lên cười trước khi Juana lên tiếng. “Tôi không thể bỉ mặt người khách đặc biệt nhất khi tỏ ra ưu ái ông hơn, Bautista thân mến. Chúng ta nhận được vinh dự vượt quá sự mong đợi của mình, Margarita – con trai của ngài tỉnh trưởng đang có mặt ở đây! Don Diego Ruiz, ông ta là khách của đức giám mục. Khi nhận được thiệp mời của ta thì ngài năn nỉ ông ấy tháp tùng ngài tới đây. Có phải là may mắn lắm không? Ông ấy rất hào hứng được gặp cháu, cháu thân mến à, và ta không cho rằng cháu sẽ từ chối thịnh tình của ông ấy đưa cháu vào tham dự bữa tối, bởi vì ông ấy còn trẻ, đẹp trai, cũng là người lịch thiệp và hào phóng nhất – nhìn đằng đó kìa!”

Don Bautista cau mặt khi ông dõi mắt theo bàn tay vẫy uy nghi của bà chủ nhà. “Giàu đến cỡ nào chứ?” Ông thì thào hỏi một cách hằn học.

“Giàu lắm ông cạnh tranh không nổi đâu, nếu mà anh ta trả giá.” Bà êm ái trả lời rồi vẫy tay ra hiệu.

Don Diego sốt sắng bước đến theo lời mời anh ta trông đợi từ nãy đến giờ. Đây là một chàng thanh niên trẻ, dáng người thấp rắn rỏi với nụ cười rạng rỡ và hàm ria không chải vuốt. Anh ta trông sáng láng bảnh bao, thậm chí còn trang phục một cách phô trương trong bộ áo nâu viền vàng sáng chói, tay đeo ngọc topaz lấp lánh và nạm cả trên dây chuyền đeo cổ. Còn về phía Juana, nàng đang nhìn anh ta bằng ánh mắt tỏ rõ vẻ lạnh lùng, anh chàng này trông khôi ngô hơn là trẻ trung và quá tự tin về sức thu hút của mình nên nhìn chung không còn quyến rũ mấy. Nghe Dona Jerónima hối thúc nàng đưa tay ra cho anh ta hôn, nhưng không hề cười.

“Senorita, người nô bộc tận trung của tiểu thư! Tôi cho rằng mình là người hạnh phúc vì hân hạnh là một trong những người đầu tiên được thấy senorita Margarita.”

“Ông gọi tên tôi tùy tiện quá, senor.”

“Tôi xúc phạm đến cô sao?” Hàng mày anh ta nhướn lên sửng sốt trước lời lẽ sắc bén của nàng. “Đành xin lỗi cả ngàn lần vậy – tôi chỉ có thể bào chữa đó là vì quá háo hức muốn ra mắt cô thôi, senorita, và tôi hứa sẽ sửa đổi cho đến khi tôi được phép cô để cư xử cởi mở như thế.” Anh ta mỉm cười với Don Jerónima. “Xin bà cho phép tôi ở lại, senora, để năn nỉ xin lỗi nhé? Nếu không tôi sẽ bị nghĩ mình là người thất lễ, điều này thì tôi chịu không nổi rồi,” anh ta trầm trọng nói thêm, rồi lại đưa mắt nhìn mặt Juana.

“Vậy thì theo ý ông.” Dona Jerónima mỉm cười.

Bà toan bỏ đi vào trong lối đi nhỏ kéo theo Don Bautista đang hậm hực tức tối, vừa ngay lúc ấy khung cảnh phiền toái ngay bên ngoài cầu thang thu hút sự chú ý của bà. Dona Jerónima khẽ lừ mắt, cho dù nụ cười lúc nào cũng như gắn cứng trên mặt, lời nói của bà rít róng giữa kẽ răng.

“Đồ chó cái! Cái lão già ngớ ngẩn đó chắc đã cho mụ ta xem thư mời rồi, giờ mụ ta đi cùng với lão tới đây để trêu gan tôi. Mụ biết là tôi không hoan nghênh phụ nữ cho đến khi nắm được phần thắng trong tay mà, đồ điếm.”

Don Bautista nhô ra, rồi lại lui vào. “Chuyện gì vậy? Ai thế?”

“Ingigo Argote de Molina đem vợ lão ta tới – hay mụ ta lôi lão tới thì đúng hơn. Tôi nghĩ khi tôi mời, lão đi đứng run lẩy bẩy như vậy thì chắc hiếm khi ra khỏi nhà, nhưng tôi mời cho có lệ thôi. Giờ thì nguyên cả dây nhà lão đều tới - mấy thằng em của mụ, cái tên quê mùa kệch cỡm ôm chó cho mụ ta – ông tin đi mụ ta kéo tới hết mấy cái miệng đói khát ở làng xã tới đây đấy! Tôi cho rằng –” bà ngưng bặt và nói thêm bằng một giọng khác, “Nào nào.”

“Jerónima, nghe đây – còn anh chàng trẻ Ruiz thì sao –”

“Đi theo tôi Bautista, đừng huyên thuyên nữa. Tôi phải nói chuyện với bà bạn tốt lành Elena của tôi đây – có lẽ tôi sẽ tha cho mụ ta cái tội dám tới đây cũng không chừng.” Dona Jerónima lướt tới trước, miệng đanh lại, một lối đi đã mở sẵn trước mặt bà dẫn ra đến cửa.

Juana liếc quanh, vụt thảng thốt khi thấy người bảo hộ đã không còn ở bên cạnh mình. Nàng khẽ xoay người định đi theo nhưng những ngón tay nâu của Don Diego đã đưa giữ lấy tay áo xẻ rãnh của nàng.

“Cô không bỏ tôi đi như vậy chứ senorita? Tôi hạ mình thế vẫn chưa đủ sao?”

“Còn hơn thế nữa, senor, nhưng tôi phải đi với Dona Jerónima. Tôi không nghĩ là bà có ý định để tôi lại một mình với ông.”

“Tại sao lại không được? Bà ấy là người tốt bụng nhất và biết rằng tôi sẽ cảm kích bà ấy lắm – Bà ấy và tôi đã có thỏa thuận trước đó, nếu cô nghi ngờ tôi cô chỉ cần hỏi bà ấy là được. Tôi biết bà ấy sẽ tán thành thôi.” Mắt anh ta lướt khắp người nàng, đánh giá nàng một cách lộ liễu. “Nói cho tôi nghe, bà ấy tìm được cô ở đâu? Có phải bà ấy triệu cô từ khoảng không như linh hồn, hay là từ biển lên như Aphrodite (nữ thần tình yêu, sắc đẹp)? Sao cô lại quay đầu đi?”

“Tôi không thấy tính hài hước của ông thú vị chút nào,” nàng lạnh lùng trả đũa.

“Xui cho tôi quá!” Anh ta bật cười và nhanh chóng chồm sát hơn, nét mặt đầy hăm hở. “Cô thích tôi nói chuyện nghiêm túc với cô hơn sao?”

“Tôi muốn ông buông tay áo tôi ra thì đúng hơn. Xin ông làm ơn, senor.”

“Nào, điều này thật mới mẻ đây!” Dường như không hề cảm thấy bị xúc phạm, Don Diego hướng về nàng với thái độ nửa kích thích tò mò nửa thưởng thức. “Thông thường tôi không cho lời nói vị nữ chủ tốt bụng của chúng là quan trọng, nhưng có tất cả các thánh chứng giám, tôi bắt đầu tin cô - thực sự đúng như lời rao đấy.”

Juana lui lại một bước. “Tôi nghĩ ông chỉ nói vớ vẩn.” Cố để hiểu những lời nhận xét khó hiểu của anh ta làm cho nàng càng nhức đầu hơn, hàng lông mày mịn của nàng cau vào, “xin lỗi ông, senor, Dona Jerónima –”

“Margarita, cháu thân mến, Don Diego đang giúp cháu tiêu khiển à? Ông ấy là người dí dỏm lắm! Nào –” Dona Jerónima cầm tay Juana, nhẹ nhàng xoay người nàng lại đối diện với nhóm khách vừa tới – “ta giới thiệu cháu với người bạn thân mến của ta condesa Elena Argote de Molina... phu quân của bà conde... Francisco và Agostín de Frontenera, em của bà... senor Felipe Stanford – đó là cách người ta gọi như thế, phải không senor? – là bạn của bá tước phu nhân từ Anh quốc tới... senor Sebastian...”

Giọng nói thoáng vẻ thú vị thoảng dần trong lúc Juana ngước mắt lên. Nàng cảm thấy thế giới chung quanh như đã biến đâu mất, bỏ lại nàng lơ lửng trong không gian và thời gian, phó mặc nàng cho hoàn cảnh. Tim nàng như ngừng đập, rồi lại lồng lên dữ dội khiến nàng cảm thấy người mình như bị lắc mạnh cùng với nhịp tim. Dần dần nàng đã nghe lại được, bóng tối trong mắt đã thoảng đi.

“... cô bạn trẻ và là vị khách quý của tôi, senorita Margarita Armendariz.”

Juana hạ người thi lễ khi Dona Jerónima kết thúc lời giới thiệu. Nàng nghe được người phụ nữ kia cười giòn giã bên trên đầu nàng và tiếng trả lời run rẩy của người đàn ông lớn tuổi. Rồi như thể bị thúc ép, nàng ngước đầu lên nhìn vào ánh mắt xuyên thấu màu lục của chồng nàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.